Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune 150702
Thà lăn ra ngoài còn hơn nằm trên thảm cỏ…
* Trong cõi đó, chỉ có hai nữ lưu Merkel và Lagarde là đáng mặt hào kiệt *
Nếu trí nhớ của người viết vẫn còn thì hình như là lần đầu
tiên mà nỗi hoạn nạn của đồng Euro được đề cập trên cột bào này là vào đầu
Tháng 10… năm 2007. Gần như là từ tiền kiếp xa xôi khi ta thấy “sông Trường
giang, sóng sau dồn sóng trước”, tin tức hàng ngày hàng giờ cứ đuổi nhau trên
màn ảnh. Hoàn cảnh “thông tin tức thời”, real time, khiến người ta khó biết được
chuỗi diễn biến trước sau và tương quan nhân quả: biến cố nào xảy ra trước và
có thể là nguyên nhân – có thể thôi – của một biến cố xuất hiện sau?
Tuần qua, chúng ta gặp lại hiện tượng đó trong vụ khủng hoảng
của Hy Lạp.
***
Đầu năm nay, người dân xứ này đã bầu lên một tập hợp cực tả
có tên tắt là Syriza gồm các chính trị gia trong đám ô hợp của 22 tổ chức lớn
nhỏ. Chính quyền Syriza có đủ mặt trí thức cực tả, đảng viên Cộng sản từ Đệ tam
qua Đệ tứ đến Maoist và cả các phần tử chống tư bản chủ nghĩa, kinh tế thị trường
và hội nhập Âu châu. Vì các đảng truyền thống từ trung tả đến trung hữu đều mất
hết uy tín và ảnh hưởng sau năm năm khủng hoảng không lối ra, cử tri Hy Lạp bầu
lên một tập thể kỳ lạ như vậy. Nét chung của họ là chưa từng sống trong kinh tế
thị trường – một môi trường họ bị dị ứng – mà cứ mơ chuyện cung trăng.
Tập thể ấy đắc cử vì đã hứa hẹn bốn điều bất khả. Thứ nhất:
không giảm chi và áp dụng chính sách kinh tế khắc khổ để chấn chỉnh lại việc
công chi thu. Thứ hai: còn tăng chi qua việc nâng mức hưu bổng cho người cao
niên. Thứ ba: thương thuyết với các chủ nợ là Liên hiệp Âu châu, Ngân hàng Phát
triển Âu châu ECB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và một số quốc gia Âu Châu, việc xóa
nợ đợt ba và tung thêm tiền cấp cứu hệ thống ngân hàng thiếu thanh khoản mà khỏi
chấp hành toàn bộ chánh sách chẩn chỉnh chi thu được yêu cầu. Thứ tư: đạt được
ngần ấy đòi hỏi mà vẫn ở lại trong hệ thống tiền tệ thống nhất là khối Euro.
Bốn điều mâu thuẫn này thật cũng bất khả như khả năng trả nợ
của Hy Lạp và gặp phản ứng mạnh từ các chủ nợ. Họ coi tập thể Syriza là “thiếu
trưởng thành” – chữ của bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF. Người viết này
thì không được lịch sự như vậy mà gọi họ là bọn con nít mị dân, có ý vỗ nợ và bắt bí
người khác bằng lời hăm là nếu không thì em tự thiêu ngay giữa chợ vào giờ cao
điểm.
Sau năm tháng thương thuyết gay go như vậy, giải pháp cứu
vãn có điều kiện của Âu Châu đi vào bế tắc khi Thủ tướng Alexis Tsipras bỏ họp
thượng đỉnh hôm Thứ Bảy 27 mà về thủ đô Hy Lạp tuyên bố là sẽ tổ chức trưng cầu
dân ý vào mùng năm Tháng Bảy này. Sau đó là năm ngày đấu trí và đấu khẩu giữa
Âu Châu và Syriza, Âu Châu không nhượng bộ. Còn Thủ tướng Tsipras phóng ra những
tín hiệu trái ngược để vừa đánh lừa dư luận ở nhà vừa tiếp tục mặc cả với Âu
Châu.
***
Trong khung cảnh thông tin tức thời, giữa các nhiễu âm dễ
gây loạn trí, đây là sự thật trước mắt:
- Dân Hy Lạp đang vất vả, hệ thống ngân hàng bị đóng, chế độ
chuyển ngân bị kiểm soát và mỗi ngày thì các trương chủ chỉ được phép rút 60
Euro (khoảng 67 đô la) cho nhu cầu chi dụng thường nhật. Nếu các ngân hàng Hy Lạp
không được Âu Châu châm tiền cấp cứu trong khuôn khổ gọi là Emergency Liquidity
Assistance (ELA) thì số tiền được rút ra có thể chỉ còn là 20 Euro.
- Hy Lạp đã không thanh toán cho IMF món nợ đáo hạn hôm 30 Tháng
Sáu (cỡ một tỷ 730 triệu đô la), sẽ không thể trả Liên Âu món nợ trị giá khoảng
ba tỷ 850 triệu đô la đáo hạn vào ngày 20 Tháng Bảy và món nợ trị giá khoảng ba
tỷ rưỡi vào Tháng Tám, v.v…. Chuyện vỡ nợ từng phần và toàn phần đang xảy ra
khi Hy Lạp đang mắc nợ khoảng 350 tỷ đô la.
- Ngày mùng năm này, trong cuộc trưng cầu dân chúng Hy Lạp sẽ
làm một việc vô vị. Sau khi lật lọng đến lúc cuối thì chiều Thứ Tư mùng một, giờ
Âu Châu, Thủ tướng Tsipras tuyên bố vẫn tổ chức trưng cầu ý kiến vào Chủ Nhật
mùng năm và kêu gọi dân chúng bỏ phiếu KHÔNG, là không đồng ý với giải pháp cấu
cứu có điều kiện do Liên Âu đề nghị. Nhưng vì các nước Âu Châu đã rút lại đề
nghị này và không muốn nói chuyện gì thêm cho đến sau ngày mùng Năm, việc bày tỏ
ý kiến về một văn kiện không còn nữa chỉ là việc vô ích!
- Trong trận đấu trí, Liên Âu muốn dân Hy Lạp cân nhắc và
cho biết là họ chống hay ủng hộ việc hội nhập vào Âu Châu và có còn muốn quốc
gia vẫn là thành viên của khối Euro hay chăng. Syriza thì nhập nhằng trong cách nêu ra câu hỏi có ẩn
ý về đề nghị (đã hủy bỏ) của Âu Châu để dân Hy Lạp trả lời. Mục tiêu là trong cả
hai giả thuyết chống hay thuận, không hay có, họ vẫn hy vọng duy trì được lập
trường thống nhất bên trong tập thể, không bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và nhờ cái
thế là chính trường Hy Lạp chẳng còn ai có thể cầm quyền nên sẽ trở lại đàm phán
tiếp với Âu Châu.
Đấy là mục tiêu ban đầu của kẻ đánh bài ba lá ngoài chợ trời.
Nhưng lần này thì Liên Âu, với nước Đức giữ vai chủ chốt, hết
còn kiên nhẫn nữa và mặc nhiên đồng ý với kịch bản Grexit, cho Hy Lạp ra ngoài, để cứu vãn phần còn lại của khối Euro.
Nếu điều ấy xảy ra từ nay đến cuối năm thiên hạ sẽ ra sao và
Hy Lạp sẽ làm gì?
***
Thật ra, chuyện xé chiều ngồi riêng hoặc ly khai về tiền tệ
như vậy đã từng xảy ra trong lịch sử.
Gần bảy chục quốc gia đã làm như vậy trong thế kỷ 20. Đấy là
trường hợp của Đế quốc Hung-Áo năm 1919, của Ấn Độ và Cộng hoà Hồi quốc
Pakistan năm 1947, rồi của Pakistan với Cộng hoà Đông hồi Bangladesh năm 1971.
Gần hơn thì có các nước trong Liên bang Xô viết năm 1992 và Tiệp Khắc
(Czechoslovakia) năm 1993 khi xứ này chia hai thành Cộng hòa Tiệp và Slovakia,
một sự chia tay êm thắm....
Bây giờ, nếu Hy Lạp không còn ở trong khối Euro nữa, chuyện
gì sẽ xảy ra cho Hy Lạp?
Trước hết, có chuyện... đổi tiền. Trên lãnh thổ Hy Lạp sẽ có
hai đồng tiền, đồng Euro (cũ) và đồng Drachma mới (mà cũ), ít ra là trong dăm
ba tháng. Tiền mới sẽ do viện phát hành tuôn ra từ máy in, tiền Euro thì bị thu
hồi. Và trở thành vô giá trị sau khi bị... xâm vào mông bằng con dấu đỏ, hoặc bị
đục lỗ, v.v.... Chế độ kiểm soát hối đoái được thiết lập tại biên giới (mở ngỏ
cho hàng hoá và dân chúng trong khuôn khổ Âu Châu thống nhất) để tránh nạn tẩu
tán đồng Euro sạch, chưa bị đánh dấu. Tất nhiên là vẫn có nhiều khoản tài sản bị thất thoát vì vượt biên tỵ nạn trong các
trương mục ngân hàng ở xứ khác. Nhưng rồi đồng Drachma xuất hiện ngày một nhiều
hơn nhờ tốc độ một ngày ba ca của nhà in....
Trong vòng từ ba đến sáu tháng, tình hình sẽ khá tèm lem vất
vả.
Rồi Hy Lạp có toàn quyền quyết định về hối suất hay tỷ giá đồng
bạc mới so với đồng Euro để giải quyết việc thanh toán các khoản nợ của nhân dân
với nhau. Còn các khoản nợ ngoại quốc (của người dân và chính phủ Hy Lạp) thì
phải có sự quy định của một cơ chế Âu châu có thẩm quyền về trái phiếu hay tín
dụng. Đấy là lúc người ta nói chuyện về tự nguyện ly khai hay bị trục xuất. Các
quốc gia thật ra đều muốn Hy Lạp còn sống sót và không bị đại loạn, việc để Hy
Lạp ra đi chính là giải pháp cho nhu cầu đó.
Từ quyết định ly khai này, người ta sẽ gặp hiện tượng tạm gọi
là kiện toàn sổ sách kế toán, nói nôm na là thanh toán nợ nần trong vòng lễ
giáo. Các khoản tín dụng nội địa (thẻ tín dụng hay nợ gia cư) sẽ do chính quyền
thanh thỏa thay cho các ngân hàng và việc định giá lại khoản nợ theo hối suất mới
thì cũng sẽ xoá bớt một số nợ nần cho tư nhân (kể cả tư doanh).
Chuyện rắc rối hơn sẽ là khoản ngoại trái của các doanh nghiệp
Hy Lạp đã vay mượn nước ngoài bằng đồng Euro chẳng hạn. Bây giờ làm sao thanh
toán bằng đồng Drachma? Họ dễ phá sản vì trả nợ cũ bằng đồng tiền mới, hiển nhiên
là có giá trị thấp hơn ít ra là 30% nên phải mất nhiều tiền hơn. Các nước Đông Á
bị khủng hoảng thời 1997-1998 đều gặp chuyện ấy khi nhiều doanh nghiệp vỡ nợ.
Nhưng sau đó, các doanh nghiệp đã có một nền tảng kế toán, bảng kết toán tài sản,
thăng bằng hơn, để rồi tiếp tục là rồng cọp bay lên.
Khủng hoảng nợ nần của Âu Châu có thể còn tàn tệ hơn các cuộc
khủng hoảng tương tự trong những nước gọi là đang phát triển, như Argentina,
Mexico, khối Đông Á, và việc thoát hiểm cũng có thể học ra từ kinh nghiệm của các
nước này.
Hậu quả cho Hy Lạp: Kinh tế sẽ suy trầm nặng trong một vài năm
rồi sẽ phục hồi vì từ đó các doanh nghiệp vẫn có thể vay mượn trên thị trường
quốc tể để sản xuất. Nếu họ chịu khó đi làm hơn là du dương hát hỏng ngoài bờ
biển tuyệt vời và chờ chính quyền trợ cấp.
Các quốc gia biên tế kia cũng thế. Nếu họ ra khỏi khối Euro
thì trên thị trường Âu Châu sẽ xuất hiện các đồng bạc mới, bị phá giá, như đồng
Pesetas, Escudos, đồng Lires hay đồng Punts. Khi ấy, ta sẽ thấy nhiều nước vỡ nợ,
nhiều doanh nghiệp khánh tận, đồng bạc hết được giàng giá vào một ngoại tệ khác
mà được thả nổi - hoặc nhất thời nằm trong chế độ quản lý hối đoái, như nhiều
nước Đông Á đã tạm thời áp dụng sau vụ khủng hoảng 1997. Sau những tháng trầm
luân, các nước mắc nợ này vẫn còn cơ hội phục hồi. Thay vì cứ dập dình chìm lỉm
như trong mấy năm qua – và gieo họa cho thế giới.
Còn lại, khối Euro sẽ là gì, Liên hiệp Âu châu sẽ ra sao, ta
có thể tìm hiểu trong một dịp khác, sau khi thấy là như nhiều quốc gia bị khủng
hoảng và xé chiếu trong quá khứ, những nước đang mấp mé ngoài biên của Âu châu
có thể lăn ra ngoài và đứng dậy được.
Thà như vậy còn hơn là nằm sưởi nắng trên thảm cỏ, bụng đói
meo. Thảm lắm!
Thưa bác Nghĩa,
Trả lờiXóaCháu mới vửa đọc tin thấy rằng hiện đang có trên 10 ngàn người Hy Lạp di dân sang Úc. Trong tình hình rối ren như thế này thì tại sao Úc lại tiếp đón di dân Hy Lạp với số lượng lớn như vậy?
Chuyện này xảy ra từ nhiều tháng rồi và xưa nay có khá nhiều người Hy Lạp sống tại Úc, đông nhất là ở Melbourne. Đáng chú ý là làn sóng di dân lần này mạnh chưa từng thấy, chỉ thua lần trước khi dân Hy Lạp ra đi để tránh chế độ quân phiệt độc tài sau Thế chiến II. Dù sao, Úc là nơi đất rộng người thưa và dân Hy Lạp xin qua đó cũng là thành phần có tay nghề, đa số còn trẻ....
Trả lờiXóaThưa bác NXN,
Trả lờiXóaVậy người Hy Lạp đã nhận được gì sau khoảng thời gian chung sống với EU, và sử dụng đồng tiền chung euro? Chắc hẳn không phải chỉ là khoản nợ 350 tỷ USD.
Người Hy Lạp hẳn phải mơ tới một xã hội thịnh vượng trước khi bỏ phiếu vào EU và gia nhập khối sử dụng chung euro.
Các nước kém phát triển hơn trong EU, và các nước gia nhập EU sau có rút ra được bài học cho mình từ điển hình Hy Lạp này?
Hy Lạp khai gian sổ sách từ năm 1998-1999 để đủ tiêu chuẩn gia nhập khối Euro dù bị bội chi ngân sách gấp ba hạn định (hơn 12%), và sau đó có hưởng nhiều lợi ích mà không muốn trả giá. Bây giờ, đến hồi tính điểm, trong gần sáu năm qua vẫn không cải thiện và nay còn mắc nợ nặng hơn sau mấy tuần vùng vẫy vừa qua. Hãy xem người dân chống kế hoạch cứu nguy của Âu Châu hôm mùng năm Tháng Bảy, rồi Quốc hội hai lần bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch cứu nguy của Syriza (còn khó hơn kể hoạch trước), và đêm 15 rạng 16 ủng hộ kế hoạch cứu nguy mới của Âu Châu (còn khắt khe hơn hai kế hoạch kia)! Đây là quốc gia đầu tiên có dân chủ, vào thời cổ đại, và nay cũng là xứ dân chủ đầu tiên đang tự sát.... Các chính trị gia và lãnh đạo phải chịu trách nhiệm - cùng với người dân vô tâm.
Xóa