Nguyễn-Xuân
Nghĩa - Người Việt Ngày 140331
"Kinh Tế Cũng Là
Chính Trị"
Thiếu trí tuệ là khi người ta lao vào giải quyết
chuyện bất công và lại gây vấn đề kinh tế
* Phân bố lợi tức trung bình theo lứa tuổi - càng già càng giàu *
Trong nhiều gia đình, ta đều có thể gặp
bài toán kinh tế sau đây. Đứa con hậm hực vì đi học bằng cái xe thổ tả, nhỏ xíu,
trị giá có vài ngàn, trong khi cha mẹ diện xe láng lẩy, đáng giá mấy vạn. Khi tốt
nghiệp và đã có việc làm hoặc lập gia đình, đứa con vẫn chỉ có "một căn nhà
nhỏ đi về có nhau", trong khi cha mẹ lại thấy ngôi nhà thênh thang của mình
bỗng dưng trống trải. Mươi năm sau, đứa con ở tuổi trung niên có thể là người
trung lưu và cha mẹ thì thu vén dần vì lợi tức sút giảm. Và còn lo cho ngày về
hưu vẫn có đủ lợi tức khả quan để sống đời tạm gọi là phong lưu....
Trong khúc phim quay chậm đến mấy chục năm,
đứa con ở tuổi thiếu niên có thể nói đến nạn bất công, vì khác biệt lợi tức quá
lớn so với người già đáng ghét. Còn bậc cha mẹ tới lúc về già thì nhìn lại chặng
đường đã qua mà nói đến một sự bạc bẽo khác. Cả một đời ky cóp cho con cái, đến
lúc an hưởng tuổi già thì lo đủ chuyện cho cái tuổi bất an, trong đó có chuyện
bạc tiền. Không lẽ bắt con trang trải những khoản đầu tư mà mình đã hy sinh trước
đó, để người con có được cuộc sống phong lưu như chính mình khi còn trẻ?
Suy rộng từ chuyện gia đình ra tới xã hội
và nhìn sâu về quá khứ, ta đều thấy một sự thật khách quan là nhân loại đã có
tiến bộ, với một lượng người đông đảo đã sống lâu hơn, ăn uống phủ phê hơn thời
lầm than các cụ, chừng ngàn năm, trăm năm hay mới chỉ vài chục năm trước thôi.
Trong số nhân loại khá giả đó, Hoa Kỳ là
quốc gia tương đối thuộc loại khá nhất. Người dân sống tự do với mức sống khá
cao làm nhiều xứ khác thèm thuồng. Nhưng Hoa Kỳ cũng có nhiều tiếng than nhất về
nạn bất công vì sự chênh lệch của mức sống. Có người quá giầu, còn giầu hơn bậc
cha mẹ trung lưu trong thí dụ ở trên. Nhiều người khác thì vất vả như đứa sinh
viên còn trẻ, với cái xe cổ lỗ, nhà ở chật hẹp tồi tàn và sống nhờ trợ cấp chẳng
khác gì đứa trẻ vẫn cứ xin cha mẹ cho tiền túi.
Đấy là lúc một sinh vật láu cá và nhiều
khi gian trá nhảy vào cuộc. Họ là các chính khách đang ồn ào kết án nước Mỹ là
quê hương của bất công xã hội, và đòi áp dụng những chính sách nâng đỡ xã hội. Đa
số của thành phần này là những người chưa từng phải sống và phấn đấu trong khu
vực tư doanh khắc nghiệt. Họ là chính khách chuyên nghiệp, đi từng bước vào chính
trường bằng tiền thuế của dân và nơi nào cũng giương ngọn cờ công bằng xã hội.
Để chứng minh cơ sở khoa học của luận cứ
xã hội - cũng khoa học như chủ nghĩa Marx thời xưa - họ nương vào các kinh tế
gia thuộc loại thiếu trí tuệ. Cuộc tranh luận về công bằng xã hội vì thế vừa có
mùi vị chính trị, vừa có màu sắc khoa học và thị trường chữ nghĩa hay truyền thông
cứ vậy mà loan tải. Và gây nhiễu âm....
Chúng ta nên đánh vần từ a, b, c của hiện
tượng bất công, được diễn tả qua mức sai biệt lợi tức quá lớn của từng thành phần.
Các thống kê kinh tế, kết quả của nhiều đợt khảo sát dân số liên tục tại Mỹ, đều
nói đến những lý do sơ đẳng sau đây của sai biệt lợi tức.
Trước hết là tuổi tác. Lớp người
"nghèo" nhất thường ở tuổi từ 18 đến 26; thành phần "giàu"
hơnthì ở tuổi trên 35 và lên tới đỉnh giàu sang phú quý ở tuổi 55. Đến tuổi 65
– cái tuổi ngày xưa được mừng là "thọ", ngày nay gọi là "sắp về
già - lợi tức của họ tụt ngang mức trung bình của toàn quốc và toàn tuổi. Bài này
có hạn nên xin miễn nói tới nhiều khía cạnh của tuổi tác, như đầu tư vào kiến
thức hoặc tiết kiệm cho tương lai.
Kế tiếp, ta có thể nhìn ra một nguyên nhân
khác của sai biệt lợi tức, là số người kiếm ra tiền trong một hộ gia đình. Các
gia đình có hai lợi tức - vợ chồng cùng có việc - tất nhiên là "giàu hơn"
các hộ chỉ có một người kiếm ăn, vì ưa thích nền độc lập của tình trạng độc thân
chẳng hạn.
Và trong các gia đình thuộc loại
"nghèo" nhất, ta thường có gia trưởng là bà mẹ độc thân, nhiều khi phải
nuôi cả mẹ già lẫn con dại. Và nếu họ có cần trợ cấp hay tem phiếu thì ta thấy
rằng đấy là lẽ công bằng.
Tuy nhiên, ít ai nêu câu hỏi là "vì
sao nên nỗi"? Nêu câu hỏi để đặt vấn đề về giáo dục hay văn hóa thì đôi
khi thoát tội khinh miệt phụ nữ, hay chống lại nữ quyền lại mắc tội kỳ thị màu
da! Nói tới màu da, vì sao các hộ da đen lại thường rơi vào cảnh ngộ phụ nữ độc
thân phải nuôi mẹ già (nhiều khi chỉ ở tuổi ba bốn chục) và một bầy con thơ? Vì
sao các hộ gia đình gốc Á Châu lại ít bị như vậy?
Các kinh tế gia uyên bác hơn thì đi sâu
vào chuyện "nhóm ngũ phân".
Xin có lời giải thích. Người ta chia dân
số làm năm, mỗi thành phần chiếm 20% dân số, và so sánh lợi tức của nhóm ngũ phân
(quintille) giàu nhất với nhóm nghèo nhất. "Hệ số Gini" đo lường sự
khác biệt đó, càng cao thì xã hội càng bất công. Cũng theo hướng này, ta còn có
thể chia ra thành nhóm "thập phân" hay cao hơn nữa, để thấy rằng 10%
hay 1% những người giàu nhất lại nắm một lượng tài sản gấp bội nếu so với các thành
phần còn lại.
Quả thật là trong nhiều năm vừa qua,
kinh tế Hoa Kỳ đã rơi vào trạng thái bất thường với những chính sách kinh tế cản
trở tiết kiệm vì lãi suất quá thấp và kéo dài nạn suy trầm làm nhiều người khó
tìm ra việc nên ở dưới mới có nhiều người nghèo. Một lý do phức tạp ít được các
chính khách đề cao công bằng xã hội nói tới là mức bội chi quá cao của ngân sách
liên bang. Nền kinh tế phải trợ cấp khối công chi của nhà nước nên năng suất thì
giảm, rủi ro tài chánh thì tăng và sự phân bố tài nguyên bất thường như vậy mới
gây thiệt hại cho thành phần có ít tài sản, tức là dân nghèo.
Một lý do sâu xa và lâu dài là thay đổi
quá nhanh trong tiến tình tổ chức sản xuất làm nhiều người không kịp học nghề mới
để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nạn thất nghiệp trá hình, có việc làm
mà bán thời, hoặc lương thấp đã đánh sụt lợi tức của thành phần ở dưới. Điều khó
chối cãi là những người có lợi tức cao, tài sản dày, vẫn có nhiều cơ hội làm giàu
hơn đa số chỉ có đôi tay và một chút kiến thức bị thách thức và dễ bị đào thải.
Vì vậy, bất công mở rộng trong xã hội Mỹ là điều có thật, nhưng vì nhiều nguyên
nhân phức tạp hơn là một khẩu hiệu.
Sau cùng, ta hãy nghĩ lại chuyện chúng mình.
Một thế hệ trước thôi, những người Việt
tỵ nạn đầu tiên đặt chân lên nước Mỹ cũng đặt chân lên bước thang đầu tiên của
lợi tức, là thành phần nghèo nhất. Nhưng dù có nghèo nhất thì cũng còn khá giả
hơn những người kẹt lại ở nhà.
Thế rồi chỉ vài chục năm sau, họ lên tới
các nhóm ngũ phân cao hơn, rồi trở thành trung lưu khá giả và mặc nhiên nhường
bậc thang thấp kém thời xưa cho người khác. Ta thấy ra hiện tượng chìm là sự
chuyển dịch dân số: những người trong nhóm ngũ phân ở dưới đã lên bậc lương và
bậc thang. Về thống kê thì vẫn có năm nhóm có dán nhãn giàu nghèo, về thực thể
thì vẫn có sự tiến bộ về mức sống của nhiều người.
Điều ấy khiến ta nhớ ra hai chuyện chung
và riêng. Thành phần nghèo nhất của nước Mỹ vẫn có cuộc sống tiện nghi hơn đa số
người dân trên địa cầu. Chuyện thứ hai là sau một thế hệ phấn đấu từ thời bần hàn,
người Việt tỵ nạn thuộc loại trung lưu ngày nay lại thấy mình thua kém một thành
phần Việt Nam khác: con cháu các đại gia từ trong nước chạy qua lấn đất cắm dùi
và tìm bãi đáp cho cha mẹ quyền thế ở nhà. Làm sao trở thành đại gia là một
chuyện bất công khác.
Ở tại Việt Nam!
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa