Thứ Ba, tháng 8 04, 2015

Hoa Kỳ Tại Trung Đông



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150803
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Ham và sợ nên thảy trái lựu đạn vào túi người khác   


* Một Thế chiến III từ Trung Đông? *


Các chuyên gia của khoa “động thái kinh tế học” (behavioral economics) thường dùng tâm lý học để tìm hiểu các động lực kinh doanh và kinh tế. Họ nghiệm thấy một hiện tượng hơi lạ là con người ta thường có phản ứng “sợ hơn ham”. Đa số chúng ta có thể lấy quyết định thường nhật để tránh bị mất thêm một đồng, còn hơn là được thêm một đồng. Một cách cụ thể hơn, nhiều cuộc khảo sát ý kiến cho biết đại đa số sẵn sàng chấp nhận bị mất hai đồng, với xác suất chẵn lẻ là 50%, còn hơn là chắc chắn được một đồng. Người ta gọi đó là “tâm lý sợ lỗ” – loss aversion.

Một quốc gia cũng có thể lấy quyết định như vậy, vì thật ra lãnh đạo chỉ là con người và có phản ứng tâm lý con người, dù rằng khái niệm lời-lỗ có thể trừu tượng hơn, và dù rằng một nước không thể bị mất cái gì đó chưa nắm được trong tay.

Bài toán có vẻ lý thuyết ấy được đặt ra sau khi Chính quyền Barack Obama đạt thỏa thuận tạm với Iran về Kế hoạch Hạch tâm của chế độ Tehran. Cuộc tranh luận đang bùng nổ trên chính trường Hoa Kỳ về thỏa thuận đó khiến chúng ta nên tìm hiểu thêm. 

Cũng là một cách nhìn từ bên ngoài….


***

Khi lấy một quyết định có vẻ rủi ro – cho nước khác – Chính quyền Hoa Kỳ đang đặt ra nhiều bài toán cho các nước tại một khu vực trải rộng từ Bắc Phi tới Cận Đông qua Trung Á, trong đó có nhiều cường quốc cấp vùng như Iran, Saudi Arabia, Egypt, Turkey và Israel.

Thà như vậy còn hơn là bị rủi ro mất mát trong cuộc chiến kéo dài quá lâu với nhiều vấn đề quá phức tạp, từ Afghanistan tới Iraq, từ khủng bố al-Qaeda tới tổ chức xưng danh Nhà nước Hồi giáo ISIL, từ các hệ phái Sunni hay Shia tới các sắc tộc Á Rập, Ba Tư, Thổ hay Kurd, hay các lực lượng võ trang như Hezbollah, Hamas, v.v…

Ngay sau khi thỏa thuận với Iran vào trung tuần Tháng Bảy, Hoa Kỳ cũng đồng ý với xứ Turkey, của dân Thổ, theo hệ hái Hồi giáo Sunni và là thành viên của Minh ước NATO: Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik để không tập lực lượng ISIL, đổi lại, xứ Turkey tung quân vào miền Bắc Syria nhằm xây dựng vùng trái độn quân sự. Chính thức là để tiễu trừ ảnh hưởng của ISIL, thực tế lại là để tấn công các nhóm võ trang của dân Kurd đang đấu tranh để giành độc lập.

Chuyện éo le, và gây tranh luận ngay tại Hoa Kỳ là lực lượng người Kurd lại sát cánh với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống quân khủng bố ISIL. Chi tiết dù sao vẫn còn thu hẹp ấy cho thấy nhiều mâu thuẫn trong chiến lược Obama.

Thu hẹp vào hồ sơ Syria, và tương lai của chế độ Bashar al-Assad tại Damascus, Hoa Kỳ muốn vận dụng hai cường quốc là Iran và Turkey vào giải quyết bài toán Syria, có thể là với hy vọng thành hình một loại chính phủ liên hiệp giữa al-Assad với các thế lực thân Iran và thân Turkey!

Nhưng mục tiêu của Turkey lại khác với ước vọng của Obama. Xứ này muốn ngăn ngừa sự bành trướng của phong trào Kurd, với dân số đáng kể tại Turkey, Iraq và Syria. Kế tiếp mới là giải trừ lực lượng ISIL tại miền Bắc Syria – và miền Nam xứ Thổ. Sau đó mới là yểm trợ các nhóm võ trang Sunni chống chế độ al-Assad tại Syria. Thứ tư là trên toàn cảnh và trong lâu dài, chặn đứng thế lực quá mạnh của xứ Iran vừa được Mỹ giải vây.

Phía bên kia, Iran được tháo gỡ lệnh cấm vận kinh tế, và cả lệnh cấm vận võ khí, sẽ có lợi thế tài chánh lẫn quân sự để yểm trợ các lực lượng võ trang như Hezbollah tại Lebanon, Hamas trên Dải Gaza của đất Palestine do Israel quản trị. Trong khi đó, việc từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm mới chỉ là một lời hứa tạm hoãn, lại còn được kiểm chứng bởi một cơ quan thiếu thực quyền là Nguyên tử lực cuộc của Liên hiệp quốc IAEA. Cuối tuần qua, chế độ Tehran vẫn xác nhận cho thần dân bên trong chủ trương chống Mỹ và tiêu diệt Israel.

Một cường quốc Á Rập theo hệ phái Sunni là Saudi Arabia thì không thể hòa giải hay dung hợp với xứ Iran của dân Ba Tư theo hệ phái Shia. Hoàng gia Saudi đang ráo riết vận động các nước Á Rập theo hệ phái Sunni thành trận tuyến rộng lớn từ Trung Đông tới bán đảo Á Rập và Yemen để phòng chống Iran.

Chưa biết là thỏa thuận của Hoa Kỳ với Iran có tạo ra một trật tự mới trong khu vực hay không thì giao tranh sẽ gia tăng cường độ trong những tuần và những tháng sắp tới. Trước khi Iran thực tế tìm được thế lực kinh tế để sẽ tung hoành.

Trường hợp của Israel còn quái đản hơn. Quốc gia này của dân Do Thái nằm giữa một biển người Á Rập Hồi giáo và la làng vì bị đe dọa sinh tử không che giấu của Iran.

Xưa nay, người ta vẫn cứ cho rằng dân Mỹ gốc Do Thái mới là thế lực tài chánh và chính trị Hoa Kỳ. Nếu quả như vậy thì nước Mỹ đã bị họ dẫn dụ vào những chánh sách có lợi cho Israel mà đôi khi bất lợi cho Hoa Kỳ. Sự thật lại rắc rối hơn vậy.

Người ta có thấy quan hệ lạnh nhạt, thậm chí đầy mâu thuẫn, giữa Tổng thống Obama với Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel và ông Netanyahu phải ráo riết vận động dư luận và Quốc hội Mỹ để ngăn chặn việc Obama giải vây Iran. Mà không xong!

Ngay từ thời lập quốc của Israel vào năm 1948, Hoa Kỳ đã vận dụng xứ nào vào cuộc Chiến tranh lạnh chống Liên bang Xô viết và có nhiều mâu thuẫn dữ dội với Israel. Vị trí địa dư éo le của xứ này khiến cho dân tộc Do Thái dù có anh hùng hay gian hùng đến mấy cũng chỉ có thể xoay trở để tồn tại, lại còn thường bị Hoa Kỳ tận dụng làm khí cụ đe dọa của mình trước các đối thủ hay đồng minh Hồi giáo.

Ngày nay, Israel vẫn được Mỹ viện trợ nhiều nhất, về cả kinh tế lẫn quân sự, để đảm nhiệm vai trò bảo vệ tiền đồn của nền dân chủ tại Trung Đông. Iran có tiến hay thoái thì vẫn phải canh chừng phản ứng đáng ngại của Irael. Được Hoa Kỳ trang bị võ khí loại tối tân nhất, Israel là cái chốt, hay kíp lựu đạn, khiến Iran sẽ chấp hành các cam kết mà dừng chơi bạo. Tức là Hoa Kỳ chẳng bị dân Do Thái chi phối mà lại dùng sức mạnh Do Thái bảo vệ quyền lợi của mình, khi Obama tháo chạy!


***


Bài này khởi đầu với lý luận về cách thẩm định rủi ro lời lỗ.

Chính quyền Obama khởi sự vận động dư luận rằng Hoa Kỳ sẽ phải có một giải pháp quân sự nếu muốn ngăn chặn kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm của Iran. Và để tránh rủi ro chiến tranh của giải pháp đó thì chỉ còn một ngả xoay trở là thỏa hiệp qua đàm phán. Bảy năm sau, việc đàm phán đã đẩy lui nguy cơ chiến tranh với một thỏa thuận tạm, nhưng lại gây rất nhiều rủi ro xứ khác. Chẳng khác gì rút kíp lựu đạn thảy vào túi người khác.

Triết lý ở đây là thà chẳng động binh thì còn có hy vọng hòa bình. Chìm sâu bên dưới là tâm lý thà rằng cho một đối thủ, như Iran, được thêm một chút lợi thế thì sẽ tránh tạo lợi thế cho nhiều đối thủ khác. Hậu quả là Hoa Kỳ sẽ có thêm đối thủ sau nay.

Vì Liên bang Nga và Trung Quốc đều hiểu ra tâm lý dại dột đó của Hoa Kỳ.

-------


Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ

Cả hai Tổng thống Woodrow Wilson và Franklin Roosevelt đều đắc cử sau khi hứa hẹn với cử tri là không để Hoa Kỳ bị can dự vào chiến tranh. Kết cuộc thì cả hai đều phải đưa nước Mỹ vào Thế chiến I (1914-1918) và Thế chiến II (1939-1945). Nhân vật lừng danh diều hâu là Ronald Reagan lại là Tổng thống bắt tay hòa giải Chủ tịch Mikhael Gorbachev và góp phần đưa tới sự sụp đổ của Liên Xô và chấm dứt chiến tranh lạnh mà chẳng tốn một viên đạn. Khi tranh cử năm 2000, Thống đốc George W. Bush nêu cao chủ trương không tham chiến để xây dựng quốc gia hay phát huy dân chủ cho xứ khác. Kết cuộc thì ông dẫn Hoa Kỳ vào một cuộc chiến đa diện và lâu dài nhất của lịch sử Hoa Kỳ. Thành thử, xin đừng vội bàn cãi về chủ trương đối ngoại của các ứng cử viên Tổng thống cho năm tới! Họ chưa thấy quan tài, ta chưa vội đổ lệ….

___________

Trong Tháng Bảy, có sinh nhật thứ 80 của đức Đạt Lai Lạt Ma. Chương trình "Bên Kia Màn Khói" của đài Saigon TV tại miền Nam California có một chương trình đặc biệt về đức Đạt Lai Lạt Ma và mối quan tâm của Bắc Kinh về Con Đường Tơ Lụa của họ với vai trò của đức Đạt Lai Lạt Ma. Cuối chương trình là phần văn học nghệ thuật, lần này là để tưởng niệm nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và danh ca Quỳnh Giao, hiền thê của NXN đã tạ thế cách nay một năm.

Xin quý độc giả xem You Tube ở đây:

https://www.youtube.com/watch?v=1tQkZUzHfy4



2 nhận xét:

  1. Đúng là chuyện chỉ có ở nước Mỹ, ba vị Tổng thống mà bác Nghĩa nhắc tới là Woodrow Wilson, Franklin Roosevelt và Ronald Reagan được đánh giá là những Tổng thống tốt nhất của nước Mỹ. Còn Tổng thống hiện nay là ông Obama thì được đánh giá là Tổng thống tệ nhất của nước Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai ( kết quả trong một cuộc thăm dò cử tri Mỹ vào năm 2014 của Đại học Quinnipiac ) .

    Trả lờiXóa
  2. Obama lại bịp khi tuyến bố ngày 5 Tháng Tám rằng việc thỏa thuận với Iran là để tránh chiến tranh. Và còn viện dẩn một tay đại bịp là John Kennedy trong việc thỏa hiệp với Liên Xô sau vụ hỏa tiễn tại Cuba năm 1962. Hậu quả của việc thỏa hiệp đó của Kennedy là chiến tranh Việt Nam. Hậu quả của việc Obama giải vây Iran là gì thì xin chờ xem!

    Định luật thảm khốc: càng thỏa hiệp là càng gây ra nguy cơ chiến tranh!

    Trả lờiXóa