Từ sự hình thành của một siêu cường toàn cầu đến con rồng mới nổi trên mặt nước....
"Núi không cao vẫn có tiên ở, nước chẳng sâu mà vẫn có rồng nằm." Câu "Sơn Tiên Thủy Long" đã là thành ngữ Trung Hoa, mà dân ta có thể cảm được khi nói đến chữ "địa linh nhân kiệt". Nhưng, một nghịch lý trong nhiều nghịch lý, chữ Sơn Tiên Thủy Long của Tầu có lẽ lại ứng vào... Mỹ.
Nhân dịp đầu năm, xin hãy nói về nghịch lý này khi nhìn lại cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.....
***
Mọi sự khởi đầu cách đây đúng hai trăm năm.
Ba mươi sáu năm sau khi tuyên bố độc lập từ Đế quốc Anh, năm 1812, Hoa Kỳ bị phong toả nên chính thức khai chiến với mẫu quốc cũ, khi đó đang lâm chiến với Đế quốc Pháp của Napoléon, trong chuỗi chiến tranh Âu châu gọi là "Napoleonic Wars" (1793-1815). Qua hai năm thư hùng, Đế quốc Anh dùng chiến hạm viễn duyên phong tỏa các hải cảng Mỹ, vận động Gia Nã Đại và cả lực lượng thổ dân ngay bên trong nước Mỹ. Kết cuộc thì Hoa Kỳ cả thắng trên bốn chiến trường: ngoài đại dương, trên vùng cận duyên miền Đông, tại biên giới phía Bắc với Gia Nã Đại và xuống đến Vịnh Mễ Tây Cơ....
Chuyện ấy xảy ra đúng 200 năm trước.
Và hậu quả lâu dài của cuộc chiến ngắn ngủi này là Hoa Kỳ trở thành cường quốc hải dương rồi bành trướng lãnh thổ đến những địa vực hiện tại của thế kỷ 21.
***
Đầu Xuân, hãy bấm lá số của Chú Sam.
Thời "lập quốc", Hoa Kỳ có 13 tiểu bang ở miền Đông và "hậu phương" là các lãnh thổ tiếp cận được Đế quốc Anh nhượng lại vào năm 1783. Tổng cộng thì lãnh thổ chỉ bằng một phần ba diện tích hiện nay, nguồn lợi chỉ là buôn bán với Âu châu qua Đại Tây dương, nhưng do nước Anh kiểm soát. Phần đất còn lại ở "sau lưng" vẫn thuộc các đế quốc Âu Châu như Pháp, Tây Ban Nha - hay Mễ Tây Cơ, một thuộc địa Tây Ban Nha.
Cái may của Chú Sam khi ấy các cường quốc Âu Châu đang chinh chiến liên miên nên coi khu vực "Tân thế giới" xa xôi kia là một ưu tiên nhỏ. Khai thác mâu thuẫn Âu Châu là cách tận dụng may mắn đó.
Sau khi mua thêm chừng một phần ba lãnh thổ từ nước Pháp của Napoléon vào năm 1803 với giá bèo (60 triệu Phật lăng cho một diện tích hơn hai triệu cây số vuông trải từ Gia Nã Đại đến Vịnh Mễ Tây Cơ), Chú Sam có phản ứng phòng thủ với Đế quốc Anh bằng nỗ lực "Tây tiến": bành trướng lãnh thổ vào sâu hơn trong lục địa.
Trận chiến năm 1812 thúc đẩy nỗ lực đó.
Hoa Kỳ lấy thêm đất Tây Ban Nha năm 1819 (Florida ngày nay), thống hợp với "Cộng hoà Texas" (xưa kia là đất "Tejas" của Mễ) vào năm 1845, lấy đất Oregon của Anh năm 1846, lấy miền Tây của Mễ năm 1848, mua đất Alaska của Nga vào năm 1867 và hoàn thành việc chinh phục khi chiếm Hawaii năm 1898....
Kết quả là một khu vực vuông vức bao la giữa hai đại dương lớn nhất địa cầu, có khí hậu giá lạnh miền Bắc xuống đến nhiệt đới miền Nam.
Ở giữa là vùng ôn đới thái hòa: giữa hai rặng Rocky Mountains phía Tây và Appalachian Mountains phía Đông có châu thổ của sáu con sông có lưu vực đan kết. Từ Bắc xuống Nam, từ Tây qua Đông, đó là sông Missouri, Arkansas, Red, Mississippi, Ohio và Tennessee. Đó là khu vực Mid-West (Trung-Tây), có thể gọi là "Đại châu thổ Mississippi", một diện tích liền lạc cho hai sinh hoạt sinh tử của con người và quốc gia, là canh tác và vận chuyển.
Hoa Kỳ chẳng có những đỉnh núi cao nhất và dòng sông dài nhất thế giới, nhưng có một khu vực canh tác liền lạc và rộng lớn mà không quốc gia nào có, kể cả Nga, Tầu, Úc hay Gia Nã Đại.
Việc vận chuyển bằng đường thủy nhờ giang thuyền lại chỉ tốn bằng một phần 10 đến một phần 30 các phương tiện bằng đường bộ, như hoả xa và xe hơi. Mà con sông vốn có hai bờ, nên phát triển có lợi gấp đôi một vùng duyên hải. Nhờ vậy, việc mở mang cần chi phí đầu tư thấp hơn mọi xứ Âu châu, vốn không có lợi thế thủy vận đó. Địa vực liền lạc ấy càng giúp cho việc mở mang mà hội nhập trong một tập thể thống nhất - khác hẳn Âu châu. Hay Á châu.
Nhưng, như Napoléon có thể nói, "con người ta chỉ có sự may mắn xứng đáng với mình", Chú Sam xứng đáng vì biết khai thác sự may mắn của thiên nhiên và trò sát phạt của thế giới.
Trong việc mở mang từ duyên hải miền Đông đến Thái bình dương, mỗi thế hệ di dân lại gặp thách đố mới và có mâu thuẫn quan điểm với thế hệ đi trước, trung bình thì nửa thế kỷ lại bị một lần. Một trong các mâu thuẫn đó là trận Nội chiến bùng nổ dữ dội cách đây đúng 150 năm, từ 1861 đến 1865.
Cái khéo - sự xứng đáng - của dân Mỹ là vượt qua được mâu thuẫn, tôn trọng dị biệt để hội nhập với nhau. Di dân là những kẻ không hài lòng với thực tại ở cố quốc và vượt qua nhiều chướng ngại để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn ở nơi khác. Trong các chướng ngại đó có cả sự va chạm với thế hệ đã đến trước. Hoa Kỳ là nơi mà cơ chế hòa đồng của các nạn nhân đầu tiên đã tạo ra quy cách hoà đồng với người đến sau. Và làm nên sức mạnh chung. Mà làm gì thì cũng cầu xin Thượng Đế phù hộ, chứ không nhân danh Thượng Đế!
Sự xứng đáng nữa là qua 200 năm đó, thế hệ nào lên cầm quyền cũng đều tranh cãi công khai, thậm chí nặng nề, để rồi sau cùng vẫn nhắm vào các mục tiêu sinh tử của quốc gia.
Đó là lần lượt kiểm soát được Đại Châu thổ Mississippi, vựa lúa lớn nhất và dễ khai thác nhất địa cầu, là loại trừ mọi đe dọa vào khu vực này, là kiểm soát được luồng giao lưu hải dương vào nước Mỹ, là làm chủ mọi mặt biển trên địa cầu, và làm cho không cho một thế lực nào có thể thách đố vị trí số một của Chú Sam.
Năm mục tiêu ấy dẫn đến sự hình thành của một Đế quốc.
Nhưng khác với mọi đế quốc cổ kim, đây là một đế quốc dân chủ, nơi mà tiếng nói của người dân là mệnh lệnh cho lãnh đạo. Người dân thì ưu tiên chăm lo cuộc sống bên trong một "hải đảo an toàn", lãnh đạo thì nhìn ra cả địa cầu để bảo vệ sức mạnh quốc gia. Mâu thuẫn giữa lý tưởng dân chủ và thái hòa ở bên trong với mục tiêu khống chế và khuynh đảo bên ngoài là hiện tượng thường trực, cứ bốn năm lại gây tranh luận khi có bầu cử!
"Người Mỹ tốt bụng" và "nước Mỹ gian hùng" là một phản ảnh của nghịch lý này. Khờ như Mỹ và gian như Mỹ thì đều đúng. Mà chính người Mỹ lại công khai than vãn chuyện ấy mới chết!
Thực tế thì kinh tế Hoa Kỳ vẫn giàu gấp ba các nền kinh tế đứng sau, dù là Trung Quốc hay Nhật Bản. Canh nông chỉ do vài phần trăm dân số đảm đương mà nuôi nổi toàn dân lẫn các nước, đến độ hàng năm phải hối lộ nông gia năm bảy tỷ đô la để họ bớt sản xuất, hầu lương thực khỏi sụt giá.
Nhìn ra thế giới bên ngoài, trong 200 năm qua, không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi lương thực tăng giá thì chiến tranh, loạn lạc hay "cách mạng" lại bùng nổ. Gần đây nhất là.... "Mùa Xuân Á Rập". Cũng thế, 200 năm qua, lâu lâu thiên hạ lại báo động về nạn nhân mãn và thiếu gạo. Với tiềm năng lương thực và diện tích có thể nuôi nổi một dân số gấp ba mới bằng các xứ khác, Hoa Kỳ nắm được một chìa khóa của loạn và trị, ở bên trong và bên ngoài!
Dân Mỹ tiêu xài rất rộng, nhưng mua hàng Mỹ đến 88,5% số tiêu thụ. Phần 11,5% còn lại là thị trường xuất cảng cho "cả thế giới", là nguồn sống và lực đẩy kinh tế cho nhiều quốc gia tự xưng là rồng cọp! Ở ngoài cùng - và trên cùng - là một nền khoa học kỹ thuật tiên tiến có sức đóng góp rất cao cho hệ thống quốc phòng sặc mùi đế quốc.
Núi không cao, nước chẳng sâu, lãnh đạo được bầu lên có khi chỉ là thường thường bậc trung, chứ chẳng là đấng siêu phàm nhận lãnh thiên mệnh. Mà để cai trị một đám thần dân thường xuyên phàn nàn về mọi chuyện lớn nhỏ... Đó là nước Mỹ chẳng hề biết gì về lý tưởng Nghiêu Thuấn hay tội ác Kiệt Trụ của một cường quốc đang lên, ở bên kia biển Thái bình.
***
Từ chuyện Chú Sam là con nhà di dân hay du thủ du thực, hãy ngước nhìn lên Thiên triều....
Trong 200 năm đó, Trung Quốc chìm rất sâu, mất trăm năm mới đụng đáy. Rồi bật lên đúng 100 năm sau với sự ra đời của Trung Hoa Dân Quốc vào đầu năm 1912.
Sau mấy ngàn năm tồn tại, chế độ cai trị của Thiên tử qua hệ thống quan lại điều hành các quận huyện đã cáo chung vào năm 1912 này, khi Hoa Kỳ đang thay thế Đế quốc Anh. Rồi trăm năm vừa qua của Trung Quốc là chu kỳ đại loạn, nội chiến, ngoại xâm, cách mạng hoang tưởng, chết đói và tàn sát hàng loạt.... Mọi sự chỉ đi vào ổn định và "phát triển" từ ba chục năm qua mà thôi.
Nhưng, trên một nền tảng khắc nghiệt gấp bội nếu so sánh với địa dư của Chú Sam.
Như nước Mỹ, Trung Quốc cũng là một "hải đảo", nhưng được vây quanh bởi đại dương và sa mạc núi non hiểm trở. Chỉ có một phần ba lãnh thổ, vùng duyên hải miền Đông, là nơi có thể canh tác nhờ độ ẩm cao hơn và nhờ châu thổ của ba con sông cách nhau cả ngàn cây số! Khác hẳn Đại Châu thổ Mississippi.
Tính theo đầu người, diện tích khả canh ấy chỉ bằng một phần ba trung bình của thế giới và lưu vực của Hoàng hà, Dương tử và Châu giang lại vẽ sẵn lằn ranh khác biệt có thể giải thích những chuyện "Ngũ đại", "Thập quốc" hay "Nam Bắc triều" trong lịch sử! Mà không chỉ có sự khác biệt trên trục Nam-Bắc với sự phân chia vẫn còn của ngôn ngữ, tiếng Quan thoại và Quảng Đông.
Thiên triều còn bị sự phân liệt ác ôn của địa dư.
Ngoài miền Đông có tiềm năng kinh tế và hy vọng phát triển trong cảnh đất chật người đông, còn có các tỉnh bát ngát khô cằn bị khóa trong lục địa ở miền Tây và những sa mạc hoang vu với núi cao vực sâu ở vòng ngoài cùng. Quả là nơi rất dễ có tiên ở và rồng nằm đầy thi vị của nền văn hoá thần bí!
Nhưng chỉ là ba khu vực cách biệt của ba nền kinh tế, "nhất quốc tam kinh", với nỗi lo nội loạn đã nằm trong lá tử vi và tờ gia phả.
Loạn từ đám dân đói khổ tại miền Tây phải tìm vào Trung Nguyên ở miền Đông để có miếng ăn. Loạn từ các dị tộc tại miền Viễn Tây và Cực Bắc đã vào làm chủ Trung Nguyên ba bốn lần trong lịch sử. Đây cũng là nơi mà nỗi sợ hãi đã được định chế hóa và liên tục củng cố thành một Vạn lý Trường thành có thể thấy từ Nguyệt cầu.
Nếu có một "Thiên mệnh" nào đó trong thế gian này thì đấng "Thiên tử" của Trung Quốc đã bị Con Tạo chơi khăm!
Mấy ngàn năm xoay trở với chuyện hợp tan như vậy, khi nước Mỹ chưa có mặt và Âu châu còn ăc bốc, khiến lãnh đạo nào của Trung Quốc mà ngồi lên ngai đều phải lo ba chuyện sinh tử - như năm mục tiêu thái hoà và bá chủ của Hoa Kỳ. Đó là bảo vệ sự thống trị của Hán tộc, trước hết là tại miền Đông, Trung Nguyên. Kế đó là kiểm soát các khu vực vây quanh, làm vùng trái độn ngoài biên vực miền Tây và Tây Bắc. Sau cùng là bảo vệ bờ biển miền Đông để khỏi bị ngoại bang tấn công, bằng cách này hay cách khác, bằng tư tưởng hay pháo hạm, tô giới hay khu chế xuất, hay trung tâm công nghiệp liên doanh, v.v....
Cõi Tiên Rồng ấy thật ra lại là cái bẫy!
Việc bảo vệ quyền thống trị của Hán tộc trên một vùng đói ăn vì mật độ dân số quá cao là một bất công với các dị tộc vẫn bị nền văn hoá và quốc giáo khinh miệt mà hãi sợ. Hãy tưởng tượng nếu vùng Mid-West là khu vực độc quyền kinh tế EEZ của dân Mỹ gốc Anh hay Tô-Ái – Scot-Irish – thì ta thấy ra mầm loạn bẩm sinh! Biến động Tứ Xuyên, khủng bố Tân Cương hay tự trị Tây Tạng làm Thiên tử vàng hay đỏ chỉ có giấc ngủ chập chờn. Qua ban ngày thì lo dân sẽ đói, vì dù xứ này có sản lượng canh nông lớn nhất thiên hạ thì cũng chỉ đủ vặt mũi bỏ mồm!
Khi nhân loại bước vào Thế kỷ 21 của toàn cầu hóa thì cũng là lúc Trung Quốc lên tới cực điểm của nỗi lo: lần đầu tiên trong lịch sử đằng đẵng, Thiên triều cần tới bên ngoài. Và phải nhoài mình ra biển chứ khó núp sau Vạn lý Trường thành mà luận về thiên hạ sự. Cần tới bên ngoài để mua vào nguyên nhiên vật liệu và kỹ thuật cho công nghiệp hoá và để bán ra hàng hóa cho thần dân còn có việc làm.
Mà ra tới bên ngoài thì ngõ nào cũng thấy ai đó có thể chặn cửa. Đông lắm!
Vốn dĩ đa nghi vì bệnh tự kỷ ám thị từ tiền kiếp, mục tiêu "bảo vệ miền Đông" phải là phòng thủ tích cực hơn: kiểm soát từ vùng cận duyên ra viễn duyên, bằng một hải đội chưa hề có trong lịch sử. Kết cuộc thì Thiên triều rơi trúng quẻ Kiều: "khi vào húng hắng khi ra vội vàng!"
Nội loạn ở bên trong hay đụng độ ở bên ngoài, cái gì sẽ xảy ra trước?
***
Khi có kẻ lên thang và người xuống thang thì ta có sự gặp gỡ.
Cả thế giới đang nói đến sự lụn bại của Hoa Kỳ và triển vọng rồng cọp của Trung Quốc. Chú Sam thì nợ như Chúa Chổm, tháng nào cũng than là có khi liên bang phá sản. Còn Thiên tử thì đã phóng Thần châu và Thiên cung lên trời, đã ngự thuyền rồng Thi Lang mà tuần du ngoài Đông hải. Vì vậy, cuộc gặp gỡ có thể là chuyện nháng lửa cho thiên hạ, kể từ cái năm "rồng nước" Nhâm Thìn này.
Nhưng nếu nhìn vào lá số của cả hai, chúng ta đều có thể thấy trước kết quả của chuyện thư hùng.
Chỉ mong là không văng tàn lửa vào nước Nam, rất mực rồng con ở cõi dưới.
______________________________
Bài này được viết hồi Tháng 10, cho Giai phẩm Xuân Nhâm Thìn của Người Việt, vừa ra mắt hôm 15 Tháng 12. NXN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét