Thứ Năm, tháng 8 06, 2015

Tương Lai Cuba



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 150805

Cuba không thể trông cậy vào Obama mà phải tự cứu

 * Hugo Chavez, Fidel Castro, Raul Castro - Chỉ thiếu Obama *


Khi suy ngẫm lại về những lợi hại của 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ với chế độ cộng sản Việt Nam, người ta có thể nhìn ra triển vọng sắp tới của chế độ cộng sản Cuba trong tiến trình tái lập bang giao với Hoa Kỳ. Hồ Sơ Người-Việt sẽ điểm ra vài chi tiết cho chúng ta suy luận.


Cuba Ở Đâu


Nhìn từ bờ biển Hoa Kỳ, Cuba là hải đảo nằm ở vị trí chiến lược, chắn ngang Vịnh Mễ Tây Cơ, giữa Yutacan Channel và Eo biển Florida và trên dòng hải lưu hàng hóa từ vùng biển miền Đông của nước Mỹ đưa xuống kênh đào Panama. Đây là ngả giao lưu ngắn nhất, chỉ có chừng 140 cây số, giữa các hải cảng miền Đông với miền Tây nước Mỹ. Về địa dư thì vậy. Về lịch sử, Cuba từng là thuộc địa của Đế quốc Tây Ban Nha rồi đất bảo hộ của Hoa Kỳ sau khi nước Mỹ đánh thắng Tây Ban Nha. Với Hoa Kỳ, Cuba là nơi mà không cường quốc nào có thể sử dụng làm lợi thế gieo họa vào sân sau của nước Mỹ trên Vịnh Mễ Tây Cơ.

Về kinh tế thì như nhiều quốc gia Châu Mỷ La Tinh, Cuba sống nhờ sản xuất và xuất cảng nguyên liệu và thương phẩm như đường, lá thuốc lá, rượu mạnh cất từ đường và kền (nickel). Không có gì là ghê gớm nhưng cũng khá giàu có và tân tiến khi còn nằm trong quỹ đạo bảo trợ của Hoa Kỳ.

Cuộc Cách mạng cộng sản do Fidel Castro tiến hành vào năm 1959 trước sự bất ngờ của Hoa Kỳ đã đưa xứ này qua hướng khác. Kinh tế thì theo kiểu tập trung kế hoạch của xã hội chủ nghĩa, và tự lụn bại sau khi đã từng là một xứ khá tiên tiến vì chính sách quốc hữu hóa sản xuất, cào bằng xã hội và tái phân lợi tức. Cũng do kinh tế lụn bại vì chính sách tai hại ấy, về chính trị, Cuba trở thành chư hầu của một xứ cộng sản ở xa là Liên bang Xô viết.

Khi Liên Xô tan rã năm 1991, Cuba là đứa trẻ mồ côi và đói rách vì mất luôn nguồn năng lượng được Liên Xô viện trợ với giá trợ cấp và mất thị trường xuất cảng nông sản và lương thực. Khi giá mía sụt giảm trong thập niên 1990, kinh tế xứ này bị suy thoái. Vì vậy, Fidel Castro cũng lại “đổi mới”: mở cửa đón nhận du khách nghèo và cho ngoại quốc đầu tư nhỏ giọt, trong khi thực tế chấp nhận việc dân chúng xài đồng Mỹ kim làm phương tiện giao hóa. Chẳng khác gì Việt Nam!

Sau khi quốc hữu hóa kinh tế, trục xuất doanh nghiệp Mỹ và Tây phương, sống bám vào Liên Xô như tiền đồn xã hội chủ nghĩa, xứ này chết đói vì sự phá sản về ý thức hệ. Nhưng còn may là có một xứ sở ngu hơn mình. Cuba trở thành khách hàng và khách nợ của xứ Venezuela có dầu khí và có chế độ cộng sản với màu sắc quốc gia dân tộc từ nhân vật Simon Bolivar sau khi Hugo Chavez nắm quyền. Đổi lại, Cuba là đàn anh về lý luận cộng sản và tổ chức tình báo. Cuba có hệ thống tình báo tinh vi và đã từng xâm nhập vào thượng tầng chính trị của Hoa Kỳ.

Khi Hugo Chavexz qua đời vào năm 2013 và dầu thô sụt giá, Venezuela lâm vào khủng hoảng và Cuba chết đói. Vì vậy, không có Barack Obama và chủ trương hợp tác với các chế độ hung đồ chống Mỹ, thì Cuba cũng phải đổi mới và cải cách thật. Là việc Chính quyền Raul Castro phải miễn cưỡng tiến hành. Raul là em của Fidel. Nhưng bên trong thì chế độ không hề nới lỏng hệ thống kiểm duyệt và còn gia tăng đàn áp.


Tìm Mỹ Để Mõi Tiền


Cuối năm 2013, nhân tang lễ của ông Nelson Mandela tại Nam Phi, Obama mở đường giải vây cho Cuba khi bắt tay Raul Castro và đôi bên khởi sự nói chuyện. Đức Giáo hoàng Francis, một người Nam Mỹ theo khuynh hướng thiên tả, cùng nhiều quốc gia Nam Mỹ đã kín đáo yểm trợ các cuộc tiếp xúc này. Một năm sau, Tháng 12 năm 2014, mọi sự bắt đầu chuyển động.

Chế độ Castro trả tự do cho một Mỹ kiều bị họ giam giữ là Alan Gross và được phía Obama đáp lễ bằng cách phóng thích ba người Mỹ, trí thức và công chức cao cấp, đang ngồi tù vì là điệp viên của Cuba. Sau đó việc đàm phán được công khai hóa dần dần với quyết định do Obama và Raul Castro cùng thông báo: bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước và tái lập tòa Đại sứ của hai nước vào ngày 20 Tháng Bảy.

Phía Hoa Kỳ cũng nới lỏng những hạn chế của lệnh cấm vận, cho tư bản được chảy vào Mỹ ngoài khoản tiền hai tỷ đô la mà kiều dân gốc Cuba vẫn gửi về cho thân nhân. Mức chuyển ngân từ 500 đô la mỗi tam cá nguyệt được tăng gấp bốn. Các ngân hàng Mỹ cũng được phép thanh toán các thẻ tín dụng giao dịch tại Cuba. Du khách Hoa Kỳ dễ thăm viếng xứ này và có phương tiện thanh toán dễ dàng hơn.

Nhờ các biện pháp giải tỏa ấy, kỹ nghệ du lịch Cuba hồi sinh, tăng 15% so với năm ngoái, với khoảng một triệu 700 ngàn du khách đã tìm vào một xứ hoang dã khá mới lạ so với nhiều xứ Trung Nam Mỹ khác. Kinh tế Cuba cũng có dấu hiệu khởi sắc, với đà tăng trưởng là 4,7% cho sáu tháng đầu năm sau hai năm suy sụp liên tục.

Cuba dễ thở hơn nhờ có nguồn tiền và chánh sách giải vây của Obama.


Tương Lai Dài Hạn


Người ta thường nhầm tương quan nhân quả, lầm nguyên nhân với hậu quả, khi lý luận rằng kinh tế sở dĩ Cuba lụn bại là vì chánh sách cấm vận của Hoa Kỳ. Chế độ tập trung quản lý kế hoạch của Cuba mới là nguyên nhân chính, nhưng được khỏa lấp khi Chính quyền Castro còn được Liên Xô hay Venezuela viện trợ. Khi mà hai nguồn viện trợ ấy đều cạn, Chính quyền Castro được Hoa Kỳ tạm cứu bằng một số biện pháp giải tỏa cấm vận có hạn chế. Lệnh cấm vận ấy chỉ chấm dứt sau này qua quyết định của Quốc hội.

Cuba nay có thể dễ thở hơn nhờ một số biện pháp còn hạn chế của Obama. Nhưng sau một vài năm khỏi chết đói, xứ này phải cải cách toàn bộ cơ cấu kinh tế thì mới có tương lai. Tức là phải có quyết tâm chính trị của lãnh đạo.

Nếu thật sự muốn đổi mới, Chính quyền Castro hay người kế nhiệm sẽ phải cải cách toàn bộ cơ chế kinh tế. Đây là những lý do:

Cuba có vị trí địa dư thuận lợi, với nhiều hải cảng tại một trung tâm giao liên quốc tế, và có dân số đông, nhân công rẻ và trình độ học vấn không tệ. Xứ này còn một ưu thế khác là những tiến bộ về y học và sinh học nên có thể thu hút các doanh nghiệp chế tạo dược phẩm. Nhưng nhược điểm rất dễ hiểu là xứ này có hệ thống chính trị độc tài và bộ máy thư lại cồng kềnh với các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu năng, hang ổ của tham nhũng mà vẫn giữ vị trí chủ đạo nhân danh chủ nghĩa cộng sản và tinh thần độc lập dân tộc có hàm ý chống Mỹ.

Đã vậy, thực tế quái đản thời “đổ mới nửa vời” của Raul Castro khiến xứ này có hai hối suất trong một chế độ hối đoái phi cầm phi thú: đồng Peso nội địa được tính theo Mỹ kim bản vị - bằng tiền Mỹ - trong các ngành du lịch hay xuất nhập cảng, chứ vẫn có giá trị riêng, và rất thấp trong việc thanh toán lương bổng và mua bán nội địa. Với chế độ hối đoái này, Cuba khó mời chào các doanh nghiệp ngoại quốc! Chưa nói đến đạo luật đầu tư thì vẫn có nội dung kỳ thị nước ngoài, vẫn nhân danh chủ nghĩa dân tộc.

Obama không thể cứu được Cuba nếu xứ này không tự cứu. Và Quốc hội Hoa Kỳ thật ra vẫn còn thẩm quyền để theo dõi từng bước cải cách của Cuba mà nới dần những biện pháp cấm vận. Tức là giải tỏa có điều kiện theo những chuyển hóa thật về chánh sách và về chính trị. Tiến trình ấy sẽ mất nhiều năm.

Rút kinh nghiệm của Hoa Kỳ với Việt Nam, Quốc hội Hoa Kỳ có thể sẽ thận trọng và chặt chẽ hơn, khi Barack Obama cũng không còn làm Tổng thống nữa.

_____

Kết luận ở đây là gì?


Trong ngắn hạn, nên du lịch Cuba với đồng tiền rất có giá để chứng kiến biên cương cuối cùng của xã hội chủ nghĩa. Trong dài hạn, đừng vội đầu tư vào Cuba.

Và nếu thương người dân xứ này, nên chú ý đến việc giải tỏa chính trị và tôn trọng nhân quyền. Để khỏi bị hố như Hoa Kỳ đã bị hố với Việt Nam Cộng sản. Xin hỏi những người Việt Nam trong tù thì biết.



6 nhận xét:

  1. Giường như Cu Ba đang học lại bài học cải cách kinh tế Việt Nam từ Đại hội 6. Nhưng chỉ cải cách nửa vời khi chỉ cải cách một nền mô hình kinh tế mà không cải cách thể chế chính trị. Có sự trùng hợp khá ngẫu nhiên khi tại Đại hội 6 của Đảng Cộng sản Cu Ba đã ra Nghị quyết cải cách nền kinh tế Cu Ba ( năm 2011 ), tuy nhiên cuộc cải cách này chỉ nửa vời khi chỉ quyết định cho người dân được tư đứng ra làm ăn kinh tế, cho pháp người dân được lập các doanh nghiệp có quy mô nhỏ NHƯNG lại không công nhận nền kinh tế tư nhân, không cho tập trung tài sản cho người dân......

    Với kiểu cải cách kinh tế kiểu nửa vời này rất khó cho nền kinh tế Cu Ba có thể ký kết những Hiệp định thương mại song phương với Mỹ ( trong trường hợp Mỹ dỡ bỏ những lệnh cấm vận kinh tế như Việt Nam từng làm ).

    Vấn đề mà Cu Ba cần làm hiện nay phải tiến hành thay đổi lại thể chế chính trị theo hướng đa nguyên, tôn trọng quyền tự do của người dân. Chỉ như vậy nền kinh tế Cu Ba mới nhận được nhiều ưu đãi kinh tế và vốn đầu tư đến từ Mỹ.

    Trả lờiXóa
  2. Thưa bác Nghĩa,
    Bác có thể cho cháu biết thêm về tác giả Hùng Tâm được không ạ. Theo cháu tìm hiểu thì tác giả Hùng Tâm viết bài trên báo người Việt. Nhưng cháu tìm kiếm bằng google nên kết quả tìm kiếm các bài viết không theo thứ tự thời gian và chỉ tìm được khoảng vài bài viết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hùng Tâm viết hàng tuần cho nhật báo Người Viêt trong mục "Hồ Sơ", tìm trên đó thì có bài còn lưu, nhưng khi post lại khá thất thường. Viết từ mấy ăn nay rồi.

      Xóa
  3. Thưa bác Nghĩa,
    Bác nghĩ như thế nào về quả bom dân số Hồi giáo tại châu Âu khi người Hồi càng gia tăng, không chịu hòa nhập xã hội và có xu hướng làm lơ cho khủng bố thậm chí tiếp tay cho khủng bố.
    Liệu trong tương lai người Hồi ở bắc Phi và Trung Đông có thể khai sáng như người Thiên Chúa giáo vào thế kỉ 17,18 tách tôn giáo và nhà nước triệt để hơn được không? Người Hồi trên thế giới có thể bớt cực đoan tôn giáo được hay không?
    Liệu Mỹ và phương Tây sẽ giải quyết được bài toán này hay bó tay chờ chết do cán cân dân số thay đổi dần? Cháu thấy đâu là một vấn đề nghiêm trọng cho tương lai. Mong bác có thể giải ảo.
    Cháu xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng thấy lạnh mình.

      Trước khi nghĩ đến Âu Châu thì nhìn vào nước Nga với dân số người Nga co cụm và sẽ thành thiểu số trong mấy chục năm nữa, trên một lãnh thổ có diện tích là một triệu 700 ngàn cây số vuông.

      Trên Việt Báo, hôm nay có một bài về Âu Châu, ít nhiều đề cập đến chuyện dân số đó, và nhiều chuyện khác nũa.

      Xóa