Thứ Tư, tháng 4 22, 2015

Lời Vàng Của Họ Lý



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tuần báo Sống Ngày 150421
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

Lý Quang Diệu vẫn có lý: “Ghê Tởm” và “Thú Vật”  

* Thủ tướng Margaret Thatcher và Lý Quang Diệu - 1985 *



Hôm 23 Tháng Ba, quốc phụ của Singapore là Lý Quang Diệu qua đời. Trừ phi ở trên hoang đảo hay một hành tinh khác thì người Việt nào cũng biết tin này. Bà con trong nước còn bị bội thực và bão hòa về mối giao tình của ông Lý với lãnh đạo Hà Nội.

Con Tạo hay ông Trời – chắc là ông, chứ đàn bà thì không quái như vậy – vốn chơi khăm nên cho ông ra đi một tháng trước khi người Việt ghi nhớ biến cố 1975, đúng 40 năm trước. Vì thế, các cây bút đa sự đều gãi đầu đến rụng tóc để liên kết hai chuyện ấy với nhau….

Khách có kẻ cứ đến tuần là ôm vò rượu cùng mấy gói đồ nhậu tới nhà người viết. Đặt vò rượu lên quầy, khách có cái cười khẩy làm cho Ba Giai Tú Xuất đất Hà thành ngày xưa phải đỏ mặt vì thẹn: “Nhà em rụng hết tóc rồi, nên khỏi gãi. Chứ với mái tóc bồng bềnh và cái đầu quý quải thì nhà bác sẽ cột thế nào chuyện ông Lý của người vào cái đận 30 Tháng Tư của ta?”

Đểu siêu hạng!

Thì đây.


***



Theo phép người xưa, làm gì thì cũng phải dẫn câu “Tử viết” – thầy nói. Với nhiều người thì ông Lý là bậc thầy, và ông không chỉ nói mà còn viết hồi ký nữa. Vì vậy, xin nói chuyện “Lý viết”.

Đây là nhận xét của Lý Quang Diệu về biến cố 1975: “Dù việc Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam đã thất bại, nhưng việc ấy đã mua thời gian cho phần còn lại của Đông Nam Á.”

Khách cau mày hỏi gặng: “Ông Lý viết vậy chứ ai đã trả cho chuyện mua bán ấy?”  - Còn ai trồng khoai đất này? Dân ta chứ ai!

Cũng trong cuốn Hồi ký (tập hai, xuất bản năm 2000) có tựa đề là From Third World to First – The Singapore Story 1965-2000”, Lý Quang Diệu nhắc lại như sau:

Năm 1965, khi quân đội Mỹ ào ạt vào miền Nam Việt Nam thì Thái Lan, Mã Lai Á và Phi Luật Tân đang bị đe dọa bên trong từ các nhóm võ trang nổi loạn của cộng sản. Và các cơ sở chìm của cộng sản vẫn hoạt động tại Singapore. Việc Hoa Kỳ vào Việt Nam đã giúp các nước không cộng sản tại Đông Nam Á có cơ hội chấn chỉnh nội tình. Đến năm 1975 thì tình hình các xứ này đã khả quan hơn nên họ có thể đương cự cộng sản (!).

Xin thành thật khai báo rằng chấm than ở trên đây là của người viết. Nhưng ông Lý còn đi xa hơn vậy khi nhận xét:

Nếu như Hoa Kỳ không can thiệp [vào Việt Nam] thì ý chí chống cự của các quốc gia này có thể tiêu mòn và nhiều phần thì Đông Nam Á biến thành cộng sản. Các nền kinh tế thị trường mới nổi của khối ASEAN đã được nuôi nấng trong những năm chiến tranh Việt Nam.

Nuôi nấng bằng gì? Xương máu người Việt ư? Đau thật! Khách ngậm ngùi ôm vò rượu trông như quảng cáo sữa Mẹ Bồng Con.

Đau nhất là sau khi mồ côi Liên Xô và chưa kịp lăn vào vòng tay chờ đợi của Bắc Kinh, Hà Nội đã ôm hôn thắm thiết Lý Quang Diệu. Hai chục năm sau khi đảng ta ca bài đại thắng thì Việt Nam được gia nhập khối ASEAN này, vào năm 1995! Ngày nay, cả nước được nghe kể rằng Lý Quang Diệu đánh giá lãnh đạo Việt Nam cao như thế nào.

Toàn những lời nức nở.


***


Nức nở nhất mà người dân đã quên rồi là thái độ của Singapore và lập trường của Lý Quang Diệu về hồ sơ thuyền nhân Việt Nam.

Sau khi làn sóng thuyền nhân bùng phát, chế độ Hà Nội bèn nương theo tổ chức chương trình “bán chính thức” cho đám người Việt gốc Hoa mà họ muốn đẩy ra ngoài sau khi tống tiền thật đậm. Mỗi người mấy lượng vàng chứ không ít. Thấy công cuộc làm ăn khấm khá, công an của nhiều tỉnh bèn ăn theo từ gốc: nhận vàng để làm giấy tờ cho người giả là gốc Hoa, rồi mới cho phép đóng ghe vượt biên theo diện bán chính thức.

Làn sóng thuyền nhân dồn dập đã gây sốc cho các nước Đông Nam Á, dội đến tận Úc Châu và lan tới Anh quốc.

Là đảo quốc đất chật người đông, tài nguyên không có trừ cái đầu trên, Singapore không nhận người vượt biển đi tìm tự do như mấy xứ lân bang. Cùng lắm thì chỉ cho một số rất nhỏ tạm trú ngắn hạn khi được một xứ khác, hoặc Cao ủy Tỵ nạn HCR của Liên hiệp quốc, nhận vào xứ khác.

Vì vậy, thời đó, ông Lý bị coi là thiếu từ tâm. May là năm 1979 có một thuyền tỵ nạn được thương thuyền Roach Bank của Anh vớt được trên đường tới Đài Loan.

Nói rằng “may” là vì đấy là cơ hội đặt cái tâm cho đúng chỗ.

Đài Loan quyết liệt từ chối nhận nạn dân Việt Nam do tầu hàng của Anh muốn đổ cho mình. Chuyện gay go đến độ Thủ tướng Anh là Margaret Thatcher phải cầu cứu Lý Quang Diệu. Nhờ ông nói với Đài Loan nhận dùm.

Nhà văn Phạm Thị Hoài là người tìm ra thư hồi đáp của ông Lý cho bà Thatcher trong thư khố của Margaret Thatcher Foundation. Và còn phiên dịch lá thư như sau (xin cảm tạ Phạm Thị Hoài):

Ngày 5/6/1979

Thưa Thủ tướng,

Cảm ơn bà về bức thư ngày 30 tháng Năm.

Vấn đề người tị nạn này rất nghiêm trọng và có lẽ sẽ còn tồi tệ hơn.

Tháng trước, tại một hội nghị quốc tế ở Jakarta [Indonesia] ngày 15-16 tháng Năm, đại diện Việt Nam đã tuyên bố rằng Việt Nam sẽ cho phép 10.000 người di tản hợp pháp mỗi tháng. Ông ta ước chừng dè dặt là có khoảng 600.000 người muốn ra đi. Phần lớn cho rằng con số ấy có thể lên đến gần một triệu.

Bà có đề nghị tôi thỉnh nguyện chính phủ Đài Loan nhận những người tị nạn trên con tàu "Roach Bank". Vì quan điểm của chính nước tôi trong vấn đề người tị nạn Việt Nam, tôi không thực sự là người thích hợp để đưa ra yêu cầu đó. Chính sách của Đài Loan không khác gì chính sách của Singapore. Tuy nhiên, tôi sẽ đề nghị họ cân nhắc việc đưa ra một ngoại lệ, ngoại lệ duy nhất, cho những người tị nạn trên tàu "Roach Bank". Tôi không lạc quan về kết quả, vì tôi biết rằng nếu họ chấp nhận thì cử chỉ đó sẽ kéo theo hàng ngàn người tị nạn khác.

Tôi tin rằng những tin tức về vấn đề người tị nạn trên truyền thông và từ các phát ngôn viên của các chính phủ phương Tây chỉ làm lợi cho chính quyền Việt Nam. Chú trọng vào những giải pháp có thể đặt ra, chẳng hạn nước nào sẽ đảm nhận những người tị nạn nào và bao nhiêu, truyền thông đã biến họ thành đối tượng cho sự đổ lỗi lẫn nhau giữa các chính quyền phi cộng sản. Các nước này sẽ đảm bảo được quyền lợi của mình hơn, nếu tập trung năng lượng vào việc vạch trần sự bỉ ổi của chính quyền Việt Nam. Phải nói, phải nhắc đi nhắc lại, cho nhân dân và các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới biết rằng chính quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính là kẻ tích cực xúc tiến cuộc di tản ồ ạt này, gây thiệt hại nặng nề cho các nước Đông Nam Á.

Chúng ta phải đẩy họ vào thế thủ. Các nhà lãnh đạo Việt Nam không phải là những kẻ điên rồ vô lý như kiểu Idi Amin [nhà độc tài xứ Uganda của Châu Phi]. Họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề biết động lòng với chính đồng bào mình, nhưng họ làm phép tính giữa chi phí và lời lãi thu về thì rất nhanh. Chỉ có nguy cơ bị cộng đồng quốc tế ruồng bỏ mới khiến họ phải suy xét lại đường lối hiện tại. Từ giờ đến lúc đó, họ sẽ còn tung ra hàng ngàn người tị nạn mỗi tuần.

Kính thư

Lý Quang Diệu


Chúng ta có một đánh giá chính thức và chính xác của Lý Quang Diệu về lãnh đạo Hà Nội: “Bỉ Ổi. Họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề biết động lòng với chính đồng bào mình”. Chi tiết này thì người Hà Nội lại quên, hay đã ung dung tự xóa trong ký ức tập thể.

Khách ngồi bên bỗng đỏ ngầu đôi mắt: Trong thảm cảnh thuyền nhân của ta ba thập niên trước thì giữa cái tội thiếu từ tâm của Lý Quang Diệu với cái tội thừa độc ác của Hà Nội, cái nào nhẹ như lông chim hồng, cái nào nặng tựa núi Thái Sơn?

Chưa hết đâu. “Lý viết” còn dài!


***


Tại buổi dạ tiệc mừng Thủ tướng Gia Nã Đại là Pierre Trudeau vào ngày tám Tháng Giêng năm 1983, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã nhắc đến giao tình lâu đời giữa hai người, từ năm 1968, và nức nở ngợi ca thành tích của ông Trudeau. Nhưng trong bài diễn văn trước khi nâng ly, Việt Nam cũng có chỗ đứng chói lọi. Đôi khi chữ “lọi” cũng có nghĩa là lọt ra ngoài khớp. Hay chẳng giống ai!

Hãy nghe Lý Quang Diệu nhắc tới lần trước, khi Thủ tướng Canada thăm viếng Đông Nam Á vào năm 1971.

“Thưa Thủ tướng, nhiều chuyện đã thay đổi từ lần cuối mà ngài thăm viếng khu vực này. Ngày nay, Đông Nam Á đã khác; là một thế giới khác. Lần trước, khi ngài dự hội nghị các nguyên thủ của tổ chức Thịnh vượng chung vào năm 1971, việc hai chiến hạm Liên Xô xuất hiện tại Eo biển Singapore đã gây chấn động. Ngày nay, sự hiện diện của hạm đội Xô viết trên vùng biển này, nhờ các căn cứ ở Việt Nam, đã thành lẽ thường tình. Năm 1971, khi cuộc chiến dai dẳng tại Việt Nam đang lắng dần, nhiều người đã dại khờ tin rằng việc Hoa Kỳ chấm dứt can thiệp có thể đem lại hòa bình cho vùng này. Ngày nay thì mình thấy rõ hơn. Nạn tắm máu tại Đông Dương vẫn tiếp tục vì Việt Nam, nhờ hậu thuẫn của Liên bang Xô viết, đã mở cuộc chiến qua Cambốt để thống trị xứ này.”

Theo truyền thống và tầm nhìn, Lý Quang Diệu trình bày với Thủ tướng Trudeau cục diện quốc tế tại Đông Nam Á và ca tụng Canada bằng một cú đà đao... thấu phổi Hà Nội.

Việc Canada yểm trợ nỗ lực của ASEAN để mưu tìm giải pháp chính trị cho cuộc chiến tại Cambốt là một sự cam kết vững mạnh và bền bỉ. Việc Canada mở cửa và đón nhận khoảng 85 ngàn thuyền nhân từ Đông Dương là một kinh nghiệm làm những kẻ lạnh lùng tính toán nhất cũng phải bồi hồi. Canada không như những kẻ đã dạy luân lý cho nước Mỹ về cuộc chiến tại Việt Nam mà họ lại chẳng làm gì cho các thuyền nhân khi một chế độ cộng sản có hành động ghê tởm và thú vật với chính người dân của họ. Vì vậy, chúng tôi kính trọng Canada.

Nhiều người có thể phẫn uất như Tú Bà phải cọc - và lồng lộn chất vấn: ông Lý thần tượng của chúng tôi mà nói vậy trong buổi quốc yến khoản đãi Thủ tướng Canada?

Xin cứ vào Thư khố Quốc gia của Singapore để tìm ra lời vàng ý ngọc đó của Lý Quang Diệu.

Người viết này vốn có công tâm nên phải tra Từ điển Anh-Việt của Viện Ngôn Ngữ Hà Nội cho vô tư. Bộ từ điển này dịch hai chữ “nasty” và “brutish” là “ghê tởm” và “thú vật”.

Thú thật!


_____________

Đài truyền hình Saigon TV có chương trình Bên Kia Màn Khói do Bích Trâm phụ trách đã đề cập tới chuyện này. Muốn theo dõi, xin vào https://www.youtube.com/watch?v=hy73rdL1gOQ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét