Thứ Bảy, tháng 12 31, 2011

Tìm Thấy Kẻ Thù: Ở Trong Gương

Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo 111231

Một năm lao đao vì nội tình bát nháo....

 
* Ứng cử viên Cộng Hòa trước khi vào cuộc tranh luận *

Tổng kết cuối năm, mỗi người có thể lại nhìn năm 2011 từ một giác độ riêng, tùy mức độ quan tâm hay... thiệt hại.

Năm qua thì quả là một năm có nhiều biến cố gây thiệt hại cho thiên hạ mà không chỉ do thiên tai, như trận động đất và sóng thần 3-11 tại Nhật Bản hay bão lụt tại Thái Lan hoặc Phi Luật Tân. Tình hình kinh tế nói chung vẫn chưa sáng sủa và dù người ta đặt nhiều hy vọng hồi phục của kinh tế Hoa Kỳ, hiệu ứng trầm trọng từ Âu Châu vẫn còn là một đe dọa cho năm tới.

Tuy nhiên, trong một chuỗi dài nhưng đổ vỡ, người ta có thể thấy ra rất nhiều hậu quả của nhân hoạ còn hơn thiên tai. Xin hãy nói về mấy chuyện đó, và tập trung vào vài ba khu vực được chúng ta quan tâm nhất.

Trước hết là tại Hoa Kỳ.


***

Năm 2011 mở ra với kết quả bầu cử hồi Tháng 11 năm 2010: đảng Cộng Hoà chiếm lại Hạ viện, đẩy lui thế mạnh của đảng Dân Chủ tại Thượng Viện và hạ quyết tâm đánh bại Tổng thống Barack Obama trong cuộc tổng tuyển cử 2012. Thế rồi, suốt năm 2011, hệ thống chính trị Mỹ lại có ba đầu và sáu tay đánh nhau loạn xạ.

Ba đầu là Hạ viện Cộng Hoà, Thượng viện Dân Chủ và Hành pháp Obama, với ưu tiên là tái đắc cử nên bán cái cho Quốc hội giải quyết những hồ sơ phức tạp nhất.

Hậu quả là trận đánh suốt năm về bội chi ngân sách, định mức đi vay và một chuỗi ách tắc kéo dài đến cuối năm chưa dứt, trong khi kinh tế chưa khởi sắc, thất nghiệp còn cao. Trái phiếu Mỹ bị sụt mức tín nhiệm và Quốc hội có tỷ lệ tin tưởng thấp ngang tầm cỏ, chưa tới 12%.

Vậy mà các chính trị gia lại mở tờ lịch sớm hơn quần chúng.

Khai diễn năm tới là việc Tiểu bang Iowa bỏ phiếu vòng sơ bộ bên đảng Cộng Hòa vào Thứ Ba này, biến cố báo hiệu cuộc tranh cử Tổng thống, sẽ chỉ ngã ngũ sau này sáu Tháng 11 năm 2012.

Là người đương nhiệm, Tổng thống Obama không lo tranh cử vòng sơ bộ mà nhắm vào ngày bỏ phiếu là Thứ Ba sau ngày Thứ Hai đầu tiên của Tháng 11. Trong thế đối lập, một tá ứng cử viên Cộng Hoà phải giành nhau từ vòng sơ bộ, trước tới Đại hội đảng vào mùa Thu.

Đấy là lúc họ chứng tỏ vì sao cả thế giới nói đến sự lụn bại của nước Mỹ!

Trong một bài tổng kết, người viết chỉ có thể ghi vội sự chuyển dịch tâm lý của quần chúng Cộng Hoà: đó là thành phần cử tri nổi loạn với chính trường ở thủ đô và chính quyền hiện hành nên... ráo riết hành hạ nhau. Đào Cốc Lục tiên nữa!

Mùa Hè năm nay, nữ Dân biểu Michelle Bachmann là ngôi sao sáng. Rồi thành sao xẹt khi Thống đốc Rick Perry của Texas xuất hiện. Ông Perry bị phe Cộng Hoà trung kiên với vị tiền nhiệm là George W. Bush tấn công tơi tả, nhưng gây vạ cho ông thì chính là cái lưỡi cứng đơ như gỗ! Thống đốc có thành tích mà tranh luận như người ngậm hột thị và cứ nói là sai bét!

Nhưng đảng Cộng Hoà không thiếu người tài!

Doanh gia Herman Cain bèn nổi trội với khẩu hiệu tranh cử "không tham gia chính trị", có thần chú "9-9-9" để giải quyết chuyện quốc kế dân sinh. Ông trở thành thần tượng của quần chúng bảo thủ và nổi loạn trong đảng. Nhưng chỉ nổi được một mùa và đỡ không nổi hàng loạt những tai tiếng về mảnh quần hồng. Quần hào khi ấy lại tìm ra cựu Dân biểu Newt Gingrich như vị cứu tinh.

Từ đáy vực, nhân vật đại trí thức, chiến lược gia và công trình sư của nhiều biến cố chính trị 16 năm về trước đã tái sinh! New Newt!

Mới đầu năm thôi, ban tham mưu tranh cử của ông đã tự tan rã và sự nghiệp chính trị của ông coi như ra ma. Vậy mà Newt vẫn hùng dũng trở về với tài biện luận xuất chúng! Nhưng cũng chỉ một mùa, mà một mùa bầu cử kiểu đó thì chỉ có vài tuần. Vì ngần ấy đối thủ Cộng Hoà đã tiền pháo hậu xung và dồn Newt xuống đáy khiến quần chúng bảo thủ tìm ra người lạ mà quen,  Dân biểu Ron Paul của Texas.

Ứng cử viên Tổng thống thuộc loại kỳ cựu, mùa nào cũng ra và không qua khỏi ngưỡng 5%, Ron Paul bỗng thành sáng giá vì lập trường tự do tuyệt đối kiểu Libertarian. Lập trường ấy có nghĩa là thu hẹp sự can thiệp của chính quyền đến tối thiểu, nên dân bảo thủ mới khoái. Nhưng họ không đếm xỉa gì đến những chủ trương khác của Ron Paul, phản chiến đến độ ngây ngô khi bênh vực Iran và đề cao tinh thần tự cô lập của nước Mỹ.

Ron Paul không thể có hy vọng và kinh nghiệm còn cho thấy rằng cử tri Iowa thường... chọn lầm người... Nhưng sáu lần đổi ngựa trước khi vào cuộc đua khiến người ta hoài nghi khả năng cứu quốc của đảng Cộng Hoà.

Trận đánh nội bộ cho thấy những thành phần tích cực nhất trong đảng đều không nhìn xa hơn những vấn đề họ quan tâm. Mà cũng chẳng xác định được ưu tiên là gì. Là bảo vệ ý thức hệ bảo thủ, là đánh bại Obama hay cứu lấy nước Mỹ?

Cho đến giữa năm, ai cũng có thể nghĩ rằng ông Obama sẽ là Tổng thống một nhiệm kỳ và bất cứ ứng cử viên Cộng Hoà nào cũng sẽ đánh bại ông ta. Nhờ khả năng tự sát cao độ, đảng Cộng Hoà có khi sẽ cứu được Obama nếu họ tiếp tục trò sơ bộ kỳ cục đó.

Kinh hãi nhất, người ta thấy ông Obama không là lãnh đạo giỏi trong một khúc quanh sinh tử của nước Mỹ.

Trong nội bộ Dân Chủ, có hai chiến lược gia là Douglas Schoen và Pattrick Caddell đề nghị ông rút lui để Ngoại trưởng Hillary Clinton ra tranh cử, vừa cứu nước vừa cứu đảng mới là vẹn toàn! Một nhân vật khác, cựu Tổng trưởng Lao động thời Bill Clinton là Giáo sư Robert Reich, thì đề nghị giải pháp khá hơn: Hillary Clinton đổi ghế với Phó Tổng thống Joe Biden để đứng chung liên danh làm Phó trong cuộc tranh cử năm tới!

Ngẫm lại thì kẻ thù của nước Mỹ chưa chắc đã là các chế độ hung đồ hay độc tài mà là một số chính khách không biết soi gương. Còn lại, chuyện kinh tế thì đành phó thác cho thị trường.


***


Trong năm 2011, ai ai cũng nói đến sự suy bại của Hoa Kỳ trước sức lớn mạnh của Trung Quốc, năm nay đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới sau nước Mỹ. Trung Quốc lại là một xứ độc tài độc đảng nên không có hiện tượng dân chủ bát nháo như Hoa Kỳ. Với sức mạnh kinh tế và chủ trương bành trướng ảnh hưởng ra mọi nơi, mô hình Bắc Kinh được một số trí thức Mỹ, thiên tả dĩ nhiên, coi là gương mẫu!

Sự thật lại không hẳn như vậy.

Ba mươi năm sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế, chiến lược phát triển của xứ này đã đi hết giới hạn của nó. Năm tới, những khó khăn kinh tế của thế giới - và trong ba khối dẫn đầu là Âu, Mỹ, Nhật - sẽ không giúp ích gì cho lãnh đạo Bắc Kinh. Nôm na là sẽ không ngốn hàng hóa Trung Quốc như trước đây. Nhưng đấy mới chỉ là chuyện nhỏ.

Chuyện lớn là lãnh đạo Bắc Kinh bị áp suất rất nặng ở bên trong.

Làm sao kéo mấy trăm triệu dân ra khỏi tình trạng cùng khốn khi đa số người dân lại bất mãn về mức sống suy sụp vì lạm phát, nạn tham nhũng gia tăng và bất công mở rộng trong xã hội? Từ Tháng 10 năm ngoái, đảng Cộng sản Trung Quốc đã biết và ra nghị quyết chuyển hướng để giảm dần sự lệ thuộc vào xuất cảng khi chiến lược hướng ngoại đã hết công hiệu và thu vét tài nguyên cho dân nghèo có thể dễ thở hơn một chút.

Nhưng từ nghị quyết Tháng 10 năm ngoái đến kế hoạch Tháng Ba năm nay của Quốc hội và trong suốt năm, họ không thể chuyển hướng được vì bị bó trong một vành ba góc: lạm phát, bong bóng đầu tư và nạn suy trầm sản xuất. Ở trên là cái vung của môi trường đang đậy xuống cả nước: nạn ô nhiễm môi sinh và lão hóa dân số khiến lãnh đạo càng khó xoay trở.

Muốn khai thông vấn đề cho dài hạn thì lại bị thực tế trước mắt khép cửa vào mặt. Mà làm sao chuyển hướng kinh tế trong cái trớn của việc chuyển quyền thừa kế chính trị? Năm tới, đảng sẽ có Đại hội 18 và những nhân vật sáng giá nhất đều nhắm vào vị trí sắp tới của mình trong Thường vụ Bộ Chính trị. Y như hiện tượng Hoa Kỳ, lãnh đạo Trung Quốc bị kẹt trong chính trị nên khó tìm ra giải pháp kinh tế và xã hội. Nhưng khác với Hoa Kỳ, xứ này không có dân chủ nên dân chúng xoay trở kiểu khác. Họ nổi loạn!

Biểu tình, rồi khiếu kiện tập thể không xong thì có người bạo động, hoặc tự thiêu để phản đối. Ôn Châu vào giữa năm và Ô Khảm vào cuối năm là hai điển hình của bạo động tự phát. Ở giữa là những vụ xung đột với "thành quản", cảnh sát và công an vũ trang....

Thế giới bên ngoài thường nói đến mối nguy của Trung Quốc. Lãnh đạo Bắc Kinh nương theo đó mà xoa dịu nỗi bất mãn của người dân. Trong thâm tâm, họ đã tìm thấy kẻ thù. Không phải là Mỹ, Nhật, Ấn, Phi, Úc, v.v... hay Nam Hàn với chuyện đổi ngôi của Bắc Hàn bên bờ vực. Kẻ thù ấy chính là nội loạn ở bên trong.

Vì vậy, trong năm tới, chúng ta nghiệm xem xứ nào sẽ sớm bừng tỉnh. Chuyện ấy cũng là giải đáp cho câu hỏi then chốt rất gần gũi với Việt Nam: nền dân chủ và ách độc tài, cái gì có hy vọng giải quyết được khủng hoảng?

Thứ Tư, tháng 12 28, 2011

Một năm khủng hoảng niềm tin

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 20111228 


Khủng hoảng niềm tin vì thiểu số bất xứng trên thượng tầng....




* AFP photo - Phiến quân Libya đã sẵn sàng vũ khí và đạn dược tại Ajdabiya ngày 02 tháng 3 năm 2011 *


Năm 2011 mở đầu với vụ tự thiêu tại xứ Tunisia ở Bắc Phi, biến cố như tia lửa bật vào thùng thuốc súng trong cả khu vực Á Rập Hồi giáo và đến cuối năm, tình hình vẫn chưa thấy ổn định.


Rồi cuối năm, người ta lại thấy sự biến khác nổ ra ở thị trấn Ô Khảm thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc khi dân chúng nổi dậy cướp chính quyền địa phương trong nhiều ngày mà cuối cùng nhà chức trách đành nhượng bộ. Ở giữa hai biến cố tại Tunisia và Trung Quốc là hàng loạt những vụ xuống đường biểu tình xảy ra cùng lúc trong nhiều quốc gia, kể cả Liên bang Nga. 

Nhân dịp cuối năm, Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về những nguyên do sâu xa mà có khi tương đồng khiến người dân ở nhiều nơi đã nổi dậy phản đối. 

Liên quan chính trị - kinh tế


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, nếu có một chữ khả dĩ tổng kết tình hình trong năm thì hình như đó là chữ "nổi loạn" vì từ đầu năm cho đến những ngày cuối của tờ lịch đang được bóc nốt, người ta thấy nơi nơi đều có những vụ biểu tình, thậm chí bạo động. Ông giải thích thế nào về sự kiện đó vì người ta thấy rằng có lẽ kinh tế không là nguyên do duy nhất?

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: - Từ khi loài người có khoa kinh tế học, là hơn 200 năm trước, người ta dùng một từ là "kinh tế chính trị học" vì quan hệ gắn bó giữa hai lĩnh vực là kinh tế và chính trị. Kinh tế là sự tính toán chọn lựa của các tác nhân kinh tế và khởi đầu là cá nhân. Mà sinh hoạt kinh tế đó nằm trong hệ thống chính trị và bị chi phối bởi chính sách kinh tế, và chính sách hay hệ thống chính trị đó cũng bị ảnh hưởng bởi kinh tế. Vì vậy, người ta không thể tách biệt hai khái niệm tương hằng hay biện chứng này.

- Về chuyện nổi loạn như ông hỏi, khi dân chúng biểu tình phản đối thì nguyên nhân có thể là kinh tế, kể cả trường hợp nổi dậy đầu tiên của năm nay là từ một vụ tự thiêu tại Tunisie vì nạn nhân bị đoạt mất quyền sinh hoạt kinh tế đến nỗi phải tự sát. Nhưng khi người ta biểu tình thì đối tượng bị đả phá là hệ thống chính trị, trong đó có các "định chế", vốn là các cơ chế xã hội, kinh tế, tài chính, luật pháp, chính trị, v.v... thực tế chi phối cả xã hội.

Nếu có thể nói cho ngắn gọn dù là hơi trừu tượng thì tôi thiển nghĩ rằng nguyên nhân chính của hiện tượng nổi loạn phổ biến năm nay là một vụ khủng hoảng về niềm tin.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

- Nếu có thể nói cho ngắn gọn dù là hơi trừu tượng thì tôi thiển nghĩ rằng nguyên nhân chính của hiện tượng nổi loạn phổ biến năm nay là một vụ khủng hoảng về niềm tin. Có thể là do bất mãn về kinh tế rồi lại tuyệt vọng về chính sách ứng phó với bài toán kinh tế, người dân hết tin vào các định chế của xã hội, của quốc gia, và thiểu số chóp bu ở trên, là những người có tiền, có quyền hoặc có kiến thức cao hơn đa số. Mà nếu đúng như vậy thì đây là một vấn đề rất nguy ngập.

Vũ Hoàng: Ông vừa công nhận rằng câu trả lời ngắn gọn đó là hơi trừu tượng vì vậy xin yêu cầu ông khai triển cho rõ ràng cụ thể thế nào là khủng hoảng về niềm tin? Người ta không còn tin vào các định chế và nhân sự có thể giải quyết vấn đề hay sao?

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta sẽ dành cả chương trình tổng kết này để giải thích chuyện ấy cho rõ ràng hơn và tôi mong rằng mình cùng hiểu ra vì sao đấy là chuyện nguy ngập.

- Ta khởi sự bằng biến cố được mọi người cho là châm ngòi cho khủng hoảng toàn cầu là sự sụp đổ của các tập đoàn tài chính hàng đầu của Hoa Kỳ vào ngày 15 Tháng Chín năm 2008. Đấy chỉ là một khủng hoảng tài chính bùng nổ giữa chu kỳ suy trầm kinh tế dăm bảy năm lại xảy ra một lần. Khi đó, phản ứng của giới hữu trách Mỹ là ngăn cho khủng hoảng khỏi lan từ hệ thống tài chính ngân hàng qua kinh tế và từ kinh tế Hoa Kỳ sang thế giới. Kết quả là các cơ sở tài chính được đắp vốn cấp cứu nhưng thế giới vẫn bị tổng suy trầm kéo dài trong bất trắc.

- Người ta không để ý là khi đó dân Mỹ khá bất mãn về các tập đoàn tài chính bất cẩn hay bất lương và các doanh gia tỷ phú trong các tập đoàn này và họ tin rằng định chế nhà nước sẽ giải quyết được vấn đề. Ta nên nhớ là không ai trong thành phần này bị truy tố cả! Cuối năm nay, tập đoàn đầu tư Mỹ là MF Global - do một nhân vật từng là Chủ tịch tập đoàn đầu tư tài chính Goldman Sachs rồi Nghị sĩ rồi Thống đốc trở về điều khiển - lại phá sản mà ông ta không giải thích được mấy tỷ đô la đã bị mất đi đâu. Hoá ra mọi sự lại vẫn như cũ hay sao?




000_Hkg5702101-250.jpg
Dân làng Ô Khảm thuộc tỉnh Quảng Đông tổ chức biểu tình phản đối chính phủ vào ngày 19/12/2011. AFP  




Vũ Hoàng: Cám ơn ông đã nhắc lại bối cảnh khủng hoảng tài chính đó, và có phải rằng đấy chỉ là một phần của vấn đề mà thôi?

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, và cũng tại Mỹ, khi tổng suy trầm xảy ra năm 2008, người ta đặt niềm tin vào giới lãnh đạo, khi ấy ở trong tay đảng Dân Chủ tại cả Quốc hội rồi Hành pháp, với hàng loạt biện pháp kích thích và bao cấp tốn kém. Vậy mà ngân sách bị bội chi và Hoa Kỳ mắc nợ kỷ lục mà sản xuất vẫn èo uột và thất nghiệp lại còn tăng.

- Do đó, bất mãn bùng nổ từ cánh hữu khiến cuối năm 2010, đảng Cộng Hoà nắm lại Hạ viện. Vậy mà tình hình chưa cái tiến và hai đảng tranh luận suốt năm nay mà không giải quyết xong chuyện ngân sách hoặc đẩy mạnh tăng trưởng. Vì vậy, bất mãn lại bùng nổ, lần này từ cánh tả và nhắm vào các tỷ phú giàu có.

- Cùng nỗi bất mãn lan rộng là sự ngờ vực khả năng giải quyết của hai định chế trụ cột là thị trường và nhà nước. Nếu thị trường bất cẩn thì nhà nước phải kiểm soát và điều tiết. Mà nếu nhà nước lại chỉ gây bội chi ngân sách và ách tắc chính trị thì ai sẽ cứu vãn tình hình? Rốt cuộc, đây là một khủng hoảng về niềm tin vào thiểu số có khả năng hay trách nhiệm trong doanh trường và chính trường, là điều cực bất lợi cho kinh tế, vốn dĩ cần sự ổn định và minh bạch rõ ràng.

Vũ Hoàng: Vậy mà dường như trong năm qua, tình hình Hoa Kỳ vẫn chưa là bi đát nhất nếu người ta nhìn qua bên kia Đại Tây Dương và vụ khủng hoảng Âu Châu. Ông nhận xét thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy, năm 2011 có thể là năm đại khủng hoảng của Âu Châu.

- Ban đầu, người ta lầm tưởng rằng Âu Châu bị hiệu ứng Hoa Kỳ năm 2008! Sau đó mới thấy ra các vấn đề nội tại còn trầm trọng hơn gấp bội. Vấn đề đầu tiên cũng là từ hệ thống ngân hàng cần cấp cứu. Sau đó mới thấy hồ sơ nguy ngập hơn, là rủi ro vỡ nợ của một số quốc gia, rồi còn hồ sơ thứ ba là nguy cơ tan rã của đồng Euro. Trong ba năm liền, các nước Âu Châu và cơ chế hữu trách đã có nhiều biện pháp và kế hoạch chuyên môn để cấp cứu mà không xong.

Dân chúng biểu tình thì bị đàn áp, họ mất tự do, mất đất đai mà cũng chẳng có áo cơm, việc làm hay nhà cửa, nên mất dần niềm tin vào chế độ bất công và bất lực của Trung Quốc.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Qua năm 2011 thì thiên hạ mới thấy rằng chìm sâu dưới ba hồ sơ ngân hàng, công trái và đồng Euro còn có một vụ khủng hoảng chính trị. Lãnh tụ 27 nước Liên hiệp Âu Châu và 17 nước của khối Euro đã họp hành liên tục mà không tìm ra giải pháp thỏa đáng. Các định chế hay cơ chế có thẩm quyền của Âu Châu đã tung ra nhiều kế hoạch cứu vãn mà không thành. Đến cuối năm, khi Pháp và Đức vừa đề nghị một giải pháp chính trị là thiết lập một cơ chế cưỡng hành về kỷ cương ngân sách thì nước Anh lại chống và các nước khác thì đồng ý mà thật ra vẫn ngờ vực.

- Khác với cuộc tranh luận tại Mỹ là kinh tế thị trường hay nhà nước, định chế nào là giải pháp cho bài toán quá phức tạp này, tại Âu Châu, người ta cân nhắc tương quan của chủ quyền quốc gia và thẩm quyền siêu quốc gia. Cuộc tranh luận ấy nêu ra bài toán sinh tử cho tập thể Âu Châu, tức là còn nghiêm trọng hơn cả số phận của đồng Euro. 

Bạo động tại Trung Quốc  


Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua một đầu máy kinh tế khác của thế giới, là Trung Quốc. 

Suốt năm nay, xứ này liên tục bị động loạn khiến nhà cầm quyền ra tay đàn áp rất nặng. Đến cuối năm lại có sự cố Ô Khảm khi dân chúng phong tỏa chính quyền địa phương làm nhà chức trách phải nhượng bộ và thỏa mãn đòi hỏi của dân biểu tình. Thưa ông, nếu dân Mỹ và Âu Châu có tranh luận và hoài nghi về các định chế quốc gia hay quốc tế, thì Trung Quốc ra sao khi mà xứ này lại không có dân chủ và người dân không được quyền tranh luận hay phản biện với nhà nước?

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, ta không quên rằng Trung Quốc lệ thuộc vào hai thị trường nhập khẩu lớn nhất là Âu Châu và Hoa Kỳ. Bên trong, xứ này cũng có nhiều tai họa kinh tế nguy nàn như lạm phát, suy trầm và bong bóng đầu cơ đang bị xì. Vì vậy, bốn năm qua, Trung Quốc bị hiệu ứng ngoại nhập nặng hơn hai khối Âu-Mỹ, và có thể còn bị nặng hơn nữa nếu Âu Châu bị suy thoái và nếu Hoa Kỳ bị suy trầm vào năm tới.

- Đã thế, chính trị xứ này còn có nhược điểm sinh tử nếu so với hai khối kia. Lãnh đạo Âu Mỹ được bầu lên để giải quyết vấn đề cho người dân và nếu không xong thì bị thất cử, chứ lãnh đạo Trung Quốc nắm giữ chế độ độc tài với lý do biện minh cho lẽ chính danh là đem lại cơm áo cho người dân. Nôm na đến độ lạnh lùng thì người dân có thể hy sinh tự do cho cơm áo; nhưng khi kinh tế sa sút, cái lẽ chính danh ấy bị dân chúng đặt thành vấn đề. Mà vì hệ thống đảng lại bất lực khi giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội thì sự phản đối của người dân đe dọa chính sự tồn vong của chế độ. Trong năm qua, Trung Quốc có hơn 120 ngàn vụ biểu tình, đa số có bạo động vì bị đàn áp, mà chính sách ứng phó ở trên lại bất cập nên càng dễ gây ra khủng hoảng chính trị.

- Trường hợp Liên bang Nga cũng đáng chú ý vì xứ này không bị chấn động kinh tế nặng như Âu Châu, Hoa Kỳ hay Trung Quốc và Nhật Bản nhưng, y như tại Bắc Phi Trung Đông, chính là thành phần trung lưu Nga lại bất mãn với chế độ kinh tế chính trị ở trên, tập trung vào con người và phương cách cai trị của Thủ tướng Vladimir Putin, Kỳ khác ta sẽ nói riêng về xứ này.



000_Hkg5707306-250.jpg

Đại diện dân làng Ô Khảm điều đình với dân làng biểu tình tố cáo các viên chức địa phương trưng dụng đất của họ mà không đền bồi thỏa đáng hôm 21/12/2011. AFP  


Vũ Hoàng: Thưa ông, do ảnh hưởng rất mạnh của Trung Quốc đối với Việt Nam về nhiều mặt, xin đề nghị ông trình bày rõ hơn chuyện bất cập của chính sách ứng phó của Trung Quốc mà ông vừa nói tới.  

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta khởi sự từ Hoa Kỳ với vụ tổng suy trầm năm 2008 nên cũng đi từ khởi điểm ấy với Trung Quốc để khỏi nhắc đến chuyện còn xa xưa hơn.

- Khi thế giới bị suy trầm, Trung Quốc có thể bị khủng hoảng vì thất nghiệp tăng vọt do xuất khẩu giảm. Lãnh đạo Bắc Kinh bèn vừa tìm cách giảm giá để bán cho nhiều khiến mức lời doanh nghiệp vốn dị không cao lại còn bị bào mỏng và vài năm sau thì nhiều doanh nghiệp nhỏ bị phá sản.

- Song song, Bắc Kinh ào ạt tăng chi và cấp phát tín dụng cho doanh nghiệp với hậu quả là gây lạm phát và nạn bong bóng đầu cơ. Lạm phát làm dân nghèo càng nghèo thêm và nạn đầu cơ lại khiến cư dân nông thôn càng dễ bị cướp đất. Vụ nổi loạn ở Ô Khảm xuất phát từ nạn cướp đất ấy. Chính sách ứng phó không đạt kết quả dự tính mà gây hậu quả tai hại cho đa số người dân.

- Họ thấy đảng và nhà nước đã chẳng kềm hãm được mà còn bao che cho thiểu số thân tộc của những kẻ có chức có quyền ở trên. Chuyện kinh tế trở thành xã hội mà trung ương không kiểm soát được các địa phương và khi tiểu doanh thương phá sản hàng loạt thì cơ chế tham ô vẫn hoành hành. Dân chúng biểu tình thì bị đàn áp, họ mất tự do, mất đất đai mà cũng chẳng có áo cơm, việc làm hay nhà cửa, nên mất dần niềm tin vào chế độ bất công và bất lực của Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Tổng kết lại thì thưa ông tình hình sẽ xoay chuyển ra sao trong năm nay?

Trong năm qua, Trung Quốc có hơn 120 ngàn vụ biểu tình, đa số có bạo động vì bị đàn áp, mà chính sách ứng phó ở trên lại bất cập nên càng dễ gây ra khủng hoảng chính trị.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta rất khó biết được nhưng tôi nghĩ rằng mình nên nhớ ba đặc điểm của vụ khủng hoảng niềm tin này. Thứ nhất là dù chẳng có một nguyên nhân duy nhất nó lại phổ biến toàn cầu và tác động vào nhau theo tinh thần cộng hưởng. Thứ hai là qua mọi biểu hiện phổ biến thì người ta nổi loạn không vì tư tưởng tả hữu, cụ thể là chống hiện tượng toàn cầu hóa, chống tư bản chủ nghĩa, tự do mậu dịch, hoặc đề cao một nhà nước anh minh, một đảng cách mạng chuyên chính, v.v.... Thứ ba, quan trọng nhất, đối tượng bị đả kích không là ý thức hệ mà là thiểu số có quyền, có tiền và có trách nhiệm, họ bị quần chúng coi là bất xứng. Hậu quả là gì?

- Hậu quả là một sự hỗn mang khiến cho người ta khó tìm ra một giải pháp và tầng lớp nhân sự khác khả dĩ thay thế. Trong khi đó, yếu tố khoa học kỹ thuật lại thu hẹp thời gian quyết định, do thông tin dồn dập và tràn ngập, khiến hệ quả của từng quyết định lại tác động rất nhanh.

- Nhìn trên tổng thể thì đây là kết quả của những thái quá trong chính sách đối phó từ nhiều năm qua trước sự mất kiên nhẫn của quần chúng. Viễn ảnh chung thì mỗi nơi lại mỗi khác. Một xứ dân chủ như Mỹ thì bị tê liệt; một hệ thống liên quốc gia như Âu Châu bị phân hoá; một xứ thiếu dân chủ và nhiều sức ly tâm như Trung Quốc sẽ bị rã thành nhiều mảnh rất dễ xung đột. Mà càng đàn áp thì chỉ càng thúc đẩy bạo động. Việt Nam có thể chọn xem kịch bản nào sẽ là của mình!

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này và xin hẹn quý thính giả nhiều đợt tổng kết từ Tết Dương lịch qua Tết Nguyên đán Nhâm Thìn.

Hoa Kỳ 2011

Quốc Việt & Nguyễn Xuân Nghĩa - SBS Úc Châu Ngày 20111227

Tổng kết về Hoa Kỳ năm 2011, phần 3

 


(morguefile.com)



- Kinh tế và cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới
- Hoa Kỳ trở lại Á châu và ảnh hưởng tới các nước Đông Nam Á


  • Duration13 Mins 31 Secs
  • Download6.2 MB

Thứ Ba, tháng 12 27, 2011

Một Năm Mất Mùa

Nguyễn Xuân Nghĩa - Ngày Nay Houston Ngày 20111227

Năm 2011 vừa kết thúc là một năm nổi loạn, và mở ra một năm hoang mang đáng sợ....


* Bắn đá và trở lại thời đồ đá và thiểu số bị coi là đồ đều *



Như mọi năm, trong số cuối năm, Ngày Nay yêu cầu bỉnh bút Nguyễn Xuân Nghĩa làm một bài tổng kết về tình hình chung của toàn cầu. Năm ngoái, trên cột báo này, ông kết luận rằng năm Canh Dần 2010 chưa phải là năm dữ nhất khi viết về "hy vọng phập phồng" của năm 2011. Suốt năm qua, niềm hy vọng ấy dẫn tới nhiều phản ứng thái quá và một sự nổi loạn đồng loạt về mọi chuyện ở mọi nơi, và còn gây nhiều hoang mang trong năm 2012 sắp tới....



Loài người là sinh vật lạ vì thích ngó vào cái đồng hồ hơn là tờ lịch. Lấy ngắn hại dài là một cách nói khác.

Nhìn trong một viễn ảnh dài hạn trường kỳ, chưa khi nào nhân loại lại thịnh vượng như trong năm 2011 đang kết thúc, khi dân số địa cầu đạt bảy tỷ: bảy tỷ miệng ăn cùng những cánh tay và bộ não cho sản xuất. Theo thống kê và tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc, từ 30 năm nay, số người ở trong tình trạng cùng khốn đã giảm từ 50% xuống còn có chừng 30% dân số thế giới. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh cũng giảm và tuổi thọ trung bình trên toàn cầu đã tăng. Đó là tờ lịch.

Trong giai đoạn khá dài đó, xin tạm kể là từ 1981 trở đi, các quốc gia trên địa cầu đều cố du nhập nguyên tắc tự do trong kinh tế, gọi đó là "cải cách", "đổi mới" hay "chuyển hướng", và đạt kết quả là sự "chừng mực": tăng trưởng đều đặn, với lạm phát thấp, giữa các chu kỳ suy trầm trung bình thì tương đối ngắn, tối đa là chừng hai năm.

Song song, nhất là sau sự tan rã của Liên bang Xô viết năm 1991, cách đây hai chục năm, đa số các nước đều thấy sự can thiệp quá đáng của nhà nước mới gây vấn đề. Và giải pháp thỏa đáng hơn cả chính là nguyên tắc dân chủ, khi mọi người dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật để có khả năng chọn lựa tự do hơn.

Chu kỳ của sự chừng mực trong các giải pháp và chọn lựa đã kết thúc trong năm 2011 vừa qua. Và mở ra một thời kỳ hỗn loạn khi người ta thu hẹp tầm nhìn vào hiện tại.


***


Trong thời loạn, người ta hết tin tưởng vào các giải pháp hay các định chế có thẩm quyền về chánh sách. Một nguyên nhân chính – không phải duy nhất – là sự thái quá trong chánh sách ứng phó với nạn suy trầm kinh tế khởi sự năm 2008 và kéo dài đến giữa năm 2009, một chu kỳ cứ tưởng bình thường, năm bảy năm lại xảy ra một lần.

Thái quá trong ứng phó khi các định chế hữu trách lạm dụng quyền tự do quyết định hoặc bị áp lực của thực tế kinh tế mà bất kể đến "hậu quả bất lường", điều không tính trước của các chánh sách. Hai thí dụ ở đây là quyền tự do thái quá về tiền tệ khiến việc kích thích kinh tế dẫn tới lạm phát và bong bóng đầu cơ hoặc gây ra bội chi ngân sách và vay mượn quá khả năng thanh toán. Áp lực của thực tế kinh tế có thể là hậu quả của thiên tai, chiến tranh, hay khủng hoảng tại Âu châu, và của hiện tượng tư doanh vay mượn quá nhiều nên sẽ lại thu vén để trả nợ thay vì bung tiền ra đầu tư.

Sự thái quá kéo dài suốt ba năm và gây khủng hoảng trầm trọng về niềm tin, khiến các định chế hữu trách lật đật có phản ứng thu vén, giảm chi và trả nợ, cũng thái quá không kém.

Sau ba chục năm tin tưởng vào giá trị của tự do kinh tế rồi hoang mang về sự thái quá của thị trường, người ta đặt niềm tin vào sự can thiệp của nhà nước bằng các biện pháp tiền tệ hay ngân sách. Sau ba năm được quyền tự do quyết định, sự can thiệp cũng thái quá đó trong chách sách kinh tế của nhà nước dẫn tới phản ứng ngược, đó là... chặt tay nhà nước.

Hoặc nổi loạn.

Trong các quốc gia có dân chủ, phản ứng của người dân có nơi thể hiện là thùng phiếu khiến đối lập thắng thế và tranh luận bùng nổ giữa hai nhu cầu đều chính đáng là giảm chi và kích thích. Nhưng hình ảnh được phơi bày là sự lúng túng của các định chế cầm quyền và các chính khách trước hai nhu cầu mâu thuẫn đó.

Rõ rệt nhất là chuyện xảy ra tại Hoa Kỳ, sau bầu cử năm 2010 và trước bầu cử 2012, với phản ứng thái quá của đảng Cộng Hoà và quán tính truyền thống của đảng Dân Chủ là vẫn tin rằng nhà nước mới là giải pháp. Nhu cầu tranh cử và sự mị dân của các chính sách ở cả hai đảng khiến người ta tuyệt vọng về nền dân chủ.

Và thay vì chờ đợi ngày bỏ phiếu, người ta biểu tình. Tính toán mị dân của các chính khách - bên đảng Dân Chủ - là khai thác chuyện biểu tình đó cho nhu cầu tranh cử. Nạn nhân của vụ nổi loạn này chính là nền dân chủ và người dân Mỹ. Thiểu số bị kết án – tài phiệt Wal Street hay 1% dân số của những kẻ giàu nhất nước – chính là thành phần đã chi tiền nhiều nhất cho các chính khách mị dân ưa nhân danh 99% còn lại!

Nhưng không chỉ Hoa Kỳ mà tại các nước dân chủ khác, người dân cũng xuống đường nổi loạn làm nhiều chính quyền bị đổ, hoặc mất phiếu. Bị đổ như tại Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý và mất phiếu như tại Đức.

Người ta hết tin tưởng vào giải pháp thần diệu của nền dân chủ và áp dụng luật rừng, là ném đá và đốt nhà. Nhờ có dân chủ, người dân nổi loạn không bị đàn áp, nhưng thực tế thì niềm tin dành cho các định chế hữu trách và thiểu số ở trên đã tuột xuống đất đen. Trong năm 2012, nhiều người sẽ thất cử, và đáng bị thất cử.

Nhưng sau đó là gì thì chưa ai biết!


Chuyện hy hữu là trong khi nền dân chủ tại các nước Âu-Mỹ cứ bị coi là phá sản – vì người dân hết phản ứng bằng lá phiếu mà bằng đá củ đậu ném vào cảnh sát và các chính khách lại thi đua mị dân – thì dân chủ lại là niềm hy vọng của quần chúng tại các nước độc tài!


***


Năm 2011 mở ra với chuyện biểu tình tại Tunisie khiến chế độ độc tài của Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali sụp đổ. Biến cố ấy dẫn tới phản ứng cũng thái quá - trước tiên là của truyền thông Tây phương - về niềm tin vào làn sóng dân chủ bất khả phản hồi trong các nước Á Rập Hồi giáo.

Sự thật chưa được như vậy vì Egypt đổi chủ, Tổng thống Hosni Mubarak phải từ nhiệm, mà chế độ quân phiệt chưa tan rã. Đến cuối năm dân chúng vẫn biểu tình bạo động và bị đàn áp. Trong cảnh tranh tối tranh sáng của đấu tranh dân chủ, lực lượng có tổ chức nhất là xu hướng Hồi giáo cực đoan, đã kín đáo thắng thế đằng aau nỗ lực biểu tình của những người đòi dân chủ.

Sự thật cũng vẫn chưa được như vậy tại các nước Bắc Phi Trung Đông và cả khu vực Hồi giáo của Vịnh Ba Tư. Lãnh tụ Moammar Gaddaphi bị hạ sát và chế độ độc tài của ông sụp đổ nhờ sự can thiệp quân sự của Tây phương, mà dân chủ chưa thành hình và xứ Libya vẫn có nguy cơ khủng hoảng.

Sự thật còn thê thảm hơn tại Syria hay Yemen, khi nạn đàn áp vẫn tiếp diễn với sự can dự của nhiều xứ khác. Các nước Hồi giáo như Saudi Arabia hay Iran cũng thế, chưa có dân chủ và chế độ - theo hệ phái Sunni hay Shia - còn nhìn vào khoảng trống tại Iraq do Hoa Kỳ để lại vào cuối năm!

Mà tình hình Iraq mới là nơi minh diễn sự lạc quan thái quá của mọi người vào quy tắc dân chủ.

Cả thế giới phê phán việc Hoa Kỳ can thiệp vào xứ này để lật đổ chế độ độc tài và hung đồ của lãnh tụ Saddam Hussein. Sau tám năm đại loạn, Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Iraq, như Chính quyền Barack Obama chủ trương và tiến hành kịp thời trước mùa tranh cử của năm 2012. Lại cảnh "khi đồng minh tháo chạy". Ba ngày sau, là tuần qua, Iraq lại có loạn.

Phe Shia thắng thế - với sự yểm trợ của Iran ở sau lưng – đã xông lên và đẩy hai lực lượng thiểu số của hệ phái Sunni và sắc tộc Kurd vào đường cùng. Phe thiểu số sẽ nổi loạn!

Khủng bố tự sát đã tái diễn tại thủ đô Baghdad.

Nền dân chủ mong manh tại Iraq có thể tiêu vong và chế độ Iran độc tài của hệ phái Shia sẽ thắng lớn ở xứ lân bang này khiến hai chế độ Sunni là Saudi Arabia và Turkey phải canh chừng. Hoặc can thiệp! Người ta cứ nghĩ rằng chỉ cần lật đổ ách độc tài là dân chúng nơi nơi sẽ bắt tay vào xây dựng dân chủ, cũng là một sự lạc quan thái quá.

Sự lạc quan ấy cũng có thể giải thích kỳ vọng của nhiều người về những biến động tại Liên bang Nga sau cuộc bầu cử đầu tháng 12. Thành phần trung lưu khá giả đã biểu tình chống Thủ tướng Vladimir Putin, tố giác tội gian lận bầu cử năm nay và âm mưu tái tranh cử Tổng thống vào Tháng Ba năm tới. Nhiều nhân vật công thần hoặc có uy tín của chế độ Putin ra mặt chống đối, nguyên Chủ tịch Liên Xô là Mikhail Gorbachev còn kêu gọi Putin từ chức!

Nhưng Putin vẫn nắm sao đằng chuôi, ngoài đảng Nga Thống Nhất của ông, ba chính đảng lớn nhất còn lại đều có chủ trương ủng hộ sự "đổi mới" của ông để canh tân xứ sở, theo màu sắc Nga. Và cả truyền thông lẫn quân đội và mật vụ Nga vẫn do Putin kiểm soát. Khái niệm dân chủ như ta hiểu tại các nước Tây phương chỉ xuất hiện trong các cuộc biểu tình ở thành phố. Và không là chủ trương của các định chế hay nhân vật trong cuộc.

Trung Quốc cũng vậy.

Sau khi Ôn Châu của tỉnh Chiết Giang giã từ giấc mơ kinh tế thị trường vì tư doanh phá sản hàng loạt trong năm qua, đến cuối năm thì dân chúng Ô Khảm của tỉnh Quảng Đông nổi loạn và đánh đuổi chính quyền địa phương. Động loạn đã bùng nổ, đến hơn trăm ngàn vụ trong cả năm. Sự phá sản của những chánh sách thái quá khiến lạm phát và vỡ nợ lan rộng và gây phản ứng trong quần chúng. Nhưng chế độ vẫn thẳng tay tiêu diệt và dân chủ vẫn là chuyện cấm kỵ....

Khi tổng kết vào dịp cuối năm, người ta có thể thấy ra một nét chung là sự sụp đổ niềm tin vào các định chế hữu trách, có quyền.


***


Năm 2001 là năm mất mùa của các niềm tin.

Niềm tin vào cơ chế Âu châu thống nhất, vào nguyên tắc dân chủ và bầu cử tại Mỹ, vào khả năng giải quyết của các định chế chuyên môn và độc lập như ngân hàng trung ương, niềm tin vào sự thoả hiệp của các phe phái đối nghịch để xây dựng được một không gian sống chung trong ổn định như tại Iraq hoặc Libya, v.v...

Ngần ấy kỳ vọng đều chưa xuất hiện.

Sự suy sụp niềm tin dẫn đến phản ứng nổi loạn. Năm 2011 là năm nổi loạn phổ biến và sẽ dẫn tới hoang mang trong năm 2012. Hoang mang vì chưa biết là sẽ xây dựng ra cái gì để thay thế. Và ai sẽ xây dựng? Sự hoang mang ấy mới là nguy cơ khủng hoảng đáng sợ nhất. Mười năm sau những kỳ vọng về làn sóng dân chủ muôn màu, như tại Serbia, Georgia, Ukraine hay Kyrgyzstan, năm 2011 chính là sự thoái lui của trào lưu dân chủ.

Trong khi ấy, các chế độ độc tài đều dư thủ đoạn cứu vãn quyền lực chính trị và đặc lợi kinh tế của họ. Nhìn từ các quốc gia có tự do, nếu kinh tế thị trường và chính trị dân chủ hết là giải pháp lý tưởng, người ta sẽ làm gì khi tiếp tục gây phản ứng thái quá? Gây loạn? Chính sách mị dân của xứ tự do, thủ đoạn đàn áp của chế độ độc tài và sự thiếu tổ chức của các phong dân chủ có thể là những biểu hiện đen tối nhất của năm 2011. 

Hương hoa nhài tại Tunisie vào đầu năm hay con én tại Miến Điện vào cuối năm chưa thật sự báo hiệu mùa Xuân 2012.

Đạp Thắng Trên Đầu Dốc


Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 20111227
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Tổng thống Obama mà tái đắc cử là đáng... đời cho đảng Cộng Hoà!


* Không! Đây chỉ là ba anh hề Larry, Moe và Curley mà thôi! *



Hoa Kỳ có hai biệt tài mà may ra Trung Quốc mới có thể sánh nổi. Đó là tạo ra nhiều kỳ vọng rồi lại làm thiên hạ tuyệt vọng - và lo sợ!

Người ta đặt nhiều kỳ vọng vào nền dân chủ Mỹ sau hai trận Thế chiến và khi nhất là Chiến tranh lạnh kết thúc, đúng 20 năm trước. Mươi năm trước người ta ước mơ làn sóng muôn màu muôn hương mà nhiều người cho là do bàn tay kỳ diệu của Hoa Kỳ: cách mạng dân chủ tại Serbia, Georgia, Ukraine hay Lebanon, Kyzgyzstan, rồi năm nay tại Tunisie, Egypt và Libya, v.v... Cứ làm như cam quít, hoa uất kim hương hoặc hoa nhài, và gỗ bá hương - tên lãng mạn của các phong trào dân chủ - đều có hạt mầm hay phân bón của Mỹ!

Rồi cũng chính Hoa Kỳ lại làm thiên hạ tuyệt vọng, như chuyện đang xảy ra ngay trên đất Mỹ.

Vì chủ đề của cột báo định kỳ này là kinh tế, người viết xin miễn nói về thiên hạ sự hay nguy cơ bạo loạn tại Iraq... "khi đồng minh tháo chạy", mà tập trung vào một hồ sơ quái đản của nước Mỹ, vừa được thể hiện tuần qua. Đó là dự án tạm miễn thuế trên sổ lương ("payroll tax").

Trước hết là vài dòng về nội dung kinh tế, sau đó là những động lực chính trị của các chính khách khiến người ta hết tin nổi vào nền dân chủ Hoa Kỳ!


***


Sau ba chục năm an hưởng sự chừng mực trong chính sách với kết quả là kinh tế đạt tăng trưởng khả quan với lạm phát thấp - dù dăm bảy năm lại có một chu kỳ suy trầm kéo dài tối đa là hai năm, năm 2008, Hoa Kỳ bắt đầu sốt ruột giữa thời chiến và vụ khủng hoảng tài chánh năm đó.

Hậu quả là sự thái quá trong phản ứng với hàng loạt biện pháp tăng chi và kích thích kinh tế mà kết quả chỉ là bội chi khổng lồ và mắc nợ kỷ lục, trong khi kinh tế ra khỏi suy trầm từ giữa năm 2009 mà chưa khởi sắc, thất nghiệp còn cao. Vì vậy, cử tri nổi đóa trong vụ bầu cử 2010 khiến đảng Dân Chủ mất đa số tại Hạ viện và lui về thế thủ tại Thượng viện.

Đảng Cộng Hoà thừa thắng đã cũng lại tái diễn sự thái quá tai hại bên đảng Dân Chủ. Đó là bối cảnh chính trị.

Bối cảnh kinh tế và rất khái quát với con số tính tròn là cả nước Mỹ sản xuất ra một năm chừng 15 ngàn tỷ đô la - vĩ đại vì còn hơn kết số của sản lượng Tầu, Nhật, Đức, ba nền kinh tế đi sau. Nhưng chính quyền lấy mất 25% của Tổng sản lượng đó cho công chi mà lại thu vào có 15% nhờ thuế khoá nên bị khiếm hụt hay bội chi 10% và phải đi vay. Như đồng hồ tự động, tiền lời đó trút thêm vào gánh bội chi và sau bốn năm thái quá, gánh bội chi đó đã mấp mé bằng tổng sản lượng.

Vấn đề vì vậy là phải giảm chi và tăng thu.

Giảm chi lại có các mục chi xã hội bất khả xâm phạm xuất phát từ chế độ bao cấp lưu cữu từ nhiều năm nay. Còn lại thì có tăng thu, bằng cách nâng thuế suất, hay mở ra căn bản tính thuế cho sâu rộng hơn qua biện pháp chám bớt lỗ hổng thuế khoá – gian lận hợp pháp nhờ cả ngàn chi tiết nhiêu khê của bộ luật thế vụ phức tạp nhất địa cầu. Và tăng thu bằng biện pháp kích thích sản xuất để doanh nghiệp và dân chúng nộp nhiều thuế hơn nhờ lợi tức gia tăng.

Giữa bối cảnh kinh tế đó, trong năm 2011, ưu tiên chính trị tại Hoa Kỳ vẫn là tranh cử 2012. Mà thực tế kinh tế trước mắt vẫn là sự èo uột của sản xuất trong khi nguy sơ suy trầm toàn cầu và suy thoái Âu châu lại đe dọa chân trời 2012.

Đó là khung cảnh của trận đánh chính trị lồng vào hồ sơ kinh tế của năm nay.


***


Từ năm ngoái, lãnh tụ Cộng Hoà tại Thượng viện là Nghị sĩ Mitch McDonnell đề ra ưu tiên của mọi ưu tiên là phải đánh bại Tổng thống Barack Obama trong năm 2012. Nhưng suốt năm nay, đảng Cộng Hoà lại tìm mọi cách giúp ông Obama tái đắc cử. Sau mùa Hè đỏ lửa về ngân sách khiến Mỹ bị giáng cấp tín dụng vào đầu tháng Tám năm nay, chuyện hỗn loạn như hóa dại trong vòng sơ bộ của đảng Cộng Hoà để chọn ứng viên chính thức ra tranh cử là điều khỏi cần nhắc lại – vì sẽ còn loạn nữa.

Giữa mối ưu lo của dân Mỹ và cuộc tranh luận của chính trường, có một hồ sơ cực nhỏ mà là cái gai thật to: việc triển hạn quyết định giảm thuế lương bổng, là sắc thuế mà doanh nghiệp và người nhận lương – 160 triệu dân – chia nhau trang trải. Quyết định ấy đã được ban hành trước đây và được tái tục nhưng sẽ đáo hạn cuối năm nay.

Không ai lại tăng thuế người dân khi kinh tế suy trầm và việc triển hạn tiếp sẽ giúp mỗi gia đình thêm ngàn đồng trong cả năm để tiêu xài và doanh nghiệp đỡ một gánh thuế khoá tương tự để có thể đầu tư cho sản xuất và nhân dụng - tuyển người làm. Nhưng cái "được" của người dân là cái "mất" - khoảng 120 tỷ đô la cho quỹ An sinh Xã hội - con số thật ra ít ỏi so với mức bội chi ngân sách gần bằng Tổng sản lượng. Vả lại, việc triển hạn giảm thuế đó cũng không là cắt thuế mà chỉ là kéo dài thêm biện pháp đặc miễn trong một năm mà thôi.

Khi độc giả thấy chuyện này quá rắc rối thì đấy cũng là cơ hội cho các chính khách tung hoả mù.


***


Xuất sắc về thuật mị dân, đảng Dân Chủ làm dân Mỹ quên hẳn biệt tài tăng thuế để tăng chi và mua phiếu cử tri nghèo, họ trình bày nội vụ như quyết định giảm thuế giới trung lưu và người nghèo. Không hổ danh là có biệt tài tự bắn vào chân rồi tay chống nạng và tự vả vào miệng là thành tích của lãnh đạo đảng Cộng Hoà trong Quốc hội.

Đảng Cộng Hòa mắc bẫy khi dùng ngôn ngữ của đối phương mà gọi đây là biện pháp cắt thuế - tax holiday không là tax cut. Chuyện nhỏ!

Chuyện lớn là lãnh đạo Cộng Hoà lại không thống nhất được đối sách giữa hai viện.

Hạ viện Cộng Hoà do Chủ tịch John Boehner cầm đầu thông qua việc triển hạn thuế sổ lương thêm một năm và giảm chi 120 tỷ để bù vào số thất thâu đó: giảm chi nhờ hạn chế mức lương của công chức liên bang. Nhưng Thượng viện Cộng Hoà, do Nghị sĩ Mitch McDonnell là thủ lãnh, lại đồng ý với đảng Dân Chủ đa số là triển hạn thuế sổ lương thêm hai tháng. Và theo đúng tinh thần có tăng thì phải có giảm, dự luật Thượng viện đòi trám vào chỗ thất thâu - tạm cho là 24 tỷ - bằng cách tăng lệ phí của hai cơ sở tín dụng bán công là Fannie Mae và Freddie Mac, tức là tăng phân lời tín dụng gia cư. 

Đến giờ chót, khi dân Mỹ chuẩn bị mừng Giáng Sinh và Quốc hội mãn họp cuối năm thì Chủ tịch Hạ viện phản đối đề nghị của Thượng viện, được vài ba ngày! Rồi bẽn lẽn bọc xuôi để ông Obama dõng dạc ký luật ban hành trước khi đi Hawaii nghĩ lễ cuối năm.

Thuần về kinh tế, biện pháp này là muỗi đốt gỗ. Nội dung ngắn hạn và ít ỏi đó không làm thay đối tính toán chi tiêu hay đầu tư của kinh tế.

Nhưng về chính trị thì đảng Dân Chủ thắng lớn vì đã làm cho dân chúng hiểu rằng đảng đề nghị giảm thuế cho dân nghèo mà bị đảng Cộng Hoà ngăn chặn vì không muốn tăng thuế của tài phiệt tỷ phú. Rồi sau đó vì phản ứng của quần chúng nhân dân lao động, đảng Cộng Hoà đành nhượng bộ! Với tài nghệ này của đảng Cộng Hoà, Tổng thống Obama có tái đắc cử thì cũng là đáng... đời.

Còn nạn bội chi hay các hồ sơ rắc rối khác của nước Mỹ? Xin chờ sau năm 2012 vì khi Hoa Kỳ đạp thắng trên đầu dốc như vậy thì cỗ xe rất dễ lật, trong khi tiền lời đi vay vẫn chảy đều cùng tiếng tích tắc của cái đồng hồ! Hèn chi, một số trí thức thiên tả của Hoa Kỳ đả kích nền dân chủ Mỹ và đề cao giải pháp đồng thuận kiểu Bắc Kinh. Thê thảm!

Thứ Hai, tháng 12 26, 2011

Trường Sa! Trường Sa! Đảo Chuếnh Choáng!*

Nguyễn Xuân Nghĩa - Ngày 20111225 

Khi lá cờ sáu sao của Trung Quốc xuất hiện ở Hà Nội





Việt Báo Xuân Mậu Tý 2008: Sau này, lịch sử Việt Nam sẽ ghi lại, rằng lần đầu tiên đất nước bị mất lãnh thổ - rồi cả lãnh hải - cho Trung Quốc là dưới chế độ Cộng sản. Còn lịch sử Trung Hoa thì ghi rằng đảng Cộng sản Việt Nam đã dâng Bắc Kinh ngôi sao thứ năm trên lá Ngũ tinh Hồng kỳ của họ…. Việt Báo Xuân Mậu Tý ghi lại sự kiện đau buồn ấy trong tiết mục sau đây, kết thúc với những sáng tác đắng chát của Đặng Thơ Thơ, Tô Thùy Yên, Khoa Hữu và Trịnh Cung… (* Thơ Tô Thùy Yên)


MỘT TẤM DƯ ĐỒ BỊ LÃNG QUÊN
Một bản đồ của Hoà Lan về Hoàng Sa và Trường Sa làm ta rơi nước mắt…


Cuối năm Đinh Hợi 2007, khi người Việt khắp nơi sôi sục với vụ Bắc Kinh đòi lập ra cơ chế hành chánh quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, thế giới mới chú ý đến vụ tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các quần đảo này. 

Một số dư luận nói theo sự mù lòa của cơ quan CIA Hoa Kỳ, rằng sau khi đô hộ Việt Nam, Chính quyền Thực dân Pháp mới chiếm các quần đảo ấy vào năm 1932: đến giờ này, tài liệu do CIA công bố trên trang nhà vẫn còn ghi như vậy!

Cứ theo lý luận đó thì nhờ Tây mà Việt Nam mới đòi chủ quyền trên các quần đảo trong một vùng biển cứ bị dư luận quen gọi là biển Nam của Trung Hoa, Trung Nam Hải. Rõ là cướp đất của Tầu!

Người ta đã nhìn chậm nhiều thế kỷ.

Người ta cũng làm ngơ trước cuốn Bạch thư của Việt Nam Cộng Hòa về Hoàng Sa và Trường Sa, được phổ biến sau vụ hải chiến tại Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974. Khi ấy, cả miền Nam đang hấp hối, còn ai chú ý đến bãi cát vàng ở ngoài khơi?

Cũng vậy, người ta không chú ý đến một nỗ lực đáng quý trọng của xã hội dân sự tại miền Nam, qua sự xuất hiện của Tập san Sử Địa và số 29, đặc biệt dành cho chủ đề "Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa" (xuất bản tháng Ba năm 1975) và đã được nhà Khai Trí cho tái bản ở hải ngoại.

Người mình phải trình bày cho các thế hệ nối tiếp biết thấu đáo hơn về những công trình ấy.

Và cho thế giới biết rõ Lê Quý Đôn là ai, tập "Phủ biên Tạp lục” của ông, soạn thảo từ năm 1776, đã viết thế nào về các quần đảo ấy… (… "Trước, họ Nguyễn đặt đội Hoàng sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào. Cắt phiên, mỗi năm cứ tháng Hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng. Đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy…").

Nhân dịp ấy, cũng nên tham khảo một tài liệu khác. Một tấm dư đồ bị lãng quên.

Đây là tấm bản đồ tô màu, in năm 1613 trong cuốn Địa đồ Atlas Mercator Hondius.

Gerardus Mercator và Jodocus Hondius là hai nhà địa dư học nổi tiếng của Hoà Lan (Netherland) vào các năm 1600 trở về sau. Thời ấy, Công ty Đông Ấn của Hoà Lan lập ra năm 1602 để cạnh tranh với Công ty Đông Ấn của Anh và phát triển cơ sở khắp nơi nên tập trung lại các tài liệu tham khảo về địa hình địa thế Á Đông. Tấm bản đồ trình bày ở đây là do Jodocus Hondius (1563-1612) vẽ lại trước năm 1606, từ dữ kiện của nhà địa dư học Bồ Đào Nha (Portugal) Bartolomeu Lasso vào đầu thế kỷ 16 - tức là trước đó khoảng trăm năm.

Tấm bản đồ trình bày bằng tiếng Latinh, có tên là Insulae Indiae Orientalis, ghi rõ vùng biển Đông Nam Á, từ đảo Sumatra phía Tây tới New Guinea và cả đảo… Guam phía cực Đông (trong một chuỗi đảo họ mệnh danh là "quần đảo thổ phỉ" - Islas de Las Vellas), và từ đảo Timor gần Úc Đại Lợi phía Nam lên tới… đảo Hải Nam phía Bắc.

Thời ấy, thế giới vẫn mơ hồ về đảo Java, với hướng Nam còn ghi bằng hàng dấu chấm trên bản đồ. Nhưng các sử gia tìm thấy ở bản đồ chứng cớ cập bến của nhà thám hiểm và Phó Đề đốc nổi tiếng Francis Drake (sinh khoảng 1540, mất năm 1596) của Nữ hoàng Anh Elizabeth I. Tại một hải cảng ở miền Nam Java, qua hàng chữ "Huc Franciscus Dra. Appulit".

Người Việt ta lại tìm thấy nhiều dữ kiện khác.

Góc Tây-Bắc tấm dư đồ là đất "Cauchin, có tên khác là Cauchinchina", là Cochinchine theo lối gọi thời Tây sau này. Đấy là địa đồ của Đàng Trong khi mở ra cục diện Trịnh-Nguyễn phân tranh (Chúa Nguyễn Hoàng mất năm Nhâm Tý 1613, là năm xuất bản tấm địa đồ).

Nhân đây, xin ghi một chi tiết để tồn nghi về tên gọi. Từ thế kỷ 13, các nước đã theo Marco Polo gọi tên nước ta là Caugigu (phiên âm từ Giao chỉ quốc), sau đọc trại thành Kiaoche rồi Coci (cách gọi của Bồ Đào Nha). Thế rồi, để khỏi lầm với Koci của Ấn Độ, người ta thêm chữ China hay Cina, nên Cauchinchina trở thành tên gọi chung của nước Đại Việt. Đến thời phân tranh, người ta mới gọi Đằng Ngoài là Tunking, hay Tonkin, từ chữ Đông Kinh là Hà Nội, và Đằng Trong vẫn giữ tên Cauchinchina, hay Cochinchine như dân Pháp đã gọi.

Nếu cứ theo mặt tên mà nói thì các nhà báo Tây phương ngày nay có thể kết luận rằng toàn cõi Việt Nam là… của Trung Quốc. Đất Cochin của nước China mà!

Trên địa đồ, ta nhận ra Thuận Hoá (dưới tên viết Latinh là Sinoa), sau này mình gọi là Phú Xuân rồi Huế. Nhiều địa danh khác thì còn phải nghiên cứu thêm mới rõ được. Như tại phía Bắc có thành phố ghi tên Biciputri, dịch từ Latinh ra là trụ đá, hay Thạch trụ, Thạch bi (chẳng lẽ là núi Thạch Bi?)…  và tại phía Nam, quãng Phú Yên Khánh Hoà thì có địa danh Lantam. Thực tế là gì thì mình chưa rõ mà chỉ nhớ rằng bản đồ được vẽ từ những tài liệu của Bồ Đào Nha cách đó cả trăm năm.

Đáng chú ý hơn cả, tấm bản đồ ghi rất rõ ngoài khơi Việt Nam một vùng quần đảo có nhiều bãi cát nông chạy dài xuống hướng Tây Nam, được ghi là Pracel.

Đối diện với quần đảo, và trên lãnh thổ Việt Nam được viền màu vàng, là tên Costa de Pracel, "Bờ Pracel". Không chút liên hệ gì tới đảo Hải Nam được tô hồng với tên là Ainan! Nghĩa là trước khi Lê Quý Đôn soạn Phủ biên Tạp lục thì người ngoại quốc đã tới nước ta và ghi trên tài liệu của họ sự căn thuộc Việt Nam của quần đảo Paracels.

Sự kiện này phải xuất phát từ thực tế ở tại chỗ, vào thời đó.

Ta nhớ rằng người Bồ Đào Nha và Hoà Lan đã tiếp xúc và thực tế buôn bán với các chúa Trịnh và Nguyễn. Khi thương thuyền Grootenbrook bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa, người cầm đầu thương điếm của Công ty Đông Ấn Hoà Lan tại Faifo lại không lên đảo Hải Nam mà vào Thuận Hoá để cám ơn chúa Thượng việc thủy thủ đoàn của họ được người Việt cứu vớt! Chúng ta cũng biết rằng dưới thời Trịnh Nguyễn, nhà Đại Thanh còn phải củng cố quyền lực, tới khi có tham vọng tấn công nước Nam thì lại tan tành vì Quang Trung Nguyễn Huệ năm 1789. 

Những người Hoa duy nhất mà dân ta gặp là dân tỵ nạn của triều Minh, hoặc… thuyền nhân và hải tặc tìm đất dung thân ở Đằng Trong. Họ được đón nhận, đối xử lịch sự và bình đẳng - theo truyền thống Việt Nam mà các nhà hàng hải Hoà Lan đã sớm ghi nhận. Họ góp phần khai phá miền Nam, nhiều người trở thành kiện tướng hay công thần của các Chúa rồi các Hoàng đế nhà Nguyễn.

Không hề có chuyện người Trung Hoa cai quản hay làm chủ Hoàng Sa hoặc Trường Sa như Bắc Kinh ngày nay đang muốn diễn giải!

Nhân đây, xin ghi lại một chuyện nhỏ.

Xưa nay, ta vẫn gọi nước láng giềng phương Bắc là Trung Hoa và dân của họ là người Hoa, của nền văn minh Hoa Hạ. Đó là cách của người Việt. Chỉ có Trung Quốc - hay Trung Cộng thời nay - mới nhấn mạnh đến yếu tố "trung ương" của họ, như cái rốn của vũ trụ và trung tâm của thiên hạ. Trong quan hệ giữa hai nước, khi dùng chữ "Việt-Trung" hay "Trung-Việt" theo sự mù lòa của truyền thông Tây phương bằng tiếng Việt, ta mắc bệnh phiên thuộc của đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, xin đề nghị là người Việt nên dùng lại chữ cho đúng với truyền thống Việt Nam, là "Việt-Hoa" hay "Hoa-Việt". Hoa tộc và Việt tộc là láng giềng và bình đẳng. Hình như ông Khổng là người nói ra chuyện ấy - phải chính danh mới định phận. Chẳng phải Khổng Phu tử thì kiến thức tối thiểu về quảng cáo, tiếp thiï, marketing hay tuyên truyền cũng nói như vậy!



LỊCH SỬ NGÀN NĂM
Mối bất hoà của dân ta là một sự cám dỗ lớn…


Hơn 10 thế kỷ trước (1070 năm), năm 939 Việt Nam giành lại nền tự chủ từ Trung Hoa sau ngàn năm Bắc thuộc là khi nước Tầu có loạn, bị phân hoá trong thời Ngũ đại Thập quốc (907-960). Từ đấy bài học nằm lòng của dân Việt là tinh thần thống nhất dân tộc - các sắc tộc và địa phương - là điều kiện cần thiết để tiến tới sự hình thành của quốc gia. Hoặc biến báo hơn, khi Trung Hoa có loạn là dân ta dễ thở. Khi Trung Hoa thống nhất thì ta nên biết… cư an tư nguy. Khi dân ta chia rẽ, mối nguy tất sẽ hiển hiện.

Bài học ấy, tiền nhân đã thuộc.

Vì vậy mà mục tiêu của các hội nghị Bình Than (1282) và Diên Hồng (1284) thời kháng chiến chống Nguyên Mông chính là để vận động sự thống nhất quan điểm và ý chí của các tầng lớp lãnh đạo (Bình Than) và các địa phương (Diên Hồng) hầu chuẩn bị từng bước tiến thoái, và nhất là chiến lược du kích, cho cuộc tổng phản công sau này. Thiếu sự thống nhất ấy, vua quan triều Trần mà rút tới đâu thì bị phục kích tới đó. Và thiếu sự đồng lòng của dân ta thì cuộc xâm lăng lần thứ hai của nhà Nguyên đã… vẽ lại bản đồ Việt Nam.

Trong thế kỷ 20, Việt Nam lại quên bài học cũ mà mở ra cuộc tương tàn khi thế giới đã quốc tế hoá, với sự can thiệp của đủ màu ngoại bang vì rất nhiều động lực gần xa.

Đảng Cộng sản Việt Nam có tội lớn trong tai họa ấy khi đoàn kết với các đồng chí ở xa mà chém ngược vào ruột gan đồng bào ở nhà.

Các nhà thơ thường hay nói thật mà mình tưởng họ ngủ mơ. Khi Chế Lan Viên làm thơ về nỗ lực đấu tranh của "ta" để làm đẹp lòng Bắc Kinh, những người ít biết về thơ lại không hiểu gì về bản tuyên ngôn của đảng hàm chứa bên dưới lời thơ. Biến cố Mậu Thân 1968 là một đỉnh quang vinh của đảng, nằm trên núi xương sống máu của người Việt trong Nam, và báo hiệu trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Năm đó, Hoa Kỳ hết cần "tiền đồn thế giới tự do" và khoanh tay nhìn Trung Quốc đi xuống các quần đảo mà Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Elmo Zumwalt, cho là "không có giá trị chiến lược". Thời ấy, có thể là ông chưa nhìn ra trữ lượng 25 tỷ thước khối khí đốt và cả trăm tỷ tấn dầu thô ở bên dưới, hay vì cả tin vào Đệ thất Hạm đội để bảo vệ tự do vận chuyển qua eo biển Malacca!

Nhưng ở vào cảnh thất thế, Quân lực Việt Nam Cộng Hoà vẫn chiến đấu anh dũng để bảo vệ Hoàng Sa trước sự thụ động - và còn cung cấp thông tin sai lạc - của Hoa Kỳ. Và sự lặng thinh không một chút ngượng ngập của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà!

Việt Nam mất Hoàng Sa từ đó.

Sau khi được thống nhất về chính trị dưới chế độ Cộng sản, Việt Nam tiếp tục mất nhiều lãnh thổ và lãnh hải khác. Cho tới ngày nay.

Thực ra, ngay từ đầu, đảng Cộng sản đã chọn con đường ấy khi nương tựa vào - và đổi chác quyền lợi với - Bắc Kinh. Từ khi Tướng Trần Canh đội mũ chiến tướng cho Võ Nguyên Giáp tại trận Điện biên phủ cho tới khi hai vạn cán bộ binh lính Trung Quốc bảo vệ hậu cứ Bắc Việt để Hà Nội mở cuộc chiến vào Nam. Ai còn trông mong Võ đại tướng lên tiếng đòi lại Hoàng Sa Trường Sa là mắc bệnh mộng du. Hoặc quên trí nhớ.

Ngay từ đầu, Hà Nội đã thủ vai phiên thuộc, từ lá thư nhục nhã của Phạm Văn Đồng năm 1958 khi Bắc Kinh đòi chủ quyền ngay tại ngoài Đông hải của Việt Nam, cho tới sự chống đỡ yếu ớt năm 1988 khi Trường Sa bị thôn tính. Từ việc tương nhượng Trung Quốc sau năm 1990 cho đến khi kiểm soát phản ứng của dân chúng ngày nay trước quyết định hành chánh của Bắc Kinh về việc "quản lý" hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Cái mà đảng Cộng sản được là cái mà quốc gia bị mất.

Nói cho rõ hơn, đảng còn thì nước mất mà đảng mất thì nước vẫn còn. Quy luật ấy sẽ sáng tỏ trong năm Tý.



"NGŨ PHỤNG TỀ PHI" TRÊN LÁ HỒNG KỲ
Sao vàng của đảng sẽ nhập vào Ngũ tinh Hồng kỳ của Trung Quốc


Lá cờ lạ mà quen! Hà Nội giải thích là vì "tính sai sót kỹ thuật" Ảnh của Reuters tại Hà Nội
 

Năm 1949, Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị thống nhất Hoa lục dưới sự lãnh đạo của đảng, và chọn quốc kỳ là lá cờ năm sao gọi là "Ngũ tinh Hồng kỳ", lần đầu tiên được Mao kéo lên vào tháng 10 năm đó. Ngôi sao chính, như vầng Bắc đẩu, là biểu tượng của đảng. Bốn ngôi chầu quanh là của các giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc!

Đó là lý luận chính thức của họ khi tiến hành chiến tranh và cách mạng vô sản.

Lý luận đấu tranh giai cấp ấy nay đã lỗi thời và bị xoá mờ trong Hiến pháp.

Ngày nay, họ trở lại chủ thuyết truyền thống của nền văn hóa duy chủng: Hán tộc tất nhiên giữ ngôi Bắc đẩu, bốn phương đều chầu về đó. Bốn phương ấy là các tộc Mông, Mãn, Hồi, Tạng.

Có điều, nhìn vào lịch sử Trung Hoa thì đấy là một tất yếu lịch sử hơi yếu!

Trong lịch sử Trung Hoa, nhiều sắc dân thiểu số đã vào Trung Nguyên làm chủ Trung Quốc. Con cháu Thành cát Tư hãn tiêu diệt nhà Tống mà lập ra nhà Nguyên. Trước đó, nhà Kim đã khống chế phân nửa miền Bắc của Trung Quốc. Sau đó, hậu duệ của người Kim, thuộc tộc Nữ Chân, là người Mãn Châu, đã tiêu diệt nhà Minh để lập ra nhà Mãn Thanh, và tồn tại từ 1644 đến 1911. Trong lịch sử Trung Hoa, không thiếu gì công chúa đã được gả cho Thuyền vu hay Thổ tù và cả Quốc vương Tây Tạng, để mua lấy hoà bình cho Thiên tử! Văn minh Trung Hoa xuất phát từ nét văn hoá sợ sệt, lại ưa khoác lác, khinh người.

Trong lịch sử Việt Nam, Thái úy Lý Thường Kiệt đã dẫn binh đội nhà Lý tấn công thẳng vào lãnh thổ Trung Quốc, làm "Nội các" Vương An Thạch bị đổ, và nhà Tống phải nghiên cứu về tổ chức binh bị của nước Nam. Cũng trong thời đại ấy, viên thổ tù Nùng Trí Cao được triều Lý của ta dung tha lại gây "chấn động kinh sư" khiến Đại tướng Địch Thanh nhà Tống phải nhọc lòng đối phó.

Cho nên, bảo rằng Hán tộc đương nhiên lãnh đạo "thiên hạ" gồm có các sắc tộc khác chỉ là phản ứng tự mê.

Ngược lại, chính là vì kinh nghiệm lịch sử mà lãnh đạo Trung Quốc thường có phản ứng phòng thủ. Họ khuynh đảo hay mua chuộc các sắc tộc khác ở vòng phiên trấn nhằm lập ra vùng trái độn nhằm bảo vệ Trung Nguyên.

Suốt mấy ngàn năm lịch sử, các sắc tộc bị biến thành chư hầu đều chỉ là phên giậu của Trung Hoa trong lục địa. Nhưng thế giới ngày nay đã đổi khác vì các đại dương bị thu hẹp trong thế toàn cầu hoá. Quay đầu vào núi và núp dưới Vạn lý Trường thành thì không có đủ nguyên nhiên vật liệu nuôi sống hơn một tỷ ba trăm triệu dân.

Vì vậy, qua thế kỷ 21, Trung Quốc chuẩn bị bước ra với tư thế đại cường hải dương thay vì chỉ là cường quốc lục địa như trong lịch sử. Từ cả chục năm nay, đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị việc đó và cải cách kinh tế cũng trong mục tiêu đó, để có hải đội tiến ra biển xanh. Đây là nhu cầu sinh tử của họ khi chuyển theo kinh tế thị trường và cần nhiều nguồn tiếp vận từ bên ngoài lục địa.

Khi bước xuống biển nóng tìm dầu và khống chế luồng vận chuyển ngoài biển Thái bình, lần này họ có một bậc thềm là… Hà Nội.

Và họ có đám chư hầu canh cửa là lãnh đạo Cộng sản Việt Nam. Chẳng vậy mà ngần ấy bước tiến xuống Hoàng Sa, Trường Sa, Nam Quan, Bản Giốc đều có sự mặc nhiên tiếp sức hoặc e dè lên tiếng làm vì của Hà Nội.

Nếu dân Việt không làm gì thì trong một tương lai không xa, ngôi sao vàng trên lá cờ đỏ của Việt Nam ngày nay cũng sẽ biến. Vì bay vào quốc kỳ Trung Quốc thành ngôi sao của chư hầu thứ năm. Mông, Mãn, Hồi, Tạng, Việt sẽ là "ngũ phụng tề phi" - với màu sắc Trung Hoa.  

Đảng Cộng sản Việt Nam có tham vọng làm thay đổi bộ mặt của đất nước. Ít ai ngờ là lại thay đổi theo hướng đó. Một sự ô nhục có kích thước lịch sử, và có ý nghĩa sinh tử cho Việt tộc. Vì từ đó về sau, mọi quyết định của Việt Nam đều phải có sự thẩm xét tiên khởi của Bắc Kinh. Cho nên, thế kỷ 21 khởi đầu cho sự hình thành của chế độ phụ dung tại Việt Nam.

Nghĩa là đi ngược quy luật tiến hoá của nhân loại - và của lịch sử dân tộc. Chỉ vì hội chứng phiên thuộc của những người lãnh đạo Hà Nội. Những đảng viên Cộng sản đã mê đắm và hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc, và cả quân đội giải phóng nữa, phải nghĩ sao về não trạng chư hầu này?



NHỮNG BÀI HỌC KHÓ QUÊN
Thắng thì quên, thua phải nhớ

Có một quy luật ít ai để ý tới là kẻ bại trận mới rút tỉa kinh nghiệm của chiến tranh.

Phe chiến thắng ca khúc khải hoàn xong là lập tức viết lại lịch sử để mạ vàng chiến công của mình - mà quên hẳn những sai lầm đã có trong cuộc chiến. Mọi sai lầm đều được phép quên, vì người người lo việc chia nhau chiến lợi phẩm.

Ngược lại, phe thua trận mới thấy đau buồn và nghĩ ngợi mãi về lý do thất trận. Trong hoàn cảnh bị biến làm nô lệ - hay bị tập trung cải tạo - họ càng nghiền ngẫm mọi khía cạnh của cuộc chiến để tìm ra lý do hay quy luật giải thích lẽ thắng bại ấy. Cho nên, quy luật "thắng thì quên - thua phải nhớ" chi phối sự suy tư chúng ta nhiều hơn là mình nghĩ.

Hà Nội còn giữ vết đạn quân Pháp bắn vào cửa Bắc Thăng Long năm xưa, một dấu tích đầu tiên của thất trận và "Hoà ước" Giáp Thân 1844. Nhưng sau chiến thắng tại miền Nam, thì khu cửa Bắc của thủ đô đã thành đặc khu kinh tế của các tướng lãnh - chiến lợi phẩm của kẻ chiến thắng.

Chiến lợi phẩm ở trong Nam thì… Hằng hà sa số, điểm không kể xiết.

Trong khi ấy, người chiến binh Cộng Hoà của miền Nam lại trăn trở không ít với lẽ thắng bại và có thể… dạy lại Hà Nội về cách ứng xử với Hoa Kỳ và về mối nguy Trung Quốc. Và dạy lại Hà Nội về đạo lý dân tộc bằng cách nhắc lại trận Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974, khi Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đơn độc bảo vệ tuyến đầu của vành đai Hoàng Sa Trường Sa.

Những người Việt thời nay cần nhớ lại là khi đã thế cùng lực kiệt, chỉ 15 tháng trước khi bị bức tử, Quân lực miền Nam đã có những quyết định không làm hổ danh Hoàng Diệu hay Nguyễn Tri Phương: bị nạn trong trận đánh, chiến hạm Nhật Tảo được lệnh là phải đâm vào bờ Hoàng Sa. Dù có chết thì cũng để lại chứng tích của người Việt trên đảo. Dù có ngã, vẫn phải ngã về phía trước!

Tinh thần ấy không làm chúng ta bật khóc hay sao?

Nhiều kẻ vẫn chê người lính chiến miền Nam là cứ gậm nhấm mãi nỗi buồn thất trận năm 1975. Họ không hiểu quy luật tâm lý của con người, một phần quan trọng của nhiều quy luật lịch sử.

Cho nên cũng không hiểu vì sao một người như Nguyễn Nhã tại miền Nam lại dày công nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa sau khi góp phần gây dựng Tập san Sử Địa tại Sàigòn, một nguồn tài liệu phong phú làm miền Nam hãnh diện ngay trong thời chiến và tới thời nay.

Ngoài "Hội chứng Bắc thuộc" của lãnh đạo Hà Nội, việc ông Nguyễn Nhã trình luận án Tiến sĩ ở trong Nam về Hoàng Sa cho thấy chiều sâu của người dân miền Nam, ở trong và ngoài đảng Cộng sản, khi nằm ở phe thất trận hay thất thế. Cũng nhờ đấy mà dân ta thu thập được nhiều tài liệu lịch sử chứng minh chủ quyền của người Việt trên các quần đảo đang có tranh chấp với Trung Quốc.

Ở bên ngoài, học giả Vũ Hữu San cũng là trường hợp đáng chú ý.

Ông là một trong bốn hạm trưởng của trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và nay là học giả có uy tín về nền văn minh hải dương và chủ quyền ngoài biển của Việt Nam. Trong cộng đồng những người thất trận và bị khinh miệt, ông đã giành mấy thập niên nghiên cứu và phổ biến các dữ kiện liên hệ đến chủ quyền của Việt Nam cho công luận cùng biết.

Những người ấy - và còn biết bao người khác - đã rút tỉa bài học đích thực của chiến tranh Việt Nam. Họ không ngoái nhìn về quá khứ hay nghĩ chuyện đỉnh chung mà nhìn vào quyền lợi của dân tộc từ ngàn xưa tới ngàn sau. Họ không là thần dân phục vụ bất cứ chính quyền nào mà miệt mài nghiên cứu và quảng bá những điều có lợi cho dân tộc Việt Nam.  

Trước đấy hơn nửa thế kỷ, cách đây đúng 70 năm, Hoàng Đạo của Tự lực Văn đoàn cũng đã tiên báo về cái thế thắng bại trong chuyện phân tranh chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa với Trung Quốc. Ông thuộc phe "thua trận" trong mặt trận đoàn kết quốc cộng, và mất cách đây đúng 60 chục năm. Nhưng lời nhắn nhủ của ông còn vang vọng. Hà Nội không biết ngẫm lời cảnh báo của ông, có khi còn can dự vào cái chết bất ngờ của tay lý luận cự phách nhất của Tự lực Văn đoàn và Việt Nam Quốc dân đảng!  

Vốn tự khoe là nắm vững quy luật lịch sử, lãnh đạo Hà Nội nghĩ sao về quy luật "đảng thắng thì nước thua"?



TRẬN CHIẾN "BẤM CHUỘT" TRONG NĂM TÝ
Tuổi trẻ trong một hình thái đấu tranh chưa từng có


Xưa nay, từ thời Bắc thuộc, rồi thời độc lập và dựng nước cho tới thời Pháp thuộc, thành phần ưu tú của xã hội ta chỉ sống và nhìn thấy không gian hai chiều Nam-Bắc. Làm gì thì họ cũng rập khuôn theo đạo Thánh hiền phương Bắc. Nếu có khẳng định tinh thần độc lập thì cũng vẫn là sự khẳng định căn cứ trên các khái niệm Trung Hoa.

Thế rồi, 150 năm trước, khi Pháp tông cửa bước vào nước Nam, từ miền Nam rồi lên miền Bắc, dân ta khám phá ra không gian… ba chiều. Ngoài quan hệ Nam-Bắc, Việt-Hoa, hình như còn có mối quan hệ khác nữa. Với Pháp, với Nhật…

Sinh sau mà đi trước nhiều người, kể cả hai cụ Phan Sào Nam và Phan Tây Hồ, có Hồ Chí Minh đã được dạy dỗ để nhìn ra không gian quốc tế của cục diện Việt Nam. Nhưng nhìn với con mắt nô lệ và tâm địa bầy tôi, thua xa các lãnh tụ cách mạng kia. Nhìn ra khía cạnh quốc tế của vấn đề Việt Nam, Hồ Chí Minh đã để quốc tế vận dụng Việt Nam. Cả cuộc đời của ông ta là một chuỗi dài đổi chác vì quyền bính.

Cái mà ông Hồ được thì nước ta mất. Mất tinh thần đoàn kết dân tộc vì Liên minh Quốc Cộng là hài kịch phản trắc. Mất tinh thần tự chủ vì làm gì cũng phải nghĩ trước xem có hợp với quy luật Mác-Lenin không. Nghĩ trật nói sai là đội mũ "xét lại chống đảng" và vào ngục. Không nên ngạc nhiên là từ dưới chân họ Hồ có Phạm Văn Đồng ký giấy công nhận chủ quyền phương Bắc trên lãnh thổ nước Nam….

Nhưng địa cầu vẫn quay và thế giới tiếp tục đổi thay. Trong khi đảng Cộng sản Việt Nam tự đóng khung trong không gian hai chiều - như loài giun trong lòng đất chỉ biết có hai hướng tiến lùi trên cùng một trục - người Việt Nam đã thấy ra nhiều không gian khác, trong những chiều kích khác.

Điển hình nhất là không gian điện toán, cyberspace!

Trong trận đánh Hoa-Việt ngày nay, đã đành là tướng lãnh Hà Nội thúc thủ và bộ đội ngẩn ngơ chưa biết tính sao, mà lãnh đạo thì cương quyết cầu hoà. Họ có thể mưu mô giật dây cho dân biểu tình làm phép, để dễ bề mặc cả "trong vòng lễ giáo" với Bắc Kinh. Nhưng bên dưới, bên ngoài, và khắp nơi trên thế giới, người Việt không chịu làm con rối mà muốn làm cho ra lẽ.

Những người biểu tình không có khí giới, tổ chức hay phương tiện dồi dào như đảng. Họ chỉ có tấm lòng và vận dụng một phương tiện mà các thế hệ trước không có: thông tin điện toán và các blog trao đổi ý kiến trên không gian điện toán. Họ thông báo và huy động nhau ở trên đó, để xuất hiện ở ngoài đời như một lực lượng tự phát mà cái cùm, cái còng hay cái roi điện không thể xử lý hết.

Họ đang làm lại lịch sử, theo một hình thái chưa từng có tại Việt Nam.

Cho tới ngày nay, đa số người dân trong nước chưa biết gì về cái tội bán nước và gắn sao của đảng Cộng sản Việt Nam cho hậu phương Bắc Kinh của đảng. Nhưng giới trẻ Việt Nam đã biết - và không chịu im. Họ tiến lên không gian điện toán để nhoài mình ra ngoài và bắt liên lạc với nhau.

Họ đang thấy rằng sở dĩ Bắc Kinh có quyền ngang ngược chính là vì đảng nhu nhược. Bao nhiêu lần ngư phủ của ta bị sát hại, bắt giữ mà đảng không dám làm gì. Bây giờ mới lật ngửa lá bài bán nước! Không gian của giới trẻ ngày nay chẳng còn là hai chiều giữa dân vớiø đảng, giữa Nam với Bắc, trong và ngoài, Hà Nội với Bắc Kinh. Mà là không gian đa diện, toàn phương vị, từ khắp nơi liên lạc với khắp nơi - bằng tốc độ điện tử.

Thời xưa, tại hội nghị Bình Than, lãnh đạo nhà Trần kịp nhìn ta một Trần Quốc Toản vì họ có cái tâm cho đất nước. Ngày nay, cái tâm đó không hề có trong lãnh đạo đảng, nhưng các Trần Quốc Toản đã xuất hiện khắp nơi. Họ không bấm vào quả cam trong nỗi bất lực của tuổi trẻ khi Tổ quốc nguy khốn. Họ bấm vào con chuột điện toán.

Ta đang chứng kiến một hiện tượng mới.

Hàng ngày, biết bao quyết định hệ trọng của loài người văn minh đã thành hình từ một động tác rất thường, rất nhỏ. Là bấm vào con chuột điện toán. Trong năm Hợi, đảng Cộng sản Việt Nam tìm cách ngăn cản giới trẻ lên tiếng và lên đường để tranh đấu cho chủ quyền lãnh thổ. Qua năm Tý, đảng sẽ lâm vào trận chiến với chuột. Một cái bấm là mấy trăm người đều nhận được thông tin, và tiếp tục bấm cho mấy trăm người khác…  

Tất nhiên là đảng tìm cách kiểm soát và ngăn chặn. Nhưng sẽ ăn nói ra sao với Intel, hay Cisco?

Kết quả trận đánh trên không gian đa phương của điện toán không thể là sự tái diễn của nạn bán nước để cứu đảng. Đó là lời chúc của năm Mậu Tý 2008!

(Bài này được viết cho Giai phẩm Xuân Mậu Tý của Việt Báo, xuất bản đầu năm 2008 tại miền Nam California, xin đăng lại nguyên văn để nhớ chuyện mới trong một tờ báo xuân cũ.... NXN)