Nguyễn-Xuân
Nghĩa - Tuần báo Sống 151222
"Vùng Oanh Kích Tự Do"
Đầu Năm Bói Quẻ Mai Hoa
* Janet Yellen thả ông thần *
Trong tiệc rượu cuối năm, khi quần hào đang luận về
chuyện năm tới thì khách có người hỏi kẻ viết một việc lảng nhách là Ngân hàng
Trung ương Hoa Kỳ lần đầu tiên nâng lãi suất khỏi sàn kể từ cuối Tháng Chạp năm
2008.
Lảng nhách vì quần hào và thực khách chẳng ai chơi stock hay đầu tư vào thị trường trái phiếu
và bàn tiệc nhìn vào hồ sơ kinh tế thấy tối mò mò như… Kinh Dịch! Thấy khách khẩn
thiết và không say, người viết tin là khách hỏi thật.
Bèn hát đồng dao, bài Thả Đỉa Ba Ba của con nít. Lời rằng:
Thả đỉa ba
ba
Chớ bắt đàn
bà
Phải tội đàn
ông
Cơm trắng như
bông
Gạo
tiền như nước
Đổ mắm đổ muối
Đổ chuối hạt
tiêu,
Đổ niêu nước
chè,
Đổ phải nhà
nào
Nhà đó phải
chịu!
Thấy cử tọa lặng thinh nhìn nhau ái ngại cho tâm thần
của người viết, mình biết là đã lôi kéo được sự chú ý của bàn tiệc.
Năm 2008 đó, Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chánh manh nha
từ đầu năm, tới Tháng Chín thì tổ hợp Lehman Brothers và các đại gia khác đổ ụp
giữa trận suy trầm kinh tế khởi sự từ Tháng 12 năm 2007. Sau đó, hai đời Tổng
thống (George W. Bush và Barack Obama) cùng hai đời Thống đốc Ngân hàng Trung
ương (Ben Bernanke và Janet Yellen) ráo riết bơm tiền để kích thích kinh tế. Người
ta hạ lãi suất tới sàn (từ 0 tới 0,25%) rồi mua vào trái phiếu và trả bằng tiền…
điện, tới mấy ngàn tỷ đô la, gọi là “quantitative
easing”.
Nhờ vậy, kinh tế Hoa Kỳ có thể đã tránh được một vụ Tổng
khủng hoảng ai cũng nhắc tới, như thời 1929-1933, với nỗi sợ hãi. Loạt biện
pháp cực kỳ bất thường ấy - chưa từng thấy kể từ khi Ngân hàng Trung ương Anh
quốc bắt đầu lập thống kê về lãi suất vào năm 1694 - mở ra một kỷ nguyên mới về
kinh tế học. Mới và lạ, nhưng chửa chắc là đã hay!
Thấy người viết như đứng trên bục giảng bài, khách bắt
đầu ngao ngán. Chắc là chàng say! Mà, nhà bác này, chuyện ấy liên hệ gì đến “thả
đỉa ba ba”?
Vì trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, khác hẳn ngày
xưa, thì gạo tiền như nước của Mỹ cứ đổ mắm đổ muối vào nhà thiên hạ. Tiền nhiều
và rẻ như nước đã chan hòa thị trường làm tổng số nợ trên toàn cầu tăng 30% so
với cái đỉnh đã quá cao của năm 2008. Các nước đang phát triển mắc nợ nhiều nhất.
Và nay lãi suất tại Mỹ lại tăng thì đấy là cái nạn “đổ phải nhà nào, nhà đó phải
chịu!”
Các quốc gia mắc nợ thầm mong lãi suất tại Mỹ chỉ tăng
chầm chậm trong vài năm tới, để sợi dây thòng lọng đừng xiết vào quá lẹ. Ngân
hàng Trung ương Mỹ cũng dự trù là chỉ tăng 100 điểm căn bản (1%) trong vòng năm
tới và dự đoán rằng từ nay đến 2019, kinh tế Hoa Kỳ sẽ không bị suy trầm. Người
viết này không mấy tin như vậy. Và nếu quẻ “Dịch” ấy đúng - tức là kinh tế Mỹ
có thể bị suy trầm nữa - thì sao? Thì lãi suất vừa nhích tới 0,50% sẽ lại bị cắt
để kích thích kinh tế.
Nghĩa là trở lại số không nữa! Và đom đóm sẽ lại bay
qua, thầy tưởng là ma thầy ù thầy chạy….
Khách ngồi bên có vẻ bất cần tới dự đoán ngược ấy mà lấy
tay chấm chấm quanh bàn tiệc như con trẻ hát khúc đồng dao. Rồi la lớn như một
phát giác: “Hèn gì thiên hạ ghét Mỹ!”
Đệ nhất siêu cường này có đệ nhất ngoại tệ là đồng Mỹ
kim. Khi hữu sự thì Hoa Kỳ bơm tiền ào ạt để giải quyết bài toán của mình và
nhà nào ham rẻ mà cứ đi vay như thổi bong bóng thì ráng mà chịu. Bấy giờ bàn tiệc
mới thấm thía bài đồng dao kinh tế!
Nhưng mà ghét Mỹ cũng thừa… và cách ngôn ở đây là cũng
nên chừa cái tật lừa Mỹ!
***
Bị quần hào làm rộn về chuyện kinh tế, người viết bèn
đáp lễ bằng chuyện kinh bang tế thế.
Đấy mới là nội dung quẻ bói đầu năm.
Trước khi có Marx và đám cải mả ở Ba Đình nói phét về
“kinh tế chính trị học Mác-Lenin”, ông tổ về kinh tế thị trường là Adan Smith
đã dùng chữ “kinh tế chính trị” như hai mặt của một đồng tiền. Kinh tế cũng là
chính trị, và quốc gia là nơi mà cả hai khái niệm đều vận hành.
Dù sau, và nhờ đi sau, ta sáng hơn người đi trước. Chữ
“kinh tế” như chúng ta hiểu ngày nay là cách viết tắt về thuật “kinh bang tế thế”.
Khởi đầu là bang, là quốc, là nước, nhưng tột cùng của mở rộng là thế, là đời.
Và đối tượng luân lý của kinh tế nằm ở chữ “tế”, viết với bộ “thủy”, có nghĩa
là vượt sông, là cứu người! “Ra tay tế độ cứu người trầm luân” cũng là kinh tế
vậy….
Khách có người lại xoa cái đầu láng bóng và hỏi vặn:
“Chẳng hóa nhà bác lại ưa chuộng văn hóa Trung Hoa đến vậy sao?” - Thưa rằng khổng
khồng không!
Tới cuối thế kỷ 19, các nước Tây phương mới dại dột
tách riêng kinh tế học khỏi chính trị học, như một bộ môn độc lập, trong khi
Minh Trị Thiên Hoàng của nước Nhật lại yêu cầu học sĩ trong triều tìm ra một từ
để phiên dịch với nội dung bao trùm lên cả hai, là kiến quốc và cứu đời. Chữ
“kinh bang tế thế” ấy là sản phẩm Phù Tang, Made
in Japan, chứ không phải của Chệt Luộc.
Chỉ vì từ Adam Smith đến tư tưởng canh tân của Nhật,
người ta không hề tách rời thị trường khỏi quốc gia.
Thị trường là nơi vận hành của quy luật lời lỗ mà ta gọi
là kinh doanh, và nếu quốc gia mà quên lý tưởng tế thế thì nhà nước, chính quyền,
sẽ tác động vào thị trường để trục lợi cho tay chân. Đấy là “kinh tế thị trường
dưới sự quản lý của nhà nước”, đầu nguồn của hiện tượng “tư bản thân tộc”, crony capitalism, có thể thấy chạy dọc từ
Bắc Kinh đến Hà Nội và chan hòa trong thành phố mang tên Bác - như một xác nhận
khá tục tĩu! Từ đó mới có nạn bất công xã hội là một thiểu số ở trên lại có chức
có quyền và có tiền hơn hẳn quần chúng nhân dân lao động nhếch nhác ở dưới….
Bấy giờ khách vỡ lẽ, bèn vén môi cười tồ tồ: “Quan bác
mới đểu làm sao!”
Nhà tớ có đểu thì cũng chưa bằng đảng ta, là nơi bọn
sai nha bồi bút trong ban Tuyên huấn Trung ương vẽ ra những nghị quyết hươu vượn
để biện minh cho việc cướp đất và bán nước - hầu “tiến lên xã hội chủ nghĩa”.
Trên bàn tiệc, có người im lìm chẳng nói một câu, khi ấy
mới bật hỏi: “Không nói về kinh tế mà luận về Kinh Dịch thì nhà thầy thấy gì
trong năm Thân này?”
Bèn bói!
***
Nhìn đồng hồ và tung gói tăm đếm quẻ Mai Hoa, đây là
những gì có thể xảy ra từ năm Thân:
Nước Mỹ lấy của đi thay người, sẽ còn là siêu cường số
một, và duy nhất, suốt vài chục năm tới, trong niềm thất vọng của Obama. Trung
Hoa vằng vặc thì ngáp ngáp và tăng cường độc tài cho tới khi rã nát. Đối diện,
Nhật Bản lại lên ngôi cường quốc lãnh đạo Đông Á về cả kinh tế lẫn quân sự. Ở
giữa, Âu Châu thu gọn mục tiêu và lý tưởng, với sự lụn bại của nước Đức và nhường
vị trí lãnh đạo cho Ba Lan cùng các nước Đông Âu cũ, trước sự phân hóa của Liên
Bang Nga thành nhiều mảnh….
Thế còn khủng bố ISIS?
Cứ như quẻ này thì ISIL sẽ còn bành trướng, nhưng càng
mở càng mỏng cho tới khi bị Thổ Nhĩ Kỳ chọc thủng. Xứ Thổ, chứ không phải Iran
của dân Ba Tư, sẽ lấn vào thế giới Á Rập và tìm lại vị trí xa xưa của Đế quốc
Ottoman!
“Nước Việt tôi đâu?” Có ai đó thất thanh. Ngườt viết
bèn nhìn lại quẻ Mai Hoa Dịch Số và nâng ly: “Sẽ ra khỏi cái nghiệp quận huyện
của Trung Quốc!”
Con Bé Con ngồi bên mới, lần đầu tiên trong đời, tự
rót cho mình một ly Cognac….
Happy Near
You.
Mong cho quẻ bói cát tường của bác thành hiện thực.
Trả lờiXóabác Nghĩa
Trả lờiXóacháu thấy hiện nay họ vẫn mạnh tay đàn áp, sao thoát khỏi nghiệp làm thuộc địa của Tàu lẹ vậy? cho cháu cảm ơn trước
“Sẽ ra khỏi cái nghiệp quận huyện của Trung Quốc!” hi vọng lạc quan hay có dấu hiệu thực tế vậy bác?
Trả lờiXóaChúc bác giáng sinh và năm mới vui vẻ.
Sẽ luận trong năm Thân! Chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới Bình An Hạnh Phúc
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaThưa bác Nghĩa, khi bác đề cập đến chuyện chữ kinh bang tế thế xuất xứ từ nước Nhật thì cháu cũng hơi bất ngờ. Cho cháu xin phép hỏi bác về những quyển sách viết về thời Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật, cả những quyển được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh thì những quyển nào mà bác thấy hay và đáng đọc nhất để cháu có thể tìm mua và đọc được không ạ?
Trả lờiXóaCháu cám ơn bác.
Chúc bác mạnh khỏe và giáng sinh an lành.
Cám ơn anh đã mở mắt cho về "Kinh bang tế thế" ngày trước cứ ngỡ là của Tàu
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa