Thứ Sáu, tháng 5 23, 2014

Ấm Tình Nga-Hoa


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140522


Trong kế hoạch khí đốt vừa ký kết, Nga cần Tầu, Tầu sợ Mỹ. Mỹ ngó lên trời....

* Hai Chủ tịch Gazprom và CNPC ký hợp đồng, với Vladimir Putin và Tập Cận Bình chứng giám *



Tổng thống Vladimir Putin vừa thăm viếng Trung Quốc trong hai ngày. Sau ngày đầu, các bình luận gia tại Hoa Kỳ đều mau mắn nhấn mạnh tới khó khăn của Putin khi thuyết phục Bắc Kinh về kế hoạch mua khí đốt của Nga trị giá 400 tỷ Mỹ kim. Qua hôm sau là Thứ Tư 21 thì họ lặng người vì hai nước đã thỏa thuận một kế hoạch hợp tác mà Putin gọi là có ý nghĩa lịch sử.

Bài này sẽ phân tích kế hoạch đó.

Liên bang Nga có dầu thô và khí đốt, hai loại năng lượng mà Trung Quốc rất cần và phải mua ở ngoài. Sau khi hoàn tất một chương trình mua dầu của Nga từ Tháng Chín năm ngoái, Bắc Kinh chú ý tới nguồn năng lượng kia là khí đốt.

Từ đã lâu, Bắc Kinh có kế hoạch chuyển dần nhu cầu từ dầu qua khí, và cố gắng gia tăng khả năng sản xuất nội địa mà không đủ nên vẫn phải nhập. Trong loại khí đốt, Bắc Kinh mua cả khí lỏng ("liquefied natural gas" LNG), nhiều nhất từ Úc, Indonesia, Malaysia và Qatar. Họ không yên tâm vì chưa kiểm soát được việc chuyển vận qua các dòng hải lưu và eo biển Đông Nam Á. Việc mua khí của Nga được trù tính và đàm phán từ cả chục năm nay mà chưa xong. Lý do chính là chưa thoả thuận về giá cả.

Nga có trữ lượng khí đốt nhiều nhất thế giới và rất hiểu nhu cầu của Trung Quốc. Việc đàm phán sở dĩ chưa xong vì hai lý do. Nga có thể bán khí cho Âu Châu (80% số xuất cảng) với giá cao hơn cái giá mà Bắc Kinh yêu cầu. Lý do thứ nhất đang thay đổi, cao điểm là vụ khủng hoảng tại Ukraine khiến Âu Châu ráo riết tìm ra nguồn cung cấp điền thế và đòi thương thuyết lại việc mua khí của Nga. Lý do ấy khiến Putin nhượng bộ về giá cả, còn châm thêm một số lợi ích khác để đạt thỏa thuận với Bắc Kinh.

Trên đại thể thì đôi bên đã đồng ý như sau.

Nga sẽ xuất cảng khí đốt trị giá khoảng 400 tỷ Mỹ kim qua Trung Quốc trong kỳ hạn 30 năm tới. Giá bán là bao nhiêu thì đôi bên giữ kín, nhưng giới chuyên gia về năng lượng thì ước lượng là mỗi năm sẽ bán gần 40 tỷ thước khối (billion cubic meter, xin viết tắt là bcm) với giá 350 Mỹ kim một ngàn thước khối. Giá này cao hơn mức dạm mua của Trung Quốc (từ 300 đến 320) nhưng vẫn thấp hơn cái giá 400 mà Nga đã đòi từ lâu. Nói lại cho gọn, Nga bán khí cho Tầu với giá rẻ hơn chừng 20%.

Mà không chỉ có khí đốt.

Putin còn tặng thêm một số ưu đãi khác: 1) sửa chế độ thuế khóa năng lượng và xuất cảng để làm trơn chu bộ máy bán năng lượng; 2) mời Trung Quốc đầu tư vào thị trường Nga trong một số dự án mang tính chất chiến lược trước đây vẫn bị Nga từ chối, như phi cơ, mạng lưới điện năng và hỏa xa, hãng xưởng ráp chế xe hơi, v.v....; 3) tăng phần hùn vào dự án khí lỏng của tập đoàn khí đốt Gazprom tại Vladivostok; 4) tập đoàn số một CNPC (China National Petroleum Corporation) được hùn vốn làm chủ 19% tài sản của Rosneft và ngồi trong Hội đồng Quản trị của tập đoàn số một về dầu thô của Nga.

Nghĩa là chuyện hợp tác Nga Hoa không chỉ thu hẹp vào khí đốt mà mở ra nhiều lãnh vực khác.


***

Trong quá khứ, Nga và Tầu đã từng hợp tác qua nhiều dự án kinh tế và thường sát cánh về ngoại giao chống lại quan điểm của các nước dân chủ Tây phương, đặc biệt là nhờ lá phiếu phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để bảo vệ các chế độ hung đồ như tại Syria hay Iran.

Nhưng quả thật là kế hoạch hợp tác về năng lượng và công nghiệp này có ý nghĩa lịch sử như Putin phát biểu vì tầm quan trọng chưa từng thấy về kích thước lẫn nội dung.

Hai chính quyền Nga Hoa mở rộng việc đầu tư khiến hai quốc gia trở thành gắn bó, không xứ nào lại muốn đối tác gặp loạn. Không chỉ giải quyết nhu cầu mua và bán, hai nước cùng giúp nhau ổn định tình hình bên trong. Có ổn định được hay chăng thì chưa ai biết, nhưng Moscow sẽ bớt sợ Bắc Kinh, và ngược lại cũng vậy. Mâu thuẫn Nga Hoa như đã từng thấy trong nhiều thế kỷ, kể cả dưới thời Mao - Xô viết, coi như đang được giải toả. Hoặc tạm đẩy lui.

Trước sự thể đó, nhiều người có thể nghĩ tới thế liên kết Nga-Hoa chống Mỹ như trong nhiều thập niên trước. Người ta càng dễ suy luận như vậy khi Putin đang dàn xếp giải pháp hợp tác với Tập Cận Bình thì phía Hoa Kỳ chính thức truy tố năm nhân viên Bộ Quốc Phòng Bắc Kinh về tội đột nhập hệ thống thông tin điện tử và đánh cắp bí mật của doanh nghiệp Mỹ.

Thật ra, qua kế hoạch 400 tỷ này, Bắc Kinh muốn giải quyết hai nhu cầu của mình, là năng lượng và kinh tế, thứ hai là an ninh trong nội địa tiếp cận với Liên bang Nga. Bắc Kinh đạt kết quả đó là vì Nga đang cần mình nên Putin phải nhượng bộ. Nhưng mục tiêu chưa hẳn là để chống Mỹ, một đối tác kinh tế còn quan trọng hơn Liên bang Nga.

Nhìn trong dài hạn thì thỏa thuận Nga Hoa gỡ một mối lo cho lãnh đạo Bắc Kinh trong lục địa, để họ có thể ứng phó với Hoa Kỳ ở ngoài đại dương. Nói nôm na thì Nga cần Tấu, mà Tầu vẫn sợ Mỹ và muốn thoát khỏi mối nguy bị Hoa Kỳ bao vây hay phong toả ngoài biển.

Trong khi đó, người hùng của nước hung là Vladimir Putin vừa kéo quốc gia mình về trình độ các nước chậm tiến chỉ sống nhờ xuất cảng nguyên nhiên vật liệu và sau những thất vọng với Âu Châu thì đành trông cậy vào tư bản và kỹ thuật của Trung Quốc. Quyết định của Bắc Kinh càng gia tăng mâu thuẫn giữa Liên bang Nga và Tây phương và sẽ gây thêm sức ép cho Putin.

Trong khi đó, Hoa Kỳ làm gì?


***
Lãnh đạo nước Mỹ hiện quan tâm đền nhiều ưu tiên khác trong nội bộ và chưa tận dụng đòn bẩy năng lượng. Tệ hơn thế, vì áp lực của nhóm bảo vệ môi sinh, Chính quyền Barack Obama còn trì hoãn quyết định về dự án lập ống dẫn dầu Keystone từ Canada vào các tiểu bang của Mỹ. Việc đó khiến Canada thất vọng và có góp phần cho một quyết định tai hại là đồng ý cho tập đoàn CNOOC của Bắc Kinh mua tại tổ hợp năng lượng Nexen tại tỉnh Alberta.

Đấy là chuyện ngắn hạn, trong phạm vi dăm ba năm.

Khi Trung Quốc và Liên bang Nga đồng ý về một kế hoạch kéo dài nhiều thập niên, có lẽ chúng ta cũng nên nhìn trên toàn cảnh trong trường kỳ. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, thế giới đã có nhiều đổi thay.

Liên bang Nga mất chục năm khủng hoảng và chỉ quật khởi từ năm 2008 với việc chiếm đóng một phần của xứ Georgia và lên tới đỉnh cao là vụ Ukraine năm nay. Nhưng nước Nga của Putin không vững và sẽ gặp loạn chứ không chuyển hóa qua chế độ dân chủ khi Putin không còn. Dù có lãnh đạo xứ này cho tới 2017, ông ta cũng không thể làm ra phép lạ.

Dù thiếu tài nguyên, đói ăn và khát dầu, Trung Quốc có cái thế mạnh hơn, từ hai chục năm qua còn ôm mộng thành đại cường hải dương. Nhưng nội tình cũng có vấn đề, trước hết về kinh tế và xã hội, khiến chế độ rơi vào cảnh vỏ cứng ruột mềm. Chính là cái thế mạnh ở bên ngoài lại gây phản ứng phòng vệ của các lân bang, trước tiên là Nhật Bản, Úc, sau này sẽ là Ấn Độ....

Nếu so sánh với Trung Quốc và Liên Bang Nga thì trong nội tình rối ren hiện nay, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc mạnh nhất, về thế lẫn lực.

Trong mấy năm qua, nhiều quốc gia đồng minh đã thất vọng về nước Mỹ. Họ sở dĩ thất vọng vì Hoa Kỳ không tận lực giải quyết nhiều vấn đề của thế giới, từ Trung Đông tới Âu Châu qua Đông Á, chứ không vì nước Mỹ đưa quân quậy phá khắp nơi, như cái tội của George W. Bush!

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, Tổng thống George H. Bush dại dột nói tới một "trật tự mới" của thế giới. Trật tự đó là một sự bất ổn triền miên, nhưng có lẽ đang kết thúc với vụ khủng hoảng Ukraine tại Âu Châu. Bây giờ, sau kế hoạch hợp tác Nga Hoa với khí độ hung hăng và độc tài của Moscow và Bắc Kinh, thế giới có dịp so sánh với tinh thần gọi là "đế quốc" của Hoa Kỳ khi là siêu cường độc bá từ 1991. Bây giờ, "trật tự mới" có thể là một tình trạng đối đầu khác....

Chúng ta nghĩ sao về chuyện này?

Quả thật là Hoa Kỳ cứ đòi thiên hạ thực thi dân chủ và đưa quân can thiệp vào nhiều nơi, nhưng thật ra lại chẳng chiếm đóng xứ nào hoặc cướp biển cướp dầu của ai, mà vẫn là thế lực có khả năng cấp cứu và ổn định ở những nơi xa nhất. Khi Mỹ lúng túng ngó lên trời như hiện nay, các chế độ hung đồ có thể thừa thế xông ra. Họ chỉ làm cho các nước nghĩ rằng thế giới cần một trật tự khác, nhờ bàn tay của Mỹ!

Quái lạ....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét