Thứ Năm, tháng 12 01, 2011

Trung Quốc: Thiếu Cân Đối

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày2011-11-30

Không cân đối, không công bằng, không ổn định và không bền vững



* Photo RFA -Trung tâm Thương mại Quốc tế (ICC) ở Hong Kong. 
Ảnh chụp hôm 22/11/2011 *


Chỉ mươi ngày sau bản báo cáo về hệ thống tài chính bất ổn của Trung Quốc, hôm 23 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF lại phổ biến phúc trình về tình trạng bền vững của kinh tế xứ này.

Đáng chú ý trong bản phúc trình thứ nhì là những phân tích về sự thiếu cân đối trong cơ cấu chi thu khiến thành quả đạt được sẽ thiếu vững bền nếu không có cải cách. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu nội dung của bản phúc trình qua phần trao đổi cùng chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa, là tư vấn kinh tế của đài Á châu Tự do.

Hiện trạng


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF vừa phổ biến hai báo cáo về kinh tế Trung Quốc. Hôm 14 là báo cáo về hệ thống tài chính và ngân hàng với lời kêu gọi lãnh đạo Bắc Kinh phải đẩy mạnh cải cách hơn nữa để tránh một vụ khủng hoảng tài chính. Hôm 23 họ lại có báo cáo tên là "Bền Vững". Ông giải thích thế nào về sự xuất hiện dồn dập của hai tài liệu này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đấy chỉ là sự ngẫu nhiên về thời điểm mà thôi.

- Về bối cảnh xuất hiện thì sau biến động tài chính bất ngờ tại Đông Á vào Tháng Bảy năm 1997 dẫn tới khủng hoảng lan rộng năm sau, Quỹ Tiền tệ Quốc tế bèn cùng Ngân hàng Thế giới lập ra chương trình gọi là "Thẩm định Tài chính" từ năm 1999 để rà soát tình hình tài chính của các nước đã và đang phát triển hầu sớm phát hiện nguy cơ khủng hoảng mà kịp thời ngăn chặn. Trong chương trình này, Quỹ Tiền tệ IMF phụ trách thẩm lượng mức ổn định tài chính và Ngân hàng Thế giới chuyên trách về hệ thống tài chính của các nước đang phát triển. Cứ năm năm họ lại đánh giá một lần 25 nền kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế toàn cầu.

- Tháng Chín năm ngoái, IMF mở rộng việc thẩm định thành bắt buộc và trong 25 nền kinh tế là đối tượng rà soát thì có cả Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng nhiều nước khác. Hôm 14 vừa qua, IMF đã công bố bản thẩm định về nguy cơ bất ổn của hệ thống tài chính và ngân hàng Trung Quốc.

- Vụ thứ hai là phúc trình về Bền Vững hay "Sustainability Report" vừa được phổ biến hôm 23. Do yêu cầu từ Hội nghị Thượng đỉnh của khối G-20 năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cùng bảy nước liên hệ đồng ý mở ra tiến trình gọi là "thẩm định nhau" trong đó có phúc trình về bền vững, với mục tiêu là tìm ra những bất cân xứng trong cơ cấu kinh tế từng nước. Bảy quốc gia đó là Anh, Ấn Độ, Đức, Mỹ, Nhật, Pháp và Trung Quốc. Đây là một thẩm định hỗn hợp giữa chuyên gia IMF với chuyên gia từng nước liên hệ. Tiêu chí do Thượng đỉnh G-20 năm ngoái đề ra là kịp đệ nạp Thượng đỉnh G-20 năm nay làm cơ sở cho một chương trình hành động chung.

Vũ Hoàng: Thưa ông, như vậy thì từ bối cảnh xuất hiện, ta thấy rằng việc khảo sát được các nước trù tính và thỏa thuận trước với Quỹ Tiền tệ IMF hầu sớm nhìn ra vấn đề mà ngăn ngừa, chứ không là một sáng kiến đơn phương của định chế quốc tế này, hoặc vì những ẩn ý chính trị gì khác như nhiều người có thể lầm tưởng.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, ta cũng không quên là mọi việc khảo sát hay nghiên cứu của các định chế quốc tế đều có sự đồng ý và hợp tác của quốc gia hội viên. Giá trị khách quan của cuộc khảo sát nằm ở đó, như khi ta đi khám bệnh thì phải tin vào bác sĩ và chịu khó khai báo rõ ràng về tình trạng sức khoẻ của mình. Vả lại, định chế tài chính quốc tế này có một trong bốn Phó Tổng giám đốc là một giáo sư Trung Quốc được đào tạo tại Mỹ, xưa kia là Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Bắc Kinh. Cũng vì thế mà bản phúc trình này càng đáng chú ý.

Vũ Hoàng: Bây giờ chúng ta bước qua nội dung. Thưa ông báo cáo này đáng chú ý ở những điểm nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đây là văn kiện chuyên môn, cô đọng, đệ nạp giới hữu trách về chính sách, trình bày với ngôn từ ngoại giao, kể cả khác biệt về cách thẩm định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và của giới chức Trung Quốc. Cho nên bối cảnh vẫn là sự minh bạch của khoa học.

Cách đây không lâu, Tổng lý Quốc vụ viện Trung Quốc là thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phát biểu rằng kinh tế Trung Quốc không cân đối, không công bằng, không ổn định và không bền vững.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

- Nội dung gồm có mô tả sự thiếu cân đối của kinh tế, phân tích căn nguyên của sự bất cân đối, thẩm định yêu cầu của cải cách, và sau cùng là phương hướng giải quyết làm cơ sở cho một nỗ lực tái quân bình toàn cầu như nhóm G-20 đã đề xướng.

- Nhân đây, tôi xin được nói thêm rằng cách đây không lâu, Tổng lý Quốc vụ viện Trung Quốc là Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phát biểu rằng kinh tế Trung Quốc không cân đối, không công bằng, không ổn định và không bền vững. Tại Thượng đỉnh của Diễn đàn Đông Á ở Indonesia cách đây mươi ngày, Chủ tịch Trung Quốc là Hồ Cẩm Đào cũng nói đến tình trạng bất công và bất ổn này. Nghĩa là giới lãnh đạo Bắc Kinh có thấy ra vấn đề và đang muốn cải cách trước khi quá muộn.

 

Khó phát triển bền vững


000_Hkg900615-250.jpg
Hai công nhân TQ trên giàn giáo xây dựng China World Trade Center tại Bắc Kinh hôm 30/12/2007. AFP 
 
 
Vũ Hoàng: Trước hết là về tình trạng thiếu cân đối khiến kinh tế Trung Quốc khó phát triển bền vững, đâu là những nhận định đáng chú ý nhất.
 
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nói ngay về tính chất quá chuyên môn nên có thể là lạ kỳ trong cách nêu vấn đề.

- Khác với nhiều nước vào thời kỳ khởi phát, Trung Quốc có mô hình đặc biệt là đạt mức tăng trưởng cao mà vẫn có thặng dư cán cân vãng lai, tức là tăng trưởng mà không nhờ đầu tư hay tiết kiệm từ bên ngoài trút vào. Đáng chú ý là thặng dư vãng lai còn tăng vọt từ năm 2003 đến 2007 và lên tới 10% của Tổng sản lượng GDP trước khi trụ lại ở gần 5% như hiện nay. Điều ấy phản ảnh sức tiết kiệm cực lớn và còn gia tăng của các hộ gia đình. Và nói chung sức tiết kiệm của tư nhân, doanh nghiệp và nhà nước xứ này là cao nhất trong 20 nền kinh tế đứng đầu thế giới.

- Chuyện thứ hai là sức đầu tư cũng rất mạnh, mà lại là đầu tư theo lối "thâm dụng tư bản" - tức là nhờ máy móc thiết bị hơn là nhờ sức lao động. Cụ thể là nguồn tư bản tăng 12% một năm từ năm 2000 trong khi lượng lao động chỉ tăng chưa tới 1%. Tại một xứ có dân số quá đông thì đấy là bất thường. Bất thường là vì dù mô hình đó có kéo 500 triệu người ta khỏi cảnh bần cùng thì cũng không bền khi sức tiết kiệm và đầu tư đó sẽ dứt trong trung hạn, là từ hai đến năm năm tới. Chúng ta trở lại chuyện thiếu bền vững mà lãnh đạo Bắc Kinh cũng đồng ý.

Vũ Hoàng: Thính giả của chúng ta mà nghe thấy vậy cũng phải ngạc nhiên vì đầu máy tăng trưởng của Trung Quốc là sức tiết kiệm và khả năng đầu tư rất cao, nhưng mà lại đầu tư vào máy móc hơn là lao động. Vì sao lại có nghịch lý đó? Và người dân họ sống bằng gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước tiên, ta nên nhắc lại rằng đấy là một sự mất cân đối và không bền!
 
- Về căn nguyên thì ta trở lại nỗ lực cải cách doanh nghiệp nhà nước từ gần hai chục năm trước khi nông nghiệp và tư doanh đã được giải phóng. Khi đó khu vực chế biến vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước quá lớn và kém hiệu năng trong khi cứ thu hút tài nguyên quốc gia. Việc cải cách đó thành công vì nâng cao hiệu năng sản xuất và đẩy mạnh đầu tư nhưng lại dẫn đến sự thiếu cân đối ngày nay.

- Lý do là việc cải tổ đó đẩy tài nguyên từ các hộ gia đình và từ khu vực nhà nước vào doanh nghiệp. Nói cho dễ hiểu là doanh lợi của sản xuất không được trả lại cho công quỹ hay cho dân mà mọi nguồn phúc lợi về y tế hay xã hội của chế độ bao cấp ngày xưa lại chấm dứt. Cũng từ đấy doanh nghiệp nhà nước còn thêm cơ hội mở ra cơ sở kinh doanh mới nhờ phương tiện sản xuất như đất, nước, xăng dầu, được trợ giá, và vì vậy càng có thế lực mạnh trên thị trường. Đâm ra người dân không được hưởng thành quả của sản xuất mà còn phải tiết kiệm nhiều hơn để dự phòng ốm đau, tuổi già, hay chi phí giáo dục cho con em.

Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông sức tiết kiệm của người dân như vậy có là một khía cạnh đặc biệt của xã hội chủ nghĩa chăng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đấy là chuyện bất thường và là cái triệu bất tường!
 
- Thứ nhất vì mạng lưới an sinh xã hội không còn khi mà dân số bắt đầu thêm già lão nên nhà nhà đều thắt lưng buộc bụng phòng ngừa bất trắc. Thứ hai, vì khu vực gia cư cũng được tư nhân hoá nên không còn cảnh ở nhà của sở hay của nhà nước, các hộ gia đình trẻ phải để dành thì mới có tiền mua nhà. Do nạn đầu cơ trên thị trường địa ốc làm giá nhà tăng vọt, việc tiết kiệm vì vậy càng phải tăng. Thứ ba, vì khu vực tài chính vẫn còn bị kiểm soát và các ngân hàng lại giới hạn tín dụng, ưu tiên tài trợ cho doanh nghiệp nhà nước hoặc những ai có tài sản thế chấp, nên ta có hiện tượng bất thường là lãi suất hạ ở số âm, dân chúng khó vay tiền ngân hàng, tư doanh thì phải tìm nguồn tự tài trợ. Và ai ai cũng phải tiết kiệm để lo lấy thân.

- Sau cùng và bất thường nhất là chế độ hộ khẩu không được cải cách mà vẫn duy trì nên nhân công ở nông thôn và thành phần "dân công", là những kẻ tha phương cầu thực ở xa nguyên quán, bị thiệt vì khó tìm ra việc, có việc lại bị lương thấp và chẳng có quyền lợi về gia cư hay giáo dục, y tế. Ngần ấy yếu tố khiến người dân Trung Quốc phải bấm bụng và có tiền dằn lưng.

Vũ Hoàng: Nhưng chẳng lẽ lãnh đạo Trung Quốc lại không biết hay không làm gì sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Bắc Kinh có biết và đã cải tiến mạng lưới an sinh mà chưa đủ và Trung Quốc vẫn chưa đạt tiêu chuẩn bình quân của quốc tế. Đã thế, chính sách của họ lại là dung hợp với mức tiết kiệm cao, tức là bọc xuôi và sống chung với sự mất cân đối.

- Thí dụ như gia tăng xuất khẩu để bù cho số tổng cầu nên mới giữ tỷ giá đồng bạc thấp và điều chỉnh rất ít. Thứ hai là thu hút ngoại tệ vào khối dự trữ đã quá ba ngàn tỷ mà lại đông lạnh phần đối giá qua 30 lần nâng mức dự trữ ngân hàng bằng nội tệ và qua phát hành trái phiếu ngắn hạn. Thứ ba là kềm hãm lãi suất mỗi khi thấy có thặng dư cán cân vãng lai. Kết cuộc là dân có tiền ký thác đành chịu trận mà không đem tiền ra ngoài được, đâm ra tiết kiệm của các hộ gia đình lại thành tiết kiệm của nhà nước qua các trương mục ký thác. Nói vắn tắt thì chính là chính sách ứng phó với nạn bất cân đối lại càng duy trì tình trạng này!

 

Đề nghị của IMF

000_118216747-200.jpg
Bà Christine Lagarde - Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). AFP photo 
 
Vũ Hoàng: Bây giờ thì có lẽ mọi người đều đồng ý là tình trạng mất cân đối ấy khó tồn tại và hiển nhiên là Bắc Kinh cũng thấy như vậy như lời phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc mà ông vừa nhắc tới.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Bản phúc trình có viết ra rằng giới chức Bắc Kinh và các chuyên gia IMF đều đồng ý là mức đầu tư rất cao hiện nay sẽ không bền. Nhưng họ lại thẩm định khác biệt về chiều hướng của sức tiết kiệm sau này.

- Nhà cầm quyền thì cho rằng nhờ Kế hoạch Năm năm thứ 12 - được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Kỳ 5 của Khoá 17 biểu quyết từ Tháng 10 năm ngoái - việc cải cách theo hướng khuyến khích tiêu thụ sẽ điều chỉnh tình trạng bất cân đối này và mức tiết kiệm sẽ giảm. Nôm na là dân chúng sẽ có thêm tiền tiêu và kinh tế sẽ nhập khẩu nhiều hơn nên cũng tái lập quân bình trong quan hệ kinh tế toàn cầu.

- Các chuyên gia IMF thì cho rằng dù Kế hoạch Năm năm này có tiềm năng lớn, nhưng vẫn cần thời gian lâu dài hơn mới có hiệu nghiệm và các biện pháp khuyến khích chưa đủ thay đổi nếp sinh hoạt một cách đáng kể, vì vậy mức thặng dư vãng lai này sẽ còn tăng khi đầu tư đã giảm.

Vũ Hoàng: Sau cùng, phúc trình của IMF đề nghị những gì để tái lập quân bình?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Họ nêu một số ưu tiên trong chính sách chấn chỉnh, trước tiên từ cơ cấu.
 
- Đó là củng cố mạng lưới an sinh xã hội trên bình diện cả nước chứ không chắp vá cục bộ và phải mở ra các chương trình hưu liễm cho thành phần dân công và cư dân ở nông thôn. Thứ nhì, khi nâng tiêu thụ nội địa thì có thể gây lạm phát nên chính quyền cần tăng mức di động ngoại hối của đồng bạc, là nâng cao tỷ giá, và khuyến khích doanh nghiệp chuyển hướng từ xuất khẩu qua phục vụ thị trường nội địa. Thứ ba là giải phóng và phát triển hệ thống tài chính và ngân hàng với các dịch vụ tài chính ngoài ngân hàng như trái phiếu, bảo hiểm, v.v... để dân chúng bớt dần nhu cầu tiết kiệm nhờ có giải pháp khác.

Những biện pháp đề nghị ấy là chính đáng, công bằng và cần thiết nếu Trung Quốc muốn có một nền tảng kinh tế vững bền. Nhưng cải cách như vậy lại có thể thu hẹp đặc lợi của các nhóm lợi ích vốn chỉ là một thiểu số.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Thứ tư là phải yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phân phối doanh lợi và cụ thể là trả lại tiền lời cho nhà nước, là điều đã tính từ năm 2007 mà chưa thực hiện nổi. Thứ năm là giải toả chế độ hộ khẩu cho dân lao động được di chuyển và kiếm việc dễ dàng hơn. Và sau cùng là chấm dứt những lệch lạc giá cả của các phương tiện sản xuất được trợ cấp hầu nâng mức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thị trường nội địa.

- Nói chung, tôi trộm nghĩ rằng những biện pháp đề nghị ấy là chính đáng, công bằng và cần thiết nếu Trung Quốc muốn có một nền tảng kinh tế vững bền. Nhưng cải cách như vậy lại có thể thu hẹp đặc lợi của các nhóm lợi ích vốn chỉ là một thiểu số. Nếu lãnh đạo không giải quyết nổi tình trạng bất cân xứng và bất công đó thì họ sẽ lãnh hậu quả bất ổn.
 
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét