Thứ Năm, tháng 10 06, 2016

Từng Cuộc Tình Bỏ Ta Đi…



Hùng Tâm - Người-Việt Ngày 160904
Hồ Sơ Người-Việt

Sau Brexit, Liên Âu Sầu Não Chờ Câu Exit. Xứ Nào Đây?  

 
* Ngôi nhà có lắm cửa ra * 





Sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 Tháng Sáu với kết quả là đa số người dân muốn Vương quốc Anh ra khỏi Liên hiệp Âu Châu thì tuần qua, Thủ tướng Anh là bà Theresa May thông báo khởi điểm chính thức sẽ đàm phán quyết định Brexit này là vào Tháng Ba năm tới. Lập tức, đồng Bảng Anh sụt giá tới mức thấp nhất kể từ 31 năm qua. Nước Anh chấp nhận cái giá phải trả để sau hai năm đàm phán việc ly khai thì sẽ có một hệ thống luật lệ mới về quan hệ với Liên Âu.

Tương lai của Anh quốc đã phần nào rõ ràng hơn, nhưng tương lai Liên Âu lại càng mờ mịt vì sau Brexit nhiều thành viên khác của Liên Âu hay của khối Euro ở bên trong đang nghĩ lại. Họ có thể cũng ra đi. Hồ sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu tại sao.


KHUNG CẢNH BẤT ĐỊNH


Âu Châu là một tập thể gồm các quốc gia bán đảo hay quần đảo tại phía Tây của đại lục Âu-Á, kéo dài từ Na Uy, Anh Quốc và Bồ Đào Nha qua các nước Pháp, Đức tới Liên Bang Nga và sau cùng là Đông Á.

Xét về địa dư, đây là khu vực bán đảo quy tụ nhiều khác biệt về hình thể với hậu quả tất nhiên về an ninh và kinh tế. Về lịch sử thì những khác biệt sắc tộc, văn hóa và ngôn ngữ cũng đáng kể, kết tinh vào hai ngàn năm mâu thuẫn và chinh chiến, với những giai đoạn hợp tác hay sống chung ngắn ngủi. Khu vực phức tạp này biết chép sử nên các thế hệ nối tiếp đều nhớ quá khứ của mình – và của nhau. Họ không thể quên hiện tượng hợp tan và các đế quốc lớn nhỏ đã thành hình rồi tàn lụi, thường thì là sau một trận đại chiến.

Cao điểm của những mâu thuẫn đó là hai trận đại chiến trong Thế kỷ 20, được gọi là Thế chiến I và II, vì là chiến tranh trên toàn thế giới.

Chính là sự điêu linh tàn phá của chiến tranh đã khiến các nước Âu Châu phải nghĩ lại và tìm cách khắc phục mâu thuẫn bên trong để cùng hội nhập vào một tập thể. Từ sau Thế chiến II, qua 40 năm Chiến tranh lạnh, rồi sự tan rã của Liên bang Xô viết và việc thống nhất nước Đức, những nỗ lực hợp tác đó của các nước đã dẫn tới việc thành lập Liên Âu có 28 quốc gia, bên trong có khối Euro gồm 19 nước dùng chung một đồng bạc.

Hai con số khác biệt là 28 và 19 đó cũng rất đáng chú ý. Nhất là sau khi Anh quốc ra đi. Nó cho thấy vấn đề xương tủy của Liên Âu là thiếu thống nhất, trái ngược với tên gọi là Union.

Bên trong, người ta có những quốc gia “cốt lõi” của Âu Châu như Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hòa Lan, đã sẵn sàng sinh hoạt trong một quần thể không biên giới và dùng chung một đồng bạc. Cạnh đó, có nhiều quốc gia muốn hợp tác về thương mại, chủ yếu là giao dịch kinh tế với cường quốc số một là nước Đức, nhưng chỉ có thế mà thôi. Chứ họ không chia sẻ lý tưởng tự do cư trú trong một vùng đất vô cương, không biên giới. Mà kinh tế không là tất cả, nhiều nước nhìn vào tập thể này với ưu tiên là an ninh: đã từng bị Đế quốc Nga và Liên bang Xô viết xâm lăng và thống trị, các nước Đông Âu (theo trục Đông-Tây) hay Trung Âu (theo trục Nam-Bắc) muốn kết hợp với nhau để bảo vệ an ninh và canh chừng một đợt Tây tiến khác của Nga. Sau cùng, có các quốc gia Bắc Âu (Scandinavian) thì đã hội nhập từ lâu và có quan điểm khá thuần nhất.

Giữa khung cảnh có bốn dị biệt thật ra là chiến lược (cốt lõi, thương mại, an ninh và hội nhập), có bốn nước đã từng là Đế quốc phú cường lại nhìn vào ưu tiên khác: Anh cần phát triển mạng giao thương cấp vùng và toàn cầu như đã có trong quá khứ: Tây Ban Nha và Ý Đại Lợi thì muốn tăng sức cạnh tranh và  phá giá đồng bạc cho mục tiêu đó, mà lại kẹt vì những quy định của khối tiền tệ thống nhất Euro. Hy Lạp ở rìa Đông-Nam thì tìm đủ cách duy trì chế độ kinh tế bao cấp nhờ sức tài trợ của các nước trong khối Euro.

Khung cảnh bất định và quá khác biệt được tóm lược ở trên cho thấy dự án thống nhất Âu Châu không thể tồn tại. Chuyện hợp tan cố hữu có thể tái diễn.


TRƯNG CẦU DÂN Ý, GREXIT và BREXIT


Trong tập thể Liên Âu, các quốc gia thành viên đã ủy thác cho cơ chế quốc tế thẩm quyền quyết định về một số lãnh vực, nhưng các quốc gia này thật ra không có quyền bình đẳng như nhau.

Một nước như Hy Lạp trong khối Euro mà đòi ra đi - kịch bản gọi là Grexit năm ngoái - thì phá vỡ hệ thống tiền tệ thống nhất và gây thiệt hại cho hai quốc gia cốt lõi là Đức Pháp. Nếu chuyện ấy xảy ra, khủng hoảng trong khối Euro lập tức gây chấn động cho cả Liên Âu. Trong khi đó, quyết định Brexit cũng làm Liên Âu rung chuyển, nhưng lại chậm rãi hơn mà nguy hiểm không kém. Nghĩa là hai quốc gia này có “sức nặng” và hoàn cảnh khác nhau.

Tâm tư của công dân các nước với dự án Liên Âu cũng thế.

Tùy nhận định của người dân về những ưu tiên mà chính quyền của mỗi quốc gia lại có cái nhìn khác về Liên Âu. Nếu Chính quyền lại đi ngược với tâm tư của công dân, thì quyền dân hay nguyên tắc dân chủ có thể làm chính quyền thất cử. Một chính quyền “thân Âu” mà thất cử vì phản ứng “chống Âu” của người dân thì Liên Âu cũng bị rúng động. Mà nói về “quyền dân” thì một trong nhiều cách thể hiện chính là việc tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định về môt đề tài trọng đại nào đó. Nó thể hiện ngoài sinh hoạt bầu cử bình thường của quốc gia.

Nói về dân ý, theo cuộc khảo sát của Pew Research Center, 72% dân Ba Lan có thiện cảm với Liên Âu, trong khi chỉ có 38% dân Pháp chia sẻ cảm nghĩ đó. Trong cuộc tham khảo dân ý của Eurobarometer, người ta thấy 82% dân Luxembourg ủng hộ khối Euro, dân Ý thì dè dặt hơn, chỉ có 54%. Nước Ý đang bị nguy cơ khủng hoảng ngân hàng, và không thể phá giá đồng bạc để tăng mức xuất cảng nên việc tuân thủ điều lệ của Euro bị một số không nhỏ cho là bất lợi.

Những khó khăn chồng chất của khối Euro sau vụ khủng hoảng tài chánh năm 2010 và vụ khủng hoảng di dân từ năm 2014 càng khiến người ta nghi ngờ giá trị và lý tưởng của Liên Âu lẫn khả năng ứng xử của các chính đảng truyền thống. Từ hai phía cực tả và cực hữu, phong trào chống Âu Châu đã đưa các đảng phái cực đoan vào dòng chính, nhưng “chống Âu Châu” cũng có sự khác biệt: đảng Mặt trận Quốc gia tại Pháp chủ trương ra khỏi Liên Âu trong khi phong trào Năm Sao Five Star Movemement tại Ý thì chỉ muốn ra khỏi hệ thống tiền tệ Euro.

Vì vậy mà các chính đảng truyền thống, thuộc hướng trung tả hay trung hữu, cũng phải đổi lập trường. Họ yêu cầu giảm dần quyền tự do di trú và lao động trong Liên Âu để tránh nạn thất nghiệp vì công nhân viên của xứ khác đi vào “cướp mất việc làm của mình”. Hoặc giả, vì làn sóng nạn dân, nhiều nước đòi kiểm soát biên giới, ngược với tinh thần của Hiệp ước Schengen được 22 quốc gia ký kết.

Khi gặp làm sóng “thoát Âu”, nhiều Chính quyền không muốn bị thất cử mà có thể đề nghị giải pháp trưng cầu dân ý.

Chính quyền Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron chọn giải pháp đó cho Vương quốc Anh. Kết quả bất ngờ là 52% dân Anh ủng hộ Brexit và Thủ tướng Cameron phải từ chức, bà Theresa May lên thay và khủng hoảng chính trị bùng nổ trong các chính đảng còn lại. Chính quyền của Thủ tướng Victor Orban cũng chọn giải pháp trưng cầu dân ý để quyết định về việc Hung Gia Lợi có nên chấp hành yêu cầu của Liên Âu về di dân hay không, khi mà cơ chế quốc tế phân phối nạn dân cho từng nước theo tỷ lệ dân số. Đảng đối lập và các tổ chức ủng hộ di dân kêu gọi dân Hung tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý. Kết quả tuần qua là phe chống chiếm tới 98%, nhưng là 98% của 32% dân chúng đi bầu. Vì tỷ lệ đi bầu thấp hơn 50% nên việc trưng cầu dân ý có tác dụng chính trị mà lại chưa có ảnh hưởng về pháp luật và xứ Hung bị khủng hoảng.

Trường hợp thứ ba là Ý Đại Lợi cũng sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về những cải tổ hiến pháp bên trong, nhưng nội dung sẽ phản ảnh lập trường về Liên Âu và khối Euro. Chính quyền của Thủ tướng Matteo Renzi có thể đổ và nước Ý lâm vòng khủng hoảng do kết quả trưng cầu dân ý, với hậu quả sẽ dội ngược vào Âu Châu.

Những sự kiện trên cho thấy phản ứng ly khai thể hiện mỗi nơi mỗi khác. Nhưng nói chung, tỷ lệ tin tưởng vào Liên Âu đã từ 57% vào năm 2007 sụt tới mức 33% vào năm nay: trào lưu “thân Âu” đang thoái lui và sau Brexit, nhiều nước khác cũng có thể triệt thoái khỏi Liên Âu! Khi điều ấy xảy ra, mỗi nước lại vì lý do khác biệt, vì kinh tế hơn an ninh, hay vì di dân hơn là sự thúc bách của đồng Euro, mà có một cách từ biệt riêng và Liên Âu có thể tan rã theo nhiều lối.


---

Kết luận ở đây là gì?

Liên Âu có thể bị rúng động, mà vẫn tồn tại nếu một xứ nhỏ như Cyprus hay Croatia đòi xé chiếu ngồi riêng. Nhưng khi dân Pháp hay Ý mà từ bỏ cuộc tình với Âu Châu thì Liên Âu sẽ tan rã.

Từng nước một đang cân nhắc lợi hại và đòi Liên Âu chấp nhận cho mình điều kiện đặc miễn để phần nào thỏa mãn ý dân, vì vậy Liên Âu sẽ bị các nước bắt bí. Tập thể này khó tồn tại nếu có quá nhiều ngoại lệ như vậy. Các quốc gia có nền kinh tế nghèo yếu thì chẳng thể đòi hỏi chuyện đó, nên khi Liên Âu hay khối Euro lâm vào khủng hoảng, họ sẽ ảnh hưởng nặng nhất.

Cứ theo cách xếp loại về ưu tiên của bốn nhóm thành viên nói trên, Liên Âu sẽ có bốn kiểu phân hóa và tan rã. Còn lại thì chỉ có ba nước cốt lõi ở giữa, là Đức, Pháp, Ý là giữ được tinh thần hội nhập. Nhưng, nước Đức ở trung tâm thật ra cũng có sự phân hóa Đông-Tây ở bên trong, với miền Đông gốc xã hội chủ nghĩa Xô viết không thể bắt kịp miền Tây trù phú và cũng có sự hoài nghi dành cho Liên Âu và tinh thần kỳ thị dành cho di dân.

Vì vậy, Liên Âu không có tương lai. 

1 nhận xét:

  1. Thịnh-suy tiếp diễn không ngừng. Dẫu sao cựu lục địa vẫn thật sự đáng nhớ và đáng yêu phải không thầy Nghiã. Poorshope hy vọng tân TT Trump vẫn xem trọng đồng minh châu Âu và không đối xử với các đồng minh cuả mình quá đơn thuần theo kiểu tiền trao cháo múc.

    Trả lờiXóa