Thứ Ba, tháng 11 15, 2011

Đi Tìm Nền Tự Chủ

Nguyễn Xuân Nghĩa và Đinh Quang Anh Thái Ngày 20110126
Trong "Giờ Giải Ảo" phát thanh ngày 100510


Nền tự chủ và mối nguy của viện trợ...



ĐQAThái:  Đây là Giờ Giải Ảo với ông Nguyễn Xuân Nghĩa, phát thanh mỗi tối Thứ Ba trên băng tần 1190AM của NVR, trên mạng lưới điện toán kxmx.com và trang nhà của nhật báo Người Việt. Xin kính chào ông Nghĩa cùng quý thính giả gần xa.
 
Thái: Kính thưa quý thính giả, trong buổi ra mắt cuốn sách "Tâm Tư Tổng Thống Thiệu" của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng vào ngày Chủ Nhật 16 tháng Năm 2010 vừa qua tại Rose Center của thành phố Westminster, ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã được mời lên giới thiệu. Trong phần dẫn nhập, ông dí dỏm nói tới hai điều ông gọi là "truyền thống" mà chúng tôi hiểu là trong ngoặc kép. Đó là theo truyền thống Mỹ thì phải mở đầu bằng một câu chuyện diễu để cử tọa được thư giãn. Và ông diễu luôn là theo truyền thống của nhiều người  Việt trong chúng ta là khi giới thiệu sách của người khác thì... nói về mình. Rồi ông nói về một kinh nghiệm của ông liên hệ đến một đề tài trong cuốn sách là khoản tài sản của Việt Nam Cộng Hoà vào lúc hấp hối và bị Mỹ cúp viện trợ.

Thưa quý thính giả, khoảng hai chục năm trước, một số doanh nghiệp Mỹ đã vận động Quốc hội Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận và tiến đến việc bang giao với Hà Nội. Các doanh nghiệp này muốn biết khoản tài sản bằng ngoại tệ mà Chính quyền Việt Nam Cộng Hoà ký thác trong ngân hàng Mỹ có là tài sản của Việt Nam mà chế độ Cộng sản tiếp thu hay là viện trợ của Chính phủ Mỹ. Chúng tôi thấy câu chuyện này rất lý thú nên hôm nay đây, xin hỏi ông Nghĩa về việc đó.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi làm bộ cười cười nói chuyện cũ mà thật ra muốn khóc! 

- Ta cứ lầm tưởng rằng tư bản hay tài phiệt là chống cộng mà ít biết rằng họ đã kín đáo vận động việc bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế từ hai chục năm trước để có cơ hội làm ăn tại Việt Nam. Và một số doanh nghiệp Mỹ sở dĩ nêu câu hỏi với tôi về chủ quyền của khoản tài sản nằm trong các ngân hàng Mỹ là của Việt Nam Cộng Hoà hay là của Mỹ vì họ muốn lấy lại phần tài sản họ đã mất tại Việt Nam sau năm 1975. Họ đòi ưu tiên được bồi thường sự mất mát từ khoản tiền mà Việt Nam Cộng Hoà ký thác tại Mỹ đã bị chế độ Hà Nội lấy mất, trước khi Chính quyền Mỹ trả lại phần tài sản ấy cho Hà Nội sau khi thanh toán hết nợ nần. Xuyên qua câu chuyện này là sự tinh ma của doanh trường và chính trường Hoa Kỳ!

- Câu chuyện dẫn nhập của tôi nhằm giới thiệu Chương Sáu trong cuốn sách của ông Nguyễn Tiến Hưng khi nói về sự xoay trở chật vật của miền Nam lúc bị Quốc hội Mỹ cột tay và cúp viện trợ. Dân ta ít biết vụ tài sản ấy vào năm 1975, rồi còn có kẻ cho là ông Thiệu đã lén bỏ túi đem đi 16 tấn vàng! Ngoài nhân viên của Ngân hàng Quốc gia, cũng ít người biết rằng ngoài kho dự trữ vàng, Việt Nam Cộng Hoà còn có dự trữ ngoại tệ và tài sản ấy không là một số giấy bạc cất vào kho mà thật ra do Ngân hàng Quốc gia quản lý và bảo vệ giá trị bằng cách đầu tư hay ký thác ra ngoài. Sau này, các doanh nghiệp Mỹ mới tìm cách lấy lại sự mất mát của họ tại miền Nam, tính theo lãi kép (compound interest) từ 1975, trước khi khối tài sản ấy được trả lại cho Hà Nội.

- Khi nhớ lại vậy và tìm đọc cuốn sách của ông Nguyễn Tiến Hưng, có lẽ ta sẽ hiểu rõ hơn nỗi khó khăn của miền Nam vào bốn năm từ 1972 đến 1975. Từ Mùa Hè Đỏ Lửa và chiến cuộc tại Quảng Trị đến vụ khủng hoảng dầu khí tại Trung Đông năm 72 và hoàn cảnh ngặt nghèo về kinh tế của chúng ta khi Hoa Kỳ gây áp lực từ nhiều mặt... Đã đến lúc ta cần tự giải ảo...

Thái: Bây giờ, ta sẽ đi vào đề mục chính của câu chuyện kỳ này. Thưa quý thính giả, trong phần hỏi đáp khi ra mắt cuốn sách của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, có người đã nêu câu hỏi là vì sao lãnh đạo Việt Nam không có kế hoạch nhằm giảm thiểu sự lệ thuộc của miền Nam vào Hoa Kỳ. Là một chuyên gia về kinh tế của chế độ cũ, ông nghĩ sao về câu hỏi này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin lại nói về chuyện giải ảo!

- Trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, có hai nhân vật ta nên nhớ đến tên tuổi. Người thứ nhất là con trai một tài phiệt Mỹ, lại có quan hệ kinh doanh với Hitler nên tài sản bị sai áp trong thời chiến. Sau này ông thành Thống đốc New York và nhà ngoại giao có thế giá của đảng Dân Chủ trong các Chính quyền Kennedy và Johnson. Đó là Averell Harriman. Người kia là ông Henry Kissinger mà nay thì ai cũng biết. Harriman là người thực sự chủ xướng việc lật đổ Tổng thống Diệm năm 1963 y như Kissinger là người chủ xướng việc bức tử miền Nam năm 1975.  

Thái: Ông vừa nêu ra hai thí dụ gây rợn mình. Chuyện Kissinger cột tay Miền Nam thì ngày nay chúng ta đã biết. Thế còn vai trò của Harriman là như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đối với cục diện Việt Nam, Hoa Kỳ có những mục tiêu mâu thuẫn vì những quan hệ toàn cầu rất đa diện của họ, là điều chúng ta đã đề cập tới trong nhiều chương trình trước để mình tự giải ảo. 

- Bây giờ, hãy nhìn lại một mâu thuẫn trong chín năm giữa Hiệp định Genève 1954 đã cắt đôi miền Nam và Hiệp định Genève 1962 ký kết ngày 23 tháng Bảy năm 1962 đã trung lập hóa nước Lào. Cùng Liên Xô, Hoa Kỳ là đồng chủ tịch của hội nghị quốc tế Genève năm 1961-1962 và Phụ tá Ngoại trưởng Đặc trách Viễn Đông sự vụ Harriman là trưởng phái đoàn Mỹ. Ngay từ thời ấy, ông đã bị một điệp viên Liên Xô đào thoát qua Mỹ là Anatoliy Mikhaylovich Golitsyn tố giác là hoạt động cho Liên Xô mà không bị hề hấn gì.

- Harriman chủ trương hòa giải với Liên Xô bằng cách... hy sinh miền Nam. Vì vậy, ông đồng ý với Liên Xô việc trung lập hóa nước Lào, là điều mà hai ông Diệm và Nhu kịch liệt chống đối vì vị trí địa dư chiến lược của Lào khi Bắc Việt đã có kế hoạch tấn công miền Nam ngay từ Hiệp định Genève 1954. Với thái độ kênh kiệu, chẳng thua gì Robert MacNamara sau này, Harriman không chấp nhận được việc Việt Nam dám rút khỏi Hội nghị Genève nên khi làm Thứ trưởng Ngoại giao Đặc trách về Chính sách đã kín đáo vận động Chính quyền Kennedy lật ông Diệm. 

- Harriman mới thật sự là tác giả bức công điện bi thảm ngày 24 tháng Tám 1963 từ Washington DC gửi cho Đại sứ Henry Cabot Lodge ra lệnh đảo chánh ông Diệm mà sau này Tổng thống Kennedy rất ân hận đã để xảy ra. Đại sứ Frederick Nolting tại Việt Nam thì chống lại việc ấy nên bị thay thế. Cuốn hồi ký của ông Nolting năm 1988 "From Trust to Tragedy: The Political Memoirs of Frederick Nolting, Kennedy's Ambassador to Diem's Vietnam" có kể lại chuyện này.

- Nhìn lại, ta thấy rằng đáng lẽ, con cờ Việt Nam đã bị thí từ thời đó khi Hoa Kỳ cần đổi chác với Liên Xô. Sau này, con cờ Việt Nam quả nhiên là bị thí khi Hoa Kỳ cần đổi chác với Trung Quốc vào năm 1972. Trong cả hai trường hợp, người Cộng sản tưởng thắng lớn mà thật ra là làm Việt Nam thua đậm là chuyện chúng ta thấy ngày nay khi làm xứ sở tan hoang vì chủ nghĩa cộng sản và chiến tranh tương tàn rồi bây giờ là con cá nằm trên cái thớt của Trung Quốc. Nhìn lại thì cái tội của người Cộng sản ngay từ thời Hồ Chí Minh mới là vấn đề!

- Cũng nhìn lại, khi Mỹ quyết định hy sinh miền Nam và gây bất ổn để lật ông Diệm thì nhiều người Việt làm con cờ cho họ mà tưởng là hay! Bây giờ, sống trên đất Mỹ thì ta nên tìm hiểu thêm về sự kiện ấy để khỏi rơi vào trò hoang tưởng nếu nghĩ là nhờ Hoa Kỳ mà Việt Nam sẽ có tự do dân chủ hay độc lập. Chỉ người Việt Nam mới làm được chuyện đó cho người Việt thôi và đừng dại dột bỏ tù họ.

Thái: Quý thính giả đang theo dõi chương trình "Giờ Giải Ảo" với ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Chúng tôi xin sẽ trở lại sau phần thông tin thương mại...

Thái: Ông vừa nêu hai trường hợp đáng suy ngẫm là chuyện đổi chác của Hoa Kỳ với Liên Xô dưới thời Kennedy bên đảng Dân Chủ rồi với Trung Quốc dưới thời Nixon bên đảng Cộng Hoà. Bây giờ, chúng ta bước qua câu hỏi thứ hai là vì sao lãnh đạo Việt Nam không có một kế hoạch thay thế nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào Hoa Kỳ, cụ thể là vào sự viện trợ của Mỹ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Bây giờ nhìn lại thì ai cũng có thể nêu câu hỏi ấy và quy trách cho giới lãnh đạo của miền Nam. Nhưng chúng ta nên nhìn rộng ra bối cảnh của vấn đề thì sẽ thấy ra hoàn cảnh của đất nước để tự giải ảo.

- Thứ nhất, lãnh đạo của miền Nam làm sao có thể xúc tiến việc cần thiết ấy khi lãnh đạo của miền Bắc triệt để theo đuổi việc bành trướng chủ nghĩa cộng sản trên cả nước và trên toàn cõi Đông Dương lẫn khu vực Đông Nam Á, là nhiệm vụ mà Hồ Chí Minh đã nhận từ khi là cán bộ của Đệ tam Quốc tế Komintern? Thứ hai, Chính quyền Ngô Đình Diệm có thấy ra chuyện này và thật sự muốn giới hạn sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam vì vậy mới bị lật đổ. Chúng ta không nên quên sự thật ấy và cần đánh giá lại chế độ của ông Diệm khi so sánh với những gì xảy ra tại miền Bắc vào cùng thời kỳ. Một chế độ thật sự tay sai và còn độc tài, hà khắc gấp bội. Bà con miền Bắc cứ tưởng rằng đó là vì độc lập, khi hiểu ra thì đã quá trễ và đành cúi đầu tiến lên xã hội chủ nghĩa mà chẳng ai biết là gì, kể cả người Cộng sản!

- Thứ ba là trong hoàn cảnh chiến tranh ngặt nghèo mà miền Nam phải chịu đựng suốt 21 năm từ 1954 đến 1975, làm sao mà các chính quyền của Sàigon có thể tiến hành chánh sách tự túc kinh tế mà bây giờ ai ai cũng cho là cần thiết và đáng lẽ lãnh đạo phải nghĩ ra? Vì thời lượng có hạn, tôi xin khỏi lấy vài thí dụ về lúa gạo hay nhà máy lọc đường,  phân bón, v.v. mà nhắc lại một kinh nghiệm bản thân. Người Tây hay nói rằng "cái tôi đáng ghét", nhưng là cái tôi của kẻ khác cơ.

- Tôi đọc lại cuốn Tập san Quốc phòng số 33 của tháng Ba năm 1973 với chủ đề về Hiệp định Paris ký ngày 27 tháng Giêng năm 1973 thì thấy là nhiều tầng lớp ưu tú của chúng ta tại miền Nam lúc ấy chưa hiểu gì nhiều. Tôi chỉ xin đọc đề tựa một số bài trong tờ báo này thì mình biết:

- Ông bạn tôi là Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thì viết về "Một cái nhìn phân tích về các vấn đề ngoại chính của Bắc Việt". Kỹ sư Âu Ngọc Hồ, một chuyên gia kinh tế, thì viết về "Triển vọng đầu tư ngoại quốc tại Việt Nam". Về Hiệp định Paris, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và Ngoại trưởng Vương Văn Bắc đưa ra một số nhận định lạc lõng. Nhà báo và nhà bình luận Nguyễn Mạnh Côn viết về "Hòa bình... nghĩ gì, làm gì?" Duy nhất một người nêu ra cái nhìn bi quan là một cây bút quân đội ký tên là Sao Bắc Đẩu, dưới tựa đề "Hiệp định Ba Lê dưới nhãn quan của một người lính". Có lẽ đấy là bút hiệu của Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh.

- Thật ra, 10 năm trước đó, vào năm 1963, chúng ta cũng chưa hiểu gì. Sau khi Mỹ bất thần đổ quân vào Đà Nẵng mình cũng không hiểu và sau khi ký kết Hiệp định Paris cũng thế!

Thái: Quả thật như vậy, nếu nhớ lại thì có ai trong chúng ta vào thời ấy mà hiểu được những khó khăn của miền Nam và báo chí tự do của thời ấy thường xuyên đả kích chính phủ về các vấn đề kinh tế trong khi nhiều người hồ hởi xây nhà cho Mỹ thuê, mở bar cho lính Mỹ giải trí... rồi tin rằng Mỹ sẽ không bỏ Việt Nam, nhất là sau khi đã tìm ra dầu hỏa ngoài thềm lục địa.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đúng thế, trước đấy, nhiều người còn phó thác việc bảo vệ miền Nam cho những ai không may phải nhập ngũ, phần mình thì cứ thoải mái làm giàu tại hậu phương vì tin chắc rằng Hoa Kỳ không khi nào bỏ rơi miền Nam. Vào dịp khác, tôi xin đề cập tới một vấn đề khá chuyên môn là những ràng buộc của hệ thống viện trợ Hoa Kỳ. Bản thân tôi thì cho là liều thuốc đổ bệnh và rất lo khi thấy quốc gia nào bập vào viện trợ Mỹ vì viện trợ đó phải chủ yếu phục vụ quyền lợi của Hoa Kỳ mới được Quốc hội Mỹ thông qua, và khiến cho nền kinh tế của xứ đó không phát triển được mà còn dễ gây ra nạn tham nhũng trong chính quyền được cấp viện.

- Trong một dịp khác, ta sẽ nói đến chuyện tẹp nhẹp mà hấp dẫn là tham nhũng trong hệ thống viện trợ của Hoa Kỳ, nhưng ở đây thì chỉ nhắc đến tấm gương đáng học của Đài Loan, Nam Hàn.

- Đài Loan đã có kinh nghiệm với Hoa Kỳ từ thời chiến tranh Quốc Cộng tại Hoa Lục khi Tưởng Giới Thạch bị Mỹ bỏ rơi năm 1947 nên từ thời 1960 đã ráo riết thi hành chiến lược kinh tế nhằm thoát khỏi viện trợ Mỹ và thành công. Miền Nam ta vào thời ông Diệm cũng muốn như vậy mà không thành vì chế độ bị lật đổ và chiến tranh lan rộng. Nam Hàn cũng hiểu ra điều ấy và cố gắng tự lực cánh sinh trong khi chiến tranh lan rộng tại miền Nam. Ngẫm lại thì nhiều quốc gia lân cận đã phát triển mạnh là nhờ chiến tranh Việt Nam và chính là cuộc chiến này đã mua thời giờ cho họ và cứu họ khỏi thảm họa cộng sản. Chúng ta thì gặp cả thảm họa cộng sản, chiến tranh và thảm kịch của viện trợ Mỹ lẫn nguy cơ bá quyền Trung Quốc!

- Chúng ta vẫn chưa tự giải ảo vì ngày nay, nhiều người ở ngoài này cũng thoải mái cộng tác với chế độ ở nhà thay vì giúp cho người dân, với lý do là Mỹ đã hợp tác với Hà Nội thì chẳng lẽ ta lại "chống cộng hơn Mỹ", bảo hoàng hơn vua? Nhiều người ở trong nước thì vẫn trông chờ là nhờ có Mỹ mà Việt Nam sẽ có dân chủ và được bảo vệ khỏi sức ép của Trung Quốc.... Tội nghiệp!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét