Thứ Sáu, tháng 11 11, 2011

Sự Suy Tàn Của Âu Châu

Nguyễn Xuân Nghĩa - Ngày 20111111

Hai chục năm sau sự sụp đổ của Liên Xô, Liên Âu cũng đến lúc tàn?




Từ 22 tháng nay, thế giới bàng hoàng theo dõi cuộc khủng hoảng của Liên hiệp Âu châu. Riêng trong Tháng 11 chưa kết thúc, sau Hy Lạp đến nước Ý cũng trôi vào chấn động chính trị làm các thị trường tài chánh quốc tế đều tơi tả. Nhưng viễn ảnh Âu Châu có thể còn kinh hoàng hơn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng hoặc nạn phân rã của đồng Euro: một sự đổi thay của trật tự thế giới!


Kỷ nguyên gọi là "Hiện đại" của chúng ta khởi sự từ năm 1492, với cuộc thám hiểm và việc phám phá ra "Tân Thế giới" của Columbus. Kể từ đó, Âu châu thống trị toàn cầu và đặt ra luật chơi cho cả nhân loại. Kỷ nguyên đó tồn tại được đúng 500 năm, vì kết thúc vào năm 1991, là khi một cường quốc truyền thống của Âu châu là Liên bang Xô viết tan rã. Hai chục năm sau, là giờ này đây, Liên hiệp Âu châu cũng đi tới mé vực đó. 

Và có thể sẽ chung số phận.

Thật ra, nước Nga vẫn tồn tại, hiện đang là một cường quốc có ảnh hưởng. Các nước Âu châu cũng thế. Nhưng dự án Liên Âu sẽ cáo chung. Sau đó là gì thì chưa ai biết - mà ai cũng nên sợ!

Nhìn cách khác: vì ở sát nách - bị kẹp sát nách - chúng ta hay nói về chuyện "hợp tan" truyền thống của Trung Hoa mà ít chú ý đến lẽ hợp tan của một lục địa đã chinh phục toàn cầu và khuất phục nhiều dân tộc hay quốc gia khác trên thế giới. Âu châu đang đi vào tiến trình "hợp rồi tan" mà vụ khủng hoảng tài chánh chỉ là biểu hiện ngoài da.


***


Do địa dư hình thể phân tán và đầy khác biệt - chứ không vuông vức và đầy lợi thế trời cho như lãnh thổ Hoa Kỳ - Âu châu là một tập thể phức hợp của nhiều cộng đồng dân tộc đã tiến dần đến hình thái "quốc gia".

Nhưng mỗi bước tiến lại là một trường chinh chiến, có khi kéo dài trăm năm. Trong lịch sử cận đại, đó là ba trận đại chiến: năm 1871 khi nước Đức thống nhất, năm 1914 là Thế chiến I và năm 1939 là Thế chiến II. Kể từ đó, từ 1945 trở về sau, Âu châu đã có hòa bình và các nước chịu sống chung với nhau, thậm chí còn lập ra một đồng tiền dùng chung giữa 17 nước là đồng Euro. Nói như Francis Fukuyama, "Lịch sử cáo chung"? Hay từ nay "Xã tắc Vững bền"?

Sự thật lại không được như vậy và cả thế giới, trước tiên là Âu châu, đã hiểu lầm!

Trước tiên là hiểu lầm về... Hoa Kỳ.

Nước Mỹ không muốn dính vào "thiên hạ sự" của Âu châu, đã tham chiến rất chậm trong cả hai trận Thế chiến và sau đó mưu tìm hòa bình cho đại lục địa Âu Á qua chính sách "quân bình bất ổn". Chữ "chia để trị" thì dễ hiểu hơn mà cũng dễ bị hiểu sai vì khái niệm "trị", không phải là cai trị mà là khử mầm loạn - chủ nghĩa quốc gia cực đoan của Âu châu - bằng cách khác.

Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ chia đôi cường quốc đã ba lần gây đại chiến tại Âu châu, là nước Đức, trong một Âu châu cũng bị chia đôi giữa hai ngả Đông-Tây (Cộng sản và Dân chủ) bên cạnh một khối Cộng sản lại có hai đầu là Nga và Tầu đều tranh nhau bắt bí để giao kết với Mỹ.

Hoa Kỳ gìn giữ trật tự bất ổn đó bằng sự hiện diện quân sự, nuôi dưỡng nền kinh tế bị tàn phá bằng viện trợ và phát triển bằng quy luật thị trường. Tình trạng đó kéo dài suốt thời Chiến tranh lạnh, cho đến khi nước Đức tái thống nhất năm 1989 rồi Liên Xô tan rã năm 1991, thì Hoa Kỳ ngó qua chuyện khác.

Việc bảo vệ Âu châu - hay chiếm đóng nước Đức tùy cách gọi - hết là ưu tiên về quân sự.

Sau đấy, cả Hoa Kỳ lẫn thế giới, nhất là Âu châu, đã lại có một sự hiểu lầm khác.

Nước Mỹ lạc quan tin rằng "lịch sử cáo chung" với sự sụp đổ của đối thủ và bắt đầu an hưởng "cổ tức hoà bình" thời Bill Clinton, mà không thấy ra là hòa bình chưa có, vùng Balkans gặp loạn và cuộc chiến với lực lượng Hồi giáo quá khích đã manh nha. Trong 10 năm đầu, từ 1991 đến vụ khủng bố 2001, Hoa Kỳ ngao du trong hoang tưởng vì trở thành độc bá. Đó là "Hội chứng Tiêu Bán Sơn" trong truyện võ hiệp Kim Dung, sự trống vắng tâm lý khi kẻ thù truyền kiếp đã tự diệt.

Nhưng sự hiểu lầm của Âu châu lại còn thê thảm hơn.


***


Không biết rằng – mà dù một số lãnh đạo có biết thì cũng chẳng nói ra – hoà bình Âu châu là trạng thái bất ổn được Hoa Kỳ bảo vệ, khi Chiến tranh lạnh kết thúc, các nước Âu châu đều vui mừng là mình được "giải phóng".

Bờ Tây thì Mỹ rút, bờ Đông thì Nga gục. Cả bốn hướng Nam Bắc Đông Tây đều rạo rực bước vào tiến trình thống nhất với Thỏa ước Maastritch và sự hình thành của Liên Âu năm 1993. Nhiều nhà lãnh đạo Âu châu, nhất là Pháp, còn mơ ước xây dựng một thế giới đa cực làm lực đối  trọng với nước Mỹ độc bá.

Mà đấy là chuyện nhỏ!

Chuyện lớn hơn vậy về sự hồ hởi là khi một số quốc gia Âu châu muốn tiến xa hơn qua thống nhất tiền tệ và sự ra đời của đồng Euro năm 1999. Y như dự án Liên Âu, đồng Euro sẽ là lực đối trọng với Mỹ kim, trở thành ngoại tệ dự trữ có thế giá của thiên hạ khả dĩ cạnh tranh với đồng bạc xanh.

Tổng hợp lại về thế là Liên Âu và về lực là đồng Euro, các nước Âu châu mơ ước sự hình thành của Liên bang Âu Châu, United States of Europe, như Liên bang Hoa Kỳ, United States of America.

Từ nay, bên này Đại tây dương sẽ có một thế lực mới, cũng lại như xưa là giữ vị trí cân bằng giữa Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết. Nhưng dũng mãnh hơn xưa vì có dân số hơn 500 triệu và sản lượng 16.200 tỷ, lớn hơn sức mạnh kinh tế chừng 15 ngàn tỷ của Mỹ. Mà khỏi phải lo lắng gì về ngân sách quốc phòng, vì đã có Minh ước NATO cáng đáng, với tay chủ chi ngờ nghệch là Chú Sam. Đấy là một sự hiểu lầm của Âu châu, không về nước Mỹ mà về chính mình.

Chúng ta lạnh lùng trở lại chuyện bạc tiền, chỉ vì có thực mới vực được đạo.


***

Trên tổng thể, Âu châu quả là đông dân và có sản lượng giàu hơn của Mỹ. Âu châu còn có tiếng nói quốc tế khác, với khảo hướng – approach – ôn tồn và ngoại giao hơn nước Mỹ cao bồi và thiếu văn hoá. Đó là "quyền lực mềm" – soft power – của các nước có lịch sử và dày kinh nghiệm về thiên hạ sự từ khi Hoa Kỳ chưa ra đời. Nhờ vậy, Âu châu không bị thế giới Á Rập thù ghét như nước Mỹ và rất được lòng dân Á Rập tại Palestine hay nhiều nơi khác. Âu châu lại còn một thị trường tiêu thụ và nhập cảng hàng hóa mạnh nhất từ một thế lực đang lên là Trung Quốc.

Khách quan thì Âu châu có dư thế lực góp tiếng nói và cả hành động cho cộng đồng thế giới.

Nhưng tất cả kiến trúc vĩ đại ấy nằm trên hai sự thật rất dễ mất lòng.

Thứ nhất, sau mấy trăm năm nội chiến liên tục, nếu Âu châu có được hòa bình để sống chung với nhau trong thời Chiến tranh lạnh cũng là do sự can thiệp hay bảo vệ của Mỹ. Nhu cầu bảo vệ ấy không còn và nước Mỹ theo đuổi ưu tiên khác. Thứ hai, nếu Âu châu có dự tưởng lớn lao như vậy về thiên hạ sự thì vẫn chưa có cơ chế chính trị thích hợp: lãnh đạo Liên Âu ở trên là bộ máy thư lại vô thẩm quyền trước đòi hỏi chính đáng mà đầy mâu thuẫn của từng thành viên, của từng quốc gia. Chủ nghĩa quốc gia chưa cáo chung bên dưới lớp men thống nhất của Âu châu.

Vụ khủng hoảng tài chánh hiện nay xuất phát từ sự thật thứ hai này.

Mọi sự khởi đầu vào năm 2008 khi Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chánh. Khi ấy, Âu châu chưa nhìn ra nhược điểm nội tại mà cứ tưởng và còn làm cho thế giới lầm tưởng rằng tất cả xảy ra tại vì sự bất cẩn hay bất lương của các doanh nghiệp tài chánh Mỹ, hoặc sự bất toàn của tư bản chủ nghĩa.

Về an ninh, đáng lẽ người ta đã phải thấy ra sự rạn nứt và sụp đổ tất nhiên của "kiến trúc Âu châu" khi Liên bang Nga tấn công Georgia vào Tháng Tám năm 2008. Vì khi ấy, Đức và Pháp không có phản ứng bảo vệ các nước Đông Âu và Trung Âu vừa gia nhập mà lại mau mắn hòa giải với lãnh tụ Vladimir Putin của Nga. Lý do hoà giải là quyền lợi kinh tế quốc gia. Là khí đốt hay cơ hội đầu tư... Còn sự thống nhất về chính trị của Liên Âu như một thế lực quốc tế chỉ là ảo giác.

Thứ nữa, sự thống nhất về kinh tế cũng vậy.

Đáng lẽ người ta đã phải thấy ra sức xâm nhập và giao kết rất sâu của hệ thống ngân hàng Âu châu, dưới sự chỉ đạo của từng quốc gia Âu châu. Các ngân hàng đã đầu tư và cho vay tới ngập đầu để thi hành chánh sách kinh tế quốc gia. Khi gặp khủng hoảng rồi bị nguy cơ vỡ nợ vì mất vốn thì cơ chế lãnh đạo Âu châu không có khả năng giải quyết, một cách linh động, chủ động và mau lẹ. 

Khủng hoảng lan rộng còn phơi bày ra một thực tế khác là nhiều quốc gia đã tận dụng lợi thế thống nhất để mưu tìm quyền lợi riêng, cũng vì chủ nghĩa quốc gia. Đến khi hữu sự thì không muốn và không có khả năng đắp vốn để chuộc nợ. Ở giữa, đồng Euro là đồng sứt!

Khủng hoảng ngân hàng, khủng hoảng quốc trái – sovereign debt – và khủng hoảng Euro là ba cái mặt của một hình tháp, mà cốt lõi bên trong là một tình trạng vô quyền vì Âu châu không có cơ chế cưỡng hành dự án phiêu hốt của mình.

Kiến trúc Âu châu là một khối tự do mậu dịch thống nhất, nhưng quyết định về ngân sách hay thuế khóa từng nước vẫn thuộc chính quyền của từng quốc gia mà các cơ chế thống nhất không thể điều động hay kiểm soát. Hội đồng hay Uỷ ban Âu châu và các công chức quốc tế tại thủ phủ Âu châu là Bruxelles của Bỉ, hoặc Ngân hàng Trung ương Âu châu tại Frankfurt của Đức, là những cơ chế không có thẩm quyền khi suy trầm kinh tế hay giông bão thị trường nổi lên vì làm gì cũng phải có sự đồng ý của từng quốc gia.

Y như về đối ngoại - Âu châu không có sức mạnh quân sự bảo vệ tiếng nói nên mới phải dùng quyền lực mềm - về đối nội, Âu châu không có sức mạnh pháp chế để bảo vệ kỷ cương của chi tiêu.

Thí dụ nổi bật là cách suy nghĩ của hai nước trong cuộc, Hy Lạp và Đức.

Hy Lạp có thể khôn ngoan hay gian manh vay mượn để tiêu xài quá khả năng vì từng là nạn nhân của nội chiến và Chiến tranh lạnh nên nghĩ rằng mình phải được các nước đền bù. Vì vậy họ mới man khai sổ sách để gia nhập khối Euro và thoải mái xài đồng tiền chung, vì nếu có gì thì đã có kinh tế Đức hay các xứ khác cáng đáng.

Sống nhờ xuất cảng, kinh tế Đức cũng thoải mái đầu tư và hào phóng cho vay để xứ khác tiếp tục mua hàng Đức. Hãy nghĩ đến một nhà nước như nhà băng, cứ khôn ngoan cho thân chủ vay tiền để mua nhà mua xe do chính mình sản xuất ra.... Khi hữu sự là ngày nay, dân Hy Lạp cho rằng mình là nạn nhân của những đòi hỏi quá đáng của Đức. Còn dân Đức thì mất kiên nhẫn vì cứ phải đóng thuế cho dân Hy Lạp được tiêu xài và về hưu sớm, với đầy đủ bổng lộc.

Dưới cái dù lủng lỗ của tập thể, xứ nào cũng nghĩ đến quyền lợi tối thượng của Tổ quốc, của dân tộc, quốc gia. Và tin vào khả năng can thiệp của chính quyền hơn là phản ứng của thị trường. Vụ khủng hoảng 2008 đã quạt vào ảo giác Âu châu: sự bất lực của chính quyền và hốt hoảng của thị trường.


***


Người dân Âu châu đang gặp sự chọn lựa sinh tử: bảo vệ thành quả của hơn nửa thế kỷ hội nhập trong hoà bình hay bảo vệ quyền lợi kinh tế xã hội của từng quốc gia? Nếu muốn hội nhập thì phải tiến tới thể chế liên bang và mặc nhiên thủ tiêu chính quyền của mình, để quốc gia chấp nhận quy chế của một "tiểu bang" Âu châu. Nhiều người không muốn vậy và đã từng làm kiến trúc Âu châu rúng động khi từ chối Hiến pháp mới của Âu châu qua các cuộc trưng cầu dân ý từ năm 2005.

Một số quốc gia, cả chục nước, nhất là tại miền Bắc, còn từ chối thủ tiêu đồng bạc quốc gia để dùng chung đồng Euro. Lập trường hoài nghi của Anh là một thí dụ tiêu biểu. Kỷ cương về chi thu ngân sách và nghiệp vụ ngân hàng của các nước Bắc-Âu là thí dụ khác.

Nhìn qua lãnh vực an ninh, người ta cũng thấy dị biệt quan điểm về phương hướng phòng thủ của lá chắn chiến lược.

Các nước miền Bắc vẫn đề cao mục tiêu phòng vệ Bắc Đại Tây dương của Minh ước NATO qua sự hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ. Các nước miền Nam thì muốn NATO nhìn xuống khu vực Trung Đông vì mối nguy xuất phát từ đó chứ không còn sợ Liên bang Nga như đã từng e sợ 60 sư đoàn Liên Xô ở biên giới ngày xưa. Các nước Đông Âu và Trung Âu lại không quên được mối nguy truyền thống từ nước Nga, hoặc một sự liên kết loạn luân giữa hai cường quốc Nga và Đức ở hai hướng Đông và Tây.

Vì vậy, Âu châu đang bị sức ly tâm rất mạnh từ trong ruột gan, và trật tự bất ổn từ sau Thế chiến II đang chuyển dịch, hoặc sụp đổ.

Một trật tự mới sẽ chỉ thành hình khi Hoa Kỳ chấp nhận là cường quốc "vạn năng mà không toàn năng", có ảnh hưởng tỏa rộng mà không thể chi phối được thiên hạ sự của toàn cầu. Cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo là cơ hội thức tỉnh cho lãnh đạo nước Mỹ. Thứ hai, Liên bang Nga đã tái xuất hiện như cường quốc có ảnh hưởng trên khu vực quỹ đạo truyền thống, vùng biên ngoại, như Georgia và Ukraine, sẽ can dự mạnh hơn vào Âu châu, hợp tác chặt chẽ hơn với nước Đức để tìm nguồn tiếp vận kỹ thuật cho hệ thống sản xuất lạc hậu của mình. Điều này đã xảy ra.

Yếu tố thứ ba là tham vọng của Trung Quốc với sự lớn mạnh của kinh tế và quân sự nhằm bảo vệ quyền lợi toả rộng hơn xưa của mình. Tại Đông Á, người ta đang chứng kiến hiện tượng này.

Yếu tố sau cùng thuộc về Âu châu: các cường quốc trong tập thể muốn gì và có khả năng thực hiện ra sao khi Hoa Kỳ đã giảm dần ảnh hưởng và không còn giữ chức năng gián chỉ - can gián – những phản ứng quốc gia cực đoan đã từng thấy tại Âu châu?

Trong khi chờ đợi sự thành hình của "trật tự mới" ở bốn khía cạnh đó (Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Trung Quốc và Âu châu), các nước Âu châu phải chọn lựa. Nếu đồng Euro tan rã thì Âu châu sụp đổ, Tổng thống Pháp đã nhiều lần cảnh báo như vậy. Nhưng nếu đồng Euro có hồi phục và tìm lại ảnh hưởng dự tưởng của nó, chưa chắc Liên hiệp Âu châu đã có thể tồn tại theo khuôn khổ hiện nay. Nước Đức phải can thiệp và chi phối chính sách kinh tế tài chánh của từng nước, nghĩa là đạt mục tiêu cố hữu của quốc gia dân tộc, y như Đức quốc xã, nhưng bằng cách khác.

Khi đó, Anh quốc hay Ba Lan và nhiều nước khác có chấp nhận không?...

Khó ai biết trước được tương lai. Nhiều phần thì phản ứng quốc gia cực đoan sẽ trỗi dậy, hiện tượng đã thấy từ vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933 - với minh diễn bi đát là phong trào phát xít và Thế chiến II. Nhẹ hơn thế là phản ứng hoài nghi sự thống nhất Âu châu. Các chính đảng bảo thủ có chủ trương chống lại sự thống nhất sẽ thắng cử, khiến giải pháp chung cho vụ khủng hoảng hiện nay càng thêm khó khăn.

Vì vậy, nhiều phần thì Âu châu sẽ suy tàn và phân rã, để sẽ bị thiên hạ chi phối sau hơn 500 năm khống chế thiên hạ. Chỉ mong rằng không vì đó mà chiến tranh liên-Âu sẽ lại tái phát.

13 nhận xét:

  1. "Nước Mỹ không muốn dính vào "thiên hạ sự" của Âu châu, đã tham chiến rất chậm trong cả hai trận Thế chiến và sau đó mưu tìm hòa bình cho đại lục địa Âu Á qua chính sách "quân bình bất ổn". Chữ "chia để trị" thì dễ hiểu hơn mà cũng dễ bị hiểu sai vì khái niệm "trị", không phải là cai trị mà là khử mầm loạn - chủ nghĩa quốc gia cực đoan của Âu châu - bằng cách khác.

    Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ chia đôi cường quốc đã ba lần gây đại chiến tại Âu châu, là nước Đức, trong một Âu châu cũng bị chia đôi giữa hai ngả Đông-Tây (Cộng sản và Dân chủ) bên cạnh một khối Cộng sản lại có hai đầu là Nga và Tầu đều tranh nhau bắt bí để giao kết với Mỹ.

    Hoa Kỳ gìn giữ trật tự bất ổn đó bằng sự hiện diện quân sự, nuôi dưỡng nền kinh tế bị tàn phá bằng viện trợ và phát triển bằng quy luật thị trường. Tình trạng đó kéo dài suốt thời Chiến tranh lạnh, cho đến khi nước Đức tái thống nhất năm 1989 rồi Liên Xô tan rã năm 1991, thì Hoa Kỳ ngó qua chuyện khác.(N.X.N.)"

    Không phải Hoa kỳ chia đôi nước Đức như ông Nghĩa viết mà vì Liên Xô vào Bà linh trước liên quân Mỹ Anh Pháp nên phải chấp nhận 1 phần lãnh thổ Tây Âu và phải để mặc cho Liên Xô thao túng Đông Âu. Hoa Kỳ, Anh và Pháp còn mang tội phản bội đồng minh Ba lan khi để cho Stalin làm cỏ đồng minh Ba lan của mình.
    Chính sự nhập nhằng của Hoa kỳ trong việc đổ bộ vào Âu châu cũng như những do dự của Hoa kỳ không tham chiến với phe đồng minh khiến cho tình trạng Âu châu và Thái bình dương thêm tồi tệ. Nếu Hoa kỳ đổ bộ sớm hơn thì có thể giải phóng Âu châu sớm hơn giúp Đông Âu và Baltic thoát khỏi họa cộng sản, đặc biệt là giúp đồng minh Ba lan của mình. Nếu Hoa kỳ rắp tâm bảo vệ ảnh hưởng của họ ở Thái bình dương và Phi luật tân thì chiến sự có thể đổi khác. Một khi Nhật hất cẳng Hoa kỳ ra khỏi Phi luật tân và chiếm giữ nhiều vị trí chiến lược ở Nam Thái bình dương khiến Hoa kỳ đã phải hao tốn bao tiền của và nhân mạng để dành lại.
    Quả là Hoa kỳ, đặc biệt thời Reagan đã góp phần đánh bại cộng sản nhưng đó cũng là hệ quả của những chính sách sai lầm của Hoa kỳ trong quá khứ, đặc biệt là trong thế chiến thứ II

    Trả lờiXóa
  2. Xin góp ý với Anonymous lúc 1:14 ở trên:

    Khi Đại chiến Thế giới thứ hai chắm dứt, Liên bang Xô viết đã kiệt quệ nhưng chính là Chính quyền Mỹ lại dừng chân tại Berlin! Nhờ vậy mà Hồng quân Liên Xô mới chiếm được một phần, ba phần kia (do Anh, Pháp, Mỹ kiểm soát) trở thành "Tây Bá Linh".

    Khi ấy và sau này, hình như là ai cũng cho là Mỹ lầm. Chính ông George W. Bush sau này tại Âu Châu cũng nói ra điều ấy và tỏ ý ân hận với các nước Đông Âu về quyết định không bảo vệ Đông Âu hoặc hy sinh ba nước Cộng Hoà vùng Baltic vào năm 1945.

    Nhưng nhìn trong lâu dài theo kiểu lạnh lùng của ông Nghĩa thì ta có quyền tự nêu câu hỏi rằng Mỹ có lầm không?

    Nếu giải phóng toàn cõi Âu châu, Đông và Tây, đến sát biên giới Xô Viết thì nước Mỹ sẽ lãnh trọn gói tái thiết, kể cả một nước Đức thống nhất, và có khi còn trực diện đồn trú quân đội ngay trước các đơn vị Hồng quân Xô Viết.

    Cũng vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng Hoa Kỳ đã lầm khi bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà - như đã bỏ rơi nhiều đồng minh khác trước và sau đó, Iran là một thí dụ - với nhiều hậu quả tai hại....

    Nhưng nếu không nhìn từ giác độ của mình và suy từ những tính toán ác liệt về quyền lợi của Hoa Kỳ, có lẽ họ nghĩ khác.

    Xin hãy đọc lại bài diễn văn giã từ của Tổng thống đầu tiên của Mỹ, có lẽ chúng ta hiểu ra phản ứng "không muốn dính vào thiên hạ sự" theo lối viết của ông Nghĩa. Rồi cũng nhìn ra cách giải quyết của Hoa Kỳ là để thiên hạ tranh giành hay hợp tác với nhau cho mối lợi lâu dài của nước Mỹ.

    Hình như ông Nghĩa nhiều lần nói về khía cạnh bầt ngờ ấy của Hoa Kỳ trên blog Dainamax Magazine, xin đề nghị là nên từ từ đọc lại những bài ấy thì có khi mình hiểu ra chuyện của Việt Nam xưa và nay...

    Cách phân tích của tác giả này không đi theo lối mòn hay lý tưởng mà tìm cái hợp lý, đôi khi tàn nhẫn, trong những quyết định của nước Mỹ.

    Có lẽ tác giả này tìm hiểu nước Mỹ khác với nhiều vị hàn lâm học giả - kể cả Hoa Kỳ - và nói ra nhiều điều sớm hơn các nhà bình luận Mỹ. Chỉ tiếc là ông ta không... ở Việt Nam trong một chế độ dân chủ!

    Một cái blog rất nên theo dõi....

    Trả lờiXóa
  3. Một băn khoăn của tôi trước đây đã được Mr N X Nghĩa gải thích và nhận định. Cám ơn Ông rất nhiều.

    _Xin góp ý với comment 1:14.
    Đa số nhân loại hiện nay được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước Mỹ xen vào đời sống chính trị trên toàn cầu quá nhiều. Do đó, rất nhiều người đánh giá Mỹ luôn có khuynh hướng chi phối thế giới, hoặc gọi là sen đầm, hoặc gọi nặng hơn là đế quốc.Theo tôi, những gì người Mỹ đã, đang và sẽ làm đều chỉ dựa vào tiêu chí quyền lợi quốc dân của họ; để bảo vệ quyền lợi thì tiêu chí trách nhiệm mới xuất hiện. Một người bình thường cũng biết câu :" Ngao Cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi ". Cho nên, không thể trách cứ được gì người Mỹ trong thế chiến II.

    _ Xin góp ý với comment 1: 46.
    Như trên tôi viết, tiêu chí trách nhiệm của người Mỹ đi sau tiêu chí quyền lợi quốc dân của họ. Mọi ràng buộc trong giao dịch của nước Mỹ với phần còn lại của thế giới thường bị đi kèm những vấn đề như : tự do, nhân quyền, v...v.....Gía trị của các tiêu chí sau này là để giảm thiểu tiêu chí trách nhiệm của họ. Mỹ đã từng quan hệ tốt với Pinochet, Saddam Hussein, Gaddhafi v...v...dù biết rỏ bản chất độc tài mọi rợ của những con người này; lý do chỉ vì mối quan hệ đó không làm cho Mỹ cảm thấy có trách nhiệm nặng hơn quyền lợi mà họ được có.
    Do đó, nhiều lúc mọi người thấy Mỹ đối xử với bạn bè thật " tàn nhẩn "," lạnh lùng " nhưng kỳ thật nó chỉ là 1 kết quả tất yếu . Công việc " từ thiện " không thể áp dụng trong những tương quan chính trị.

    Xin góp ý với cả hai bạn : ai đó đã từng nói : " làm kẻ thù Mỹ thì rất dể, làm bạn với Mỹ thì rất khó ". Chẳng lẻ con người của thế kỷ 21 lại chỉ thích làm chuyện dể thôi sao !?

    Trả lờiXóa
  4. Vị độc giả Anonymous ở trên thật là chí lý và cũng dẫn chúng ta đến những sự kiện nhạy cảm sau đây:

    1/ Tự do và dân chủ của một quốc gia tùy thuộc vào chính người dân của nước đó, không vào thiện chí có thật hay không hoặc rất hay thay đổi của nước Mỹ.

    2/ Quyền lợi kinh tế của quốc gia cũng vậy, nó tùy thuộc vào người dân ở dưới và lãnh đạo ở trên. Thể chế dân chủ cho phép quốc dân tranh đấu hữu hiệu nhất cho quyền lợi này vì có thể loại bỏ các chính quyền thối nát cố tập trung đặc quyền vào trong tay một thiểu số.

    3/ Đôi khi doanh nghiệp Mỹ còn cấu kết với thiểu số ấy để trục lợi cho đến khi dân Mỹ dùng ngay quyền tự do của họ đấu tranh để ngăn ngừa sự toa dập ấy. Người Việt tại Hoa Kỳ cũng có thể và nên tham gia vào chuyện này.

    4/ Nếu lãnh đạo Việt Nam trong quá khứ đã khai thác những mâu thuẫn nội bộ, ví dụ như của Chân Lạp để kiếm lợi cho mình, thì lãnh đạo Hoa Kỳ cũng vậy! Và Trung Quốc cũng thế!!! Quốc gia vận hành vì quyền lợi, nếu không thì mất chủ quyền và bị tiêu vong.

    5/ Vì thể, khôn ngoan và thực tế nhất là làm sao để khói chống ai theo ai mà vẫn bảo vệ được quyền lợi quốc gia. Dại dột nhất là khi nhờ Tầu chống Mỹ ngày xưa hoặc nhờ Mỹ chống Tầu ngày nay, hay là nhờ Mỹ mà ta sẽ phát huy được dân chủ.

    Ông Bush đã đề cao chuyện phát huy dân chủ ("các nhà đấu tranh cho dân chủ nên tin rằng có nước Mỹ đứng bên họ"), sau đó ông ngồi bên cạnh lãnh đạo Hà Nội, dưới bức tượng Hồ Chí Minh, còn những người tranh đấu cho dân chủ vẫn bị tù!

    Khi ông Nguyễn Xuân Nghĩa trình bày những mâu thuẫn của Âu Châu (trong bài này) hoặc sự lạc quan thiếu cơ sở của nhiều người về hy vọng từ Hoa Kỳ hoặc gần đây hơn, từ cuộc "cách mạng hoa lài" trong khối Á Rập thì cũng để cảnh báo chúng ta.

    Nhiều người không hiểu lại còn mạt sát tác giả! Lạ thật....

    Trả lờiXóa
  5. Cùng quý vị độc giả:

    Một bài viết - dù đã quá dài như bài trên - vẫn không thể trình bày đầy đủ mọi sự kiện, chưa kể đến sự thiếu hiểu biết của tác giả!

    Nhưng xin hãy lạnh lùng đọc, và nếu có thể thì đọc lại nhiều bài khác đã yết trên Dainamax Magazine, mái nhà xưa, về chuyện Âu châu. Và có khi một bài sau này về trụ cột của Âu châu đang phân rã là... nước Đức.

    Chỉ xin nhắc lại là năm 1989, cả Tổng thống Mỹ George H. Bush, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher lẫn Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đều lo sợ việc nước Đức thống nhất quá nhanh!

    Ông Bush thì e rằng việc đó gây phản ứng mạnh từ Liên Xô và cản trở tiến trình thoả hiệp giữa Mỹ và Chính quyền Mikhail Gorbachev. Bà Thatcher còn liên lạc để yêu cầu Gorbachev ngăn chặn việc thống nhất!

    Những dữ kiện được Ngoại giao vụ Anh quốc tiết lộ nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày sụp đổ bức tường Berlin hoặc từ thư khố của điện Kremlin và nhiều cuốn sách của các sử gia Mỹ đã viết lại tình tiết này.

    Cho nên, ai ơi xin chớ vội mừng: vào thời điểm 1989, dư luận chưa biết sự thật phũ phàng này, hoặc chỉ hồ hởi với viễn ảnh dân chủ và thống nhất Đông-Tây Đức. Vì thế mới bị ngạc nhiên về những gì đang xảy ra ngày nay....

    Cách ngôn: xin kiên nhẫn, và nín thở theo dõi!

    Trả lờiXóa
  6. Có khi nào ông Nghĩa đọc nhiều Tam quốc chí mà nhiễm phải La Quán Trung nên cho rằng Hoa kỳ (F. Roosevelt) ngồi trong Nhà Trắng đã vạch trước kế hoạch chia thiên hạ nên đã kìm Hoa kỳ không tham chiến cả bên Âu lẫn Á để cho tứ hùng Nga Anh Pháp Đức thấm mệt cho dễ bề khuynh đảo thế giới sau này?

    Thực tế là sai lầm chiến lược của Hoa kỳ hồi thế chiến II khiến Hoa kỳ phải cáng đáng cho cả Âu châu lẫn Nhật bản mà hậu quả là chi phí quốc phòng quá lớn khiến nợ nần ngập đầu phải muối mặt đi vay ngay cả của Tàu để tiêu dùng. Liên hiệp Âu châu bây giờ có sụp đổ thì đó chẳng qua là cơ chế tiền tệ sai lầm chứ thật ra Anh Pháp Đức và Bắc Âu cũng vẫn là những quốc gia hùng mạnh về kinh tế và những nước này sẽ tiếp tục phát triển kinh tế và sẽ hậu thuẩn cho những nước khác ở Âu châu vượt qua khó khăn hiện thời. Ngay cả nếu Hy lạp có vỡ nợ thì cũng như nhà giàu bị kim chích chảy máu ở mấy ngón tay thôi

    Trả lờiXóa
  7. Rõ khổ, cụ Nghĩa vừa kêu gọi kiên nhẫn là có người nhảy vào với chuyện La Quán Trung và kết luận rằng Hy Lạp có vỡ nợ thì cũng như nhà giàu đứt tay mà thôi!

    Hoa Kỳ cáng đáng thế nào để Nhật Bản và nước Đức bại trận trở thành hai cường quốc kinh tế thứ nhì thứ ba sau nước Mỹ, cho đến khi Trung Quốc tái xuất hiện? Khiến nước Mỹ phải "muối mặt" đi vay để tiêu dùng?

    Cũng lạ!

    Cụ Nghĩa đã mất thời giờ trình bày về chuyện cả Mỹ, Anh và Pháp đều e ngại khi nước Đức thống nhất mà nhiều vị vẫn chưa "nín thở theo dõi".

    Trả lờiXóa
  8. Với vị độc giả Anonymous nào vừa comment vào lúc chín giờ 52 ở trên:

    Vì sao Anh hoặc các nước Bắc Âu không nằm trong khối Euro lại phải nhảy vào cấp cứu Hy Lạp?

    Ngài có biết tỷ lệ mắc nợ của Pháp và cả Đức là bao nhiêu không, nếu so sánh với Tổng sản lượng GDP?

    Đừng lãng mạn nữa chứ?

    Chỉ mong là ông Nghĩa không thất vọng về trình độ độc giả như vậy mà đóng cửa tiệm luôn cho cái đầu của mình khỏi khổ!

    Trả lờiXóa
  9. Người viết rất thú vị khi thấy quý độc giả góp ý về bài này.

    Như đã trình bày đêm hôm qua, giờ miền Tây Hoa Kỳ, vấn đề nó rắc rối hơn những gì đa số chúng ta được biết sau này. Cho nên mình cần thận trọng xét lại xem nhận thức xa xưa có còn thích hợp hay chăng.

    Về chuyện Tổng thống F.D. Roosevelt và kết cục của Thế chiến II, chúng ta có thể suy đoán về tình trạng sức khoẻ của ông. Nhưng đừng quên Thượng đỉnh Tehran trước đó giữa Roosevelt, Churchill và Stalin, với quyết định phân ranh thiên hạ. Khi ấy, Liên Xô là đồng minh của Mỹ!

    Có một giả thuyết khác, đó là việc KGB đã xâm nhập rất sâu và ảnh hưởng rất cao vào ban tham mưu của Roosevelt - và cả Harry Truman (hồ sơ VENONA mới giải mật năm 1996). Những ai tò mò thì có thể tìm hiểu trên Google! Hoặc mua sách về mà đọc....

    Thí dụ điển hình là kinh tế gia Harry Dexter White, cố vấn kinh tế của Roosevelt và kiến trúc sư của hệ thống Bretton Wood. Hoặc những nhân vật đã góp phần cho Hành pháp Mỹ lập ra cơ chế Liên Hiệp Quốc: Họ làm việc cho Liên Xô và báo cáo thẳng cho KGB. Vì thế, có thể chính quyền Roosevelt bị lầm lạc khi Thế chiến II sắp kết thúc.

    Nhưng nếu lại xoáy vào những thuyết âm mưu như vậy thì, dù cho hấp dẫn, ta vẫn không thấy ra cái hợp lý gần như truyền thống trong cách hành xử của Hoa Kỳ.

    Rồi mắc bệnh nhìn đâu cũng thấy KGB!

    Còn lại, chuyện một số nước Âu Châu vẫn hùng mạnh hoặc Hy Lạp có vỡ nợ "thì cũng như nhà giàu bị kim chích chảy máu ở mấy ngón tay thôi", người viết này xin phép khỏi trả lời! Nhiều độc giả đã góp ý rồi.

    Trả lờiXóa
  10. Cám ơn ông Nghĩa đã xác nhận là chính tam đầu chế Nga Mỹ và Anh họp bàn chia nhau cai trị nước Đức chứ không phải Hoa kỳ đơn phương độc mã như trong bài này. Mà hội nghị này xảy ra sau khi Hoa kỳ đã tham chiến được 1/2 đường của cuộc chiến rồi đấy chư!
    Còn chuyện gián điệp Sô viết ảnh hưởng đến nội tình Mỹ và Anh thì cũng đương nhiên thôi. Ở Anh và Úc thì đã rõ còn ở Mỹ chắc cũng thế. Đó là 1 trong những thất lợi của dân chủ Tây phương nhưng ngược lại, người dân được tự do và no ấm hơn nhiều. Tuy nhiên, phải công bình mà xét, ảnh hưởng của những yếu nhân thân Liên xô chắc không lớn như ông Nghĩa ngầm bảo mà thực tế thì Roosevelt vốn có khuynh hướng dân chủ xã hội, đặc biệt lên cầm quyền sau khi Mỹ thoát khỏi khung hoảng nên tự ông vốn đã e dè Đức mà Churchchill của Anh thì chắc cũng không kém Hitler về mặt tư tưởng mấy nên Anh Mỹ, mặc dầu là đồng minh thân cận nhưng cũng lắm mâu thuẩn, do đó, biết đâu F.R đã không dùng Stalin để bắt chẹt W.C!
    Sau hết, lấy câu nhà giàu đứt tay để ám chỉ Hy Lạp là để đối lại với tiêu đề bài viết "Sự suy tàn của Âu châu" thôi. Hy lạp và Ý, rốt cuộc thì cũng phải giảm chi tiêu, tăng thuế khóa để trả nợ chứ chẳng lẽ là một quốc gia lại nằm vạ thiên hạ mãi. Mà có nằm vạ cũng không được vì sớm hay muộn thì cũng phải trả nợ thôi. Ngay như bọn Việt cộng chẳng phải cũng đã phải trả cho Hoa kỳ, chắc ông Nghĩa còn nhớ, số nợ mà VNCH vay của Mỹ thời trước 4/75 đó.

    Trả lờiXóa
  11. Vẫn chẳng hiểu gì cả! Ờ đâu ra chuyện bọn Việt cộng phải trả nợ cho Hoa kỳ, số nợ mà VNCH đã vay trước 4/75?

    Hình như cụ Nghĩa đã nhắc là chịu khó đọc đi mà cứ hay còm!

    Trước 1975, ngoài vàng ra, Việt Nam Cộng Hoà có dự trữ ngoại tệ ký thác trong các ngân hàng bên ngoài, kẻ cả Hoa Kỳ. Khi Cộng sản chiếm miền Nam thì đòi khoản ký thác đó và Mỹ đã trả, nhưng một phần thôi, sau khi khấu trừ tài sản của doanh nghiệp Mỹ ở trong Nam đã được đảng ta giải phóng.

    Làm gì có chuyện VNCH đi vay và VN Cộng sản phải trả?

    Trong một chương trình giải ảo, hình như cụ Nghĩa có nói đến vụ này, nếu tìm lại trên Dainamax Magazine thì vẫn còn.

    Cái tối thiểu của nước non mình mà còn như vậy lại cứ hay bình bàn về chuyện xa lạ khác!

    THQ

    Trả lờiXóa
  12. "Tôi hiểu cách ông Nghĩa đang làm: Nâng cao dân trí."

    Trả lờiXóa
  13. "Trong một chương trình giải ảo, hình như cụ Nghĩa có nói đến vụ này, nếu tìm lại trên Dainamax Magazine thì vẫn còn." (THQ)

    Hội chứng "thầy mo"?

    Trả lờiXóa