Thứ Năm, tháng 7 16, 2015

Từ Bi Cũng Là Trí Dũng



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày  070222

Diện Kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma   

* Nguyễn-Xuân Nghĩa, chủ biên báo xuân Việt Báo và Nhã Ca, chủ nhiệm Việt Báo diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma *


Lời giới thiệu: Mùa Thu 2006, trong dịp thăm viếng miền Nam California, đức Đạt Lai Lạt Ma đã có nhiều buổi thuyết pháp với Phật tử tại Pasadena, và nói chuyện với công chúng tại Universal Studios và Long Beach. Dù có nghị trình làm việc dày đặc, Ngài vẫn dành thời giờ tiếp kiến đại diện Việt Báo là Nhã Ca và Nguyễn-Xuân Nghĩa vào ngày 14 tháng Chín tại Pasadena. Thời lượng dự trù mười phút đã kéo dài hơn gấp ba vì Ngài quan tâm đến Việt Nam và cộng đồng người Việt nên dành thêm thời giờ nói thẳng với người Việt. Sau đây là những điều được ghi nhận trong cuộc diện kiến đặc biệt này...


Do sự ân cần giới thiệu của Hoà thượng Geshe Tsultim Gyeltsen, vị cao tăng trụ trì và là viện trưởng Tu viện Phật giáo Tây Tạng Thubten Dhargye Ling tại Long Beach, đức Đạt Lai Lạt Ma đồng ý gặp Chủ nhiệm Nhã Ca và Chủ biên Giai phẩm Xuân Việt Báo Nguyễn Xuân Nghĩa. Ngài còn đặc biệt cho phép một người đi cùng để chụp hình. Đấy là nhiếp ảnh gia Lê Phúc nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam. Nơi diện kiến là Khách sạn Westin Pasadena vào sáng sớm ngày 14 tháng Chín, trước khi Ngài xuống đại sảnh của Khách sạn để thuyết pháp với Phật tử.


Bước Vào Hành Lang


Đức Đạt Lai Lạt Ma di chuyển không ngừng trong nhịp độ làm việc khít khao từng phút. Nơi nào Ngài cũng được dân chúng đón mừng như một đại minh tinh, nhưng lại được bảo vệ an ninh. Điều ấy, dân Tây Tạng biết và thông cảm khi họ bị hạn chế tiếp cận - là tiếp xúc ở gần. Đức Đạt Lai Lạt Ma không chỉ là vị lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng mà còn là Quốc trưởng Lưu vong của một xứ Tây Tạng đang bị ngoại bang thống trị. 

Công chúng thường nghĩ, và có thể không sai, rằng nhân vật đặc biệt này có một thần lực siêu hình. Người Tây Tạng tin rằng Ngài là Hoá thân (hay Ứng hóa thân) của đức Bồ Tát Quán Thế Âm và là vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Phật giáo Tây Tạng. Trong buổi nói chuyện với 11 ngàn người tại Gibson Amphitheater hôm 13, đức Đạt Lai Lạt Ma dí dỏm cảnh tỉnh công chúng về điều gọi là phép thần thông của mình. "Cũng chỉ là một nhà sư thôi!

Mặc dù như vậy, người ta vẫn cảm thấy trong lòng sự tôn kính một vị Thánh tăng, y như người Công giáo có thể cảm thấy khi được diện kiến đức Giáo hoàng vậy.

Điều mà chúng ta chỉ biết khi thấy tận mắt là việc bảo vệ an ninh cho đức Đạt Lai Lạt Ma. Từ bên ngoài, người ta không biết rằng đó là hệ thống Bảo vệ Yếu nhân (Mật vụ - Secret Service) của Hoa Kỳ khi phải bảo vệ một nhân vật quan trọng, vòng trong mới là nhiều người cận vệ của Tây Tạng, nhưng chúng tôi cảm thấy rất rõ là đang bước vào một môi trường khác. Nguyên một tầng lầu của khách sạn là nơi hạn chế lưu thông, không có người dẫn thì không lên tới! Đây là một vị Quốc trưởng cần được bảo vệ hơn rất nhiều quốc trưởng khác trên thế giới. 

Tại khách sạn Westin, từ ngoài hành lang, ba người khách Việt Nam đã được các viên chức Tây Tạng chào đón lịch sự nhưng nghiêm trọng, và được mời dùng nước trong một phòng khách bên cạnh. Đoàn tùy tùng của đức Đạt Lai Lạt Ma làm việc liên tục khi kiểm nhận và đón vào từng người khách. Tại phòng ngoài, chúng tôi gặp người khách vào trước là một nhân viên nội các đã hồi hưu của Chính phủ Lưu vong Tây Tạng. Ông từng là Bộ trưởng An ninh thì phải, đến để đảnh lễ đức Đạt Lai Lạt Ma và chỉ được dành cho vài phút. Nghiêm mật và long trọng lắm.

Sau đó tới "phái đoàn" Việt Báo! 

Đấy là lúc chúng tôi thấy được "biệt nhãn" của Tây Tạng. 

Khác với nhiều vị khách, chúng tôi không bị lục soát cơ thể và máy ảnh hay đồ nghề đem theo! Chuyện rất nhỏ mà lại nói lên cái tâm rộng mở của những người tháp tùng đức Đạt Lai Lạt Ma.

Qua hành lang đầy người bảo vệ nghiêm ngặt, bước vào phòng khách của đức Đạt Lai Lạt Ma thì người ta lại thấy hoàn toàn khác. Nơi một vị Thánh tăng ngồi thì phải tôn nghiêm như một ngôi chùa, nơi một vị Quốc trưởng ngự thì phải là một triều đình nghiêm minh chứ!

Không! Phòng khách trang trí đơn giản có một dò lan đằng sau con người mà thế giới ngưỡng mộ và kẻ thù e ngại.

Tại một phòng khách của Westin Pasadena, nhân vật siêu hạng này đứng dậy đón chào "phái đoàn Việt Báo", chắp tay đáp lễ từng người và dắt tay ngồi xuống tràng kỷ. Ở đây, người duy nhất tháo giày là đức Đạt Lai Lạt Ma! Ngài mỉm cười ra dấu và xếp chân vòng tròn ngồi trên ghế bành theo phép kiết già của một vị cao tăng. Không khí đổi khác kể từ giây phút đó. Ngài muốn có một buổi nói chuyện thoải mái! 

Từ ngoài vào là nhân viên của phái đoàn Tây Tạng và các cận vệ, da trắng lẫn Á châu. Họ kín đáo bước ra phòng ngoài. Bên trong, chỉ còn hai người Tây Tạng bên vị Quốc trưởng của họ. 

Một người là thông dịch viên của đức Đạt Lai Lạt Ma. 

Chúng ta biết vậy vì ông đã ngồi cạnh Ngài để làm việc ấy trong buổi nói chuyện với công chúng hôm trước tại Universal City. Ông ngồi ngay ngắn bên phải đức Đạt Lai Lạt Ma. Và lắng nghe không sót một chữ.

Anh ngữ là ngoại ngữ chính và rất thông thạo của đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng Ngài luôn luôn có một người thông dịch. Nét khiêm cung của Ngài toát ra từ chi tiết ấy. Đây không là vị "Thánh sống" cứ nói ra là chân lý siêu tuyệt. Nhiều lần, Ngài quay sang hỏi người thông dịch về một từ có thể là khó diễn tả, hoặc chính người nghe thấy khó hiểu, bằng Anh ngữ. Ngài không để sơ sẩy từ chuyện nhỏ nhất trong sự diễn đạt tư tưởng.

Người thứ hai là ai, khó biết. 

Ông ngồi im ắng ở một góc đối diện với đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng nhìn thẳng vào ba người khách.

Về sau mới biết đấy là Bí thư riêng của Ngài, con trai một người anh của đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông Tenzin Takhla này là người ít nói nhưng khi hữu sự thì đứng lên can thiệp rất gọn và nhẹ. Chuyện ấy, Nhã Ca thấy liền vào cuối buổi hội kiến khi cầm máy ảnh muốn chụp tấm hình đứng bên đức Đạt Lai Lạt Ma như chính Ngài mời. Ông Takhla đã đỡ ngay máy ảnh và thành thạo bấm liền mấy tấm như máy của chính mình! Không thể để mất thời giờ được.

Đấy là những người tận tụy với công việc và có trình độ nghề nghiệp rất cao! Nghiêm túc và kín đáo, tự tin và hữu hiệu. Chúng ta đang chứng kiến một góc rất nhỏ của Triều đình Tây Tạng khi di chuyển ra ngoài. 

Người duy nhất tự nhiên thoải mái là đức Đạt Lai Lạt Ma!

Ngài mỉm cười như một nông dân khi nghe khách cám ơn về buổi diện kiến đặc biệt này. Từ con người ấy chỉ thấy tỏa ra sự yên bình của lòng tốt, của thiện tâm. Không có phép thần thông nào cả, chỉ có sự ân cần tử tế trong ánh mắt.

Kỷ Niệm Đầu Xuân 


Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi thăm về báo xuân Việt Báo


Theo đúng chức nghiệp của người làm báo, chúng tôi phải gọi đây là một cuộc phỏng vấn vì mình đặt câu hỏi xin Ngài trả lời. Nhưng thật ra, đây là một cuộc mạn đàm vì đức Đạt Lai Lạt Ma để câu chuyện tự nhiên xuôi chảy. Khi các nhân viên của Ngài bước vào từ ngoài vì sắp hết giờ, Ngài khoát tay qua một bên. Chuyện chưa dứt vì Ngài đang muốn nói về Việt Nam.

Bên ngoài hành lang là những xôn xao thúc giục vì Ngài sẽ phải xuống thuyết pháp cho cả vạn người. Bên trong, đức Đạt Lai Lạt Ma cho phép kéo dài cuộc diện kiến để nói cho hết về Việt Nam. Theo lời kể của các cận thần, đây là chuyện hiếm có! 

Mở đầu là lời cảm tạ của Việt Báo và một phút nói về Giai phẩm Xuân Đinh Hợi. Năm nay, chúng tôi muốn nhắc về biến cố năm Hợi 1959, khi Tây Tạng bị thôn tính, và về một nhân vật tuổi Hợi là đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài cười và đòi xem một vài số Xuân đã phát hành trước đó. Nếu vậy thì phải có lời chúc Xuân gửi đến người Việt Nam. Nguyên đán của Việt Nam cũng là Nguyên đán của Tây Tạng mà. 

Câu hỏi đầu tiên, theo kiểu tò mò của nhà báo là: "Ngài có những kỷ niệm gì đáng nhớ về Tết Nguyên đán? Ngài nhớ đến ngày Xuân 1939 khi đăng quang là đức Đạt Lai Lạt Ma ở tuổi lên bốn, hay nhớ đến mùa Xuân buốt giá năm Kỷ Hợi 1959, khi kinh đô Lhasa bị quân đội Trung Quốc tấn công?

Những người thích luận đàm về công án Thiền tông có thể vu vơ nghĩ đến bản lai diện mục của chúng sinh trong từng kiếp nghiệp luân hồi. Ở đây, câu hỏi là chuyện thời sự với một vị Hoạt Phật! 

Kỷ niệm khó quên nhất của tôi là vào mùa Xuân 1959. Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời trong ánh mắt u uẩn. 

Năm ấy, cuộc đời tôi đã có một thay đổi lớn lao khi phải trốn khỏi quê hương của mình. Và năm ấy, tôi lần đầu tiên trực kiến một vấn đề của nhân thế, là lẽ tử sinh. Đây không phải là một khái niệm trừu tượng nữa mà là một thực tế vì tôi biết là mình có thể mất mạng và như vậy sẽ để lại nhiều vấn đề cho dân tộc Tây Tạng.

Giờ đây, Ngài nghĩ sao về kỷ niệm ấy?

Nhìn lại biến cố này sau gần năm mươi năm, tôi có một cảm nghĩ buồn vui lẫn lộn. Trước hết là một sự buồn bã vì mình trở thành người tỵ nạn, phải rời xa quê hương và dân tộc. Từ đấy phải sống lưu vong và ngóng trông tin tức từ bên trong. 

Trầm ngâm giây lát, đức Đạt Lai Lạt Ma tươi dần nét mặt và cúi nhìn xuống.

Thế rồi cũng những tin tức ấy khiến tôi thấy lòng mình được an ủi. Mặc dù phải nằm dưới sự cai trị của chính quyền Trung Quốc, dân Tây Tạng vẫn không mất niềm tin về chính mình, về tôn giáo và văn hoá Tây Tạng. 

Tinh thần ấy thể hiện ngay trong giới trẻ, những người sinh ra và lớn lên dưới một chế độ cai trị đang muốn xóa bỏ ký ức của họ. Người Tây Tạng vẫn nuôi hy vọng được thấy xứ sở sẽ có tự do. Ở bên ngoài lãnh thổ, dân Tây Tạng lưu vong vẫn cố gắng duy trì nếp văn hoá và di sản Tây Tạng. Đồng thời, cũng nhờ cộng đồng Tây Tạng lưu vong mà thế giới đã biết nhiều hơn đến Phật giáo.

Có thể nói rằng trào lưu quan tâm đến các vấn đề tâm linh, tôn giáo, cũng là một hậu quả của biến cố đáng buồn vào mùa Xuân 1959. Với bản thân tôi, đây là một sự thử nghiệm tâm linh rất đáng chú ý, "remarquable".


Hạt Mầm Phật Giáo Và Thiện Duyên


Xin Ngài nói rõ hơn về sự bành trướng ảnh hưởng của Phật giáo, thí dụ như tại Hoa Kỳ này.

Sau biến cố đau buồn năm 1959, dân Tây Tạng lưu vong đã có mặt tại rất nhiều nơi trên thế giới và đem theo hạt mầm Phật giáo gieo rắc trên thế giới. 

Một trong những hạt mầm tốt đó là Hoà thượng Geshe La mà quý vị đã gặp tại Long Beach [Hoà thượng Geshe Tsultim Gyeltsen, sư phụ của hai nhà báo]. Mấy chục năm trước, chúng tôi có được mối thiện duyên tại Hoa Kỳ cũng do Phật giáo Việt Nam đã sát vai với thầy Geshe La trong những bước đầu đặt chân lên nước Mỹ. Từ đó, Phật giáo Tây Tạng có mối duyên tri ngộ thâm sâu với Phật giáo Việt Nam. Quý vị có thể cảm thấy điều ấy khi gặp Hoà thượng Geshe La, một vị cao tăng tôi rất quý trọng.

Nói về sự quảng bá của Phật giáo sau biến cố 1959 tại Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh đến một hiện tượng ít người chú ý. Đó là Phật giáo nói chung đang thực sự hiện đại hoá dưới con mắt của thể giới.

Ngài diễn giải tiếp. Nhờ khoa học, như qua thiên văn học, người Phật tử biết được là nhiều tín điều của mình phải được thay đổi và điều ấy thực sự có giúp ích cho Phật pháp. Nhưng đồng thời, một số bộ môn khoa học liên quan tới sinh học hay thần kinh tâm lý học lại tìm ra qua kinh nghiệm tu tập hay thiền định của Phật tử nhiều lý giải có ích cho việc nghiên cứu. Người Phật tử nên tìm hiểu và nói chuyện với giới khoa học về những suy nghiệm của mình để bắc nhịp cầu giữa tôn giáo và khoa học. Đấy cũng là một đóng góp không nhỏ của Phật giáo cho nhân loại trong một kỷ nguyên mà người ta gọi là hiện đại, tân tiến, hậu công nghiệp.

Hôm đó, khi nói chuyện như vậy, chúng ta chưa biết là vài ngày sau, 19 tháng Chín, Đại học State University of New York vinh danh Ngài là Tiến sĩ Danh dự về Nhân văn. Và đúng một tháng sau, ngày 14 tháng 10, Đại học Third University của Roma tôn Ngài là Tiến sĩ Danh dự về Sinh học. 

Phật giáo có liên hệ gì và đóng góp gì cho Nhân văn và Sinh học? Thế giới ngày nay học hỏi được nhiều hơn từ đạo Phật và một vị Tăng thống Phật giáo đã nhiều lần thảo luận với các nhà bác học của thế giới về một mối quan tâm chung: hiểu rõ vũ trụ để giúp cho chúng sinh và nhân loại.

Chúng ta hiểu dần ra nhiều khía cạnh của điều mà đức Đạt Lai Lạt Ma gọi là hiện đại hoá Phật giáo. 


Phật Sống Và Khủng Bố


Thế giới ngày nay đang đầy dẫy oán thù xung đột và cả khủng bố vì lý do tôn giáo. Điều ấy là thời sự hàng ngày. Nhưng, trong một nơi yên ắng ở California, chúng ta muốn biết là một người từ Đỉnh tuyết Tây Tạng đi xuống như đức Đạt Lai Lạt Ma thì nghĩ sao về hiện tượng đó?

Thưa Ngài, đây không phải là một câu hỏi loại "giật gân" của nhà báo, nhưng nếu giả dụ là bị quân khủng bố bắt giữ làm con tin, Ngài sẽ xử trí ra sao?

Mặc dù câu hỏi đã được gói ghém cho nhẹ nhàng, đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn bật cười thật lớn, như con trẻ trước một trò chơi ngộ nghĩnh. Trong phòng khách, nhiều người cũng giao động đổi thế ngồi.

Sau đấy Ngài mới suy ngẫm giây lâu và câu trả lời là một điều đáng chú ý.

Tinh thần Tây Tạng không chỉ là một ý chí chính trị, là lòng khát khao tự do, mà cũng là một sức mạnh tâm linh nhắm vào sự giải thoát bằng lòng từ bi. Lòng từ bi là chân tánh của chúng ta. Trong nhiều hoàn cảnh, chân tánh ấy có thể bị đe dọa.

Ngài nói tiếp, như người kể truyện.

Tôi còn nhớ kinh nghiệm của một vị sư Tây Tạng đã bị Cộng sản Trung Hoa giam cầm và hành hạ suốt 18 năm liền. Phản ứng ban đầu của ngài là sự căm giận vì cách đối xử tàn ác của những người đang giam giữ mình. Thế rồi có một hôm, vị sư ấy giác ngộ ra một điều. Người ta giam giữ hành hạ mình để làm gì? Để mình từ bỏ căn tính, để mình hết còn là mình nữa.

Từ kinh nghiệm ấy, chúng ta có thể học được một điều, đức Đạt Lai Lạt Ma kết luận: 

Khi để hận thù nổi lên, mình đánh mất căn tính là lòng từ bi. Nghĩa là mình đã thua. Sự giác ngộ ấy giúp vị sư kia vượt qua được chặng đường khổ ải mà vẫn giữ được từ tâm của mình với chính những người cai ngục. Tôi nghĩ rằng đấy là một cách ứng xử đúng khi mình gặp một hoàn cảnh vô cùng bất thường là bị cưỡng ép phải thay đổi cách suy nghĩ và hành động của mình. Lòng từ bi đòi hỏi một sự can đảm trước bạo lực.

Chúng tôi nghĩ rằng đây là một chỉ dạy đáng nhớ của đức Đạt Lai Lạt Ma.

Nhân đó, xin được hỏi Ngài thêm một câu có vẻ thời sự. đức Đạt Lai Lạt Ma nghĩ sao về những lý giải tôn giáo biện minh cho tội ác, cho hành vi khủng bố sát hại dân lành? 

Câu trả lời lại rất ngắn gọn: Những người đồng ý với lối lý giải ấy thực ra không theo đuổi một lý tưởng từ bi bác ái của tôn giáo. Họ chung thủy với một hệ phái tôn giáo như người khác chung thủy với một đảng chính trị, hay những lý luận cực đoan của một đảng chính trị!


Tâm Linh Và Thịnh Vượng


Mở rộng ra một vấn đề chung của nhân loại, đức Đạt Lai Lạt Ma có nghĩ rằng thế giới ngày nay đang gặp một mối nguy là con người ngày càng theo đuổi sự thịnh vượng vật chất mà xa lánh dần đức tin tôn giáo không? Nếu điều ấy đúng thì chúng ta cần làm gì?

Khi nêu câu hỏi, chúng tôi trù tính là mình đi gần hết thời lượng đã được thỏa thuận trước, nên đấy là câu hỏi cuối. Kết quả lại khác, cũng bất ngờ như câu trả lời.

Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể bị dị ứng mô bì, Ngài thường hay gãi da như bị ngứa. Nghe câu hỏi cuối, Ngài cười mỉm như một vị sư trước nỗi băn khoăn của nhân thế, cái gì cũng muốn mà cái gì cũng sợ!

- Tôi thực ra không bi quan lắm về trào lưu phát triển sự thịnh vượng của thế giới. Phải có phát triển để nâng cao mức sống của đại đa số dân chúng địa cầu. Tự thân, việc ấy không là điều gì xấu xa vì cũng chính là từ những tiến bộ ấy về vật chất mà người ta sẽ quan tâm hơn đến khía cạnh tâm linh của đời sống. Tôi không thấy có mâu thuẫn giữa việc hiện đại hoá và phát huy đức tin tôn giáo. Vấn đề là những người quan tâm đến đức tin phải hiểu ra bài toán của con người qua quá trình hiện đại hóa này.

Đến đây thì từ bên ngoài, nhiều người đã bước vào ra dấu cho đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài còn một khóa giảng bên dưới và cần chuẩn bị đi xuống. Không ai ngờ là Ngài lại gật đầu và ra hiệu tiếp tục cuộc phỏng vấn. Ngoài hành lang có tiếng người thầm thì xôn xao. Nhân viên của Ngài phải lo cho chương trình kế tiếp, nhưng Ngài vẫn thản nhiên. 

Xin cảm tạ Ngài, sau đây là một câu hỏi cũng có tính chất thời sự. Thế giới mở rộng, hay toàn cầu hoá, như ngày nay có gặp vấn đề hay không, khi nhiều quốc gia muốn đòi độc lập mà lại đánh mất căn cước hay bản sắc của mình? Độc lập về chính trị có ý nghĩa gì khi ta không biết mình là ai và muốn gì trong thế giới ấy?

Trong thế giới hôm nay, đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời, các quốc gia đều liên lập với nhau, đều cần tới nhau. Độc lập trong ý nghĩa tự cô lập và khép kín với thế giới bên ngoài chỉ là tự gây họa cho mình, là tự sát. Về bản sắc hay căn cước «identity» của một dân tộc thì nó không chỉ kết tinh vào một thế hệ và sẽ mất khi ta chết đi. Nó phải tồn tại trong sự đổi thay. Chúng ta phải bảo vệ bản sắc đó qua giáo dục từ thế hệ này qua thế hệ khác và phải hiện đại hóa chứ không thể quay lưng với những đổi thay của thế giới.


Nhắn Gửi Người Việt Nam   


Được nới rộng thời giờ, chúng tôi trở lại mối thiện duyên của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo Tây Tạng và nêu một câu hỏi: Nếu có vài lời nhắn gửi đến những người có đức tin tôn giáo, thí dụ như với Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước, thì đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ nói những gì?
 
Chúng tôi ngờ rằng khi Ngài yêu cầu kéo dài cuộc nói chuyện, có lẽ đức Đạt Lai Lạt Ma muốn nói về chuyện này với người Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam rất anh hùng, rất đáng kính trọng, vị lãnh đạo Tây Tạng nói. Sau một thời gian khó khăn, khi mức sống của nhiều người được cải thiện thì sức mạnh tinh thần và tâm linh của người Việt sẽ giúp họ tìm ra con đường tốt đẹp hơn cho nước Việt Nam. Quý vị đừng quá bi quan. Không nên nhìn vào những khát khao vật chất nhất thời sau một giai đoạn quá đói khổ mà mất tin tưởng vào sức mạnh tinh thần của người Việt Nam. 

Riêng với người Phật tử, đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp, tôi thiển nghĩ rằng chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của người Thiên chúa giáo mà đừng chỉ nghĩ đến việc xây chùa hay sự giải thoát cho bản thân mình dưới mái chùa.

Người viết nhớ đến những giáo huấn của đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala trong mùa nguyện Monlam của Tây Tạng, vào tháng Năm vừa qua. Ngài cảnh tỉnh tăng ni Tây Tạng là phải mở ra với thế giới bên ngoài chứ đừng chấp vào những lễ tục bí hiểm trong chùa, với chiêng trống om xòm. 

Vị Tăng thống tối cao này còn nhắc nhở người Tây Tạng là với dân số chỉ có sáu triệu, nếu người nào cũng muốn vào chùa đi tu mà không cải tiến được việc tu tập ấy cho tinh ròng hơn để giúp đỡ người khác thì sẽ chỉ lập ra một hệ thống tư tưởng không có nền tảng trong đời sống. Đấy là quên mất gốc mà chỉ bám lấy cành.

Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích tiếp về những gì muốn nói với Phật tử Việt Nam: 

Hãy học người Thiên chúa giáo bằng cách bước ra khỏi chùa mà tham gia vào các sinh hoạt của xã hội. Từ đó mình có thể hiểu ra các vấn đề của xã hội, của con người, và tìm ra những giải đáp cho các vấn đề ấy từ Phật pháp. Đấy là một cách Phật giáo đóng góp cho xã hội và cũng tự hiện đại hoá cùng nhân loại. 

Khi tham gia tìm hiểu về xã hội và thế giới bên ngoài, người Phật tử còn có thể hiểu ra những công trình nghiên cứu của các bộ môn khoa học và những gì mà Phật giáo có thể đóng góp được cho sự tìm kiếm ấy. 

Và trong mọi hoàn cảnh tình huống, không bao giờ lại để mất lòng từ bi của mình. Nuôi dưỡng từ tâm chẳng những có lợi cho sức khoẻ của bản thân mà còn cho đời sống, cho hoà bình của nhân loại.

Nói đến đây, đức Đạt Lai Lạt Ma nở một nụ cười đôn hậu thánh thiện.

Kết thúc cuộc tiếp xúc đã kéo dài quá chương trình dự trù, chúng tôi còn đòi thêm một việc! 

Xin Ngài gửi tới độc giả tờ Xuân Việt Báo năm Đinh Hợi một thông điệp hay một lời chúc lành cho năm mới. Trên bàn đã mở sẵn một cuốn tập toàn giấy phóng, đóng bằng tay tại Hoa Kỳ, ngoài bìa là chữ OM viết theo Phạm ngữ.

Đức Đạt Lai Lạt Ma không do dự. 

Đặt chân xuống, Ngài chấp bút viết nhanh một hàng chữ Tây Tạng rồi giải thích với nụ cười. Quý vị sẽ nhận được lời chúc để qua Đặc san Xuân Đinh Hợi gửi tới mọi người Việt ở trong và ngoài nước nhân dịp năm mới. Đây là chữ ký cho lời chúc:

Tỳ kheo Tenzin Gyatso.

Chỉ là một nhà sư mà thôi...

Nhưng, đôi khi trăm năm mới có một người như thế...

























Lời Kết 


Cuộc phỏng vấn dự trù 10 phút sau cùng đã kéo dài hơn gấp ba.

Mặc dù bên ngoài có nhiều người nôn nóng chờ đợi, đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn ra dấu cho vị Bí thư. Ông Takhla bưng ra ba tấm khăn trắng. Theo đúng phong tục Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma ban phép lành cho ba tấm tơ Tây Tạng rồi choàng lên cổ từng người khách. Sau đó, Ngài còn yêu cầu mọi người đứng chụp hình bên mình. Đây là lúc máy ảnh bật lên tí tách và chúng ta có những tấm hình kỷ niệm thật đẹp của nhiếp ảnh gia Lê Phúc.

Khi chia tay, đức Đạt Lai Lạt Ma đã chắp tay khấn nguyện rồi mới quàng vai đưa mọi người ta cửa. Sau đó, viên Bí thư của Ngài gửi tới chúng tôi lời chúc phúc và thông điệp đầu năm có ấn son của đức Đạt Lai Lạt Ma cho Giai phẩm Xuân Đinh Hợi của Việt Báo.

Cuộc tiếp xúc là một kỳ duyên hãn hữu. Vì vậy có bài tường thuật này như một lời kính cẩn cảm tạ.


Nguyễn-Xuân Nghĩa (Giai phẩm Xuân Việt Báo Năm Đinh Hợi 2007)


___________________


Mừng sinh nhật thứ 80 của đức Đạt Lai Lạt Ma, Việt Báo đã đăng lại trích đoạn bài này trong một số đặc biệt song ngữ Anh-Việt phát hành đúng ngày sáu Tháng Bảy 2015. Dainamax xin chia sẻ nguyên bản với các độc giả ở xa - rất xa.


19 nhận xét:

  1. Nặc danh16/7/15 8:59 CH

    Ngài mang trong lòng nỗi đau cuả một Quốc Vương mất nước, đồng thời còn mang thêm một nỗi đau trần thế cuả Tâm Bồ Tát, phải thương cái thiện lẫn cái ác cuả mọi-chúng-sinh. Con đường đấu tranh bất bạo động không thành làm cho nhiều người tự hỏi, có phải truyền thống Lạt Ma - mà Ngài cũng từng cho là "phong kiến" - đã góp phần vào sự thất bại? Giữa Đạo và Đời có một khoảng trống quá lớn mà một chân tu, một Bồ Tát Sống không thể nào "nhập cuộc". Phương Tây thay vì bao vây đòi TQ trả Tây Tạng lại cho dân tộc Ngài, họ lại đổ vào TQ làm ăn và tặng cho Ngài Nobel Hoà Bình. Quả là vô vị. Đông Dương rồi có trở thành giống như Tây Tạng?

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh16/7/15 9:20 CH

    Thầy Nghiã viết rất nhiều về các vấn đề lớn cuả thế giới và các dân tộc khác.
    Riêng về đất nước và dân tộc Việt Nam, xin Thầy Nghiã viết một bài toàn cảnh và nêu lên những giải pháp, có được không ạ?

    Trả lờiXóa
  3. Thế mà cũng bình. Đúng là Poorshope. Học đi rồi hãy nói!

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh16/7/15 9:41 CH

    Em học được từ chính những bài Ngài viết.
    Thời gian gần đây và thời gian trước kia tuy "xu hướng" có khác, nhưng Tâm Bồ Đề không khác.

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh16/7/15 9:44 CH

    Em có cảm tưởng rằng em hiểu Ngài thật nhiều.
    Tuy Ngài khuyên Phật tử nên học theo người Công giáo trong việc nhập thế,
    nhưng Ngài không giống Đức Giáo Hoàng.
    Ngài không phải là một Giáo Chủ. Ngài là Bồ Tát.

    Trả lờiXóa
  6. Những câu hỏi thật hay.

    Những câu trả lời thật tuyệt vời : chắc chắn, xác quyết, gợi mở, khai tuệ!

    Xin cảm tạ tác giả NXN đã chia sẻ.

    Xin phép được lưu lại.

    Trả lờiXóa
  7. Bich Uyen khong phai la mot tin do Phat Giao nhung rat kinh trong Duc Dat Lai Lat Ma vi cach hanh xu cua Ngai. Dung la "tram nam moi co mot nguoi nhu vay".

    Kinh chuc Ngai nhieu suc khoe va cam on bac Nghia da chia xe bai viet nay voi doc gia Dainamax.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi sẽ có dịp, khá sớm, trình bày những lý do khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma quyết định kết thúc hiện tượng hóa thân của chính mình và đề cử một vị cao tăng khác lên lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, khiến Bắc Kinh nổi điên!

      Ngài đã từng bước dân chủ hóa hệ thống chính trị Tây Tạng, có Hiến pháp rồi chính quyền dân cử để mình không là vị Quốc trưởng Tây Tạng nữa. Lãnh đạo Chính phủ Lưu vong Tây Tạng ngày nay tại đất Dharamsala là một Thủ tướng, Tiến sĩ Harvard và giáo sư tại Hoa Kỳ. Dù nhục mạ Ngài là "sói đội lốt cừu", Bắc Kinh cứ mong Ngài sống thọ để duy trì con đường ôn hòa trung đạo. Sau Ngài - cũng còn lâu lắm - cộng đồng Tây Tạng sẽ đấu tranh dữ dội hơn chứ không ôn hòa như bây giờ đâu. Bắc Kinh không quên rằng dưới thời Đường Thái Tông, một Hoàng đế thuộc loại anh minh của Tầu, quân Tây Tạng đã vào tới thủ đô Trường An! Một dịp khác sẽ tìm hiểu thêm...

      Xóa
  8. Nặc danh17/7/15 5:20 SA

    Ah... Vậy Thầy Nghiã hãy thành lập Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà Hải Ngoại để tiến hành:

    - hoà giải, hoà hợp dân tộc trong hoà bình
    - giám sát tiến trình hội nhập, TPP, dân chủ hoá
    - trong trường hợp có xung đột giưã Hoa-Mỹ thì liên hiệp cứu nguy quốc nội, tránh tương tàn.
    - thực hiện chiến lược "Âu Cơ và Lạc Long Quân" - bên nào thắng thì nhân dân cũng lợi :-)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Poorshope có đọc ngàn bài cũng không hiểu gì mới đùa cợt như vậy. This may be your last comment.

      Xóa
  9. Bác Nghĩa, theo con biết thì Tây Tạng cũng là nạn nhân gián tiếp của US mà, giống như VN vậy? Cái kiểu dắt con bỏ chợ như US thì con lấy làm lạ, sao người ta cứ hợp tác với loại quốc gia đó???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh17/7/15 1:51 CH

      Bởi vì HoaKỷ có sự ảnh hưởng và chi phối trên thế giới, luôn là một G. trong các loại G.
      Cho dù họ có can thiệp hay không can thiệp vào Việt Nam, thì chúng ta cần nên nhớ phải nhắc đến HoaKỷ. Bởi nếu họ không bật đèn xanh, các G. khác theo nguyên tắc ngầm sẽ không can thiệp. Đừng bao giờ có ảo tưởng rẳng có thể phớt lờ sức mạnh cuả HoaKỳ, chúng ta là cái gì? Cũng đừng bao giờ có ảo tưởng rẳng chúng ta có thể tự mình giải quyết được vẫn đề cuả đất nước. Giặc Hán đang phá nát nhà Nam, dù họ là Mao hay là Tưởng, Nationalism cuả họ vẫn cứ làm phiền dân ta, cho nên tôi không nghĩ rẳng những người Việt Nam nào hướng về... Epoch Times sẽ đem lại muà xuân cho đất nước. Họ chắc phải biết con bạch tuộc lớn cũng có chương trình chống diễn biến hoà bình cuả nó chứ?

      Xóa
  10. VN,
    Cái gì cũng đổ thừa cho Mỹ là không nên. Văn hoá Trung hoa là chiếm đất. Châu Âu chiếm đất để kinh doanh, TH chiếm đất để sở hữu, đó là khác biệt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. VN ơi, Tây Tạng chỉ là nạn nhân, gián tiếp, của Mỹ từ sau 1942 khi Chính quyền Roosevelt cần ngả khác để yểm trợ Trung Hoa chống quân Nhật mà chẳng biết gì về đất, người và chính trị Tây Tạng. Họ cũng là nạn nhân của Ấn Độ thời Nehru còn mơ tưởng hợp tác với Mao vì vậy sau này mới có đất lưu vong bên Ấn. Họ là nạn nhân chù yếu của... địa dư, nằm trên đường bành trướng của Trung Quốc. Tôi đã viết nhiều về chuyện này, xin sẽ viết lại...

      Xóa
    2. Nặc danh5/6/17 5:17 CH

      Trung Quốc cũng thường than vãn họ là "nạn nhân cuả ... địa dư", nên họ bành trướng ngon ơ sang Tây Tạng, Nội Mông, rồi thọc sâu xuống Biển Đông, chưa chắc dừng lại đó. Họ có thể nói, "theo ta còn hơn là theo Nga, theo Ấn Độ, ta cũng là "nạn nhân cuả địa dư đấy".

      Để yên ổn cho khu vực, những nước nhỏ yếu thế đành chịu thiệt chịu thua, làm nạn nhân nhỏ cuả địa dư cuả một nạn nhân lớn cuả địa dư? Và cứ thế... trái đất sẽ trở thành một nạn nhân vĩ đại... cuả ai nhỉ? Poorshope mong khi thầy Nghiã viết lại chuyện này, sẽ có một ý tưởng mới.

      Xóa
    3. Sau hơn hai năm thầy Nghiã lại noí chuyện về Tây Tạng.
      Poorshope cảm thấy anh Tập chẳng có ý tưởng nào mới mẻ vưà đem lại sự hoà giải với cộng đồng Tây Tạng lưu vong vưà vẫn giữ được "lợi ích cốt lỏi" cuả Trung Cộng, ngoại trừ việc đi tặng một pho tượng Phật nhỏ cho... TT Ấn Độ, thay vì tặng cho Đức Dalai Lama. Còn trong Tử Cấm Thành thì anh Tập nói với TT Trump: rồng là tổ tiên cuả người Trung Quốc tóc đen da vàng chúng tôi đấy. Có ai biết da và tóc cuả rồng có màu gì không nhỉ?

      Báo chí Trung Quốc ré lên với lời lẻ thô lổ mỗi khi Đức Dalai Lama đi đến gặp bất kỳ vị lãnh đạo cuả bất kỳ nước nào, mỗi khi TT Đài Loan đi giao thiệp với nước ngoài hay Việt Nam đi mua vũ khí cuả Mỹ, etc. Sao mà hống hách bá đạo thế, họ làm cho người khác chán ghét.

      Nhưng phải công nhận một điều: giữa các lãnh đạo cuả Nga, Trung và Việt Nam thì phải nói là họ có "very good chemistry" đó thầy Nghiã, quả thật như "vưà là đồng chí, vưà là anh em", cho nên mấy mươi năm qua, Hoa kỳ đành phải đứng ngoài nhìn vô ngán ngẩm, hợp đồng kinh tế làm ăn rồi thôi chứ khó mà "chọc thủng" phòng tuyến cuả họ. Giưã Nga-Trung thì cân đối, nhưng giưã Trung-Việt thì quá tệ, Việt Nam quá bị lệ thuộc, mà đáng trách là phải trách giới lãnh đạo.

      Hy vọng những buổi nói chuyện trên Youtube cuả thầy Nghiã sẽ giúp giới trẻ học hỏi và tích lũy kiến thức về lịch sử chính trị cho chính họ.

      Xóa
  11. Nặc danh18/7/15 6:56 CH

    "Xoay Trục" đã đi đến version 3.0 - Pivot 3.0 - rồi, Thầy Nghiã vẫn chưa có ý kiến toàn cảnh gì, Poorshope đang sốt ruột. Xin Thầy Nghiã chuyển trục từ Tây Tạng về Việt Nam...

    http://viet-studies.info/kinhte/NQuangDy_XoayTruc.htm

    Trả lờiXóa
  12. Porshope hãy tìm nơi khác mà hỏi chuyện Pivot 3.0!

    Trả lờiXóa
  13. Cảm ơn bác về bài viết có nhiều ý nghĩa. Cháu xin phép được chia sẻ lại trên Facebook.

    Trả lờiXóa