Buổi chiều cuối Tháng Bẩy ở California, nhận được tin nhắn
của người bạn ở Sài Gòn: - Ông Ba Thùy, người “cấm anh không được thất bại” đã
chết, tiếc quá!
Ba Thùy, vỏn vẹn tên gọi hai chữ, tên thật là gì tôi không
biết, chỉ biết ông mang quân hàm đại úy và là trưởng khu BC trại giam T30 Chí
Hòa giai đoạn 1982. Tôi đoán ông trên tôi khoảng 10 tuổi, năm nay quãng bảy chục.
Ba Thùy nổi tiếng khe khắt với tù nhân và sẵn sàng kỷ luật
không nương tay với “những tù nhân phản động không chịu cải tạo” trong trại.
Tết Ta 1983, lần thứ ba, Ba Thùy đưa tôi ra khỏi phòng lớn
để cùm trong biệt giam. Sáng 30 Tết, tù nhân phòng 10 khu BC vui sướng vì tin
của trại giam cho biết sẽ được thăm nuôi đặc biệt trong ngày do “chính sách
khoan hồng của đảng và nhà nước.”
Tôi hồi hộp chờ đợi đợt thăm nuôi của gia đình. Gần trưa,
đích thân Ba Thùy gọi tên tôi ra khỏi phòng để đi biệt giam. Uất ức và ngỡ
ngàng, tôi hỏi, tôi tội gì mà bị đi biệt giam, Ba Thùy nói, phạm kỷ luật trại
giam. Thì ra, tội cũ ba năm trước là đánh ănngten trong trại. Tôi mặc vội hai
quần xà lỏn và hai áo may ô trùm lên nhau, tay xách ca nhựa ra khỏi phòng. Ba
Thùy ra lệnh cởi đồ và tước một đi một quần và một áo.
Nằm trong biệt giam ở lầu ba trại T30, hai chân bị cùm, lưng
dựa vách tường, đêm lạnh cóng vì đói ăn thiếu mặc, tôi xé đũng quần xà lỏn kéo
lên lên che ngực. Giấc ngủ chập chờn, người đổ vào chậu đựng phân, cứt và nước
tiểu vương vãi khắp phòng, dính cả vào ca nhựa đựng cơm.
Sáng Mùng Một, Ba Thùy mở cửa phòng giam. Tôi nói, Tết là
truyền thống của dân tộc, cán bộ cho tôi thùng nước rửa phòng giam và ca đựng
cơm. Ba Thùy nói “không truyền thống gì với anh” và ra lệnh cho người tù phát
cơm đổ vào thau nhựa của tôi chén bobo và vài cọng rau muống.
Căm thù. Uất hận. Lòng chỉ muốn cầm dao đâm chết Ba Thùy.
Thậm chí giết cả nhà Ba Thùy.
Vậy mà nỗi thù hận tan vào hương khói, chỉ vì, chiều Mùng
Một, nghe giọng Ba Thùy vọng lên từ khu nhà giành cho cán bộ quản lý trại giam:
“Em để con gà cho anh uống rượu với bạn.” Giọng người đàn bà chắc chắn là vợ Ba
Thùy: “Cả nhà có con gà, anh ăn nhậu với bạn thì các con lấy gì ăn?’
Hóa ra họ khổ hơn cả tù nhân. Vì dù sao, người tù miền Nam,
dù gì thì khi được thăm nuôi ngày Tết cũng được bữa cơm no với thực phẩm do gia
đình chắt chiu gửi vào.
Ba tuần biệt giam, tôi được thả về phòng giam chung, thân
thể tàn tạ. Tâm sự với ông Như Phong Lê Văn Tiến, “nhà báo của các nhà báo miền
Nam”, bị giam cùng phòng, tôi nói: cháu sẽ thử tay Ba Thùy này và chấp nhận hậu
quả.
Một tuần sau, tôi xin gặp Ba Thùy để xin “làm việc”, nghĩa
là có vấn đề khai báo. Được gọi lên văn phòng, tôi nói với Ba Thùy: “Cán bộ
mắng nhiếc tôi là ‘tay sai Mỹ-Ngụy’, với tôi, cán bộ cũng chẳng qua là “tay sai
“Liên Xô-Trung Quốc.”’ Ba Thùy rút cái coòng tay và đánh vào trán tôi phọt cả
máu. Vết thương ba mươi năm sau đến bây giờ vẫn còn dấu.
Thật ngạc nhiên, giải tôi tôi về phòng giam, Ba Thùy mở cửa
và nói với toàn phòng, “anh này nếu cải tạo tốt sẽ trở thành người tốt” và
không phạt gì tôi.
Vài tuần sau, Ba Thùy đột nhiên gọi tôi ra “làm việc.”
Sau khi rảo một vòng quanh khu BC để cam chắc không có ai
chung quanh, Ba Thùy quay về bàn làm và bắt đầu câu chuyện với giọng trọ trẹ
vùng Quảng Bình:
"Tôi nói một lần và chỉ
một lần với anh: đất nước này đang bị những tay quan liêu cách mạng cai
trị.Tôi và một thằng bạn rời làng quê
Quảng Bình đi chống Mỹ cứu nước. Ngày ra đi, bạn tôi khóc vì không nỡ rời lũy
tre làng. Vậy mà bây giờ nó đã vượt biên và sống ở nước ngoài. Vì sao hả? Vì
chúng tôi đi xuống miền Nam thấy ruộng đồng bát ngát, cá lội dưới sông, vậy mà
dân vẫn đói. Chỉ vì chính sách ngăn sông cách chợ. Và chính tại trại giam này
đã từng giam những người không sai phạm luật pháp. Cho nên, quan liêu cách mạng
còn kinh hơn quan liêu phong kiến".
Từ buổi nói chuyện hôm đó, Ba Thùy bớt gay gắt với tù nhân,
và với riêng tôi, thi thoảng ông còn cho thuốc lá hút.
Một buổi chiều tháng Hai năm 1984, tôi bị gọi ra khỏi phòng.
Ngồi bệt dưới đất nghe Ba Thùy hỏi, anh có biết bị gọi làm gì không? Tôi nói,
đời tù chuyển bao nhiêu phòng rồi, nên không biết rồi sẽ đi về đâu. Ba Thùy nói,
anh được tạm tha.
Lúc ký giấy xuất trại, tôi nói với Ba Thùy, hồ sơ trại có
địa chỉ nhà tôi, tôi mời cán bộ hôm nào đến tôi uống chung rượu.
Chừng một tháng sau, Ba Thùy xuất hiện trước cửa, bố mẹ anh
chị em tôi hốt hoảng vì thấy công an áo vàng mang quân hàm đại úy đến hỏi.
Tôi mời ông ra đầu ngõ. Một đĩa tiết canh vịt, một đĩa lòng,
hai xị đế. Ba Thùy hỏi, anh toan tính gì cho tương lai? Tôi nói, bây giờ không
còn là tù nhân nữa, xin phép gọi bằng anh và trải lòng, không công ăn việc làm,
đêm nào cũng phảitrình diện công an
phường, tôi chẳng còn cách nào khác ngoài con đường vượt biên.
Ba Thùy đột nhiên đứng phắt dậy, nói gần như quát: “Cấm anh
không được thất bại. Tôi không muốn nhìn thấy anh trở lại trại giam”.
Tôi muốn khóc. Chợt thương Ba Thùy, chợt thương những phận
người cả đời dấn thân cho lý tưởng để rồi bẽ bàng khi nhìn ra sự thật.
Buổi chiều sống xa quê nhà, chợt nhớ câu nói một người thuộc
thế hệ cha ông: “Trong cuộc chiến Quốc-Cộng, người Quốc Gia làm nhiều điều
không chuẩn nhưng may mắn là làm trên Con-Đường-Đúng, là mưu tìm No Ấm-Tự Do-Dân
Chủ cho người dân. Còn người Cộng Sản làm nhiều điều thành công nhưng bất hạnh
cho dân tộc vì họ chọn Con-Đường-Sai.”
Nghe tin ông Ba Thùy qua đời, thương ông, nhớ ông, một người Cộng Sản đã lỡ lầm hy sinh cho Con-Đường-Sai. Dù không tin tôn giáo nào, tôi vẫn lắng lòng cầu nguyện cho ông tìm được an bình nơi cõi khác./.
Cường quốc già
nua đi xuống lại gặp một siêu cường đi lên
* Kính lão đắc thọ - nhưng con cháu đừng ngọ nguậy lung tung chứ! *
Căn cứ trên kinh nghiệm trăm năm về Đệ nhất Thế chiến
1914-1918, người ta thường cho rằng khi một tân cường quốc xuất hiện trước đà
suy yếu của một cường quốc đã từng giữ vai bá chủ thì đại chiến dễ xảy ra vì sự thay đổi trong tương quan lực
lượng. Cũng từ bài học đó, nhiều học giả hay sử gia luận bàn rằng siêu cường
Hoa Kỳ đang suy yếu, với dấu mốc là vụ khủng hoảng tài chính năm 2008, và rằng
Trung Quốc đang vươn lên thành nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới, với dấu mốc
là việc sản lượng đã vượtNhật Bản năm
2010 và nay mai có thể bắt kịp Hoa Kỳ.
Từ đó, người ta suy đoán rằng một vụ xung đột Mỹ-Hoa là điều
có thể xảy ra - hoặc nên tránh.
Nhưng dường như sự thật lại rắc rối hơn vậy - vì bốn lẽ.
***
Trước hết, tại khu vực Đông Á, cường quốc tân hưng là Trung
Quốc lại tái ngộ một cường quốc từng là cừu thù trong quá khứ. Đấy là Nhật Bản,
đang có tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
và mâu thuẫn về phạm vi định vị phòng không ADIZ chồng chéo lên nhau. Chưa nói đến
một vụ xung đột Mỹ-Hoa thì ta đã thấy ra chuyện đối đầu Hoa-Nhật. Bài viết trên
cột báo này vào tuần trước có đề cập tới bối cảnh của nguy cơ “Nhật-Hoa Tái Ngộ”.
Thứ hai, và ngược với nhận thức của nhiều người, Trung Quốc
chỉ là cường quốc chưa lên mà đã xuống, chưa giàu mà đã già, chưa hùng mà đã
hung. Chuyện “tân hưng” hay “quật khởi” chỉ là giấc mơ ngắn ngủi có ba chục
năm thôi. Chúng ta sẽ còn phải tìm hiểu hiện tượng này.
Thứ ba, rất ý thức được tình trạng suy yếu đã bắt đầu, lãnh
đạo Trung Quốc đang cố tiến hành chiến lược “tiên hạ thủ”, là tích cực phòng vệ,
như Bạch thư về Quốc phòng đã đề ra và được công bố ngày 26 Tháng Năm vừa qua.
Chiến lược ấy nhắm vào việc ngăn ngừa Hoa Kỳ can thiệp khi Bắc Kinh mở chiến dịch
kiểm soát và khuynh đảo các nước lân bang như “một sự đã rồi” trước khi chính mình
đi vào thời suy yếu trong vài chục năm tới.
Và vì vậy, chính Hoa Kỳ mới đang bị thách đố, và đây là bài
toán của lãnh đạo Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử năm tới. Khi tuyên thệ nhậm chức vào
ngày Thứ Sáu, 20 Tháng Giêng năm 2017, Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ sẽ phải
nhìn vào thách đố ấy.
Bài này sẽ lần lượt trình bày những khúc mắc nói trên. Như một khởi đầu...
***
Đầu tiên, ngược với nhận thức của nhiều người, ba chục năm
tăng trưởng liên tục của Trung Quốc, từ khi Đặng Tiểu Bình khởi sự cải cách năm
1979 cho đến cột mốc 2009, không là một sự kỳ diệu kinh tế. Bọn trẻ ranh của Hà Nội chưa hiểu và còn học nhiều thì mới biết được.
Chúng chưa hiểu rằng nhiều quốc gia Đông Á đã có mấy chục năm tăng trưởng ngoạn mục
khi chuyển hướng kinh tế theo quy luật thị trường. Sau giai đoạn khởi phát, cất
cánh rất mạnh và nhanh, các nền kinh tế này đều thấy đà tăng trưởng giảm dần đến
tốc độ “bình thường” của các nền kinh tế công nghiệp hóa Tây phương. Đấy là trường
hợp của Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan trong các thập niên khởi phát 1950-1980 và
sẽ là trường hợp của Ấn Độ sau này.
Trung Quốc chỉ học chiến lược của các nước
Đông Á đi trước và có ưu thế là dân số cao, nhân công đông và rẻ. Đấy là chuyện
bình thường, không là phép lạ.
Cho nên, cũng giống như các nước Đông Á đi trước, Trung Quốc
đã có đà tăng trưởng ở khoảng 9-10% một năm trong ba chục năm liền kể từ 1980.
Đà tăng trưởng ấy đang chậm lại, chỉ còn là 7,8% vào năm 2012, hay 7% vào năm
nay, rồi sẽ còn giảm nữa, chỉ ở khoảng 3-4% một năm trong thập niên tới.
Nhưng khác với trường hợp Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan là
các nước đã áp dụng quy luật tự do về kinh tế và dân chủ về chính trị nên tiến
vào hàng ngũ công nghiệp hóa với lợi tức rất cao của người dân, Trung Quốc
áp dụng chiến lược Đông Á với một chế độ chính trị độc tài và vai trò chủ đạo của
nhà nước. Vì vậy, đà tăng trưởng trong mấy chục năm khởi phát lại có nhược điểm
là thiếu phẩm chất, gây bất công, ô nhiễm và lãng phí. Từ những năm 2007-2008,
lãnh đạo Bắc Kinh thời Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã nói đến chuyện “bốn không” của
kinh tế: không cân xứng, không phối hợp, không công bằng và không bền vững.
Giới lãnh đạo kinh tế xứ này công nhận mối nguy đã được các
định chế tài chánh quốc tế đề ra là “rơi vào cái bẫy xập của lợi tức trung bình”.
Và cứ nằm dưới đó như hầu hết mọi quốc gia đã từng theo kinh tế thị trường để phát
triển thành một nước... đang lên. "Emerging economies" là chữ lịch sự cho các nền kinh tế vẫn còn chậm tiến.
Vì vậy, việc kinh tế Trung Quốc sẽ sớm vượt Hoa Kỳ chỉ là giả thuyết cho
vui.
Hãy nói cho rõ: Lợi tức một đầu người của Trung Quốc, là một tiêu chuẩn khác
về năng suất, cho thấy một người Nhật kiếm ra 36.000 đô la một năm, người Đại
Hàn 28 ngàn, Đài Loan 22 ngàn trong khi dân Tầu mới được 7.700, so với dân Mỹ
là hơn 54 ngàn bạc, chỉ bằng 14%. May lắm thì 15 năm nữa sẽ bằng 33% và đến
2060 thì bằng phân nửa. Nếu như nước Tầu chưa có loạn!
Không, tình hình lại còn nguy ngập hơn vậy, vì Trung Quốc
đang mất dần ưu thế dân đông và nhân công rẻ vì dân số lại sớm bị lão hóa do
chính sách “mỗi hộ một con” đã áp dụng từ năm 1979.
Vài con số cụ thể sau đây có thể cho thấy sự chuyển động chậm
rãi mà rất mạnh của tình trạng dân số Trung Quốc: thành phần trẻ tuổi từ 20 đến
24 của xứ này là 116 triệu vào năm 2012 sẽ chỉ còn 94 triệu vào năm 2020 và 67
triệu vào năm 2030. Trong 20 năm tới, tỷ số những người ở tuổi lao động so với
người về hưu sẽ sụt từ 5/1 xuống 2/1, tức là hai người sẽ phải nuôi một.
Hậu quả chung cuộc là dân số Trung Quốc sẽ giảm dần, chưa tới
một tỷ dân vào năm 2060 so với một tỷ 350 triệu ngày nay. Dân số co cụm và bị
lão hóa như vậy tất nhiên ảnh hưởng đến sức nặng kinh tế và sức mạnh quân sự
trong những thập niên sắp tới.
Và nếu so sánh thì Hoa Kỳ vẫn có dân số trẻ hơn trên một
lãnh thổ vuông vức phì nhiêu, trong một xã hội có quyền tự do nên có sức sáng tạo
rất cao. Dù Barack Obama có gắng sức cải tạo đến mấy thì siêu cường Hoa Kỳ vẫn không lụn bại như người ta thường nghĩ. Mà cường quốc
vừa quật khởi được 30 năm là Trung Quốc thì đã thấy con dốc trước mặt. Đấy mới
là nỗi lo sợ của lãnh đạo Bắc Kinh, khi mà nguy cơ khủng hoảng tài chánh vẫn
gia tăng vì núi nợ quá lớn, quá nặng.
Cho nên, ngoài Nhật Bản ở đầu ngõ và khủng hoảng ở bên
trong, Trung Quốc không thể quên được siêu cường vẫn còn khả năng can thiệp
toàn cầu trong nhiều thập niên tới, là Hoa Kỳ.
***
Chính là vì ý thức được những khó khăn đã bắt đầu và sẽ kéo
dài trong vài chục năm tới, lãnh đạo Bắc Kinh mới có những ưu tiên khác. Như ráo riết
giải quyết hồ sơ Đài Loan; hoặc dẹp tan mầm động loạn vì mâu thuẫn xã hội và sắc tộc ở bên trong;
hay khống chế tối đa khu vực cận duyên đang có tranh chấp về chủ quyền với các lân
bang; và ngăn ngừa Hoa Kỳ can thiệp vào các cuộc tranh chấp này. Họ phải cấp
bách hoàn thành những mục tiêu ấy trong vài chục năm tới, như một sự đã rồi, trước
khi cán cân lực lượng nghiêng dần về nước Mỹ vì sự lụn bại khó tránh của Trung
Quốc.
Trong phạm vi an ninh, mà an ninh cũng là kinh tế, lãnh đạo
Trung Quốc đang lấy rất nhiều rủi ro. Hoa Kỳ rất khó can gián Bắc Kinh nếu
không tự chuẩn bị cho kịch bản đáng ngại nhất, là trực tiếp đụng độ với Trung
Quốc trên vùng biển Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Kết luận là nhiều phần thì Trung Quốc sẽ có đụng độ. Nghĩa
là Hoa Kỳ sẽ lại tham chiến, nhưng khác hẳn hình thái trận địa chiến ngày xưa. Mà
lần này Mỹ lại có một chuỗi đồng minh bán đảo hay hải đảo, như Ấn Độ, Nhật Bản,
Úc Đại Lợi hay một số quốc gia Đông Nam Á.
Đấy mới là những hồ sơ đang chờ đợi Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ
vào năm 2017.
Nguyễn-Xuân Nghĩa & Nguyên Lam, RFA Ngày 150729 "Diễn đàn Kinh tế"
Chưa giàu mà đã già, chưa hùng mà đã hung - và vùng vẫy lung tung!
* Một nhà đầu tư ngồi trước màn hình hiển thị chuyển động thị
trường chứng khoán tại một nhà môi giới ở Thượng Hải vào ngày 29 tháng 7
năm 2015. AFP PHOTO / Johannes EISELE *
Sau hai tuần tạm lắng, thị trường cổ phiếu Trung Quốc lại tuột
giá mạnh và gây mối quan tâm cho các nước trên thế giới. Nhưng hình như
vấn đề của Trung Quốc không chỉ là biến động trên các thị trường tài
chính mà còn có nhiều nguyên nhân sâu xa hơn. Diễn đàn Kinh tế với
chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa và Nguyên Lam sẽ tìm hiểu vì sao giai đoạn
tăng trưởng vừa qua của Trung Quốc chỉ là một sự trỗi dậy ngắn ngủi và
sau vài chục năm nữa thì xứ này lại trở về vị trí cũ với khá nhiều bài
toán phải giải quyết.
Chưa giàu mà đã già
Nguyên Lam:Thưa ông, sau biến động dồn dập
của thị trường chứng khoán Trung Quốc, Nguyên Lam đã tìm hiểu lại về sức
mạnh kinh tế của xứ này và thấy là từ lâu rồi tiết mục chuyên đề của
chúng ta đã nói đến những giới hạn của kinh tế Trung Quốc. Trong một
chương trình từ đầu năm 2012, ông còn nhấn mạnh đến sự kiện dân số như
một định mệnh khiến dân Tàu chưa giàu mà đã già và xứ này sẽ đi vào chu
kỳ suy trầm chậm rãi và khó tránh được. Kỳ này thưa ông, xin đề nghị là
chúng ta lại trở về những vấn đề ấy.
Họ quá sớm gặp hiện tượng lão hóa dân số
vì chính sách “mỗi hộ một con” nên chỉ vài chục năm nữa thôi xứ này sẽ
chấm dứt thời họ gọi là “quật khởi”. Hậu quả sẽ là nhiều thay đổi lớn
cho cả khu vực Đông Á… Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng cách cô nêu vấn
đề là điều có ích cho thính giả. Lý do là nhiều người trẻ mới chỉ thấy
sự thay đổi tại Việt Nam, Trung Quốc hay Liên bang Nga trong có vài chục
năm qua mà ít cơ hội nhìn sâu hơn trong thời gian và xa hơn vào không
gian để đánh giá tiềm năng của phát triển hay sức mạnh trường kỳ của một
quốc gia.
- Trước hết, ta cần đả phá một huyền thoại, là điều không
có thật mà cứ được loan truyền. Đó là đà tăng trưởng kinh tế của Trung
Quốc trong 30 năm, từ 1979 đến 2009, là hiện tượng bình thường đã từng
thấy ở nhiều nơi bắt đầu áp dụng quy luật thị trường, chứ không là sự kỳ
diệu, là phép lạ. Thứ hai là sau giai đoạn tăng trưởng cao mà thật ra
thiếu phẩm chất, Trung Quốc bắt đầu bước qua chu kỳ đình trệ như rất
nhiều quốc gia đi trước. Thứ ba là nhìn trong trường kỳ thì Trung Quốc
còn bị giới hạn bởi yếu tố dân số hay nhân khẩu. Một cách cụ thể, họ quá
sớm gặp hiện tượng lão hóa dân số vì chính sách “mỗi hộ một con” nên
chỉ vài chục năm nữa thôi xứ này sẽ chấm dứt thời họ gọi là “quật khởi”.
Hậu quả sẽ là nhiều thay đổi lớn cho cả khu vực Đông Á….
Nguyên Lam:Chúng ta sẽ lần lượt đi vào các
khía cạnh nói trên. Trước hết, thưa ông, vì sao thành quả phát triển của
Trung Quốc không là phép lạ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhiều người mới chỉ có cơ hội
nhìn ra thế giới bên ngoài từ khi Việt Nam đổi mới kinh tế, lại còn bị
giới hạn về nhận thức lịch sử nên khó biết được rằng “ngoài vòm trời này
còn có vòm trời khác” và rằng mô hình của Trung Quốc không thể là mẫu
mực cho Việt Nam. Một số thính giả của chúng ta có nêu câu hỏi ấy nên từ
mấy năm trước diễn đàn này mới có loạt đề tài về những yếu tố thật sự
đóng góp cho sự thịnh vượng của một quốc gia.
- Sau 30 năm hoang tưởng của Mao Trạch Đông từ 1949 đến
1978 khiến mấy chục triệu người chết oan mà dân Việt Nam không biết,
thậm chí còn không được quyền biết, y như người Tàu, thì Đặng Tiểu Bình
mới tiến hành cải cách và cởi mở kinh tế từ đầu năm 1979, ngẫu nhiên
cũng vào một năm Mùi như năm nay. Khi ấy, Trung Quốc học chiến lược phát
triển của nhiều xứ Đông Á đã chuyển theo kinh tế thị trường từ trước,
như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan và cả Singapore.
- Chiến lược ấy lấy đầu tư làm lực đẩy cho sản xuất và sản
xuất nhiều và rẻ thì tìm sức kéo ở xuất khẩu. Trung Quốc chẳng phát
minh ra chiến lược này nhưng có ưu thế là dân số rất cao, nhân công
nhiều và rẻ được giải phóng khỏi chế độ tập trung kế hoạch nên đạt mức
tăng trưởng bình quân là gần 10% trong ba chục năm. Với sức tăng trưởng
đó thì mỗi bảy năm sức nặng kinh tế của xứ này coi như nhân đôi, làm
nhiều người gọi là sự kỳ diệu. Họ không thấy chuyện tương tự ở các nước
Đông Á đi trước, khi ấy từng được ngợi ca là “tân hưng”, với phẩm chất
rất cao của tăng trưởng chứ không tệ như Trung Quốc. Sau đó các nước này
đã chuyển hóa từ lượng thành phẩm và thoát ra khỏi hiện tượng giới kinh
tế gọi là “cái bẫp xập của lợi tức trung bình” để có đà tăng trưởng
thấp hơn nhưng người dân có mức sống cao bằng các nước công nghiệp hóa
tiên tiến. Chi tiết cần chú ý ở đây mà nhiều người Việt, Tàu hay Nga
không thấy là các nước này cũng đã tự chuyển hóa qua chế độ dân chủ nên
từng bước có khả năng tìm ra và áp dụng giải pháp có lợi nhất cho đa số.
Một trung tâm môi giới chứng khoán ở Thượng Hải vào ngày 29 tháng 7 năm 2015. AFP PHOTO.
Nguyên Lam:Xin đề nghị ông nêu ra một vài con số để quý độc giả của chúng ta có thể so sánh.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Theo một công trình nghiên cứu
của Ngân hàng Dự trữ Hoa Kỳ tại khu vực Minneapolis vừa công bố vào
Tháng Năm thì lợi tức bình quân một đầu người của Trung Quốc đã từ 1.300
đô la vào năm 1980 tăng đến 7.700 đô la vào năm 2010, là tăng 500%
trong 30 năm. Đấy là sự ngoạn mục nếu ta không thấy dân Nhật, Nam Hàn
hay Đài Loan lại giàu gấp bội, với lợi tức đồng niên hay năng suất một
đầu người, ngày nay là hơn 36.000, hơn 28.000 hay hơn 22.000 đô la. Đó là nhìn
vào không gian. Nhìn theo trục thời gian thì ta thấy một trào lưu chung
là sau thời tăng trưởng cao như khi một phi cơ mới cất cánh thì các
nước đó bước vào thời trưởng thành với đà tăng trưởng thấp hơn.
- Nhật Bản đã cất cánh từ 1951 và Nam Hàn từ 1954 và sản
lượng bình quân một đầu người đã tăng rất mạnh trong mấy thập niên đầu
rồi chậm dần. Của dân Nhật thì khởi đầu bình quân là 6,1% một năm rồi
5,4% một năm vào thập niên 1970, rồi chỉ còn 2,2% từ thập niên 90 trở
đi. Nam Hàn cũng thế, sản lượng bình quân một đầu người tăng 8,5% một
năm trong thập niên 80, rồi 5,8% trong 10 năm sau, và từ quãng 2000 trở
đi thì chỉ còn 3,8% một năm. Trường hợp Trung Quốc cũng không khác và họ
đang bước vào thời đình trệ, nhưng với lợi tức trung bình một năm vẫn ở
dưới 10 vạn đồng và lạc quan lắm thì năm 2030 sẽ bằng 32,8% của dân Mỹ
hoặc quãng 2061 thì bằng được phân nửa của dân Mỹ.
“Định mệnh” của quốc gia
Nguyên Lam:Thưa ông, với dân số rất lớn, bằng
20% của dân số toàn cầu, kinh tế Trung Quốc có sức nặng tổng hợp khiến
nhiều tổ chức quốc tế dự đoán kinh tế xứ này đã bắt kịp Hoa Kỳ từ năm
ngoái hoặc sẽ bắt kịp nước Mỹ vào năm tới. Nhưng nếu so sánh bình quân
một đầu người, mà ông gọi là năng suất của từng người dân, thì Trung
Quốc đang vào thời trì trệ như các quốc gia đi trước và lạc quan lắm
phải 45 năm nữa thì mới bằng phân nửa dân Mỹ. Đã vậy và chúng ta đi vào
phần chính của đề tài, dân số Trung Quốc lại sớm bị lão hóa. Chuyện ấy
là như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đi vào loại chuyển
động chậm rãi, lâu dài mà khó cưỡng nên mới gọi là “định mệnh” của quốc
gia. Số là do hạn chế về nhận thức của lãnh đạo, rằng mỗi người dân lại
là một miệng ăn và nạn nhân mãn sẽ làm xứ sở nghèo đi, khi tiến hành cải
cách từ đầu năm 1979, Bắc Kinh cũng ban hành chính sách kiểm soát dân
số do một Nghị quyết đề ra từ năm 1978. Họ quy định là mỗi hộ chỉ được
có một con. Hiện tượng gọi là “hậu quả bất lường” khiến cho 36 năm sau,
là bây giờ, Trung Quốc có dân số già lão dần với những ảnh hưởng tai hại
cho tương lai.
- Theo một cuộc khảo sát dân số vào năm 2010, thì 14% dân
số toàn quốc ở vào tuổi cao niên trên sáu chục và 10% là lão niên trên
65 tuổi. Đà lão hóa này sẽ còn tăng với nhịp độ gia tốc, tỷ lệ cao niên
sẽ là 20% vào năm 2030 và 25%, tức là một phần tư dân số, vào năm 2050.
Một cách đếm khác là “tuổi trung vị” theo đó có phân nửa già hơn và phân
nửa trẻ hơn: tới năm 2050, là 35 năm nữa, tuổi trung vị tại Trung Quốc
là 49 và tại Hoa Kỳ là 40. Nói vắn tắt là dân Mỹ vẫn trẻ hơn.
Nguyên Lâm:Ông nói là trẻ hơn, tức là có sức
lao động lâu dài hơn, với năng suất cao hơn nếu ta nhớ đến sản lượng hay
lợi tức bình quân một đầu người. Nhìn cách khác thì có phải rằng thống
kê ấy cũng cho thấy thành phần trẻ, ở tuổi lao động từ 14 đến 60, cũng
sẽ giảm tại Trung Quốc không? Thưa ông, hậu quả sẽ là gì?
Trung Quốc là một xứ đói ăn, khát dầu và
thiếu nước, với diện tích khả canh của đất đai chỉ bằng một phần ba của
bình quân toàn cầu. Vì vậy, xứ này là một nước nghèo. Đã vậy, Trung
Quốc cũng có số sinh suất thuộc loại thấp nhất thế giới. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta hãy nhớ quy ước
rằng người trẻ ở tuổi lao động là thành phần sản xuất ra phúc lợi cho
người cao niên đã về hưu, và nói chung, nhờ tiến bộ của khoa học kỹ
thuật, con người ta có kéo dài tuổi thọ thì cũng kéo dài thời gian sống
nhờ hưu bổng mà chi phí y tế cho sức khỏe cũng tăng. Theo giới nhẩu khẩu
học, tôi xin tạm gọi là “hệ số lệ thuộc” để nói về thành phần cao niên
phải lệ thuộc vào sức sản xuất của thành phần thanh niên hay tráng niên.
- Năm 2010, Trung Quốc có 116 triệu người ở lớp tuổi thanh
niên từ 20 đến 24. Đến năm 2020, số thanh niên ấy sẽ chỉ còn 94 triệu,
và giảm thành 67 triệu vào năm 2030. Trong 20 năm tới, tỷ số người lao
động so với người về hưu tại Trung Quốc sẽ từ năm trên một xuống còn có
hai trên một. Ngay trong hiện tại, dân Tàu đã nói đến con số đáng sợ là
124, có nghĩa là một người đi làm phải nuôi hai vợ chồng và tứ thân phụ
mẫu. Đấy là hiện tượng chưa giầu mà đã già!
Nguyên Lâm:Thưa ông, vì thành phần trẻ cũng
là tuổi đẻ con thì trong một xã hội mà tỷ lệ trẻ tuổi lại giảm thì có
phải là dân số cũng giảm hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa cô rằng đúng như vậy, và ta nói đến “sinh suất” là tỷ lệ sinh đẻ.
- Trung Quốc là một xứ đói ăn, khát dầu và thiếu nước, với
diện tích khả canh của đất đai chỉ bằng một phần ba của bình quân toàn
cầu. Vì vậy, xứ này là một nước nghèo. Đã vậy, Trung Quốc cũng có số
sinh suất thuộc loại thấp nhất thế giới, bình quân là 1,4, tức là mấy
chục măm của tuổi sinh đẻ thì chỉ có ngần ấy đứa con thôi. Sinh suất tại
các nước đã phát triển là 1,7 và tại Mỹ lại còn cao hơn, là 2,6. Theo
cơ quan Liên hiệp quốc thì nếu Trung Quốc giữ được sinh suất ở khoảng
1,5-1,6 thì đến năm 2050, dân số xứ này sẽ sụt dưới một tỷ 300 triệu và
đến năm 2060 thì còn dưới một tỷ. Chi tiết này rất quan trọng vì ưu thế
đông dân với nhân công rẻ đang chấm dứt.
Nguyên Lam:Thưa ông, hồi nãy, ông nói đến
chiều hướng đã thấy tại các nước đi trước rằng kinh tế Trung Quốc cũng
sẽ có đà tăng trưởng thấp hơn. Nếu kết hợp với hiện tượng sụt giảm dân
số thì tình hình tương lai của xứ này đâu có gì là lạc quan?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quả thật là như vậy, vì sau 30
năm tăng trưởng ở gần 10%, đà gia tăng ấy chỉ còn 7,8% vào năm 2012,
nay chỉ còn khoảng 7% và thực tế thì còn thấp hơn nữa. Nếu ta châm
thêm hiện tượng dân số co cụm dần thì đà tăng trưởng kinh tế xứ này sẽ
chỉ còn là vài ba phần trăm trong hai thập niên tới.
- Khi dân số bị lão hóa và sẽ giảm sút thì trong vài chục
năm tới, Trung Quốc hết còn thành phần lao động dồi dào cho kinh tế,
hết còn lực lượng trai tráng đông đảo cho quân đội và cũng chẳng thể
xưng hùng xưng bá được nữa. Hiện tượng “chưa hùng mà đã hung” sẽ kết
thúc và giai đoạn họ gọi là “quật khởi” cũng cáo chung sau mấy chục năm
đầy ảo tưởng. Nhiều người chưa tự chuẩn bị cho kịch bản ấy vì cứ tưởng
tương lai là một nối tiếp của quá khứ thật ra quá ngắn ngủi. Ngược lại,
với những phê phán tràn lan về sự lụn bại của nước Mỹ, Hoa Kỳ vẫn có dân
số rất trẻ và tinh thần năng động của một xã hội tự do. Trung Quốc chỉ
có thể thoát khỏi cảnh ngộ u nám này nếu có một bước đột phá về công
nghệ nhờ sự sáng tạo, là điều bất khả trong một xứ độc tài và thiếu tự do.
Nguyên Lam:Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.