Thứ Tư, tháng 12 02, 2015

Đồng Nguyên vào rổ "Đặc Trích"

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 151202
Diễn đàn Kinh tế
Đồng tiền vào rổ, nước Tầu vào rọ

 
000_Hkg10235104-622.jpg

* Một nhân viên ngân hàng ở Hàng Châu đang đếm tiền Nhân Dân Tệ hôm 01/12/2015 
AFP PHOTO*





Hôm Thứ Hai 30 Tháng 11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế quyết định là từ ngày một Tháng 10 năm tới thì nhận đồng bạc Trung Quốc vào rổ ngoại tệ gọi là Quyền Trích Xuất Đặc Biệt. Tức là sau nhiều năm vận động của Bắc Kinh, từ năm 2016, đồng Nguyên của họ sẽ hiện diện bên đồng Mỹ kim, đồng Euro, đồng Anh kim và đồng Yen như năm ngoại tệ phổ biến. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu ý nghĩa và hậu quả của quyết định ấy cho thế giới và Trung Quốc.
 

“Quyền trích xuất đặc biệt”

Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Hôm Thứ Hai 30, Hội đồng Điều hành Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF vừa hoàn tất việc quyết định tuyển chọn các ngoại tệ được đưa vào cái gọi là “Special Drawing Right” trong năm năm tới, kể từ đầu Tháng 10 năm 2016. Lần này, quyết định rất chuyên môn và khó hiểu ấy được các thị trường tài chính chú ý vì Quỹ IMF nhận đồng Nguyên, hay đồng Nhân Dân Tệ, của Trung Quốc vào thành phần ngoại tệ người ta gọi là “quý tộc” này. Vì vậy, xin ông trình bày cho thính giả của chúng ta biết nội dung và hậu quả của quyết định ấy. Trước hết, thưa ông, “Special Drawing Right” là gì? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Được lập ra từ năm 1944 như loại ngân hàng cấp cứu, Quỹ Tiền tệ IMF đón nhận các quốc gia hội viên, mỗi nước ký thác một phần hùn tùy khả năng kinh tế để nếu cấp thời thiếu ngoại tệ trong dự trữ thì có thể vay từ một trương mục chung để tránh khủng hoảng tài chính. Năm 1959, IMF lập ra loại ngoại tệ dự trữ điền thế, để bổ sung cho vàng và Mỹ kim, hầu các nước có thể rút ra khi cần cấp cứu hệ thống tài chính của họ. Trương mục đó gọi là Special Drawing Right với ý nghĩa là các thành viên có thể vay căn cứ trên phần hùn của mình. Đấy là “Quyền Trích Xuất Đặc Biệt” của thành viên, và tôi gọi tắt là Quyền Đặc Trích.

Quyền Đặc Trích SDR không là một ngoại tệ có thể mua hàng hóa mà là loại tiền đặc biệt chỉ sử dụng nếu kinh tế có vấn đề vì được đổi với các ngoại tệ khác khi quốc gia thiếu thanh khoản. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Quyền Đặc Trích SDR không là một ngoại tệ có thể mua hàng hóa mà là loại tiền đặc biệt chỉ sử dụng nếu kinh tế có vấn đề vì được đổi với các ngoại tệ khác khi quốc gia thiếu thanh khoản. Ngày nay, 188 thành viên của IMF có một kho chung trị giá khoảng 265 tỷ đô la, tức là không nhiều vì chỉ là một quỹ khẩn cấp. Cái quỹ hay cái rổ ấy có bốn loại ngoại tệ sử dụng phổ biến nhất, là Mỹ kim, Euro, Anh kim và đồng Yen Nhật. Mỗi năm năm, căn cứ trên tình hình giao dịch, IMF rà lại nội dung của Quyền Đặc Trích. Tuần qua, họ nhận thêm đồng Nguyên của Trung Quốc vào rổ tiền đặc biệt ấy. Theo phương pháp trung bình gia trọng thì từ mùng một Tháng 10 năm tới, rổ tiền mới sẽ gồm có 41,37% là Mỹ kim, 30,93% là Euro, 10,92% là đồng Nguyên, 8,33% là đồng Yen và 8,09% là Anh kim. Đây là thắng lợi chính trị cho Bắc Kinh vì đồng Nguyên có mặt bên cạnh bốn ngoại tệ quý tộc kia.

Nguyên Lam: Thưa ông, IMF căn cứ trên tiêu chuẩn gì để chọn đồng bạc cho vào rổ Quyền Đặc Trích SDR này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, đồng bạc đó phải là một ngoại tệ giao hoán phổ biến, là được nhiều nước sử dụng làm phương tiện thanh toán với nhau, khiến nhiều ngân hàng trung ương sẽ lưu trữ ngoại tệ ấy trong dự trữ của mình. Nhờ sức nặng kinh tế và lượng xuất khẩu trong luồng giao dịch quốc tế, tiền Trung Quốc được các nước dùng nhiều hơn để thanh toán việc mua bán. Như trong Tháng Tám 2015 đồng Nguyên chiếm 2,79% tổng số nghiệp vụ giao dịch của thế giới và lần đầu tiên vượt đồng Yen Nhật chỉ có 2,76% thôi. Qua Tháng Chín, tỷ lệ này giảm, chỉ còn 2,45%, mà dù sao cũng chỉ là sự trồi sụt ngắn hạn và hình ảnh chung thì đồng Nguyên đang đứng hạng năm hay hạng bốn, sau đồng Yen Nhật, sau đồng Anh kim, Euro và Đô la Mỹ. Điều này cũng tất nhiên vì suốt năm năm qua, kinh tế Trung Quốc đứng hạng ba thế giới về kim ngạch xuất khẩu nên đồng Nguyên đã là phương tiện giao hoán phổ biến rồi.



000_Was8985164-400.jpg
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde phát biểu hoan nghênh Đồng Nguyên vào rổ đặc trích trong cuộc họp báo tại trụ sở IMF ở Washington, DC ngày 30/11/2015. AFP PHOTO / MANDEL NGAN.


- Tiêu chuẩn thứ hai của IMF thì rắc rối hơn, là được “tự do sử dụng” để thanh toán nghiệp vụ trên thị trường ngoại hối hay hối đoái. Theo tiêu chuẩn ấy thì IMF thấy đồng Nguyên được các nước sử dụng nhiều hơn trước nhưng tính đến Tháng Tám thì chưa thông dụng bằng bốn loại ngoại tệ trên và còn thua đồng đô la Úc hay Canada. Nói cách khác, đồng bạc Trung Quốc có hướng đi lên, nhưng chưa tới mức tự do như nhiều đồng tiền kia. Chính vì vậy, từ Tháng Chín năm nay Bắc Kinh ra sức chứng minh rằng sẽ cho các ngân hàng trung ương của thế giới được tự do mua bán đồng bạc của mình nhiều hơn trước. Tiêu chuẩn này của IMF có ý thúc đẩy Trung Quốc cải cách cho tự do và minh bạch hơn thì thị trường mới tin tưởng mà sử dụng.

- Nói cho cùng, từ nhiều năm nay đồng Nguyên được Bắc Kinh đưa vào nghiệp vụ giao dịch chéo currencies swap với nhiều đối tác theo các thỏa ước song phương và ngạch số giao dịch ấy lên tới hơn 730 tỷ đô la, nên đồng bạc của họ đã là ngoại tệ giao hoán rồi. Bây giờ, nếu được đem vào rổ Đặc Trích SDR thì chỉ có kết quả biểu kiến về tư thế của Trung Quốc thôi.

 

Tham vọng cạnh tranh với Mỹ kim


Nguyên Lam: Ngoài kết quả biểu kiến ấy thì Trung Quốc còn có lợi ích gì khác chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu đồng Nguyên được nhận là một trong năm ngoại tệ thông dụng và căn bản nhất của luồng giao dịch tài chánh toàn cầu thì người ta sẽ có xu hướng lưu trữ tài sản dưới dạng đồng Nguyên nhiều hơn xưa. Giới lạc quan thì cho là dự trữ tài sản của thiên hạ dưới dạng tiền Tầu sẽ lên tới 500 tỷ hay ngàn tỷ đô la. Có thể là Anh Quốc dự đoán như vậy nên mới trải chiếu cạp điều đón Chủ tịch Tập Cận Bình như một quốc khách, với hy vọng là thủ đô London sẽ thành một trung tâm giao dịch đồng Nguyên tại Âu Châu!

- Bắc Kinh cũng mong là từ nay mấy nước Á Phi sẽ trữ đồng Nguyên như các ngoại tệ kia và nhờ đó mở rộng ảnh hưởng kinh tế và cả chính trị của Trung Quốc. Như xứ độc tài hay hiếu chiến mà bị thế giới trừng phạt về tội chà đạp nhân quyền thì vẫn có đồng Nguyên của Tầu để trang trải yêu cầu thương mại của họ nên càng lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Thật ra, từ năm năm qua, Bắc Kinh tìm mọi cách vào được trong rổ với tham vọng dần dần nâng giá trị đồng bạc thành ngoại tệ dự trữ hầu mươi năm sau có thể cạnh tranh với Mỹ kim.


Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, liệu rồi tham vọng ấy có khả thi không?

IMF cho đồng Nguyên vào rổ tức là nội trong một năm, Bắc Kinh phải giải tỏa chế độ ngoại hối, thả nổi đồng bạc chứ hết giàng giá vào Mỹ kim trong một biên độ nhất định, và bãi bỏ chế độ kiểm soát tư bản để bạc tiền tự do ra vào lãnh thổ theo cung cầu của thị trường. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta nên nhìn vào ngắn hạn và dài hạn.

- IMF cho đồng Nguyên vào rổ tức là nội trong một năm, Bắc Kinh phải giải tỏa chế độ ngoại hối, thả nổi đồng bạc chứ hết giàng giá vào Mỹ kim trong một biên độ nhất định, và bãi bỏ chế độ kiểm soát tư bản để bạc tiền tự do ra vào lãnh thổ theo cung cầu của thị trường. Trong hiện tại, với nền kinh tế trì trệ và sáu lần hạ lãi suất trong 12 tháng, xứ này đang bị xuất huyết tư bản, nôm na là tẩu tán tài sản. Việc giải phóng đồng bạc cho tự do có nghĩa là thị trường chứ hết phải Trung Quốc sẽ quyết định về tỷ giá đồng Nguyên nên lại càng gây khó cho Bắc Kinh. Vả lại, khác với ngân hàng trung ương các nước văn minh tiên tiến, ngân hàng nhà nước Trung Quốc không có thẩm quyền độc lập mà mọi quyết định đều nằm trong tay của đảng Cộng sản ở trên, cho nên từ nay chính là đảng mới bị sức ép của thị trường. Và sức ép đó có nghĩa là đồng Nguyên sẽ còn sụt giá và điều ấy càng dẫn đến nạn tẩu tán tài sản. Đấy là một cái khó.


Nguyên Lam: Đấy là chuyện ngắn hạn trước mắt, thưa ông, trong dài hạn thì tình hình có khả quan hơn chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong viễn ảnh xa, Trung Quốc sẽ mất 10-15 năm để thanh toán núi nợ rất cao trong khi phải chuyển hướng kinh tế để lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy thay cho đầu tư và xuất khẩu. Tới nay, Bắc Kinh cứ sợ chuyển hướng là phải dồn tiền từ khu vực kinh tế nhà nước qua các hộ gia đình và bị các nhóm lợi ích chống đối; mà không bơm tiền kích thích sản xuất thì thất nghiệp tăng; nên họ chọn giải pháp thứ ba là tiếp tục chất lên một núi nợ sẽ đổ. Đây đó đã có dấu hiệu nguy ngập là doanh nghiệp vỡ nợ, tập đoàn kinh tế nhà nước đi vay thêm chỉ để trả tiền lời chứ chưa thể trả vốn. Bây giờ khi đồng bạc được vào rổ Đặc Trích thì Bắc Kinh phải đẩy mạnh cải cách và chuyển hướng dứt khoát hơn và chấp nhận sự minh bạch thông thoáng, cho nên muốn được cái tiếng thì họ càng phải lao về phía trước và còn bị rủi ro lớn hơn.

Nguyên Lam: Thưa ông nếu vậy thì giấc mơ của Bắc Kinh là đồng Nguyên sẽ cạnh tranh hay thay thế Mỹ kim có là chuyện xa vời không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì Trung Quốc vận động vụ này từ lâu và quyết định của IMF đã được tiết lộ từ Tháng 10, các chuyên gia của Bắc Kinh tự tin đến nỗi bắt đầu soạn thảo thông cáo báo tin vui và còn phát hành một tờ giấy bạc mới để chào mừng biến cố huy hoàng này. Nhưng đấy là chuyện “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” vì có đồng bạc là ngoại tệ dự trữ thì cũng gặp vấn đề chứ không chỉ có lợi.

- Nói về đồng Mỹ kim, sản lượng kinh tế Hoa Kỳ đã vượt sản lượng của Đế quốc Anh từ cuối thế kỷ 19 mà nửa thế kỷ sau, đồng Mỹ kim mới thành ngoại tệ dự trữ số một, sau Thế chiến II. Trung Quốc có sản lượng kinh tế đứng hàng thứ nhì mà thật ra lợi tức bình quân một đầu người vẫn thua xa các nước đang có ngoại tệ trong cái rỏ Quyền Đặc Trích, là Anh, Âu, Mỹ, Nhật. Bắc Kinh sẽ còn qua một cuộc Vạn lý Trường chinh đầy nguy hiểm thì đồng Nguyên mới hy vọng cạnh tranh, chứ chưa nói đến việc truất phế được đồng Mỹ kim.

Nguyên Lam: Thưa ông, dư luận các nước đang phát triển cứ cho rằng các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền Tệ IMF hay Ngân hàng Thế giới là công cụ của các nước Tây phương tiên tiến. Thế thì vì sao lần này IMF lại nhận đồng Nguyên vào rổ Đặc Trích và phía Mỹ lại đồng ý khi mà đầu năm nay, ông Tổng trưởng Ngân khố là Jack Lew còn tỏ vẻ hoài nghi về tính chất tự do và đáng tin của đồng bạc Trung Quốc vì Bắc Kinh vẫn can thiệp vào thị trường ngoại hối? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lý do nhỏ là vì những phê phán đó của phía Hoa Kỳ, Bắc Kinh dốc sức cải sửa từ mùa Hè năm nay để phần nào phù hợp với chuẩn mực của IMF. Đấy là yếu tố tích cực của việc đả kích để khích lệ. Lý do sâu xa hơn có thể là vì IMF nhận ra sức nặng thực tế của các nền kinh tế đang lên, đứng đầu là Trung Quốc, nên muốn họ tham dự nhiều hơn vào cơ chế quyết định. Nhưng lý do tôi cho là quan trọng nhất không phải là sự nhượng bộ của Mỹ, IMF hay các nước Tây phương khi mời Trung Quốc bước lên ngai quý tộc. Họ thực tâm muốn Trung Quốc chuyển hóa thành công để cùng các nước tiên tiến xây dựng một nền tảng kinh tế ổn định và thịnh vượng hơn cho cả thế giới. Khốn nỗi, lãnh đạo Bắc Kinh lại có sự khôn ngoan và tham vọng của kẻ tân tòng, đã đi sau mà lại muốn nhảy tắt qua đầu thiên hạ để làm bá chủ. Rốt cuộc, có khi là đồng tiền vào rổ rồi họ mới thấy là mình bị vào rọ!

Nguyên Lam: Chúng tôi xin cảm tạ ông Nghĩa về lối phân tích với kết luận thiệt là thú vị này!


4 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa !
    Trong bài viết bác có nhắc tới việc khi đồng Nhân dân tệ được IMF chấp nhận là một trong 5 đồng tiền dự trữ của thế giới thì Bắc Kinh buộc phải cải cách thể chế kinh tế, tài chính để phù hợp với tiêu chuẩn về tự do tài chính của IMF.Rồi đến chuyện kinh tế vĩ mô thì bác có nhắc đến việc lãnh đạo Bắc Kinh buộc phải " chuyển hướng cải cách " nền kinh tế .......

    Trong mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng có khẳng định là khi cơ sở hạ tầng thay đổi thì kiến trúc thượng tầng cũng phải thay đổi theo để phù hợp với cơ sở hạ tầng.

    Vây thì theo bác trong tương lai gần thì kiến trúc thượng tầng của Trung Quốc có thể thay đổi theo chiều hướng tự do, dân chủ về kinh tế, chính trị không ạ ?

    Cháu cảm ơn bác !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hãy đón xem Hùng Tâm tuần này và loạt bài trên báo Xuân tháng tới nói gì về chuyện ấy!

      Xóa
  2. Sarkozy đã đề nghị TQ cải tổ để đưa yuan vào SDR nhưng đã được đáp lại bằng thái độ dè dặt của Bắc Kinh. Khi đó quyền "kết hối" của họ lớn hơn quyền "đặc trích".

    Nay, vẫn chiến lược bán hàng rẻ ra thế giới, TQ muốn đưa yuan vào rổ tiền tệ giao dịch quốc tế với mong muốn giảm chi phí giao dịch.

    Trước mắt là cái "neo" đô la được gỡ bỏ và sức nặng tiêu thụ nội địa của xứ Tàu không đủ giữ. Khi đó, đồng yuan là cái mỏ để giới tài chính quốc tế kiếm bộn, trong đó có cả giới tài phiệt TQ.

    Dân Tàu đi về đâu hay là lại bon chen trong cái thị trường chứng khoán SHITCOM của họ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Như mọi khi, Cụ Lý chẳng toét tí nào! Chúc vui và an lành.

      Xóa