Thứ Tư, tháng 4 22, 2015

Một Thế Giới Mắc Nợ



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150420
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Liều Thuốc Đổ Bệnh Và Đổ Lỗi Của Nền Dân Chủ  


* Là người dân là có quyền chống đối *

           

Từ mấy ngàn năm về trước, nơi đầu tiên có nền dân chủ trên toàn cầu là xứ Hy Lạp. Ít ra thì dân Hy Lạp tin vậy với niềm kiêu hãnh.

Đầu năm nay, họ vừa bầu lên một chính quyền cực tả có sứ mạng quịt nợ. Trong thế giới chính trị của các nước tự xưng là văn minh thì chả ai nói ra điều thô bạo và nham nhở ấy, nhưng đấy là lời hứa hẹn của một tập thể ô hợp các nhóm cực tả có tên là Syriza. Ba tháng sau, Chính quyền Syriza tần ngần nhìn kim đồng hồ: cả con nợ lẫn một dàn khách nợ đều chết trân vì hết lối thoát.

Từ nay đến cuối tháng, Hy Lạp phải trả nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF ở ngoài và các quỹ hưu liễm và lương bổng ở trong mà tìm chẳng ra tiền. Tuần qua, quyết định mang ý nghĩa lịch sử của Syriza là mọi ty ngân khố ở các địa phương mà còn tiền mặt là phải lập tức chuyển về trung ương. Và cánh cực cực tả bên trong Syriza thì vẫn đòi Chính quyền phải quyết liệt với các khách nợ. Là quịt bằng mọi giá.

Hy Lạp có thể dựng ra một nền dân chủ tạm bợ từ thời cổ, trong thời hiện đại ngày nay, Hoa Kỳ mới có nền dân chủ lâu đời nhất.

Nền dân chủ ấy đang chuẩn bị bầu cử tổng thống trong hơn 450 ngày nữa, và các ứng cử viên đều hoa quan phấp phới tà y nói chuyện nhảm. Mái tóc Hillary Clinton hay vòng bụng Christ Christie có tầm quan trọng ngang nhau, cũng ghê gớm như lập trường về quyền phá thai hay mua súng. Trong khi đó, tổng số nợ của nước Mỹ đã lên tới 269% của Tổng sản lượng Nội địa GDP, một kỷ lục lịch sử.

Có hỏi các chính trị gia, họ đều giải thích bằng ngón tay chỉ về đằng sau.

Về các chính quyền trước. Lý do mắc nợ là vì cuộc khủng hoảng của George W. Bush. Mà khủng hoảng là vì chủ trương hữu sản hóa cho dân nghèo dễ mua nhà vào thời Bill Clinton với biện pháp tu chỉnh đạo luật “Community Reinvestment Act”. Dân nghèo thoải mái vay nợ loại thứ cấp có đầy rủi ro mà khỏi trả tiền đặt cọc. Giới ngân hàng vốn biết đếm bèn lánh xa nghiệp vụ ấy thì đã có hai công ty bán công là Fannie Mae và Freddie Mac bước ra hứng nợ và tưng bừng dẹp tiệm....

Nếu cứ chạy theo cái vòng giải thích lanh quanh ấy thì chẳng ai còn hiểu gì nữa. Và kết luận là mọi người đều có tội.

Đấy là cái tội của nền dân chủ, khi người dân có quyền bầu cho các chính khách vô trách nhiệm. Và ngay trước mắt thì các chính khách đó đều vô kế khả thi trước một bài toán lớn là ngân sách liên bang.

Theo thứ tự từ cao tới thấp, Ngân sách Hoa Kỳ có các mục chi sau đây: 26,30% là cho dịch vụ y tế (Medicare, Medicaid và các khoản chi khác cho sức khỏe); và 24,3% cho quỹ An sinh Xã hội. Hai mục chi này là bắt buộc, entitlement, và chỉ có thể sửa bằng... cách mạng, trong khi người già sống thọ hơn sẽ lãnh hưu liễm lâu hơn và cần nhiều chi phí y tế của tuổi già kéo dài hơn.

Kế tiếp là 19% cho các khoản phúc lợi và an toàn xã hội, ai rờ vào là bỏng tay và thất cử vì thất nhân tâm. Sau đó là 17% cho quốc phòng, nay có vẻ như quá nhiều hay quá ít, tùy quan điểm về an ninh. Còn lại, hàng năm ngân sách vẫn mất 7% để trả tiền lời đi vay.

Rốt cuộc, các dân biểu nghị sĩ hay tổng thống chỉ có thể tranh luận và bán chác trong giới hạn 7% còn lại của ngân sách cho các mục ưu tiên khác, như vận tải (3%) hay giáo dục (1%) và 3% cho mọi vấn đề hệ trọng mà linh tinh như hạt bụi.

Xin đếm lại cho rõ, qua nhiều thập niên thi đua hứa hẹn, chẳng kém gì đảng Syriza của Hy Lạp, các chính khách của nền dân chủ Hoa Kỳ bị đẩy vào tường. Họ đang đánh nhau túi bụi vì một tỷ lệ rất nhỏ - và ngày càng thu hẹp - của ngân sách liên bang.

Sau Hy Lạp và Liên hiệp Âu châu, Hoa Kỳ cũng trôi dần vào khủng hoảng vì chi tiêu bất cẩn và vay nợ bất cần. Và cử tri thì vẫn bỏ phiếu cho các chính khách quen thuộc của mình.

Tuyệt vời nhất trong ngần ấy chuyện là chế độ bao cấp. Nhà nước ngày nay muốn chu cấp cho mọi người, bằng đồng tiền của ai khác. Đánh thuế nhà giàu để chi cho người nghèo là điều phải đạo nên mới tạo ra nếp văn hóa hậm hực ghen tức. Ai nấy cũng nghĩ rằng người khác được hưởng nhiều hơn mình nên rất bình thản khi thấy các chính khách đi ăn cướp cho mình. Các chính khách bèn cướp của nhà giàu, là thiểu số, mà mua phiếu của dân nghèo chiếm đa số. Họ tái đắc cử để tiếp tục bi kịch này.

Và chất lên một núi nợ mà chẳng ai muốn nhắc tới. Vì không thể nhắc tới, các ứng viên trong cuộc tranh cử Tổng thống mới gào thét chuyện phù du. Họ nói đến “giấc mơ Hoa Kỳ” như người mộng du. Chẳng cần làm gì cả mà ai cũng sẽ đi tới đó.

Karl Marx đã nói cả trăm điều sai, nhưng có một điều mà các nước dân chủ đang chứng minh là đúng: “nền dân chủ dẫn tới xã hội chủ nghĩa.” Nhân danh cái lẽ công bằng của xã hội chủ nghĩa, nhà nước có quyền trưng thu chính đáng, cho đến khi kinh tế hết còn chỗ thu thì đi vay. Vì vậy, xã hội chủ nghĩa cũng đồng nghĩa với đi vay. Là tiêu tiền trước khi mình kiếm ra.

Gần với chúng ta hơn, Thủ tướng Margaret Thatcher có một nhận xét khác: Các chính quyền xã hội chủ nghĩa có truyền thống gây ra khủng hoảng tài chánh, là khi họ xài hết tiền của người khác! Và túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác: họ trút gánh nợ cho các thế hệ sau.

Khi Liên bang Xô viết đi tới tận cùng của xã hội chủ nghĩa và bị khủng hoảng thì các nước dân chủ, đứng đầu là Hoa Kỳ đã hiên ngang chiến thắng. Rồi tin rằng “lịch sử cáo chung” khi nhân loại cùng đi theo nguyên tắc dân chủ. Bây giờ, tác giả của lời tiên đoán ấy là Giáo sư Francis Fukuyama đã đổi ý.

Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, các nước dân chủ đều theo nhau đi vào việc tiêu xài vô lối và mắc nợ. Niềm hy vọng mong manh của họ là quốc gia đang bắt kịp Hoa Kỳ về sản lượng kinh tế đã vượt nước Mỹ về mức độ nợ nần. Đó là Trung Quốc, với nguy cơ khủng hoảng còn cao hơn Hoa Kỳ.

Trong khi theo dõi cuộc đua nhức tim ấy – ai sẽ chết trước – người ta đang chứng kiến một sự lạ là tất cả các nền kinh tế lớn trên toàn cầu đều mắc nợ, Nhật Bản, Âu Châu, Hoa Kỳ và Trung Quốc đều gặp tình huống đó. Vì vậy, không có nền kinh tế nào làm lực đẩy cho các nước, và xứ nào cũng ráo riết chạy xuống đáy với biện pháp bơm tiền để đồng bạc có hối suất thấp hầu dễ cạnh tranh. Những liều thuốc ấy chỉ có tác dụng ngắn hạn và sẽ đổ bệnh.

Trong ngần ấy khối kinh tế, và hơn hẳn Trung Quốc, chỉ có các nước dân chủ mới hy vọng thoát hiểm bằng kỷ luật chi tiêu. Nhưng khốn thay, giới chính trị lại không thấy như vậy. Hãy nhìn vào cuộc tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ thì ta rõ. Và lo.... rằng Trung Quốc có thể yên tâm làm bậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét