Thứ Ba, tháng 4 07, 2015

Sáng Kiến AIIB Của Trung Quốc



RFI Ngày 150307
Thanh Hà & Nguyễn-Xuân Nghĩa

Tẩy chay AIIB của Trung Quốc, một sai lầm của Mỹ?

* Chủ tịch Tập Cận Bình và đại biểu các nước tại lễ thành lập ngân hàng AIIB - năm ngoái * 


RFI: Bắc Kinh thành công trong việc thuyết phục quốc tế tham gia Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng AIIB. Phương Tây hấp tấp đăng ký xin gia nhập định chế tài chính trong tầm kiểm soát của Trung Quốc trước khi có được một chiến lược rõ ràng. AIIB là gì, vận hành ra sao và liệu có đe dọa sự độc quyền của Âu, Mỹ, Nhật trong hệ thống tài chính thế giới hay không?

Tính đến ngày 31/03/2015 bộ Tài chính Trung Quốc thông báo đã có 45 quốc gia nhận lời tham gia vào Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng AIIB, 31 nước trong số đó đòi được hưởng quy chế thành viên sáng lập.

Anh Quốc là đồng minh đầu tiên của Hoa Kỳ tuyên bố nhập cuộc, với hy vọng, thị trường tài chính Luân Đôn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn các đối thủ khác một khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trở thành một đơn vị tiền tệ quốc tế. Tại châu Âu, từ Pháp đến Đức, từ Nga đến Bồ Đào Nha đều đã hưởng ứng sáng kiến của Bắc Kinh.

Có 31 nước tại châu Á đòi được tham gia AIIB, kể cả 26 đồng minh thân thiết nhất của Washington như Hàn Quốc. Riêng Nhật Bản sẽ chỉ quyết định có tham dự hay không vào cuối tháng 6/2015. Về phần mình, Canberra không thể đứng ngoài khi Trung Quốc là một khách hàng lớn trong, nhập quặng mỏ, nhiên liệu của Úc.

Mỹ trông thấy các đồng minh then chốt của hưởng ứng sáng kiến của Trung Quốc. Washington một mặt xem AIIB là một công cụ để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ngoại giao, kinh tế, tài chính của mình. Mặt khác kêu gọi AIIB hợp tác với Ngân Hàng Thế Giới, một định chế đa quốc gia đặt dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ.

Ngân Hàng Đầu Tư Cơ sở Hạ Tầng AIIB là gì, cơ chế hoạt động của nó trong tương lai ra sao? Đâu là những ý đồ thực sự của Bắc Kinh với công cụ tài chính mới đó ? Có thực sự định chế tài chính này là một mối đe dọa trực tiếp đối với những Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hay Ngân Hàng Phát Triển Á Châu? Mỹ có đang tự cô lập mình hay không?

Từ Hoa Kỳ, chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa lần lượt trả lời các câu hỏi trên.  


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Được Bắc Kinh đưa ra lần đầu vào tháng10/2013 và đẩy mạnh từ tháng 6/2014, dự án thành lập một ngân hàng đầu tư để xây cất hạ tầng cơ sở cho các nước Châu Á chỉ là một sáng kiến nữa sau nhiều nỗ lực bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc và thu hẹp khả năng chi phối của Hoa Kỳ cùng các nước dân chủ Tây phương. Mọi sự có thể đã bắt đầu từ năm năm trước, năm 2010, khi sản lượng kinh tế Trung Quốc vượt Nhật Bản lên hạng nhì mà Hoa Kỳ và Âu Châu chưa ra khỏi những khó khăn kinh tế khởi đi từ vụ khủng hoảng năm 2008.

- Thời đó, trước biến động của khối euro, Bắc Kinh đề nghị tung tiền cấp cứu các nước mắc nợ và lâm khủng hoảng mà ngày nay nhiều người đã quên rồi. Sau đó, từ giữa năm 2012, Ngân hàng Trung ương Mỹ tuyên bố là sẽ “vuốt nhọn” chính sách bơm tiền để trở lại bình thường thì có một nguy cơ đặt ra là tiền Mỹ sẽ hết tuột giá mà còn tăng nếu Mỹ nâng lãi suất. Điều ấy có thể gây biến động hối đoái cho các nước đang phát triển đã vay tiền Mỹ quá nhiều. Bắc Kinh liền đề nghị lập ra một Quỹ Cấp cứu Tài chính “Contingent Reserve Arrangement - CRA” trị giá 100 tỷ đô để xứ nào bị khó khăn về hối đoái vì tiền Mỹ lên giá thì có thể được trợ giúp. Sáng kiến này mới trực tiếp cạnh tranh với chức năng cấp cứu tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Người ta sở dĩ quên sáng kiến CRA đó vì đồng thời Bắc Kinh còn đề nghị thành lập một ngân hàng phát triển giữa năm nước của nhóm BRICS là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi với số vốn là 100 trăm tỷ mà phần đóng góp nhiều nhất của Trung Quốc là 41 tỷ. Về sau, ngân hàng đó được cải danh là “Tân Khai Triển Ngân Hàng” hay Ngân hàng Phát triển mới, với mục tiêu cạnh tranh với Ngân Hàng Thế Giới là định chế vẫn do Mỹ chi phối.

RFI: Nhiều nhà quan sát cho là đề nghị thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Có Sở Hạ Tầng Châu Á của Bắc Kinh là nhằm cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân Hàng Thế Giới và cả Ngân Hàng Phát Triển Á châu. Anh nghĩ thế nào về ý kiến này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Người ta lười suy nghĩ hoặc quan sát bậy nên mới gây lầm lạc. Ngân hàng gọi tắt là AIIB này không có khả năng cùng lúc cạnh tranh với ba định chế quốc tế ở ba lĩnh vực khác nhau.

- Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế là định chế cấp cứu các nước nhất thời thiếu thanh khoản và bị khủng hoảng tài chính. Điều kiện cấp cứu là các nước lâm nạn phải tiến hành cải cách tài chính và ngân sách theo các tiêu chuẩn khắt khe mà ai cũng biết. Quỹ này vẫn do Hoa Kỳ chi phối thật nhưng không hoạt động trong các lãnh vực tài trợ phát triển hay đầu tư như các ngân hàng kia. Sáng kiến của Bắc Kinh khi lập ra quỹ cấp cứu CRA với 100 tỷ đô la mới trực tiếp cạnh tranh với Quỹ Tiền Tệ, nhưng thật ra chưa đủ sức nếu so với khả năng huy động của IMF là hơn 800 tỷ đô la. Vả lại, một trong những nước có thể bị khủng hoảng tài chính trong vài năm tới lại chính là Trung Quốc!

- Sang đến Ngân Hàng Thế Giới thì đây là ngân hàng phát triển, có khác với ngân hàng đầu tư mà ta sẽ nói sau. Ngân hàng phát triển có chức năng giúp đỡ về tín dụng nhẹ lãi và về kỹ thuật cho các nước đang phát triển, chủ yếu là thực hiện các dự án phát triển của nhà nước. Ngân hàng ấy có thể huy động vốn trên thị trường tài chính tư nhân để tài trợ hoạt động nhưng không vì mục tiêu kiếm lời. Cho nên không phải là Ngân hàng AIIB mà sáng kiến thành lập Ngân hàng BRICS hay Ngân hàng Phát triển Mới của Bắc Kinh mới cạnh tranh với Ngân Hàng Thế Giới và đấy là điều khôi hài cho thấy sự ngớ ngẩn của Hoa Kỳ.

RFI: Xin anh giải thích rõ hơn về nhận định này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Cho đến nay, Trung Quốc vẫn được Ngân Hàng Thế Giới tài trợ, đấy mới là chuyện lạ. Trong nhiều thập niên, định chế này lại triệt để nâng đỡ Trung Quốc, kể cả thực hiện các dự án gây tai tiếng và tai họa môi sinh, và thường đưa ra nhận định quá lạc quan về kinh tế Trung Quốc.

- Một chuyên gia kinh tế của Trung Quốc là hay Lâm Nghị Phu (Justin Yfu Lin), từ Đài Loan đào thoát qua Hoa lục, đã là kinh tế trưởng và Phó Chủ tịch Điều hành của Ngân Hàng Thế Giới cho đến giữa năm 2012. Định chế này rất được việc cho Bắc Kinh mà chẳng lẽ người Mỹ không biết?

- Dù có thể chỉ định người làm Chủ tịch, thật ra Hoa Ky không ráo riết chi phối hoạt động của định chế này và việc cải tổ Ngân Hàng Thế Giới vẫn là nhu cầu chính đáng. Nhưng dù sao, với số vốn dự trù là 100 tỷ thì Ngân hàng BRICS cũng chưa thể sánh với hơn 200 tỷ của Ngân Hàng Thế Giới hay hơn 330 tỷ của Ngân hàng Đầu tư Âu châu. Chưa kể là bên trong, năm nước thành viên của Ngân hàng BRICS lại có nhiều dị biệt về quan điểm và quyền lợi cho nên sáng kiến này chỉ hấp dẫn cho các nhà báo mà thôi.

RFI: Trở về với AIIB, thưa anh, đấy là một ngân hàng phát triển như anh vừa trình bày hay là một ngân hàng đầu tư như tên gọi, và nó sẽ vận hành ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Câu hỏi này cho thấy sự nhập nhằng của ngôn ngữ. Các quốc gia đều có ngân hàng đầu tư của tư nhân với mục tiêu kiếm lời, có khác với các ngân hàng phát triển của quốc tế.

- Bắc Kinh đặt tên ngân hàng này là “đầu tư” để có vẻ khác với Ngân hàng Phát triển mới của nhóm BRICS cũng do họ đề nghị trước đấy. Nhưng có khi ngân hàng AIIB cũng sẽ hoạt động khác. Bắc Kinh trù tính là sau khi mời các nước tham dự với tư cách “sáng lập viên”, và còn nói thêm rằng họ sẽ không giữ quyền phủ quyết, thì cuối năm 2015 ngân hàng AIIB mới bắt đầu hoạt động. Từ nay đến đó, các nước tham dự phải góp phần soạn thảo điều lệ, thể thức quyết định và tiêu chuẩn nghiệp vụ. Đến lúc bấy giờ người ta mới có cơ sở thẩm định về sự vận hành của ngân hàng này. Nhưng ta có thể nêu vài trường hợp sau đây để suy ngẫm về sáng kiến đó của Trung Quốc.

- Từ lâu rồi, Trung Quốc đưa nhiều tập đoàn quốc doanh ra ngoài thực hiện các dự án năng lượng và hạ tầng như cầu đường, hỏa xa hay bến cảng cho xứ khác. Với ngân hàng AIIB có 100 tỷ đô la thì các tập đoàn quốc doanh của họ có ưu thế gì nếu so với các công ty xây cất của xứ khác? Thí dụ Indonesia muốn thực hiện một dự án xa lộ hay hàng hải nối liền các đảo của mình theo thể thức BOT, là xây dựng, khai thác rồi chuyển giao cho chính quyền làm chủ sau một thời gian điều hành để kiếm lời. Sau khi gọi thầu thì một tổ hợp Hàn Quốc trúng thầu cho dự án đó. Tới khi Jakarta xin ngân hàng AIIB tài trợ dự án này vì những lợi ích kinh tế rõ rệt, liệu tổ hợp Hàn Quốc có thể bị gạt ra ngoài để nhường cho một doanh nghiệp Trung Quốc không?

- Và nói đến hạ tầng thì cũng có chuyện bảo vệ môi sinh, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể bị thẩm tra lại về khả năng bảo vệ môi sinh hay không sau khi đã gây quá nhiều tai nạn chết người ở trong nước? Khi soạn thảo dự án thành lập, chuyên gia của các nước có quyền và rất nên nhìn vào đó.

RFI: Theo Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB thì trong vòng 10 năm, từ 2010 đến 2020, các nước Châu Á cần đến 8000 tỷ đô la để xây dựng hạ tầng, tức là một năm thì cần tới 800 tỷ đô la. Với Ngân hàng Hạ tầng AIIB chỉ có 100 tỷ thì liệu họ có khả năng gì? 

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Phúc trình của Ngân hàng Phát triển Á châu ADB thật ra cũng đã cũ vì năm nay là 2015, là phân nửa thời gian đó! Dù sao, chi tiết ấy cũng có ích vì đặt ra một vấn đề thật, đó là tiền đâu? Xứ nào huy động được tiền, từ lãnh vực công quyền hay tư nhân, từ tín dụng đầu tư hay phát triển của quốc tế, thì giải quyết được nhu cầu của mình.

- Nhìn ngược lại, Trung Quốc hay bất cứ nước nào mà có nhiều tiền trên thị trường thì sẽ có ảnh hưởng và xét như vậy thì dự án ngân hàng AIIB này chẳng phải là lớn để thiên hạ cứ tri hô về thế lực của Bắc Kinh, chưa nói đến núi nợ quá lớn của Trung Quốc, có thể đã lên tới 26 hay 28 ngàn tỷ đô la.

RFI: Quan điểm của Hoa Kỳ là gì? Tại sao chính quyền Obama vẫn chống dự án này của Bắc Kinh? Phải chăng AIIB xuất phát từ một sai lầm của phương Tây mà đứng đầu là Mỹ không cho Trung Quốc tham gia rộng rãi vào Ngân Hàng Thế Giới? 

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chính quyền Barack Obama nói rất giỏi và chỉ giỏi nói mà thôi. Chính quyền này đưa ra khái niệm “quyền lực mềm” nhằm gia tăng ảnh hưởng của nước Mỹ mà khỏi dùng tới sức mạnh. Nào ngờ là chính Trung Quốc mới tận dụng cả quyền lực cứng lẫn mềm, trong khi Hoa Kỳ chỉ phô ra quyền lực mềm oặt trước những vận động liên tục và sáng kiến tới tấp của Bắc Kinh.

- Rốt cuộc thì chính các nước đồng minh của Hoa Kỳ đều hợp tác với Trung Quốc trong dự án AIIB này mặc dù các nước đó đều chia sẻ ảnh hưởng rất lớn trong cấu trúc tài chính quốc tế là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới.

- Về chính trị thì tôi cho rằng vụ AIIB là điều hay vì là hồi chuông cảnh báo dân Mỹ về uy tín và khả năng tác động rất tồi tệ và không đáng tin của nước Mỹ. Về kinh tế thì dự án ngân hàng này cũng giới hạn thôi trong khi Trung Quốc lại gặp nhiều khó khăn nan giải khác. Còn lại, việc cải tổ hay mở rộng cấu trúc tài chính của Quỹ Tiền Tệ và Ngân Hàng Thế Giới thì xin để một kỳ khác.

RFI xin cảm ơn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.

4 nhận xét:

  1. Bác Nghĩa cho cháu hỏi là những nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức sốt sắng muốn trở thành thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á có phải vì giới tài chính Châu Âu muốn giành quyền kiểm soát AIIB khi Trung Quốc gặp khủng hoảng tài chính không bác ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin theo mạch dẫn vào một chương trình truyền hình mới của Saigon TV, từ nhiều tuần nay đã phả bớt những màn khói ảo tương tự như chuyện AIIB này

      https://www.youtube.com/watch?v=XmPS0fxOGO8

      Xóa
  2. Thưa chú, Xuân Nghĩa!

    Chú cho cháu hỏi là, những nước như chú đề cập ở trên, họ tham gia vào AIIB thì họ được ích lợi gì?

    Cháu cảm ơn chú!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một ngân hàng như thế này sẽ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở tại Á Châu. Khi tham gia thì các nước có thể được vay tiền hoặc được là nguồn cung cấp tín dụng và kỹ thuật (các doanh nghiệp đấu thầu) để thực hiện các dự án đó. Á Châu cần một năm 1000 tỷ đô la cho các dự án hạ tầng (ước tính 800 tỷ là của Ngân hàng Phát triển Á châu từ hơn năm năm về trước rồi).

      Cũng về đề tài này, xin theo dõi trên You Tube phần trao đổi của tôi với Bích Trâm trên màn ảnh Saigon TV:

      https://www.youtube.com/watch?v=XmPS0fxOGO8

      Xóa