Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA - Ngày 140416
"Diễn đàn Kinh tế"
"Diễn đàn Kinh tế"
Đói ăn, khát dầu, thiếu nước nên đòi cướp đất
Trong Tháng Năm, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ thăm
viếng Trung Quốc và dư luận chờ đợi lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về
điều kiện mua bán khí đốt, một sản phẩm chiến lược của Nga đang có tầm
quan trọng hơn sau vụ khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, Trung Quốc còn cần
một sản phẩm có ý nghĩa sinh tử hơn, đó là lương thực. Bắc Kinh giải
quyết bài toán này như thế nào? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu vấn đề qua
cuộc trao đổi với kinh tể gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện
sau đây.
Miếng ăn là bài toán sinh tử
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông,
trên diễn đàn này ông thường nói năng lượng là sản phẩm chiến lược cho
việc công nghiệp hóa các quốc gia, nhưng lương thực mới là một sản phẩm
sinh tử vì không có thì chết. Trong ý nghĩa đó, trường hợp Trung Quốc
rất đáng chú ý vì diện tích canh tác của lãnh thổ chưa tới 10% của địa
cầu mà phải nuôi một dân số gấp đôi, là 20% dân số toàn cầu. Nếu Liên
bang Nga có thể là nguồn cung cấp năng lượng cho Trung Quốc qua kế hoạch
bán khí đốt mà lãnh đạo hai nước sẽ mặc cả khi Tổng thống Vladimir
Putin của Nga thăm Bắc Kinh vào tháng tới, lãnh đạo Trung Quốc giải
quyết vấn đề lương thực của họ theo hướng nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Với kích thước rất lớn và dân số cực đông,
Trung Quốc là một xứ đói ăn, khát dầu và thiếu nước. Chẳng những vậy, từ
khẩu hiệu "tự lực cánh sinh" thời Mao Trạch Đông cho đến mục tiêu "an
ninh lương thực" thời nay, lãnh đạo xứ này chưa giải quyết được việc áo
cơm cho thoả đáng nên miếng ăn là bài toán sinh tử cho Trung Quốc qua
hai con số ông vừa trình bày, diện tích khả canh chưa bằng 10% mà phải
nuôi một dân số bằng 20%.
Việc khai thác nông sản mới bị giới hạn và dù ngày nay có sản lượng lúa gạo cao nhất thế giới, Trung Quốc vẫn thiếu lương thực. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Nhưng tình hình còn gay go hơn vậy cho nên trong tháng trước, Quốc vụ
viện của Bắc Kinh qua báo cáo của viên Tổng lý là Thủ tướng Lý Khắc
Cường đọc một giờ rưỡi trước kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa 12 và qua
Chỉ thị Phát triển Lương thực và Dinh dưỡng từ 2014 đến 2020 mới nhấn
mạnh đến việc đầu tư vào đất đai và nông nghiệp để giải quyết nhu cầu
thức ăn ngày càng tăng của người dân. Tôi nghĩ rằng kết quả sẽ là sự
thất vọng.
Vũ Hoàng: Xin ông lần lượt giải thích những nguyên nhân vì sao kết quả sẽ là sự thất vọng.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết là về điều kiện khách quan của
địa dư hình thể thì chỉ có 15% diện tích của 10 triệu cây số vuông tại
Trung Quốc là có thể canh tác. Tính theo đầu người bây giờ chỉ bằng một
phần ba của bình quân thế giới, trong khi xứ này lại quốc gia thiếu nước
nhất tại lục địa ít nước nhất địa cầu là Châu Á. Ai lên lãnh đạo Trung
Quốc cũng gặp những bài toán ấy và đều nhớ rằng nhiều biến động lịch sử
đã bùng nổ vì nạn đói.
- Chuyện thứ hai, cũng về số cung, thì trên lãnh thổ thật ra nghèo nàn
và khô cằn đó, diện tích canh tác còn bị thu hẹp dần bởi hai hiện tượng
là nạn sa mạc hóa và đất bạc mầu sau bao đời theo nhau đào xới cấy cầy.
Chuyện thứ ba, lãnh đạo đời nay gặp hiện tượng mới là đô thị hóa và gây
thêm vấn đề khác là làm cạn nước và ô nhiễm môi trường, khiến đất hẹp
còn bị thiếu nước lành ở dưới, thậm chí thiếu cả ánh sáng ở trên vì
nhiều nơi bao trùm dưới khói độc. Vì hoàn cảnh đó việc khai thác nông
sản mới bị giới hạn và dù ngày nay có sản lượng lúa gạo cao nhất thế
giới, Trung Quốc vẫn thiếu lương thực.
Vũ Hoàng: Đó là về khả năng cung ứng của đất đai và con người, còn về số cầu thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói về lương thực, ta nghĩ đến gạo là nhu
cầu chính của người dân tại miền Nam Trung Quốc và mì là sản phẩm được
tiêu thụ nhiều ở miền Bắc. Ngoài ra, phải kể ra hoai sắn, ngũ cốc hay
loại hạt thô như ngô đậu để ăn no. Muốn ăn ngon và bổ thì phải có trứng,
sữa và thịt, là nông sản gốc mục súc chứa nhiều chất đạm và chỉ có nếu
dùng ngô bắp làm thực phẩm nuôi gia súc.
- Từ khi cải cách kinh tế hơn 35 năm về trước, đời sống người dân có
tiến bộ nên theo cơ quan Lương nông Quốc tế FAO chỉ còn chừng 12% dân số
xứ này là bị nạn suy dinh dưỡng. Tiến bộ đó khiến người dân không chỉ
cầu đủ no mà còn muốn ăn ngon và bổ hơn, tức là số cầu về trứng sữa hay
thịt cá đều tăng. Khi ấy số cầu về thực phẩm cho gia súc mới đặt ra bài
toán mới là Trung Quốc cần nhiều ngô bắp và đậu nành chứ không chỉ tự
thoả mãn với bát cơm hay bát mì.
- Từ khi cải cách thì sản lượng loại cây lương thực như ngô đậu hay hạt
có dầu của Trung Quốc đã tăng gấp đôi, coi như tăng 2% một năm, và lên
tới hơn 600 triệu tấn. Vậy mà vẫn chưa đủ cho nhu cầu nên xứ này phải
nhập khẩu. Và yêu cầu về an ninh lương thực do lãnh đạo đặt ra là phải
bảo đảm được 95% số tiêu thụ nội địa về gạo, mì và bắp, yêu cầu đó vẫn
khó đạt vì khả năng cung cấp có hạn. Năm ngoái, tổ chức OECD, Hợp tác và
Phát triển Kinh tế, và cơ quan Lương nông FAO, dự báo là từ nay đến năm
2020, Trung Quốc vẫn phải nhập đậu nành, với số lượng ngày một nhiều
hơn.
Trở ngại sự phân bố nơi sản xuất
Vũ Hoàng: Ngoài những giới hạn về khả năng cung ứng như ông
vừa trình bày thì đâu là những vấn đề khiến Trung Quốc vẫn là một xứ
thiếu ăn và phải nhập khẩu lương thực?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta vẫn khởi đi từ bài toán của thiên
nhiên rồi mới nói tới khả năng giải quyết của con người. Trước hết là sự
phân bố về địa dư của nơi sản xuất. Nơi sản xuất gạo và mì là tập trung
tại miền Đông-Bắc và vùng Trung Nguyên, hay tỉnh Tứ Xuyên là nơi có
gạo. Còn ngô đậu thì cũng ở khu vực Đông-Bắc, nhiều nhất sau này là tỉnh
Hắc Long Giang, các nông trại nuôi heo lợn cũng thế, thường tập trung ở
các tỉnh trồng ngô. Đó là về sản xuất, về tiêu thụ thì ta lại phải nói
đến sự phân bố dân số ở khắp mọi nơi. Vì thế, có lương thực rồi, người
ta vẫn cần tới hệ thống vận tải và phân phối, tức là phải có cầu đường,
là chuyện không dễ mà đắt.
- Mà việc sản xuất ngũ cốc vẫn bị trở ngại vì diện tích canh tác thu
hẹp dần trước đà đô thị hóa và theo Bộ Tài nguyên và Đất đai của Bắc
Kinh, tới 2% diện tích khả canh của Trung Quốc bị ô nhiễm đến độ không
thể trồng trọt gì được. Vì thế, trong báo cáo tháng trước, Thủ tướng Lý
Khắc Cường mới đòi khai chiến chống ô nhiễm và đẩy mạnh việc hiện đại
hóa nông nghiệp.
Vũ Hoàng: Nếu lãnh thổ bên trong có quá nhiều hạn chế cho
sản xuất thì Trung Quốc vẫn có thể nhập khẩu. Hoặc còn tiến xa hơn vậy,
tức là thuê đất canh tác ở xứ khác để đảm bảo nguồn cung cấp ngay tận
gốc. Hình như là họ có làm như vậy rồi và đâu là những trở ngại?
Có lương thực rồi, người ta vẫn cần tới hệ thống vận tải và phân phối, tức là phải có cầu đường, là chuyện không dễ mà đắt. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói về giải pháp nhập cảng, tôi xin đề nghị là ta cùng nhìn vấn đề một cách toàn diện vì có thể rút tỉa nhiều bài học cho mình.
- Khi mua ngũ cốc, ta phải trang trải các phí tổn cơ bản là nước, phân,
cần, giống, tiền chuyên chở và doanh lợi. Vì thế, khi nhập một tấn ngô
đậu, Trung Quốc nhập cả... tiền nước tiêu tưới của xứ khác. Khi kiểm
soát một phần của Hy Mã Lạp Sơn và Cao nguyên Thang Tạng, từ đầu nguồn
của nhiều con sông lớn tại Châu Á, họ hủy hoại mạch nước cho các quốc
gia dưới hạ nguồn, kể cả Việt Nam, và nay đòi mua nước trong hạt của xứ
khác. Chuyện ấy ta nên nhìn ra!
- Chuyện thứ hai, Trung Quốc đã từng từ chối loại thực phẩm có biến đổi
gen – gọi là genetic modified foods - do Hoa Kỳ xuất khẩu vì bảo là có
hại cho sức khoẻ người tiêu thụ. Trong khi đó, các tập đoàn về lương
thực của họ lại ngầm ăn cắp công nghệ biến gen của doanh nghiệp Mỹ như
DuPont, Montsanto và Ventria Biosience. Toà án Mỹ tại các tiểu bang Iowa
và Kansas đang điều tra vụ ăn cắp này, cho nên chuyện Trung Quốc nhập
khẩu lương thực cũng có vấn đề.
- Phần mình, Bắc Kinh không quên là khi mua lương thực thì họ gặp bất
trắc về giá cả, như trong vụ lương thực lên giá vào năm 2008. Vì thế, họ
muốn mua từ gốc với hợp đồng dài hạn về giá cả và giải pháp đầu tư vào
canh nông của xứ khác như ông vừa nhắc tới đã được áp dụng.
Vũ Hoàng: Thưa ông, phải chăng giải pháp đó cũng có gây tai tiếng là lũng đoạn xứ khác?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quốc gia nào cũng có thể nghĩ đến việc đầu
tư vào xứ khác để có loại hàng hóa mà mình cần ở nhà. Trước Trung Quốc
bốn chục năm, Nhật đã đầu tư vào xứ khác để bảo đảm nguồn cung cấp về
năng lượng và khoáng sản. Trước Trung Quốc năm năm, Nam Hàn đã thuê
nhiều nông trại ở xứ khác và dẫn đầu Trung Quốc về phương pháp đó. Nhưng
hai nước Đông Á thiếu tài nguyên này đã không khuynh đảo xứ khác và gây
hiệu ứng cho thị trường thế giới nên hầu như chẳng ai còn nhắc tới.
Trường hợp Trung Quốc lại khác.
- Ngoài lĩnh vực năng lượng và khoáng sản gốc kim loại với phản ứng
tiêu cực của các nước, thì từ năm 1996 Bắc Kinh đã vừa che giấu vừa tiến
hành việc đầu tư vào đất canh tác của xứ khác như Cuba, Lào, Mexico và
Phi Luật Tân. Rồi họ đẩy mạnh từ năm 2008 vào xứ Kazakhstan, Úc và nhất
là các nước Phi Châu. Khi ấy, ta thấy ra hai hiện tượng trái ngược.
- Các nước nghèo tại Châu Phi lên án tinh thần "thực dân mới" của Trung
Quốc và phê phán doanh nghiệp Trung Quốc không có chuyển giao công nghệ
và còn giấu nghề trong các nông trại biệt lập của họ như những vùng tô
giới. Ngược lại, một xứ tiên tiến như Úc thì than phiền thói ăn cắp
công nghệ để trục lợi. Trong khi đó, tại Phillippines, tập đoàn kinh
doanh về lương thực của Trung Quốc bị liên lụy vào chuyện tham nhũng để
mua chuộc Chính quyền của Tổng thống thời đó là bà Gloria
Macapagal-Arroyo. Nói chung, vì những chuyện đó, uy tín của Trung Quốc
bị sứt mẻ trong khi nỗ lực đầu tư ra ngoài để bảo đảm an toàn lương thực
vẫn không làm thay đổi quan hệ cung cầu trên thế giới.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, chúng ta có thể kết luận được những gì về chuyện an toàn lương thực của Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là dù Trung Quốc đã có kế
hoạch quy mô để giải quyết bài toán lương thực, tác dụng của họ vẫn
không gây ảnh hưởng đến số cung hay giá nông sản trên thế giới theo
chiều hướng có lợi, như họ đã thể hiện trong lĩnh vực năng lượng hay kim
loại. Ngược lại, Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng nặng từ thị trường lương
nông quốc tế và đấy mới là mối nguy sinh tử khi họ nói đến chuyện an
ninh về lương thực.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét