Sự phân rã của Âu châu thống nhất đã bắt đầu....
* Ngón tay Thủ tướng Đức, cái mũi Thủ tướng Hy Lạp và đôi mắt Tổng thống Pháp! *
Sau này, lịch sử có thể ghi lại rằng ngày đánh dấu sự suy tàn của Âu châu. Đó là... tuần này.
Thời sự hàng ngày chú ý đến sự kiện là trong Tháng 10 vừa qua, lãnh đạo của Âu châu thống nhất đã có năm hội nghị thượng đỉnh trong vòng hai tuần, để đi tới kết quả rạo rực vào rạng sáng 27 làm các thị trường đều hồ hởi. Sau đó là một tuần rã rời và hai ngày nghẹt thở!
Người ta quá lạc quan với ba biện pháp gọi gọi là "cấp cứu Hy Lạp để cấp cứu đồng Euro hầu có thể cấp cứu cơ chế Âu châu thống nhất". Tuần trước, cột báo này trình bày chuyện ấy với sự ngờ vực qua bài "Hớt Tóc và Cầm Tô Xin Tiền... Bi hài kịch của đồng Euro."
Chỉ vài ngày sau thôi, đêm 31, rạng sáng mùng một Tháng 11, Chính quyền Hy Lạp của Thủ tướng George Papandreous lấy một quyết định làm Âu châu rúng động và các thị trường tài chánh thế giới tuột giá như cục gạch. Hy Lạp sẽ tổ chức trưng cầu dân ý xem người dân có đồng ý hay không với các biện pháp cứu giúp mà Âu châu đã vất vả dàn xếp.
Lãnh tụ của hai nước trưởng tràng là Đức và Pháp nổi đóa và nổi điên, Papandreou được yêu cầu tham dự Thượng đỉnh G-20 tại thành phố Cannes của Pháp sớm hơn các vị nguyên thủ khác. Để giải thích cho Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức về quyết định này.
Vì sao lãnh đạo Hy Lạp đã thoả thuận với Âu châu về kế hoạch giải quyết khủng hoảng rồi lại trở về hỏi ý người dân?
Trong hai ngày mùng ba và mùng bốn, năm nay do nước Pháp chủ trì, Thượng đỉnh G-20 quy tụ lãnh đạo của hai chục quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới phải tập trung giải quyết hồ sơ gai góc này của Âu châu. Không thể nào có phép lạ sau một kỳ họp như vậy nhưng hội nghị có thể là dấu mốc chẳng thể nào công khai và bi thảm hơn về sự dập dình và phân hóa của Âu châu.
Thật ra, tiến trình phân rã, trước hết là của đồng Euro, đã khởi đầu.
***
Trước hết, hãy nhìn lại chuyện Hy Lạp.
Thủ tướng Papandreou có lý cớ lật lọng – nhân danh nguyên tắc dân chủ rất chính đáng - để đặt lại vấn đề cho giải pháp mà ông đã thoả thuận trước. Ông nhắm vào mục tiêu chính trị ngắn hạn là sự tồn tại. Dùng lòng dân bên trong và áp lực quốc tế bên ngoài để đạt kết quả ít tệ nhất cho một bài toán cực khó của một chính quyền có đa số rất mỏng. Với rủi ro là làm sụp đổ cả kiến trúc rắc rối của Âu châu trong một bối cảnh suy trầm kinh tế.
Muốn đạt mục tiêu, Nội các Papandreous phải qua được vụ bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội vào Thứ Sáu mùng bốn. Sau đó, phải tổ chức cuộc trưng cầu dân ý càng sớm càng hay, không phải là vào Tháng Giêng năm sau mà vào đầu Tháng 12 như lãnh tụ Pháp và Đức đòi hỏi.
Trong khi chờ đợi, cả Âu châu và thế giới nín thở theo dõi chuyện lòng dân Hy Lạp.
Theo các cuộc khảo sát gần đây nhất, 73% dân chúng vẫn muốn quốc gia của họ nằm trong khối Euro, dùng chung đồng bạc với 16 nước khác. Nhưng họ không muốn trả giá cho lợi thế đó: 59% lại không đồng ý với liều thuốc đắng đã được dàn xếp hôm 27.
Vì vậy, kết quả trưng cầu dân ý tùy thuộc vào kỹ thuật nêu câu hỏi!
Đi vào chi tiết, liều thuốc đắng gồm có năm vị vừa bổ vừa tả là: 1) Hy Lạp được xoá nợ 50%, 2) các ngân hàng Hy Lạp sẽ được tái cấp vốn, 3) trong cả chục năm tới, Hy Lạp không được vào thị trường trái phiếu để vay tiền, 4) và phải áp dụng chính sách kinh tế khắc khổ, 5) dưới sự phối hợp của một "tam đầu chế" là ba cơ chế quốc tế gồm có Hội đồng Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Nhìn như vậy thì người Hy Lạp nào cũng có thể nhân danh tinh thần độc lập hoặc chủ quyền quốc gia mà bác bỏ giải pháp của Âu châu. Nhiều phần thì họ sẽ trả lời là "Oxi", Không! Để tiếp tục bảo vệ tinh thần vô trách nhiệm và ỷ lại cố hữu của cả quốc gia lẫn lãnh đạo Hy Lạp. Và dồn khó khăn cho các nước còn lại.
Nhưng lần này các nước đã có phản ứng dữ dội hơn!
Cho nên, sau một đêm nghẹt thở tại Cannes, qua Thứ Năm mùng ba, Thủ tướng Papandreous lại lật lại cái lọng: Đảng Xã hộ của ông sẽ thảo luận với đối lập trung hữu để một chính quyền liên hiệp có thể chấp hành những thoả thuận với Âu châu. Nếu được như vậy thì may ra Hy Lạp sẽ khỏi cần tổ chức trưng cầu dân ý!
Nghĩa là vở kịch đã mở thêm màn mới.
Xin có vài lời về bối cảnh lịch sử để chúng ta cùng hiểu ra hiện tại.
***
Sau Thế chiến II và trong thời Chiến tranh lạnh, Hy Lạp nằm dưới chế độ quân phiệt chống Cộng và được Anh Mỹ viện trợ, cho gia nhập Minh ước Phòng thủ Bắc Đại Tây dương NATO vào năm 1952. Công cụ của Liên Xô, đảng Cộng sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Chế độ độc tài cực hữu ấy bị đảo chánh năm 1967. Sau gần chục năm hỗn loạn. Hy Lạp chỉ bắt đầu có dân chủ rất chậm rãi từ sau 1975, để được gia nhập Cộng đồng Âu châu EEC - tiền thân của Liên Âu ngày nay - vào năm 1981. Và lại được viện trợ.
Theo xu hướng xã hội chủ nghĩa, do Andreas Papandreou lập ra, đảng PASOK đã hòa giải với đảng Cộng sản và tiến hành chánh sách kinh tế bao cấp với phúc lợi dồi dào quá khả năng, một giải pháp đặc thù của các nước Âu châu!
Andreas là thân phụ của đương kim Thủ tướng và truyền lại cho con nghệ thuật bắt bí: Năm xưa Hy Lạp dọa sẽ rút khỏi NATO và Cộng đồng Âu châu EEC nếu không được viện trợ! Thực tế thì năm 1985, Andreas Papandreou phủ quyết việc cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha gia nhập EEC cho đến khi được đấm mõm 30 tỷ đô la về xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Câu chuyện ngụ ngôn ở đây là: trong cục diện Chiến tranh lạnh, nếu quốc tế dùng Hy Lạp như con cờ trên bàn cờ Đông Tây thì phải chính quyền Hy Lạp đầy mưu lược cũng đòi tiền nuôi nấng con cờ. Sự thật thì Hy Lạp có một chế độ vô trách nhiệm bên trong và thiếu tự trọng bên ngoài.
Khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, sự lạc quan hồ hởi của Âu châu - với việc thành lập Liên Âu với 27 hội viên rồi khối tiền tệ thống nhất Âu châu và đồng Euro dùng chung cho 17 nước - là một cơ hội bắt bí khác của Hy Lạp, kéo dài được đúng 10 năm, từ 1999 đến 2009.
Vì thế giới đã đổi thay, kinh tế Âu châu đã đình trệ mà Hy Lạp vẫn không thay đổi và rơi vào nguy cơ vỡ nợ. Cho nên, con lại như cha, George áp dụng bài bản của Andreas Papandreou. Hy Lạp đã man khai sổ sách kế toán quốc gia để gia nhập khối Euro và tiêu xài quá khả năng nhờ sức mạnh cũa kinh tế Đức. Khi vỡ nợ thì lại tự kê dao vào cổ để tống tiền thiên hạ.
Nhưng bi kịch Hy Lạp chỉ là một màn của hài kịch Âu châu.
***
Đây là hài kịch vì kế hoạch cấp cứu ngày 27 Tháng 10 không thể hàn gắn được các mâu thuẫn nội tại về cả kỹ thuật, tài chánh, pháp lý lẫn chính trị. Dù có gác bên ngoài hiệu ứng lật lọng của Hy Lạp, liều thuốc tài chánh của Âu châu vẫn khó cứu nguy được cơn khủng hoảng.
Kiến trúc ba chân của kế hoạch này gồm có 1) xoá nợ cho Hy Lạp, 2) tái cấp vốn cho các ngân hàng Âu châu bị mất nợ, 3) tăng cường phương tiện cho Quỹ Bình ổn Tài chánh Âu châu EFSF. Chân kiềng thứ nhất nay đã nghiêng và sẽ đổ. Chân kiềng thứ ba là EFSF là một mẩu cụt ngủn.
Ngay sau khi hoàn thành kỳ công xây dựng này, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkoyzy và Chủ tịch Quỹ EFSF Klaus Regling đã thủ vai "người vái tứ phương" – xin mượn chữ của nhà văn Doãn Quốc Sĩ – mà kêu gọi thế giới châm tiền cho quỹ EFSF. Trước tiên là Trung Quốc và Nhật Bản, rồi khối "tân hưng" gồm các nền kinh tế đang lên gọi là BRICS – Brazil, Liên bang Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Cứ như lời thơ và lời ca của bài "Khi Tôi Về": Có người gọi nhân loại đi thăm địa ngục. Mà không ai trả lời!.... Từ Na Uy đến các Tiểu vương quốc Á Rập thống nhất đến Trung Quốc, Liên bang Nga và nhiếu xứ khác, người ta đều tỏ ý dè dặt.
Tại sao như vậy?
Quỹ EFSF này có tiếng là đang quản lý 440 tỷ Euro - thật ra thì còn ít hơn - để cấp cứu các quốc gia hoạn nạn. Tiền đó là do các nước Âu châu chưa hoạn nạn đóng góp, với rất nhiều ngại ngần. Nhất là sau Hy Lạp, hàng loạt quốc gia khác cũng có thể bị vỡ nợ và trước hết các ngân hàng của họ bị khủng hoảng, đó là Tây Ban Nha Spain, Bồ Đào Nha Portugal, Ý Đại Lợi Italy và thậm chí cả Pháp.
Vì không ai muốn châm thêm nước cho bồn nước cứu hoả tập thể, EFSF mới ca bài con cá nó sống vì nước, để có được 1.000 tỷ Euro trong túi phòng khi hữu sự nay mai.
Ngoại trừ một số quốc gia có ẩn ý chính trị, như Liên bang Nga hay Trung Quốc - với rất ít tiền trà nước bỏ ra – không xứ nào muốn bỏ tiền cứu giúp những quốc gia không muốn tự cứu khiến quỹ EFSF mắc bệnh khát nước. Đâm ra Âu châu chỉ là một phóng chiếu của Hy Lạp.
Chuyện này không là một lý luận trừu tượng.
Quỹ EFSF được lập ra để đảm bảo cho các chủ nợ muốn mua trái phiếu Âu châu – cho vay tiền. Với hàm ý là các khoản nợ này sẽ được thanh toán đầy đủ, 100%. Khả năng đảm bảo đó nằm trong số tiền khả dụng, sẽ được nhân gấp bốn để lên tới ngàn tỷ Euro (1.400 tỷ đô la). Thực tế thì vì không kiếm ra tiền, quỹ này chỉ còn khả năng đảm bảo có một phần tư. Không ai muốn cho vay mà biết trước là may lắm thì lấy lại được 25% số vốn.
Giải pháp Âu châu dẫn tới một hậu quả lạ kỳ là đưa một sợi dây cho các nước như Trung Quốc hay Nga có thể bắt bí và thắt cổ cả khối. Nhẹ nhất thì họ cũng chỉ cứu giúp Âu châu qua một cơ chế khác, là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, hầu có ảnh hưởng chính trị lớn hơn trong định chế quốc tế này. Chuyện ấy sẽ gây thêm mâu thuẫn về thẩm quyền trong ba cơ chế hữu trách là Hội đồng Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB và Quỹ IMF. Và cũng là một vấn đề cho Hoa Kỳ.
Kết cuộc thì nếu Hy Lạp lắc đầu, đồng Euro tránh một của nợ và chỉ còn là đồng bạc của 16 hội viên (Euro-16), trong khi Hy Lạp trôi vào khủng hoảng vì tháng 12 này hết được châm tiền cấp cứu trong ngân khoản tám tỷ đã được dàn xếp trước. Nếu Hy Lạp vẫn muốn nằm trong khối Euro và thực tình thắt lưng buộc bụng như đã cam kết, hoạn nạn của Âu châu vẫn chưa hết.
Các thị trường tài chánh toàn cầu vẫn bị chấn động vì khủng hoảng ngân hàng, tai họa sẽ lan qua một chuỗi quốc gia có bí danh là PIIGS - Bồ Đào Nha, Irlande, Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Kinh tế Âu châu có thể trôi vào suy trầm, bị đụng đáy hai lần trong vòng ba năm, với hậu quả toàn cầu....
***
Nhìn trên toàn cảnh và trong trường kỳ, biến cố này là một kết thúc bi thảm mà không bất ngờ của hai chục năm hồ hởi sảng sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991.
Các nước Âu châu đã xây dựng một kiến trúc chính trị nửa vời là Liên hiệp Âu châu.
Nửa vời vì hệ thống kinh tế thống nhất đó không có thực quyền là khả năng cưỡng hành với từng hội viên về chánh sách kinh tế, hay chi thu ngân sách hoặc vay mượn. Hệ thống đó có cái miệng rất lớn của thành phần công chức thư lại ở thủ phủ Bruxelles của Liên Âu, với những đòi hỏi chi ly về quan thuế hay môi sinh, mà không thể đi ngược chủ quyền quốc gia của từng nước khi nói đến chuyện cơm áo gạo tiền. Ngân hàng Trung ương ECB cũng thế, rất khó lấy quyết định nếu không có được sự đồng ý của tất cả các hội viên.
Nhìn rộng ra khỏi địa hạt kinh tế tài chánh, ngày xưa, Âu châu có thể dùng sức mạnh hội nhập kinh tế để tăng cường cho Minh ước NATO, thật ra là lá chắn chiến lược của Hoa Kỳ.
Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, và Hoa Kỳ hết ưu tiên quân sự tại đây, NATO bắt đầu mất định hướng, bì lôi vào can thiệp vào bốn phương, từ khu vực Balkan đến A Phú Hãn rồi cả Libya. Ngày nay, NATO chưa biết sẽ xoay về đâu, với phương tiện quân sự nào, do những ai chung góp ngoài Hoa Kỳ? Mà Hoa Kỳ đang một quốc gia mắc nợ có đầy vấn đề nội bộ.
Nhưng các nước Âu châu vẫn chưa thấy ra mâu thẫn đó và tiếp tục thống nhất về kinh tế và tiền tệ với hậu quả là vụ khủng hoảng người ta đang chứng kiến.
Ngày xưa, Cộng hoà Liên bang Đức tất nhiên phải tung tiền chuộc nợ cho Hy Lạp, như đã tung tiền chuộc lại Đông Đức để thống nhất xứ sở. Ngày xưa, nếu không có Đức thì cũng còn Hoa Kỳ và nhu cầu xây dựng tiền đồn chống cộng.
Ngày nay, không ai có nhu cầu nuôi dưỡng còn cờ vô dụng và tốn kém là Hy Lạp. Xứ này sẽ được độc lập để tự lập! Nhưng việc Hy Lạp có thể sẽ rút ra hoặc bị đạp ra khỏi câu lạc bộ chỉ là một mặt nổi của vấn đề.
Vấn đề chìm sâu bên dưới là tinh thần duy ý chí và thủ thuật thống nhất rất hình thức của Âu châu, trong khi từng nước hội viên tiếp tục phát huy tinh thần quốc gia dân tộc. Thậm chí còn điều động các ngân hàng của mình phát triển tinh thần đó trong kinh doanh, tài trợ tín dụng và đầu tư mà không tính đến rủi ro. Khi hữu sự, là bây giờ, lãnh tụ nào cũng phải ưu tiên nghĩ đến cuộc bầu cử trước mắt và tìm ra giải pháp cứu vãn nửa vời.
Âu châu không thể tiếp tục như vậy. Và lần này, nếu chẳng ai muốn cứu Hy Lạp thì cũng không ai có khả năng cứu vãn được tiến trình phân rã của Âu châu.
Cách đây ba tuần, Tổng thống Pháp tuyên bố rằng nếu không cứu đồng Euro thì Âu châu sẽ khủng hoảng và lại trôi vào tình trạng chiến tranh xung đột như trong lịch sử. Ít ra, trong lời cảnh báo, ông Sarkozy có nói ra một phần sự thật....
Ông chỉ không ngờ là sự thể đó lại ụp xuống quá lẹ!
Cam on "Tac Gia" da gioi thieu khai quat tinh hinh kinh te & chinh tri Au Chau. Doc xong bai viet nay, "Nguoi Doc" cam thay nhu the gioi chuan bi buoc vo cuoc dai loan ke tiep ha sao. Mong rang tinh hinh khong toi te den nhu vay, Namo Adi Da Phat. Nguoi Doc chi mong chich phu CSVN mau mau tinh giac, hoi dau va di voi the gioi tu do van minh de cho moi nguoi con dan Vietnam duoc huong tu do hanh phuc. Nhu cau noi cua ho(CSVN) "Doc Lap Tu Do Hanh Phuc" ngay sau khi 30-4-1975. Namo Adi Da Phat, chi mong ho(CSVN) hoi tam chuyen y' trao van menh dat nuoc Vietnam cho nguoi dan Viet tu quyet dinh, ho(CSVN) van co the giu ten dang cung duoc nhung van phai chiu su giam sat cua nguoi dan. Noi nhieu qua da tro thanh noi nham roi, nguoi doc chuc nguoi viet suc khoe doi dao de tiep tuc "enlighten" doc gia.
Trả lờiXóaXin cam on.
Seattle man.
Bác Nghĩa làm ơn bật chế độ RSS Feed thành Full text với.
Trả lờiXóaThường cháu sử dụng RSS Reader để tiện theo dõi bài vở cập nhật mới nhất của Bác.
Cảm ơn những bài viết về kinh tế đầy giá trị.