Khủng hoảng niềm tin vì thiểu số bất xứng trên thượng tầng....
Rồi cuối năm, người ta lại thấy sự biến khác nổ ra ở thị trấn Ô Khảm thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc khi dân chúng nổi dậy cướp chính quyền địa phương trong nhiều ngày mà cuối cùng nhà chức trách đành nhượng bộ. Ở giữa hai biến cố tại Tunisia và Trung Quốc là hàng loạt những vụ xuống đường biểu tình xảy ra cùng lúc trong nhiều quốc gia, kể cả Liên bang Nga.
Nhân dịp cuối năm, Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về những nguyên do sâu xa mà có khi tương đồng khiến người dân ở nhiều nơi đã nổi dậy phản đối.
Liên quan chính trị - kinh tế
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, nếu có một chữ khả dĩ tổng kết tình hình trong năm thì hình như đó là chữ "nổi loạn" vì từ đầu năm cho đến những ngày cuối của tờ lịch đang được bóc nốt, người ta thấy nơi nơi đều có những vụ biểu tình, thậm chí bạo động. Ông giải thích thế nào về sự kiện đó vì người ta thấy rằng có lẽ kinh tế không là nguyên do duy nhất?
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: - Từ khi loài người có khoa kinh tế học, là hơn 200 năm trước, người ta dùng một từ là "kinh tế chính trị học" vì quan hệ gắn bó giữa hai lĩnh vực là kinh tế và chính trị. Kinh tế là sự tính toán chọn lựa của các tác nhân kinh tế và khởi đầu là cá nhân. Mà sinh hoạt kinh tế đó nằm trong hệ thống chính trị và bị chi phối bởi chính sách kinh tế, và chính sách hay hệ thống chính trị đó cũng bị ảnh hưởng bởi kinh tế. Vì vậy, người ta không thể tách biệt hai khái niệm tương hằng hay biện chứng này.
- Về chuyện nổi loạn như ông hỏi, khi dân chúng biểu tình phản đối thì nguyên nhân có thể là kinh tế, kể cả trường hợp nổi dậy đầu tiên của năm nay là từ một vụ tự thiêu tại Tunisie vì nạn nhân bị đoạt mất quyền sinh hoạt kinh tế đến nỗi phải tự sát. Nhưng khi người ta biểu tình thì đối tượng bị đả phá là hệ thống chính trị, trong đó có các "định chế", vốn là các cơ chế xã hội, kinh tế, tài chính, luật pháp, chính trị, v.v... thực tế chi phối cả xã hội.
Nếu có thể nói cho ngắn gọn dù là hơi trừu tượng thì tôi thiển nghĩ rằng nguyên nhân chính của hiện tượng nổi loạn phổ biến năm nay là một vụ khủng hoảng về niềm tin.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Nếu có thể nói cho ngắn gọn dù là hơi trừu tượng thì tôi thiển nghĩ rằng nguyên nhân chính của hiện tượng nổi loạn phổ biến năm nay là một vụ khủng hoảng về niềm tin. Có thể là do bất mãn về kinh tế rồi lại tuyệt vọng về chính sách ứng phó với bài toán kinh tế, người dân hết tin vào các định chế của xã hội, của quốc gia, và thiểu số chóp bu ở trên, là những người có tiền, có quyền hoặc có kiến thức cao hơn đa số. Mà nếu đúng như vậy thì đây là một vấn đề rất nguy ngập.
Vũ Hoàng: Ông vừa công nhận rằng câu trả lời ngắn gọn đó là hơi trừu tượng vì vậy xin yêu cầu ông khai triển cho rõ ràng cụ thể thế nào là khủng hoảng về niềm tin? Người ta không còn tin vào các định chế và nhân sự có thể giải quyết vấn đề hay sao?
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta sẽ dành cả chương trình tổng kết này để giải thích chuyện ấy cho rõ ràng hơn và tôi mong rằng mình cùng hiểu ra vì sao đấy là chuyện nguy ngập.
- Ta khởi sự bằng biến cố được mọi người cho là châm ngòi cho khủng hoảng toàn cầu là sự sụp đổ của các tập đoàn tài chính hàng đầu của Hoa Kỳ vào ngày 15 Tháng Chín năm 2008. Đấy chỉ là một khủng hoảng tài chính bùng nổ giữa chu kỳ suy trầm kinh tế dăm bảy năm lại xảy ra một lần. Khi đó, phản ứng của giới hữu trách Mỹ là ngăn cho khủng hoảng khỏi lan từ hệ thống tài chính ngân hàng qua kinh tế và từ kinh tế Hoa Kỳ sang thế giới. Kết quả là các cơ sở tài chính được đắp vốn cấp cứu nhưng thế giới vẫn bị tổng suy trầm kéo dài trong bất trắc.
- Người ta không để ý là khi đó dân Mỹ khá bất mãn về các tập đoàn tài chính bất cẩn hay bất lương và các doanh gia tỷ phú trong các tập đoàn này và họ tin rằng định chế nhà nước sẽ giải quyết được vấn đề. Ta nên nhớ là không ai trong thành phần này bị truy tố cả! Cuối năm nay, tập đoàn đầu tư Mỹ là MF Global - do một nhân vật từng là Chủ tịch tập đoàn đầu tư tài chính Goldman Sachs rồi Nghị sĩ rồi Thống đốc trở về điều khiển - lại phá sản mà ông ta không giải thích được mấy tỷ đô la đã bị mất đi đâu. Hoá ra mọi sự lại vẫn như cũ hay sao?
Vũ Hoàng: Cám ơn ông đã nhắc lại bối cảnh khủng hoảng tài chính đó, và có phải rằng đấy chỉ là một phần của vấn đề mà thôi?
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, và cũng tại Mỹ, khi tổng suy trầm xảy ra năm 2008, người ta đặt niềm tin vào giới lãnh đạo, khi ấy ở trong tay đảng Dân Chủ tại cả Quốc hội rồi Hành pháp, với hàng loạt biện pháp kích thích và bao cấp tốn kém. Vậy mà ngân sách bị bội chi và Hoa Kỳ mắc nợ kỷ lục mà sản xuất vẫn èo uột và thất nghiệp lại còn tăng.
- Do đó, bất mãn bùng nổ từ cánh hữu khiến cuối năm 2010, đảng Cộng Hoà nắm lại Hạ viện. Vậy mà tình hình chưa cái tiến và hai đảng tranh luận suốt năm nay mà không giải quyết xong chuyện ngân sách hoặc đẩy mạnh tăng trưởng. Vì vậy, bất mãn lại bùng nổ, lần này từ cánh tả và nhắm vào các tỷ phú giàu có.
- Cùng nỗi bất mãn lan rộng là sự ngờ vực khả năng giải quyết của hai định chế trụ cột là thị trường và nhà nước. Nếu thị trường bất cẩn thì nhà nước phải kiểm soát và điều tiết. Mà nếu nhà nước lại chỉ gây bội chi ngân sách và ách tắc chính trị thì ai sẽ cứu vãn tình hình? Rốt cuộc, đây là một khủng hoảng về niềm tin vào thiểu số có khả năng hay trách nhiệm trong doanh trường và chính trường, là điều cực bất lợi cho kinh tế, vốn dĩ cần sự ổn định và minh bạch rõ ràng.
Vũ Hoàng: Vậy mà dường như trong năm qua, tình hình Hoa Kỳ vẫn chưa là bi đát nhất nếu người ta nhìn qua bên kia Đại Tây Dương và vụ khủng hoảng Âu Châu. Ông nhận xét thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy, năm 2011 có thể là năm đại khủng hoảng của Âu Châu.
- Ban đầu, người ta lầm tưởng rằng Âu Châu bị hiệu ứng Hoa Kỳ năm 2008! Sau đó mới thấy ra các vấn đề nội tại còn trầm trọng hơn gấp bội. Vấn đề đầu tiên cũng là từ hệ thống ngân hàng cần cấp cứu. Sau đó mới thấy hồ sơ nguy ngập hơn, là rủi ro vỡ nợ của một số quốc gia, rồi còn hồ sơ thứ ba là nguy cơ tan rã của đồng Euro. Trong ba năm liền, các nước Âu Châu và cơ chế hữu trách đã có nhiều biện pháp và kế hoạch chuyên môn để cấp cứu mà không xong.
Dân chúng biểu tình thì bị đàn áp, họ mất tự do, mất đất đai mà cũng chẳng có áo cơm, việc làm hay nhà cửa, nên mất dần niềm tin vào chế độ bất công và bất lực của Trung Quốc.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Qua năm 2011 thì thiên hạ mới thấy rằng chìm sâu dưới ba hồ sơ ngân hàng, công trái và đồng Euro còn có một vụ khủng hoảng chính trị. Lãnh tụ 27 nước Liên hiệp Âu Châu và 17 nước của khối Euro đã họp hành liên tục mà không tìm ra giải pháp thỏa đáng. Các định chế hay cơ chế có thẩm quyền của Âu Châu đã tung ra nhiều kế hoạch cứu vãn mà không thành. Đến cuối năm, khi Pháp và Đức vừa đề nghị một giải pháp chính trị là thiết lập một cơ chế cưỡng hành về kỷ cương ngân sách thì nước Anh lại chống và các nước khác thì đồng ý mà thật ra vẫn ngờ vực.
- Khác với cuộc tranh luận tại Mỹ là kinh tế thị trường hay nhà nước, định chế nào là giải pháp cho bài toán quá phức tạp này, tại Âu Châu, người ta cân nhắc tương quan của chủ quyền quốc gia và thẩm quyền siêu quốc gia. Cuộc tranh luận ấy nêu ra bài toán sinh tử cho tập thể Âu Châu, tức là còn nghiêm trọng hơn cả số phận của đồng Euro.
Bạo động tại Trung Quốc
Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua một đầu máy kinh tế khác của thế giới, là Trung Quốc.
Suốt năm nay, xứ này liên tục bị động loạn khiến nhà cầm quyền ra tay đàn áp rất nặng. Đến cuối năm lại có sự cố Ô Khảm khi dân chúng phong tỏa chính quyền địa phương làm nhà chức trách phải nhượng bộ và thỏa mãn đòi hỏi của dân biểu tình. Thưa ông, nếu dân Mỹ và Âu Châu có tranh luận và hoài nghi về các định chế quốc gia hay quốc tế, thì Trung Quốc ra sao khi mà xứ này lại không có dân chủ và người dân không được quyền tranh luận hay phản biện với nhà nước?
Suốt năm nay, xứ này liên tục bị động loạn khiến nhà cầm quyền ra tay đàn áp rất nặng. Đến cuối năm lại có sự cố Ô Khảm khi dân chúng phong tỏa chính quyền địa phương làm nhà chức trách phải nhượng bộ và thỏa mãn đòi hỏi của dân biểu tình. Thưa ông, nếu dân Mỹ và Âu Châu có tranh luận và hoài nghi về các định chế quốc gia hay quốc tế, thì Trung Quốc ra sao khi mà xứ này lại không có dân chủ và người dân không được quyền tranh luận hay phản biện với nhà nước?
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, ta không quên rằng Trung Quốc lệ thuộc vào hai thị trường nhập khẩu lớn nhất là Âu Châu và Hoa Kỳ. Bên trong, xứ này cũng có nhiều tai họa kinh tế nguy nàn như lạm phát, suy trầm và bong bóng đầu cơ đang bị xì. Vì vậy, bốn năm qua, Trung Quốc bị hiệu ứng ngoại nhập nặng hơn hai khối Âu-Mỹ, và có thể còn bị nặng hơn nữa nếu Âu Châu bị suy thoái và nếu Hoa Kỳ bị suy trầm vào năm tới.
- Đã thế, chính trị xứ này còn có nhược điểm sinh tử nếu so với hai khối kia. Lãnh đạo Âu Mỹ được bầu lên để giải quyết vấn đề cho người dân và nếu không xong thì bị thất cử, chứ lãnh đạo Trung Quốc nắm giữ chế độ độc tài với lý do biện minh cho lẽ chính danh là đem lại cơm áo cho người dân. Nôm na đến độ lạnh lùng thì người dân có thể hy sinh tự do cho cơm áo; nhưng khi kinh tế sa sút, cái lẽ chính danh ấy bị dân chúng đặt thành vấn đề. Mà vì hệ thống đảng lại bất lực khi giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội thì sự phản đối của người dân đe dọa chính sự tồn vong của chế độ. Trong năm qua, Trung Quốc có hơn 120 ngàn vụ biểu tình, đa số có bạo động vì bị đàn áp, mà chính sách ứng phó ở trên lại bất cập nên càng dễ gây ra khủng hoảng chính trị.
- Trường hợp Liên bang Nga cũng đáng chú ý vì xứ này không bị chấn động kinh tế nặng như Âu Châu, Hoa Kỳ hay Trung Quốc và Nhật Bản nhưng, y như tại Bắc Phi Trung Đông, chính là thành phần trung lưu Nga lại bất mãn với chế độ kinh tế chính trị ở trên, tập trung vào con người và phương cách cai trị của Thủ tướng Vladimir Putin, Kỳ khác ta sẽ nói riêng về xứ này.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta khởi sự từ Hoa Kỳ với vụ tổng suy trầm năm 2008 nên cũng đi từ khởi điểm ấy với Trung Quốc để khỏi nhắc đến chuyện còn xa xưa hơn.
- Khi thế giới bị suy trầm, Trung Quốc có thể bị khủng hoảng vì thất nghiệp tăng vọt do xuất khẩu giảm. Lãnh đạo Bắc Kinh bèn vừa tìm cách giảm giá để bán cho nhiều khiến mức lời doanh nghiệp vốn dị không cao lại còn bị bào mỏng và vài năm sau thì nhiều doanh nghiệp nhỏ bị phá sản.
- Song song, Bắc Kinh ào ạt tăng chi và cấp phát tín dụng cho doanh nghiệp với hậu quả là gây lạm phát và nạn bong bóng đầu cơ. Lạm phát làm dân nghèo càng nghèo thêm và nạn đầu cơ lại khiến cư dân nông thôn càng dễ bị cướp đất. Vụ nổi loạn ở Ô Khảm xuất phát từ nạn cướp đất ấy. Chính sách ứng phó không đạt kết quả dự tính mà gây hậu quả tai hại cho đa số người dân.
- Họ thấy đảng và nhà nước đã chẳng kềm hãm được mà còn bao che cho thiểu số thân tộc của những kẻ có chức có quyền ở trên. Chuyện kinh tế trở thành xã hội mà trung ương không kiểm soát được các địa phương và khi tiểu doanh thương phá sản hàng loạt thì cơ chế tham ô vẫn hoành hành. Dân chúng biểu tình thì bị đàn áp, họ mất tự do, mất đất đai mà cũng chẳng có áo cơm, việc làm hay nhà cửa, nên mất dần niềm tin vào chế độ bất công và bất lực của Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Tổng kết lại thì thưa ông tình hình sẽ xoay chuyển ra sao trong năm nay?
Trong năm qua, Trung Quốc có hơn 120 ngàn vụ biểu tình, đa số có bạo động vì bị đàn áp, mà chính sách ứng phó ở trên lại bất cập nên càng dễ gây ra khủng hoảng chính trị.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta rất khó biết được nhưng tôi nghĩ rằng mình nên nhớ ba đặc điểm của vụ khủng hoảng niềm tin này. Thứ nhất là dù chẳng có một nguyên nhân duy nhất nó lại phổ biến toàn cầu và tác động vào nhau theo tinh thần cộng hưởng. Thứ hai là qua mọi biểu hiện phổ biến thì người ta nổi loạn không vì tư tưởng tả hữu, cụ thể là chống hiện tượng toàn cầu hóa, chống tư bản chủ nghĩa, tự do mậu dịch, hoặc đề cao một nhà nước anh minh, một đảng cách mạng chuyên chính, v.v.... Thứ ba, quan trọng nhất, đối tượng bị đả kích không là ý thức hệ mà là thiểu số có quyền, có tiền và có trách nhiệm, họ bị quần chúng coi là bất xứng. Hậu quả là gì?
- Hậu quả là một sự hỗn mang khiến cho người ta khó tìm ra một giải pháp và tầng lớp nhân sự khác khả dĩ thay thế. Trong khi đó, yếu tố khoa học kỹ thuật lại thu hẹp thời gian quyết định, do thông tin dồn dập và tràn ngập, khiến hệ quả của từng quyết định lại tác động rất nhanh.
- Nhìn trên tổng thể thì đây là kết quả của những thái quá trong chính sách đối phó từ nhiều năm qua trước sự mất kiên nhẫn của quần chúng. Viễn ảnh chung thì mỗi nơi lại mỗi khác. Một xứ dân chủ như Mỹ thì bị tê liệt; một hệ thống liên quốc gia như Âu Châu bị phân hoá; một xứ thiếu dân chủ và nhiều sức ly tâm như Trung Quốc sẽ bị rã thành nhiều mảnh rất dễ xung đột. Mà càng đàn áp thì chỉ càng thúc đẩy bạo động. Việt Nam có thể chọn xem kịch bản nào sẽ là của mình!
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này và xin hẹn quý thính giả nhiều đợt tổng kết từ Tết Dương lịch qua Tết Nguyên đán Nhâm Thìn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét