Từ trên đầu là doanh nghiệp nhà nước
Cách đây một tháng, Hội nghị kỳ ba của Ban Chấp Hành Trung Ương Khóa XI của Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã “nhất trí” quyết định cải tổ nền kinh tế trong ba lãnh vực là đầu tư, thị trường tài chánh và doanh nghiệp nhà nước. Ðèn xanh của hệ thống đèn đỏ đã bật....
Nhiều người ở trong và ngoài nước, trong và ngoài đảng, cho rằng việc “tái cơ cấu” phải có mục tiêu và nội dung triệt để y như công cuộc “đổi mới” vào cuối năm 1986. Lý do là kinh tế đang ở vào khúc quanh nguy ngập nhất....
Hãy nói về khúc quanh đó trước.
***
Giữa cảnh eo xèo nhân thế của kinh tế toàn cầu, Việt Nam dẫn đầu Châu Á về lạm phát. Ðồng bạc mất niềm tin nên mất giá và gây biến động trên mọi thị trường chợ đen chợ đỏ. Dự trữ ngoại tệ bị bào mỏng và xứ này lại trôi vào con dốc Hy Lạp: vay mượn ngoại quốc quá nhiều. Gánh ngoại trái thực tế là bao nhiêu thì chưa thể nhất trí, 40, 42 hay 57% Tổng sản lượng Nội địa? Lý do là nhiều khách nợ chưa thành thật khai báo với nhà nước, mà toàn là loại khách nợ có thế giá vì là doanh nghiệp cũng của nhà nước.
Sau nhiều hy vọng về một xứ có gần 90 triệu dân cần cù khả dĩ thay thế thị trường Trung Quốc đã gặp vấn đề, giới đầu tư quốc tế nay lại hoài nghi: đầu tư ngoại quốc giảm hơn 20% và cả ba công ty lượng cấp tín dụng đều đánh sụt mức khả tín của trái phiếu Việt Nam xuống loại thấp của giấy lộn junk bond. Nếu đi vay thì còn trả lãi cao hơn.
Mà chuyện trả lãi là nỗi đau đầu của các ngân hàng lẫn khách nợ và các con bạc hấp hối trên thị trường tín dụng đen, vay lãi cắt cổ. Người ta bèn xù nợ và viễn ảnh vỡ nợ của ngân hàng đã là thời sự. Trong nước, người ta nói đến cảnh “chết lâm sàng” - nhiều cơ sở sản xuất chỉ là xác chết chưa chôn.
Vì sao nên nỗi?
***
Sau giai đoạn hồ hởi sảng nhờ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từ 2007, Việt Nam hốt hoảng khi kinh tế toàn cầu bị vụ Tổng suy trầm 2008-2009.
Trước viễn ảnh đó, lãnh đạo lại học phép Trung Quốc mà tăng chi và ào ạt bơm tín dụng. Uyên bác là tăng chi để nâng mức đầu tư sản xuất. Nôm na là cho kinh tế uống thuốc bổ để vẫn tăng trưởng với tốc độ rồng cọp. Nhưng cơ thể kinh tế vốn là con bệnh và toa thuốc là của lang băm: chủ yếu tăng chi qua hệ thống doanh nghiệp nhà nước, và bơm tín dụng cũng trước tiên vào doanh nghiệp nhà nước.
Nhờ thế lực của đảng và nhà nước, doanh nghiệp nhà nước bung khỏi chức năng nguyên thủy mà lập ra chi chánh hay vệ tinh để cùng nhau kinh doanh bất cẩn. Tập đoàn chiến lược của nhà nước có thể mở ngân hàng hoặc công ty chứng khoán để tung hoành trong thị trường bất động sản hay cổ phiếu. Mỗi lần úp mở là một lần bốc hốt. Tức là trên bảo đầu tư, dưới bèn đầu cơ - và thổi lên bong bóng.
Lạm phát bùng nổ trong cảnh suy trầm kéo dài khiến bóng bể và người người vỡ nợ.
Bộ máy nhà nước bèn lật đật chạy theo để cấp cứu nhưng chỉ trong khả năng nhất định - vốn dĩ không cao - lại bị giới hạn bởi những đòi hỏi vô hình mà mãnh liệt ở trên. Của các đại gia quốc doanh, từ tập đoàn kinh tế nhà nước đến các tổng công ty đều có thần thế đằng sau. Là giới lãnh đạo.
Vòng tròn vốn là sự kỳ diệu: chạy mãi thì ta trở lại chốn cũ. Ðó là vai trò của doanh nghiệp nhà nước, hoặc cao cả hơn thế, là “định hướng xã hội chủ nghĩa.” Vòng luẩn quẩn cũng có sự kỳ diệu của nó: chặt đứt bất cứ một điểm nào đó cũng có thể chấm dứt luân hồi! Vấn đề là có dám chặt không?
Mà ai chặt ai trong trò đuổi bắt “xin-cho” ấy?
***
Việc “đổi mới kỳ hai” - nói theo chữ nghĩa hiện đại - sẽ lâm bế tắc và chuyện “tái cơ cấu” khó có kết quả nếu chỉ nhắm vào hai khu vực là đầu tư và thị trường tài chánh mà không dám đụng vào vòng xoáy của doanh nghiệp nhà nước.
Số là sau vụ khủng hoảng của hệ thống Xô Viết và lề lối tập trung kế hoạch, Việt Nam chỉ thực sự đổi mới từ năm 1991. Vì vậy, sau năm 1992, Việt Nam được quốc tế viện trợ và khuyến cáo là phải tiến hành cải cách doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể là tách rời hai chức năng đầu tư và quản lý. Chủ đầu tư là nhà nước phải giảm dần để chấm dứt sự can thiệp vào việc quản lý. Mục tiêu sau cùng và quan trọng nhất là xây dựng nền tảng sản xuất khác, vận hành theo quy luật thị trường, với quyền tài phán của kế toán là lời lỗ.
Vì thế, việc tách rời hai chức năng đó chỉ là bước đầu, gọi là “cổ phần hóa,” để tiến tới “tư nhân hóa.” Trong đà phá sản của hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước, từ năm 1992, Việt Nam khởi sự “cải cách doanh nghiệp” và dừng chân ở ngưỡng cửa tư nhân hóa, một khái niệm của lề trái, không phải đạo. Lý do cũng dễ hiểu: Ý thức hệ.
Thực tế hơn, lý do là vụ tàn sát Thiên An Môn năm 1989 tại Trung Quốc và sự tan rã của hệ thống Xô Viết vào cùng thời điểm. Vì vậy, từ 1991, Việt Nam đổi mới theo mô thức Trung Quốc. Sau vụ khủng hoảng Thiên An Môn 1989, Ðặng Tiểu Bình tiếp tục cải cách, nhưng theo khuôn khổ nhất định là trong nền kinh tế nhiều thành phần, thành phần quốc doanh vẫn giữ thế chủ lực.
Ðó là “xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc.” Qua Việt Nam thì đó là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Cho nên, việc cải cách doanh nghiệp khởi sự từ năm 1992 chỉ như kiến bò miệng chén, trong vòng “phải đạo.” Nó chạy song hành với một vòng luẩn quẩn khác là cải cách hàng chánh, với sự cấm kỵ tuyệt đối của tiến trình “tách đảng ra khỏi nhà nước.” Hai vòng xoáy đó ôm nhau trong trạng thái biện chứng - vì bản chất hữu cơ.
Mà vòng tròn ấy còn bị thu hẹp dần...
***
Học theo Trung Quốc, vốn cũng học lại từ Nam Hàn, là quốc gia đã học Nhật Bản, Việt Nam mơ ước xây dựng hệ thống sản xuất như các “chaebols” Hàn Quốc hay “keiretsu” Nhật Bản làm đầu máy phát triển. Việc cải cách doanh nghiệp bị khựng và thoái trào từ năm 2006 với sự hình thành của các tập đoàn kinh tế chiến lược của nhà nước.
Chúng giữ vai chủ đạo và bao trùm lên hệ thống quốc doanh, chúng phát triển ra cơ sở có danh nghĩa là tư doanh, thực chất là của tay chân thân tộc các đại gia. Chúng tung hoành vô tội vạ dưới sự bảo vệ của đảng. Với tài sản rất cao, chúng tạo ra rất ít của cải cho kinh tế quốc dân, nhưng là trung tâm phúc lợi của một thiểu số, một hình thức tham nhũng được định chế hóa.
Mà đấy chỉ là cái ngọn.
Xứ nào cũng có tham nhũng, hiện tượng nảy sinh trong khu vực tiếp cận với bộ máy nhà nước, và trở thành bất trị khi nhà nước có quá nhiều quyền. Vì vậy, tham nhũng là sự thoái hóa tất yếu trong một xứ độc tài. Nhưng tại Trung Quốc và Việt Nam, hệ thống tham nhũng còn chi phối được chánh sách kinh tế quốc dân để ban hành và suy diễn luật lệ sao cho các đại gia chiếm hữu được tối đa đặc lợi nhờ đặc quyền của đảng.
Ðấy là cách giải thích khác về những lệch lạc trong chánh sách kinh tế của Việt Nam.
Xứ này không phải là không có kinh tế gia am hiểu vấn đề. Nhưng họ không thể làm gì hơn là than vãn. Vì chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc và bí thư đảng trong doanh nghiệp nhà nước phải là đảng viên. Cơ sở càng lớn thì càng do đảng viên cao cấp điều động, do Ban Tổ chức Trung ương đưa vào để... xây dựng Xã hội Chủ nghĩa.
Cho nên, đổi mới vẫn là hão huyền nếu không đổi mới cái đầu. Biểu hiệu đầu tiên là từ hệ thống quốc doanh trở xuống.
Ôi đất nước này không biết đi đâu về đâu! Cuộc sống càng ngày khó khăn hơn mà chả thấy có tương lai đâu cả!
Trả lờiXóaKính chào bác Nghĩa!
Trả lờiXóaTheo tôi chỉ thay đổi được hệ thống quốc doanh đặc quyền, đặc lợi khi nào hệ thống chính trị thay đổi đến một hình thái tiến bộ hơn.
Và cái đầu ở đây chính là hệ thống chính trị quản trị quốc gia.