Thứ Năm, tháng 12 15, 2011

Trung Quốc Vào WTO - Mười Năm Sau

Nguyễn Xuân Nghĩa - Ngày Nay Houston, ngày 111215

Con dao hai lưỡi, lưỡi nào sắc hơn?




Ngày 11 Tháng 12 năm 2001, Trung Quốc trở thành hội viên thứ 143 của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Sau đó, ngày 27 Tháng 12, Tổng thống George W. Bush ban hành văn kiện công nhận quy chế tối huệ quốc thường trực cho Trung Quốc, sẽ áp dụng từ đầu năm 2002.  Mười năm sau biến cố này, tình hình biến chuyển ra sao, lợi hại thế nào, mà ai có lợi, ai bị thiệt hại?...


Ngay từ đầu, năm 1947, Trung Hoa Dân Quốc đã là thành viên sáng lập Thỏa ước GATT (General Agreement on Tariffs and Trade) tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Sau khi bị đuổi ra khỏi Hoa lục năm 1949, Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China) rút khỏi tổ chức này từ Tháng Ba năm 1950. Thế vào chỗ đó, Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc chỉ chính thức nộp đơn gia nhập GATT vào Tháng Năm, năm 1987. Điều ấy có nghĩa là xứ này phải cam kết tôn trọng những quy định về thuế biểu và ngoại thương với các thành viên của WTO.

Nhưng thật ra không dễ vì Trung Quốc mới chỉ cải cách kinh tế từ đầu năm 1979, rồi lại bị khủng hoảng và gây ra vụ tàn sát Thiên an môn năm 1989.

Khi GATT kết thúc và WTO được thành lập vào đầu năm 1995, các thành viên cũ của GATT trở thành hội viên WTO, còn xứ nào muốn xin gia nhập WTO thì phải thương thuyết và thoả mãn yêu cầu của từng hội viên. Trung Quốc khởi sự lại từ đó, mất thêm sáu năm, qua 18 kỳ thương thuyết, mới hoàn tất thủ tục. Việc Hoa Kỳ công nhận quy chế xưa kia gọi là tối huệ quốc về sau gọi là Mậu dịch Bình thường và Thường trực (Permanent Normal Trade Relations – PNTR) là một điều kiện then chốt để kinh tế Trung Quốc gia nhập WTO và hội nhập vào luồng giao dịch toàn cầu.

Mười năm sau, là ngày nay, Trung Quốc đạt những thành quả kinh tế vượt bậc, chiếm hạng nhì về sản lượng của thế giới và có khối dự trữ ngoại tệ tương đương hơn 3.200 tỷ Mỹ kim. Riêng với Hoa Kỳ, Trung Quốc đạt xuất siêu rất lớn - hơn phân nửa tổng số nhập siêu của Mỹ - nhưng thường xuyên có mâu thuẫn nhiều mặt với quốc gia này.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là quan hệ Mỹ-Hoa về an ninh hay quyền lợi của đôi bên.

Trong nội bộ, việc giải phóng kinh tế nhờ giao thương với thế giới đã đi hết sự vận hành tích cực và Trung Quốc phải cải cách hơn nữa, như Hội nghị Ban chấp hành Kỳ V của Khóa 17 quyết định từ Tháng 10 năm ngoái. Nhưng, việc cải cách được đảng đề ra cho Kế hoạch Năm năm thứ 12 (2011-2016) lại tiến hành vào thời điểm bất trắc vì nguy cơ động loạn bên trong và môi trường bất lợi của kinh tế thế giới ở bên ngoài: trong năm 2012, kinh tế Âu châu có thể bị suy thoái (depression), Hoa Kỳ có thể bị suy trầm (recession) và kinh tế Nhật Bản chưa ra khỏi 20 năm hoạn nạn.
Thời điểm còn bất trắc hơn nữa vì cuối năm 2012, Trung Quốc lại có Đại hội khoá 18 để đề cử một tầng lớp lãnh đạo mới và những vận động nội bộ cho Đại hội 18 có thể trì hoãn hoặc làm lệch lạc những quyết định sinh tử của xứ này.

Việc đánh giá Trung Quốc 10 năm sau khi gia nhập WTO cần được đặt trong bối cảnh đó.


***


Trở lại chuyện xưa, trong gần 15 năm thảo luận việc gia nhập WTO – thực tế từ 1987 đến cuối năm 2001 – Bắc Kinh chọn chiến lược thương thuyết là viện dẫn hoàn cảnh "đang phát triển" (developing) của kinh tế Trung Quốc để được một số đặc miễn mà các thành viên khác không có. Bắc Kinh cam kết sẽ giải toả dần việc quản lý kinh tế theo những quy định của WTO sau khi tiến hành cải cách và kinh tế ra khỏi hoàn cảnh "đang phát triển" - của một nước chậm tiến. Trong thực tế, Bắc Kinh tiến hành cải cách có chọn lọc – đổi mới nửa vời – để kiếm lợi nhờ tiếp cận thị trường toàn cầu mà vẫn duy trì được quyền kiểm soát kinh tế và bảo vệ đặc quyền của mình.

Vì vậy, trong 10 năm gia nhập WTO, xứ này thường xuyên bị các thành viên khác phê phán, kiện tụng và thậm chí trừng phạt vì hàng loạt hồ sơ.

Trước hết, Bắc Kinh có cải thiện - mà chưa đủ - nền tảng luật lệ và quản lý về ngoại thương, kể cả quan thuế biểu, để thỏa mãn những đòi hỏi của WTO. Đây là hiện tượng "ly nước đã đầy một nửa" như Trung Quốc viện dẫn. Nhưng "còn vơi một nửa", như các thành viên khác than phiền, trong số này không chỉ có Hoa Kỳ.

Ngoài lãnh vực đó, Bắc Kinh vẫn chưa có thay đổi tương xứng trong nhiều hồ sơ khác:

Đó là việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - nôm na là vẫn ăn cắp tác quyền của thiên hạ để có bước nhảy vọt về kỹ thuật và công nghệ. Đó là chủ động duy trì chính sách công nghiệp - để can thiệp và chọn lựa những khu vực được ưu đãi và bảo vệ khỏi sức cạnh tranh của quốc tế. Đó là bảo vệ khu vực doanh nghiệp nhà nước, được Bắc Kinh coi là chủ lực về kinh tế để thi hành chánh sách công nghiệp. Là áp dụng chế độ trợ cấp doanh nghiệp của mình và kỳ thị doanh nghiệp nước ngoài về thuế suất để giữ một sân chơi thiếu bình đẳng. Là duy trì những giới hạn về thương mại và quyền phân phối trong các khu vực canh nông hay dịch vụ, như ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, giải trí. Quan trọng không kém là những luật lệ về bí mật quốc gia khiến Trung Quốc không có một hệ thống thông tin kinh tế và kế toán kinh doanh minh bạch và khả tín....

Phần mình, Hoa Kỳ không thể không biết về chiến lược và ẩn ý của Bắc Kinh.

Khi thương thuyết hồ sơ WTO với Bắc Kinh, Chính quyền Bill Clinton (1993-2000) tin là nhờ mối lợi kinh tế và sức ép của cơ chế WTO, Trung Quốc sẽ thay đổi để trở thành một quốc gia cởi mở, văn minh và biết điều hơn. Đó là chiến lược tạm gọi là "kết ước" – engagement. Khi ấy, Quốc hội Mỹ cũng lập ra cơ chế giám sát mối quan hệ giữa hai quốc gia, về cả an ninh lẫn kinh tế, để khuyến cáo biện pháp ứng phó thích hợp.

Sau khi Trung Quốc được vào WTO, chiến lược "kết ước" được Chính quyền George W. Bush (2001-2008) theo đuổi, với hy vọng là Trung Quốc trở thành một đối tác có trách nhiệm để cùng góp phần giải quyết các hồ sơ nóng của thế giới. Nhìn từ phía Mỹ, rủi ro của chiến lược này – mà Bắc Kinh gọi là "diễn biến hòa bình" – Trung Quốc có thể tiến tới chế độ tư bản, nhưng lại là "chủ nghĩa tư bản nhà nước", với màu sắc Trung Hoa. Tuy nhiên, mối lợi kinh tế nhờ khuôn khổ WTO có thể giảm thiểu rủi ro ấy, nếu Hoa Kỳ thường xuyên theo dõi và gây áp lực.

Chính quyền Barack Obama cũng không làm khác và áp dụng biện pháp vừa dọa vừa dụ nhằm thúc đẩy Bắc Kinh cải cách mạnh hơn ở bên trong và hợp tác cùng Hoa Kỳ ở bên ngoài để giải quyết nhiều hồ sơ lớn của thế giới.

Kết quả ngày nay là một sự thất vọng.


***


Nhờ sức bật của ngoại thương và đầu tư, Trung Quốc trở thành một thế lực kinh tế mới, trục lợi bất chánh trong luồng trao đổi với Hoa Kỳ và còn thách đố nước Mỹ trên nhiều diễn đàn và khu vực quốc tế. Trong khi đó, Hoa Kỳ cần đẩy mạnh xuất cảng – tăng gấp đôi trong năm năm, theo chủ trương của Chính quyền Obama – để giảm bớt áp lực thất nghiệp nhưng lại gặp hàng rào bảo vệ của Bắc Kinh.

Tháng 11 vừa qua, cơ chế giám sát quan hệ Mỹ-Hoa của Quốc hội Mỹ (US-China Economic and Security Review Commission, gọi tắt là Hội đồng USCC) công bố bản lượng định hàng năm cho năm 2011, với đề nghị là Hội đồng An ninh Quốc gia phải rà soát lại đối sách với Trung Quốc.

Có tính cách lưỡng đảng, Hội đồng USCC đánh giá là 10 năm sau khi gia nhập WTO, chẳng những Bắc Kinh chưa thay đổi như đã cam kết mà còn tiện thiện đặt ra luật chơi riêng để trục lợi bất chính và gây thiệt hại cho Hoa Kỳ.

Bên trong, hệ thống tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp của Nhà nước Trung Quốc còn gây thêm bất quân bình về ngoại thương, ngộ dụng tài nguyên (sung dụng tài nguyên không đúng với quy luật thị trường) và thổi lên bong bóng đầu cơ và lạm phát. Bên ngoài, với thế lực kinh tế mới, Bắc Kinh ngày càng cương cường trên sân khấu quốc tế và khai thác ưu thế hải quân để đòi chủ quyền quá đáng - và thực tế có thể vi phạm công pháp quốc tế trong vùng biển Đông Nam Á.

Hội đồng USCC khuyến cáo Hội đồng An ninh Quốc gia thẩm xét lại toàn bộ quan hệ giữa hai nước để đề nghị Hành pháp thay đổi đối sách với Trung Quốc.


***


Năm xưa, Winston Churchill phê phán chánh sách nhượng bộ của Neville Chamberlain khi hy sinh Tiệp Khắc và ký hòa ước với Đức quốc xã: "chịu nhục để tránh chiến tranh, kết cuộc thì vừa lãnh chiến tranh vừa bị nhục". Quan hệ ngày nay của Hoa Kỳ với Trung Quốc không đến nỗi tệ như vậy.

Nhưng có thể tệ hơn vậy.

Tự thân thì Trung Quốc có thấy ra nhu cầu cải cách. Lãnh đạo thuộc thế hệ thứ tư, như Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, đều biết là phải cải tổ kinh tế và cả chính trị - tất nhiên không theo quy tắc dân chủ như Tây phương. Lý do là để tránh động loạn xã hội và khủng hoảng kinh tế có thể dội ngược lên thượng tầng chính trị. Dù chưa về hưu để có thể nói thật như nhiều nhân vật khác, họ đã phát biểu rằng kinh tế Trung Quốc không quân bình, không công bằng, không ổn định và không bền vững. Việc cải cách được đề ra trong mục tiêu cứu vãn đó.

Nhưng dù được đảng quyết định từ Tháng 10 năm ngoái và Quốc hội ban hành từ Tháng Ba năm nay, việc cải cách vẫn gặp trở lực mạnh từ các nhóm quyền lợi trong khu vực nhà nước và trên thượng tầng đảng. Cuộc vận động bên trong cho Đại hội đảng năm tới để thay thế 70% số Trung ương Ủy viên và bảy trong chín Ủy viên của Thường vụ Bộ Chính trị - cơ chế quyền lực cao nhất nước của Bộ Chính trị gồm 24 ủy viên - càng cản trở và trì hoãn việc cải cách này.

Và càng khiến Trung Quốc dễ bị khủng hoảng nếu kinh tế hạ cánh nặng nề trong tương lai trước mặt vì những nhược điểm nội tại. Đó là lưỡi dao bên trong.

Ở bên ngoài, áp lực cải cách từ phía Hoa Kỳ càng dễ gây tác dụng ngược trong thành phần đang muốn huy động tinh thần độc lập, chủ nghĩa mị dân và bài ngoại để chiếm ưu thế lãnh đạo. Nghĩa là càng khiến Bắc Kinh khó xoay trở hơn. Khi biến động bùng nổ, với xác suất ngày càng cao, Hoa Kỳ sẽ đối phó thế nào?

Kết cuộc thì WTO là con dao hai lưỡi. Nhưng lưỡi nào sắc hơn và có thể làm Thiên triều đổ ruột? Qua năm tới chúng ta sẽ tìm hiểu về chuyện đó. (111211)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét