Ngân hàng AIIB của Bắc Kinh và chuyện thất kinh của truyền thông
* Khi truyền thông trổ tài nịnh hót *
Quý độc giả chịu khó đọc bài này thì sẽ hiểu vì sao làm
truyền thông lại dễ hơn làm chánh sách, dễ nhất trong các cái dễ là dễ… nói bậy.
Truyền thông nói bậy thì… năm phút sau hết tội vì được khán
thính độc giả lãng quên khi lại có thêm tin mới theo kiểu “sông Trường giang sóng
sau dồn sóng trước”. Làm chánh sách mà bậy là gieo họa cho người khác, vì thế
việc gì, trên nguyên tắc, cũng phải đắn đo cân nhắc. Trừ phi ta ngồi ở Ba Đình nhởn
nhơ quyết định chặt cây bán nước.
Về bối cảnh nhé.
Lãnh đạo Trung Quốc có sáng kiến lập ra Ngân hàng Đầu tư
Hạ tầng Cơ sở Á châu, gọi theo Anh ngữ là Asian
Infrastructure Investment Bank hay AIIB. Họ đề nghị từ Tháng 10 năm kia, thúc
đẩy giữa năm ngoái và kỳ hạn để nhiều quốc gia tham dự định chế này với tư cách
“sáng lập viên” là cuối Tháng Ba vừa qua. Chẳng mấy ai trong hệ thống truyền thông
quốc tế đã nhắc nhở hay giải thích sáng kiến này của Tập Cận Bình, như cả chục
sáng kiến khác được Bắc Kinh dồn dập đưa ra từ mấy năm nay.
Đã ít theo dõi rồi, truyền thông lại còn lụp chụp. Từ giữa
Tháng Ba tới cao điểm là hội nghị Bác Ngao vào cuối Tháng Ba, truyền thông quốc
tế thổi chuyện này lên mây khi Anh quốc nhận lời tham gia sáng kiến AIIB dù Chính
quyền Barack Obama om xòm can gián.
Khách có kẻ nhảy vào bàn: “Nhà bác nói Bác Ngao thì cái đó
là gì vậy?”
Thêm một chứng cớ rành rành về sự thiếu hiểu biết của nhà
báo khiến khách mới thắc mắc!
Từ năm 1971, các nước Âu Châu lập ra một hội nghị quốc tế
về kinh tế và kinh doanh tại trị trấn nghỉ mát Davos của xứ Thụy Sĩ. Từ đó hàng
năm mới có “Thượng đỉnh Kinh tế Davos” quy tụ mấy ngàn lãnh đạo chính trị và
kinh doanh của toàn cầu đến đọc tham luận và trao đổi ý kiến trong khung cảnh
tráng lệ, bên ngoài sự lầm than của thế giới.
Vì thế, năm 1998, Tổng thống Phi Luật Tân, Thủ tướng Úc và
Thủ tướng Nhật đề nghị tổ chức một diễn đàn tham luận tương tự về kinh tế Á Châu.
Sáng kiến được Bắc Kinh tức thời hưởng ứng, còn sốt sắng làm thân khuyển mã để
các thầy bàn quốc tế cưỡi ngựa xem hoa. Lần đầu tiên vào Tháng Hai năm 2001.
Nhờ sự tận tụy của Bắc Kinh, từ năm 2002 mới có diễn đàn
tham luận về Á Châu, được tổ chức tại Bác Ngao của tỉnh (đảo) Hải Nam, một ấn bản
da vàng của Thượng đỉnh Kinh tế Davos. Nghị trình thì do viên thư ký – nói văn
hoa là “Bí thư” – đảm nhiệm. Các ban bệ của Bí thư Trung Quốc lập ra một diễn đàn
biểu dương sức mạnh Á Châu, do Bắc Kinh lãnh đạo!
Khách tấm tắc ngợi khen.
Đúng là trong “Tam thập lục kế” thì đấy là kế “Phản khách
vi chủ”. Kinh doanh có thuật đi vay, kinh tế chính trị thì có đòn đi mượn ý. Bi
hài nhất là ba nước đề nghị chuyện ấy là Phi, Úc, Nhật thì đang lật bật về cái
lưỡi bò của Bắc Kinh!
Trở lại chuyện Châu Á há mồm thì sau khi Anh quốc của Nữ
hoàng ngồi xổm lên lời can của Nội các Obama mà ủng hộ sáng kiến AIIB và xé rào
cho hàng loạt đồng minh khác của Mỹ nhảy vào, giới bình luận Á châu bèn kết luận về ngày
tàn của nước Mỹ và kỷ nguyên mới của Trung Quốc.
Singapore không chỉ có túi khôn là Lý Quang Diệu. Còn có
tác giả của một bài bình luận hôm 16 Tháng Ba vừa qua về vụ AIIB: “quyết định của Anh
mang tính thời đại, báo hiệu sự cáo chung của Thế kỷ Hoa Kỳ, và sự xuất hiện của
Thế kỷ Á châu!” Ông ta là Giáo sư Kishore Mahbubani khét tiếng, Khoa trưởng Đại học Lý
Quang Diệu về Chính sách Công quyền – Lee
Kuan Yew School of Public Policy.
Rất đáng cầm đầu trường Đảng Nguyễn Ái Quốc vì ngu có bằng
cấp và dốt có đẳng trật!
Cho nên, dù đã được đài truyền hình Saigon TV (chương trình
“Bên kia màn khói” của Bích Trâm), đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI - chương trình
“Tạp chí Kinh tế” của Thanh Hà) và đài Á châu Tự do RFA phỏng vấn, người viết tầm
thường này vẫn phải trở lại AIIB.
Như mọi khi, xin nhập đề bằng…kết luận: Sáng kiến AIIB là trò con ếch muốn to bằng
con bò.
***
Sở dĩ nó thành to chuyện là nhờ truyền thông.
Một đàn bò cùng thổi ống đu đủ như một dàn bát âm dưới cây
đũa của nhạc trưởng Bắc Kinh. Hào kiệt nào minh diễn được ẩn dụ ly kỳ này bằng
một tấm hý họa thì người viết xin mời đi ăn quán cơm bà Cả Đọi, bảo đảm là có cả
cà cuống.
Lỡ viết rồi thì phải giải thích, mà không quá dài, vì sức
tập trung của chúng ta có hạn, lại quen món mỳ ăn liền của truyền thông. Trước
hết, hãy nói đến cái trớn của Trung Quốc.
Trong 70 năm qua, từ sau Thế chiến II đến nay, đã có mấy
chục trường hợp được tôn là “kỳ diệu kinh tế” khi tăng trưởng nhanh, trong vài
thập niên đã từ đang phát triển tới vị trí “tân hưng” v.v… Trong bảng phong thần
ấy, có “Việt Nam rồng cọp” với cái dạng kỳ nhông cắc ké. Và chói lọi hơn cả là
trường hợp tăng trưởng vi vút của Trung Quốc.
Trật hết!
Trong ba tá phép lạ ấy, chỉ có hai ngoại lệ xứng danh kỳ
diệu là Đại Hàn Dân Quốc và Trung Hoa Dân Quốc, truyền thông gọi cho gọn là Nam
Hàn và Đài Loan. (Singapore là một “đảo quốc”, “cảng quốc” hay “thành quốc” đặc
biệt quá nhỏ, y như Hong Kong, nên không được kể trong danh mục ấy). Ngẫu nhiên
sao khi Nam Hàn và Đài Loan đều tự chuyển hóa sang dân chủ!
Chẳng ngẫu nhiên, như nhiều quốc gia khác sau mấy chục năm
rạng ngời, cả hai xứ này đều đã bị khủng hoảng mà vẫn tiếp tục vươn lên. Lại còn
mạnh hơn trước là nhờ có dân chủ. Dân bầu lên một lớp lãnh đạo khác để cải cách
đường lối và tiếp tục tạo điều kiện cho thị trường và tư nhân phát triển. Trung
Quốc thì không. Một số người lạc quan, đông lắm, thì bảo rằng chưa!
Thứ hai, sau ba chục năm tăng trưởng, như nhiều xứ đi trước,
Nhật Bản 1990, Mễ Tây Cơ 1994, Nam Hàn 1997 hay Đài Loan 2000, Trung Quốc đã hụt
hơi và rơi vào mé vực. Cho nên Bắc Kinh phải cải cách để chuyển hướng, mà chưa
chắc đã được. Thiếu dân chủ là một trở ngại - một thôi!
Khi cần chuyển hướng từ đòn bảy là đầu tư và xuất cảng
qua lực đẩy khác là tiêu thụ nội địa, Trung Quốc bỗng lộ nguyên hình là Chúa Chổm.
Nợ tổng cộng tương đương hơn 28 ngàn tỷ đô la. Trong bối cảnh ấy, việc Bắc Kinh
phe phẩy 100 tỷ đô la tí tẹo thì chỉ hấp dẫn như món ếch chiên bơ.
Điều thứ ba, thế giới lại không bị nạn thiếu vốn hay kẹt
thanh khoản. Trái lại, có quá nhiều tư bản dư dôi đang tìm bến đậu ra tiền. Luồng
chảy cuồng làm lãi suất bò ngang mặt đất. Giữa vùng lênh láng, dự án trăm tỷ của
AIIB chỉ là gáo nước! Vậy mà nhiều nước sốt sắng tham gia.
Họ mong là tìm thấy trong đó cơ hội kiếm lời khả quan hơn
cho tư bản của mình. Có bị tay chân của Bắc Kinh móc túi dọc đường thì vẫn là “bói
rẻ còn hơn ngồi không”. Chuyện ấy mới cho thấy sự tuyệt vọng của nhiều quốc gia.
Các đại gia đang nhập sòng bầu cua cá cọp của Bắc Kinh để kiếm tí tiền lẻ.
Và truyền thông hí hửng đánh trống thổi kèn cho rậm đám!
***
Triết gia đang lim dim bên cạnh người viết bỗng choàng dậy
đập bàn như trong một công án Thiền: “Đòn AIIB mới chỉ là đưa pháo sang sông!”
Chả vậy mà nhiều chiến lược gia mới tri hô rằng Bắc Kinh
thi đua lập ra các định chế sẽ thay Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay Ngân hàng Thế giới
do Mỹ lũng đoạn? Các chiến lược gia này đáng được Giải Nobel Kinh tế của loài
bò.
Đúng, Bắc Kinh muốn vậy. Và ta bước qua chuyện con bò thì mới
sáng chuyện!
Kinh tế Hoa Kỳ đã lên hàng số một từ thời… Tự Đức còn
đóng tã, khi Âu Châu đã khuất phục các nước Châu Á, rồi giết nhau tưng bừng qua
ba đợt 1870, 1914 và 1939.
Sau khi Mỹ là đệ nhất kinh tế, trong hơn nửa thế kỷ, thế
giới vẫn sử dụng các ngoại tệ dự trữ phổ biến là đồng Bảng Anh, Phật lăng Pháp
hay Đức Mã. Mỹ kim chỉ được chiếu cố từ sau Thế chiến I rồi trở thành ngoại tệ
chính từ sau Thế chiến II. Sức mạnh kinh tế đi trước sức mạnh của đồng tiền,
Chính những hỗn loạn kinh tế giữa hai Thế chiến – từ 1929
đến 1939 - mới khiến Hoa Kỳ giữ vai trưởng tràng và lập ra kiến trúc tài chánh
mới để vừa tái thiết Âu Châu vừa hứng đỡ những biến động ngoại thương và hối đoái
của các nước. Mỹ kim lên ngôi bá chủ vì Mỹ có thị trường lớn, đủ sâu và lỏng để
chống đỡ những dằn xóc quốc tế.
Hoa Kỳ chỉ buông tay từ Tháng Tám năm 1971 khi Richard
Nixon bứt neo cho thả nổi đồng đô la. Nhưng từ đó đến nay, chưa thấy người hùng
nào khác đứng ra cáng đáng việc ấy.
Khách ngẩn ngơ hỏi vặn: “Nhà bác làm như nước Mỹ này thương
xót thiên hạ nên ôm lấy gánh nặng! Người ta bảo rằng nhờ đó mà Mỹ tự do in bạc
ra xài vô tội vạ sao? Và Bắc Kinh nhập cuộc chỉ vì Hoa Kỳ vẫn còn nắm chắc hai
cột trụ tài chánh của kiến trúc năm xưa.
Lại lộn đầu tương quan nhân quả rồi.
Một là Mỹ kim có chế độ tự do giao hoán, tha hồ đổi. Hai
là vì giữ vị trí của ngoại tệ giao hoán và dự trữ phổ biến nhất, tờ bạc xanh là
hầm an toàn. Ai muốn giữ giá tài sản là đổi tiền ra Mỹ kim. Đổi cái gì ra Mỹ
kim? Đổi đồng bạc của mình ra tiền Mỹ, làm đô la lên giá, Mỹ khiếm hụt cán cân
vãng lai và khó xuất cảng. Rồi bất cứ xứ nào vỡ nợ cũng lại trông vào nguồn cấp
cứu ấy của Chú Sam. Cho nên, việc Mỹ kim là dự trữ ngoại tệ chính là một gánh nặng
cho kinh tế Hoa Kỳ mà truyền thông lại không biết giải!
Tuần báo Sống này không thể là cuốn sách về kế toán chi
phó cho nên người viết đành dứt điểm:
Trung Quốc chưa vượt Hoa Kỳ về sản lượng. Đồng Nguyên của
Thiên triều chưa được thả nổi, chế độ tự do tư bản cũng chẳng có, việc đồng bạc
nhợt nhạt này mà lên thay Mỹ kim thì vẫn là chuyện sừng thỏ lông rùa. Nếu cứ tưởng
rằng ta đã to bằng con bò, thì Thiên triều cứ nhảy vào cuộc. Khi ấy sẽ khủng hoảng
tức thời!
Còn lại, với thành tích xây dựng hạ tầng của Trung Quốc, ngân
hàng AIIB sẽ là cái rổ, với nhiều dự án lủng làm giới đầu tư xập tiệm. May lắm
thì có các chuyên gia Anh, Đức, Hàn, Úc dạy cho phép làm ăn tử tế. Trong vụ này,
Obama có thể khờ dại về ngoại giao và tuyên truyền nên tạo ra hình ảnh suy tàn
của nước Mỹ trước sự hung hăng của Trung Quốc. Nhưng hãy yên tâm.
Chàng chỉ làm Tổng thống đến đầu năm 2017 thôi. Sau đó, có
khi mơ làm Tổng thư ký Liên hiệp Quốc, với lá phiếu rất đề huề của Nga và Tầu.
Sáng trưng!
Báo The International Interest hôm nay đã đăng bài về AIIB với lời "Gọi thầm giưã Washington..."If you can't beat them, join them" rồi đó, Thầy Nghiã nghĩ sao ạ?
Trả lờiXóaTrước cả Lý Quang Diệu, một vài Futurist cũng đã viết về sự vươn lên cuả Châu Á. Là một người Châu Á, dĩ nhiên là em vui. Chỉ hy vọng nó vươn lên như một nền kinh tế trẻ cuả một nền văn minh đa dạng cũ càng hồi sinh sau điêu tàn, chứ không phải bằng mãnh lực cuả sự bóc lột và cái ác. Hy vọng các đại cường có thể bảo hộ nó, vưà kiếm lợi vưà đối trọng, nhưng đừng tàn phá nó. Nó cần biết bao những hoa tiêu hướng thượng, nghiêm khắc và phúc hậu. Và Thầy Nguyễn Xuân Nghĩa là một. Cố gắng lên nha Thầy.
Thầy viết: "Cho nên, việc Mỹ kim là dự trữ ngoại tệ chính là một gánh nặng cho kinh tế Hoa Kỳ mà truyền thông lại không biết giải!" - Thầy đã viết như vậy rồi thì em tin là thiên hạ cứ thản nhiên bình an vô sự trao gánh nặng cho Uncle Sam mang trọng trách vậy. Ai mà biết được, rủi như đồng Nguyên lại sẽ được "in vô tội vạ" thì sao? Nhìn hình ông Mao trên tờ bạc, thấy cái Ác đang vươn lên. Và những đồng minh sau khi thất vọng với chính sách đối ngoại cuả HoaKỳ đang ùn ùn kéo đến phần thì ủng hộ cho bỏ ghét UncleSam, phần thì muốn nhảy vào kiếm lợi sẵn đó monitor ông ác. Thế giới ngày nay là một thế giới đa cực, hỗn loạn, vô phương định hình. Cho đến nay Bắc Mỹ và Nhật Bản vẫn còn đứng ngoài, dù đọc thấy Nhật có lúc đã lưỡng lự. Có phải, nếu Hoa Kỳ tham gia, các nước còn lại cũng sẽ tham gia? Dù "starting small", AIIB vẫn là một sự kiện đầu tiên thế giới đang dựng lên một trụ cột tài chính mới đối trọng với dollar Mỹ dưới sự khởi xướng cuả TQ. Nó giúp đỡ các nước nghèo, đang phát triển cuả Á Châu, hay phục vụ cho sự bành trướng cuả TQ, đó vẫn còn là câu hỏi.
Trả lờiXóaEm ủng hộ Bắc Mỹ và Nhật Bản.