Thứ Ba, tháng 11 01, 2011

Bi Kịch Hy Lạp: Mắc Nợ Kinh Niên

Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 20111101
"Kinh tế Cũng là Chính trị"

Vì Sao Hy Lạp Cứ Hay Vỡ Nợ?







Đã có một thời mà cả thế giới có thể bị chấn động bởi mọi tin tức xuất phát từ Hy Lạp.

Thời ấy, "thế giới" gồm các quốc gia quanh Địa Trung Hải. Thời ấy, Hy Lạp là trung tâm của "thế giới  văn minh", cái nôi của văn hóa Tây phương, là đế quốc trải rộng từ Ai Cập đến rặng Hindu Kush, bao trùm lên một phần của Ấn Độ và A Phú Hãn ngày nay. Thời ấy, Hy Lạp cống hiến cho nhân loại những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất, như Socrates, Plato, Aristotle, v.v.... Hoặc Đại đế Alexander, một nhà chinh phục toàn cầu. Trước cả Đế quốc La Mã, Thiên chúa giáo, thời Trung Cổ, Đế quốc Ottoman, cuộc thám hiểm của Cristobal Columbus và việc Âu châu khám phá ra "Tân Thế giới", vân vân... Đế quốc Hy Lạp đã từng là "siêu cường toàn cầu".

Thời ấy là hơn hai ngàn năm về trước...

Bây giờ, tin tức xuất phát từ Hy Lạp cũng lại gây chấn động toàn cầu, vì chuyện nợ nần của một nước thuộc loại nhược tiểu Âu châu, với hậu quả có thể là vụ khủng hoảng của đồng Euro và cả Liên hiệp Âu châu. Cũng qua những tin tức ấy, người ta có thể thấy ra một căn bệnh tiền kiếp, lưu cữu và gần như thường trực của Hy Lạp.

Cái bệnh đi vay – và vỡ nợ.


***


Xin hãy nói về lá tử vi của Hy lạp.

Hy Lạp là quốc gia có nhiều biển hơn đất, với 6.000 hải đảo và nhiều cụm bán đảo hiểm trở. Rất dễ cho việc phòng thủ mà lại khó bành trướng ra ngoài vì một lý do căn bản: ít đất canh tác và thiếu đường thông thương trong "nội địa". Dân "miền Tây" mua gạo của xứ khác lại rẻ hơn gạo của "miền Đông" - từ vùng Thessaly bên bờ biển Aegea (Aegean Sea). Vì địa dư hình thể bất lợi ấy, Hy Lạp phải tốn kém tư bản – thu hoạch ít so với đầu tư – để phát triển và tự vệ. Nghệ thuật hàng hải của dân tộc này không đóng góp gì cho việc san bằng các chướng ngại đó.

Đấy là bài toán kinh tế nằm trong thiên mệnh của Hy Lạp.

Bây giờ, hãy xem "nhân định thắng thiên" ra sao....

Từ bên kia bờ biển Aegae, khi Đế quốc Ottoman của dân Thổ nổi lên và chiến thắng khắp nơi từ năm 1299, Hy Lạp chịu chung số phận phụ dung. Năm 1453, khi kinh đô Constantinople của Đế quốc Byzance sụp đổ, trí thức Hy Lạp đã vượt biên vượt biển qua Âu châu và có đóng góp cho phong trào Phục Hưng gọi là Renaissance của Âu Châu. Biến cố ấy cũng khiến Columbus lên đường tìm ngả giao lưu với Đông phương ở sau lưng Đế quốc Ottoman, ngẫu nhiên khám phá ra "Tân thế giới" và mở ra 500 năm thống trị của Âu châu, từ 1492 đến 1991 – khi một cường quốc Âu châu là Liên bang Xô viết tan rã....

Phần mình, Hy Lạp mất 11 năm kháng chiến chống lại Đế quốc Ottoman kể từ 1821 và đạt thắng lợi nhờ các cường quốc bên ngoài. Chủ yếu là nhờ ba cường quốc Âu châu là Pháp, Anh và Nga. Ba xứ này cần ổn định miền Đông biển Địa Trung hải và không muốn xứ nào có khả năng khống chế cả khu vực. Nền độc lập của Hy Lạp là do ba cường quốc ấy thu xếp - và ban cho - kể từ Hiệp ước Constantinople vào năm 1832.

Từ đất Bavaria của Đức, Hoàng thân Otto về làm vua Hy Lạp và cai trị dưới quyền nhiếp chính của một Hội đồng gồm ba nhân vật người Bavaria. Kể cả một Bộ trưởng Tài chính Bavaria sau này là Thủ tướng Hy Lạp, Josef Ludwig von Armansperg.

Cuộc chiến giành độc lập khiến Hy Lạp vỡ nợ lần đầu vào năm 1826, được ba cường quốc Âu châu kia chia nhau gánh vác. Nhưng họ chỉ chi tiền cho kẻ có tiền hay có đất, thành phần thương nhân và địa chủ có vẻ quốc tế nhất của Hy Lạp. Nhờ đó, thành phần này cũng có tiền cho quần chúng ở dưới vay lãi - và mắc nợ ngập đầu.

Cái nghiệp đi vay của dân Hy Lạp khởi sự từ đó rồi!


***


Mà chuyện Hy Lạp vay mượn rồi vỡ nợ đã trở thành nếp.

Đó là nếp hằn rất sâu sau mỗi chu kỳ suy trầm hay khủng hoảng kinh tế, nhồi trong những chấn động quốc tế của một quốc gia chỉ có nền độc lập vay mượn!

Khi Đế quốc Ottoman tàn lụi dần, khu vực sinh hoạt của Hy Lạp trở thành khoảng trống bất ổn ăn sâu vào vùng Balkan, mà các cường quốc liên hệ đều muốn kiểm soát. Các cường quốc đó là Đế quốc Nga (trước thời Xô viết), Đế quốc Hung-Áo (Autro Hungarian), Đế quốc Anh, Pháp và cả nước Đức trong thời kỳ thống nhất từ sau 1871.

Năm 1892, khi Hy Lạp lại vỡ nợ, thế lực quốc tế ấy cùng các nhà đầu tư trái phiếu góp phần cứu vãn chuyện nợ nần qua một cơ chế đã có cái tên rất hiện đại, tương tự như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Thế giới World Bank, hay Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB: Ủy ban Kiểm soát Tài chánh Quốc tế IFCC. Ủy ban này thúc đẩy Hy Lạp... cải tổ để tăng cường khả năng phòng ngự khu vực Balkan. Thời đó rồi - cứ như chuyện hiện đại - người ta đã nói đến kỷ cương ngân sách, cải thiện hệ thống ngân hàng và quản lý... "vĩ mô", nói theo kiểu Hà Nội ngày nay.

Và thời ấy rồi, Hy Lạp đã gặp vấn đề rất... Việt Nam. Đó là không xây dựng hạ tầng vận chuyển để thống nhất khả năng phân phối trong nội địa hầu có được một nội lực tối thiểu về kinh tế. 

Vì vậy, trong hàng loạt biến động quốc tế sau này, như hai cuộc chiến vùng Balkan (1912-1913), Thế chiến I (1914-1919), rồi Chiến tranh Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ, một hậu thân của Đế quốc Ottoman, vào các năm 1919-1922, và cuộc Tổng khủng hoảng 1929-1933, Hy Lạp quay trong gió lốc và lại vỡ nợ vào năm 1932! Lần thứ ba kể từ năm 1826.

Sự xuất hiện của Liên Xô và Thế chiến II lại châm thêm bài toán mới: chủ nghĩa cộng sản lan vào Hy Lạp nên xứ này thành tiền đồn của "Thế giới Tự do", lại được các cường quốc Tây phương dồn tiền cấp cứu. Lần này, đứng sau nước Anh tàn lụi đã có thêm Hoa Kỳ hùng tráng. Hy Lạp được viện trợ, được vay tiền và năm 1981 được hội nhập vào Cộng đồng Kinh tế Âu châu EEC, tiền thân của Liên Âu EU ngày nay.

Dù có sự hào phóng đó của quốc tế, Hy Lạp lại vỡ nợ thêm lần nữa, vào năm 1991. Việc chi thu được Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên Âu chia nhau giám sát. Năm đó, dư luận còn hồ hởi với sự sụp đổ của Đế quốc Liên Xô nên khủng hoảng tài chánh Hy Lạp chẳng đáng một dòng tin trên màn thời sự.

Hai chục năm sau, Hy Lạp làm Âu châu rung chuyển.


***

Nhìn từ bên trong, xứ này có nhiều vấn đề mà người Việt thấy lạ... mà quen.

Đó là một quốc gia có gánh nặng công trái quá cao; hạ tầng cơ sở lệch lạc; xã hội tham ô vì dựa trên thành phần "chủ đạo" là các nhóm thế lực có quan hệ hữu cơ với lãnh đạo ở trên và kinh doanh ở dưới; cơ chế kinh tế lệ thuộc vào xuất nhập cảng và đầu tư ngoại quốc; hệ thống thuế vụ không thu được thuế cho ngân sách; mạng lưới huy động trái phiếu bất lực vì chẳng đi vay được nước ngoài. 

Và cuối cùng để quốc tế chi phối vận mệnh quốc gia bằng đồng tiền.

Còn quần chúng ở dưới vẫn nhẩn nha vui sống vì tin rằng cuối cùng thì vẫn có quốc tế, không Âu thì Mỹ, sẽ nhảy vào cấp cứu.

Nhìn lại thì trong gần hai thế kỷ, Hy Lạp tồn tại là nhờ ngoại bang. Lần này, ngoại bang đang bạc đầu về bạc tiền. Việc họ có tung tiền chuộc nợ như trong quá khứ hay không sẽ là vấn đề.

May là xứ này đã hội nhập vào Liên Âu, đang vịn tay vào đồng Euro và... ở rất xa Trung Quốc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét