Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 160518
Diễn đàn Kinh tế
Trung Quốc là một Trung tâm Đầu độc Thế giới
Cách nay nửa thế kỷ, vào Tháng Năm năm 1966, cuộc Cách mạng Văn
hóa Vô sản Vĩ đại do Mao Trạch Đông phát động là biến cố lịch sử khi một
hai triệu người mất mạng trong 10 năm bạo động cho tới khi họ Mao qua
đời năm 1976. Ngày nay, lãnh đạo Bắc Kinh tránh nhắc đến tai họa đó vì
đấy là một trang sử đẫm máu của đảng Cộng sản Trung Hoa sau cái Bước
Nhảy Vọt Vĩ Đại cũng của Mao Trạch Đông để công nghiệp hóa một cách điên
rồ làm gần 40 triệu người chết đói trong thời bình, từ năm 1958 đến
1961. Chúng ta có thể rút tỉa được bài học kinh tế nào từ các cuộc vận
động đẫm máu này?
“Vụ án xét lại chống đảng”
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế
Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, đúng 50 năm trước, ngày 16 Tháng Năm năm
1966, sóng gió đột nhiên bùng nổ tại Trung Quốc khi Mao Trạch Đông phát
động cuộc Cách Mạng Văn Hóa để loại bỏ các đối thủ chính trị của ông
ngay trong đảng Cộng Sản Trung Hoa và gây ra 10 năm biến động khiến cả
triệu người bị mất mạng cho tới khi họ Mao tạ thế vào năm 1976. Ngày
nay, tuần này, Bắc Kinh hoàn toàn không muốn ai nhắc tới biến cố bất
thường và độc ác đó, nhưng tiết mục Diễn đàn Kinh tế của chúng ta vẫn
lần giở lại trang sử cũ để rút tỉa một số bài học của quá khứ khi mà các
biến động tại Trung Quốc đều dội vào tình hình của Việt Nam. Ông nghĩ
sao về vụ này?
Với Mao, việc Stalin bị hạ bệ là mối lo chính trị cho bản thân ông vì sợ rằng nhiều đảng viên khác ở chung quanh cũng đi vào con đường ông ta gọi là “xét lại” của Krushchev. Cộng sản Hà Nội cũng học theo đó mà bày ra “vụ án xét lại chống đảng”. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin tập trung vào khía cạnh kinh tế của
một thảm kịch chính trị với ảnh hưởng tai hại cho Việt Nam và nhắc đến
một chuyện hiện đại trên trường quốc tế. Một ngẫu nhiên mỉa mai của lịch
sử là khi lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay cố quên đi những sai lầm chết
người của lãnh tụ đảng Cộng sản thì cuối tháng tới, Tòa án Trọng tài
Thường trực sẽ có phán quyết về việc Philippines kiện Trung Quốc vi phạm
Công ước Quốc tế về Luật biển khi ngang nhiên chiếm đoạt nhiều quần đảo
tại vùng Trường Sa. Đây là cơ hội cho thế giới thấy bộ mặt thật của
Trung Quốc. Với bản thân tôi, cuộc Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại hay Đại Văn Cách của Mao Trạch Đông nhắc nhở chúng ta về hai biến cố trong lịch sử xứ này.
- Biến cố thứ nhất, cũng bùng nổ vào một Tháng Năm là cuộc Vận động Ngũ Tứ
ngày bốn Tháng Năm năm 1919 dẫn tới việc đảng Cộng sản Trung Hoa ra đời
năm 1921. Thời đó, Trung Hoa Dân Quốc được thành lập từ năm 1912 có một
ưu điểm chưa hề thấy trong lịch sử Trung Hoa là quyền tự do tư tưởng và
lập hội, nhưng trên nền móng suy yếu của xã hội lạc hậu và dưới sự cai
trị của nhiều lãnh chúa quân phiệt. Khi Thế chiến I kết thúc, các nước
thắng trận đã chia quyền lợi với nhau và lấy tỉnh Sơn Đông do Đức chiếm
đóng mà trao cho nước Nhật. Vì vậy, giới thanh niên trí thức Trung Hoa
nổi giận và mở ra cuộc vận động ngũ tứ để phản đối sự nhu nhược của
Chính quyền Dân Quốc do Quốc dân đảng lãnh đạo mà thực tế lại nằm trong
tay một lãnh chúa xưng danh Thủ tướng là Đoàn Kỳ Thụy. Kết cuộc thì đảng
Cộng sản Trung Hoa ra đời chỉ với 13 trong số 60 đại biểu rải rác trên
toàn quốc….
Nguyên Lam: Độc giả của chúng ta đã quen với cách nhìn vấn
đề từ một bối cảnh sâu xa của ông Nghĩa, nhưng thưa ông, chuyện ấy nó
liên hệ thế nào đến cuộc Cách mạng Văn hóa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta không quên là trong cảnh loạn lạc của
Trung Hoa trăm năm trước với dân số khỏang ba bốn trăm triệu, giới đầu
tư quốc tế Âu-Mỹ-Nhật vẫn đem tiền vào xứ này làm ăn và mở ra một hy
vọng mới cho người dân quá nghèo đói. Đảng Cộng sản Trung Hoa ra đời
trong khung cảnh ấy và hứa hẹn hai chuyện do chính Mao Trạch Đông đề ra
từ năm 1919. Thứ nhất là khôi phục lại sự vinh quang của Hán tộc và thứ
hai là đem lại áo cơm cho bá tánh. Ít ai ngờ là 30 năm sau, đảng Cộng
sản còn mơ mơ hồ hồ này lại chiến thắng vào năm 1949. Họ thắng hai việc,
thứ nhất là mượn sức Quốc dân đảng để đánh Nhật rồi thứ hai thắng Quốc
dân đảng để cai trị cả nước. Ngoài yếu tố quốc tế là Nhật bị Hoa Kỳ
khuất phục, sức mạnh của người cộng sản đến từ việc huy động được quần
chúng lầm than đông đảo, nhất là tại các tỉnh lạc hậu bị khóa trong lục
địa. Nhưng sau khi chiến thắng, họ không biết làm sao quản lý xứ sở.
- Về quản lý, Mao Trạch Đông phải nhờ Liên Xô dưới sự lãnh đạo sắt máu
của Stalin và coi lãnh tụ này là một thần tượng nên học hỏi để công
nghiệp hóa xứ sở lạc hậu của mình. Ông thất bại hoàn toàn với chiến dịch
gọi là Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại hay Đại Dược Tiến làm gần 40 triệu
người chết đói từ năm 1958 đến năm 1961 và bị các đồng chí khác phê bình
ở bên trong. Đấy là động lực chính yếu của cuộc Cách mạng Văn hóa là
dùng quần chúng ngoài đảng đánh vào thượng tầng đảng để lần lượt loại bỏ
mọi đối thủ chính trị như Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài hay Bành Chân, La
Thụy Khanh, Dương Thượng Côn, Đặng Tiểu Bình, v.v….
- Ngoài ra, ta không quên một yếu tố ở Liên Xô lại tác động vào cách
suy nghĩ của Mao. Vào đầu năm 1956, trong Đại hội khóa 12 của đảng Cộng
sản Xô viết, lãnh tụ Nikita Krushchev tố cáo những sai lầm tai hại của
Stalin khi thanh trừng nội bộ và sát hại nhiều người vô tội. Với Mao,
việc Stalin bị hạ bệ là mối lo chính trị cho bản thân ông vì sợ rằng
nhiều đảng viên khác ở chung quanh cũng đi vào con đường ông ta gọi là
“xét lại” của Krushchev. Cộng sản Hà Nội cũng học theo đó mà bày ra “vụ
án xét lại chống đảng”. Sau khi lãnh tụ Krushchev bị đảo chính năm 1964
thì Mao thấy ra cơ hội thanh trừng các đồng chí của mình và củng cố lại
quyền bính từ những sai lầm của bước Nhảy vọt Vĩ đại. Giữ vị trí số hai
trong đảng, Lưu Thiếu Kỳ là đối tượng cần triệt hạ và quả nhiên là bị bỏ
đói đến chết vì dám nói rằng bước nhảy vọt này là nhân họa, do con
người gây ra, chứ chẳng phải là thiên tai.
Chuyển giao quyền lực bằng bạo lực
Nguyên Lam: Bây giờ thì bản thân Nguyên Lam hiểu ra vì sao
ông ưa nhắc tới các biến cố lịch sử từ năm sáu chục năm trước. Các biến
cố đó cho thấy cuộc tranh luận về đường hướng quản lý kinh tế nhằm hiện
đại hóa xứ sở. Nhưng do tánh chất chuyên chế độc tài của ý thức hệ cộng
sản, các cuộc tranh luận không được công khai hóa cho quần chúng suy xét
và chọn lựa mà bị che giấu bằng các cuộc thanh trừng đẫm máu. Kết cuộc
thì chế độ cộng sản có xu hướng giải quyết việc chuyển giao quyền lực
bằng bạo lực. Thưa ông, có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng ta đều thấy một nét chung xuất
phát từ ách chuyên chính vô sản của người cộng sản. Lên kế nhiệm Lenin
thì Stalin ám sát Trotsky và diệt phe Đệ tứ; Krushchev muốn nắm quyền
thì phải dựa vào phe này để loại phe kia. Mao Trạch Đông cũng vậy và
ngày nay thật ra vẫn thế với việc Tập Cận Bình sử dụng kế hoạch diệt trừ
tham nhũng không để thanh lọc đảng viên bị hủ hóa, biến chất mà để
thanh trừng các đối thủ chính trị. Nét văn hóa chung của chế độ là sự
đớn hèn của bọn cầm quyền, khi biết lãnh tụ sai mà vì ham sống nên cúi
đầu cấu kết với cái sai để tồn tại. Đó là thông lệ các đảng viên trên
thượng tầng.
Trung Quốc cần một cuộc cách mạng văn hóa khác để trở thành một xứ văn minh hiện đại! Nửa thế kỷ đã qua rồi mà họ chưa ra tới đó thì quả là học chậm mà lại mau quên! Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Riêng về Trung Quốc thì ta còn thấy một bản sắc muôn đời. Đó là Thiên
tử ở trên thì luôn luôn có lý và các quan mà nói khác là có thể bị nọc
ra giữa triều đình lãnh cả trăm roi mà chẳng ai dám can ngăn. Cuộc Cách
mạng Văn hóa của Mao khởi đi từ đó, khi một sử gia của đảng và Phó Đô
trưởng Bắc Kinh là Ngô Hàm soạn ra một vở hát bội là “Hải Thụy Bãi Quan”
vào năm 1961 để ca tụng một viên quan khảng khái đời Minh Mục Tông 400
năm về trước. Ẩn ý của ông là để bênh vực Nguyên soái Bành Đức Hoài và
gián tiếp can ngăn Mao Trạch Đông. Nhưng các đảng viên nịnh bợ họ Mao mở
chiến dịch đả kích vở tuồng với kết quả là thượng cấp của Ngô Hàm là Bí
thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Bắc Kinh, ông Bành Chân, cùng các
lãnh tụ khác bị kết án là chống đảng và biến cố ấy mới là phát pháo lệnh
cho Cách mạng Văn hóa. Ngày nay, nếu tinh ý thì ta thấy lịch sử vẫn tái
diễn với đây đó nhiều bài đả kích Tập Cận Bình là bất tài và không đáng
chức. Từ đầu năm tới nay đã có cả chục vụ kỳ lạ như vậy.
Nguyên Lam: Thưa ông vừa nhắc lại hai ý kiến do Mao Trạch
Đông đề xướng từ năm 1919 là, thứ nhất khôi phục lại sự vinh quang của
Hán tộc, và thứ hai là đem lại cơm áo cho người dân. Về tôn chỉ thứ hai,
Trung Quốc ngày nay đã phần nào thành công sau khi Đặng Tiểu Bình áp
dụng quy luật của kinh tế thị trường 36 năm trước. Thưa ông Nghĩa, về
tôn chỉ thứ nhất thì phải chăng họ cũng thành công vì Hán tộc hết bị các
nước khinh thường?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Với khoảng cách thời gian để nhìn lại thì
dù bị mọi nhược điểm và thua trận mà lui về Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc
có một ưu điểm không nên quên là phát huy quyền tự do tư tưởng và thoát
khỏi chế độ văn hóa lạc hậu là nạn độc quyền chân lý khiến thiểu số cầm
quyền luôn luôn có lý và trừng phạt bất cứ ai nghĩ khác. Đấy là điều
kiện tất yếu cho một xã hội cởi mở nhờ đó mới xây dựng ra dân chủ theo
kịp các xứ khác. Người Hoa tại Đài Loan làm được mà người Hoa tại Trung
Quốc lại không. Ta rất nên chú ý sự kiện này.
- Thứ hai, sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách thì Trung Quốc xây
dựng chế độ tư bản nhà nước và thực tế thì chi phối và đàn áp thị
trường nên chỉ có tăng trưởng đầy bất công chứ không phát triển. Ngày
nay, nền kinh tế ấy đi vào chu kỳ suy thoái nhưng vì nạn độc quyền chân
lý, lãnh đạo cứ loay hoay mà chưa tìm ra giải pháp khác. Vì vậy, hứa hẹn
áo cơm cho bá tánh đang đi hết giới hạn của nó và sẽ gây bất mãn trong
quần chúng nên đảng trở lại trò đàn áp và tuyên truyền. Thứ ba, đảng
vuốt ve tự ái của Hán tộc và luivề truyền thống xưa là muốn thành bá chủ
qua chính sách bành trướng. Nhưng nhân loại đã bước qua Thế kỷ 21 rồi,
động thái bành trướng ấy đang gây phản ứng từ các lân bang, điển hình là
vụ kiện của Philippines.
- Ngược với nhận thức của nhiều người, phán quyết của Tòa án Trọng tài
Thường trực sẽ gây lúng túng cho Bắc Kinh khi họ tranh thủ sự hợp tác
của các nước khác qua thể thức đàm phán song phương nhằm bẻ đũa từng
chiến. Bắc Kinh có thể phủ nhận thẩm quyền của Tòa án này, nhưng rốt
cuộc thì họ có còn tuân thủ Công ước Quốc tế về Luật biển gọi là UNCLOS
không? Nếu ra khỏi hệ thống UNCLOS hiện hữu từ năm 1994 thì lợi bất cập
hại, và các nước khác sẽ có thời gian là nhiều năm để đối phó về pháp
lý, chưa kể đến thái độ của Nhật Bản là một cường quốc cũng có tranh
chấp về chủ quyền và không dễ bắt nạt. Vẫn còn ở trong hệ thống UNCLOS
thì họ chỉ có thể gậm nhấm từng phần như tầm ăn dâu nhưng thế giới điều
biết chuyện ấy nên Hán tộc có thể hết bị khinh thường mà lại bị khinh
ghét.
Sau cùng, xuyên qua những gì đang thấy tại Việt Nam, thế giới nhìn ra
Trung Quốc là một trung tâm đầu độc với tai họa về môi sinh ở bên trong
đang lan rộng qua các lân bang, như chuyện Mekong cạn dòng, cá chết và ô
nhiễm suốt vùng duyên hải. Thành thử, kết luận của tôi là Trung Quốc
cần một cuộc cách mạng văn hóa khác để trở thành một xứ văn minh hiện
đại! Nửa thế kỷ đã qua rồi mà họ chưa ra tới đó thì quả là học chậm mà
lại mau quên!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét