Thứ Sáu, tháng 4 11, 2014

Đại Lộ Putin – Đại Lộ Hoàng Hôn


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140411

Putin có vẻ thắng thế. Ấy thế mà lầm!


* Hý họa của Plantu trên báo Pháp về việc nhà báo Anna Politkovskaia bị ám sát - Tác giả chơi chữ, Putin được miễn tội *

















Văn hóa Khổng Nho có dạy rằng: "Quân tử không đi tiểu lộ".

Đấy không là chuyện kín hở của việc bài tiết mà về nét quang minh chính đại của chính sách cai trị. Chân lý ấy khiến ta trở lại hành động của Tổng thống Vladimir Putin....

Dưới sự lãnh đạo của ông, năm 2008, Liên bang Nga công khai đưa quân vào hai khu vực tự trị của Georgia, và nay vẫn ở đó. Vài tháng sau, Putin đánh đòn năng lượng với Ukraine, cũng quang minh chính đại không kém, khi tăng giá dầu khí để bắt ép chính quyền tại Kyiv. Tháng trước đây, ông được "Thượng viện" Nga cho phép thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine mà chẳng tốn một viên đạn. Ngày nay, quân đội Nga vẫn có bốn vạn chiến binh hờm súng trước biên giới Ukraine - mà không để tập trận....

Bây giờ, đây đó ở miền Đông Ukraine hay tại Cộng hoà Estonia trên vùng Baltic, Putin dõng dạc bắn tiếng là quyết tân bảo vệ dân quyền của kiều dân Nga, hoặc công dân nói tiếng Nga trong hai xứ này và nhiều xứ khác.

Ngay từ năm 2010, đệ tử của Putin là Tổng thống đương quyền Dmitri Medvedev đã quảng bá và nhấn mạnh đến chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, là bảo vệ kiều dân của mình ở bất kỳ nơi đâu. Khi ấy, dư luận không mấy để ý, tới nay mới thấy Putin là người thuần nhất - nói là làm.

Vladimir Putin đi trên đại lộ, chứ khỏi lòng vòng ngoắt ngoéo trong hẻm, như bọn tiểu nhân.

Bậc quân vương hiện đại ấy quả là đại nhân quân tử. Vì những gì ông nói đều được truyền thông của ông loan báo cho thần dân. Thần dân của ông gồm những người nói tiếng Nga, theo dõi truyền hình Nga, ở trong và ngoài nước Nga. Họ nhiệt liệt ủng hộ quyết định sáng suốt của ông tại Ukraine và ở nhiều xứ khác. Putin nói thẳng rằng ông triệt để bảo vệ quyền lợi của người Nga, và nói rồi làm, chứ không phân vân do dự.

Con đường trị quốc hay trì quốc của ông là đại lộ thênh thang. Hai bên có sự bảo vệ của bạo lực, và sự quảng bá của tuyên truyền. Những kẻ bất đồng đều đi vào tiểu lộ mất tăm, nếu chưa mất mạng vì bị đầu độc hoặc ám sát dù có đào thoát ra ngoài. Ai còn hoài nghi chuyện Putin thủ tiêu đối lập và khép miệng báo chí thì quả là từ cả chục năm nay đã sống trên một hành tinh khác, hay trong cõi Ba Đình. Xin lỗi, bài này không viết cho họ!

Khi kiểm điểm lại thành tích của Putin, ta nhớ đến một chân lý vật lý: "thiên nhiên không thích khoảng trống". Putin là người trám vào khoảng trống đó.

Dại gì mà không!

***

Theo phép bình luận ra chiều khách quan, xin nhìn qua xứ khác.

Trước đòn vũ bão của Đại đế hiện đại, một Hung đế Ivan của Thế kỷ 21, nhiều nhà lãnh đạo Tây phương đã có sự thông cảm. Một số lãnh đạo dư luận trong các nước dân chủ còn vẻ cảm phục.

"Hành động của Putin là chuyện hợp lý - có thể hiểu được".

Đấy là quan điểm của cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi thuộc cánh hữu, hay cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt thuộc cánh tả. Khi đã là "cựu" thì họ mới dám nói thật, chứ đương kim thì ai dại gì? Họ thông cảm với quyết định của Putin, đôi khi với sự thèm thuồng. Trong các thể chế dân chủ, mấy ai có thể nhân danh quyền lợi dân tộc mà phăng phăng hành xử theo kiểu hung đế hung đồ như vậy?

Những người lãnh đạo dư luận thì phục ngầm tinh thần quả quyết đó của Putin và – than ôi – còn than phiền về những bất toàn yếu kém của chế độ dân chủ. Chẳng phải sao?

Chưa là hung đồ mà mới chỉ hung hăng ra quân, với hậu thuẫn của cả lưỡng viện Quốc hội, Tổng thống George W. Bush đã bị cả Quốc hội lẫn truyền thông đánh cho mờ người khi thấy hai chiến trường Afghanistan và Iraq cứ dây dưa mà chưa dứt điểm! Nền dân chủ cho phép người dân - và đại diện chân chính của họ - có quyền đổi ý giữa dòng.

Trước lực đẩy của Putin mà các nước dân chủ còn phân vân bắt mạch quần chúng, hoặc lách qua tiểu lộ để xiển dương chính nghĩa hay bảo vệ đồng minh, thì quả là nền dân chủ có nhược điểm.

Đến đây, người viết nhớ chuyện xưa trong một ngoặc đơn. Khi Tổng thống Richard Nixon bị đàn hặc vì vụ Watergate và số phận của Việt Nam Cộng Hoà như chỉ treo mành, một người thuộc tầng lớp lãnh đạo tại Sàigòn dù sao vẫn có dân chủ đã hậm hực phát biểu. "Chỉ có Mỹ mới vậy, chứ người ta đã có thể giải quyết chuyện này bằng hai trái lựu đạn!" Putin giải quyết vấn đề theo kiểu đó.

Các nước dân chủ thì không!

Sau mấy ngón đòn sấm sét của Putin, người dân trong các nước dân chủ nghĩ gì? Thu gọn lại thì an ninh hay kinh tế, cái nào là trọng?

Dưới tầm đạn Putin trong vùng Đông Âu thì dân Ba Lan hay ba nước Cộng hoà Baltic ở miền Bắc nghĩ tới an ninh. Ngoài vòng lửa đạn thì các nước Tây Âu có thể mơ chuyện thanh bình, được sưởi ấm bằng khí đốt của Nga. Ưu tiên của mọi ưu tiên là cứu lấy đồng Euro hay sự tồn vong của Liên hiệp Âu châu đã. Và bề nào thì chuyện an ninh hay súng đạn đã có Hoa Kỳ đảm nhiệm. Trực tiếp hoặc gián tiếp qua Minh ước NATO.

Tại Hoa Kỳ, bốn nhân vật có thẩm quyền về đối ngoại ngày nay đều từng là lãnh đạo đảng Dân Chủ ra tranh cử Tổng thống trong 10 năm qua. Theo thứ tự thời gian thì đó là đương kim Ngoại trưởng John Kerry, thụ ủy liên danh Dân Chủ năm 2004; là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, dẫn đầu vòng sơ bộ năm 2008; là Joe Biden sau đành rũ áo Nghị sĩ để làm Phó Tổng thống. Và sau cùng, người đắc cử hai lần để lãnh đạo cả đám là Tổng thống Barack Obama.

Cả bốn người đều coi Bush là vấn đề và Putin là giải pháp. Họ sốt sắng hợp tác với Putin để cùng giải quyết thiên hạ sự, cho tới lúc ca bài "Ơ Quả Mơ" khi hung đế chơi bạo!

Vì vậy, cái lẽ lợi hại, hay thắng bại giữa nạn dân chủ và ách độc tài, chỉ là chuyện giả. Chuyện thật là người dân có quyền không? Và muốn gì khi bỏ phiếu cho người thực hiện ước vọng của họ? Câu hỏi ấy mới là thời sự trong cuộc các bầu cử sắp tới tại Hoa Kỳ.

Nôm na là đừng khen Putin hay sức mạnh của độc tài mà nên chê Obama. Và mừng rằng chế độ dân chủ tại Mỹ cho phép người dân chọn lãnh đạo khác. Với hy vọng là đầu năm 2017, Hoa Kỳ không tái diễn sự bất lực trước cường quyền.


***


Khi so sánh, có một chuyện lù lù như bức tường Bá Linh năm xưa mà cứ bị dìm xuống dưới...

Tại sao người Hung, Tiệp, Ba Lan, hay Georgia, Látvia, v.v... lại không tìm vào đất Nga để sống dưới chế độ thái hòa của Putin, được bảo vệ bằng võ khí hạch tâm và nuôi dưỡng bằng năng lượng quá rẻ? Vì họ khát khao cái gì đó nước Nga không có và Putin không cho.

Ngược lại, Putin có thể vận dụng – lợi dụng là một từ chính xác hơn – dân thiểu số người Nga tại Estonia, hay Latvia, Lithuania, hoặc nhiều xứ Đông Âu khác để khuynh đảo các quốc gia xưa kia nằm trong quỹ đạo Xô viết. Nhưng vì sao lại có nhiều người Nga sinh sống trong các nước đó? Câu trả lời xa là vì chính sách di dân để cai trị từ thời Stalin. Gần hơn, và sau khi Liên Xô tan rã, dân Nga tiếp tục tiến vào hành lang Đông Âu để tìm một đời sống khá giả hơn ở miền Tây.

Chúng ta nên nhìn vào thực tế đó, ở sau gáy Putin.

Giành lại độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ, các nước Đông Âu đều theo nhau hội nhập vào Liên hiệp Âu châu và còn được Minh ước NATO bảo vệ. Vì vậy, nhiều người Nga vẫn tìm qua đó và nhờ chế độ di trú tự do, xin chiếu khán dễ dàng, từ Đông Âu họ có thể tiến xa hơn về hướng Tây. Thần dân của Putin có những kẻ tha phương cầu thực và đi tìm nơi cực lạc ở Tây phương.

Bây giờ, Putin cho họ tri hô báo động là bị kỳ thị và cần sự bảo vệ của Đại đế!

Bài này khởi đầu với một thành ngữ Khổng Nho. Xin được kết thúc qua một ngạn ngữ Khuyển Nho, của bọn "xy ních" đểu cáng mà đậm sắc Nga Tầu. "Thà là làm con chó thời bình còn hơn con người thời loạn". Thần dân của Putin mong hưởng sự thanh bình của Tây phương. Bây giờ ông ta muốn họ phải sủa!

Đại lộ Putin vì vậy chỉ là con đường lớn của giống khuyển nô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét