Bi lạc quan về kinh tế Đông Á Thái Bình Dương
Hôm 22/11, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo cập nhật mỗi sáu tháng về triển vọng kinh tế Đông Á Thái bình dương với những dự đoán không lạc quan về hậu quả của những biến động Âu châu lẫn thiên tai cho các nước đang phát triển trong khu vực. Chúng tôi có cuộc trao đổi sau đây với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do về dự báo này, nhất là cho Việt Nam.
Thành phần "đang phát triển"
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Ngân hàng Thế giới thường có những nghiên cứu cập nhật một năm hai lần về các nền kinh tế đang phát triển trên toàn cầu. Sáng Thứ Ba 22, định chế này công bố từ Singapore bản Cập nhật về Kinh tế Đông Á và Thái bình dương. Chúng tôi đề nghị ông trình bày về tài liệu đó và sau đấy ta sẽ tập trung vào những gì liên hệ đến Việt Nam. Như mọi khi, ta sẽ lại nói về bối cảnh trước, thưa ông.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ngân hàng Thế giới thường phổ biến các phúc trình như vậy cho truyền thông và giới nghiên cứu từ nhiều ngày trước để tìm hiểu nội dung trước khi họ chính thức công bố. Vì nhiệm vụ, tôi đã phải tham khảo tài liệu trăm trang của họ. Trong hoàn cảnh bất trắc của kinh tế toàn cầu, ta cũng nên chú ý đến nhận định, dự báo và khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới.
- Thứ hai là về cách gọi tên để biết là ta đang nói chuyện gì, ở đâu. Theo định nghĩa phổ biến, danh mục các nền kinh tế "đang phát triển" hay "đang lên" tại Đông Á và Thái bình dương gồm chín quốc gia: là Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Mông Cổ, hai xứ nhỏ trong Nam Dương quần đảo là Papua New Guines và Timor-Leste, và một số hải đảo Thái bình dương. Cũng theo định nghĩa được Ngân hàng Thế giới áp dụng, loại "kinh tế vừa công nghiệp hóa" hay Newly-Industrialized Economies – mà tôi xin gọi là "Tân hưng" cho gọn - gồm có năm đơn vị là Hong Kong, Trung Quốc, Nam Hàn, Singapore và Đài Loan. Thuộc loại "có lợi tức trung bình" gồm năm nước Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Có lợi tức loại thấp thì vẫn là hoàn cảnh của Cam Bốt và Lào.
- Nói vắn tắt, trong khối này tất nhiên không có Nhật Bản là nước đã công nghiệp hóa, thậm chí "hậu công nghiệp". Còn Việt Nam là thành phần "đang phát triển", chưa tới trình độ "tân hưng", hết còn là "lợi tức thấp", mà chưa đạt mức "lợi tức trung bình" như Thái Lan hay Philippines. Nôm na thì vẫn còn nghèo, dù có dân số gần 90 triệu.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông về cách gọi tên để mong là chúng ta sẽ thống nhất khi nói đến thứ bậc kinh tế của từng nước theo quy ước quốc tế. Trở lại bản phúc trình của Ngân hàng Thế giới, đã có lúc người ta đặt kỳ vọng vào các nền kinh tế đang lên tại Đông Á vì có thể là đầu máy tăng trưởng tách biệt khỏi tình trạng sản xuất èo uột của ba khối kinh tế công nghiệp hoá là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản. Bây giờ tình hình sẽ ra sao khi cả ba khối kinh tế đó chưa hồi phục?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Quả là sự thật phũ phàng khi định mệnh kinh tế Đông Á vẫn còn giàng vào các nền kinh tế công nghiệp hóa và báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh đến yếu tố bất ổn nhất là kinh tế Âu châu trong nỗ lực cần kiệm ngân sách và tái phối trí tài chính của các ngân hàng.
Còn Việt Nam là thành phần "đang phát triển", chưa tới trình độ "tân hưng", hết còn là "lợi tức thấp", mà chưa đạt mức "lợi tức trung bình" như Thái Lan hay Philippines.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Hậu quả được nhìn thấy ở hai mặt là số cầu sút giảm, nhất là về mặt hàng chế biến, và lượng tư bản tài chính cho đầu tư tại Đông Á cũng sa sút. Trên đại thể của cả ba khối Âu-Mỹ-Nhật, người ta còn thấy một nỗ lực chung là kiện toàn chi thu ngân sách cho nên Đông Á sẽ mất nguồn lợi cố hữu là xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến và phải trông đợi vào số cầu trong nội địa, kể cả số cầu từ Trung Quốc.
- Ngoài ra, trong tình trạng có thể gọi là "họa vô đơn chí", năm nay thiên tai bão lụt lại hoành hành tại nhiều xứ Đông Á, dữ dội nhất là động đất tại Nhật Bản hồi Tháng Ba, nguy kịch nhất là Thái Lan hiện nay - chưa nói đến những gì trong đồng bằng sông Cửu Long. Cho nên Ngân hàng Thế giới dự báo là mức tăng trưởng năm nay của Đông Á sẽ giảm và còn giảm nữa qua năm tới. Bình quân là 8,2% cho năm 2011 và 7,4% 2012.
Vũ Hoàng: Khi thấy mức tăng trưởng chỉ có 1-2% của các nước công nghiệp hoá thì có lẽ những con số nói trên cũng chưa đế nỗi quá tệ, ông nghĩ sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy, đó là khía cạnh lạc quan của báo cáo, rằng Đông Á sẽ tăng trưởng chậm hơn, nhưng vẫn có tăng trưởng. Nếu không kể tới sức nặng của Trung Quốc thì tốc độ tăng trưởng bình quân của các nước đang phát triển có thể là 4,7% trong cả năm nay. Một khía cạnh đáng chú ý khác là kinh tế Trung Quốc sẽ giảm đà tăng trưởng, tức là hạ cánh nhẹ nhàng.
- Một động lực của đà tăng trưởng này của toàn khối Đông Á chính là số cầu của các nền kinh tế thuộc loại "lợi tức trung bình" như ta vừa nói ở trên. Vì các yếu tố nêu trên, ngoài nước Mỹ ra, chúng ta nên chú ý đến tình hình Âu châu là nơi mua hơn 16% số xuất khẩu của Việt Nam. Và cả khối Đông Á thì nên theo dõi việc Trung Quốc cải cách để tiêu thụ nhiều hơn vì sức tiêu thụ đó có thể là sức kéo cho các nền kinh tế khác.
Hiệu ứng Âu Châu
Vũ Hoàng: Ngoài phần dự đoán ông cho là lạc quan, hiển nhiên là Ngân hàng Thế giới cũng có những nhận định bi quan hơn hoặc nhiều khuyến cáo cho các nước trong khu vực chứ?
- Cụ thể thì đầu tư quốc tế sẽ giảm, tiền bạc đổ vào thị trường cổ phiếu Đông Á cũng vậy nên chứng khoán sẽ mất giá. Hiệu ứng Âu châu còn khiến các thị trường trái phiếu thăng giáng thất thường trước khi có hy vọng ổn định. Nhưng chính là trong giai đoạn trung hạn đó, các nước đang phát triển lại càng phải cải cách.
Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua phần khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới. Ông đọc thấy những gì là hữu ích nhất?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng một động lực thiết yếu của tăng trưởng chính là đầu tư, nhất là cho các quốc gia vừa chuyển hướng và đang lên như Trung Quốc và Việt Nam. Đó là hoàn cảnh chung. Khi đầu tư từ thế giới công nghiệp hóa sút giảm thì các nước này phải tìm lực đẩy thay thế và đồng thời có nỗ lực thu hút và tận dụng hiệu năng của đầu tư sẽ khan hiếm hơn.
- Ngân hàng Thế giới cho rằng nhờ tăng trưởng cao hơn khối kinh tế công nghiệp hoá, các nước Đông Á vẫn còn hy vọng thu hút đầu tư của thế giới nên càng phải cải tổ thị trường tư bản cho sâu và rộng hơn để tận dụng phương tiện sản xuất quý báu ấy. Nôm na là vì "người khôn của khó" nên Ngân hàng Thế giới nhắc nhở các nước phải cải cách cho thị trường đầu tư trở thành thông thoáng, minh bạch, an toàn và ít tốn kém về lệ phí giao dịch. Đó là chi tiết mà Việt Nam nên lưu ý khi huy động đầu tư quốc tế, đặc biệt là về vai trò bất lợi của doanh nghiệp nhà nước.
- Song song, các nước cũng phải cải cách để nâng cao hiệu năng của đầu tư nội địa. Đáng chú ý trong các khuyến cáo là "cái bẫy xập" của các nước muốn lên tới trình độ lợi tức trung bình.
Vũ Hoàng: Ông nói đến "cái bẫy sập" của lợi tức trung bình, đó là gì vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trong giai đoạn khởi phát hay cất cánh, xứ nào cũng dồn sức đầu tư rất mạnh, tới 30% của Tổng sản lượng Nội địa GDP, thì mới đạt mức tăng trưởng đủ cao hầu nâng lợi tức cho quốc dân. Trung Quốc, Việt Nam hay Cộng hoà Mông Cổ cũng đang đi vào giai đoạn ấy. Nhưng duy trì một lượng đầu tư rất lớn như vậy trong lâu dài là điều không dễ và nếu hụt hơi thì lại rơi vào bẫy, là không vượt qua giai đoạn khởi phát và trở lại trạng thái nghèo khốn như xưa. Lẽ thứ hai được Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh là vấn đề không chỉ có số lượng đầu tư mà còn là phẩm chất của đầu tư.
- Phẩm chất ở đây là tiến trình trù hoạch, lượng giá, tuyển chọn và thực hiện các dự án để dùng tài nguyên đầu tư một cách tối hảo. Cách đây sáu tuần, diễn đàn của chúng ta đã nói đến chuyện "Đem Tiền Đầu Tư" là trong tinh thần đó. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì nhắc nhở việc cải thiện quản lý đầu tư của khu vực công quyền để đạt hiệu năng cao hầu có thể bung khỏi cái bẫy này.
Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua phần phân tích về Việt Nam. Thưa ông, Ngân hàng Thế giới dự báo ra sao và khuyến cáo những gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Có lẽ trong một kỳ khác ta sẽ tìm hiểu thêm về vai trò của thương phẩm như nguyên nhiên vật liệu, khoáng sản và nhất là nông sản và lương thực vì Việt Nam có ưu thế nhờ thương phẩm lên giá và sẽ còn cao giá, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới. Nhưng dù xứ này có lợi thế về xuất khẩu nông sản, nông gia Việt Nam vẫn không có lợi và đây là điều đáng quan ngại cho một xứ mà nông dân vẫn là một lực lượng lao động quan trọng nhất.
Cụ thể thì đầu tư quốc tế sẽ giảm, tiền bạc đổ vào thị trường cổ phiếu Đông Á cũng vậy nên chứng khoán sẽ mất giá. Hiệu ứng Âu châu còn khiến các thị trường trái phiếu thăng giáng thất thường trước khi có hy vọng ổn định.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Trở lại chuyện tổng thể thì Ngân hàng Thế giới dự báo năm nay Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 5,8% với lạm phát bình quân là 19%. So với năm ngoái thì quả là có sa sút. Qua năm tới, đà tăng trưởng có thể lên đến 6,1% và lạm phát ở mức 10,5%, là chi tiết khá lạc quan. Đó là kết quả của sự xoay trở giữa hai mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và chặn đà vật giá gia tăng.
- Trong chi tiết thì cán cân thương mại có cải tiến vì mức tăng nhập khẩu có chậm lại và xuất khẩu khá hơn nhờ thương phẩm như dầu thô và nông sản lên giá. Nhưng mặt trái của bức tranh màu hồng này là bất ổn của hệ thống ngân hàng do biện phát xiết chặt tiến tệ để giải trừ lạm phát. Và chìm sâu bên dưới vẫn là tình trạng kém hiệu năng của đầu tư công quyền và khu vực quốc doanh.
Khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới
Vũ Hoàng: Về các khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới thì ông thấy có những điểm gì là đáng chú ý nhất?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể tiếp nhận nhiều điều có ích trong cả phúc trình của Ngân hàng Thế giới. Riêng về mấy trang dành cho Việt Nam thì đây là những nhận xét đáng quan tâm.
- Thứ nhất, kết quả ổn định vĩ mô của Việt Nam thật ra vẫn mong manh nếu xứ này lại nới lỏng chính sách. Thứ hai, Việt Nam phải tiếp tục thi hành chương trình chấn chỉnh ngân sách và tái cơ cấu như đã đề ra từ Nghị quyết 11 vào đầu năm nay. Thứ ba, bên trong khuôn khổ này, Việt Nam phải tái phối trí lại và cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng.
- Bản báo cáo kết luận là muốn xây dựng một nền tảng kinh tế vững bền và có hiệu suất cao cho giai đoạn tăng trưởng lâu dài sau này, Việt Nam cần có lãnh đạo quả quyết, việc thực hiện thận trọng, sự yểm trợ của nguồn cấp viện và đầu tư quốc tế và phải chịu một số gian nan ngắn hạn.
Vũ Hoàng: Kỳ trước trên diễn đàn này, ông có nói đến yêu cầu cải tổ hay tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp nhà nước như một trung tâm tham ô và kém hiệu năng của các nhóm lơi ích kinh tế và thậm chí chính trị. Ngân hàng Thế giới cũng nhắc đến việc cải thiện khu vực kinh tế nhà nước như ông vừa trình bày. Thế còn khu vực ngân hàng mà bản báo cáo vừa đề cập tới?
Nguyễn Xuân Nghĩa: -Tôi trộm nghĩ là trong trung hạn từ hai đến năm năm tới, khu vực quốc doanh cần được cải cách và vì nằm ở trung tâm của cả hệ thống kinh tế chính trị Việt Nam nên việc cải cách phải được khởi sự trước tiên, nghĩa là lập tức. May ra mấy năm tới thì có kết quả vì phải vượt qua nhiều chướng ngại rất lớn và rất sâu về quyền lợi. Trong khi đó, và ngay trước mắt, thì hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang rung rinh và có thể đổ.
- Từ trước đó rồi, Ngân hàng Thế giới đánh giá là Việt Nam có quá nhiều ngân hàng và hệ thống ngân hàng có nhược điểm là kém an toàn và thiếu lành mạnh. Báo cáo hôm Thứ Ba về triển vọng kinh tế Đông Á không thể đề cập tới những biến động Tháng 10 về lãi suất liên ngân hàng, về sự bấp bênh của các ngân hàng cổ phần sẽ sụp đổ hoặc bị sát nhập và nhất là hiện tượng cho vay lãi cắt cổ trên thị trường tín dụng đen và những vụ xù nợ lan rộng ở mọi nơi.
Việt Nam cần có lãnh đạo quả quyết, việc thực hiện thận trọng, sự yểm trợ của nguồn cấp viện và đầu tư quốc tế và phải chịu một số gian nan ngắn hạn.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Phải nói rằng từ bốn năm trước, Việt Nam đã nói đến cải cách ngân hàng mà chưa thực hiện. Khi kinh tế bị lạm phát rồi thị trường địa ốc bị đóng băng, thị trường chứng khoán tuột dốc thì ngân hàng mất nợ và có thể sụp đổ hàng loạt. Tháng trước, Hội nghị kỳ ba của Ban Chấp hành Trung ương đảng nói đến việc tái cơ cấu về đầu tư, doanh nghiệp nhà nước và tài chính. Nghĩa là những người cầm quyền thấy ra vấn đề, mà chẳng biết là có kịp cải tổ không.
- Trong khi chờ đợi, câu hỏi mà ít ai nhắc đến là số phận của tư doanh, họ vay tiền ở đâu để sản xuất hầu duy trì đà tăng trưởng qua cơn sóng gió bên trong và bên ngoài như vậy?
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này của đài Á châu Tự do.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét