Thứ Ba, tháng 7 14, 2015

Khi Bác Tập Mở Ngân Hàng

Vũ Linh - Việt Báo Ngày 150714

 
…nếu họ nghĩ bác Tập là ông già Noel thì sẽ có ngày trắng mắt, mất cả chì lẫn chài....
 
 
 * Thế lực mềm - và to - của Bác Tập *

 
Trong thế giới kinh tế tài chánh, tin sốt dẻo mới nhất là Chủ Tịch Tập Cận Bình đang tung ra một ngân hàng thế giới mới, cạnh tranh với Ngân Hàng Thế Giới hiện hữu. Thiên hạ bàn tán, đủ loại giả thuyết về lý do, đủ loại kịch bản về hậu quả. Trong tinh thần “trăm hoa đua nở”, kẻ viết này cũng xin góp ý.

Đại khái là TC đang mở ra một ngân hàng mới lấy tên là Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu, Asian Infrastructure Investment Bank, viết tắt là AIIB. Chưa hoạt động, chỉ mới là chính thức ra đời tháng 10 năm 2014, còn đang gọi vốn và yêu cầu đóng góp ý kiến để xây dựng tổ chức và luật lệ.

TC đóng vai đầu tàu, bỏ ra 30 tỷ đô, và cỡ chừng gần 60 quốc gia khác hứa hẹn đóng góp thêm 70 tỷ, tổng cộng vốn tiên khởi là 100 tỷ đô. Cho tới nay, hầu hết các quốc gia Á Châu và Âu Châu đã tham gia, kể cả các đồng minh lớn của Mỹ như Anh, Pháp, Đức, Úc, và Hàn Quốc.

Có hai đại cường kinh tế vắng mặt là Mỹ và Nhật. Lý do dễ hiểu, AIIB sẽ cạnh tranh trực tiếp với Ngân Hàng Thế Giới (NHTG) do Mỹ kiểm soát, và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (NHPTAC) do Nhật cầm cương với Mỹ chống lưng.

Nhiều người đã mau mắn nhìn vào AIIB như là vũ khí mới của TC để đánh Mỹ và tiên đoán sẽ có đại chiến Mỹ-TC. Nhiều ông coi đây là bằng chứng “Đế quốc Mỹ” hết thời. Nhiều ông Á Châu lo ngại hiểm hoạ Hán Đế Đỏ đã đến trước cửa nhà, lo cho con học tiếng Tàu. Người lạc quan kỳ vọng đây là chià khoá cho phát triển toàn vùng Á Châu. Nhưng cũng có nhiều người coi AIIB như tuồng hát cho thế giới nhộn nhịp hơn, để rồi trước sau gì thì tuồng hát cũng kéo màn chấm dứt, tan hàng.

Ta thử bình tâm nhìn kỹ lại câu chuyện.

Trước tiên, phải nói ngay AIIB là chuyện phải đến với Chủ Tịch mới của TC, Tập Cận Bình, không có gì đáng ngạc nhiên lắm. Ông này có tham vọng vĩ đại vừa củng cố địa vị cá nhân lên vai độc tài tuyệt đối ngang hàng với Mao, vừa muốn “bành trướng” thế lực Tàu đỏ ra thế giới, càng xa càng tốt.

Chiến lược bành trướng ảnh hưởng và thế lực của họ Tập dựa trên thế gọng kìm, một mặt dựa trên địa chính trị là “Con Đường Tơ Luạ” mới, và một mặt dựa trên kinh tế qua AIIB.

Con Đường Tơ Lụa khá phức tạp, ngoài những yếu tố được công khai cho là chủ yếu, tức là mậu dịch và dầu hỏa, còn yếu tố chủ yếu kín đáo là phát huy ảnh hưởng chính trị của tân Thiên Triều. Con Đường Tơ Lụa Mới này thật sự gồm có hai con đường, đường bộ qua miền Tây Trung Quốc qua ngã Tân Cương đến Iran và các quốc gia vùng nam Liên Xô cũ, qua tới Thổ Nhĩ Kỳ, cửa ngỏ vào Âu Châu; và con đường biển từ Biển Đông qua nam Ấn Độ, vào vùng Vịnh Trung Đông, và qua tới Kenya và Tanzania, cửa ngỏ vào Phi Châu.

Cái “lưỡi bò” Biển Đông một phần cũng nằm trong chiến lược này. TC muốn bảo đảm kiểm soát trọn vẹn Biển Đông, là điểm xuất phát của Con Đường Tơ Lụa qua đường biển.

Chuyện Con Đường Tơ Lụa là một đề tài khác nằm ngoài phạm vi bài viết này. Muốn biết thêm, quý độc giả có thể tìm bài của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghiã. Ở đây, ta chỉ bàn về AIIB.

Trên căn bản, AIIB là một tổ chức dường như thu hút một lô những anh “đồng sàng dị mộng”, mỗi anh tham gia vì một lý do khác, với ý đồ riêng rẽ. Nói chung thì có ba lý do chính để nhẩy vào cái giường này: lý do thành lập AIIB của bác Tập, lý do tham gia của các tiểu quốc Á Châu, và lý do đóng góp của các cường quốc Âu Châu.

Chủ ý của anh chủ chốt là bác Tập thì quá hiển nhiên. TC muốn bành trướng thế lực kinh tế, mà nhiều người gọi là “thế lực mềm”, soft power. AIIB chỉ là phương cách xác nhận sức mạnh kinh tế của TC, của Nhân Dân Tệ, cũng như phát huy thế lực của TC. Nếu lỡ có đụng chạm đến Mỹ hay Nhật hay bất cứ nước nào khác thì cũng chỉ là chuyện… trên con lộ đã có vài chiếc xe chạy, bây giờ TC cũng muốn có xe của mình chạy cùng thôi, không có chủ ý mang xe ra đụng với các xe khác.

Thế giới ngày nay “văn minh tiến bộ”, không còn dựa trên sức mạnh quân sự, mang lính đi chiếm xứ người, mà chủ yếu là bành trướng thế lực kinh tế và tài chánh.

Tại sao các quốc gia Á Châu nhẩy vào tham gia? Các chính khách Á Châu không ai tham gia vào AIIB để làm đồng minh với TC chống Mỹ. Cũng chẳng ai ngây thơ đến độ không nhìn thấy mộng Hán Đế của họ Tập, nhưng họ chấp nhận cái rủi ro bị TC khống trị vì nhu cầu thực tế.

Tại các nước rồng con, cọp con, cũng như tại các nước vẫn còn trong tình trạng ôm mộng làm rồng cọp, nhu cầu tài trợ các dự án hạ tầng cơ sở có thật, và rất lớn. Nhiều tài liệu công bố cho thấy nhu cầu xây dựng hạ tầng của các nước Á Châu đang phát triển mạnh có thể lên tới 800 tỷ đô một năm, trong khi NHTG chỉ chi nổi mỗi năm có chừng 50 tỷ. NHPTAC thì còn ít hơn nữa, chưa tới một phần ba con số của NHTG. AIIB có ra đời cũng chỉ đóng góp được một phần rất nhỏ cho cái nhu cầu vĩ đại này.

Ở đây, bác Tập đã thấy rõ cơ hội làm một công hai chuyện: vừa đáp ứng một nhu cầu thực tế của Á Châu, vừa phát huy ảnh hưởng của TC.

Chẳng những chi chưa đủ mà NHTG lại còn là một ông chủ đầu tư và chủ nợ cực kỳ khó chịu. Mỹ là nước chi tiền cho NHTG nhiều nhất, là tổ chức mà Chủ Tịch thường là người Mỹ do tổng thống Mỹ đề cử rồi các nước hội viên “bầu bán” cho có lệ, và hàng loạt viên chức cao cấp điều hành là người Mỹ luôn. Chủ tịch NHTG hiện nay là một giáo sư đại học người Mỹ gốc Hàn Quốc, Jim Yong Kim, do TT Obama đề cử. Điều mà ít người biết vì truyền thông im hơi lặng tiếng, đây là một tổ chức quốc tế mang danh là độc lập, nhưng thực tế, đã biến thành một công cụ của Mỹ. Các quốc gia muốn được NHTG yểm trợ hay cho vay đều phải chịu điều kiện của NHTG, tức là chịu điều kiện của Mỹ, tức là gián tiếp thi hành sách lược chính trị hay kinh tế hay tài chính của Mỹ, theo ưu tiên của Mỹ. Đã có nhiều tác giả thiên tả chỉ trích vấn đề này, tố cáo Mỹ là một “đế quốc”, và NHTG chỉ là công cụ của việc “toàn cầu hoá” –globalization- nằm trong chính sách của Mỹ.

Trong quá trình hoạt động của NHTG, việc vay mượn đều hoàn toàn đi theo chính sách và ưu tiên của Mỹ. Có lúc thì là vấn đề kinh tế thị trường, có lần thì là chuyện nhân quyền, có khi thì là chuyện dân chủ, bầu cử, hay có khi là chuyện phát huy nữ quyền. Có nghiã là muốn được NHTG cho vay thì phải chấp nhận kinh tế thị trường, tư nhân hóa các công ty quốc doanh, giảm thiểu kế hoạch Nhà Nước, chấm dứt việc ấn định hối xuất của đồng tiền địa phương và mở cửa cho đô-la vào; hay phải tôn trọng nhân quyền, không bắt bớ thiên hạ bỏ tù khơi khơi; hoặc phải tổ chức tự do bầu cử theo kiểu Mỹ; hoặc phải có chính sách nâng đỡ phụ nữ, tạo công bằng quyền lợi nam nữ.

Xu hướng bây giờ đã chuyển qua những ưu tiên mới, do Nhà Nước Obama ấn định: chống hâm nóng địa cầu và phát huy kinh tế sạch, không ô nhiễm. Hiện nay, tất cả các dự án muốn được NHTG tài trợ thì bắt buộc phải có những chỉ tiêu rõ ràng hướng về những mục tiêu thời thượng đó. Mai này, nếu NHTG đòi hỏi phải công nhận hôn nhân đồng tính là điều kiện cho vay mượn thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Người ta có thể viện dẫn những điều kiện này chẳng những không dính líu gì đến chuyện kinh tế, tài chánh, mà cũng chẳng đáp ứng ưu tư các nước chậm tiến hoặc đang phát triển. Nhưng đó không phải là cách nhìn của NHTG. Theo cách “chuyên gia” của NHTG diễn giải thì tất cả những ưu tiên của họ nhằm mục đích tạo nên một nền tảng ổn định, lành mạnh, và thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế. Không có nhân quyền, tự do cạnh tranh, dân chủ,... thì sẽ có bất ổn chính trị, đưa đến thất bại của các dự án kinh tế và NHTG mất tiền, nên không thể cho vay.

Cái khổ là tại hầu hết các nước nghèo cần tiền này, những chuyện nhân quyền, nữ quyền, tự do, dân chủ, ô nhiễm, hâm nóng điạ cầu, v.v... được coi như là những ưu tư của mấy ông nhà giàu thừa giấy vẽ voi. Dân các xứ chậm tiến kiếm miếng cháo cho no bụng là đã toát mồ hôi, rảnh đâu mà lo chuyện bảo vệ môi sinh. Hơn nữa, phần lớn các nước chậm tiến đều có những ông lãnh tụ có khuynh hướng độc tài, viện cớ dân trí thấp, mà NHTG lại cứ nằng nặc đòi tự do bầu cử nghe thật khó chịu.

Bây giờ có bác Tập nhẩy ra, sẵn sàng cho vay không thắc mắc gì về những chuyện lẩm cẩm của NHTG thì quả là khỏi phải mang gông vào cổ. Không tham gia mới là dại. Tất cả các quốc gia Á Châu, nhất là mấy ông độc tài Việt Nam, Miến Điện, Căm Pu Chia, và các nước vùng Nam Liên Xô cũ như Kirghizistan, Tadjikistan, Turkmenistan, Kazakhstan đều thấy đúng là cơ hội ngàn vàng. Nhất là mấy cái xứ “xì-tăng” này đều nằm trên lộ trình của Con Đường Tơ Lụa, chắc chắn sẽ được bác Tập ưu đãi tối đa. Không phải lo mấy bà chính khách ngây ngô của Mỹ như Cố vấn An Ninh Quốc Gia Susan Rice, hay đại sứ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power, tối ngày chỉ biết hạch sách nhân quyền với hâm nóng địa cầu.

Về phiá các cường quốc Âu Châu, tất cả đều nhìn thấy Á Châu mới là tương lai của nhân loại. Phi Châu là đất rừng rú và sa mạc, ít triển vọng; Âu Châu, từ Tây Âu cũ xì đến cả Đông Âu mới được giải phóng khỏi búa liềm, là vùng đất cằn cỗi, hết sinh lực, giống như rượu vang Âu Châu bắt đầu chua hơn vang Mỹ; Nam Mỹ là sân sau của Bác Sam. Còn Bác Sam thì càng ngày càng... lẩn trốn, lãnh đạo từ sau lưng thiên hạ. Chỉ còn Á Châu. Một thế kỷ nữa, hai đại cường thống trị cả thế giới sẽ là Tàu và Ấn Độ. Tất cả các nước Á Châu tay chân, râu ria đều sẽ hưởng ké. Với AIIB, bây giờ là lúc nhẩy vào giữ chỗ trong bàn tiệc.

Mấy ông thiên tả chống Mỹ bẩm sinh nhẩy nhổm lên khai thác chuyện các đồng minh Âu Châu, nhất là Anh đã “trở mặt” với Mỹ khi tham gia một cách tích cực vào AIIB, tích cực đến độ tình nguyện làm thành viên sáng lập. Họ hoan nghênh sự ra đời của AIIB như là một phương thức kềm hãm sự tác oai tác quái của Mỹ qua NHTG.

Vấn đề ở đây chưa chắc đã giản dị như vậy. Ngoài chuyện nhẩy vào giữ chỗ trong bàn tiệc lớn, ai biết được các nước đồng minh này cũng có ý định nhẩy vào để có thể giữ được tư thế kiểm soát phần nào, hay ít nhất là kềm chế được phần nào sự bành trướng quá mau, quá mạnh của TC? Ngoài chuyện có phần ăn, cũng còn có dịp có tiếng nói, nhất là với thế thành viên sáng lập. Chứ chẳng lẽ cả khối Âu Châu khoanh tay đứng ngoài nhìn TC dành dân lấn đất, thống trị cả Á Châu sao? Có phải đây là cách thực tế nhất trên phương diện chiến lược quy mô để kềm chế Tầu, có lợi cho Mỹ không?

Đó là nhìn vào nguyên do đưa đẩy đến sự ra đời của AIIB. Tương lai lâu dài sẽ đi đến đâu?

Thực tế mà nói, AIIB còn lâu lắm, rất lâu, mới có thể leo lên cái thế có thể cạnh tranh với NHTG. Cái xe Dong Feng của bác Tập ít hy vọng cạnh tranh với Cadillac của bác Sam. Cùng lắm là AIIB có thể đóng vai trò hỗ trợ, tiếp sức cho NHTG để đáp ứng một nhu cầu thực tiễn của Á Châu thôi. AIIB sẽ gặp rất nhiều chông gai.

Thứ nhất là tình trạng “đồng sàng dị mộng” sẽ khó giúp AIIB mau chóng phát triển và lớn mạnh. Thứ nhì, vừa trên khiá cạnh phương tiện tài chánh, vừa trên khiá cạnh khả năng kỹ thuật, đặc biệt là khả năng thẩm định và quản trị dự án lớn, AIIB không phải là đối thủ của NHTG. Thứ ba, ông chủ xị không được khỏe lắm. Lý do thứ ba này rất đáng lưu ý.

TC đang lớn mạnh rất nhanh, mọi người đều thấy rõ. Thân hình lớn mạnh, vạm vỡ, nhưng đứng trên hai chân bị... polio. TC phát triển quá nhanh. Tạo ra bất quân bình trầm trọng dưới hai khiá cạnh:

- Bất quân bình về trình độ phát triển giữa các vùng ven biển và các vùng sâu hơn trong đất liền. Từ biển nhìn vào những Thẩm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh thì ai cũng phải nể phục. Nhưng chỉ cần đi sâu vào vài trăm dặm thì nước Tàu của Lưu Bị hiện ra ngay. Con Đường Tơ Lụa có thể giúp nâng cấp các vùng lạc hậu nội điạ nhưng cũng chỉ có hiệu quả rất giới hạn.

- Bất quân bình về lợi tức ngay trong những vùng phát triển nhất. Cách biệt giàu nghèo thể hiện qua cảnh anh ăn xin đứng ngắm xe Rolls Royce là chuyện bình thường của Thượng Hải.

Con rồng khổng lồ này dường như chỉ là... rồng giấy, bốc cháy lúc nào không ai biết. Không cần nhìn đâu xa, TC đang trải qua một cơn khủng hoảng tài chánh vĩ đại. Từ cuối tháng 5 đến nay, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã rớt 31%, tương đương với Dow Jones mất gần 6.000 điểm. Hàng trăm công ty đã phải ngưng trao đổi cổ phiếu để giữ giá. Đại khái, thị trường Thượng Hải đã mất hơn 3.000 tỷ đô, tương đương với toàn thể thị trường chứng khoán của cả nước Pháp.

Với thị trường chứng khoán rớt như diều đứt giây, các đại gia đỏ và cả trăm triệu dân sở hữu cổ phiếu sẽ xét lại việc hậu thuẫn họ Tập. Ta đừng quên ở TC, chính quyền kiểm soát chặt chẽ tất cả mọi chuyện, do đó thị trường tài chánh hay kinh tế xập tiệm, lỗi của chính quyền rất lớn. Khác xa với tình trạng của Mỹ là nơi mà quyền hành kinh tế tài chánh của tổng thống giới hạn hơn nhiều.

Đó là chưa nói đến tệ nạn tham nhũng ăn sâu vào cả chế độ. Với cái nạn tham nhũng ngấm sâu trong xương trong máu của các công chức Tầu, khó ai có thể mường tượng được cách làm việc của các công chức Tàu trong AIIB sẽ minh bạch và trong sạch. Có nhiều triển vọng những trò bùa phép tiền bạc của FIFA sẽ mau chóng lan qua AIIB thôi. Ảnh hưởng chính trị của TC bành trướng hay không thì không biết, chỉ biết tham nhũng Tàu sẽ mang tầm vóc quốc tế.

Cũng chưa kể việc bác Tập vẫn còn đang bận rộn củng cố cái ghế của mình và phe cánh. Cuộc chiến chống Chu Vĩnh Khang tuy đánh dấu một cao điểm, nhưng chưa phải là màn kết thúc. Đánh hổ chưa xong vì còn con hổ lớn nhất là Giang Trạch Dân vẫn chưa đụng tới được. Đập ruồi cũng còn lâu lắm mới xong vì xứ Tầu có cả triệu ruồi lớn ruồi bé.

Về phiá các nước Âu Châu, cái nguy hiểm cho họ là ngủ chung giường dễ lây bệnh. Nếu chẳng may sau này TC gặp khón khăn lớn, có nhiều triển vọng Âu Châu sẽ lại lâm vào cảnh tương tự như ngủ cùng giường với Hy Lạp hiện nay, sẽ phải è cổ ra gồng gánh bệnh phù thủng của bác Tập.

Các quốc gia nhược tiểu tham gia vào AIIB có thể sẽ tránh được mấy cái gông cùm vớ vẩn của Mỹ, nhưng nếu họ nghĩ bác Tập là ông già Noel thì sẽ có ngày trắng mắt, mất cả chì lẫn chài.

Người ta có thể tiên liệu TC trong những bước đầu sẽ cố gắng chứng minh mình là mạnh thường quân thứ thiệt, sẽ đầy thiện chí giúp đỡ hầu như vô điều kiện “vì quyền lợi chung”. Nghe rất thoải mái so với những hạch sách của NHTG. Nhưng có nhiều triển vọng một khi cá đã mắc câu vào cổ họng thì sẽ phải ngoan ngoãn nằm trên thớt thôi. Nếu chẳng may mấy xứ mắc nợ AIIB gặp khó khăn, dự án thất bại, không trả nợ nổi, có thể vì quản lý kém, kế hoạch dở hay ngay cả vì AIIB thẩm định sai, TC khi đó bảo đảm sẽ khai thác thị trường, khai thác tài nguyên rất tận tụy. Đó sẽ là cách TC đòi nợ. Bác Tập rất thông minh, đã học được cách dùng đồng tiền làm vũ khí chiến lược thay cho súng đạn, đúng sách vở Mỹ, chuyên gia tư vấn tài chánh thay cho thủy quân lục chiến. 
 
Đại Đế họ Tập là người có dã tâm, không phải là ông già Noel đi phát quà miễn phí.

Nếu muốn có một bằng chứng rõ ràng và cụ thể thì ta chỉ cần nhìn vào người anh em đồng minh môi hở răng lạnh, 16 chữ vàng của bác Mao, thì sẽ thấy ngay. Ngày trước bác Mao tận tụy giúp đỡ đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào. Bây giờ thì bác Tập ép người anh em, đòi Bản Giốc, bauxite, Vũng Áng, Trường Sa, Hoàng Sa,... Coi như là quà cám ơn.

Hy vọng là những nhận định này chỉ là bi quan quá mức, và AIIB sẽ là phương tiện thực sự giúp cho sự phát triển của VN cũng như của toàn thể Á Châu. Viết câu này, kẻ viết này mường tượng mình đang... mộng du.

______________

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

3 nhận xét:

  1. Ôi hay quá, có thêm tác giả Vũ Linh Dainamax sẽ như hòn núi cao. Chúng em mới nhắc đến người ngày hôm trước đấy. Xin cảm ơn.
    Còn nhớ trong một bài ngày trước Thầy Nghiã than thở sao Tạo Hoá lại "chia bài không đều". Có lẽ động lòng sao, Ngài suy nghĩ, cái "sòng bài" duy nhất với quá nhiều tay chơi. Hay là ta mở thêm một sòng khác? Sòng nào thì cũng ở trong cái "casino" cuả mình mà... Bác Tập tưởng bở đấy, nên trách... Thầy Nghĩa mới đúng
    :-)

    Trả lờiXóa
  2. AIIB sẽ đầu tư vào các công trình kiểu Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội. Khả năng giá quyết toán bằng 2.5 lần giá dự toán.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh16/7/15 9:30 CH

    Dear Thầy Lý,
    Có vẻ như "hết thuốc chưã" cho cái thể chế ấy rồi nhỉ?
    Còn thấy gì nơi ngay từ bé các thiếu nhi Tiền Phong đã được dạy về chương trình Chống diễn biến hoà bình, khi lớn lên thì hoàn tất nó bằng luận án cử nhân và thạc sĩ?
    Chắc gì TPP sẽ "cải hoá" được đôi phần, hay lại bị lợi dụng để cho TQ trục lợi qua ngả đường quota cuả Việt Nam?

    Trả lờiXóa