Thứ Ba, tháng 11 08, 2011

Cuộc Hội Ngộ của Thế Kỷ

Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 20111106
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Hoa Kỳ tái ngộ Đông Á – và Trung Quốc - như thế nào?


* Nguyên thủ các quốc gia hội viên hoặc đang đàm phán hiện định Xuyên Thái Bình Dương *


Sau thượng đỉnh G-20 bẽ bàng tuần qua vì không có kết quả cho cuộc khủng hoảng Âu châu, tuần tới, Tổng thống Barack Obama lại phải bay qua châu Á.

Trong hai ngày 12-13, ông sẽ chủ tọa Thượng đỉnh APEC thứ 19 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương tại Honolulu gồm 21 quốc gia/kinh tế từ Đông Á qua Tây bán cầu. Sau đó, khi chính thức thăm viếng nước Úc rồi Indonesia, ông vẫn không thể quên cuộc tranh cử ở nhà và tại Bali của Indonesia trong hai ngày 18-19 sẽ dự Thượng đỉnh EAS (East Asian Summit) của 18 nước Đông Á. Đây là lần đầu mà cùng Liên bang Nga, Hoa Kỳ được mời vào thượng đỉnh, kỳ thứ sáu kể từ kỳ đầu tiên vào năm 2005.

Hai thượng đỉnh là cơ hội tái xác định bằng đề nghị cụ thể những phát biểu hùng hồn của giới chức ngoại giao, an ninh và kinh tế về chiến lược đã thông báo từ năm 2009: rằng Mỹ trở lại Đông Á.


***

Về bối cảnh, sau khi Obama nhậm chức vào đầu năm 2009, các nước Đông Á chờ đợi là Hoa Kỳ còn mất vài năm mới tạm giải quyết hồ sơ ưu tiên là Iraq, A Phú Hãn, và cả đối sách với Nga khi ấy đã chiếm lại ảnh hưởng trong khu vực địa dư cố hữu của Liên Xô. Rồi mới khả dĩ ứng phó với thách đố ở nơi khác. Một trong những thách đố là sự lớn mạnh của Trung Quốc tại Đông Á.

Thời hạn ấy đã tới.

Nếu nhìn lại thì từ 30 năm nay – từ 1983 khi luồng giao dịch qua Thái bình dương đã lần đầu vượt trọng lượng buôn bán qua Đại Tây dương – Hoa Kỳ chưa hề "rút khỏi Đông Á". Trong thập niên chú ý vào cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo và an ninh từ Địa trung hải tới rặng Hindu Kush – từ Bắc Phi qua Nam Á – hai phần ba lượng hàng hóa do hàng hải Hoa Kỳ chuyển vận vẫn nằm trên Thái bình dương và năm qua kinh tế Mỹ đã xuất cảng qua Á châu nhiều hơn Âu châu.

Dù có gây ấn tượng xao lãng, quyền lợi Hoa Kỳ vẫn gắn bó với châu Á.

Nhưng 10 năm bận rộn của Mỹ - trùng hợp với việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và phát triển mạnh nhờ hội nhập vào luồng trao đổi toàn cầu – có dẫn đến hai thay đổi lớn, từ Trung Quốc.

Về kinh tế, xứ này lệ thuộc vào bên ngoài với mức độ chưa từng có trong lịch sử. Là cường quốc lục địa có ảnh hưởng, mà chỉ có ảnh hưởng tại Đông Á, lần này, Trung Quốc lại bị bên ngoài chi phối vì phải kiểm soát được thị trường và các nguồn tiếp vận nguyên nhiên vật liệu, khoảng sản và thậm chí cả lương thực.

Nếp văn hoá duy chủng, kiêu căng và hình thức, là "minh minh đạo" – làm sáng cái đức sáng của Thiên triều – không thỏa mãn được yêu cầu sinh tử của Bắc Kinh. Xứ này cần sức mạnh, thể hiện dưới màu sắc Trung Hoa, nhờ nhờ màu hồng của hệ thống độc tài cộng sản theo kinh tế thị trường. Vì vậy mới có sự thay đổi thứ hai, từ nội bộ ra ngoài: quân đội có tầm ảnh hưởng quan trọng hơn trong hệ thống chính trị, với hậu thuẫn của xu hướng cực hữu – hay cực tả, tùy cách nhìn vào hay nhìn ra.

Xưa kia, lãnh đạo xứ này phải bảo vệ vùng sinh hoạt truyền thống của Hán tộc tại Trung Nguyên là khu vực duyên hải tương đối trù phú. Rồi kiểm soát các tỉnh kẹt trong lục địa của các dị tôc, và cần khống chế được "vùng trái độn quân sự" với bên ngoài, từ Cao nguyên Thanh Tạng qua Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và Mãn Châu. Ngày nay, và vì nhu cầu kinh tế mà họ coi là chính đáng, lãnh đạo Bắc Kinh phải mở rộng "vùng trái độn" ra ngoài biển.

Quân đội Trung Quốc có thẩm quyền và được cung cấp phương tiện kiểm soát vùng biển cận duyên quanh lãnh thổ, là biển xanh lục từ Đông hải đến vùng Đông Nam Á: "Vùng đặc quyền Kinh tế". Nhưng mục tiêu sâu xa hơn vẫn là xây dựng khả năng tung hoành viễn duyên – biển xanh dương – để bảo vệ luồng giao lưu kinh tế của mình.

Đấy là lúc sẽ có cuộc gặp gỡ của Thế kỷ 21, với siêu cường hải dương là Hoa Kỳ.

Vì quyền lợi, thì quốc gia nào cũng có thể có nhu cầu đó.

Không có tài nguyên và cần buôn bán, Nhật đã cố bảo vệ vùng biển rộng lớn từ Đông Bắc Á qua Đông Nam Á tới Ấn Độ dương vào tận Đông Phi và Trung Đông. Ấn Độ là xứ bán đảo cũng cần bảo vệ sự chuyển vận từ eo biển Malacca xuống Úc châu, qua Phi châu lên tới Saudi Arabia và Iran. Hoa Kỳ thì có khả năng viễn duyên trùm lên ngần ấy khu vực chiến lược của cả ba nước Tầu-Nhật-Ấn, chưa nói đến biển Viễn Đông hay khu vực Baltic và Viễn Tây của Nga....

Nhưng, các quốc gia theo chế độ dân chủ và tôn trọng quy tắc quốc tế, như Nhật, Ấn hay Úc và Mỹ, thì chủ trương bảo vệ quyền tự do thông thương của mọi người trên hải phận quốc tế. Trung Quốc lại không. Lãnh đạo xứ này dùng cả ngoại giao, tuyên truyền, mua chuộc và dọa nạt bằng quân sự để thể hiện quyền kiểm soát đó.

Vì vậy, các nước đều cần sức mạnh của Mỹ để bênh vực lý lẽ ngoại giao của họ trước diễn đàn quốc tế. Họ mong rằng một khi có thể gỡ chân ra khỏi hai ổ kiến lửa là Iraq và A Phú Hãn, Hoa Kỳ sẽ có thêm trọng lực thực tế - và khả tín - về quân sự để hỗ trợ ngôn ngữ ngoại giao!


***


Nói về chiến lược, xưa kia, Hoa Kỳ vẫn hợp tác với các đồng minh truyền thống tại Á châu, như Nhật, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Singapore, Thái Lan và Úc. Ra khỏi Đông Nam Á, Mỹ đã đảo ngược quyết sách và giao kết khắng khít hơn với Ấn Độ - để bảo vệ an ninh từ khu vực Hindu Kush tới Malacca. Nhìn từ Bắc Kinh thì đấy là một vòng cương toả.

Từ 2010, Hoa Kỳ nâng cấp đối tác quân sự với Indonesia, xứ Hồi giáo đông dân nhất, năm nay sẽ tổ chức Thượng đỉnh Đông Á. Song song, đã tăng cường hợp tác với Hiệp hội ASEAN của 10 nước Đông Nam Á. Còn tiến vào lưu vực Mekong với dự án viện trợ cho bốn nước ở hạ nguồn là Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam, nạn nhân của Trung Quốc trên thượng nguồn. Với chế độ độc tài quân phiệt Miến Điện có lập trường thân Bắc Kinh trong khối ASEAN, Mỹ cũng có đối sách mềm giẻo hơn, và đạt một số kết quả ban đầu làm Bắc Kinh giật mình.

Từ năm 2008, Hoa Kỳ còn hưởng ứng sáng kiến xây dựng đối tác chiến lược kinh tế xuyên Thái bình dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership). Với sự sốt sắng tham gia và xây dựng của Mỹ, vành cung bao gồm cả chục nước từ Đông Á qua Trung Nam Mỹ có hy vọng thành hình. Với Bắc Kinh, đây là cánh cung nhắm vào quốc gia không có mặt: Trung Quốc.

Diễn đàn APEC là cơ hội cho Tổng thống Mỹ đưa ra đề nghị mới để thúc đẩy sáng kiến này.

Cũng thế, Thượng đỉnh Đông Á được Malaysia khởi sướng năm 1991 để lập thế liên kết Á châu, gồm cả Trung Quốc, làm lực đối trọng với Tây phương. Nay Hoa Kỳ không đứng ngoài quan sát mà là thành viên trọn vẹn, với khả năng tác động vào nghị trình nhờ sáng kiến về an ninh. Vì vậy, tháng này, ta nên xem Tổng thống Mỹ đề nghị những gì trước hai diễn đàn APEC và EAS.


***


Người ta cứ e là Hoa Kỳ bị suy trầm kinh tế, vất vả với chuyện nội bộ trong một năm tranh cử. Nhưng Trung Quốc cũng tơ vò ngổn ngang. Kinh tế xã hội có vấn đề, và tranh luận về giải pháp lại dội vào Đại hội 18 của cuối năm tới, với nhiều mâu thuẫn quan điểm từ lớp lãnh đạo sắp đi như Ôn Gia Bảo, hay sẽ lên như Bạc Hy Lai.

Bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai ca tụng Mao Trạch Đông, đụng với Bí thư Quảng Đông là Uông Dương và đả kích tình trạng thỏa hiệp của đảng. Rất ồn! Ôn tồn hơn, Thủ tướng Ôn Gia Bảo chưa về hưu đã kêu gọi cải tổ chính trị và vừa rồi còn giảng cho sinh viên Đại học Nam Kinh rằng tổ phụ ông là nhà giáo nạn nhân trong vụ "Trăm hoa Đua nở" và chiến dịch "Phản hữu phái" của Mao. Bắc Kinh đang có sự lạ!

Thiên triều sẽ phản ứng thế nào trước những thách đố trong ngoài như vậy? Rất nên tìm hiểu....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét