Thứ Tư, tháng 5 11, 2016

Xã Hội Chủ Nghĩa và Thông Tin

Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 160511
"Diễn đàn Kinh tế"   

 

Vì sao chính quyền xã hội chủ nghĩa không đáng tin?


000_Hkg10160977-622.jpg
* Ảnh minh họa chụp tại Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội hôm 18/3/2015. AFP * 

“Thiên tai chưa bằng nhân họa”

 

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, từ một tháng nay, tin tức dồn dập về vụ khủng hoảng từ Vũng Áng thuộc tỉnh Hà Tĩnh đã dẫn người ta đến một câu hỏi, là vì sao mấy trăm tấn cá bị chết trong bè và ngoài biển, gây ô nhiễm cho vùng duyên hải miền Trung và lan qua nơi khác? Chưa giải thích thỏa đáng về tai họa đó, giới hữu trách của Việt Nam lại chẳng đề ra biện pháp cấp cứu mà còn đàn áp những ai biểu tình phản đối thái độ vô trách nhiệm của nhà nước. Khi đó, người ta cho rằng chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang làm mất niềm tin của dân chúng. Ngoài khía cạnh  quá sức bất thường và bất nhân đó, ông nghĩ sao về sự tin cậy hay tín nhiệm của người dân dành cho một chính quyền cộng sản xưng danh xã hội chủ nghĩa?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ chuyện này trầm trọng và sâu xa hơn, vì từ khi đảng Cộng sản chưa ra đời vào năm 1930 thì những người cộng sản đầu tiên của Việt Nam đã khó trình bày các mục tiêu kín hở của họ. Tiếp theo, qua nhiều đợt, mỗi đợt khoảng ba chục năm, đảng Cộng sản tiếp tục có vấn đề về thông tin với đảng viên và với quần chúng. Nhân vụ khủng hoảng về môi sinh và chính trị hiện nay, ta nên trở ngược lên cái gốc của vấn đề….


Nguyên Lam: Thưa ông Nghĩa, thính giả của chúng ta đã quen với lối nêu vấn đề từ xa tới gần của ông, nhưng vì sao phải trở ngược lên thời điểm khi đảng Cộng sản chưa ra đời?


“Thiên tai chưa bằng nhân họa” là thuộc tính của hai nước xã hội chủ nghĩa Trung Quốc và Việt Nam.  Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin nói về bối cảnh lịch sử trước. Hạt nhân cộng sản đầu tiên của Việt Nam được Hồ Chí Minh gieo trồng trong một tổ chức cách mạng chống Pháp do cụ Phan Bội Châu gầy dựng tại Quảng Châu, đó là Tâm Tâm Xã. Từ Liên Xô về với tư cách là cán bộ của Đệ tam Quốc tế, năm 1925 Hồ Chí Minh xâm nhập tổ chức này và có thể nhúng tay vào việc điềm chỉ cho Pháp bắt cụ Phan đem về nước xét xử để lấy tiền lập đảng cộng sản. Cụ Phan bị bắt rồi, Hồ Chí Minh và một số cán bộ khác mới từ Tâm Tâm Xã lập ra một tổ chức mới, xưng danh là Hội Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng, thường được gọi tắt là Thanh Niên.

- Tổ chức này có một chục thành viên là nhóm cộng sản đầu tiên, họ trở về Việt Nam tuyên truyền và tuyển mộ cán bộ đưa qua Quảng Châu huấn luyện hoặc gửi qua Liên Xô cho Đệ tam Quốc tế đào tạo trong Trường Đại Học Phương Đông. Từ đấy hạt nhân cộng sản nẩy mầm tại Việt Nam, nhưng do hoàn cảnh chính trị thời đó mà sinh ra ba đảng là Đông Dương Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn. Khi ấy, từ các năm 1927-1929, người cộng sản đã khó giải thích mục tiêu thật của họ là lập ra chế độ chuyên chính vô sản theo chủ nghĩa Mác-Lenin, trong khi họ cần huy động quần chúng nhờ chiêu bài chống Pháp cho mục tiêu độc lập. Ngã rẽ đầu tiên về thông tin là hai ngả chìm và nổi.


Nguyên Lam: Ông trở ngược lên chuyện của gần 90 năm trước, nhưng đảng Cộng sản đã ra đời tại Hong Kong vào năm 1930 qua sự thống hợp của ba tổ chức cộng sản đầu tiên. Thưa ông, sau đó thì họ có cải tiến và ít ra thống nhất được luận cứ và thông tin hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khởi đi từ hoàn cảnh của một hội kín dưới chế độ thực dân, với các chi bộ phân tán và hoạt động mật, đảng cộng sản dù dưới bất cứ một tên gọi nào cũng khó diễn đạt thông tin cho rõ. Sau khi cầm quyền trên nửa lãnh thổ để tiến hành công cuộc tập thế hóa thì họ lại gây chiến tại nửa kia, đảng cộng sản tiếp tục tạo ra và trở thành nạn nhân của thông tin mù mờ. Thống nhất đất nước được 10 năm thì họ gây khủng hoảng kinh tế nên ra khỏi chế độ tập thể hoá và đề ra một mâu thuẫn khác là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì trong chữ “tin” của thông tin lại có chữ “tín”, họ vẫn thất tín, chẳng quản lý được thông tin cho hữu hiệu và không được người dân tin cậy. Đấy là về khung cảnh chung, về diễn biến lịch sử thì ta cần phân ra ba giai đoạn.

Nguyên Lam: Xin ông trình bày cho thính giả các đặc tính của ba giai đoạn đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Giai đoạn thứ nhất là từ những năm 1929 tới khi phát động cuộc chiến trong Nam vào năm 1960, họ có 30 năm vừa đấu tranh chống Pháp vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa tại nơi họ kiểm soát, vừa theo chủ nghĩa Mác-Lenin, vừa chịu ảnh hưởng của tư tưởng Mao lẫn sự chỉ đạo thực tế của Trung Cộng mà họ cố che giấu. Vào giai đoạn ấy, các đảng viên am hiểu chủ nghĩa Mác rồi tư tưởng Mao thật ra không nhiều, họ còn thiếu chữ để truyền đạt cho hai loại đối tượng khác nhau là cán bộ bên trong và quần chúng bên ngoài. Tôi lấy một ví dụ là chân lý do Hồ Chí Minh đưa ra là “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Ngoài chuyện rắc rối về ngữ pháp đảo ngược, người ta chưa hình dung ra xã hội chủ nghĩa là gì thì làm sao xây dựng? Trong cảnh ngộ ấy, ăn nói thế nào là đúng, là sai?



000_Hkg243715-400
Triển lãm Việt Nam thời bao cấp 1975-1986, ảnh minh họa chụp tại Hà Nội ngày 12/7/2006. AFP PHOTO.


- Giai đoạn thứ hai, từ quãng 1960 cho tới 1986, việc tập trung quản lý bằng kế hoạch đòi hỏi tập trung dữ kiện để lãnh đạo ban chỉ thị xuống dưới và đảng viên báo cáo lên trên. Cứ tưởng là khi có chính quyền và lãnh thổ trong tay thì chuyện thông tin sẽ dễ thống nhất. Thật ra, như trong mọi nhà nước xã hội chủ nghĩa, chế độ rơi vào mâu thuẫn “xin-cho”, ở trên trưng thu tài nguyên để cho ở dưới, hầu trên dưới đều đạt chỉ tiêu trong việc thi đua xây dựng. Vì vậy, thông tin chính xác cũng thành khan hiếm và chẳng ai tin vào con số của người khác vì mọi người đều đóng kịch. Trên thì đóng kịch ra lệnh, dưới thì đóng kịch thi đua lập thành tích dâng đảng và ai cũng làm như ra sức xây dựng xã hội chủ nghĩa mà biết là ai cũng đóng kịch nên chẳng ai tin ai hết!

- Khi kinh tế bị khủng hoảng, và tất yếu khủng hoảng kể từ quãng 1985-1986, chế độ vớt lấy cái đuôi xã hội chủ nghĩa để bảo vệ sự tồn tại của đảng, nhưng áp dụng quy luật thị trường với nền kinh tế ra khỏi hợp tác hóa, có nhiều thành phần theo định nghĩa mơ hồ, mà bộ máy thư lại vẫn phải báo cáo rằng mọi sự đều tốt đẹp. Bộ máy ấy không chịu trách nhiệm với dân hay với thị trường mà chỉ chịu trách nhiệm với thượng cấp trong đảng nên cần báo cáo để vừa lòng cấp trên. Chứ tình hình ra sao họ thì không biết hết vì mỗi cấp bên dưới đều nống vào hệ số tô hồng thực tế. Ngày nay, 30 năm sau, nhà nước cộng sản Việt Nam chưa ra khỏi tình trạng ấy và nếu họ có lúng túng vì vụ khủng hoảng Vũng Áng hay nơi khác thì ta chẳng ngạc nhiên. “Thiên tai chưa bằng nhân họa” là thuộc tính của hai nước xã hội chủ nghĩa Trung Quốc và Việt Nam.

 

Quần chúng không tin vào thông tin của nhà nước


Nguyên Lam: - Thế hệ của những người trẻ như Nguyên Lam lại khó tưởng tượng ra cảnh ngộ quá đặc biệt của chế độ này. Nhưng trước khi nói về tổ chức thông tin thì khi nhắc lại lịch sử, ông giải thích thế nào về sự sụp đổ của các chế độ cộng sản trong quỹ đạo Xô viết vào các năm 1989-1991 và sự tồn tại của chế độ này tại Trung Quốc và Việt Nam?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta không quên Liên Xô và các nước Đông Âu đã phần nào công nghiệp hóa từ vài chục năm trước và đi đúng quy trình xây dựng xã hội chủ nghĩa nên tự sụp đổ. Từ một nước nông nghiệp Á Châu, Mao đi sau và học Stalin để đón đầu lịch sử hầu trưng thu nông nghiệp làm vốn công nghiệp hóa thật nhanh bằng kỹ nghệ nặng khiến mấy chục triệu người chết đói từ 1958 đến 1961. Khi Stalin bị lãnh tụ Nikita Krushchev hạ bệ vào năm 1956, Mao coi đó là mối nguy cho bản thân về tư tưởng lẫn an ninh nên tiến hành việc chỉnh đảng mà lại nói khác đi. 

- Như Trung Cộng, Hà Nội cũng cải cách ruộng đất, cũng quy chụp tội “xét lại chống đảng” cho những ai bất đồng nên chế độ mầy mò tìm chữ diễn tả việc ấy cho thành phần cốt cán ở dưới có thể huy động nông dân vào chiến dịch đấu tố, hay đưa các đảng viên vào việc vu cáo đồng chí của mình, v.v… Thông tin và ngôn ngữ mất dần sự chuẩn xác và khách quan vì hai yêu cầu tương phản về chính trị, rồi nhờ chưa kịp xây dựng xã hội chủ nghĩa như Âu Châu nên chưa sụp, nhưng di hại về thông tin và văn hóa thì vẫn kéo dài cho tới bây giờ.


Kết cuộc thì nếu quần chúng không tin vào thông tin chính thức của nhà nước nữa thì đấy là cái tội của nhà nước và chế độ có đánh dân tới chết thì cũng chẳng che giấu được sự thật này.  Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Nhưng khi đã có một chế độ toàn trị trong tay qua mấy chục năm cầm quyền thì ngoài việc tuyên truyền, chẳng lẽ nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa tổ chức nổi một hệ thống thông tin cho chính họ hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là mọi quốc gia đều phải có ba điều kiện tối thiểu để nắm vững thực tế là: thứ nhất là khí cụ quan sát đo đạc, thứ hai là nhân lực được huấn luyện để sử dụng các khi cụ đó và thứ ba là văn bản hay tư liệu trình bày kết quả ấy cho người khác biết và khai thác cho có lợi. Trường hợp của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì sao trong lĩnh vực thông tin?

- Cái gọi là khí cụ quan sát đo đạc là một hệ thống được tiêu chuẩn hóa, đồng bộ và thống nhất nhằm ghi chép và tính toán các dữ liệu thu thập được, thí dụ đơn giản là tờ khai thuế tại hải quan. Việt Nam thật ra chỉ có từ vài chục năm nay sau khi mở cửa hội nhập kinh tế với thế giới, như đã có hệ thống kế toán quốc gia về kinh tế hay hệ thống quan trắc thiết bị về môi sinh. Nhưng việc tiêu chuẩn hóa, đồng bộ và thống nhất thì vẫn chưa có do các mục tiêu trái ngược về chính trị nên dù có ý thức hệ gọi là “xã hội chủ nghĩa khoa học”, họ chưa áp dụng khoa học. Từ đó, nhân lực được đào tạo để sử dụng các khí cụ ấy khó hành nghề và đành bọc xuôi theo trào lưu tệ hại của bộ máy không còn bị gọi là quan liêu mà vẫn mang tính thư lại. Hoàn cảnh quái đản là càng nói ra sự thật thì càng dễ bị kỷ luật khiến các văn bản hay tư liệu trình bày kết quả không thể có giá trị sử dụng cho người ở trong nghề, chứ chưa nói đến cho quần chúng. Kết cuộc thì nếu quần chúng không tin vào thông tin chính thức của nhà nước nữa thì đấy là cái tội của nhà nước và chế độ có đánh dân tới chết thì cũng chẳng che giấu được sự thật này.


Nguyên Lam: Nếu vậy thì có lẽ mọi sự đều xuất phát từ phạm trù “xây dựng xã hội chủ nghĩa”, thưa ông liệu rằng đấy có thể là kết luận không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mọi sự xuất phát từ hiện tượng xin gọi là “độc quyền chân lý” khi một thiểu số duy nhất có quyền định nghĩa thế nào là “xã hội chủ nghĩa” mà chính họ lại chẳng biết là gì. Vì không biết xây dựng là gì thì họ xóa bỏ tất cả những gì họ cho là không thuộc xã hội chủ nghĩa theo định nghĩa mơ hồ và dời đổi của họ. Việc xóa bỏ ấy được dán cho một chữ có vẻ tích cực là “cải tạo” mà che giấu cả triệu thảm kịch chết người trong hơn tám chục năm họ nắm quyền sinh sát. Khi ngôn ngữ lại thành công cụ trấn áp từ tư duy đến lối sống của xã hội thì quốc gia không có tương lai, bên trong thì chẳng ai dám tin ai nữa. Việc giới trẻ đang biểu tình có thể báo hiệu một thay đổi là họ không muốn đóng kịch mà muốn sống thật, nói thật và làm thật. Việt Nam mất gần trăm năm cho cuộc thử nghiệm ma quỷ này thì quả là đáng buồn, vì vậy tôi mới trở về đầu nguồn của cái dốt và cái ác làm sụp đổ niềm tin.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích rợn người này.


1 nhận xét:

  1. "...huy động nông dân vào chiến dịch đấu tố" - mùa đông giá rét đầu năm 1955, bãi đất điểm giao nhau ba con đường làng thuộc xã Hồng Dụ, Ninh Giang, Hải Dương - một thiếu phụ trung niên cùng 2 con trai, 3 con gái độ tuổi 10 đến 20, qùy gối từ 5 giờ sáng và hứng chịu hàng trăm, hàng ngàn hòn đá ném vào người kèm theo tiếng chửi của dân làng. Dưới sự điều động của ủy ban nhân dân xã, tất cả mọi người có thể đi đứng từ đứa trẻ 5 tuổi cho đến người già chống gậy, phải có mặt tại hiện trường để trút đòn thù lên những tên địa chủ mà đội cải cách ruộng đất đã tuyên án: thoát tội chết vì đã đóng góp nhiều trong những năm kháng Pháp, nhưng không thể thoát tội đ̃a "hút máu nhân dân" - 1 tháng chịu hình phạt ném đ́a. Người nào hoặc trốn tránh, hoặc ném đá nhưng không chửi kết án địa chủ sẽ phải bị 5 roi đòn. Thiếu phụ trung niên địa chủ: bà Trịnh Thị Đầy, bà ngọai của tôi.

    Trả lờiXóa