Thứ Ba, tháng 4 28, 2015

TPP: Những Trở Ngại Nội Bộ của Hoa Kỳ

Thanh Hà, Nguyễn Xuân Nghĩa




TPP : những trở ngại nội bộ của Hoa Kỳ
* Xe hơi, một hồ sơ khó khăn trong đàm phán hiệp định thương mại Mỹ Nhật. Reuters *


Sau khi đã vượt qua được nhiều trở ngại với các đối tác quốc tế để tiến gần đến Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Nhưng tại Washington, lãnh đạo Nhà Trắng đang gặp phải sự chống đối ngay từ trong hàng ngũ của đảng Dân chủ và của một số công đoàn. Vì sao một phần công luận Mỹ lại chống TPP? 

Sau thất bại ngoại giao vì không ngăn nổi các đồng minh tham gia dự án sáng lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu gọi tắt là AIIB, một sáng kiến của Bắc Kinh, Hoa Kỳ có cơ hội phản công qua việc khai thông các trở ngại với Nhật Bản, thúc đẩy Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình dương, gọi tắt là TPP nhân chuyến công du nước Mỹ của Thủ tướng Shinzo Abe từ 26/04/2015 đến 03/05/2015. 

Trước khi rời Tokyo đến Hoa Kỳ, thủ tướng Abe đã tràn trề hy vọng vì hai phái đoàn Mỹ-Nhật vừa đạt một số thỏa thuận tại Tokyo về hiệp ước TPP. Thêm vào đó, Hạ viện và Thượng viện Mỹ vừa đệ trình một dự luật gọi tắt là TPA. Quốc hội đã trao quyền đàm phán nhanh gọn cho Hành pháp có thể hoàn tất Hiệp ước TPP nội năm 2015 như tiêu chí đã được tổng thống Barack Obama đề ra.

Như vậy là sau khi khai thông được những khúc mắc với đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ là Nhật Bản, rồi thuyết phục được Quốc hội, trong tay đảng đối lập Cộng Hòa, dự án tiến tới một khu vực tự do mậu dịch giữa Hoa Kỳ với 11 đối tác còn lại trong khu vực Thái Bình Dương, tưởng chừng đã gần đến đích.

Bất ngờ, tổng thống Barack Obama lại gặp trở ngại từ đảng Dân Chủ của ông. Nhiều đại diện dân cử và thế lực kinh tế lại phản đối việc trao quyền đàm phán nhanh gọn cho Hành pháp. Họ còn công khai chống đối Hiệp ước TPP do ông hậu thuẫn từ 2009.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ, nếu chiều hướng ấy tiếp tục, chẳng những thỏa thuận Mỹ-Nhật bị hoãn, mà việc Mỹ đàm phán với 10 đối tác xuyên Thái Bình Dương trong dự án TPP sẽ chậm thành hình. Đó là chưa kể đến tác động dây chuyền đối với các vòng đàm phán giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu về Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương.


Bốn kế hoạch tự do mậu dịch toàn cầu  


Trong khi đó, từ năm 2012, 16 nước Á Châu đang thương thảo về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện giữa Trung Quốc, Hiệp hội ASEAN và các cường quốc kinh tế trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, Úc và New Zealand. Tựu trung, các nước Á Châu đang đàm phán hai hiệp định lớn, một là TPP có Mỹ-Nhật mà không có Trung Quốc và hai là Hiệp định gọi tắt là RCEP có Bắc Kinh, Tokyo mà lại vắng bóng Washington.  Vì sao lại có những trở ngại từ phía Hoa Kỳ ngay trong đảng Dân Chủ về Hiệp định TPP? 


 
Mỹ -Nhật tại vòng đàm phán TPP Singapore ngày 25/02/2014. REUTERS/Edgar Su/Files


Sau hơn năm năm và 20 vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, giữa Hoa Kỳ và 11 quốc gia trong vành cung Thái Bình dương, từ Đông Á qua Nam Bắc Mỹ, các nước đang có hy vọng khai thông trở ngại để hoàn thành dự án trong năm 2015. Vào lúc thủ tướng Shinzo Abe tới Hoa Kỳ, phía Nhật cũng nói trước là có hy vọng đạt thỏa thuận với Hoa Kỳ về Hiệp định TPP. Thế nhưng trên chính trường Mỹ lại bùng nổ cuộc tranh luận về các hiệp định tự do mậu dịch. Nhìn từ phía Hoa Kỳ, đâu là lợi ích kinh tế của Mỹ với TPP nói riêng và các hiệp định tự do mậu dịch nói chung? 


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói về lịch sử thì từ lý luận của kinh tế gia David Ricardo được đưa ra năm 1817 và qua hai cuộc Thế chiến I và II, Hoa Kỳ tin là nguyên tắc tự do mậu dịch có lợi cho mọi quốc gia tham dự. Lý do là vì xứ nào cũng tận dụng ưu thế tương đối của mình đế bán ra loại hàng họ sản xuất có lợi nhất và về dài thì mọi nền kinh tế đều nhờ đó mà phát triển khả quan. 

- Nói về địa dư thì thế giới đang có bốn kế hoạch tự do mậu dịch giữa từng khối với nhau. Đầu năm nay đã thành hình Liên hiệp Âu Á do Nga chủ xướng với các nước trải rộng từ Âu Châu qua Viễn Đông. Tại Châu Á, Trung Quốc có Hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện đang đàm phán với 15 nước Á Châu, kể cả Nhật, Ấn Độ, Nam Hàn cùng 10 nước của Hiệp hội ASEAN và Úc, New Zealand. Ở giữa hai đại dương lớn nhất, Hoa Kỳ đang đàm phán Hiệp định TPP với các nước Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác Xuyên Đại Tây Dương với các nước Âu Châu. 

- Trong bối cảnh đó, Hiệp định TPP có tầm quan trọng cho Mỹ vì liên kết 12 nước sản xuất ra 40% sản lượng toàn cầu và sẽ trở thành lực đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc như chính Tổng thống Barck Obama đã nói. Nhưng nào ngờ nội bộ nước Mỹ và riêng trong đảng Dân Chủ của ông Obama lại có sự chống đối nên các nước khác, kể cả Nhật đều đợi xem bao giờ Mỹ sẽ thống nhất ý chí.

RFI: Lợi ích lý thuyết và thực tế của các hiệp định này là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Về lý thuyết, các nước nói chung đều nghiệm thấy là khi mua bán hàng hóa dịch vụ với nhau qua thuế suất tối thiểu và ít hạn chế về các tiêu chuẩn khác thì xứ nào cũng tùy điều kiện của mình mà sản xuất mặt hàng có lợi nhất, rẻ nhất, để bán ra và mua về những gì mình thiếu hoặc nếu sản xuất ra thì đắt hơn. Hoàn cảnh gọi là “phân công lao động” ấy mở ra vòng giao dịch cho các nước cạnh tranh với nhau và cải tiến khả năng cạnh tranh nội địa nhờ du nhập kiến thức xứ khác để cải thiện kinh tế ở nhà. Từ nguyên lý ấy, trong thế kỷ 20, các nước đều theo nhau mở rộng tự do mậu dịch qua nhiều hiệp ước, tiêu biểu nhất Thị trường chung Âu châu, là vòng đàm phán Uruguay và sau cùng là Tổ chức Thương mại Thế giới, gọi tắt là OMC hay WTO. 

- Về thực tế thì trong luồng trao đổi mở rộng, có cạnh tranh về lợi thế tương đối của từng xứ. Về khả năng cải tiến nhanh hay chậm, thì có quốc gia được lợi nhiều và nhanh hơn xứ khác, điển hình là Đức thì nhanh và Hy Lạp thì chậm tại Âu châu, nên cũng gây ra vấn đề. Thực tế thứ hai là trong từng nước, sự cải tiến để mở vòng cạnh tranh cũng tạo ra thay đổi mà nhiều quốc gia không thể tuân thủ, nên mới có chống đối bên trong vì muốn bảo vệ khu vực riêng hoặc còn trở về nguyên tắc bảo hộ mậu dịch. Vì thế, từ năm 2001 đến nay, vòng đàm phán Doha của tổ chức WTO vẫn bị tắc nghẽn. 

- Riêng tại Hoa Kỳ thì kinh tế ít lệ thuộc vào ngoại thương nhờ kích thước quá lớn của thị trường nội địa mà lại là nguồn sống cho nhiều nước bán hàng vào Mỹ. Khi tiến vào Hiệp ước TPP thì Mỹ tin là lượng hàng mua bán với 11 đối tác trong vùng Thái Bình Dương có thể lên tới hơn 400 tỷ đô la một năm, riêng với Nhật là 200 tỷ, cho nên xứ nào tham dự thì dễ thành đồng minh nhờ xuất cảng vào Mỹ. Giữa thế cạnh tranh với Trung Quốc hay Nga thì Hiệp ước TPP có lợi về cả kinh tế lẫn chiến lược cho Hoa Kỳ.

RFI: Nếu như vậy thì tại sao từ năm 2009 đến nay, các nước đã qua 20 vòng đàm phán mà TPP chưa hoàn thành như dự tính? Phía Hoa Kỳ muốn những gì?  

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói chung, quốc gia nào cũng có một số ưu thế cần bảo vệ nên gặp mâu thuẫn với một xứ khác về ưu thế ấy. Thí dụ như giữa hai nước trong nhóm đang đàm phán về TPP là New Zealand với Canada thì có bất đồng về ưu thế nông sản và lương thực của chính họ. Khi muốn các xứ kia giải tỏa chế độ bảo vệ của họ thì mình cũng phải đáp ứng mà tháo gỡ hệ thống bảo hộ của mình làm những người được hưởng chế độ ấy ở nhà phải thay đổi. Như Thủ tướng Shinzo Abe cần tháo gỡ hệ thống bảo vệ nông sản để tiến hành cải cách ở nhà và cho Mỹ bán nông sản vào Nhật nhưng đổi lại thì doanh nghiệp xe hơi Nhật dễ bàn hàng qua Mỹ, v.v... 

- Có nền kinh tế cởi mở nhất, Hoa Kỳ chủ trương là các nước khác sẽ phải giải tỏa tối đa, thuế biểu tối thiểu, bỏ hạn ngạch nhập cảng, không hạn chế đầu tư và bảo vệ việc tiếp liệu cho khu vực chính phủ. Đi vào cụ thể, qua mấy trăm trang giấy và mấy chục tiết mục, Mỹ đòi các nước mở bung ba lĩnh vực là doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ và khu vực dịch vụ, nhất là dịch vụ tài chính. Muốn các nước đồng ý việc đó, Mỹ phải hạ thấp hàng rào quan thuế của mình với xe hơi và phụ tùng, nông sản, hàng dệt sợi may mặc và dịch vụ hàng hải xưa nay được một đạo luật cổ lỗ bảo vệ từ năm 1920 theo đó hàng hóa vận tải giữa các bến cảng Mỹ phải do tầu Mỹ chuyên chở, v.v....

RFI: Chính quyền Obama đang đàm phán việc đó với các nước thì gặp sự chống đối từ bên trong đảng Dân Chủ. Lập luận của phe chống Hiệp định TPP gồm có những gì? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đấy là tập hợp "bát nháo" và có nhiều mâu thuẫn nên khó thỏa mãn tất cả. Một số người vẫn chống toàn cầu hóa và kinh tế thị trường thì thời nào cũng phản đối. Một xu hướng mới nổi thì sợ ô nhiễm môi sinh và chống luôn tiến trình công nghiệp hóa. Nhiều người lại nói đến nhân quyền, dân chủ hay quyền bảo vệ lao động ở trong nước và các xứ khác sẽ bị xâm phạm. Một số thiên tả thì như mọi khi vẫn cho rằng các hiệp định mậu dịch chỉ là sự cấu kết của bọn tư bản. 

- Bỏ qua các yếu tố ý thức hệ mà nói về quyền lợi thì các nghiệp đoàn cho là nếu mở cửa cạnh tranh sẽ làm công nhân Mỹ mất việc. Các tổ hợp xe hơi thì e là nếu Mỹ muốn bán nông sản cho Nhật thì họ lại phải cạnh tranh với xe hơi và phụ tùng Nhật. Các tổ hợp dược phẩm thì sợ cạnh tranh với loại biệt dược gốc hay “médicaments génériques” của các nước sản xuất rẻ hơn khi quyền sở hữu chế tạo đã mãn hạn nên họ đòi bảo vệ quyền đó. Sau cùng, rất nhiều người chống vì một vấn đề thủ tục hay thể thức đàm phán. Họ cho là đại diện Hoa Kỳ giữ kín nội dung thương thuyết nên họ chẳng biết là phía Mỹ đang cam kết những gì.

RFI: Theo dõi các cuộc tranh luận bên Mỹ, anh phân tích thế nào về thái độ chống đối ấy? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Xưa nay, phe cực tả đảng Dân Chủ đã có truyền thống nghi ngờ kinh tế thị trường và tự do thương mại nên nêu ra nhiều lý do tách rời khỏi thực tế. Thí dụ điển hình là họ chống Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA với Cananda và Mexico năm 1994, thời Tổng thống Dân Chủ Bill Clinton, thông qua là nhờ lá phiếu Cộng Hòa, với lý luận là hiệp định làm dân Mỹ mất việc khi công ty Mỹ đầu tư qua Mexico. Sự thật thì 20 năm sau, các kinh tế gia đều khách quan thấy là chuyện đó có lợi cho kinh tế Mỹ và công nhân không mất việc vì có việc làm khác.

- Vấn đề thứ hai đang là thời sự là dự luật về thủ tục thương thuyết gọi tắt là TPA. Từ 1974, Mỹ có đạo luật cho Hành pháp rộng quyền thương thảo các hiệp định mậu dịch, đến khi hoàn thành thì đệ trình trọn gói cho Quốc hội phê chuẩn thay vì từng bước phải có sự kiểm soát và đồng ý của Quốc hội. Đạo luật gọi là “Fast Track” theo lối nhanh gọn ấy được tái tục năm năm một lần, nhưng Quốc hội Dân Chủ không tái tục từ năm 2012 trong khi Hành pháp Obama cần thủ tục đó để mau hoàn tất việc đàm phán Hiệp ước TPP và cả Hiệp ước với Âu Châu. 

- Từ hai tuần qua, các dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đã hoàn tất một dự luật gọi là TPA, sẽ đưa ra lưỡng viện biểu quyết để trở thành luật. Nhiều dân biểu nghị sĩ Dân Chủ bèn mở chiến dịch vận động chống dự luật này và chống lại cả lời kêu gọi thông qua của ông Obama. Vì dự luật TPA ấy, dân Mỹ mới thấy là đang có chuyện thương thảo Hiệp định TPP, với mâu thuẫn nặng ngay bên trong đảng Dân Chủ.

RFI: Năm tới Mỹ có bầu cử tổng thống và việc tranh cử đã khởi sự. Thế trận đánh hiện nay trong nội bộ đảng Dân Chủ có ảnh hưởng gì đến cuộc tranh cử ấy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vụ này gây bối rối cho phe Dân Chủ với Hillary Clinton đang là ứng viên sáng giá nhất mà lại có lập trường ủng hộ hiệp ước nhưng phải nín thinh. Nhìn rộng ra ngoài, tôi thấy vụ này làm thế giới thất vọng về Hoa Kỳ. Một sáng kiến ban đầu của bốn nước nhỏ được Mỹ chụp lấy, mở rộng thành một kế hoạch sẽ có ảnh hưởng lớn trong nhiều thập niên tới. Thế rồi đến khi có chút hy vọng thì nội tình nước Mỹ lại cãi cọ bát nháo mà ít ai để ý rằng cùng lúc đó, Liên bang Nga và Trung Quốc đang mời chào xứ khác vào cuộc chơi kinh tế của họ. Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ mất khả năng lãnh đạo kinh tế thế giới không vì sự yếu kém kinh tế mà vì trình độ quá thấp của giới chính trị, đa số chưa hề phải kiếm ăn trong kinh tế thị trường. Vụ Ngân hàng AIIB của Tầu vẫn chưa làm họ tỉnh ngộ thì quả là đáng buồn cười. 


5 nhận xét:

  1. Nặc danh30/4/15 9:21 CH

    Em thật sự vui mừng khi thấy chuyến thăm HoaKỳ tuần này cuả TT Shinzo Abe đã tạo ra được quan hệ tốt đẹp giưã Hoa Kỳ và Nhật Bản - đồng minh quân sự và hợp tác kinh tế. Những trở ngại, khó khăn trong đàm phán TPP là một chuyện bình thường, mỗi bên phải vì lợi ích cuả nước mình trước đã, sau đó mới xét đến sự tương nhượng để đi đến win-win. Bỏ qua một bên hết những lời ong tiếng ve, hy vọng Nhật Bản và HoaKỳ sẽ đem lại một giai đọan mới phát triển và thịnh vượng chung cho châu Á Thái Bình Dương.

    Trả lờiXóa
  2. Bác Nghĩa !


    Trong bài phân tích ở trên thì bác có nói có một nhóm những đảng viên Dân chủ thuộc phe Cực tả phản đối việc Tổng thống đầm phán để thành lập TPP, còn phía Đảng Cộng hòa thì lại ủng hộ . Hiện nay thì Đảng Cộng hoa lại nắm trọn Quốc hội Mỹ thì cháu nghĩ việc phản đối của một số đảng viên Dân chủ đó không ảnh hưởng nhiều chứ ạ ? Tại sao lại Quốc hội Mỹ chần chừ chưa thông qua đạo luật đó để hậu quả khi Thủ tướng Abe qua Mỹ không có những tiến bộ quan trọng nào trong việc đàm phán giữa Mỹ và Nhật.

    Cháu cảm ơn bác ạ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đảnng CH chiếm đa số tại cả hai viện nên có thể quyết định về nghị trình, như khi nào thì đưa dự luật TPA ra biểu quyết. Họ đang đếm sau khi thăm dò và thuyết phục. Tại Thượng viện thì dự luật dễ có đa số, tại Hạ viện gồm 435 Dân biểu thì khó hơn vì phải có đủ 218 phiếu. Cộng Hòa có 244 ghế, Dân Chủ 188, đại đa số là chống TPA và TPP. Nếu có vài chục Dân biểu CH cũng bỏ phiếu chống TPA vì không muốn ủng hộ Obama trong vụ này, hoặc vì mặc cả một vụ khác, thì có khi dự luật bị bác.

      Hiện nay, Obama đang có thuyết phục bên Dân Chủ, lãnh đạo CH thuyết phục bên phe mình, và thuyết phục cũng có nghĩa là đổi các một chuyện gi khác. Cuối tuần qua, Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Obama đã có báo cáo rất thuận lợi, tôi đang giải thích chuyện này, may ra thì vượt qua hàng rào của đám cực tả, với tôi là phản động nhất, của đảng Dân Chủ.

      Xóa
    2. Cháu cảm ơn bác !

      Bác Nghĩa ! Lúc nào rỗi bác có thể viết một bài phân tích tổng quan về bên cánh tả nước Mỹ ( phân tích sâu ở khía cạnh phe cực tả, trung tả, thiên tả ) và bên cánh hữu ( thiên hữu, trung hữu, cực hữu ) để cho cháu và độc giả có cái nhìn chung nhất về chính trị Hoa Kỳ?

      Tại sao đảng Dân chủ thuộc cánh được hiểu chung là lực lượng chính trị bảo vệ cho dân nghèo và người lao động...Còn đảng Cộng hòa cánh hữu có xu hướng bảo vệ cho tầng lớp tư sản. Nhưng ở chính trị nước Mỹ thì đảng Dân chủ lại là đảng nhận được nhiều tiền ủng hộ cho bầu cử từ tầng lớp tư sản hơn đảng CH ? Tại sao phần lớn báo chí nước Mỹ có xu hướng thiên tả ...?

      Cháu cảm ơn bác ạ

      Xóa
    3. Câu trả lời ngắn gọn cho đoạn 2 của Thành là đảng Dân Chủ khéo tuyên truyền, đến độ lưu manh, đảng Cộng Hòa thì khờ khạo cố chấp và truyền thông Mỹ thì thiên về cánh tả, như nhiều nghệ sĩ trí thức.

      Căn bản nhất là dân Mỹ quá ngây thơ, chứ không tinh ma như người bên ngoài vẫn hiểu. Khi tôi viết trong một bài khác, rằng dân da đen là nạn nhân của đảng Dân Chủ mà không biết thì nhiều người ngạc nhiên. Sẽ phải chầm chậm giải ảo!...

      Xóa