Thứ Ba, tháng 11 01, 2011

BRICS Cứu Nguy Khối Euro Để Mở Rộng Ảnh Hưởng

 Thanh Hà & Nguyễn Xuân Nghĩa RFI -  Ngày Thứ Ba 20111101



reuters
Nguyễn Xuân Nghĩa / Thanh Hà
 
Để bảo đảm sự tồn tại của đồng tiên chung châu Âu, khối euro đang nỗ lực thuyết phục nhóm BRICS đầu tư vào quỹ FESF. Phải chăng đây là một giải pháp hữu hiệu giúp châu Âu thoát khỏi khủng hoảng ? BRICS, đặc biệt là Trung Quốc, mặc cả những gì với Bruxelles và qua đó là với câu lạc bộ các nước công nghiệp phát triển ?

Tại thượng đỉnh châu Âu ngày 26/10/11, 17 nước thành viên khối euro vào phút chót đã đạt được đồng thuận về kế hoạch chống khủng hoảng để bảo đảm cho sự tồn tại của khu vực đồng euro. Kế hoạch đó bao gồm bốn điểm chính : xóa 50 % nợ công của Hy Lạp, tăng vốn cho các ngân hàng châu Âu, nâng khả năng can thiệp của Quỹ Bình Ổn Tài Chính Châu Âu FESF lên thành 1.000 tỷ euro thay vì 440 tỷ như hiện nay. Hướng cuối cùng là gia tăng các biện pháp giới hạn bội chi ngân sách của các thành viên trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Châu Âu đã nâng khả năng can thiệp của quỹ FESF lên thành 1.000 tỷ euro với mục đích ngăn cản một số thành viên khác như Tây Ban Nha hay Ý cũng lâm vào cảnh khổ như Hy Lạp. Tuy nhiên, câu hỏi chính là Bruxelles tìm đâu ra 1.000 tỷ euro nói trên ? Hiện tại Nhật đã tham gia hơn 2 tỷ euro vào quỹ FESF.

Ngay sau khi kết thúc hội nghị, người đứng đầu quỹ FESF Klaus Regling lập tức lên đường sang châu Á, với chặng đầu là Trung Quốc, để thuyết phục Bắc Kinh tích cực tham gia vào Quỹ Bình Ổn Tài Chính Châu Âu. Nhiệm vụ, từ nay đến cuối năm 2011, của ông Regling là nhằm vận động các nước đang trỗi dậy tiếp tay với châu Âu, để cứu lấy đồng euro đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ khi được lưu hành.

Trong số những chặng đường của cuộc chạy đua marathon đó, nhóm BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Cả 5 nước này đều là thành viên của nhóm G20.

Brazil từ nhiều tháng qua đã kêu gọi các nước đang trỗi dậy nên yểm trợ châu Âu, nhưng sáng kiến đó đã không mấy được 4 thành viên còn lại trong nhóm BRICS mặn mà hưởng ứng.

Brazil và Nga đều tuyên bố sẵn sàng yểm trợ khối euro. Cố vấn của tổng thống Nga về vấn đề tài chính cho biết là Nga có thể tham gia tối đa là 10 tỷ đô la vào Quỹ Bình Ổn Tài Chính Châu Âu, nhưng chủ yếu là qua trung gian Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Về phần mình, Brazil chờ đợi châu Âu chi tiết hóa thêm kế hoạch chống khủng hoảng trước khi lấy quyết định.

Riêng đối với Trung Quốc, cuối tuần trước, trích dẫn một nguồn tin thông thạo, nhật báo tài chính Anh "Financial Times" cho biết, Trung Quốc có thể tung ra từ 50 đến 100 tỷ đô la để hỗ trợ khối euro. Cũng cần nói thêm là, hiện tại khoản dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh lên tới 3.200 tỷ đô la và Trung Quốc đã mua lại 500 tỷ đô la nợ công của các thành viên trong khu vực đồng euro.

Tuy nhiên 2 ngày trước thượng đỉnh G 20 tại thành phố Cannes, miền nam nước Pháp, Bắc Kinh chưa chính thức lên tiếng về khả năng đầu tư thêm vào quỹ FESF.

FESF, phương tiện để Trung Quốc mặc cả với Châu Âu

Về mặt chính thức, Trung Quốc đưa ra những lý do kỹ thuật để giải thích thái độ «thận trọng» của mình như : cũng cần có thêm thông tin về tính rủi ro của các khoản nợ công châu Âu, về thể thức phát hành công trái phiếu của FESF trước khi quyết định có sử dụng một phần gói bạc 3.200 đô la của mình để mua thêm nợ của các nước thành viên khối euro hay không.

Nhưng bên cạnh những lý do thuần túy về kinh tế và kỹ thuật nói trên, giới quan sát nhận thấy là Trung Quốc còn chần chừ để mặc cả với châu Âu.

Nếu như Bắc Kinh đồng ý dùng đồng tiền của mình để hỗ trợ khu vực đồng euro, thì mong muốn thứ nhất là Liên Hiệp Châu Âu nhanh chóng nhìn nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường. Trên nguyên tắc, một khi đã là thành viên của Tổ chức Thương Mại Thế giới, tối đã là 15 năm sau, tức đến năm 2016 Trung Quốc phải được cộng đồng quốc tế công nhận là một nền kinh tế thị trường.

Đây là điều mà đến nay, Bruxelles vẫn từ chối do Liên Hiệp Châu Âu luôn tố cáo Trung Quốc trợ giá cho các mặt hàng xuất khẩu. Một đòi hỏi khác của Bắc Kinh liên quan đến tỷ giá nhân dân tệ : châu Âu và Hoa Kỳ luôn đòi Trung Quốc tăng giá đơn vị tiền tệ, tạo luật chơi bình đẳng hơn trên bàn cờ thương mại quốc tế.

Trên địa hạt chính trị, Trung Quốc muốn Liên Hiệp Châu Âu chấm dứt chính sách cấm vận vũ khí nhắm vào Bắc Kinh, một trong những hậu quả còn lại của đợt thảm sát Thiên An Môn 1989. Nhìn xa hơn, Trung Quốc dường như chỉ muốn can thiệp vào hồ sơ châu Âu qua trung gian của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế để qua đó mở rộng vai trò của mình trên sân khấu chính trị, kinh tế và tài chính thế giới. Đây cũng là tính toán của các thành viên còn lại trong nhóm BRICS là Brazil hay Nga.

Trả lời RFI chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trước hết giải thích, vì sao nhóm BRICS lại phải can thiệp để cứu khu vực euro:


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nói về chuyện chủ quan của Âu châu là vụ khủng hoảng, trước khi phân tích yếu tố khách quan của các nước đang được Âu châu mời vào cấp cứu. Lý do là các vấn đề chủ quan ấy còn đè nặng lên nghị trình thượng đỉnh của nhóm G-20 tại thành phố Cannes của Pháp vào tuần này.

- Các đợt thượng đỉnh tới tấp của lãnh đạo Âu châu đã đạt được một kết quả biểu kiến vào đêm 26 rạng ngày 27 tuần trước. Tôi nghĩ kết quả này chỉ là biểu kiến, vì không thể giải quyết nhiều vấn đề qua ba hướng khai thông chính yếu của họ là : 1) tái cấp vốn các ngân hàng Âu châu, 2) xoá nợ 50% cho Hy Lạp và 3) tăng vốn cho Quỹ Bình ổn Tài chính Âu châu, gọi là quỹ FESF.

- Ngay sau đó, lãnh đạo Âu châu, từ Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đến Chủ tịch Quỹ Bình ổn FESF, nói đến việc vận động các quốc gia khác tăng vốn cho Quỹ này khoảng 1.000 tỷ Euro, hay 1.400 tỷ đô la. Các quốc gia được nhắc đến đầu tiên là Trung Quốc và Nhật Bản. Rồi người ta nói đến năm nước của nhóm BRICS, là Cộng hoà Liên bang Brazil, Liên bang Nga, Cộng hoà Ấn Độ, Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc và Cộng hoà Nam Phi.

- Thật ra Âu châu đang thủ vai "người vái tứ phương", chứ không chỉ có năm nước đang tập trung một phần ba dân số toàn cầu, có sản lượng tổng cộng là 13 ngàn 600 tỷ đô la và nắm một khối dự trữ chừng 4.000 tỷ đô la. Chúng ta không quên Nhật Bản, Nam Hàn, Tiểu vương quốc Á Rập Thống nhất và cả xứ Na Uy tại Bắc Âu.

RFI: Nếu chỉ tập trung vào năm quốc gia kể trên thì Âu châu có hy vọng gì, việc cấp cứu sẽ thể hiện ra sao với điều kiện gì ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Các nước trong nhóm BRICS sẽ thấy tự ái được xoa dịu theo một thành ngữ của Pháp - "báo thù là một món nên ăn nguội"! Nhưng ngoại trừ Liên bang Nga, chưa chắc bốn nước kia đã chịu chi tiền. Sau đây là các lý do.

- Thứ nhất, Âu châu giải quyết chuyện vay mượn và nguy cơ vỡ nợ của một số thành viên bằng cách đi vay tiền cho quỹ cứu trợ FESF. Trong khi ấy, hai cái vế còn lại là cấp vốn cho ngân hàng và xoá nợ cho Hy Lạp chưa chắc đã đạt kết quả! Các nước còn lại ở miền Nam như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và cả Ý có thể bị chấn động, và chuyện ấy sẽ lại rơi vào Quỹ FESF, với mâu thuẫn về chức năng sẽ xuất phát từ Ngân hàng Trung ương Âu châu là BCE.

- Thứ hai, trong giải pháp đề nghị hôm 27, không quốc gia Âu châu nào lại chịu chi thêm tiền cho Quỹ FESF mà lại muốn tìm nguồn vay ở bên ngoài. Điều ấy khiến các nước có tiền sẽ phải ngần ngại là sẽ bị mất vốn như nhiều quốc gia hay ngân hàng tài trợ đã bị với Hy Lạp.

- Thứ ba, dù có thuộc nhóm "tân hưng", các quốc gia này thật ra chưa hẳn là thịnh vượng như Nhật hay Hoa Kỳ. Trung Quốc đang sợ lạm phát và nạn bể bóng địa ốc và khủng hoảng ngân hàng đi cùng suy trầm sản xuất. Brazil đang ngập đầu với những tai tiếng về tham nhũng, Ấn Độ chưa biết xoay trở ra sao với nguy cơ lạm phát và tham nhũng, còn Nam Phi thì vẫn chỉ là một nước quá nghèo, chưa đáng kể. Đó là về hoàn cảnh khách quan của các nước đang được mời chào này.

RFI: Nhưng xin hỏi anh ngay một câu, nếu kinh tế Âu châu sa sút thì các nước dó cũng bị vạ lây và khi cho các quỹ đầu tư châm tiền mua công khố phiếu của Quỹ FESF chẳng hạn thì họ cũng có mối lợi về kinh tế và sau đó còn có thêm cái thế về ngoại giao chứ? Anh có nhắc đến trường hợp Liên bang Nga là một, dù sao xứ này có dự trữ ngoại tệ là 500 tỷ đô la nên liệu Nga có thể làm một cử chỉ đẹp hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng có và đấy là cử chi tượng trưng của Nga nhắm vào mục tiêu tăng cường quan hệ chiến lược với Đức, nay đang ngần ngại chi thêm tiền cho vụ cấp cứu.

- Nói về thể thức, thật ra, các nước được mời chào còn có nhiều ngả khác hơn là trích xuất dự trữ ngoại tệ mua trái phiếu của Quỹ Bình ổn FESF.

- Họ có thể cho phép công ty đầu tư quốc doanh bỏ tiền đầu tư vào trái phiếu Âu châu miễn là phải an toàn là điều chính quyền Na Uy nêu ra. Xưa kia, các ngân hàng có thể đầu tư vào công khố phiếu Âu châu, vì tin rằng khí cụ này được các nước Âu châu đảm bảo 100%, mức đảm bảo ngày nay chỉ còn là 25% nên ai cũng ngại. Các công ty đầu tư này cũng có thể góp phần tăng vốn như một nghiệp vụ đầu tư vào các ngân hàng Âu châu, nhưng mức lời và sự an toàn vẫn là yếu tố then chốt, chứ họ không bị gọt tóc và mất vốn như các ngân hàng và giới đầu tư Âu châu đã bị.

- Họ cũng có thể dùng quyền trích xuất sẵn có trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI để cấp cứu Âu châu là điều nước Anh đề nghị và Liên bang Nga vừa tuyên bố là đã sẵn sàng với ngân khoản 10 tỷ đô la, một giọt nước so với nhu cầu là 1.400 tỷ, và với điều kiện là phải cải tổ cơ chế của Quỹ Tiền tệ. Trung Quốc có thể nhân đó mà đòi gia tăng phần đóng góp của mình cho Quỹ Tiền tệ để mở rộng ảnh hưởng về chính trị. Các nước kia cũng có thể tính như vậy nên sẽ đụng vào phần hùn - tức là khu vực ảnh hưởng của Hoa Kỳ! 

- Hôm 27 vừa qua, Tổng thống Barack Obama có bài xã luận trên nhật báo chuyên đề tài chính của Anh là tờ Financial Times về nhu cầu ngăn chặn hỏa hoạn tài chính tại Âu châu lan vào Mỹ. Vài ngày sau, hôm Thứ Hai 31, một tập đoàn kinh doanh Mỹ là MF Global làm thủ tục pháp lý để khỏi bị khách nợ lột áo vì bị lỗ lã quá nặng tại Âu châu. MF Global là do một doanh gia đã từng điều khiển tập đoàn tài chính Goldman Sachs rồi làm Nghị sĩ và Thống đốc New Jersey của đảng Dân Chủ. Cho nên vụ sụp đổ đứng hàng thứ bảy về tài sản của một đại gia Mỹ, vì tai họa xuất phát từ Âu châu, là một điềm gở cho vụ vận động châm tiền cứu trợ này !


Việc mời các nền kinh tế đang trỗi dậy tham gia vào Quỹ Bình Ổn Tài Chính Châu Âu không giúp khối euro giải quyết khủng hoảng một cách triệt để. Bên cạnh các hệ thống tài chính khối này còn cần xây dựng một hệ thống chính trị xuyên suốt để điều tiết các hoạt động kinh tế. Chắc chắn một điều là tại thượng đỉnh G 20 trong hai ngày nữa, lãnh đạo Trung Quốc sẽ đến Cannes trong thế của kẻ mạnh. Bruxelles sẽ kín đáo khi đề cập đến hồ sơ tỷ giá nhân dân tệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét