Thứ Ba, tháng 7 21, 2015

Ôm Lấy Ba Tư



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150720
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Lập trường ba vạ của nước Mỹ    

Dũng cảm có thừa!



















Sau nhiều năm đàm phán với Hoa Kỳ, Liên bang Nga và Trung Quốc cùng ba nước Âu Châu là Anh, Pháp Đức (nhóm E-3) và Liên hiệp Âu châu, Cộng hòa Hồi giáo Iran của sắc tộc Ba Tư đã đạt thỏa thuận về Kế hoạch Hạch tâm vào ngày 14 Tháng Bảy vừa qua. Tập thể rắc rối trên có năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (Mỹ, Anh, Tầu, Pháp, Nga) là nhóm P-5, nhưng Hoa Kỳ giữ vị trí chủ chốt và cũng là quốc gia đã sớm có biện pháp phong tỏa kinh tế Iran, từng phần vào năm 1996, và toàn phần vào năm 2012, căn cứ trên nghị quyết cấm vận kinh tế của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Lý do trừng phạt là vì Iran có kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm (nuclear, tàn phá hơn võ khí nguyên tử, atomic).

Thỏa thuận giữa Iran và liệt cường vào ngày 14 tại Vienna có nội dung chủ yếu là đẩy lui kỳ hạn chế tạo võ khí hạch tâm của Iran từ năm đến tám tháng. Đổi lại thì Iran được giải tỏa lệnh cấm vận và ra khỏi những khó khăn kinh tế tích lũy từ nhiều năm qua.

Về thủ tục thì thỏa thuận về hạch tâm chỉ có giá trị pháp lý của một hiệp ước sau khi các cơ chế trong cuộc tiến hành việc phê chuẩn. Hôm Thứ Hai 20 Tháng Bảy, Liên hiệp Âu châu đã phê chuẩn văn kiện dài 14 trang này. Sau đó, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cũng ra một nghị quyết được tất cả 15 thành viên ủng hộ để thu hồi nghị quyết cấm vận năm 2012. Do quyết định của Hội đồng Bảo an, ngày 20 được gọi là “ngày chấp thuận”, khởi điểm của tiến trình bãi bỏ cấm vận, chỉ trở thành thực tế sau ba tháng là khi Nguyên tử lực cuộc của Liên hiệp quốc (International Atomic Energy Agency) xác nhận việc Iran từng bước tôn trọng những cam kết trong thỏa ước tại Vienna.

Vì Hoa Kỳ giữ vai chủ chốt và Chính quyền Barack Obama muốn giải vây Iran, tiến trình phê chuẩn tại Hoa Kỳ mới đáng chú ý.

Sau thỏa ước tạm tại Vienna ngày 14, Quốc hội Mỹ có 60 ngày cứu xét và phê chuẩn và có thể bác bỏ. Nhưng sự bác khước của Lập pháp sẽ bị Hành pháp phủ quyết như ông Obama đã nói trước, và chỉ có giá trị nếu được Quốc hội bỏ phiếu lại với siêu đa số là hai phần ba. Vì hoàn cảnh và thể thức ấy, Tổng thống Mỹ đang vận động dư luận. Và phe chống đối, gồm có nhiều dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa lẫn Dân Chủ và các trung tâm hướng dẫn dư luận, đã mở cuộc phản công và giải thích mối nguy của việc giải vây Iran. 

Nói vắn tắt thì chúng ta sẽ qua nhiều tháng tranh luận trước khi Iran thoát vòng phong tỏa kinh tế và cả biện pháp cấm vận võ khí quy ước do Liên bang Nga và Hoa Kỳ đã lặng lẽ cài vào thỏa ước. Hàng ngày, sau mỗi quyết định liên quan đến Iran, tin tức và bình luận dồn dập như màn khói hay nhiễu âm khiến người ta khó nhận định thực tế ở bên dưới. 

Bài này cố nhìn ra thực tế đó.


***


Iran không che giấu tham vọng trở thành một cường quốc cấp vùng tại Vịnh Ba Tư ở Trung Đông.

Thực tế thì các giáo chủ theo hệ phái Shia tại Tehran đã bành trướng ảnh hưởng qua các lực lượng võ trang áp dụng phương pháp khủng bố như Hezbollah tại Lebanon hay Hamas tại đất Palestine do Israel kiểm soát, và qua việc bênh vực chế độ Bashar al-Assad tại Syria. Kế hoạch hạch tâm chỉ là một phần của tham vọng đó.

Nhưng cũng do tham vọng hạch tâm, là làm bom và cải thiện khả năng tấn công với các hỏa tiễn có tầm bắn xa hơn, Iran bị phong tỏa và thiệt hại nặng về kinh tế.

Sau nhiều thập niên phá vỡ ảnh hưởng của Tây phương trong khu vực năng lượng, Iran bị tụt hậu về kỹ thuật dầu khí và mong là nhờ thỏa ước mà sẽ tìm lại vị trí hùng mạnh của một quốc gia xuất cảng dầu khí. Trong hiện tại, Iran có thể bán dầu mà phải nhập xăng và vẫn là một xứ nghèo. Chế độ thần quyền, cai trị bằng giáo luật qua các cơ chế chính trị có màu sắc tôn giáo và thực quyền về an ninh, quân sự và kinh doanh, khiến kinh tế Iran lụn bại.

Lãnh tụ tối cao là Giáo chủ Ali Khamenei và lực lượng trấn quốc là Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (Islamic Revolutionay Corps.) tạm nhượng bộ bằng lời hứa nhưng không từ bỏ ý định phát huy sức mạnh của hệ phái Shia trong thế giới Hồi giáo mà đa số theo hệ phái Sunni. Việc lực lượng khủng bố xưng danh Nhà nước Hồi giáo (ISIL) xuất hiện từ hàng ngũ và tư tưởng cực đoan của tổ chức al-Qaeda càng khiến Tehran thúc đẩy mục tiêu nói trên, chứ không lùi bước như nhiều người chờ đợi.

Nhìn từ bên ngoài thì vì sao Chính quyền Obama lại cố gắng giải vây Iran?


***

Nhìn từ bên ngoài….

Về căn bản thì Hoa Kỳ - và các khuynh hướng chính trị bên trong – không muốn mở thêm một cuộc chiến khác tại vùng Vịnh Ba Tư và còn muốn trút bớt gánh nặng tại Trung Đông nên từ thời Chính quyền George W, Bush đến Chính quyền Obama đều có chung một chánh sách là vừa gây áp lực vừa khuyến dụ để Iran giữ một vai trò cân bằng trong tương quan lực lượng của cả khu vực.

Đó là bối cảnh của bảy năm, sáu tháng và 23 ngày đàm phán của hai đời Tổng thống Mỹ với Iran, một quốc gia cừu thù từ năm 1979. 

Ngay sau khi đạt thỏa thuận tại Vienna, chế độ thần quyền tại Iran vẫn tiếp tục luận điệu chống Mỹ và đòi tiêu diệt quốc gia Israel của dân Do Thái. Nhưng phía Hoa Kỳ coi đó là trò hình thức để Iran giữ thế lãnh đạo khối Hồi giáo, chứ về thực tế thì Tehran đã ngầm hợp tác với Hoa Kỳ nhằm chặn đà bành trướng của lực lượng ISIL, như đã hợp tác để tấn công tổ chức al-Qaeda trong chiến dịch Afghanistan.

Nhưng so với Chính quyền Bush, Obama có thể đã lùi quá xa kể từ đầu năm 2010, và nay lại cho Iran quá nhiều lợi thế. 

Một lý do giải thích là các nước đồng minh Âu Châu của Mỹ, chưa nói đến hai đối thủ là Nga và Tầu, đều lẻn vào sân sau để cộng tác và trục lợi với Iran. Chuyện cấm vận không công hiệu, dù gây thiệt hại cho Iran mà lại khiến Mỹ mất phần. Tội gì?

Ngược lại, việc Obama sốt sắng giải vây Iran đến độ nhận cả điều khoản tháo gỡ lệnh cấm vận võ khí quy ước càng khiến các đồng minh trong vùng thêm e ngại. Chưa biết bao giờ Iran mới có bom hạch tâm nhưng trước mắt thì Saudi Arabia, Israel và cả Turkey đều suy tính lại về cục diện trong vùng. Họ cùng nhau tạo ra một trật tự khác trước sự lớn mạnh của Iran. Đấy là một trật tự bất ổn, bên trong ngần ấy nước đều nghi ngờ mà vẫn cần đến sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Giải pháp tạm bợ này có ưu điểm là nhờ đó, Hoa Kỳ khỏi phải dùng biện pháp quân sự nhằm phá vỡ kế hoạch hạch tâm của Iran. Nhược điểm là để lại một trường đấu tranh đầy bất trắc cho cả khu vực.

Hoa Kỳ có thể bớt một kẻ thù và tin rằng các đồng minh kia dù có hậm hực thì cũng chẳng thể đổi lập trường thành chống Mỹ. Sau quá nhiều kinh nghiệm, đây là một trường hợp khác có thể giải thích tính chất bất khả tín và gian hùng của nước Mỹ.

Chuyện còn dài và sẽ thành đề tài nóng trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2016.

____

Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ

Nhìn từ bên ngoài, các nước cứ phê phán thái độ lật lọng của Hoa Kỳ, có thói bắt tay kẻ thù và bắt bí đồng. Nhìn từ bên trong, tình hình còn tệ hơn vậy. Một tỷ phú như Donald Trump có thể ra tranh cử Tổng thống trong đảng Cộng Hòa và triệt để chứng minh qua những phát biểu lố bịch rằng đảng Cộng Hòa không thể lãnh đạo. Nhiều người gọi nhân vật này là con ngựa chứng. Đấy là con ngựa chiến, và miễn phí, của đảng Dân Chủ. Mỹ quái!

1 nhận xét:

  1. Nặc danh21/7/15 9:11 CH

    Chính trị Hoa Kỳ sao phức tạp quá vậy, thưa Thầy Nghiã?
    Này nhé, deal cuả Tổng Thống, chuyển lên deal cuả Quốc Hội, đưa đến deal cuả HoaKỳ. Chưa hết, nếu cao hứng, sẽ tiếp tục "trở chứng"... Are they serious? Hèn chi TPP hơn cả chục năm rồi vẫn chưa biết "Yes or No?". Trong khi Putin cứ rần rần tiến xuống Crimea "hốt hết, không nói nhiều", Trung Quốc thành lập AIIB một cái rẹc, rõ ràng chứng khoáng tụt dốc nhưng các nước vẫn ký kết không sợ hãi, xem ra thật mới lạ kỳ. Điều này, cho ta ngẫm nghĩ, có vẻ như thời đại mới con người ưa thích cái tố chất quyết đoán, khả tín, bỏ qua những cái xấu, yếu kém cuả đối tác? Hay họ chỉ thích lợi cho nước mình một cách ích kỷ thôi, xã hội khác có ác xấu gì thì dân cuả nó tự lo, tự quyết? Hay thị trường như fast foods, vào tay là phải đớp liền, để lâu mất phần, bớt ngon?

    Trả lờiXóa