Thứ Tư, tháng 7 29, 2015

Khi Nhà Nước Hóc Búa



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tuần báo Sống Ngày 150728
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

Kinh tế chính trị học của thông tin   

* Khí cụ lãnh đạo: cái cùm mồm *



Để khỏi bị lầm người vì trùng tên, người viết tầm thường này được bằng hữu ban cho hỗn danh là “chuyên gia kinh tế”. Lâu dần thì mình lại tưởng thật! Nên rất hỗn mà đề nghị một quy luật xuất phát từ bộ môn kinh tế.

Trong kinh tế học, người ta có “Định luật Gresham”, từ tên một nhân vật lịch sử của Anh là Thomas Gresham (1519-1579). Một nền kinh tế có thể dùng hai đơn vị tiền tệ song hành, và định luật này xảy ra khi một đồng được nống giá nên có giá ảo và đồng kia bị ghìm giá. Gặp trường hợp đó thì “đồng bạc xấu đuổi đồng bạc tốt”. Người có tiền thì chỉ xài ra đồng bạc ảo và giữ lại đồng bạc kia cho nên thị trường sau đó chỉ có toàn là bạc giả.

Vi chẳng ai đọc cột báo này để chơi stock nên nhà kinh tế của quý độc giả bèn xoay về chuyện nhà… nó. Chuyện Việt Nam.

Ứng dụng vào thị trường tin tức của Việt Nam, “Định luật Gresham” có thể được Việt hóa như sau: “Trong một xã hội mà nhà nước kiểm soát tin tức thì tin đồn đẩy tin chính thức xuống rãnh!” Nôm na là dân ta chỉ tin vào tin đồn.

Nhìn từ giác độ của nhà nước thủ vai nhà cái thì định luật ấy có nghĩa là «tin xấu đuổi tin tốt!»

Khách có kẻ mừng quá.

«Giờ này mới thấy nhà bác nói đến tin Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh! Tin này tưng bừng xuất hiện từ cả tháng rồi, khi ông Đại tướng bụng phệ má xệ như heo nái bệ vệ công du bên Pháp thăm Tổng trưởng Quốc phòng của Tây ngày 19 Tháng Sáu. Sau đó, cu cậu lại ôm một bình ga lặn rất sâu, lẫy lừng vắng mặt trong nhiều buổi họp quan trọng khi có tin là bị ám sát hay mưu sát ngay tại Paris. Sau đó mấy tuần mới có tin chính thức gần xa rằng ông ta từ Việt Nam qua Pháp chữa bệnh vào ngày 24 Tháng Sáu. Sau ngày 19 thì về hồi nào mà rồi ngày 24 lại qua Pháp? Bây giờ sống chết ra sao thì ai cũng bàn mà nhà nước chưa chứng minh được thực hư…»

Khách gặng hỏi, phải chăng định luật Gresham của người viết này có nghĩa là «dân chúng tin vào lời đồn đại hơn là vào tin chính thức của nhà nước?»

- Hiển nhiên đi chứ. Mà lỗi không tại dân, đấy là tội của đảng và nhà nước.

Từ khi đảng cộng sản xuất hiện 85 năm trước và cầm quyền trên cả nước từ 40 năm trước, những gì gọi là chính thức đều là một chuỗi dối trá. Tên, tuổi, danh tánh, ngày sinh ngày chết hay thành tích của các lãnh tụ đều được nống giá trên thị trường, hay chiến trường, hay chính trường. Nếu kể ra cái chuỗi dài toàn những dối trá ấy thì phải có tờ báo dày bằng cuốn niên giám điện thoại. Vì vậy, xã hội mới tìm ra nguồn tin điền thế, là tin đồn.

Và tin đồn mới đuổi tin thật ra ngoài vòng quan tâm của người dân.

Thấy khách có vẻ tâm đắc với định luật vừa khám phá, người viết bèn thừa thắng xông lên.

Trên thị trường đầu tư tài chánh, có loại công ty đầu tư gọi là «đối xung» như hedge fund. Họ đánh chốt cả hai cửa để chẵn lẽ gì thì cũng hốt bạc. Người viết này áp dụng quy tắc đóng chốt mà đưa ra một định luật thứ hai trên thị trường tin tức của các chế độ độc tài gian trá:

«Sự thật là những gì mà nhà nước phủ nhận!»

Theo định luật này thì khi nhà nước nói rằng không hề có điều gì đó thì ta biết ngay điều ấy mới là thật. Nhà nước kinh tế mà nói là không phá giá thì ba ngày sau sẽ có phá giá. Nhà nước lịch sử mà nói rằng không hề có vụ cải cách ruộng đất hay nạn tắm máu trong vụ Mậu Thân 68 tại Huế thì ta biết rằng đã có cảnh máu đổ thịt rơi - và con người bị chôn sống. Khi nhà nước chính trị xưng danh ái quốc thì đã có chuyện bán nước ngay từ đầu nguồn. Vân vân, nhiều lắm.

Lại cần một cuốn niên giám điện thoại khác mới đủ trang trình bày những sự thật đã bị phủ nhận, những tội ác đã được che giấu….

Đấy là những chuyện còn sâu xa lâu dài hơn vụ Thanh này bị đầu độc hay Thanh kia bị mưu sát với hình ảnh nhà nước lập đật ôm thúng úp voi để sự thật khỏi vọt ra ngoài.

Sẵn đà kinh tế, người viết này xin đi xa hơn vậy. - Mà thị trường là cái quái gì vậy? 

Khỏi cần là giáo sư tiến sĩ «Made in Vietnam» thì ai cũng biết thị trường là cái chợ, là nơi người mua kẻ bán gặp nhau. Điều ít ai biết là chính người Việt Nam mình mới rất sớm phát minh ra thị trường!

Khách ngồi bên lại nhảy nhỏm: «Nữa, nhà bác lại mắc tật nói xạo của người Hà Nội! Cái gì hay nhất thì cũng đòi là của mình!»

Nói có sách, dù là nói phiếm cho khách ngồi im, huống hồ nói cái chuyện ai mà cũng ớn là kinh tế?

Trên thế giới, Việt Nam là nơi mà người dân gọi quốc gia là «nước» - à sông nước và biễn cả chính là đời sống và lẽ chết. Và kinh đô Thăng Long của cái xứ yêu nước này từng được dân ta gọi là «Kẻ Chợ», trước khi có Tây qua dạy ta về văn minh văn hóa. Cái tên thông dụng đến độ họ phiên âm thành «Kecho», hay «Cachao» - xin typo đừng xếp chữ sai thành Cà Cháo, đứa em song sinh của Cà Chớn.

Thật ra, trước khi thiên hạ khám phá ra môn kinh tế và phát minh ra chữ kinh tế học, quy luật kinh tế ngàn đời và mọi nơi là con người ta rất sớm có nhu cầu trao đổi. Trao vật này mình có để đổi lấy vật mình chưa có thì đó là kinh tế. Khi phương tiện giao thông còn giới hạn, người ta nương vào thiên nhiên là sông ngòi để di chuyển và vận chuyển, rồi cứ theo mùa mà tìm nơi tụ tập để trao đổi.

Dân ta gọi những dịp đó là «phiên chợ», trước khi có ông da trắng nào đến dạy về kinh tế thị trường. Những người khôn ngoan tháo vát nhất là thành phần sớm hiểu ra cách kiếm lời ở nơi gọi là «chợ búa».

Phải cả trăm năm thì «Kẻ Chợ» mới hình thành như vậy, từ các phiên chợ miền quê ngày càng xầm uất, và là nơi dân ta mặc cả, ngã giá và thuận mua vừa bán cho tới phiên chợ sau….

Đấy cũng là lúc nhà nước xuất hiện… với cái búa. Vì vậy mới có chữ «chợ búa»?

Không, vì vậy mới có chữ «hóc búa» là khi nhà nước đòi trưng thu và bóc lột. Khi trưng thu sự thật và bóc lột quyền tự do thông tin thì nhà nước Hà Nội mới bị hóc vì cái búa của mình! Đấy là ngụ ngôn của kinh tế chính trị học trên thị trường tin tức.

Đừng lom khom làm «Người Bắc Kinh» Homo erectus pekinensis cho khổ. Hãy xả ra đi con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét