Thứ Năm, tháng 4 16, 2015

Bầu Cử Tổng Thống Tại Hoa Kỳ



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 150415

Nhiêu khê, tốn kém mà đầy quyến rũ

 * Một đoạn cuối - ngoằn ngoèo - của hai năm tranh cử *
 

Cứ bốn năm một lần, đặc biệt là khi vị tổng thống đương nhiệm không ra tái tranh cử, cuộc bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ đưa ra một hình ảnh rất tệ về nước Mỹ! Ai đời mà đệ nhất siêu cường có khả năng kiểm soát mặt biển trên toàn cầu, với sản lượng kinh tế gần bằng một phần tư của thế giới, lại tính bầu lên một người lãnh đạo có đầy chứng tật…


Chứng Tật Của Các Ứng Cử Viên

Nếu chẳng có gì vui hơn mà cứ theo dõi thời sự dồn dập hàng ngày thì ta biết được những gì?

Nào là một cựu Đệ nhất Phu nhân, Nghị sĩ và Ngoại trưởng là Hillary Clinton lại có gian ý khi làm Ngoại trưởng vì sử dụng một trương mục điện thư cá nhân để giải quyết công vụ và khi sắp mãn nhiệm thì xóa hết bộ nhớ trong máy để không còn ai biết là bà đã viết những gì, cho ai, trong bốn năm cầm đầu hệ thống ngoại giao của nước Mỹ. Đã vậy, khi mở màn tranh cử thì đi xe bọc thép dềnh dang, bên trong có đầy đủ tiện nghi của một phi cơ, để nói với quần chúng rằng bà quan tâm đến cuộc sống chật vật của họ và đả kích các tài phiệt là ăn lương quá cao. Hillary Clinton là người được thù lao rất hậu, cả vạn đô la, do các tài phiệt Hoa Kỳ và ngoại quốc thanh toán, để đi diễn thuyết hoặc quản lý một quỹ hoạt động đáng giá bạc tỷ. Và nhờ quan hệ với thế giới bạc tiền, bà sẽ vận động được hai tỷ rưỡi để quảng bá lập trường của mình tại 50 tiểu bang lớn nhỏ của Mỹ.

Đây là chưa nói gì về nhiều trò mờ ám khác khi bà còn là Đệ nhất Phu nhân của tiểu bang Arkansas rồi Đệ nhất Phu nhân của Hoa Kỳ: có gian dối gì không mà kiếm tiền nhanh như vậy trong một nghiệp vụ đầu tư thương phẩm? Có liên hệ gì đến việc một cố vấn chính trị đã bị ai đó… tự sát?

Phía bên kia thì cũng chẳng khá hơn.

Ba chính khách Cộng Hòa đã tuyên bố tranh cử trước tiên đều là Nghị sĩ Thứ cấp, mới được vào Thượng viện thì đã lăm le tranh cử, y như đương kim Tổng thống Barack Obama, mà chẳng có thành tích gì nổi bật? Nổi bật nhất chỉ là những phát biểu mâu thuẫn, nay nói này mai nói khác, như trường hợp của Nghị sĩ Rand Paul của Kentucky.

Các khuôn mặt khác lại còn tệ hơn thế. Cựu Thống đốc Florida là Jeb Bush mang cái tội tổ tông là con dòng cháu giống của gia đình Bush; trong một kỳ bầu cử lặt vặt từ hồi nảo hồi nào lại tự ghi là thuộc sắc dân Latino dù đấy chỉ là gốc gác của bà vợ. Tìm cho kỹ thì có khi ông Bush này còn có nhiều điều sai quấy khi làm Thống đốc Florida. Thống đốc New Jersey là Christ Christies cũng chẳng khá hơn vì… quá mập, ưa thay đổi lập trường, kể cả hợp tác với Obama, có khi còn cố tình gây ra nạn kẹt xe để trừng phạt một đối thủ chính trị bên đảng Dân Chủ.

Còn nhiều người khác nữa, nhiều lắm, đều mờ nhạt như nhau, mà lăm le xin phiếu Cộng Hòa để sẽ ra tranh cử với ứng cử viên Dân Chủ vào ngày tám Tháng 11 năm tới. Siêu cường này hết người rồi sao mà cứ phải chọn lãnh đạo từ kẻ lưu manh bên này hoặc trong phường tầm bậy bên kia? Chưa kể là Tổng thống còn thường bị Quốc hội của đối lập cắt cánh, như hiện nay, hoặc được Quốc hội phe ta hỗ trợ cho việc làm bậy, như trong hai năm 2009-2010.

Dĩ nhiên, sự thật nó không đơn giản như thế - mà rắc rối và quyến rũ hơn nhiều. Vì vậy Hồ Sơ Người-Việt mới rọi đèn vào đó….


Nhiệt Tình Dân Chủ và Thủ Đoạn Chính Khách


Hoa Kỳ theo thể chế liên bang với đặc tính giới hạn ảnh hưởng của chính quyền để mở rộng không gian sinh hoạt của người dân, hay của “xã hội dân sự” gồm có các hiệp hội hay đoàn thể tự phát của quần chúng trước khi chữ “civil society” thành trào lưu thời thượng. Hoa Kỳ lại là xứ quá rộng với nhiều dị biệt của từng tiểu bang mà muốn tránh cảnh “cá lớn nuốt cá bé” nên tìm cách bảo vệ tiếng nói của các tiểu bang nhỏ tựa mắt muỗi bên cạnh nhưng tiểu bang lớn như Texas, California, New York hay Florida.

Vì những đặc tính ấy, từ thời lập quốc thì các bậc Quốc phụ đã soạn ra bản Hiến pháp mới nghĩ đến một tiến trình “tuyển cử” Tổng thống phức tạp và lạ kỳ.

Cho dễ hiểu, ta hãy tạm ghi nhận hai bước của tiến trình ấy, là “tuyển” tức là chọn, rồi mới “cử” là cất nhắc lên vị trí lãnh đạo. Đấy là việc tuyển ra Cử tri đoàn (Electoral College) để cơ chế này sẽ cử người làm tổng thống. Vì vậy, bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ là tiến trình gián tiếp, không là trực tiếp như tại nhiều quốc gia dân chủ theo tổng thống chế.

Chuyện thứ hai, các nhà lập quốc cũng biết rõ tâm lý của người dân, người chủ thực tế của quốc gia. Người dân có thể đùng đùng nhảy vào lo việc nước với nhiệt tình nông nổi, hoặc ngược lại, cứ thờ ơ với việc nước mà lo việc nhà. Cử tri đoàn của những người quan tâm đến chính trị có thể giải quyết mâu thuẫn đó khi huy động nhiệt tình mà cũng là cái lọc để giảm trừ những nông nổi bốc đồng.

Chuyện thứ ba là vai trò của các chính đảng, đã xuất hiện từ thời lập quốc, quy tụ những người có nhiệt tình nhất, tích cực nhất, ở những cấp địa phương từ thấp lên cao. Các đảng phái chính trị này mới bầu lên người lãnh đạo tại địa phương và trở thành cơ chế trung gian điều hòa quyền lợi dị biệt của người dân với quyền lợi của các tiểu bang và sau cùng của nhà nước.

Nhưng một hậu quả bất ngờ cho các nhà lập quốc đã xảy ra. Họ không là những ông thánh!


Vai Trò Của Các Ông Trùm Trong Đảng


Trong các chính đảng, lãnh tụ đảng ở cấp địa phương là những ông trùm - thời đó các bà chưa được quyền bỏ phiếu – là loại chính trị gia chuyên nghiệp. Họ sống trong tính toán chính trị và tính toán mạnh nhất của họ là việc chọn ra các chính khách, những người sẽ tranh cử để điều hành bộ máy chính quyền địa phương và thỏa mãn yêu cầu về quyền lợi - đôi khi sạch mà thường khi cũng rất bẩn - của các ông trùm. Cũng trong sự tính toán ấy còn có việc chọn lựa các thẩm phán, ủy viên giáo dục, bưu chính hay cảnh sát, cứu hỏa, v..v…

Vì vậy, từ nguyên thủy, hệ thống tuyển cử chính trị của nước Mỹ đã có lắm đặc tính trái ngược, đầy lý tưởng của người có nhiệt tình với đất nước mà cũng đầy thủ đoạn của các ông trùm.

Và các chính trị gia chuyên nghiệp này đều có chung một nét là lạnh lùng cân nhắc hơn thiệt với tinh thần thực tiễn để dung hòa chứ không hề coi đảng đối lập là kẻ thù, rằng nếu phe kia cầm quyền thì nước Mỹ gặp ngày tận thế. Hoặc chính khách của mình mới là cứu tinh cho nhân loại. Người lý tưởng có nhiệt tình ở dưới mới cực đoan như vậy chứ chính trị gia chuyên nghiệp thì không.

Hai mặt lý tưởng và gian hùng đó tất nhiên ảnh hưởng đến tiến trình tuyển cử và các ông trùm trong đảng từ địa phương lên tới cấp liên bang mới giữ vị trí bản lề mà trọng yếu về cả bạc tiền lẫn tư tưởng. Họ không nhất thiết là tay chân của tài phiệt và đưa bọn tư bản lên khuynh đảo nước Mỹ mà có thể là những người ngoan đạo muốn bảo vệ kỷ cương của xã hội.

Ở cấp cao nhất, bốn năm một lần, các ông trùm tổ chức Đại hội đảng và cân nhắc xem trong các ứng cử viên của mình ai có nhiều hy vọng nhất để thắng cử. Vậy mà hệ thống tuyển cử kỳ quái ấy vẫn tìm ra nhiều Tổng thống thuộc loại anh minh xuất sắc! Và có xuất sắc hay tồi tệ đến mấy thì cũng chỉ được hai nhiệm kỳ, tám năm, trường hợp của F. D. Roosevelt là ngoại lệ thời chiến tranh.

Người ta thường có ấn tượng sai, rằng nhiều thế lực đã kín đáo lũng đoạn nước Mỹ vì những âm mưu mờ ám. Sự thật lại chẳng đơn giản như vậy và ngay đến vai trò khá đặc biệt, có khi đen tối, của các ông trùm trong đảng cũng biến hóa rồi tiêu vong kể từ những năm sau 1968.


Nhiệt Tình Cách Mạng và Tấm Chi Phiếu


Từ sau cuộc bầu cử năm 1972, khi Richard Nixon tái đắc cử Tổng thống và gây ra khủng hoảng chính trị thì chế độ tuyển cử tổng thống tại Mỹ đã có thay đổi lớn. Vòng sơ bộ trong từng đảng được mở rộng từ cấp địa phương qua các tiểu bang. Thế lực của các ông trùm trong đảng phải nhường bước cho hình thái tuyển chọn từ dưới cơ sở, một loại dân chủ trực tiếp của quần chúng đầy nhiệt tình mà các bậc quốc phụ thời xưa đều rất ngại.

Chính là hình thái tranh cử bất tận và tốn kém ấy mới dẫn đến hai hậu quả.

Sự tốn kém mở cửa cho vai trò của tiền bạc để các chuẩn ứng cử viên có bộ máy tranh cử tỏa rộng hầu trở thành ứng cử viên và sau cùng mới là ứng viên chính thức của đảng. Ngày xưa, họ phải thuyết phục ông trùm, ngày nay, họ phải có tiền quảng cáo liên tục và trải rộng. Và dù vận động được tiền ủng hộ tới cả tỷ bạc thì vẫn có thể thất cử! Bên trong các cuộc vận động ấy là trăm cơ hội tham nhũng và lạm dụng làm cho nhiều người bị thân bại danh liệt ngay tại địa phương. Chỉ có truyền thông và giới luật sư là kiếm tiền rất khá trong các vòng sơ bộ lên tới cấp quốc gia.

Hậu quả thứ hai còn rắc rối hơn thế.

Khi các ông trùm gian hùng và biết thỏa hiệp không còn ảnh hưởng như xưa thì quần chúng đầy nhiệt huyết đẩy dần các chính khách vào thế phân cực. Họ lấy lập trường cực đoan để thỏa mãn những người có nhiệt tình nhất. Chính nhiệt tình ấy mới huy động được cử tri đi bầu vào giữa tuần (ngày Thứ Ba sau Thứ Hai đầu tiên của Tháng 11) thay vì vào ngày nghỉ như tại nhiều nước khác.

Nhiệt tình ấy lại thường quy tụ vào nhiều vấn đề xã hội thật ra không hẳn là sinh tử cho quốc gia hoặc chi phối cục diện toàn cầu. Như quyền phá thai, hôn nhân đồng tính hay bảo vệ kỷ cương gia đình hoặc động vật hoang dã hay dân thiểu số da màu, v.v…..

Kết cuộc là cuộc bầu cử Tổng thống lại Hoa Kỳ lại bị chi phối bởi hai thế lực là bạc tiền và phe nhóm cực đoan. Ứng cử viên nào cũng phải có tiền và có người cực đoan cầm cờ ở vòng sơ bộ, khi lên tới vòng trên thì mới xoay chuyển lập trường và có khi hy sinh nguyên tắc để tranh thủ được lá phiếu trung dung hay độc lập ở giữa, thì mới có trên 50% số phiếu của Cử tri đoàn.

____


Kết luận ở đây là gì?

Nền dân chủ không là toàn hảo. Thể thức bầu cử tại Hoa Kỳ là chuyện nhiêu khê, tốn nhiều thời gian, bạc tiền và sẽ còn thay đổi. Nhưng chưa ai trong đời tìm ra giải pháp nào khá hơn.

Suốt hai năm tranh cử đó, chẳng ai nói đến các vấn đề lớn của thể giới mà khi người muốn lên lãnh đạo thì bị cả nước xăm xoi theo dõi - hoặc tự do đả kích!

7 nhận xét:

  1. Bác Nghĩa !

    Với hình thức bầu cử Tổng thống Mỹ là " gián tiếp "thì khi đó vai trò của các Đại cử tri là rất lớn quyết định ai là Tổng Thống tiếp theo của nước Mỹ. Vậy bác cho cháu hỏi trong bối cảnh chính trị của nước Mỹ hiện nay thì Đảng Cộng hòa nắm trọn trong tay cả Thượng viện và hạ viện thì có thể hiểu là đã chiếm ưu thế rất lớn trong số 538 đại cử tri của nước Mỹ không ạ ? Vì cháu nhớ là trong 538 đai cử tri bao gồm 100 Thượng nghị sĩ, 435 dân biểu Hạ viện và 3 đại diện của Quận Columbia .

    Nếu cháu hiểu theo cách này thì có thể đoán Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ là người của Đảng Cộng hòa không bác ?

    Trả lờiXóa
  2. Điều này đúng, nhưng chỉ một phần thôi, Thành ơi. Có thể là sau bài viết của Hùng Tâm, tôi sẽ trở lại chuyện rắc rối này.

    Chi tiết lý thú mà bài của Hùng Tâm có nhắc tới là tại sao lại tổ chức bầu cử vào giữa tuần mà không phải là cuối tuần, như tại hầu hết mọi xứ khác, cho mọi người có cơ hội đi bầu đông đảo hơn? Hãy suy nghĩ về chi tiết ấy thì có thể tìm ra một đặc tính khác của nền dân chủ tại Hoa Kỳ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Nghĩa !

      Bác cho cháu hỏi là trong vấn đề bầu cử Tổng thống Mỹ thường tổ chức vào ngày thứ 3 sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11 năm 2016 chứ không phải vào cuối tuần có phải liên quan đến vấn đề lập trường cử tri khi đi bầu cử không ạ ?

      Ý của cháu là những cử tri đi bầu cử thường là những người " tích cực nhất " của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, nghĩa là nếu cử tri của Dân chủ thì thường có xu hướng chính trị cực kỳ tiến bộ hay bên Cộng hòa thì cử tri thường có xu hướng cực kỳ bảo thủ.....Chính vì vậy những ứng cử viên nào của Dân Chủ hay Cộng hòa phải đáp ứng được mong muốn chính trị của cử tri thì mới mong đắc cử Tổng thống không ạ ?

      Cháu cảm ơn bác !

      Xóa
    2. Khi chọn ngày bầu cử là Thứ Ba sau ngày Thứ Hai đầu tiên của Tháng 11, những người sáng lập ra nền Cộng Hòa Hoa Kỳ nghĩ sao? Tại sao lại là ngày trong tuần, khi thiên hạ đang đi làm? Vì chuyện bầu lên người đại biểu không quan trọng bằng sinh hoạt bình thường của người dân? Hay vì những người thực sự quan tâm đến việc bầu bán ấy mới có khả năng suy xét và chọn lựa? Họ mới là những người '"tích cực nhất"?
      Em có nhiều gỉai đáp cho câu hỏi đó.

      Những người tích cực nhất cũng có thể là cực đoan nhất, cực tả hay cực hữu cũng là cực. Nhưng không ai lên lãnh đạo bằng tư tường cực đoan ấy vì mất phiếu của thành phần trung dung. Vi vậy, khi mở đầu cuộc tranh cử, ai cũng có lập trường cực đoan để có thiểu số quá khích cầm cờ cho minh. Sau đó, càng có hy vọng được đề cử thì các "chuẩn" ứng cử viên này phải nhích về cánh giữa thì mới có đa số.

      Cử tri ban đầu là bọn cuồng tín cần thiết, sau đó phải nhắm vào đa số ở giữa thì mới có hy vọng.

      Nhiều người Việt ở bên Mỹ từ mấy chục năm nay còn chưa hiểu ra điều ấy, nếu em có thấy hoa mắt thì cũng là sự thường.

      Xóa
    3. Bác Nghĩa !

      Cháu tìm hiểu thì được biết, năm 1840 Quốc hội Mỹ khi đó đã quyết định thống nhất bầu cử chọn ra Tổng thống Mỹ vào một ngày . Nguyên nhân chính là do khi đó thông tin liên lạc, điện báo phát triển hơn nên sẽ xảy ra tình trạng kết quả bỏ phiếu ở bang A công bố thì các bang B, C ..... sẽ biết và ảnh hưởng đến kết quả bầu cử ở bang đó. Chính vì vậy Quốc hội Mỹ thống nhất tổ chức vào ngày thứ đầu tiên sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11.

      Còn chuyện tại sao vào ngày thứ 3 thì khi đó những nhà lập pháp ở Mỹ lo lắng nếu tổ chức bầu cử vào ngày nghỉ thì nó sẽ trùng với những ngày nghỉ hay ngày lễ tôn giao. Quan trọng hơn là nền kinh tế nước Mỹ khó đó thì nông nghiệp vẫn chiếm chủ đạo, người nông dân đi bầu cử thường đi bằng ngựa nên muốn nhiều cử tri đi bầu cử thì tổ chức vào ngày thứ ba ( ngày thứ hai người dân đi xe ngựa đến điểm bầu cử, ngày thứ 3 bầu cả, và ngày thứ tư thì đi xe ngưa đi về " .

      Cách giải thích này thiên về ý "sinh hoạt " của người dân Mỹ thì nếu hiểu là việc đi một quãng đường rât xa mới đến nới bầu cử thì chỉ những cử tri trung kiên nhất của đảng mới bỏ thời gian đi bầu cử cũng phần nào ảnh hưởng đến quan điểm chính trị của từng ứng cử viên chứ ạ ?

      Xóa
  3. Bác Nghĩa!
    Gần đây, cháu có đọc thông tin về chìm thuyền của những người tị nạn ở Địa Trung Hải. Thực tình, cháu rất thương và thông cảm với họ khi sống trong chiến tranh, loạn lạc.
    Nhưng có một vấn đề khác là, cũng có một tin là chính những người tị nạn trên một con thuyền khác lại theo Hồi giáo lại giết và quăng xuống biển mười mấy người theo Kito giáo. Trước đó, cháu cũng biết là IS cũng tuyển mộ khá đông những người theo Hồi giáo tại Âu Châu, nước Mỹ thậm chí là Úc Đại Lợi. Cháu thật không thể hiểu nổi, trong số họ vẫn có thành phần có ăn học đàng hoàng mà lại rất u mê. Chưa kể, ở Âu Châu, gần đây phong trào có ác cảm với Hồi giáo tăng lên, thậm chí ở Pháp một khảo sát nói rằng phần đông người được hỏi cho rằng những người Hồi giáo "kém khoan dung", họ luôn lấy tiêu chuẩn tư tưởng của họ để áp đặt lên người khác, lấy quy tắc giáo lý để áp đặt lên luật pháp và rất khó hòa nhập xã hội. Những điều đó chính là điều làm cho họ nghèo khó hơn người bản địa và chính vì vậy họ có khả năng làm bậy hơn người khác.
    Vậy cháu muốn hỏi là, đặt trong tinh thần khách quan không phân biệt tôn giáo vì cháu biết có những người Hồi giáo rất cấp tiến, cháu tin họ là "số đông", nhưng tại sao cứ khủng bố, cực đoan lại là Hồi giáo, điều đó làm cháu e sợ hơn, liệu nền văn hóa, sự tôn trọng tự do, dân chủ, một xã hội tôn trọng luật lệ như tại Mỹ hay Âu Châu có thể làm tan chảy sự bảo thủ tôn giáo hay là không? Và liệu trong tương lai, nếu người Hồi giáo đông lên như chiếm 10% dân số Âu châu vậy kẻ cực đoan có đông lên theo và người Hồi giáo nói chung có đòi một nhà nước Hồi giáo thần quyền kiểu Iran tại Âu Châu hay không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin sẽ có dịp đề cập đến chuyện này. Nghĩa

      Xóa