Thứ Năm, tháng 4 24, 2014

Duy Ngô Nhĩ và An Ninh Đông Nam Á



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt 140422

Dân Thiểu Số Đông Thổ Và Bài Toán Quốc Tế Của Bắc Kinh

 * Dân Duy Ngô Nhĩ trong một trại tạm cư Thái Lan, ngày 14 Tháng Ba 2014 *


Vụ xung đột hôm 18 tại cửa Bắc Phong Sinh của tỉnh Quảng Ninh tiếp giáp với Trung Quốc đã khiến bảy người thiệt mạng, kể cả hai sĩ quan biên phòng của Việt Nam. Biến cố ấy khiến ta nên chú ý tới những vấn đề sâu xa hơn của Bắc Kinh trong cách giải quyết bài toán Duy Ngô Nhĩ, với hậu quả lan rộng vào cả khu vực Đông Nam Á. "Hồ Sơ Người-Việt" sẽ tìm hiểu chuyện này.


Từ Đông Thổ tới Duy Ngô Nhĩ


Trong các sắc dân tại Trung Á, người Hồi Hột hay Đột Quyết đã từng có nền văn hóa và lịch sử lâu dài trước khi bị Hán tộc xâm chiếm và dần dần đồng hóa từ đời Mãn Thanh cho đến thời nay.

Tên gọi là Uighurs hiện nay là do dân Nga đặt ra dưới thời Xô viết, được người Trung Hoa dùng lại và phiên dịch thành Duy Ngô Nhĩ. Sắc dân này thuộc gốc Thổ (Turkic) tương tự như người dân tại các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Azerbaijan, Turkmenistan hay Turkey, v.v... Đa số của họ theo đạo Hồi. Nhưng nếu người dân của các nước trên đều có một quốc gia riêng thì dân Uighurs lại không có lãnh thổ vì xứ sở bị Bắc Kinh thôn tính và sát nhập vào đất Trung Quốc từ năm 1949, với tên gọi là "Khu Tự trị Dân tộc Duy Ngô Nhĩ" ở Tân Cương.

Chính cái tên Tân Cương, biên cương mới, là do nhà Thanh đặt ra năm 1884 sau khi chinh phục vùng đất mà người Đột Quyết gọi là Đông Thổ (đất của dân Thổ miền Đông). Quốc tế gọi đó là East Turkestan, với chữ "stan" có nghĩa là "đất của". Nói đến Đông Thổ là hàm ý nhắc lại gốc tích khác biệt, độc lập, hay "không phải là Trung Quốc" của dân địa phương. Sau thời Nội chiến, năm 1949, Mao Trạch Đông hoàn tất việc thôn tính với chánh sách biến đất Tân Cương thành vùng trái độn quân sự được Hán hóa, và dân Duy Ngô Nhĩ bị đồng hóa, thành sắc dân thiểu số.

Chủ trương này cũng được áp dụng tại Tây Tạng.

Ngày nay, lãnh thổ Tây Tạng cùng Đông Thổ hay Tân Cương, được lãnh đạo Bắc Kinh gọi là "quyền lợi cốt lỗi", hay "hạch tâm nghĩa lợi". Dĩ nhiên là dân Tây Tạng và Đột Quyết không muốn vậy. Nhưng nếu dân Tây Tạng đấu tranh tương đối ôn hòa theo chủ trương của đức Đạt Lai Lạt Ma - họ chỉ xin được quyền tự trị chứ không đòi độc lập - thì dân Đột Quyết hay Hồi Hột lại có đường lối cực đoan hơn.

Họ không từ chối giải pháp bạo động để giành lại độc lập, có tổ chức chính trị như Đảng Hồi giáo Turkestan thì cũng có lực lượng bán quân sự như ETIM, Phong trào Hồi giáo Đông Thổ (East Turkestan Islamic Movement), một tổ chức bị Bắc Kinh kết án là khủng bố.

Nhìn lại lịch sử và tấm bản đồ Trung Quốc thì Hán tộc tập trung tại khu vực Trung Nguyên ở miền Đông đã từng bị các dị tộc tấn công và làm chủ hơn 60% của khoảng thời gian trên ngàn năm vửa qua. Vì vậy, lãnh đạo Trung Quốc qua các thời kỳ đều muốn khống chế biên vực và lập ra vùng trái độn quân sự để bảo vệ Trung Nguyên. Ngược chiều kim đồng hồ từ vùng Đông Bắc trở xuống thì đấy là đất Mãn Châu, Nội Mông, Tân Cương và Tây Tạng.

Nơi có vấn đề nặng nhất chính là đất Tân Cương.

Do hai khía cạnh sắc tộc là gốc Thổ và tôn giáo là theo đạo Hồi, nỗ lực đấu tranh của dân Đột Quyết hay Hồi Hột, Duy Ngô Nhĩ, tại Tân Cương có mối quan hệ đến nhiều xứ Hồi giáo khác, kể cả nước Turkey (hay Thổ Nhĩ Kỳ) ở rất xa. Bên trong lãnh thổ Trung Quốc, do chính sách dời dân để dễ đồng hóa của Bắc Kinh, dân Hồi Hột hiện sống tản mác ở nhiều nơi ngoài đất Tân Cương, kể cả Hồ Nam hay Vân Nam.

Việc đấu tranh của họ gây ra nhiều biến động liên tục và kết thúc với nhiều vụ thảm sát mà thế giới bên ngoài không chú ý. Sau vụ khủng bố 9-11 năm 2001 tại Hoa Kỳ, Bắc Kinh còn khéo lợi dụng tâm lý của quốc tế và nước Mỹ, để đưa các tổ chức đấu tranh của dân Hồi Hột vào danh mục khủng bố.

Một bước ngoặt của việc đấu tranh này là vụ thảm sát tại Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam, vào đầu Tháng Ba vừa qua.


Vụ Thảm Sát Côn Minh


Xưa nay, dân Hồi Hột có áp dụng phương pháp bạo động khi tấn công đồn bót hay trụ sở công an, chủ yếu là trong khu vực Tân Cương, và nhắm vào cán bộ hay cảnh sát của Trung Quốc. Hôm mùng một Tháng Ba vừa qua, các nhóm dân quân của họ lại ra tay theo đường lối khác hẳn.

Họ tấn công thường dân, và tại nhà ga hỏa xa của Côn Minh. Khoảng một chục người rút dao chém bừa trong nhà ga khiến 29 người thiệt mạng và 130 người bị thương. Cảnh sát bắn chết bốn hung thủ ở tại chỗ, bắt được một nghi can là phụ nữ và truy lùng những người còn lại mà chưa ra tông tích.

Biến cố xảy ra khi lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị "lưỡng hội" là hai hội nghị của Quốc hội và Hiệp chính (Hội nghị Hiệp thương Chính trị, một cơ chế tư vấn của đảng) nhưng đáng chú ý vì nhắm vào thường dân vô tội và ở ngoài khu vực Tân Cương.

Đáng chú ý hơn cả chính là địa điểm Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam.

Vân Nam là một tỉnh bị khóa trong lục địa (land-locked province), tiếp giáp với Tây Tạng, tỉnh Quảng Tây, Miến Điện, Lào và Việt Nam. Đây là một tỉnh nghèo, có mức thất nghiệp cao, thường xuyên bị động vì sự bất mãn của người dân chống chính quyền tham ô và bọn cường hào ác bá có liên hệ đến đảng viên cán bộ. Vân Nam còn nổi tiếng vì ba đặc sản là 1) các tổ chức ma túy, 2) các nhóm buôn lậu qua biên giới và 3) mâu thuẫn giữa các sắc tộc thiểu số với nhau.

Ờ một cấp độ cao hơn, về an ninh và kinh tế, Vân Nam còn là bàn đạp cho Bắc Kinh mở đường giao thương với Lào, Miến, Thái Lan và tiến xuống vùng Đông Nam Á. Tiến tới Đông Nam Á ở hướng Tây Nam, thay vì hướng Đông Nam như qua vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa và eo biển Malacca.

Ngay sau vụ thảm sát tại Côn Minh, một lãnh tụ của đảng Turkestan Islamic Party và có liên hệ với tổ chức võ trang ETIM là Abdullah Mansour đã ra thông cáo ngợi ca hành động này. Ông ta hiện lẩn trống trong khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan.

Dù sao trong vụ Côn Minh, có thể là các nhóm võ trang ô hợp và rời rạc của dân Duy Ngô Nhĩ đã "tiện đâu đánh đấy" chứ cũng chẳng có một chủ trương hay lãnh đạo thống nhất. Nhưng mà nhìn từ Bắc Kinh thì mối liên hệ giữa dân Duy Ngô Nhĩ với các nhóm khủng bố Hồi giáo hoạt động rải rác từ Trung Á đến Nam Á và Đông Nam Á mới là chuyện đáng lo.

Còn người Việt chúng ta nên tự hỏi là vụ Côn Minh và Bắc Phong Sinh có liên hệ gì với nhau? "Hồ Sơ Người-Việt" tìm câu trả lời... tại Thái Lan.



Thái Lan và Hồi Dân Nhập Lậu


Mươi ngày sau khi xảy ra vụ thảm sát thường dân tại Côn Minh, thời sự quốc tế loan một cái tin quá nhỏ.

Hôm 13 Tháng Ba, Chính quyền Thái Lan tại quận Sadao trong tỉnh Songkla bắt hai nhóm Hồi giáo nhập lậu vào Thái, một nhóm 218 người, một nhóm 78 người. Họ theo đạo Hồi, tự xưng là người Thổ (Turkish) nhưng nếu tinh ý thì ai cũng biết là Đông Thổ, hay Uighurs. Giới chức Thái tinh ý biết ngay vì năm ngoái họ đã bắt giử 112 người tỵ nạn Hồi giáo, và sau vụ Songkla mươi ngày thì chặn thêm 15 người Hồi giáo tỵ nạn xâm nhập từ Cam Bốt vào tỉnh Sa Kaeo. Ngần ấy người tỵ nạn đều có chung đạo Hồi, xuất xứ Uighurs và... có tiền.

Họ không là khủng bố mà là nạn dân đã trả tiền, có khi tới gần hai chục ngàn đô la, để ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Tức là Thái Lan vừa bắt thêm một mẻ lưới trong mạng lưới di dân Hồi Hột. Có kinh nghiệm về nạn dân - chuyện thuyền nhân của chúng ta là một – và có vấn đề về Hồi giáo tại các tỉnh miền Nam, Chính quyền Thái bèn mở cuộc điều tra và tìm cách đối phó.

Họ thấy người Duy Ngô Nhĩ có mạng lưới nhiều ngả để ra khỏi Trung Quốc, đi qua bốn nước hạ vực Mekong là Miến, Lào, Miên, Việt để tới miền Nam Thái Lan rồi Mã Lai Á. Từ Malaysia, di dân Hồi giáo hy vọng được giấy thông hành để tới xứ Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc một xứ văn minh dân chủ là Úc.

Thái Lan tìm ra điều mà Bắc Kinh đã biết từ lâu.

Lãnh đạo Trung Quốc tất nhiên là biết rằng dân Duy Ngô Nhĩ của họ đã tìm cách liên lạc với thế giới bên ngoài để qua ngả Tây Nam của lãnh thổ mà tìm đất sống ở nơi khác qua sự can thiệp hay trợ giúp của quốc tế, kể cả Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc. Trên đường đào thoát qua ngả Tây Nam, Côn Minh của tỉnh Vân Nam là một trạm quan trọng vì 1) được Bắc Kinh dùng làm bàn đạp kinh tế xuống Đông Nam Á; 2) dân Hồi giáo đã bị đẩy khá đông về đây sau vụ nổi dậy đẫm máu năm 2009 tại Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) của Tân Cương; và 3) trong các mặt hàng buôn lậu sở trường của tỉnh Vân Nam, nhiều người Hoa đã khai thác thêm món nạn dân Hồi giáo.

Với Bắc Kinh thì đây là vấn đề chính trị vì phơi bày thực trạng Hồi giáo tại Tân Cương, nhưng biến thành an ninh sau vụ thảm sát tại Côn Minh, và trở thành tiêu chuẩn về ngoại giao. Bắc Kinh yêu cầu các nước Đông Nam Á phải giải giao người Hồi giáo nhập lậu về cho họ vì đấy là những kẻ liên hệ đến khủng bố.

Ngẫu nhiên sao – hoặc tiện lợi chừng nào - vụ thảm sát tại Côn Minh hôm mùng một Tháng Ba, rồi vụ xung đột tại Bắc Phong Sinh của Việt Nam hôm 18 vừa qua, lại chứng minh là Bắc Kinh có lý! Trả dân khủng bố Duy Ngô Nhĩ về cho Trung Quốc là điều hợp lý.

Khi theo dõi kỹ chuyện này, người ta có thể thấy ra một quy tắc chung. Vì biết trước số phận đen tối của nạn dân, các quốc gia tương đối có tư thế mạnh đều đắn đo ngần ngại trước lời đòi hỏi của Bắc Kinh, như trường hợp của Mã Lai và Thái Lan. Chính quyền Thái còn tìm cách liên lạc với quốc tế hay một quốc gia đệ tam như Turkey để xin họ đón nhận nạn dân Duy Ngô Nhĩ.

Các nước bị sức ép quá nặng của Bắc Kinh thì mau mắn chấp hành và cũng chấp nhận luôn lý luận của Trung Quốc: người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là khủng bố. Vụ Bắc Phong Sinh nên được nhìn lại theo ý nghĩa đó.

Cụ thể là trên đường vượt tuyến có cả đàn bà con trẻ thì có mấy ai đi tỵ nạn mà nổ súng? Biết đâu chừng, kẻ nổ súng chính là người dẫn đường?

______________________


Kết luận ở đây là gì?

Bắc Kinh có thể uy hiếp an ninh của các lân bang Đông Á, mà lại gặp vấn đề an ninh bên trong. 

Một trong các vấn đề ấy là dân Duy Ngô Nhĩ, khiến Trung Quốc lại xuất cảng nạn dân. Dù dán nhãn khủng bố lên món hàng này, Bắc Kinh cũng khó che giấu nổi cái tội đàn áp nhân quyền.

Các quốc gia bị Trung Quốc uy hiếp về an ninh có nên giúp Bắc Kinh bảo vệ an ninh và dẫn độ người Hồi cho họ hay chăng? Nếu không muốn tiếp tay với Trung Quốc thì họ có thể làm gì?

Tại sao không quốc tế hóa hồ sơ này và yêu cầu các nước cùng tham gia giải quyết? Quốc tế hóa chuyện nạn dân Duy Ngô Nhĩ có khi dễ hơn chuyện lưỡi bò chín khúc ngoài Đông hải, mà còn được tiếng là bảo vệ nhân quyền.

2 nhận xét:

  1. Trong tác phẩm Tây Du Ký nhân vật Đường Tam Tạng cũng đến từ Đông Thổ?

    Trả lờiXóa
  2. Bạn Mê Ly nhầm rồi,

    Đường Tam Tạng đi sang phía Tây nên xưng quê hương mình - ở phía đông - là Đông thổ (không viết hoa). Còn Đông Thổ trong bài là xứ Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông.

    Trả lờiXóa