Thứ Ba, tháng 5 03, 2016

Đừng Hãm Em Chứ



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày160502
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"


Xuất nhập không bình an

 * Donald Trump và trái táo cấm trong hồng tâm của Trung Cộng *


Cuộc tranh cử tổng thống năm nay tại Hoa Kỳ đạt nhiều kỷ lục nhưng hôm Chủ Nhật vừa qua lại có thêm một thành tích lạ: hơi “sexy” khi nói về quan hệ kinh tế. Dĩ nhiên, người có thể hết hợp được khía cạnh gợi dục với kinh tế thì vẫn là tỷ phú Donald Trump! Bà Hillary Clinton mà leo vào chốn ấy thì… eo ơi.

Số là nói về quan hệ ngoại thương của Hoa Kỳ với Trung Quốc, ứng cử viên bạo miệng The Donald bèn hiếp dâm ngôn ngữ và dùng ngay chữ… hiếp dâm - rape.

“Không thể tiếp tục để Trung Quốc hãm hiếp nước ta, là điều họ đang làm”. Lý do chỉ vì kinh tế Mỹ bị nhập siêu, là nhập cảng nhiều hơn xuất cảng, với kinh tế Trung Quốc. Thật ra, tư tưởng có màu sắc tình dục ấy lởn vởn trong đầu Donald Trump từ lâu: ông nói ra chuyện hãm hiếp khi thăm một doanh nhiệp sản xuất chiến cụ tại New Hampshire vào năm 2011.

Nhưng dù rằng đấy cũng là đề tài ăn khách, bài này không có mục đích dùng tâm phân học tìm hiểu những ẩn ức sinh lý của một ứng cử viên!  Như tên gọi của cột mục, bài này sẽ nói về “kinh tế cũng là chính trị”. Hiền khô.


Quả thật là sau khi mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2000, Hoa Kỳ nhập cảng nhiều hơn từ Trung Quốc và bị nhập siêu ngày một cao. Nhưng đấy chỉ là sự chuyển dịch trong quan hệ ngoại thương với các nước, vì Mỹ đạt xuất siêu với nhiều xứ khác khi kinh tế Trung Quốc trở thành hãng xưởng toàn cầu, chuyên trị về sản xuất và các mặt hàng tiêu dùng về công nghiệp nhẹ khiến các nước kia phải thay đổi cơ cấu sản xuất qua chuỗi cung ứng là mua từ đâu, làm gì và bán đi đâu. Thứ nữa, trong các món hàng dán nhãn Made in China, và mua từ Trung Quốc, có tới 60% là công lao – hay lợi nhuận - của doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Hoa lục.

Dù sao, việc Hoa Kỳ bị nhập siêu với Trung Quốc cũng là vấn đề chính trị, được hâm nóng mỗi khi có bầu cử, hai năm hay bốn năm lại nổi một lần. Và việc chính giới Hoa Kỳ nêu thành vấn đề cũng có lợi vì phần nào giới hạn được các thủ đoạn tà ma của Bắc Kinh như yểm trợ doanh nghiệp nhà nước với lãi suất rẻ hoặc bán hàng với giá bèo nhờ hối suất thấp của đồng bạc.

Nhưng từ đó mà la toáng rằng Mỹ bị Tầu hiếp thì chẳng biết Donald Trump có học võ bà… Phó Đoan trong truyện Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng hay chăng!

Xin hãy nói về bối cảnh kinh tế đã. Sau vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 khiến kinh tế Âu-Mỹ bị suy trầm khi Nhật chưa ra khỏi nạn suy sụp từ năm 1993, thế giới bị nạn Tổng suy trầm 2008-2009 với hậu quả là số tổng cầu sút giảm. Vì vậy, xứ nào sống nhờ xuất cảng, với tỷ trọng cao của xuất cảng trong Tổng sản lượng GDP, thì xứ đó bị khốn. Thế rồi, cũng do cuộc cách mạng về thuật lý (technology) khai thác dầu khí, Hoa Kỳ còn thành đại gia sản xuất dầu, làm cho chênh lệch cung cầu về dầu khí càng nghiêng đổ và giá dầu tuột dốc, từ hơm trăm bạc một thùng nay chỉ còn 40 đồng. Các nước xuất cảng dầu thô lại càng khó sống. Nói chung, các nước xuất cảng thương phẩm, như nguyên nhiên vật liệu hay kim loại và nông sản, thì dễ chết vì thương phẩm mất giá.

Tóm lại, đấy là cuộc khủng hoảng của các nước xuất cảng.

Trong số này, vò một chục quốc gia là nạn nhân, xếp loại theo mức xuất cảng và ngành xuất cảng, là Trung Quốc, Liên bang Nga, Saudi Arabia, Nam Hàn, Úc, Zambia, Angola, Nigeria, Nam Phi và cả Mông Cổ. Bên cạnh đó, có năm nước đang bị rủi ro lớn cũng vì quá lệ thuộc vào xuất cảng mà chưa là nạn nhân vì còn có thể xoay trở là Đức, Chile, Đài Loan, Azerbaijan và Turkmenistan. Còn Venezuela và Brazil thì đang bị khủng hoảng chính trị nên dù có xuất nhập gì thì cũng chẳng bình an.

Nạn nhân bị nguy ngập nhất chính là Trung Quốc, thủ phạm của một vụ hiếp dâm trong đầu của Donald Trump. Thế còn nạn nhân của chuyện cưỡng bức là Hoa Kỳ thì sao?

Hoa Kỳ là người vắng mặt lẫy lừng trong vụ khủng hoảng này vì xuất cảng chỉ chiếm có 13,5% của Tổng sản lượng mà 40% của số hàng xuất ra ngòai là bán cho Canada và Mexico. Mặt chăn gối bên kia là nước Mỹ có sức tiêu thụ rất cao, chừng 70% Tổng sản lượng mà chủ yếu tới gần 88% lại tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ do mình sản xuất lấy, kể cả các món hàng dán nhãn Made in China do doanh nghiệp Mỹ nhờ nhân công Trung Quốc ráp chế hộ. Vì ít lệ thuộc vào xuất cảng nên kinh tế Hoa Kỳ hồi phục nhanh hơn các nước công nghiệp tiên tiến Âu Mỹ Nhật. Nhanh hơn mà chưa mạnh thì tại lý do chính trị, xin tạm gác ra khỏi chuyện hãm hiếp kinh tế này.

Đâm ra, phải chăng doanh gia Donald Trump không nhìn thấy hai chuyển động trái chiều? Một là Trung Quốc vẫn còn lệ thuộc vào kinh tế bên ngoài nên mới tơi tả xiêm y. Còn Hoa Kỳ thì tương đối được che chắn nhờ khả năng tự cung tự cấp nên vẫn sướng rêm mé đìu hiu của thiên hạ. Đã nói về xuất nhập bình an thì xin thêm rằng một đại gia về xuất cảng – và mẫu mực năm xưa của Bắc Kinh – là Nhật Bản thì đã biết thân biết phận mà đổi chiến lược: xuất cảng Nhật chỉ còn chiếm 16% của GDP.

Bảo rằng Donald Trump không nhìn thấy khác biệt Mỹ-Tầu mà lầu bầu về nạn hãm hiếp thì e là sai. Đã làm giàu trong lãnh vực địa ốc ở nhiều nơi, ông ta phải biết về nạn tẩu tán tài sản của Trung Quốc khi các đại gia có tiền và có quyền đang tìm bãi đáp ở nước ngoài và bơm tiền vào khu vực địa ốc của Canada, Úc, và cả Hoa Kỳ. “Đất lành chim đậu” là một thành ngữ mà Ta Tầu gì đều hiểu. Trong cõi đất lành ấy, có những khoảnh đất nào của Trump thì ta chưa biết!

Đâm ra, thủ vai ứng cử viên “phi chính trị” và khinh thường các chính khách, Donald Trump giỏi võ ngang tầm Vi Tiểu Bảo. Ông biết ve vuốt mọi bất mãn của cử tri với cách phát ngôn sống sượng làm nhiều ngưởi hể hả. Thành phần không theo kịp đòi hỏi của cạnh tranh thì có thể mất việc hoặc đành phải lãnh lương thấp và hậm hực oán ghét tiến trình toàn cầu hóa.

Họ được Donald Trump bốc lên ngai ái quốc khi nước Mỹ bị quân Tầu hãm hiếp! Đấy là khía cạnh kinh tế của “chủ thuyết” Trump đang dần dần thành hình với cái nhãn “Hoa Kỳ Trên Hết”.

Chúng ta đã quá thất vọng với các chính khách chuyên nghiệp vì chuyện hứa hẹn và thỏa hiệp kinh niên của họ để tái đắc cử. Lần này, năm nay, mình có một nhân vật phi chính khách với khả năng hứa hẹn còn cao cấp hơn. Mà nói cho công bằng hay hợp tình hợp lý, trước thái độ ngang ngược của Bắc Kinh, nếu ông Trump thổi được một phong trào chống Tầu trong dư luận Mỹ thì mình cũng chẳng nên than!

Có khi còn biếu thêm cái quạt để chàng quạt cho tắt bếp Thiên Tào! Nếu chàng thành công, ta sẽ thấy đồng Nguyên thành đồng sứt trong một trận chiến ngoại tệ kinh hồn. Và đấy là lúc bà con ta nên… mua vàng. 

3 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa,
    Quan điểm Trump về kinh tế là quan điểm cánh tả một cách rõ ràng, như ủng hộ tư tưởng bảo hộ mậu dịch lỗi thời ở trên. Thực chất có khác gì với những đả phá của Bernie Sanders hay Hillary Clinton.
    Vấn đề là vào thời điểm này thì nó lại hốt phiếu. Ví dụ như cháu có vài người bạn, cánh hữu tức là ủng hộ tự do kinh tế (nhưng không đi kèm với bảo thủ xã hội) vẫn ủng hộ Donald Trump trong khi vẫn biết ông này toàn mị dân về các vấn đề kinh tế.
    Vậy mới lấy làm khó hiểu cho tâm lý của con người.
    Cháu xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ông Trump giành được sự ủng hộ cao vì ông này hiểu được thể thức bầu cử Mỹ , hiểu được mong muốn của cử tri bên Cộng hòa trong những vấn đề đối nội và đối ngoại của nước Mỹ. Ông Trump đáp ứng được những mong muốn đó nên cử tri bầu cho ông ta

      Còn chuyện nếu ông Trump lên làm Tổng thống thì là chuyện khác, ông ta có thể hứa nhưng việc thực hiện là chuyện khác " chính trị là nghệ thuật của sự có thể "

      Xóa
  2. Theo mình thì: Không phải lúc nào ta cũng đào được ông/bà chính trị gia nào đó mà 100% chính sách giống mình được. Họ cân nhắc thiệt hơn. Có thể là họ chống về các lí luận kinh tế nhưng lại ủng hộ về các lí luận xã hội như kì thị chủng tộc chẳng hạn

    Trả lờiXóa