Thứ Bảy, tháng 12 19, 2015

Mỹ Tăng Lãi Suất Rồi Sao



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 151217

Dư chấn bất tận của những quyết định không phối hợp  

* Uýnh nhau bằng ngoại tệ *


Việc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ nâng lãi suất khỏi số không ngày 16 vừa qua sẽ đi vào lịch sử. Lịch sử ấy ghi lại rằng mọi sự khởi đầu vào năm 2008. Quá xa cho người Mỹ!

Vừa bóc lịch năm 2008, thiên hạ choáng váng vì dầu thô lần đầu tiên vượt giá 100 đồng một thùng. Chưa có gì đáng sợ vì sau đấy là các cuộc biểu tình của dân Tây Tạng ở mọi nơi đuốc Thế vận đi qua. Chưa đáng kể, vì sau đấy là Thế vận hội Bắc Kinh, báo hiệu sự xuất hiện của một cường quốc kinh tế, y như Thế vận hội tại Hán Thành năm 1988 của Đại Hàn Dân Quốc (Nam Hàn). Chưa đáng ghê vì cũng ngày tám Tháng Tám năm 2008 ấy, chiến xa Liên bang Nga tiến vào Georgia để “giải phóng” hai khu vực tự trị trong lãnh thổ quốc gia này. Chưa đáng nhớ vì Hoa Kỳ đã tạm ổn định được tình hình tại Iraq sau khi Tổng thống George W. Bush quyết định dồn quân đánh tới từ đầu năm 2007, để sẽ rút lui.

Nhưng đã trễ rồi, sau khi trái bóng gia cư bị bể từ cuối năm 2006, vụ khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ ngày 15 Tháng Chín năm 2008 đó làm cả thế giới bị Tổng suy trầm...

Kết quả? Lần đầu tiên trong lịch sử một người lai da đen lên làm Tổng thống Mỹ, là Nghị sĩ vô thành tích Barack Obama. Và lãi suất Hoa Kỳ tụt xuống đáy rồi nằm dưới đó trong bảy năm liền. Đấy là lần đầu tiên mà có lãi suất mấp mé số không kể từ khi Ngân hàng Trung ương Anh quốc bắt đầu ghi thống kê về lãi suất, vào năm 1694. Lâu lắm rồi.

Hậu quả? Hậu quả là binh lính Mỹ triệt thoái trên nhiều chiến trường và Đô la Mỹ tràn ngập mọi thị trường. Từ đấy thế giới loạn to!

Bài này xin thu gọn vào mối loạn kinh tế. Chuyện khác sẽ từ từ nói sau. Ngày Giời Tháng Phật mà!


***

Có phải là đây chu kỳ “bảy năm bò gầy” được thấy viết trong Thánh Kinh?

Bốn năm sau khi hạ lãi suất và ba lần ào ạt bơm tiền theo phương pháp QE (quantitative easing, nâng mức lưu hoạt có định lượng), Ngân hàng Trung ương Mỹ đã thông báo từ Tháng Năm năm 2012 việc “vuốt nhọn chánh sách tiền tệ”. Là sẽ giảm dần việc bơm tiền và trở lại trạng thái bình thường, tức là sẽ nâng lãi suất, khi tình hình kinh tế Hoa Kỳ có dấu hiệu cải tiến. Từ thời điểm ấy rồi, các thị trường đã bị chấn động vì giai đoạn tiền nhiều và rẻ sẽ chấm dứt.

Nhưng chấn động rồi lại thôi vì lãi suất Mỹ vẫn bò ngang dưới sàn.

Phải tới năm nay, vào Quý IV của một năm quá dài, người ta mới có thể xác định rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất cuối kỳ họp ngày 15-16 của Hội đồng Tiền tệ FOMC. Vì vậy, thị trường đều đoán trước về quyết định tăng lãi suất. Chẳng ai còn hồi hộp nữa.

Khi mọi việc tuần tự xảy ra như dự đoán, ta mới nhìn lại chuyện xưa. Mọi sự, từ nạn khủng bố đến chuyện bể bóng, đã bắt đầu khi Thế kỷ 21 chào đời, tạm chấm vào năm 2001 cho tiện.

Khi ấy, về mặt kinh tế, Hoa Kỳ bị suy trầm vì vụ bể bóng cổ phiếu và Ngân hàng Trung ương đã (cũng) hạ lãi suất quá lâu nên thổi lên trái bóng gia cư. Qua năm 2004, khi lãi suất được tăng, bong bóng bắt đầu xì và bể. Cuối năm 2007, kinh tế lại bị suy trầm nữa, là bối cảnh cùa vụ khủng hoảng tài chánh 2008.

Quy luật kinh tế nhập môn: tiền nhiều và rẻ thường thổi lên bong bóng đầu tư, không gia cư thì cổ phiếu hay trái phiếu. Quy luật kinh tế toàn cầu hóa: khi lãi suất Hoa Kỳ được hạ thì đồng bạc Hoa Kỳ, ngoại tệ dự trữ số một của thế giới, chảy lênh láng qua xứ khác để tìm mức lời cao hơn. Nhiều quốc gia vốn chưa quen với hiện tượng ấy lại thấy rằng đấy là cơ hội bằng vàng. Họ vay tiền rẻ để kiếm lời cao, đến độ lệ thuộc vào tư bản nhập cảng. Nam Phi, Turkey, hay các nước Trung Nam Mỹ đều ngất ngây với cơ hội mới, rồi chết ngất khi Mỹ kim hết sụt giá mà bắt đầu tăng.

Cũng vì tiền nhiều mà rẻ và đa số thương phẩm lại được giao dịch bằng đô la Mỹ, giá thương phẩm bị sụt làm các nước xuất cảng thương phẩm bắt đầu điêu đứng.

Khi ấy, người ta mới thấy ra một nghịch lý. Cả thế giới nói đến ngày tàn của tư bản chủ nghĩa ngay trên quê hương của nó là Hoa Kỳ. Nhưng cả thế giới lại bị ảnh hưởng bởi quyết định của một ngân hàng trung ương độc lập, là Hội đồng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Federal Board of Reserve và một cơ chế bí hiểm là Hội đồng Thống đốc Fed’s Governing Board. Cái bất công của nhân loại là Ngân hàng Trung ương Mỹ lấy quyết định căn cứ trên tình hình kinh tế và quyền lợi của nước Mỹ mặc dù quyết định ấy có thể gieo thêm sóng gió chốn nhân gian.

Khi tiền Mỹ rẻ ai cũng có thể suy luận rằng Mỹ ngu Mỹ yếu nên mượn tiền Mỹ mà xài cho sướng. Khi tiền Mỹ lên giá, quá mạnh kể từ đầu năm nay, thì mọi người rên la là Mỹ gian và Mỹ ác. Là chuyện hôm nay!

Cái bất công lớn hơn của nhân loại là không chỉ có nước Mỹ. Ngân hàng trung ương của các khối kinh tế mạnh như Euro hay Nhật Bản cũng lấy quyết định căn cứ trên nhu cầu của mình. Và thế giới sẽ phải “kiến cơ nhi tác”, theo đấy mà điều chỉnh. Đấy là về chuyên môn kinh tế. Chứ về nhận thức thì vẫn là các cường quốc dân chủ Âu-Mỹ và Nhật Bản mới có tội.

Y hệt như lý luận của quân khủng bố!

Đã vậy, ba khối Âu-Mỹ-Nhật lại có quyết định trái chiều. Hoa Kỳ sẽ tuần tự nâng lãi suất khiến tiền Mỹ còn tăng, trong khi Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ phải tiếp tục bơm tiền làm đồng Euro và Yen Nhật sẽ còn xuống giá so với tiền Mỹ.

Ở giữa, các nước đang phát triển sẽ ráng mà chịu.

Quyết định tiền tệ vừa qua tại Hoa Kỳ mở ra một giai đoạn mới là các nước công nghiệp hóa Âu, Mỹ, Nhật không còn phối hợp chánh sách với nhau mà lại đi trái chiều, theo cách “đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ”. Quả nhiên, hôm Thứ Sáu 18 Tháng 12, Ngân hàng Trung ương Nhật tung thêm một đòn tiền tệ lại làm các thị trường co giật. Vì vậy, mạng của các nước đang phát triển thì còn khó giữ hơn nữa.

Trong số này, có một nước đang phát triển mà muốn thủ vai cường quốc là Trung Cộng lại mệt hơn cả. Vì đồng Nguyên được nhận vào rổ ngoại tệ dự trữ quý tộc là Quyền Đặc Trích Special Drawing Right, Bắc Kinh hài lòng là đồng Nguyên sẽ sụt giá, nên xuất cảng dễ hơn và rẻ hơn. Nhưng mặt trái của đồng tiền này là tư bản tẩu tán mạnh hơn và thị trường hối đoái của họ sẽ bị chấn động nhiều hơn.

Sau mấy thập niên có phối hợp với nhau, kể từ năm 2016, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới sẽ mạnh ai nấy làm, và vô tình choảng nhau dữ dội vì quyết định của xứ này vẫn ảnh hưởng đến đồng tiền của xứ khác. Người ta có thể gọi đó là “trận chiến ngoại tệ toàn cầu”. Nó đã xuất hiện từ năm 2015 và gia tăng cường độ trong năm tới.

Chẳng khác gì chiến lược chống khủng bố của xứ này cũng khiến làn sóng đen của khủng bố chảy qua xứ khác….

Thị trường và chiến trường toàn cầu đang thiếu hụt một sản phẩm căn bản là “phối hợp”. Sau Giáng Sinh, chúng ta sẽ linh tinh về những chuyện đó.

____

Xin theo dõi chương trình Bên Kia Màn Khói, vừa phát hình tối Thứ Bảy giờ Cali:

 https://www.youtube.com/watch?v=Lvl8Wuv-5Ew

3 nhận xét:

  1. Bác Nghĩa cho cháu hỏi, chuyện US tăng ls có liên quan j đến UK ạ? Cho cháu cảm ơn trước

    Trả lờiXóa
  2. Tôi hiểu vì sao VN có câu hỏi này. Chỉ vì Dainamax "tag" sai chuyện tăng lãi suất và Vương quốc Anh. Xin lỗi. Trong việc nâng lãi suất, Ngân hàng Trung ương Mỹ không mấy quan tâm đền kinh tế Anh, may ra thì nghĩ đến kịnh tế Tầu, Nhật và toàn cầu nhưng chủ yếu vẫn là kinh tế, thất nghiệp và lạm phát tại Hoa Kỳ.

    Trả lờiXóa
  3. Rất cảm ơn bác Nghĩa về bài viết giúp cháu hình dung được trận chiến hối đoái trong thời gian tới. Có lẽ mức độ ghét nước Mỹ và yêu đồng Mỹ kim của phần còn lại của thế giới sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới theo lãi suất FED chăng?

    Trả lờiXóa