Thứ Năm, tháng 4 30, 2015

Nghệ Thuật Nhờ Người - Toàn Cầu Nhần



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Sống Ngày 150430
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

Mỹ Đánh Toàn Cầu Hòa – Nên Tất Bại   

* Oai hùng lắm - nhưng không được đánh! *



Trong cõi mạt chược, gọi là một thú chơi tao nhã, xưa kia có một phép thắng rất khó, nếu “ù” thì được điểm lớn, đó là “toàn cầu nhần”. Chữ là “toàn cầu nhân”, toàn nhờ người, qua năm bước thì ngả ra ù. Cách thắng này hơi khó vì ba người còn lại trong canh bạc đều có thể biết từ bước thứ hai mà thủ - và không cho ăn nữa….

Trong cõi chiến tranh, gọi là trò chơi ác độc, lại có một phép đánh khác, gọi là “toàn cầu hòa”. 

Nhân chuyện 1.9.7.5., người viết xin lạm bàn về phép đó, và giải thích vì sao lại có biến cố 75.

Về chuyện quân sự, người viết chỉ có một biệt tài. Là xài súng nước. Ngoại giả, cứ thấy tiếng đạn bom thì dù chẳng là người nhái cũng tự biến thành thợ lặn. Thành thật khai báo như vậy rồi cho ra vẻ dún dường, xin được luận về chiến tranh!

Chẳng là vào một đêm Xuân thương nước nhớ nhà, người viết bốc một ông bạn đi thưởng thức các món nhậu bình dân của Nhật, bên mấy chai sake hâm nóng. Ngậm ngùi nhớ lại chuyện xưa, hai kẻ tha hương hàn huyên rằng vào ngày đó đằng ấy làm gì, tớ đang ở đâu…. Câu chuyện trầm buồn khiến mấy chung rượu Nhật cũng thành rượu nhạt – vì hòa trong nước mắt.  

Bên người bạn mũ đỏ chưa từng thua trận một lần mà vẫn được bọn cờ đỏ phất cho cái nhãn bại trận và phết cho hơn chục năm tù, người viết này như là kẻ điên. Không, chữ “như” này thừa. Người viết là kẻ điên, vì trở về chuyện đao binh chỉ thấy trong truyện lẩm cẩm của bọn bất đắc chí.

Thì viết, khi khách đã im lìm trong nỗi hậm hực khôn nguôi…


***


Cách nay một phần tư thế kỷ, Tháng Năm 1989, người viết được đọc một bài của Harry Summers trên tờ Atlantic.

Đại tá Harry Summers Jr. (1932-1999) là một sĩ quan Hoa Kỳ đã phục vụ xuất sắc các chiến trường Cao Ly và Việt Nam, rồi trở thành nhà chiến lược gia, giảng sư các trường võ bị. Cuối thời Việt Nam, ông tham gia việc thương thuyết để kết thúc chiến tranh với Hà Nội. Sau thời Việt Nam, ông viết sách, “On Strategy: A Critical Analysis of the Vietnam War” năm 1982, và “On Strategy II: A Critical Analysis of the Gulf War” năm 1992, viết báo, làm chủ biên tạp chí Vietnam Magazine, lập thư khố về Chiến tranh Việt Nam và đi thuyết trình ở nhiều nơi. Nhiều cựu chiến binh của chúng ta đều có biết hay đã đọc nhân vật này.

Vắn tắt, Harry Summers là tay bán văn bán võ và một nhà lý luận có thẩm quyền về binh pháp, chứ không thuộc loại “chỉ thượng đàm binh”, luận việc binh trên giấy.

Sở dĩ nhắc đến Harry Summers là vì trên số báo Atlantic đó, ông viết rằng một tuần trước khi Sàigon thất thủ thì ông đang ở… Hà Nội. Ra đó dàn xếp việc Mỹ ra đi cho êm thắm. Thế rồi, trước vẻ hợm hĩnh của kẻ đắc thắng, máu võ biền trong Harry Summers bỗng nổi dậy. Đại để: “Chúng tao không được phép thắng. Vả lại, Hoa Kỳ còn bom nguyên tử, một trái nhỏ cũng đủ kết thúc chiến tranh theo lẽ khác”.

Và đây là câu trả lời của một sĩ quan Hà Nội: “Mấy người có bom nguyên tử mà không xài thì cũng tựa như chẳng có bom!” Câu trả lời làm người lính chiến chưng hửng. Mà thấy đúng. Trong bài viết đó, Summers luận về chiến lược nguyên tử và chỉ kể lại giai thoại ở Hà Nội như một dẫn chứng mà thôi. Nhưng cũng đủ cho phe bại trận là chúng ta suy nghĩ về quân sự.

Vì thế mới có bài trái khoáy này….


***


Ngoài kia khách đã ngáy vang như Trương Phi, Lý Quỳ. Trong này, người viết bần thần luận tiếp.

Người Mỹ biết đếm mà chẳng biết đo. Họ đếm được từng tấn bom hay trái pháo và số chiến binh Việt cộng bị tử vong hay hồi chánh, để nhét vào phương trình của máy tính và xả ra dự báo về chuyện thắng bại. Nhưng khổ thay, họ chẳng đo được thực lực đôi bên.

Vào thời ấy, Hà Nội được các quan thầy tiếp vận dồi dào để đưa quân vào Nam qua “Đường mòn Hồ Chí Minh” trên lãnh thổ Lào và Miên.

Mỹ có hai cách để chặn đường tiếp vận của Hà Nội. Một là oanh tạc Hải Phòng, hai là tấn công hai đường thiết lộ từ Trung Quốc vào miền Bắc. Giải pháp Hải Phòng có rủi ro là gây thiệt hại cho tầu ngoại quốc. Giải pháp đánh bom đường rầy cũng khó ăn vì đường xe lửa cũng dễ sửa. Lại gặp rủi ro rơi trúng thằng Tầu bên kia biên giới!

Phi lý ban đầu của cuộc chiến nằm ở chỗ đó: Mỹ chỉ được đánh một tay mà không đụng vào xứ khác, nhất là Trung Quốc.

May là địa dư hình thể của Việt Nam lại cho bộ máy quân sự Hoa Kỳ một giải pháp khác.

Qua ngần ấy cửa tiếp vận của Liên Xô hay Trung Cộng, võ khí và nhân lực của Hà Nội đều phải chuyển vào Nam qua hai ngả là cầu Long Biên gần Hà Nội và cầu Hàm Rồng phía Bắc Thanh Hóa. Cuộc chiến Việt Nam nổi danh với việc Không quân và Hải quân Hoa Kỳ liên tục oanh kích hai mục tiêu đó - mà vẫn không phá hủy được hệ thống hậu cần của Cộng sản Bắc Việt. Tốn kém rất nhiều mà không thắng. Chưa kể là bị thế giới kết án là dội bom lên một nước nghèo!

Nếu chẳng giải quyết được hai mục tiêu cố định lù lù ấy thì làm sao tấn công cả ngàn mục tiêu di động trong rừng già nhiệt đới của Đường mòn HCM? 

Chỉ còn một cách là “thóa mạ phụ thân” của Averell Harriman. Nôm na là chửi cha Harriman, kẻ thi hành chính sách trung lập hóa nước Lào thời cậu ấm Kennedy khi Mỹ cần hòa dịu với Liên Xô vào thập niên 60. Tức là phải tấn công lãnh thổ Lào ở vùng tiếp vận với khu Phi quân sự Nam-Bắc trổ vào tỉnh Quảng Trị. Chuyện quái đản là dù rằng việc nước Lào trung lập chỉ còn là trò vui, Hoa Kỳ vẫn cứ tôn trọng điều dớ dẩn ấy. Cái ngu bất tận.

Bất lợi về quân sự lẫn chính trị và bị tổn thất rất cao, Hoa Kỳ rõ là bị thua về mặt quân sự, chưa nói đến nhiều mặt phi lý khác của cuộc chiến mà nước Mỹ xấn xổ nhảy vào đẩy đồng minh sang vị trí phù trợ! Đánh chỉ cầu hòa là cách thua tất yếu khi miền Bắc đánh cho cả khối cộng sản ở sau lưng, bằng máu xương dân Việt, theo kiểu “toàn cầu nhần”.

Chiến thuật không tập có thể giúp Hoa Kỳ yểm trợ các đơn vị tác chiến ở dưới, chứ không thể giải quyết nhu cầu phá vỡ hệ thống tiếp vận của địch: quá tốn kém về sinh mệnh và võ khí. Hàng trăm oanh tạc cơ bị bắn hạ và hàng triệu tấn bom là sự lãng phí làm Quốc hội và dân Mỹ hết kiên nhẫn.

Thế rồi, Tháng Tư năm 1972, Hoa Kỳ tìm ra phép lạ.

Đó là dùng bom khôn, từ loại bom có máy thu hình tới bom hướng dẫn bằng tia laser, để đóng chốt vào mục tiêu. Thả từ rất cao, trái bom tự tìm lấy mục tiêu phải dủy diệt, cho tới khi hai cây cầu lịch sử ấy bị hoàn toàn tê liệt. Hà Nội coi như phải bại trận từ đó. Cuối năm 1972, nhiều gia đình miền Bắc đã được lệnh xé khăn trắng để chuẩn bị đầu hàng, mà đảng gọi là “tạm ngưng bắn”.

Nhưng khi ấy lãnh đạo Hoa Kỳ cũng lại bị tê liệt: lòng dân đã đổi, Quốc hội lại hèn và truyền thông thì mạt, nên Mỹ không được thắng nữa mà phải tìm đường triệt thoái “trong danh dự”. Nghĩa là trong xương máu miền Nam.


***


Cộng sản đánh kiểu “toàn cầu nhần”, bằng tiếp vận của quan thầy và xương máu của nhân dân, và bằng sự đờ đẫn của đối thủ. Cái họ nhờ ghê nhất là Kennedy cho lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, để Chính quyền Johnson cướp tay lái mà lại đánh chỉ cầu hòa. Hợp lý vô cùng, nhưng không phải đạo!

Bốn mươi năm sau, là ngày nay, thiên hạ mới tẻ ngửa, rằng chính Bắc Kinh mới lả kẻ dùng phép “toàn cầu nhần”. Dùng cả những kẻ huênh hoang chiến thắng năm 1.9.7.5. 

Không phải ư? 


3 nhận xét:

  1. Doc xong "Toan Cau Nhan" cua bac ma "te tai long !" du da biet cau tra loi cho bien co 1975 tu nhung cau chuyen bo me BUyen ke lai. Mot ngay that buon!!!

    Chuc bac nhieu suc khoe.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh3/5/15 3:48 SA

    Xin Thầy Nghiã viết một bài chính trị và kinh tế cho vấn đề Biển Đông hiện nay được không ạ. Xin hãy viết một cách khách quan, đừng lo là sẽ làm mếch lòng bên nào, phe nào, vì em biết dù là bình luận gia khách quan song Thầy cũng đang sống giưã cộng đồng hải ngoại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://video.nguoi-viet.com/?p=25056
      Poorwshope vào mạch dẫn ở trên xem Giờ Giải Ảo sẽ lần lượt biết thêm chuyện này.

      Xóa