Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt 151216
Làm Sao Chống
Khủng Bố Hồi Giáo?
* Ảnh châm biếm của Pháp - Bột giặt man rợ cao cấp, cái gì cũng tẩy sạch! *
Sau chiến tranh, kẻ chiến thắng có quyền
nói phét.
Người ta có thể nghĩ đến quy luật ấy khi
nhớ về cuộc chiến Việt Nam sau 1975. Chẳng hạn như qua lời khuyên của Mao Trạch
Đông cho Hồ Chí Minh, rằng nên làm Mỹ đổ quân vào Việt Nam. Quả nhiên là Tháng
Ba năm 1965, Tổng thống Lyndon Johnson đổ quân vào Việt Nam sau khi vị tiền nhiệm
là John F. Kennedy cho lật đổ Chính quyền Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô
Đình Diệm. Rồi từ đấy cứ tùy theo tình hình mà leo thang và đưa thêm quân vào
trận địa. Cho tới khi dân Mỹ mệt mỏi thì Johnson “hòa đàm”, Tổng thống Richard
Nixon “Việt hóa chiến tranh” và Hoa Kỳ “rút lui trong danh dự”….
Đại bại không chỉ có nước Mỹ mà cả hai miền
Nam Bắc của Việt Nam.
Nửa thế kỷ sau, là ngày nay, người ta gặp
chuyện tương tự, cũng với một Tổng thống Dân Chủ, khi tổ chức khủng bố xưng
danh Nhà nước Hồi giáo ISIS hay Daesh đang tìm mọi cách dẫn dụ Hoa Kỳ đổ quân vào vùng Lưỡng
Hà (Mesopotamia), là thung lũng của hai con sông Tigris và Eurphrate chảy ngang
Syria và Iraq. Tổng thống Barack Obama trình bày rằng mình hiểu ra mục tiêu ấy
của đối thủ nên tuyên bố từ tòa Bạch Ốc, rằng “ta không nên lại để bị lôi vào một
trận địa chiến lâu dài và tốn kém tại Iraq và Syria”. Những người ủng hộ ông, vẫn
còn một số tội thay, thì cho rằng đấy là một chiến lược khôn ngoan sau kinh nghiệm tại
Afghanistan và Iraq của vị tiền nhiệm George W. Bush.
Nhưng có chắc không? Hồ Sơ Người-Việt sẽ
tìm hiểu chuyện này từ một giác độ khác.
Đổ Quân Là
Bất Lợi
Suy từ kinh nghiệm Afghanistan 2001 và
Iraq 2003, nhiều người đều có thể đồng ý rằng việc đưa quân vào trận địa ở
phương xa là bất lợi. Với dân Hồi giáo, điều ấy gợi lại chuyện họ đã từng nghe
– mà nhiều người Mỹ không biết – là quân Thập Tự Chinh đi vào giết hại dân lành
theo đạo Hội. Chuyện thật thì không hẳn như vậy, nhưng vẫn là truyền thuyết phổ
biến, nhất là khi chính Tổng thống Bush cũng dùng chữ “Thập Tự Chinh” Crusade.
Chung quanh ông thiếu người có văn hóa và ý niệm lịch sử nên mới để như vậy.-
Khi Mỹ đổ quân vào Afghanistan rồi Iraq, lại
còn kéo theo các đồng minh vì viện dẫn điều 5 của Hiến chương NATO, thì chuyện
gì xảy ra?
Tại các nước “bị tấn công” lẫn các nước
“xâm lược”, quần chúng Hồi giáo căm phẫn có thể ủng hộ và gia nhập hàng ngũ quá
khích, một số sẽ học tập nghề khủng bố, trở thành đặc công tự sát. Từ lý luận ấy,
người ta mới tin rằng chiến dịch Iraq gây phản ứng nổi dậy và dẫn tới sự hình
thành của tổ chức ISIS – không hoàn toàn đúng – sau khi Hoa Kỳ tháo chạy dưới
thời Obama – không hoàn toàn sai.
Sau cùng, khi đổ quân vào trận địa thì Hoa
Kỳ chứng minh một “sự thật lịch sử” là trận thư hùng cuối cùng giữa Thiện và
Ác, giữa ISIS và quỷ dữ Satan như nhiều người theo đạo Hồi có thể đã được tuyên
truyền mà nhiều người Mỹ xa rời tôn giáo thì lại quên. Nếu Mỹ không nhập trận
mà chỉ có “hùng binh” ISIS tàn sát người dân để trấn lột và thị uy thì “Thánh
Chiến” trở thành vô nghĩa.
Vì vậy, kẻ thù muốn ta đổ quân vào trận địa.
Nhưng có phải là mình sẽ mắc mưu nếu làm đúng như vậy không? Chưa chắc, và đây
mới là chuyện chiến lược.
Chiến lược không là kế hoạch định sẵn, cứ
tuần tự như thế mà thực hiện. Bộ máy hành chánh hay quân sự có thể có nhiều kế
hoạch phải thi hành, nhưng chiến lược của người trù hoạch ở trên là chuyện
khác. Chiến lược là sự biến hóa liên lục để đạt mục tiêu sau cùng, mà biến hóa
tùy theo thực tế và cách phản ứng của đối thủ. Mà đối thủ cũng có thể tính sai!
Biết ta biết địch là chuyện ngàn đời.
Cơ Sở Của
Chiến Lược
Chúng ta hãy đi lại từ đầu.
Nhiều quốc gia trù tính chiến lược có ảnh
hưởng quốc tế mà lại căn cứ trên nhu cầu quốc nội. Nhiều khi Hoa Kỳ đã tiến và
thoái căn cứ trên lịch bầu cử. Kẻ thù của nước Mỹ đều biết vậy, nhiều người Mỹ
thì không. Người Mỹ cũng ít để ý tới sự kiện là các quyết định chiến hòa hay tiến
thoái của Hoa Kỳ có ảnh hưởng tới các nước đồng minh. Việc trù hoạch chiến lược
của Hoa Kỳ vì thế tùy thuộc vào yếu tố quốc nội (lòng dân hay bầu cử) và quốc tế
(ngoại giao hay liên minh) và có một đặc tính của một nước văn minh, là sợ khổ.
Cách thẩm định rủi ro của Mỹ khác hẳn lối
tính toán của ISIS – hay Cộng sản. Thí dụ như lời phát biểu của ông Obama: “ta
không nên lại để bị lôi vào một trận địa chiến lâu dài và tốn kém”. Lâu dài và
tốn kém căn cứ trên cái gì? Nếu không muốn vậy thì có phương thức nào khác
chăng? Trong một cuộc tranh cử như hiện nay, chẳng ai nêu ra loại câu hỏi rốt
ráo ấy. Và ít ai tự hỏi rằng nếu kẻ thù muốn ta đổ quân mà mình làm đúng như vậy
thì có sai lầm không?
Từ loại vấn đề trừu tượng ấy, xin đi vào
chuyện thực tế.
Kẻ thù của Hoa Kỳ (hiện nay) là ISIS có
cách thẩm định rủi ro khác người Mỹ. Họ liều lĩnh và hy sinh tính mạng của nhiều
người để tìm một thắng lợi thật ra rất nhỏ, và đắt đỏ. Không hiểu ra điều ấy mà
để tránh rơi vào cái bẫy của kẻ thù thì có khi nước Mỹ rơi vào cái bẫy của
chính mình. Hãy nhìn vào cục diện Syria và Iraq mà xem.
Tổng thống Obama tuyên bố từ 2011, 2012 và
sau này, rằng Lãnh tụ Bashar al-Asasad phải đi. Ưu tiên của ông là “thay đổi chế
độ tại Syria”. Trong bài diễn văn từ phòng Bầu Dục, ông có điều chỉnh: ưu tiên
al-Assad thấp hơn ưu tiên ISIS. Chi tiết thứ hai là “kẻ thù ISIS có đổi chiến
thuật” nhưng không vì vậy mà mình cũng đổi. Thật ra Tổng thống Mỹ đã có thay đổi.
Và cơ sở của chiến lược chống ISIS phải được
thẩm định lại từ đó.
Chính quyền Obama cho là tổ chức ISIS và đồng
đảng không còn khả năng tấn công Hoa Kỳ trên một quy mô lớn như vụ 9-11 của
Al-Qaeda, nên phải ra tay kiểu khác, tấn công vào các mục tiêu mềm và khó bảo vệ
như tại Paris hay San Bernardino. Có thể lắm. Nhưng biết đâu chừng ISIS lại nghĩ
khác? Tấn công đồng loạt như Al-Qaeda trong vụ 9-11 là dẫn tới phản ứng dữ dội
tại Afghanistan hay Iraq. Biết đâu chừng, ISIS muốn tránh phản ứng dữ dội đó của
nước Mỹ?
Mục tiêu của họ không phải là dẫn dụ Mỹ
vào trận địa mà chỉ khai thác loại khủng bố tự phát ở tầm cỡ nhỏ để thuyết phục
quần chúng của họ, là dân Hồi giáo Sunni, và gây hãi sợ cho người dân Tây phương
trước làn sóng tỵ nạn Hồi giáo.
Có thêm thời gian và thông tin về vụ San
Bernardino, ta có thể nêu thêm câu hỏi khác. Cặp vợ chồng hung thủ đã chuẩn bị
một kho võ khí có sức tàn phá rất cao mà chưa sử dụng đến. Mục tiêu thật là gì?
Vì sao họ “hấp tấp” như vậy rồi tìm cách xóa hết vết tích điện toán ở trong nhà?
Ai quyết định về việc hy sinh luôn hai “cảm tình viên” này?
Lối suy nghĩ như vậy có thể là cơ sở của
chiến lược thích hợp.
Kẻ Thù Là
Ai?
Xin nhắc lại, khi giải thích với dân
chúng, Tổng thống Obama nói ra hai chuyện: 1) kẻ thù đã đổi, 2) nhưng không vì
vậy mà mình cũng đổi và mắc mưu khi đổ quân vào trận địa. Phần trên có giải
thích rằng ISIS có thể đã đổi chiến thuật, nhưng tại sao thì chưa ai dám khẳng
định. Còn chuyện Hoa Kỳ có nên thay đổi chiến lược không thì vấn đề không chỉ
là đổ quân mà là nhìn lại cuộc chiến và xác định kẻ thù.
Khác với lực lượng Al-Qaeda quy tụ một số
trí thức có cái nhìn cực đoan về Hồi giáo và Tây phương, tổ chức ISIS ngày này
cũng khai thác lý luận tôn giáo nhưng có một tầng lớp nhân sự xuất thân từ đảng
Baath của Saddam Hussein tại Iraq. Cán bộ cao cấp của họ là nhiều sĩ quan có
kinh nghiệm tác chiến đã từng bị Hoa Kỳ đánh bại năm 1991 và 2003. Họ khai thác
chủ nghĩa Hồi giáo quá khích như một ý thức hệ huy động giới trẻ tham gia hoạt
động khủng bố vì nhiều mục tiêu khác biệt tùy theo tâm lý của từng thành phần.
Vì vậy, đặc tính của tổ chức này gồm có nhiều yếu tố khó gom thành một khẩu hiệu.
Yếu tố thứ nhất là tôn giáo, nhưng là một
hệ phái cực đoan quá khích của Hồi giáo. Không nên làm phép quy nạp mà kết án đạo
Hồi, nhưng cũng chẳng nên như Tổng thống Obama là cố tránh nói đến chữ Hồi
giáo. “Chủ nghĩa Hồi giáo quá khích” hay “Islamist” có thể là một từ chính xác.
Yếu tố thứ hai là phương pháp khủng bố. ISIS còn non yếu nên dùng phương pháp
này, chẳng khác gì phương pháp của trí thức Nga vào cuối Thế kỷ 19 và của Cộng
sản trong Thế kỷ 20 mà nhiều tổ chức khác cũng áp dụng. Dùng chữ “Khủng bố Hồi
giáo” là đúng, mà chưa đủ. Đúng vì sức tuyên truyền của chữ “khủng bố” làm nhiều
người ghê tởm, nhưng chưa đủ vì họ sẽ còn biến thái nếu thành công.
Mục tiêu sau cùng và rốt ráo của ISIS là
thành lập một Đế quốc Hồi giáo trước sự phân hóa của các nước Hồi giáo trong
khu vực xưa kia là lãnh thổ của Đế quốc Ottoman. Họ dùng tư tưởng Hồi giáo quá
khích để chiêu mộ và kết nạp các phần tử quá khích hay những kẻ bất đắc chí và
nhiều khi bất tài vì chẳng làm được gì khác, nhưng không chỉ để giết người cho
bõ ghét mà để có nhân lực, lãnh thổ và kinh tế cho một quốc gia chỉ có trong ước
mơ của họ.
Và họ sợ nhất là khi nước Mỹ nổi điên đổ
quân đánh nhầu! Khi tránh rơi vào cái bẫy tưởng tượng của ISIS, có khi Tổng thống
Obama lại tính sai. Và phản ứng giận dữ của đối lập Cộng Hòa chưa chắc đã là
sáng suốt!
----
Kết luận ở
đây là gì?
Thế kỷ 21
mới chỉ có 15 tuổi, kinh nghiệm của loài người về nạn khủng bố thật ra dày hơn
thế. Trong thế kỷ 20, loài người đã gặp tai họa cộng sản và phát xít, tai họa
khủng bố Hồi giáo có thể cũng kéo dài, tương tự, và cũng biến thái. Chiến lược
đối phó vì vậy cũng phải biến hóa chứ không tụ vào hành động của vài người
điên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét