Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 20111227
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Tổng thống Obama mà tái đắc cử là đáng... đời cho đảng Cộng Hoà!
* Không! Đây chỉ là ba anh hề Larry, Moe và Curley mà thôi! *
Hoa Kỳ có hai biệt tài mà may ra Trung Quốc mới có thể sánh nổi. Đó là tạo ra nhiều kỳ vọng rồi lại làm thiên hạ tuyệt vọng - và lo sợ!
Người ta đặt nhiều kỳ vọng vào nền dân chủ Mỹ sau hai trận Thế chiến và khi nhất là Chiến tranh lạnh kết thúc, đúng 20 năm trước. Mươi năm trước người ta ước mơ làn sóng muôn màu muôn hương mà nhiều người cho là do bàn tay kỳ diệu của Hoa Kỳ: cách mạng dân chủ tại Serbia, Georgia, Ukraine hay Lebanon, Kyzgyzstan, rồi năm nay tại Tunisie, Egypt và Libya, v.v... Cứ làm như cam quít, hoa uất kim hương hoặc hoa nhài, và gỗ bá hương - tên lãng mạn của các phong trào dân chủ - đều có hạt mầm hay phân bón của Mỹ!
Rồi cũng chính Hoa Kỳ lại làm thiên hạ tuyệt vọng, như chuyện đang xảy ra ngay trên đất Mỹ.
Vì chủ đề của cột báo định kỳ này là kinh tế, người viết xin miễn nói về thiên hạ sự hay nguy cơ bạo loạn tại Iraq... "khi đồng minh tháo chạy", mà tập trung vào một hồ sơ quái đản của nước Mỹ, vừa được thể hiện tuần qua. Đó là dự án tạm miễn thuế trên sổ lương ("payroll tax").
Trước hết là vài dòng về nội dung kinh tế, sau đó là những động lực chính trị của các chính khách khiến người ta hết tin nổi vào nền dân chủ Hoa Kỳ!
***
Sau ba chục năm an hưởng sự chừng mực trong chính sách với kết quả là kinh tế đạt tăng trưởng khả quan với lạm phát thấp - dù dăm bảy năm lại có một chu kỳ suy trầm kéo dài tối đa là hai năm, năm 2008, Hoa Kỳ bắt đầu sốt ruột giữa thời chiến và vụ khủng hoảng tài chánh năm đó.
Hậu quả là sự thái quá trong phản ứng với hàng loạt biện pháp tăng chi và kích thích kinh tế mà kết quả chỉ là bội chi khổng lồ và mắc nợ kỷ lục, trong khi kinh tế ra khỏi suy trầm từ giữa năm 2009 mà chưa khởi sắc, thất nghiệp còn cao. Vì vậy, cử tri nổi đóa trong vụ bầu cử 2010 khiến đảng Dân Chủ mất đa số tại Hạ viện và lui về thế thủ tại Thượng viện.
Đảng Cộng Hoà thừa thắng đã cũng lại tái diễn sự thái quá tai hại bên đảng Dân Chủ. Đó là bối cảnh chính trị.
Bối cảnh kinh tế và rất khái quát với con số tính tròn là cả nước Mỹ sản xuất ra một năm chừng 15 ngàn tỷ đô la - vĩ đại vì còn hơn kết số của sản lượng Tầu, Nhật, Đức, ba nền kinh tế đi sau. Nhưng chính quyền lấy mất 25% của Tổng sản lượng đó cho công chi mà lại thu vào có 15% nhờ thuế khoá nên bị khiếm hụt hay bội chi 10% và phải đi vay. Như đồng hồ tự động, tiền lời đó trút thêm vào gánh bội chi và sau bốn năm thái quá, gánh bội chi đó đã mấp mé bằng tổng sản lượng.
Vấn đề vì vậy là phải giảm chi và tăng thu.
Giảm chi lại có các mục chi xã hội bất khả xâm phạm xuất phát từ chế độ bao cấp lưu cữu từ nhiều năm nay. Còn lại thì có tăng thu, bằng cách nâng thuế suất, hay mở ra căn bản tính thuế cho sâu rộng hơn qua biện pháp chám bớt lỗ hổng thuế khoá – gian lận hợp pháp nhờ cả ngàn chi tiết nhiêu khê của bộ luật thế vụ phức tạp nhất địa cầu. Và tăng thu bằng biện pháp kích thích sản xuất để doanh nghiệp và dân chúng nộp nhiều thuế hơn nhờ lợi tức gia tăng.
Giữa bối cảnh kinh tế đó, trong năm 2011, ưu tiên chính trị tại Hoa Kỳ vẫn là tranh cử 2012. Mà thực tế kinh tế trước mắt vẫn là sự èo uột của sản xuất trong khi nguy sơ suy trầm toàn cầu và suy thoái Âu châu lại đe dọa chân trời 2012.
Đó là khung cảnh của trận đánh chính trị lồng vào hồ sơ kinh tế của năm nay.
***
Từ năm ngoái, lãnh tụ Cộng Hoà tại Thượng viện là Nghị sĩ Mitch McDonnell đề ra ưu tiên của mọi ưu tiên là phải đánh bại Tổng thống Barack Obama trong năm 2012. Nhưng suốt năm nay, đảng Cộng Hoà lại tìm mọi cách giúp ông Obama tái đắc cử. Sau mùa Hè đỏ lửa về ngân sách khiến Mỹ bị giáng cấp tín dụng vào đầu tháng Tám năm nay, chuyện hỗn loạn như hóa dại trong vòng sơ bộ của đảng Cộng Hoà để chọn ứng viên chính thức ra tranh cử là điều khỏi cần nhắc lại – vì sẽ còn loạn nữa.
Giữa mối ưu lo của dân Mỹ và cuộc tranh luận của chính trường, có một hồ sơ cực nhỏ mà là cái gai thật to: việc triển hạn quyết định giảm thuế lương bổng, là sắc thuế mà doanh nghiệp và người nhận lương – 160 triệu dân – chia nhau trang trải. Quyết định ấy đã được ban hành trước đây và được tái tục nhưng sẽ đáo hạn cuối năm nay.
Không ai lại tăng thuế người dân khi kinh tế suy trầm và việc triển hạn tiếp sẽ giúp mỗi gia đình thêm ngàn đồng trong cả năm để tiêu xài và doanh nghiệp đỡ một gánh thuế khoá tương tự để có thể đầu tư cho sản xuất và nhân dụng - tuyển người làm. Nhưng cái "được" của người dân là cái "mất" - khoảng 120 tỷ đô la cho quỹ An sinh Xã hội - con số thật ra ít ỏi so với mức bội chi ngân sách gần bằng Tổng sản lượng. Vả lại, việc triển hạn giảm thuế đó cũng không là cắt thuế mà chỉ là kéo dài thêm biện pháp đặc miễn trong một năm mà thôi.
Khi độc giả thấy chuyện này quá rắc rối thì đấy cũng là cơ hội cho các chính khách tung hoả mù.
***
Xuất sắc về thuật mị dân, đảng Dân Chủ làm dân Mỹ quên hẳn biệt tài tăng thuế để tăng chi và mua phiếu cử tri nghèo, họ trình bày nội vụ như quyết định giảm thuế giới trung lưu và người nghèo. Không hổ danh là có biệt tài tự bắn vào chân rồi tay chống nạng và tự vả vào miệng là thành tích của lãnh đạo đảng Cộng Hoà trong Quốc hội.
Đảng Cộng Hòa mắc bẫy khi dùng ngôn ngữ của đối phương mà gọi đây là biện pháp cắt thuế - tax holiday không là tax cut. Chuyện nhỏ!
Chuyện lớn là lãnh đạo Cộng Hoà lại không thống nhất được đối sách giữa hai viện.
Hạ viện Cộng Hoà do Chủ tịch John Boehner cầm đầu thông qua việc triển hạn thuế sổ lương thêm một năm và giảm chi 120 tỷ để bù vào số thất thâu đó: giảm chi nhờ hạn chế mức lương của công chức liên bang. Nhưng Thượng viện Cộng Hoà, do Nghị sĩ Mitch McDonnell là thủ lãnh, lại đồng ý với đảng Dân Chủ đa số là triển hạn thuế sổ lương thêm hai tháng. Và theo đúng tinh thần có tăng thì phải có giảm, dự luật Thượng viện đòi trám vào chỗ thất thâu - tạm cho là 24 tỷ - bằng cách tăng lệ phí của hai cơ sở tín dụng bán công là Fannie Mae và Freddie Mac, tức là tăng phân lời tín dụng gia cư.
Đến giờ chót, khi dân Mỹ chuẩn bị mừng Giáng Sinh và Quốc hội mãn họp cuối năm thì Chủ tịch Hạ viện phản đối đề nghị của Thượng viện, được vài ba ngày! Rồi bẽn lẽn bọc xuôi để ông Obama dõng dạc ký luật ban hành trước khi đi Hawaii nghĩ lễ cuối năm.
Thuần về kinh tế, biện pháp này là muỗi đốt gỗ. Nội dung ngắn hạn và ít ỏi đó không làm thay đối tính toán chi tiêu hay đầu tư của kinh tế.
Nhưng về chính trị thì đảng Dân Chủ thắng lớn vì đã làm cho dân chúng hiểu rằng đảng đề nghị giảm thuế cho dân nghèo mà bị đảng Cộng Hoà ngăn chặn vì không muốn tăng thuế của tài phiệt tỷ phú. Rồi sau đó vì phản ứng của quần chúng nhân dân lao động, đảng Cộng Hoà đành nhượng bộ! Với tài nghệ này của đảng Cộng Hoà, Tổng thống Obama có tái đắc cử thì cũng là đáng... đời.
Còn nạn bội chi hay các hồ sơ rắc rối khác của nước Mỹ? Xin chờ sau năm 2012 vì khi Hoa Kỳ đạp thắng trên đầu dốc như vậy thì cỗ xe rất dễ lật, trong khi tiền lời đi vay vẫn chảy đều cùng tiếng tích tắc của cái đồng hồ! Hèn chi, một số trí thức thiên tả của Hoa Kỳ đả kích nền dân chủ Mỹ và đề cao giải pháp đồng thuận kiểu Bắc Kinh. Thê thảm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét