Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 151216
Càng muốn tăng trưởng cao, gánh nợ càng nặng sẽ dẫn tới sụp đổ
Càng muốn tăng trưởng cao, gánh nợ càng nặng sẽ dẫn tới sụp đổ
Trong năm 2016, đâu là những thách đố lớn nhất cho nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới là Trung Quốc? Trong loại bài cuối năm, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này.
Những thách đố quan trọng
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Sau khi tìm hiểu về
những thách đố cho kinh tế Việt Nam trong năm tới, kỳ này, xin yêu cầu
ông trình bày về tình hình Trung Quốc, với nền kinh tế đứng hạng nhì thế
giới. Vì Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn với khá nhiều vấn đề, vì
vậy xin đề nghị ông chọn cho những thách đố ông cho quan trọng và có ảnh
hưởng nhất trong năm tới.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nói về bối cảnh trước rồi sẽ tập trung vào một số vấn đề có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc.
- Nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới về sản lượng đang có chỉ dấu sa
sút, với xuất khẩu và nhất là nhập khẩu đều giảm trong mấy quý liền.
Trong một thế giới toàn cầu hóa, khi các nền kinh tế đều giao dịch với
nhau, những khó khăn kinh tế của Trung Quốc, và của khối Âu Châu cùng
các nền kinh tế đang phát triển, có thể dẫn tới nguy cơ suy trầm toàn
cầu, như nhiều trung tâm nghiên cứu quốc tế đã dự đoán. Hậu qủa của nạn
suy trầm ấy sẽ gây tác động ngược vào Trung Quốc ngay giữa cuộc chuyển
hướng.
- Cũng về bối cảnh, dù thực chất thì còn có nhiều yếu kém, kinh tế Hoa
Kỳ vẫn có đà tăng trưởng khả quan nhất nên lãi suất tại Mỹ sẽ từ từ lên
khỏi sàn. Điều ấy cũng ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối và trị giá của
đồng bạc Trung Quốc trong năm tới, khi Bắc Kinh cố đạt tiêu chuẩn của
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nhằm đưa đồng Nguyên vào rổ Đặc Trích SDR.
Càng muốn tăng trưởng cao, giả dụ như 6% một năm, thì gánh nợ càng nặng nên có thể sụp đổ. Muốn tránh khủng hoảng tài chính vì hiện tượng vỡ nợ dây chuyền đang manh nha, Bắc Kinh phải chấp nhận một đà tăng trưởng thực tế hơn, khoảng 4% một năm, khi ấy họ lại bị nạn thất nghiệp và động loạn xã hội! Nguyễn Xuân Nghĩa
- Ngay sau Tết, Quốc hội Bắc Kinh có thể công bố các quyết định xuất
phát từ Hội nghị Trung ương vừa qua về chiều hướng phát triển kinh tế
của Kế họach Năm năm 2016-2020, là thời kỳ cuối trước khi đảng Cộng sản
Trung Quốc sẽ có Đại hội 19 để tổng kết năm năm lãnh đạo của Tập Cận
Bình. Yếu tố chính trị sẽ có ảnh hưởng rất mạnh đến chính sách kinh tế.
Nguyên Lam: Thưa ông, từ bối cảnh rất khái quát ấy, ông thấy những gì là thách đố kinh tế cho Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng vấn đề số một vẫn là làm sao
đạt mức tăng trưởng cao để tránh nạn thất nghiệp? Chúng ta đều biết lãnh
đạo Bắc Kinh đã thấy nhiều nhược điểm trong cơ cấu kinh tế và muốn cải
cách để lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy cho tăng trưởng, hơn là đầu tư
và xuất khẩu. Muốn nâng mức tiêu thụ thì còn phải có lợi tức. Dù các
thống kê của Bắc Kinh có nhiều sai biệt khó hiểu, người ta vẫn thấy lợi
tức thuần, tức là số tiền có thể tiêu thụ, của các hộ gia đình Trung
Quốc vẫn còn quá thấp so với Tổng sản lượng GDP, sức tiêu thụ nội địa
của kinh tế xứ này chưa thể là lực đẩy cho đà tăng trưởng. Khi ấy và
bước qua năm tới, Bắc Kinh vẫn phải dùng hai đòn bẩy cố hữu là đầu tư và
xuất khẩu. Trong hoàn cảnh chưa khả quan của thế giới, xuất khẩu của
Trung Quốc vẫn không tăng đủ, nên Bắc Kinh lại sử dụng đòn bẩy cố hữu là
đầu tư. Đấy là một mâu thuẫn giữa thực tế và ý chí cải cách.
- Mâu thuẫn ấy mới dẫn tới một vấn đề cực kỳ nguy ngập. Trong hiện tại,
Trung Quốc có nền kinh tế đang mắc nợ, với hệ thống tín dụng ban phát
tài nguyên đầu tư kém hiệu suất. Khi phải sử dụng đòn bẩy đầu tư, Bắc
Kinh phải tiếp tục mở vòi tín dụng và doanh nghiệp càng thêm mắc nợ. Các
dự báo khách quan nhất cho thấy là càng muốn tăng trưởng cao, giả dụ
như 6% một năm, thì gánh nợ càng nặng nên có thể sụp đổ. Muốn tránh
khủng hoảng tài chính vì hiện tượng vỡ nợ dây chuyền đang manh nha, Bắc
Kinh phải chấp nhận một đà tăng trưởng thực tế hơn, khoảng 4% một năm,
khi ấy họ lại bị nạn thất nghiệp và động loạn xã hội!
Nguyên Lam: Nguyên Lam hiểu rằng thách đố số một của Trung
Quốc trong năm tới là hai nguy cơ trái ngược. Một là khủng hoảng tài
chính vì nạn vỡ nợ, hai là khủng hoảng xã hội vì nạn thất nghiệp. Có
phải như vậy không thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề trường kỳ,
có thể kéo dài cả chục năm nhưng khởi sự từ năm tới. Đã vậy, năm tới,
Bắc Kinh còn có tham vọng đưa đồng Nguyên vào rổ Đặc Trích như chúng ta
đã có lần trình bày và ước mơ chính trị ấy cũng có cái giá phải trả về
kinh tế!
Nguyên Lam: Thưa ông, vì sao lại có cái giá phải trả và đấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng hai năm nữa thôi, Bắc Kinh sẽ ân hận về ước muốn biểu kiến này!
- Thứ nhất, trước Tháng 10 năm tới, họ sẽ phải chầm chậm thả nổi đồng
bạc chứ không neo vào đồng Mỹ kim nữa thì mới đạt tiêu chuẩn của IMF là
“tự do sử dụng”. Dù có thả neo chầm chậm, mà chưa biết là thả như thế
nào, thì hậu quả trước tiên vẫn là đồng Nguyên mất giá, nhất là khi Mỹ
kim lên giá từ quyết định nâng lãi suất tại Hoa Kỳ. Có thể Bắc Kinh mở
dần biên độ giao dịch của đồng bạc nhưng lại e sợ nạn tẩu tán tài sản từ
thị trường nội địa ra ngoài khi tài sản lưu giữ bằng đồng Nguyên bị mất
giá.
- Thứ hai, cũng trong ý chí tăng khả năng giao dịch của đồng bạc, Bắc
Kinh có hàng loạt hiệp ước thương mại song phương với các nước để mong
thiên hạ sẽ dùng và lưu trữ đồng Nguyên nhiều hơn trong khối ngoại tệ dự
trữ của họ. Việc Bắc Kinh huy động nước Anh vào vai trò một trung tâm
giao dịch đồng Nguyên với các nước nằm trong hướng đó. Tuy nhiên, chẳng
phải vì vậy mà xứ nào cũng ôm lấy tiền Tầu, vì yêu cầu của họ là chuyển
đồng ngoại tệ mua bán ra đồng bạc nội địa của họ. Trong hiện tại, và với
hiện tượng nhập siêu là nhập hơn xuất khẩu của kinh tế Mỹ, đồng Mỹ kim
vẫn là ngoại tệ phổ biến nhất. Trung Quốc chưa được như vậy và càng khó
được vì chủ trương “trọng thương” hay lý tài là cố bán nhiều hơn mua, là
được xuất siêu! Bắc Kinh quên rằng Hoa Kỳ đã có sức mạnh kinh tế rất
lâu mà phải đợi hơn nửa thế kỷ lẫn trận Thế chiến II mới thấy Mỹ kim là
ngoại tệ sử dụng phổ biến nhất.
- Thứ ba, và đây mới là chuyện trái khoáy, các quốc gia buôn bán với
nhau thì không dùng thứ ngoại tệ bổ sung là đồng SDR, và có đồng Nguyên
hay không ở trong cái rổ quý tộc ấy chưa chắc là một ưu thế kinh tế mà
chỉ được cái tiếng chính trị. Niềm an ủi cho Bắc Kinh là khi đồng Nguyên
mất giá thì hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ rẻ hơn, nhưng cái giá kia
là nạn tẩu tán tài sản, trong những biến động ngoại hối kéo dài!
Nguyên Lam: Ông nêu ra hai thách đố là tăng trưởng và ngoại hối. Thưa ông, thách đố thứ ba là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi vẫn nghĩ đến chính trị với biểu hiện rõ
rệt nhất là chiến dịch diệt trừ tham nhũng. Thí dụ làm các thị trường
tài chính chấn động là một tỷ phú, Chủ tịch của Tập đoàn Fosun bỗng dưng
mất tích! Người ta không biết ông Quách Quảng Xương này bị câu lưu, bị
giam giữ hay bị điều tra về tội gì nhưng từ cả năm qua đã có mười mấy vụ
gọi là “mất tích” như vậy trên doanh trường Trung Quốc. Khi ấy, ai cũng
có thể hỏi rằng xứ này có luật lệ gì không mà nhà cầm quyền có thể bắt
hay tha, thả hay giữ mà chẳng cần giải thích gì?
- Nhìn rộng ra ngoài doanh trường, người ta thấy là từ ba năm nay, từ
Tháng 12 năm 2012, Trung Quốc đã có những vụ thanh lọc mở rộng kéo dài
cũng dữ dội như trong 10 năm của cuộc Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản Vĩ Đại từ
1967 đến 1976. Trong vụ thanh lọc này, nhiều đảng viên cao cấp thuộc
thành phần chỉ huy các tập đoàn kinh tế nhà nước như CNPC, Sinopec,
Chinalco, Dongfeng Motors… đều bị tống giam trong tiến trình gọi là điều
tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương là một cơ chế rất mạnh trong
đảng. Khi lãnh đạo tư doanh cũng rơi vào chiến dịch “đả hổ đập ruồi”
này thì doanh giới quốc tế tự hỏi rằng xã hội dân sự tại Trung Quốc có
giá trị gì không và đâu là hệ thống pháp quyền của một nền kinh tế có
sản lượng đứng hạng nhì thế giới? Một cách phũ phàng thì liệu thế giới
có đang buôn bán với một chế độ Mafia không?
Những động lực chính trị
Nguyên Lam: Thưa ông là hình như đằng sau vụ bắt giữ lan
rộng đang làm hệ thống kinh tế và hành chính của Trung Quốc bị tê liệt,
người ta còn thấy những động lực chính trị gì đó rất khó hiểu bên trong.
Làm sao thế giới có thể nói chuyện làm ăn hay sử dụng đồng bạc của một
quốc gia đầy bí hiểm như vậy?
Ba thách đố nói trên, chưa kể tới nhiều khó khăn khác về môi sinh và xã hội, sẽ gây lúng túng cho lãnh đạo và dẫn tới một câu hỏi là hệ thống kinh tế chính trị của Trung Quốc có còn ưu điểm gì không? Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vâng, thưa đấy mới là thách đố thứ ba cho lãnh đạo Bắc Kinh.
- Trước hết, dù Hội nghị Trung ương kỳ 5 vừa rồi có làm người ta hy
vọng rằng chiến dịch do Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn của Ủy
ban Kỷ luật Trung ương phát động sẽ đi vào hồi kết cuộc thì thực tế cho
thấy rằng nó vẫn kéo dài và biến chất thành một vụ thanh trừng chính
trị trên thượng tầng của đảng, với ảnh hưởng tỏa rộng ăn sâu xuống dưới.
Việc một nhân vật có đầy thế lực như ông Tăng Khánh Hồng mà còn bị hỏi
giấy thì bao nhiêu tay chân thân tộc của các nhân vật thần thế này tất
nhiên là không yên tâm. Đã vậy, cái phương pháp “song quy” là hai vòng
điều tra song hành với khả năng tra tấn để ép cung các nghi can còn cho
thấy hình ảnh man rợ của một chế độ đang muốn ra vẻ văn minh.
- Tất nhiên là mọi phe phái trong cuộc, từ trung ương đến các địa
phương, đều không thụ động chờ ngày bị ai đó bất thần hỏi cung mà phải
tìm cách tự vệ hoặc bảo vệ nhau. Thụ động thì chẳng ai dại gì lấy quyết
định vì có khi mang tội. Chủ động thì liên kết với nhau để trì hoãn hoặc
cản trở chiều hướng cải cách do Tập Cận Bình đề ra. Và càng tập trung
quyền lực thì Tập Cận Bình càng dễ mang trách nhiệm thất bại về kinh tế.
Nguyên Lam: Câu hỏi sau cùng, thưa ông Nghĩa. Năm tới sẽ
khởi sự Kế hoạch Năm năm thứ 13 của Trung Quốc cho giai đoạn 2016-2020.
Đấy là kỳ hạn chót để xứ này đạt chỉ tiêu nâng đôi lợi tức người dân kể
từ năm 2010. Như ông có trình bày một lần, nếu trong 10 năm mà muốn tăng
lợi tức gấp đôi thì bình quân một năm phải tăng được 7%. Trong phần
đầu, ông có trình bày bài toán tăng trưởng của xứ này từ năm tới là nếu
tăng được 6%, tức là còn thấp hơn cái ngưỡng 7% nói trên, thì kinh tế
Trung Quốc càng mắc nợ nhiều hơn. Như vậy thì tình hình sẽ ra sao đến
cuối giai đoạn 2020?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước khi đến thời điểm 2020 đó, đảng Cộng
sản sẽ có Đại hội Khóa 19 vào cuối năm 2017. Đại hội này phải duyệt xét
thành quả và chuẩn bị nhân sự, trong đó có việc đề cử năm trong bảy
người đang ngồi trong Thường vụ Bộ Chính trị sẽ phải ra đi vì tuổi tác.
Hai người còn lại là Tổng bí thư Tập Cận Bình và Tổng lý Quốc vụ viện là
Thủ tướng Lý Khắc Cường. Trong khung cảnh khó khăn và bất trắc hiện
nay, việc tranh đoạt quyền bính để đưa năm người vào vị trí cao cấp nhất
cũng báo hiệu khá nhiều sự lạ.
- Sau cùng ta không nên quên rằng sau 36 năm tăng trưởng và dễ thở kể
từ 1980 là năm đầu tiên có kết quả cải cách của Tập Cận Bình, Trung Quốc
đang khách quan tới thời kỳ sửa đổi vì kinh tế đã đi qua hình thái
khác. Ba thách đố nói trên, chưa kể tới nhiều khó khăn khác về môi sinh
và xã hội, sẽ gây lúng túng cho lãnh đạo và dẫn tới một câu hỏi là hệ
thống kinh tế chính trị của Trung Quốc có còn ưu điểm gì không?
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài tổng kết này.
Cường quốc thứ 2 TG mà hiện tại cấm từ facebook, twitter, youtube, google....đến cấm chó, cấm đẻ, cấm xe máy... thì tương lai cũng mờ mịt lắm. Càng gây hấn lung tung thì lại càng nhanh tàn, chỉ hi vọng VN mình thoát dần ảnh hưởng của chúng nó trong thời gian sớm.
Trả lờiXóa