Thứ Ba, tháng 12 08, 2015

Mục Hạ Vô Nhân



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tuần báo Sống 151208
"Vùng Oanh Kích Tự Do"


Nỗi cô đơn chết người


 * Người Hát Xẩm - tranh mộc bản *



Một trong nhiều nghịch lý của vụ khủng bố Hồi giáo tại San Bernardino là chính người vợ, ả Tashfeen Malik, mới thuyết phục người chồng là Syed Farook xuống địa ngục sau khi tàn sát 14 thường dân vô tội.

Nghịch lý một: một đặc tính của Hồi giáo quá khích là kỳ thị phụ nữ. Nơi nào chế độ Hồi giáo thần quyền lên lãnh đạo, thân phận phụ nữ bị chà đạp. Vậy mà một phụ nữ Hồi giáo sinh tại Pakistan lại lãnh đạo ông chồng! Nghịch lý hai là hiện tượng ấy xảy ra khi phong trào tranh đấu cho nữ quyền phát triển mạnh trên thế giới. Thế thì trong thế giới văn minh ấy, vì sao nhiều nước Hồi giáo không có mặt? Nghịch lý ba là các diễn viên khét tiếng của tấn tuồng nữ quyền tại Hoa Kỳ lại… mắc bệnh câm trước số phận của phụ nữ Hồi giáo. Nếu muốn giết thì giờ, hãy coi The View trên truyền hình thì biết.

Với họ, nữ quyền là quyền phá thai, đổi giới tính hoặc quyền phản chiến, và châm biếm những bà coi trọng việc chăm sóc chồng con trong nhà là lạc hậu. Chứ thân phận nữ giới tại nhiều nước Hồi giáo không là mối quan tâm! Một lũ điên mà tưởng là sáng.

Gõ đến đây, người viết này bỗng nhớ… Nguyễn Khuyến.


***

Người ta cứ dạy rằng trong các xã hội văn minh, khi lên lầu thì phụ nữ đi trước đàn ông. Lỡ té thì còn có người đỡ. Xuống thang thì ngược lại, các ông xuống trước, nhưng cũng vì cùng lý do, kẻ dưới đỡ người trên. Phường tục tử thì giải thích rằng ở dưới nhìn lên thì mới thấy hết nội tình, nhưng lời giải không ổn vì khi bước xuống mà còn ngoái lại để ngắm nội tình thì có khi lại giống con cò. Lộn cổ.

Cũng theo phép xử thế nam nữ thì trong xã hội trọng nam khinh nữ - dù không kỳ thị và ngược đãi đàn bà - phụ nữ thường khép nép đi sau chồng vài bước. Đấy là người biết lễ giáo cổ hủ.

Cổ hủ vì chỉ có đào mới “sánh vai nhịp bước” bên chàng mà thôi. Đây là cảnh ngộ Phạm Duy bắt gặp vào năm 1946. Sánh vai nhịp bước bên nhau trong bài Tình Kỹ Nữ: 

Đêm nay, đôi người khách giang hồ
Gặp nhau tình trăng nước
Sánh vai nhịp bước giang hồ
Kề vai, ước xây nhà bên suối
Kề môi, ước xây vài đường tơ…

Sau đấy, thế giới văn minh đã đổi khác. Thê thiếp đào địch gì thì vẫn hiên ngang sánh bước bên nhau. Ngoại lệ là trong thế giới Hồi giáo điêu linh.

Nơi đó, dù có bị bịt kín mặt và khắp châu thân, phụ nữ vẫn thường đi trước khá xa. Vì nếu mặt đường có bị đặt bom thì nàng sẽ là xác pháo báo động. Phụ nữ hết là đào mà thành địch! 


***


Khách có kẻ còn choáng váng hơi men từ hôm trước, sau khi nhìn chiều vàng rơi từ Pomona xuống mặt biển miền Tây, mà vẫn cố giữ kiên nhẫn như một võ sĩ đạo Nhật – nhờ bữa nhậu trong một quán thanh lịch của dân Phù Tang. Khi đọc đến đây thì chàng hết kiên nhẫn mà… mắc bẫy người viết:

“Nhà bác gõ rằng bỗng nhớ Nguyễn Khuyến, sao cứ miên man lạc đề như vậy?”

Lạc đề là nghề của chàng. Cái nền văn minh này vui đáo để! Nó cho ta cơ hội đọc free mà cũng cho ta quyền mắng mỏ như mọi dư luận viên đáng kính của cõi đời ô trọc. Bèn để khách ngồi chơi, ta gõ tiếp. Rất thỏa. 

Chả biết cụ Tam nguyên Yên Đổ có bao nhiêu thành công lực về võ công đào địch mà phang một câu đối làm kẻ ưa nói lái cứ ngất ngây. Già trên sáu chục chưa đeo kính, Thức suốt năm canh chỉ sợ gà. Thời nay con cháu của cụ đã có thể bắt cho cụ một cái job thơm. Đội khăn đi quảng cáo Viagra. Đêm bẩy ngày ba vào ra không kể.

Khách chưa chịu thua. Vẫn xoa đầu giậm chân sát sạt: “Nhà bác dùng phép phục bút để rình em ở đầu ngõ. Chuyện khủng bố Hồi giáo nó ăn nhậu gì đến cụ Tam Nguyên nào?”

Đã bảo là hãy điềm điềm cho tớ gõ!

Vài thế hệ về trước may ra còn được nghe hay biết hát xẩm là gì. Xẩm là người mù đi hát dạo kiếm tiền. Đấy cũng là cách nữ trước nam sau. Trong các bài hát xẩm còn rơi rớt lại trong trí nhớ lõm bõm của chúng ta, có bài Mục Hạ Vô Nhân, tương truyền là của cụ Nguyễn Khuyến. 

Dưới mắt ta thật chẳng có ai! Đầu đuôi thế này:

Chúng anh đây mục hạ vô nhân
Nghe em nhan sắc lòng xuân anh mấy rạt rào
Dù em mặt phấn má đào
Mặt phấn má đào, dù em mặt phấn má đào
Dửng dừng dưng cũng chẳng trông vào mà làm chi

Em lấy anh cho đi trước làm vì
Đi trước làm vì em lấy anh cho đi trước làm vì
Tay thì gác chiếu tay thì quàng vai
Vén tay sờ chốn em ngồi
Sờ chốn em ngồi, vén tay sờ chốn em ngồi
Em thì chẳng thấy, anh thời thở than
Bâng khuâng như mất lạng vàng….

Chàng hát xẩm mù phải có người đẹp đi trước dẫn đường. Đẹp hay không là tùy trí tưởng tượng của người mù, càng mù càng hay tưởng tượng, dù cứ ra vẻ dửng dừng dưng. Dửng dưng làm sao khi chàng cứ vén tay sờ chốn em ngồi?

Sờ chốn em ngồi?

Đấy là cái chiếu, cái phản - hay cái gì của em, cao cao hơn một chút? Hèn gì, thiếu em là bâng khuâng như mất lạng vàng. Ta bèn gọi cái đó của em là lạng vàng của gã xẩm xoang - và thầm phục nét tinh quái của Nguyễn Khuyến.

Bấy giờ khách mới đốn ngộ!

“Nhờ cụ Tam Nguyên và bài Mục Hạ Vô Nhân, nhà em mới thấy tên khủng bố đực Syed Farook là thằng mù. Con cái Malik đi trước mới là kẻ sáng, nó dẫn vào hỏa ngục.”

Nhưng, giác ngộ rồi, khách vẫn gặng hỏi: “Thế thì vì sao gia đình và lối xóm lại không biết? Mù là cái bệnh hay lây?”

Chỉ vì chúng ta sống trong một thế giới thiếu tình, tình tính tang gì của nhà bên là chuyện nhà bên. Bên trên thì không còn Thượng Đế. Và giáo dục là giáo nhau chữ dục cho vui. Sau đó, vui quá hay sợ quá thì đều rú lên O My God.

Gõ đến đây thì người viết bỗng mênh mang nỗi nhớ.

Trong thế giới này, con người là lũ cô đơn gào thét không tiếng động. Trên cảng xe đã dán đầy thông điệp bumper stickers, gặp chuyện gì cũng ký tuyên ngôn và bật máy lên là chu du tứ xứ để biết về vạn sự. Mà chẳng biết lòng nhau. Đấy là khi quỷ dữ lách vào, rỏ lời đường mật và dạy nhau mọi cách giết người.

Chẳng là mục hạ vô nhân sao?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét