Thứ Ba, tháng 12 27, 2011

Một Năm Mất Mùa

Nguyễn Xuân Nghĩa - Ngày Nay Houston Ngày 20111227

Năm 2011 vừa kết thúc là một năm nổi loạn, và mở ra một năm hoang mang đáng sợ....


* Bắn đá và trở lại thời đồ đá và thiểu số bị coi là đồ đều *



Như mọi năm, trong số cuối năm, Ngày Nay yêu cầu bỉnh bút Nguyễn Xuân Nghĩa làm một bài tổng kết về tình hình chung của toàn cầu. Năm ngoái, trên cột báo này, ông kết luận rằng năm Canh Dần 2010 chưa phải là năm dữ nhất khi viết về "hy vọng phập phồng" của năm 2011. Suốt năm qua, niềm hy vọng ấy dẫn tới nhiều phản ứng thái quá và một sự nổi loạn đồng loạt về mọi chuyện ở mọi nơi, và còn gây nhiều hoang mang trong năm 2012 sắp tới....



Loài người là sinh vật lạ vì thích ngó vào cái đồng hồ hơn là tờ lịch. Lấy ngắn hại dài là một cách nói khác.

Nhìn trong một viễn ảnh dài hạn trường kỳ, chưa khi nào nhân loại lại thịnh vượng như trong năm 2011 đang kết thúc, khi dân số địa cầu đạt bảy tỷ: bảy tỷ miệng ăn cùng những cánh tay và bộ não cho sản xuất. Theo thống kê và tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc, từ 30 năm nay, số người ở trong tình trạng cùng khốn đã giảm từ 50% xuống còn có chừng 30% dân số thế giới. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh cũng giảm và tuổi thọ trung bình trên toàn cầu đã tăng. Đó là tờ lịch.

Trong giai đoạn khá dài đó, xin tạm kể là từ 1981 trở đi, các quốc gia trên địa cầu đều cố du nhập nguyên tắc tự do trong kinh tế, gọi đó là "cải cách", "đổi mới" hay "chuyển hướng", và đạt kết quả là sự "chừng mực": tăng trưởng đều đặn, với lạm phát thấp, giữa các chu kỳ suy trầm trung bình thì tương đối ngắn, tối đa là chừng hai năm.

Song song, nhất là sau sự tan rã của Liên bang Xô viết năm 1991, cách đây hai chục năm, đa số các nước đều thấy sự can thiệp quá đáng của nhà nước mới gây vấn đề. Và giải pháp thỏa đáng hơn cả chính là nguyên tắc dân chủ, khi mọi người dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật để có khả năng chọn lựa tự do hơn.

Chu kỳ của sự chừng mực trong các giải pháp và chọn lựa đã kết thúc trong năm 2011 vừa qua. Và mở ra một thời kỳ hỗn loạn khi người ta thu hẹp tầm nhìn vào hiện tại.


***


Trong thời loạn, người ta hết tin tưởng vào các giải pháp hay các định chế có thẩm quyền về chánh sách. Một nguyên nhân chính – không phải duy nhất – là sự thái quá trong chánh sách ứng phó với nạn suy trầm kinh tế khởi sự năm 2008 và kéo dài đến giữa năm 2009, một chu kỳ cứ tưởng bình thường, năm bảy năm lại xảy ra một lần.

Thái quá trong ứng phó khi các định chế hữu trách lạm dụng quyền tự do quyết định hoặc bị áp lực của thực tế kinh tế mà bất kể đến "hậu quả bất lường", điều không tính trước của các chánh sách. Hai thí dụ ở đây là quyền tự do thái quá về tiền tệ khiến việc kích thích kinh tế dẫn tới lạm phát và bong bóng đầu cơ hoặc gây ra bội chi ngân sách và vay mượn quá khả năng thanh toán. Áp lực của thực tế kinh tế có thể là hậu quả của thiên tai, chiến tranh, hay khủng hoảng tại Âu châu, và của hiện tượng tư doanh vay mượn quá nhiều nên sẽ lại thu vén để trả nợ thay vì bung tiền ra đầu tư.

Sự thái quá kéo dài suốt ba năm và gây khủng hoảng trầm trọng về niềm tin, khiến các định chế hữu trách lật đật có phản ứng thu vén, giảm chi và trả nợ, cũng thái quá không kém.

Sau ba chục năm tin tưởng vào giá trị của tự do kinh tế rồi hoang mang về sự thái quá của thị trường, người ta đặt niềm tin vào sự can thiệp của nhà nước bằng các biện pháp tiền tệ hay ngân sách. Sau ba năm được quyền tự do quyết định, sự can thiệp cũng thái quá đó trong chách sách kinh tế của nhà nước dẫn tới phản ứng ngược, đó là... chặt tay nhà nước.

Hoặc nổi loạn.

Trong các quốc gia có dân chủ, phản ứng của người dân có nơi thể hiện là thùng phiếu khiến đối lập thắng thế và tranh luận bùng nổ giữa hai nhu cầu đều chính đáng là giảm chi và kích thích. Nhưng hình ảnh được phơi bày là sự lúng túng của các định chế cầm quyền và các chính khách trước hai nhu cầu mâu thuẫn đó.

Rõ rệt nhất là chuyện xảy ra tại Hoa Kỳ, sau bầu cử năm 2010 và trước bầu cử 2012, với phản ứng thái quá của đảng Cộng Hoà và quán tính truyền thống của đảng Dân Chủ là vẫn tin rằng nhà nước mới là giải pháp. Nhu cầu tranh cử và sự mị dân của các chính sách ở cả hai đảng khiến người ta tuyệt vọng về nền dân chủ.

Và thay vì chờ đợi ngày bỏ phiếu, người ta biểu tình. Tính toán mị dân của các chính khách - bên đảng Dân Chủ - là khai thác chuyện biểu tình đó cho nhu cầu tranh cử. Nạn nhân của vụ nổi loạn này chính là nền dân chủ và người dân Mỹ. Thiểu số bị kết án – tài phiệt Wal Street hay 1% dân số của những kẻ giàu nhất nước – chính là thành phần đã chi tiền nhiều nhất cho các chính khách mị dân ưa nhân danh 99% còn lại!

Nhưng không chỉ Hoa Kỳ mà tại các nước dân chủ khác, người dân cũng xuống đường nổi loạn làm nhiều chính quyền bị đổ, hoặc mất phiếu. Bị đổ như tại Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý và mất phiếu như tại Đức.

Người ta hết tin tưởng vào giải pháp thần diệu của nền dân chủ và áp dụng luật rừng, là ném đá và đốt nhà. Nhờ có dân chủ, người dân nổi loạn không bị đàn áp, nhưng thực tế thì niềm tin dành cho các định chế hữu trách và thiểu số ở trên đã tuột xuống đất đen. Trong năm 2012, nhiều người sẽ thất cử, và đáng bị thất cử.

Nhưng sau đó là gì thì chưa ai biết!


Chuyện hy hữu là trong khi nền dân chủ tại các nước Âu-Mỹ cứ bị coi là phá sản – vì người dân hết phản ứng bằng lá phiếu mà bằng đá củ đậu ném vào cảnh sát và các chính khách lại thi đua mị dân – thì dân chủ lại là niềm hy vọng của quần chúng tại các nước độc tài!


***


Năm 2011 mở ra với chuyện biểu tình tại Tunisie khiến chế độ độc tài của Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali sụp đổ. Biến cố ấy dẫn tới phản ứng cũng thái quá - trước tiên là của truyền thông Tây phương - về niềm tin vào làn sóng dân chủ bất khả phản hồi trong các nước Á Rập Hồi giáo.

Sự thật chưa được như vậy vì Egypt đổi chủ, Tổng thống Hosni Mubarak phải từ nhiệm, mà chế độ quân phiệt chưa tan rã. Đến cuối năm dân chúng vẫn biểu tình bạo động và bị đàn áp. Trong cảnh tranh tối tranh sáng của đấu tranh dân chủ, lực lượng có tổ chức nhất là xu hướng Hồi giáo cực đoan, đã kín đáo thắng thế đằng aau nỗ lực biểu tình của những người đòi dân chủ.

Sự thật cũng vẫn chưa được như vậy tại các nước Bắc Phi Trung Đông và cả khu vực Hồi giáo của Vịnh Ba Tư. Lãnh tụ Moammar Gaddaphi bị hạ sát và chế độ độc tài của ông sụp đổ nhờ sự can thiệp quân sự của Tây phương, mà dân chủ chưa thành hình và xứ Libya vẫn có nguy cơ khủng hoảng.

Sự thật còn thê thảm hơn tại Syria hay Yemen, khi nạn đàn áp vẫn tiếp diễn với sự can dự của nhiều xứ khác. Các nước Hồi giáo như Saudi Arabia hay Iran cũng thế, chưa có dân chủ và chế độ - theo hệ phái Sunni hay Shia - còn nhìn vào khoảng trống tại Iraq do Hoa Kỳ để lại vào cuối năm!

Mà tình hình Iraq mới là nơi minh diễn sự lạc quan thái quá của mọi người vào quy tắc dân chủ.

Cả thế giới phê phán việc Hoa Kỳ can thiệp vào xứ này để lật đổ chế độ độc tài và hung đồ của lãnh tụ Saddam Hussein. Sau tám năm đại loạn, Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Iraq, như Chính quyền Barack Obama chủ trương và tiến hành kịp thời trước mùa tranh cử của năm 2012. Lại cảnh "khi đồng minh tháo chạy". Ba ngày sau, là tuần qua, Iraq lại có loạn.

Phe Shia thắng thế - với sự yểm trợ của Iran ở sau lưng – đã xông lên và đẩy hai lực lượng thiểu số của hệ phái Sunni và sắc tộc Kurd vào đường cùng. Phe thiểu số sẽ nổi loạn!

Khủng bố tự sát đã tái diễn tại thủ đô Baghdad.

Nền dân chủ mong manh tại Iraq có thể tiêu vong và chế độ Iran độc tài của hệ phái Shia sẽ thắng lớn ở xứ lân bang này khiến hai chế độ Sunni là Saudi Arabia và Turkey phải canh chừng. Hoặc can thiệp! Người ta cứ nghĩ rằng chỉ cần lật đổ ách độc tài là dân chúng nơi nơi sẽ bắt tay vào xây dựng dân chủ, cũng là một sự lạc quan thái quá.

Sự lạc quan ấy cũng có thể giải thích kỳ vọng của nhiều người về những biến động tại Liên bang Nga sau cuộc bầu cử đầu tháng 12. Thành phần trung lưu khá giả đã biểu tình chống Thủ tướng Vladimir Putin, tố giác tội gian lận bầu cử năm nay và âm mưu tái tranh cử Tổng thống vào Tháng Ba năm tới. Nhiều nhân vật công thần hoặc có uy tín của chế độ Putin ra mặt chống đối, nguyên Chủ tịch Liên Xô là Mikhail Gorbachev còn kêu gọi Putin từ chức!

Nhưng Putin vẫn nắm sao đằng chuôi, ngoài đảng Nga Thống Nhất của ông, ba chính đảng lớn nhất còn lại đều có chủ trương ủng hộ sự "đổi mới" của ông để canh tân xứ sở, theo màu sắc Nga. Và cả truyền thông lẫn quân đội và mật vụ Nga vẫn do Putin kiểm soát. Khái niệm dân chủ như ta hiểu tại các nước Tây phương chỉ xuất hiện trong các cuộc biểu tình ở thành phố. Và không là chủ trương của các định chế hay nhân vật trong cuộc.

Trung Quốc cũng vậy.

Sau khi Ôn Châu của tỉnh Chiết Giang giã từ giấc mơ kinh tế thị trường vì tư doanh phá sản hàng loạt trong năm qua, đến cuối năm thì dân chúng Ô Khảm của tỉnh Quảng Đông nổi loạn và đánh đuổi chính quyền địa phương. Động loạn đã bùng nổ, đến hơn trăm ngàn vụ trong cả năm. Sự phá sản của những chánh sách thái quá khiến lạm phát và vỡ nợ lan rộng và gây phản ứng trong quần chúng. Nhưng chế độ vẫn thẳng tay tiêu diệt và dân chủ vẫn là chuyện cấm kỵ....

Khi tổng kết vào dịp cuối năm, người ta có thể thấy ra một nét chung là sự sụp đổ niềm tin vào các định chế hữu trách, có quyền.


***


Năm 2001 là năm mất mùa của các niềm tin.

Niềm tin vào cơ chế Âu châu thống nhất, vào nguyên tắc dân chủ và bầu cử tại Mỹ, vào khả năng giải quyết của các định chế chuyên môn và độc lập như ngân hàng trung ương, niềm tin vào sự thoả hiệp của các phe phái đối nghịch để xây dựng được một không gian sống chung trong ổn định như tại Iraq hoặc Libya, v.v...

Ngần ấy kỳ vọng đều chưa xuất hiện.

Sự suy sụp niềm tin dẫn đến phản ứng nổi loạn. Năm 2011 là năm nổi loạn phổ biến và sẽ dẫn tới hoang mang trong năm 2012. Hoang mang vì chưa biết là sẽ xây dựng ra cái gì để thay thế. Và ai sẽ xây dựng? Sự hoang mang ấy mới là nguy cơ khủng hoảng đáng sợ nhất. Mười năm sau những kỳ vọng về làn sóng dân chủ muôn màu, như tại Serbia, Georgia, Ukraine hay Kyrgyzstan, năm 2011 chính là sự thoái lui của trào lưu dân chủ.

Trong khi ấy, các chế độ độc tài đều dư thủ đoạn cứu vãn quyền lực chính trị và đặc lợi kinh tế của họ. Nhìn từ các quốc gia có tự do, nếu kinh tế thị trường và chính trị dân chủ hết là giải pháp lý tưởng, người ta sẽ làm gì khi tiếp tục gây phản ứng thái quá? Gây loạn? Chính sách mị dân của xứ tự do, thủ đoạn đàn áp của chế độ độc tài và sự thiếu tổ chức của các phong dân chủ có thể là những biểu hiện đen tối nhất của năm 2011. 

Hương hoa nhài tại Tunisie vào đầu năm hay con én tại Miến Điện vào cuối năm chưa thật sự báo hiệu mùa Xuân 2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét