Thanh Hà & Nguyễn-Xuân Nghĩa - RFI Ngày 150714
"Tạp Chí Kinh Tế"
Khi châu Âu đang bị tê liệt vì 312
tỷ euro nợ công Hy Lạp, tại Trung Quốc trong ba tuần lễ, gần 3.200 tỷ euro bốc
hơi trên thị trường chứng khoán. Một làn gió hoảng loạn thổi qua thị trường tài
chính Thượng Hải và Thẩm Quyến vào thượng tuần tháng 7/2015. Bắc Kinh lập tức
đưa ra những biện pháp triệt để nhằm kềm hãm đà xuất huyết trên các thị trường
tài chính. Nhưng liệu rằng những con đê vừa đắp đó chống cự được bao lâu nếu
như các đợt sóng lớn tràn vào Trung Quốc?
Sự
«vụng về» của chính quyền gây hoảng loạn
Trong
phiên giao dịch ngày 08/07/2015 chỉ số chứng khoán của Trung Quốc rơi mạnh
(-6,75%). So với thời điểm ngày 12/06/2015, cổ phiếu mất giá hơn 32%. Mọi chú ý
đã tập trung vào hiện tượng “tuột dốc không phanh” đó. Báo chí phương Tây hốt
hoảng nói tới «một cuộc khủng hoảng tài chính của Trung Quốc». Nhưng đối với
giới chuyên gia trong ngành, thì đó chỉ là một sự «điều chỉnh bình thường» sau
khi giá cổ phiếu của các tập đoàn tham gia sàn chứng khoán Trung Quốc đã quá xa
vời thực tế.
Đi
sâu vào chi tiết, thì chỉ số chứng khoán Trung Quốc trong 12 tháng qua đã tăng
150%. Ngay cả sau khi giảm mạnh trong ba tuần cuối tháng 6 và tuần lễ đầu tháng
7, trung bình, cổ đông vẫn còn có lãi từ 60 đến 70% so với thời điềm cuối tháng
6/2014.
Điều
đáng quan ngại hơn là «sự điều chỉnh» nói trên lại khiến chính nhà cầm quyền
Trung Quốc lo sợ. Bắc Kinh đã liên tục đề ra hàng loạt các biện pháp để ngăn
chận đà tuột dốc không phanh đó. Động thái này lại càng là những tín hiệu «tai
hại cho thị trường».
Nhưng
trước khi đi xa hơn, chúng ta hãy cùng điểm lại những nguyên nhân sâu xa dẫn
tới sự «điều chỉnh» trong tháng qua trên các sàn chứng khoán Trung Quốc.
Kể
từ khi thị trường địa ốc bị ứ đọng, Bắc Kinh đã chuyển hướng, kêu gọi tư nhân
làm giàu nhờ thị trường chứng khoán. Tức là trực tiếp dồn vốn cho các tập đoàn
doanh nghiệp của nhà nước. Tính toán đó rất khôn ngoan khi biết rằng tư nhân
tham gia ồ ạt vào các sàn chứng khoán, nhờ vậy tăng vốn cho các doanh nghiệp.
Qua đó tạm thời xua tan đe dọa nợ khó đòi cho một số các tập đoàn ngân hàng của
nhà nước. Cần biết là nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc được ước tính lên tới
17 ngàn tỷ đô la.
Trên
thực tế, chính quyền Bắc Kinh đã thổi lên một quả bóng chứng khoán. Quả bóng
mới đó đã đẩy cổ phiếu của các tập đoàn Trung Quốc tăng vọt. Dù vậy mọi tính
toán của các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn được thuận buồm xuôi gió cho tới khi
tăng trưởng bị chựng lại và mọi người nói tới hiện tượng «hạ cánh» của nền kinh
tế thứ nhì trên thế giới. Tỷ lệ tăng trưởng rơi xuống còn có 7,4% cho năm 2014
đang đạt mức thấp nhất từ ba thập niên qua. Thậm chí Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự
phóng GDP của Trung Quốc năm nay sẽ chỉ tăng 6,8%. Nhưng trớ trêu thay: kinh tế
càng khó khăn, tư nhân lại càng xem thị trường tài chính như một phương tiện để
kiếm lời.
Hiện
có tới 90 triệu dân Trung Quốc đầu tư vào thị trường chứng khoán Thượng Hải và
Thẩm Quyến. Nhưng ở Trung Quốc cảnh người dân đi vay tiền để mua cổ phiếu -
đúng theo nghĩa thả mồi bắt bóng - là chuyện thường tình. Nếu như tại Hoa Kỳ
trong số các cổ đông, chỉ có khoảng 3% đi vay để đầu tư vào thị trường chứng
khoán thì tỷ lệ đó tại Trung Quốc là 8%.
Thả
mồi bắt bóng
Trong
vài ba tuần lễ một khối lượng tiền khổng lồ - ước tính từ 3.500 đến 4.000 tỷ đô
la - đã không cánh mà bay. Khoản tiền đó tương đương với của cải nước Pháp tạo
ra trong một năm. Hiện tượng «bốc hơi» đó xuất phát từ chỗ các nhà đầu tư mất
tin tưởng vào chính sách kinh tế và tài chính của Bắc Kinh. Kể từ năm 2014 khi
thị trường địa ốc bị hụt hơi, rồi các chỉ số kinh tế liên tục đi xuống, ê kíp
lãnh đạo trong tay chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường đã chủ
trương nới lỏng chính sách tiền tệ, trực tiếp bơm tiền vào guồng máy kinh tế.
Có điều guồng máy sản xuất và công nghiệp vẫn dậm chân tại chỗ, xuất khẩu bị ứ
đọng, và nhất là chính sách «tái cân bằng» mô hình kinh tế quốc gia, lấy tiêu
thụ nội địa làm động lực để tiếp sức cho khu vực xuất khẩu đang bị hụt hơi thì
lại không được như mong đợi.
Trong
nhiều tháng liên tiếp, kinh tế của Trung Quốc không có dấu hiệu khởi sắc trở
lại, trong lúc nợ của các tập đoàn nhà nước, của các chính quyền địa phương và
tư nhân tăng vọt. Những thất bại liên tiếp đó gây lo ngại.
Trả
lời ban Việt ngữ đài RFI, chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa phân tích một
cách cụ thể hơn về những biện pháp chữa cháy của Bắc Kinh với hy vọng dập tắt
được ngọn lửa có nguy cơ thiêu rụi những thành tích đã có được của các sàn
chứng khoán.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Nói
về bối cảnh thì sau khi đã điều hướng lợi tức của người dân vào thị trường gia
cư địa ốc từ mấy năm trước và thổi lên bong bóng đầu cơ cho đến khi bóng xì và
nhà cửa mất giá thì lãnh đạo Trung Quốc lại điều hướng lợi tức của người dân
vào thị trường chứng khoán cho tới khi giá cổ phiếu tăng vọt 150% trong có 12
tháng. Nhưng vào trung tuần Tháng Sáu thì bóng bể trên ngần ấy thị trường
Thượng Hải, Thẩm Quyến và ChiNext. Từ đó đến nay, lãnh đạo Bắc Kinh hốt hoảng
tung ra nhiều biện pháp cũng «điên cuồng» như khi họ thổi bong bóng.
-
Trước hết Bắc Kinh cho hạ lãi suất để bơm thêm tiền vào thị trường. Không công
hiệu thì họ đả kích nước ngoài có gian ý phá hoại giấc mơ «Trung Quốc Mộng», kể
cả tập đoàn đầu tư Morgan Stanley của Hoa Kỳ vì cuối Tháng Sáu đã đưa ra những
dự báo bi quan về kinh tế Trung Quốc. -
- Sau đó là biện pháp hành chánh như
điều tra những ai có âm mưu bán tháo, là đánh cá theo hướng sụt giá.
-
Nhưng khi các cổ phiếu sụt hơn một phần ba làm mất một lượng tài sản tương
đương với hơn ba ngàn và gần bốn ngản tỷ đô la tính đến tuần đầu của Tháng Bảy
thì Bắc Kinh tung ra loại biện pháp tuyệt vọng, như cho phép những người đi vay
tiền để mua cổ phiếu được đem nhà cửa thế chấp khi cổ phiếu sụt giá và bị chủ
nợ yêu cầu châm thêm vốn. Rồi có lệnh lấy tiền từ quỹ hưu bổng rót qua thị
trường chứng khoán để giá khỏi sụt. Về mặt hành chánh thì cấm những ai giữ 5%
cố phần của một doanh nghiệp là không được bán ra trong vòng sáu tháng, song
song thì cấm gần phân nửa các doanh nghiệp yết giá trên ba thị trường không
được phát hành thêm cổ phiếu đợt đầu theo thể thức IPO, v.v… Nói nôm na thì nhà
nước đánh bẫy nhà đầu tư rồi không cho họ chạy.
-
Tới nay thì những biện pháp nói trên đã tạm hãm đà xuất huyết trên thị trường
chứng khoán và giá cổ phiếu có nhích chút đỉnh nhưng chưa có dấu hiệu phục hồi
vì niềm tin của giới đầu tư đã tan vỡ».
Theo
nghiên cứu của đại học Thành Đô chỉ có 8,8 % dân cư ở thành thị Trung Quốc đầu
tư chứng khoán và vì vậy đã trông thấy một phần tài sản của họ bị «tan chảy» .
Nhưng thiệt hại trước mắt về tài chính vẫn còn rất chừng mực. Hơn nữa sau khi
Bắc Kinh ban hành các biện pháp khẩn cấp ngày 08/07/2015 các chỉ số chứng khoán
ở Thượng Hải, Thẩm Quyến đã lấy lại phong độ. Có điều, uy tín của chính quyền
đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bị sứt mẻ và những gì đang diễn
ra tại Bắc Kinh cho thấy, những hứa hẹn «mở cửa ngành tài chính» cho tư nhân
từng được ông Tập Cận Bình rao giảng chỉ là những lời nói suông:
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Tôi
nghĩ rằng tác động tai hại nhất là chính trị chứ không là kinh tế. Về kinh tế
thì tài sản người dân đi vay để đưa vào thị trường cổ phiếu thật ra vẫn còn nhỏ
và dù nhà đầu tư có mất một phần ba so với đỉnh cao vào ngày 12 Tháng Sáu thì
vẫn còn là khá so với tình hình 12 tháng trước. Vì vậy, hiệu ứng trực tiếp thì
không đáng ngại. Thứ nữa là đa số trong 90 triệu nhà đầu tư đều thuộc loại cò
con, chưa hoàn tất bậc trung học, thiếu kiến thức và kinh nghiệm nên chẳng
thuộc vào thành phần có thể kêu gọi người khác biểu tình vì bị lỗ vốn khi chơi
stock như đánh bạc. Các đại gia có tiền thì đã nhân khi thị trường lên giá rút
vốn đầu tư vào địa ốc và chứng phiếu ở nước ngoài chờ ngày lãi suất ở các nơi
đó, như Hoa Kỳ hay Úc, được tăng thì sẽ kiếm thêm lời.
-
Nhưng chính là sự hốt hoảng của lãnh đạo trước một đợt điều chỉnh giá cả thật
ra cũng có thể đoán trước trên thị trường mới khiến người ta suy đoán rằng tình
hình kinh tế thật của Trung Quốc lại có nhiều nhược điểm nghiêm trọng. Sự suy
đoán ấy mới gây ra hiệu ứng gián tiếp có thể sẽ kéo dài lâu hơn.
Tác
động về lâu về dài
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Trước
hết, đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ suy sụp nặng hơn, tình trạng ế ẩm ở
vào mức cao hơn và các doanh nghiệp mắc nợ sẽ khó thanh toán được nợ nần, nhất
là khi thị trưởng cổ phiếu là nơi doanh nghiệp huy động tiền trả nợ lại bị đóng
băng v.v… Điều ấy chẳng là sự lạ vì sau ba chục năm ráo riết đầu tư và sau sáu
năm bơm tín dụng để nâng sản lượng, kinh tế xứ này hết nơi đầu tư có lời mà còn
chất lên một núi nợ có thể sụp.
-
Thứ hai, khi dồn tiền vào thị trường địa ốc rồi cổ phiếu, lãnh đạo Bắc Kinh mơ
ước nâng cao lợi tức của thành phần trung lưu khiến họ tiêu xài nhiều hơn và
tạo ra một lực đẩy là tiêu thụ nội địa có thể thay thế dần lực đẩy kia là đầu
tư. Ngày nay, mơ ước đó của lãnh đạo đã tan như bong bóng xà phòng và việc cải
cách hay chuyển hướng kinh tế đề ra từ hai năm trước sẽ lại bị trì hoãn.
-
Thứ ba, khi ban bố kế hoạch cải cách, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý
Khắc Cường đều nhấn mạnh đến yêu cầu vận dụng quy luật thị trường làm đòn bẩy.
Bây giờ, vụ bể bóng cổ phiếu và hàng loạt biện pháp chống đỡ cho thấy là họ chỉ
lũng đoạn thị trường mà thôi. Họ hành xử chẳng khác gì các thế lực bảo thủ đã
và đang cưỡng chống cải cách.
-
Sau cùng, qua một chiến dịch diệt trừ tham nhũng rộng lớn để thanh lọc hàng ngũ
và thanh trừng đối thủ, Tập Cận Bình đã củng cố được quyền lực nhưng cũng có
lắm kẻ thù. Vụ bể bóng cổ phiếu này khiến uy tín của ông sa sút và là cơ hội
phản công cho các đối thủ của ông. Nội tình lãnh đạo ở trên sẽ có nhiều mâu
thuẫn và phân hóa hơn.
Ngắn
và dài hạn
Nói
cách khác thiệt hại nặng nề nhất cho tới thời điểm này là uy tín của mô hình
tài chính Trung Quốc. Đó là một mô hình bất cập và rõ ràng là các nhà đầu tư
của Trung Quốc không có một chiến lược, không đủ tầm nhìn xa.
Những
khó khăn của ông khổng lồ Trung Quốc, nền kinh tế thứ nhì thế giới, đương nhiên
buộc thế giới phải quan tâm. Nhưng trong ngắn hạn các thị trường quốc tế không
bị ảnh hưởng lây, do Trung Quốc có một hệ thống tài chính khép kín. Nhưng về
lâu dài, khi mà cơn lốc chứng khoán của Thượng Hải, Thẩm Quyến tác động dây
chuyền làm suy yếu tiềm năng tăng trưởng của toàn quốc thì khi đó tất cả các
đối tác kinh tế và thương mại của Bắc Kinh sẽ cùng bị vạ lây. Dù ở mãi tận châu
Á, nhưng chắc chắn là cơn địa chấn đó sẽ thổi tới tận Đức hay Brazil, Nam Phi
và sẽ khiến Berlin – đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc tại Châu Âu phải
đau đầu hơn rất nhiều so với hồ sơ Hy Lạp hiện tại.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Giới
đầu tư ngoại quốc chưa được rộng rãi tham dự thị trường cổ phiếu Trung Quốc và
các doanh nghiệp tiên tiến của xứ này thì đã huy động vốn trên các thị trường
Hong Kong hay Tây phương, kể cả New York. Giới đầu tư ngoại quốc chỉ chiếm có
2% thị trường Trung Quốc mà thôi nên quả thật là vụ bể bóng không làm họ bị
thiệt hại nặng.
-
Nhưng sau biến động vừa qua, nếu tình hình kinh tế Trung Quốc lại sa sút nặng
hơn thì các nước khác sẽ bị ảnh hưởng mạnh.
-
Đầu tiên, đây là một thị trường xuất cảng lớn của thế giới cho các nước Á, Phi,
Nam Mỹ và nếu Trung Quốc bị suy thoái, các xứ khác sẽ bị suy trầm vì xuất cảng
giảm sút. Ta đã có thể thấy điều ấy ở giá cả các thương phẩm như nguyên nhiên
vật liệu, dầu khí và kim loại đều sụt.
-
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã bung ra đầu tư rất mạnh ở bên ngoài,
nếu tình hình bên trong bị nguy ngập và các cơ sở mất khả năng thanh toán và có
thể vỡ nợ thì các doanh nghiệp Trung Quốc đã chạy ra ngoài phải rút vốn cấp cứu
hội sở ở nhà và đấy cũng là một hậu qủa bất lợi cho các nước khác vì đầu tư sẽ
giảm sút kể từ năm tới.
Con
đường quốc tế hóa của Trung Quốc bị đe dọa?
Trong
những điều kiện đó chắc chắn là những nỗ lực để đưa đồng nhân dân tệ trở thành
một đơn vị tiền tệ có uy tín ngang tầm với đô la Mỹ hay euro của châu Âu, đồng
yen của Nhật Bản bị chựng lại. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải xét lại
chương trình cải tổ đầy tham vọng mà ông đã đề ra cho đất nước kể từ khi lên
cầm quyền vào mùa xuân 2013.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: -
Nhìn rộng ra ngoài một cách lạc quan rộng lượng thì Bắc Kinh có thiện ý tạo
điều kiện cho người có tiền tiết kiệm đi tìm mối lợi trong thị trường chứng
khoán mà họ mong là cao hơn là ký thác vào ngân hàng với lãi suất rẻ như bèo.
Đầu kia thì các tiểu doanh nghiệp có thể vào thị trường chứng khoán huy động
vốn từ giới đầu tư ham lời để mở ra một kỷ nguyên mới. Nhưng các thị trường tài
chính của Trung Quốc vừa chứng minh rằng họ chỉ là công cụ - và công cụ bất
toàn – của chính quyền nên không thể là nơi thiên hạ có thể chọn mặt gửi vàng
được.
-
Trong hoàn cảnh đó, cũng chẳng mấy ai tin rằng đồng nhân dân tệ sẽ trở thành
một ngoại tệ đáng tin để là phương tiện giao hoán hay đầu tư phổ biến cho thiên
hạ. Kết luận thì vụ bể bóng cũng làm cho cả dự án Trung Quốc Mộng chỉ là mộng
mị!
Vấn
đề nghiêm trọng nhất đe dọa Trung Quốc có lẽ không chỉ dừng lại ở vụ bong bóng
cổ phiếu đang bị vỡ, mà theo cơ quan tư vấn McKinsey, tính đến cuối năm 2014,
tổng số nợ của Trung Quốc đã vượt 280% GDP, tức tương đương với khoảng 28 ngàn
tỷ đô la. Một tỷ lệ khá lớn trong số đó là nợ khó đòi. Điều gì sẽ xảy tới nếu
các con nợ mất khả năng thanh toán? Liệu rằng con lốc thổi qua các thị trường
chứng khoán Trung Quốc có là những điềm gở báo trước một cơn sóng ngầm mà Trung
Quốc sẽ phải hứng chịu hay không?
Khi người ta không có niềm tin vào môi trường đầu tư thì họ sẽ chọn cách giữ tiền mặt nằm im trong nhà hoặc quy đổi ra ngoại tệ hoặc ra vàng.
Trả lờiXóaBởi họ đầu tư vào đâu cũng bị mất tiền, từ sản xuất kinh doanh, đến bất động sản, đến chứng khoán, đến gửi tiết kiệm mà ngân hàng bị phá sản,...
Khi đồng vốn nằm im trong nhà thì đất nước bắt đầu đến hồi mạt vong.
Thị trường chứng khoán chỉ là giọt nước tràn ly nhưng không ngờ cái kết lại đến nhanh và mạnh và khủng khiếp dường vậy.