Thứ Năm, tháng 12 01, 2011

"Nối Vòng Tay Lớn"


Nguyễn Xuân Nghĩa - Ngày 20111123

Chung quanh Trung Quốc, những ai hợp tác với Hoa Kỳ? Vì sao?   


  * Nhìn về biển Đông - ở hướng Tây *


"Hoa Kỳ đã trở lại Đông Á", chuyện ấy, lãnh đạo nước Mỹ đã nói từ hai năm nay bây giờ mới nhúc nhích. Nhưng thật ra, Hoa Kỳ chưa rừng rời Đông Á và giờ này cần hâm nóng quan hệ với một số quốc gia vây quanh Trung Quốc. Những xứ nào sẽ là đối tác cho chiến lược đó?



Sau chín ngày Á du của Tổng thống Barack Obama vào tháng 11 với ba điểm nhấn, nhiều người chờ đợi bước ngoặt của Hoa Kỳ tại Đông Á, và phản ứng của Trung Quốc.

Ba điểm nhấn là 1) Hiệp định Xuyên Thái bình dương TPP được cổ võ tại Thượng đỉnh APEC ở Hawaii, 2) hiệp ước hợp tác quân sự Mỹ-Úc với việc thành lập tiền trạm huấn luyện và đồn trú binh lính Mỹ tại hai căn cứ ở Darwin và Perth, và 3) phản ứng chung của đa số quốc gia liên hệ là phải bảo vệ quyền lưu thông trên luồng chuyển vận quốc tế ngoài Đông hải, như Hoa Kỳ chủ trương và kêu gọi tại Thượng đỉnh Đông Á ở Indonesia.

Bên lề Thượng đỉnh Đông Á, lần đầu tiên có sự tham dự của Hoa Kỳ, người ta cũng chú ý đến thái độ ôn tồn của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Nó có trái ngược với phản ứng gay gắt cố hữu của Bắc Kinh.

Vì vậy, nhiều người có thể nghĩ đến một chiến lược be bờ của nước Mỹ chung quanh cường quốc đang lên và mới nổi là Trung Quốc. Sự thật có khi lại rắc rối hơn vậy.

Chưa chắc là Hoa Kỳ đã muốn Trung Quốc sụp đổ và tan rã như một số người có thể mong đợi. Hơn hai chục năm trước, lãnh đạo nước Mỹ đã e sợ kịch bản tan rã của Liên Xô đến độ còn tìm cách trì hoãn tiến trình thống nhất của nước Đức và cả sự "giải phóng" của các nước Đông Âu và trong nỗ lực này, cả hai đồng minh là Anh và Mỹ đều chia sẻ cùng một tính toán.

Chưa chắc nước Mỹ đã muốn Trung Quốc bị khủng hoảng và phân hoá. Nhưng chắc chắn là siêu cường này muốn lãnh đạo Bắc Kinh phải cân nhắc và suy nghĩ lại về khả năng bành trướng và uy hiếp các nước lân bang đến độ đe dọa quyền lợi của nước Mỹ tại Á châu. Vì vậy, việc loan báo "Hoa Kỳ trở lại Đông Á" và tăng cường quan hệ với các quốc gia ở chung quanh Trung Quốc nhắm vào mục đích thuyết phục Bắc Kinh lẫn các đồng minh về ý chí và khả năng của mình. Có vậy thôi....


***



Hoa Kỳ thực sự là một hải đảo trong ý nghĩa có lãnh thổ biệt lập, nhờ sự bảo vệ của hai đại dương lớn nhất địa cầu, bên cạnh hai nước láng giềng yếu đuối hơn. Vì vậy, xứ này khó bị tấn công trực diện vào đất liền, trừ hai lần hãn hữu trong hơn 200 năm lịch sử. Đó là cuộc chiến Anh-Mỹ sau thời độc lập và vụ khủng bố 9-11 cách đây 10 năm.

Nhưng Hoa Kỳ cũng là siêu cường toàn cầu từ đầu thế kỷ 20, với ảnh hưởng trải rộng toàn thế giới.

Nhu cầu phòng thủ như vậy được quan niệm một cách tích cực, là mở ra khả năng can thiệp ở mọi nơi, kể cả những vùng đất rất xa xôi. Nơi nào nước Mỹ để mắt tới thì đấy là chuyện chiến lược! Quyền lợi kinh tế và an ninh đòi hỏi điều ấy.

Không thể bành trướng hệ thống đồn trú quân sự như Đế quốc La Mã tại Âu châu thời xưa, là chuyện tốn kém và phải nói là bất khả trong thực tế,  Hoa Kỳ giải quyết bài toán bằng việc liên kết với các "đồng minh". Mục tiêu là để lập đầu cầu phóng chiếu khả năng can thiệp mỗi khi có chuyện.

Giải pháp liên kết hay nhất là khiến nhiều quốc gia phải hợp tác với Mỹ, vì quyền lợi hay an ninh của họ. Dù khái niệm đồng minh hay đối thủ thường thay đổi, tinh thần xây dựng thế hợp tác như vậy vẫn là chiến lược cố hữu, được cả hai đảng theo đuổi khi cầm quyền, dù khi tranh cử thì các lãnh tụ có thể nói khác.

Vì vậy, có khi nước Mỹ hợp tác với đối thủ là Liên bang Xô viết để đánh bại Đức quốc xã như trong Thế chiến II. Rồi hợp tác với miền Tây của nước Đức bị chia đôi trong khối Tây Âu và với nước Nhật bị đại bại để ngăn ngừa Liên Xô sau Thế chiến II. Rồi hợp tác với Trung Quốc, đồng chí và đối thủ của Liên Xô, làm siêu cường Xô viết hụt hơi mà sụp đổ trong một tiến trình "ôn hòa".....

Những chuyện gọi là "đảo điên" như vậy của Hoa Kỳ đã trở thành bình thường, dù có thể là bất thường và bất nhân cho các đồng minh bị bỏ rơi sau những tính toán xoay trở rất quái gở của nước Mỹ. Với ký ức đó, chúng ta bước qua thế kỷ 21 và sự xuất hiện của Trung Quốc, một cường quốc mới nổi và muốn tìm lại vị trí siêu cường đã từng có trong lịch sử.

Cuộc gặp gỡ giữa siêu cường độc bá có mặt ở mọi đại dương và một cường quốc lục địa đang lên đã trở thành tất yếu - và đang xảy ra trước tiên là trên Thái bình dương....



***


Ngẫm lại thì người ta chỉ có thể hợp tác khi đôi bên cần nhau và cùng có lợi, chuyện ấy là lẽ thường tình và trong hợp tác thì vẫn có cân nhắc và mặc cả về quyền lợi của đôi bên. Nếu quan hệ về quyền lợi lại bị lệch, ta dễ gặp hiện tượng "phản bội đồng minh". Tệ hơn vậy, nếu quan hệ lại chỉ là một chiều thì đấy là chuyện chủ tớ, là phận chư hầu của quốc gia lệ thuộc.

Bây giờ, là lúc này đây, Hoa Kỳ liên kết với những ai?

Hai đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ là Nhật Bản và Úc Đại Lợi tất nhiên là đối tác đầu tiên vì đôi bên cùng có lợi. Hoa Kỳ cần Nhật Bản, cường quốc hải dương ngày xưa trên vùng biển Đông Bắc Á đã từng khống chế hoặc chiếm đóng Trung Quốc. Quốc gia quần đảo này đã bị giải giới nhưng cũng có nền kinh tế lệ thuộc vào luồng chuyển vận ngoài biển nên cần được bảo vệ.

Hoa Kỳ cũng cần Úc Đại Lợi, đồng minh chí thiết đã từng sát cánh với Mỹ trong mọi cuộc chiến của thế kỷ 20 và 21. Nước Úc đất rộng người thưa và cần hợp tác với Hoa Kỳ để bảo vệ an ninh trên hai mặt biển chiến lược của Úc là Nam Thái bình dương và Ấn Độ đương. Ngoài ra, chúng ta nên nghĩ đến nước Úc như một nước Anh của Mỹ tại Á châu, đồng minh chí thiết nhất. Mà còn còn có đặc tính đồng văn – cùng văn hoá - với Hoa Kỳ, nghĩa là gắn bó về tinh thần còn hơn nước Nhật.

Và cả hai nước Úc và Nhật đều cần đến sự hiện diện của hải đội Hoa Kỳ tại Đông hải của Trung Quốc, Đông hải của Việt Nam (biển Đông Nam Á), từ eo biển Malacca tiến qua Ấn Độ dương.

Vì vậy, nhu cầu xây dựng một thế đối trọng với Trung Quốc khiến Hoa Kỳ ưu tiên và trước nhất thắt chặt quan hệ chiến lược với Nhật Bản và Úc. Hiệp ước Mỹ-Úc và "Kế hoạch Darwin" được thông báo hôm 16 Tháng 11 vừa qua nằm trong bối cảnh đó, một tiếp nối của hiệp ước Mỹ-Nhật tại miền Nam Thái bình dương ngày xưa.

Ngày nay và sau này, quân lực Mỹ cần loại "tiền trạm" gọn và nhỏ hơn các căn cứ quy mô của thời xưa, để có thể can thiệp rất nhanh với phí tổn thấp. Sự đổi thay của kỹ thuật quốc phòng, sự xuất hiện của nhiều hình thái chiến tranh mới và cả tính toán kinh tế của nhu cầu phòng vệ đã dẫn tới cách bố trí khác. Con số từ 250 đến 2.500 Thủy quân Lục chiến Mỹ cần được nhìn theo phẩm hơn là lượng, vì đó là biểu hiện của quyết tâm với cả Úc và Trung Quốc. Mà cũng là một yêu cầu thực tế:  khi hữu sự, Hoa Kỳ có sẵn bãi đáp không mấy tốn kém về kinh tế hay chính trị.

Việc duy trì một đại sứ quán lớn nhất của Mỹ tại Baghdad với ba ngàn nhân viên quân và dân sự – thay vì một hai sư đoàn "huấn luyện viên" như đã trù tính với Chính quyền Iraq từ năm 2008 - nằm trong chiều hướng đó. Những thương thuyết với Chính quyền Kabul và các nhóm Taliban "ôn hoà" tại A Phú Hãn (Afghanistan) có thể sẽ diễn tiến theo hướng đó, khi mà cả Pakistan và Iran đều là vấn đề, cho Hoa Kỳ lẫn A Phú Hãn và các nước lân bang.


***


Đáng chú ý hơn trường hợp Úc và Nhật là vị trí của Indonesia, xưa kia ta gọi là Nam Dương.

Xứ này là quốc gia quần đảo, lãnh thổ có bảy ngàn hòn đảo lớn nhỏ trải ngang theo trục Đông-Tây trên một khu vực chiến lược của Thái bình dương. An ninh của Indonesia gồm có hai mặt là bảo vệ vùng biển Đông Nam Á, từ Ấn Độ dương trổ qua Tây Thái bình dương, và mặt kia chính là phên giậu của nước Úc. Indoneisa cũng là cường quốc cấp vùng, trụ cột của Hiệp hội ASEAN gồm 10 Quốc gia Đông Nam Á, lại có dân số Hồi giáo đông nhất địa cầu.

Từ khi lãnh tụ chế độ Suharto bị lật đổ năm 1998, quan hệ quân sự với Hoa Kỳ đã trải qua thời lạnh nhạt vì vai trò đàn áp của lực lượng ưu binh Kopassus trong chế độ cũ.

Nhưng Indonesia tiếp tục cải cách về kinh tế lẫn chính trị và duy trì nền móng dân chủ giữa những sóng gió của khủng hoảng kinh tế, khủng bố Hồi giáo - khiến trung tâm Bali bị tấn công hai lần - lẫn thiên tai động đất. Từ Tháng 10 năm ngoái, Hoa Kỳ cải thiện quan hệ với Indonesia, và còn lặng lẽ nâng cấp đối thoại và hợp tác quân sự với cả lực lượng Kopassus.

Nhưng người ta rất lầm nếu nghĩ rằng Indonesia sẽ giữ vị trí tiền đồn be bờ Trung Quốc cho nước Mỹ.

Xưa kia, xứ này đã có kinh nghiệm với sự xâm nhập và khuynh đảo của Bắc Kinh qua cộng đồng Hoa kiều và lực lượng cộng sản thân Tầu. Vụ thảm sát Jakarta năm 1965 khiến nửa triệu dân bị giết, đa số là đảng viên Cộng sản hay Hoa kiều tay chân của Bắc Kinh là điều mà người dân khó quên dù truyền thông không còn nhắc tới.

Nhưng lãnh đạo Indonesia ngày nay không dại gì mà mặc giáp sắt cho nước Mỹ.

Họ muốn giữ thế quân bình giữa hồ sơ kinh tế với Bắc Kinh và hồ sơ an ninh với Washington, họ sẵn sàng cộng tác với Hoa Kỳ trong các đợt thao dượt quân sự để bảo vệ an ninh cho mình, đồng thời củng cố tư thế lãnh đạo khối ASEAN. Họ sát cánh với Mỹ mà không gây phản ứng trong cộng đồng Hồi giáo vốn dĩ không ưa nước Mỹ, và họ còn nâng cao tư thế với một xứ láng giềng ở phương Nam là nước Úc.

Đấy là một thành tích không nhỏ.


***


Cường quốc thứ tư trong vòng đai liên kết của nước Mỹ chính là Ấn Độ.

Xưa kia, trong thời Chiến tranh lạnh, Ấn Độ ngả theo xã hội chủ nghĩa kiểu cải lương và là đồng minh của Liên bang Xô viết, đối thủ với cả lân bang Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Nhưng Ấn cũng là cừu thù của xứ Pakistan theo Hồi giáo. Bên trong, Ấn Độ thường xuyên bị khủng bố tấn công, không chỉ tại khu vực tranh chấp với Pakistan ở Kashmir mà ngay trong lãnh thổ.

Khi Liên Xô tan rã từ hai chục năm trước, xứ này đã cải cách về kinh tế và tiến dần đến trình độ "tân hưng" dù không có vẻ om xòm như Trung Quốc. Khi Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng và kết hợp với Pakistan, Bangladesh và Miến Điện qua một chuỗi quân cảng, bài toán an ninh của Ấn mở rộng từ biển Á Rập sang Ấn Độ dương tới biển Thái bình. Để ra khỏi sự phong tỏa của Trung Quốc từ cả ba góc.

Khi Hoa Kỳ mở chiến dịch A Phú Hãn vào đầu thế kỷ 21, Chính quyền New Dehli còn nhìn ra một cơ hội khác, đó là hợp tác với chính quyền Kabul và hâm nóng quan hệ với Hoa Kỳ.

Chính quyền George W. Bush không để lỡ dịp và nâng cấp hợp tác quân sự Mỹ-Ấn, còn mở ra nhiều cuộc thao dượt có kích thước quốc tế, với Nhật Bản, Úc, và Singapore. Đến Chính quyền Barack Obama thì Hoa Kỳ mở rộng sự hợp tác trong chiến lược mới, là kết hợp an ninh của Thái bình dương với Ấn Độ dương vào một trung tâm: Hạm đội Thái bình dương sẽ canh chừng cả Ấn Độ dương. Tiên kết tay ba, giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản và Ấn Độ đã lặng lẽ thành hình.

Nếu theo dõi, và nên lắm, người ta còn thấy Hoa Kỳ yểm trợ nhiều chiến dịch quân sự của Ấn gần biên giới Trung Quốc và Pakistan!

Cho nên, chúng ta nên nhìn ra một sự tỏa rộng, gần như "toàn phương vị", của Hoa Kỳ.

Chẳng hạn như trong sự giao tiếp giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, yếu tố quan tâm hay động lực chính yếu có thể là an ninh ngoài Đông hải, từ Bắc Hàn xuống đến eo biển Malacca. Quan hệ giữa Hoa Kỳ với Úc thì mở từ Thái bình dương qua Ấn Độ dương. Với Indonesia, người ta cũng nhìn ra khuôn khổ địa dư đó, nhưng có thêm kích thước an ninh chống khủng bố Hồi giáo.

Với Ấn Độ thì không gian không chỉ trải rộng hơn - từ Thái bình dương qua biển Á Rập, từ bán đảo Nam Á lên tới Trung Á và biên vực với Trung Quốc - mà đối tượng canh chừng cũng đa diện hơn vì liên hệ đến chiến trường A Phú Hãn, đến Pakistan và cả "Con đường Tơ lụa" mới mà một số giới chức Mỹ muốn phát triển qua các nước Trung Á vào tới Liên bang Nga và Trung Quốc....

Một bức tranh toàn cảnh tất nhiên còn sơ sài như vậy cũng cho thấy nhiều dự tính của Hoa Kỳ và các quốc gia liên hệ. Kết luận ở đây là trong một không gian đa chiều, bài toán an ninh và thịnh vượng của từng nước không thể đơn giản là loại phương trình bậc hai, thí dụ như ngả theo Mỹ hay đứng về phía Trung Quốc? 

Lãnh đạo Hà Nội và người Việt chúng ta nghĩ sao về bài toán đó? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét