Thứ Hai, tháng 7 27, 2015

Nhật-Hoa Tái Ngộ


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 150724

Sự Sợ Hãi Của Ngươi Mới Làm Ta Hãi Sợ

* Lần trước gặp nhau: nước Tầu lỗ mũi ăn trầu, đầu như lục tầu xá *



Ngày xưa, có một quốc gia thiếu tài nguyên đã sớm bước vào tiến trình kỹ nghệ hóa rồi phát giác rằng mình càng thiếu tài nguyên. Tài nguyên đó là nguyên nhiên vật liệu và sức lao động. Quốc gia đó là Nhật Bản, sau cuộc canh tân của Minh Trị Thiên Hoàng.

Là một quốc gia quần đảo, Nhật giải quyết nạn thiếu thốn ấy bằng chinh phục: tìm nguồn cung cấp ở nơi khác và dùng nhân công xứ khác giải quyết việc sản xuất cho mình. Càng tiến nhanh trong bước công nghiệp hóa, Nhật Bản càng phải bảo vệ nguồn cung cấp tài nguyên và nhân lực. Một cách khái quát, đấy là những nguyên nhân chính khiến Nhật Bản trở thành cường quốc hung hăng đã chiến thắng hai đại cường lân bang tại Á Châu, là Trung Quốc và Đế quốc Nga, trong các trận hải chiến lừng danh cuối thế kỷ 19 (1895) và đầu thế kỷ 20 (1905). Sau đó, Nhật còn dữ dội hơn vậy, chiếm đóng bán đảo Triều Tiên năm 1910 và một phần lãnh thổ Trung Quốc năm 1937.

Từ hướng Đông của biển Thái Bình, một cường quốc khác theo dõi động thái này và tìm cách giới hạn sự bành trướng của Nhật để bảo vệ các tiểu bang miền Tây của mình. Đó là Hoa Kỳ.

Khi Nhật hất cẳng các nước Âu Châu tại vùng thuộc địa ở Đông Nam Á và uy hiếp đất bảo hộ của Mỹ trên Thái Bình Dương là Philippines thì Hoa Kỳ quyết định phong tỏa kinh tế Nhật và chặn mất 80% nguồn năng lượng cho các hãng xưởng Nhật Bản. Vì vậy, đáng lẽ Hoa Kỳ chẳng nên ngạc nhiên về phản ứng của Nhật, là vụ tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) của quần đảo Hawaii ngày bảy Tháng 12 năm 1941.

Ngay hôm sau, Hoa Kỳ khai chiến và tham gia Thế chiến II, thật ra khởi sự trước đó khá lâu tại Âu Châu.

Sau một cuộc chiến dai dẳng và tốn kém trên biển Thái Bình, Hoa Kỳ khuất phục được Nhật Bản, cách nay đúng 70 năm, bằng hai quả bom nguyên tử. Điều kỳ lạ là khi nước Nhật bại trận phải đầu hàng, toàn bộ hệ thống kỹ nghệ bị tan tành mà người dân vẫn cam chịu và gìn giữ sự ổn định của một xã hội thuần chủng. Nhật bị giải giới, chấp nhận một Hiến pháp phi quân sự do Hoa Kỳ soạn thảo, vài chục năm sau trở thành một đồng minh phú cường của Hoa Kỳ, theo chế độ dân chủ. Từ đó, Nhật giải quyết nhu cầu kinh tế - nguyên nhiên vật liệu và nhân công – theo hướng tự do và hòa bình, qua ngoại thương và đầu tư, dưới cái dù bảo vệ của Hoa Kỳ.

Khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, cường quốc kinh tế này ở vào phe chiến thắng nhưng bắt đầu bị khủng hoảng. Nạn bể bóng đầu tư dẫn tới suy trầm và cơ chế chính trị sơ cứng cản trở việc cải cách nên trong hơn 20 năm, Nhật Bản vẫn chưa ra khỏi khó khăn.

***

Đó là chuyện ngày nay, khi mà tuần qua, Thủ tướng Shinzo Abe tung ra “mũi tên thứ ba” của công cuộc cải cách sau hai mũi tên tiền tệ và ngân sách, nhằm phá vỡ các thế lực cản trở, nhất là trong khu vực năng lượng, lao động và canh nông. Nhưng bài toán của Nhật không chỉ có vậy.

Vì khi Nhật Bản bắt đầu suy trầm, bên kia biển Hoàng Hải, một cường quốc đã xuất hiện và đi theo con đường bành trướng của Nhật trăm năm về trước. Đấy là Trung Quốc.

Sau 100 năm lụn bại kể từ 1842, trong Thế chiến II, Trung Quốc là nạn nhân của Nhật, lãnh thổ là trận địa của chiến tranh chống Nhật và nội chiến Quốc-Cộng. Sau khi đảng Cộng sản chiến thắng năm 1949, trong 30 năm, Trung Quốc là nạn nhân của Mao Trạch Đông cho đến khi Mao tạ thế năm 1976 và Đặng Tiểu Bình cải cách năm 1979. Từ đó Trung Quốc nghĩ đến việc phục hưng và cũng áp dụng bài học canh tân và công nghiệp hóa của Nhật và của các nước Đông Á khác.

Ngày nay, vào thế kỷ 21, lãnh đạo xứ này cũng phát giác “sự thật Nhật Bản” đã thấy từ thế kỷ 19: đói ăn, khát dầu, thiếu nước và cần nguyên nhiên vật liệu cùng các thị trường xuất cảng.

Nhưng thay vì giải quyết như Nhật Bản sau Thế chiến II, một cách hòa bình theo quy luật thị trường, lãnh đạo Trung Quốc nghĩ đến giải pháp bành trướng và phòng thủ một cách tích cực hơn. Chiếm đóng để bảo vệ. Bắc Kinh mở rộng kiểm soát vùng biển cận duyên bao trùm lên một chuỗi quốc gia bán đảo hay hải đảo, gọi là “Đệ nhất Đảo liên” ngoài Đông hải, và còn nghĩ đến vùng biển viễn duyên, Thái Bình Dương, là chuỗi “Đệ nhị Đảo liên” kéo đến tận căn cứ Guam và quần đảo Hawai của Hoa Kỳ.

Rút kinh nghiệm tốn kém của chiến tranh quá xa lãnh thổ thời Đệ nhị Thế chiến trên Thái Bình Dương và hai cuộc chiến Á Châu trên bán đảo Triều Tiên và tại Việt Nam, Hoa Kỳ muốn tránh đụng trận với Trung Quốc. Mỹ chủ trương bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển và không can dự vào vấn đề chủ quyền ở các quần đảo thuộc vòng “Đệ nhất Đảo liên” hay cái “Lưỡi Bò 10 Khúc” của Bắc Kinh.

Nhật Bản không có hoàn cảnh địa dư đó.

Vì vậy, song song cùng việc cải cách kinh tế xã hội bên trong, từ nhiều năm nay, Chính quyền Shinzo Abe vận động việc cải tổ Hiến pháp và luật lệ để Nhật Bản sẽ có khả năng quân sự bảo vệ quyền lợi của mình – lẫn các đồng minh. Hôm 21 vừa qua, cùng “mũi tên thứ ba” về kinh tế của Abe, Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố Bạch thư “Phòng vệ Nhật Bản 2015”.

Tài liệu này được hoãn một tuần theo yêu cầu của đảng cầm quyền Tự do Dân chủ LDP của ông Abe, để bổ sung phần nhận định về mối nguy từ Trung Quốc. Văn kiện vừa xuất hiện là gây phản ứng gay gắt từ phía Bắc Kinh. Ngay hôm sau, Bộ Ngoại giao Bắc Kinh kết án việc Nhật Bản đe dọa chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo có tranh chấp và yêu cầu Tokyo chấm dứt “những trò nguy hiểm”.

Cả phần bối cảnh rất dài ở trên chỉ dễ dẫn tới động thái Bắc Kinh, mâu thuẫn Hoa-Nhật, và lập trường của Mỹ.

***

Nhật Bản là một nước không có tài nguyên, lãnh thổ là một quần đảo có bốn đảo lớn nằm giữa đại dương. Khi hữu sự, dân Nhật chỉ có một đất lùi là trôi xuống biển.

Trung Quốc là một đại cường lục địa ngày nay bị lệ thuộc vào thế giới bên ngoài như chưa từng bị trong mấy ngàn năm lịch sử. Vì vậy, thế hệ lãnh đạo mới là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường – “Thế hệ Tập-Lý” – mới vạch ra “Con Đường Tơ Lụa của Thế kỳ 21”. Chiến lược bành trướng và củng cố này gồm có “Nhất Đới” là các đường lộ vận trên đất liền để qua Trung Á, Trung Đông là vào tới Âu Châu; phần kia là “Nhất Lộ”, đường vận chuyển trên biển nối liền các thương cảng và quân cảng Trung Quốc trên vùng biển Hoa Đông và Hoa Nam của họ với các dòng hải lưu trên vùng biển Đông Nam Á qua Ấn Độ Dương rồi Địa Trung Hải. Bạch thư Quốc phòng của Bắc Kinh được công bố hôm 26 Tháng Năm đã khẳng định quyền bảo vệ quân sự của Trung Quốc trên các ngả giao lưu đó. “Hạch tâm nghĩa lợi” hay quyền lợi cốt lõi là đấy.

Hóa ra, vì sợ bị thiên hạ phong tỏa những đường yết hầu ngoài biển cận duyên, Bắc Kinh bèn “tiên hạ thủ” là mở rộng vùng định vị phòng không ADIZ rồi chiếm đóng và củng cố các quần đảo đang có tranh chấp chủ quyền với các lân bang để làm căn cứ quân sự trong một vùng trái độn họ đòi kiểm soát.

Trong khung cảnh đó, mâu thuẫn và xung đột với Nhật là điều dễ xảy ra.

Theo phép suy bụng ta ra bụng người, Bắc Kinh không tin rằng Hoa Kỳ sẽ ra tay bảo vệ quyền lợi và nhân sự của Trung Quốc khi họ gặp nạn ở bên ngoài và lại còn có khả năng khống chế các eo biển thông thương tại vùng biển Đông Nam Á để phong tỏa kinh tế Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh cũng cho rằng Hoa Kỳ chỉ muốn duy trì nguyên trạng tự do lưu thông trong khu vực chứ không muốn trực tiếp khai chiến với mình. Chỉ cần nêu ra những rủi ro và tổn thất về phía Hoa Kỳ thì Bắc Kinh cũng tránh được một trận Mỹ-Hoa chinh chiến.

Và hình như Hoa Kỳ của Barack Obama ứng xử như vậy thật. Việc Mỹ tái phối trí phương tiện quân sự qua biển Thái Bình như Tổng trưởng Quốc phòng thời ấy là Lenon Panetta thông báo từ năm 2012 vẫn chưa tiến hành.

Nhưng Nhật Bản lại khác. Chính quyền Shinzo Abe nói và làm với những phương tiện quân sự hiện đại hơn Trung Quốc, và Tokyo còn ra sức phổ biến võ khí phòng thủ cho các nước trong vùng. Nỗi sợ hãi là con đường hai chiều và sự sợ hãi của ngươi lại làm ta hãi sợ!

Hai cường quốc Á Châu có cùng một nỗi lo vì có cùng loại vấn đề. Và đấy là mới mối nguy tại Đông Á.

4 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa !

    Năm xưa chỉ vì Mỹ tiến hành bao vây, cấm vận hàng hóa vào Nhật Bản nên Nhật Bản mới tiến hành cuộc không kích vào Trân Châu Cảng. Vậy theo bác trong hoàn cảnh kinh tế chính trị hiện nay khi Mỹ đang đẩy mạnh việc tiến hành xây dựng Hiệp định kinh tế chiến lược TPP + thêm việc kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn thì liệu có chiến tranh cục bộ xảy ở biển Đông và biển Hoa Đông không ạ ?

    Nếu phân tích bây giờ thì quá sớm nhưng bác có nhận định hay dự đoán gì về chiến lược ngoại giao của nước Mỹ ( từ Tổng thống thứ 45 ) về vấn đề tái cấn bằng lực lượng về Châu Á Thái Bình Dương và vấn đề ngoại giao với Trung Quốc không ạ ? Vì cháu nghĩ nếu Tổng thống sắp tới là một người Cộng hòa ( có tư tưởng diều hâu ) hay là bà Hillary ( là ứng cử viên dân chủ nhưng có chính sách đối ngoại rất là Diều hâu ) thì nước Mỹ cũng sẽ có chính sách đối ngoại cứng rắn hơn rất nhiều so với ông Obama.

    Cháu cảm ơn bác !

    Trả lờiXóa
  2. Xin xem "Giờ Giải Ảo" trên Người-Việt TV và "Bên Kia Màn Khói" trên Sàigon TV (chương trình của Bích Trâm), sẽ lần lượt nói về những bài toán đang chờ đợi Tổng thống Mỹ sau ngày tuyên thệ nhậm chức vào Thứ Sáu 20 Tháng Giêng 2017....

    Trả lờiXóa
  3. Bác Nghĩa cho con xin cái link đi được k, vì con ở VN k coi đài hải ngoại được

    Trả lờiXóa
  4. Tại sao lại phải xin trong khi bạn có thể tự mình đi tìm được.Với những từ khóa mà bác Nghĩa đã trả lời bạn có thể lên Youtube và tự mình tìm cái cần tìm

    Trả lờiXóa