Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140507
Diễn đàn Kinh tế
Thống kê về sản lượng Trung Quốc là "sản phẩm nhân tạo". Không tin được....
Cuối Tháng Tư vừa qua, Ngân hàng Thế giới công bố tại Washington DC
thống kê về sản lượng kinh tế các nước theo lối tính mới của Chương
trình So sánh Quốc tế về sức mua của đồng bạc. Dư luận để ý đến sự kiện
là nếu áp dụng cách tính này thì kinh tế Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ để
đứng đầu thế giới nội trong năm nay. Nhưng cách tính đó là gì và có giá
trị tới mức độ nào? Vũ Hoàng trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân
Nghĩa về vấn đề này.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Hôm
Thứ Ba 29, Ngân hàng Thế giới đã công bố tại trụ sở ở thủ đô Hoa Kỳ
những dữ kiện mới về kinh tế thế giới theo cách tính được điều chỉnh
lại. Báo chí quốc tế nói tới sự kiện là nếu áp dụng cách tính này thì
sản lượng kinh tế Trung Quốc đã thực tế vượt Hoa Kỳ để đứng hạng nhất
trong năm nay. Vì điều ấy khiến người ta phân vân về lối tính toán này
nên xin ông trình bày nội dung cho thính giả của chúng ta cùng rõ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cách nay đúng ba năm, đầu Tháng Năm năm
2011, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng gây chấn động được vài ngày khi công
bố thống kê mới về kinh tế thế giới với dự báo là sản lượng kinh tế
Trung Quốc đang bắt kịp và sẽ vượt Hoa Kỳ vào năm 2016. Sau đó người ta
mới chưng hửng khi biết được kinh tế Trung Quốc có nhiều vấn đề trầm
trọng ở bên trong và đà tăng trưởng gọi là rồng cọp của ba thập niên
trước sẽ không thể tiếp tục. Bây giờ cũng vậy thôi, khi Ngân hàng Thế
giới cho biết thời điểm gọi là qua mặt không là năm 2016 mà là năm nay.
Tôi thiển nghĩ là ta nên "trừ bì" hoặc gia giảm khi xét tới cách xào nấu
thống kê kinh tế như vậy.
Vũ Hoàng: Như mọi khi, xin đề nghị ông trình bày trước hết là về bối cảnh của vấn đề.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ năm 1968, Ngân hàng Thế giới hợp tác với
Ủy ban Thống kê Liên Hiệp Quốc rồi nhiều tổ chức thống kê quốc tế để
lập ra một chương trình so sánh thống kê các nước, gọi là International Comparison Program,
viết tắt là ICP. Mục tiêu là để lập ra một cơ sở khách quan khi đối
chiếu thống kê của các nước. Trong khuôn khổ ấy, người ta để ý đến sự
kiện là đồng tiền của mỗi nước lại có sức mua mỗi khác, cho nên nếu dùng
mệnh giá hay hối suất của đồng bạc làm nền tảng so sánh thì không chính
xác. Vì vậy, các nước áp dụng một khái niệm cổ điển là điều chỉnh theo
tỷ giá mãi lực, gọi tắt là PPP. Chúng ta sẽ trở lại chuyện tỷ giá này.
- Trong phạm vi của chương trình so sánh thống kê ICP do Ngân hàng Thế
giới bảo trợ thì cứ sáu năm họ lại một lần điều chỉnh cơ sở tính toán.
Lần trước là vào năm 2005. Vì thế, năm 2011 Ngân hàng Thế giới mới có dự
án nghiên cứu lại cách tính và bây giờ họ mới tạm hoàn tất để vài tháng
nữa thì chính thức công bố kết quả. Khi áp dụng phương pháp mới so với
cách tính năm 2005 thì tình hình có vẻ khả quan hơn cho các nền kinh tế
đang lên, trong đó có Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Trước hết, ta tìm hiểu về tỷ giá của sức mua, gọi tắt là PPP. Thưa ông, nó là cái gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ năm trăm năm trước, người ta đã nghiệm
thấy là đồng tiền ở mỗi nơi lại có sức mua mỗi khác tùy hoàn cảnh từng
nơi. Một thí dụ ta dễ mường tượng ra là một lượng bạc ở Đàng Trong có
thể mua được nhiều hàng hơn cũng một lượng bạc ở Đàng Ngoài.
- Gần trăm năm trước, người ta hệ thống hóa khái niệm ấy để dẫn tới
việc điều chỉnh lại tỷ giá ngoại hối, hay hối suất của đồng bạc, theo
sức mua của đồng bạc ở mỗi nơi mỗi nước và gọi đó là "tỷ giá mãi lực".
Sức mua ấy tùy vào nhiều điều kiện khác nhau, như lạm phát cao hay thấp
hoặc phí tổn về sản xuất hay cản trở về thương mại khiến giá trị đồng
bạc có khác với trị giá.
- Nói vắn tắt qua một thí dụ dễ hiểu thì ta có "mệnh giá", hay giá
chính thức, của một đô la Mỹ giả dụ là hai vạn bạc tiền Việt Nam, rồi cứ
theo đó mà nói rằng sản lượng kinh tế Việt Nam trong một năm trị giá
chừng 135 tỷ đô la. Thực tế thì một đô la tại Việt Nam mua được nhiều
hàng hóa hay dịch vụ hơn cùng một đô la đó tại Hoa Kỳ. Cho nên nếu điều
chỉnh lại theo sức mua thì sản lượng kinh tế Việt Nam có giá trị tương
đương với 414 tỷ đô la. Nếu chia cho dân số để tính ra mức tiêu thụ của
một người thì theo mệnh giá chính thức, một người Việt có lợi tức đồng
niên là ngàn rưởi đô la, mà thực tế thì sức mua lại gấp ba, tương đương
với bốn ngàn bảy.
Vũ Hoàng: Trước khi hỏi ông là làm sao tính ra cách
điều chỉnh ấy vì hoàn cảnh mỗi nước lại mỗi khác, xin ông cho biết là
điều chỉnh như vậy thì có lợi ở những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Giới công chức quốc tế được trả lương để
làm công tác điều chỉnh ấy vì nhiều mối lợi khác nhau cho nhiều cơ quan
hay thành phần. Trước hết, giới làm chính sách của các nước cần nền tảng
thẩm định chính xác hơn thì mới đánh giá được thực tế kinh tế quốc gia.
Và trong phạm vi một nước thì còn thấy được sự khác biệt ở từng địa
phương, của từng thành phần dân cư giàu hay nghèo, và nhờ đó còn nắm
vững được hậu quả của biện pháp về ngoại hối, lương bổng, trợ cấp,
v.v.... Thứ hai, các tổ chức quốc tế cũng cần loại thông tin này để biết
được phẩm chất thật của tăng trưởng trong từng quốc gia, và hiểu rõ
tình trạng giàu nghèo hay trình độ phát triển từng nước hầu có thể trợ
giúp về chính sách kinh tế, xã hội hay giáo dục. Thứ ba là doanh giới
quốc tế hay trong nước cũng có lợi khi có cơ sở thẩm định việc lời lỗ
của đầu tư và làm ăn, từ đó còn tính ra phí tổn hay lợi ích của lương
bổng theo sát với thực giá. Nói chung thì phương pháp thẩm định và điều
chỉnh đó có những lợi ích hiển nhiên, nhưng giá trị cao hay thấp thì còn
tùy thuộc vào cách tính.
Vũ Hoàng: Ông hàm ý là phương pháp điều chỉnh theo tỷ giá mãi lực cũng chỉ có giá trị tương đối mà thôi. Thưa ông, vì sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Về căn bản thì câu chuyện là như thế này.
Trước hết là phải tìm hiểu về thực tế, sau đó mới là điều chỉnh lại thực
tế đó theo một số quy ước được đa số công nhận.
- Sự thật thì hoàn cảnh về thực tế và về chính sách của mỗi quốc gia
trong số 199 nước tham gia vào chương trình lại mỗi khác. Mà chẳng ai có
thể tham khảo ý kiến từng người cho nên người ta vẫn phải áp dụng
phương pháp thống kê thông thường là chọn dân số mẫu rồi từ đó suy ra
toàn cảnh. Khi đó việc điều chỉnh có những giới hạn của nó. Những giới
hạn ấy là gì?
- Thứ nhất, tỷ giá mãi lực có cho thấy sự khác biệt giữa hối suất chính
thức và sức mua thực tế, nhưng điều ấy không có nghĩa sức mua thực tế
này mới nên là tỷ giá ngoại hối chính thức. Thứ hai, việc định ra dân số
mẫu có nghĩa là chọn một thiểu số làm tiêu biểu cho đa số với những sai
lầm chắc chắn là khó tránh được. Thứ ba là trong việc tiến hành, người
ta còn có sự lầm lẫn dễ hiểu về thống kê mà lầm đến cỡ nào, nhiều hay
ít, thì chẳng ai biết được. Thứ tư, quan trọng hơn cả, không phải là xứ
nào trên thế giới cũng đều tôn trọng thông tin kinh tế như nhau nên
thống kê kinh tế còn có độ lệch khá lớn về văn hoá và chính trị.
Vũ Hoàng: Xin ông nêu cho vài thí dụ dễ hiểu về những giới hạn đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước tiên ta hãy nói về dân số mẫu. Như
muốn tìm hiểu về thói quen tiêu thụ của người dân trong một nước thì ta
dùng một mẫu chung. Ví dụ như để tính ra lạm phát thì người ta lấy một
giỏ hàng hóa và dịch vụ tiêu thụ có tính chất tiêu biểu để xem người dân
tốn bao nhiêu cho mặt hàng này hay mặt hàng kia, rồi từ đó mới điều
chỉnh lại vật giá để có hình ảnh xác thực hơn. Vì hoàn cảnh mỗi nước mỗi
khác nên cái giỏ hàng tiêu thụ đó mất giá trị tiêu biểu. Trong các xứ
giàu có, người ta tốn ít tiền hơn cho thực phẩm, mà phải chi nhiều hơn
cho nhu cầu gia cư hay giáo dục. Thí dụ như người dân Trung Quốc vẫn còn
tiêu một phần ba lợi tức cho miếng ăn so với có 14% tại Mỹ nên cái gỉỏ
hàng để tính ra lạm phát là cái giỏ lệch.
- Thứ hai là sai lầm về thống kê. Trên diễn đàn này, từ nhiều năm nay,
ta đã nói đến sự thiêu khả tín của thống kê Trung Quốc. Một nhân vật
lãnh đạo ngày nay là Thủ tướng Lý Khắc Cường đã từng nói từ năm 2007,
khi còn là Bí thư tỉnh Liêu Ninh, rằng con số về Tổng sản lượng GDP chỉ
là hiện tượng "nhân tạo" nên không đáng tin. Từ đó đến nay tình hình vẫn
chưa có cải tiến. Vì vậy con số về sản lượng kinh tế của Trung Quốc có
sự thiếu trung thực rất đáng ngờ.
Vũ Hoàng: Tập trung vào Trung Quốc thì ông còn thấy những giới hạn nào khác nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là ta có vấn đề chính sách. Nhiều quốc
gia, kể cả Trung Quốc, có chính sách can thiệp vào kinh tế và nhất là
giá cả. Vì vậy, giá cả không phản ảnh đúng quan hệ cung cầu nên dùng cái
giá ấy để đo kinh tế thì cũng tựa như lấy một cái thước đo rất co giãn
của cao su. Cũng thuộc diện chính sách, việc Bắc Kinh kiểm soát và hạn
chế thông tin tất nhiên là gây trở ngại cho công tác khảo sát thực tại
kinh tế và làm tỷ giá mãi lực mất nhiều giá trị.
- Sau cùng, ta không quên là muốn kiểm tra xuất lượng ở đầu ra thì phải
đếm được nhập lượng ở đầu vào, muốn đo sản lượng cho đúng thì phải tính
ra phí tổn cho xác thực. Một thí dụ là năm 2006, Bắc Kinh có thấy ra
vấn đề hủy hoại môi trường sinh sống vì nạn ô nhiễm và được quốc tế
khuyến cáo là nên cố tính ra "Sản lượng Xanh" hay "Green GDP", tức là phải khấu trừ
những tốn kém cho môi sinh. Dự án đó không thành vì nếu tính cả phần phí
tổn này thì kinh tế không có sản xuất mà bị sản nhập và cái đà tăng
trưởng 9-10% chỉ là chuyện ảo!
Vũ Hoàng: Thưa ông, như ông trình bày hồi nãy thì từ
năm 2005, Ngân hàng Thế giới đã có một cơ sở ước tính và điều chỉnh
thống kê kinh tế theo phương pháp tỷ giá mãi lực. Bây giờ họ mới công bố
một cuộc điều chỉnh mới nên dự báo là kinh tế Trung Quốc thật ra còn
mạnh hơn và bắt kịp Hoa Kỳ sớm hơn sự tiên đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế
IMF vào năm 2011. Sau khi nêu ra những giới hạn thì kết luận của ông là
gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chính Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng lối
tính tỷ giá mãi lực chỉ là một ước lượng, với nhiều nhược điểm của nó,
cho nên chỉ được coi như một sự chỉ dẫn mà thôi.
- Bản thân tôi thì hơi hoài nghi khả năng ước lượng của giới công chức
quốc tế nói chung. Riêng về Trung Quốc thì họ còn bị ràng buộc vào nhiều
chuyện khác cho nên bảo rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ năm nay
thì hơi sớm. Với dân số cao hơn gấp bốn dân số Mỹ, sản lượng kinh tế
Trung Quốc sẽ có ngày bắt kịp Hoa Kỳ, nhưng xứ này vẫn chỉ là một nước
nghèo và có khi còn gặp loạn nếu không giải quyết được các vấn đề kinh
tế quá trầm trọng của họ.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Bac Nghia oi,
Trả lờiXóaCho BUyen hoi mot cau lac de ve bai binh luan nay cua bac:
May hom nay, tu tryen thong Viet Nam o hai ngoai cung nhu truyen thong ngoai quoc deu noi den dan khoan dau cua Trung Cong HD981 da duoc dat tai hai phan cua Viet Nam, cach dao Ly Ngu co 119 hai ly, trong khi theo luat quoc te, lanh hai cua Viet Nam la 200 hai ly. Nhu vay Trung Cong da ngang nhien xam pham hai phan VN ma nhung nguoi dung dau cua dang Cong San van im lang, chi cho mot vai can bo cap duoi phan doi bang mieng thoi.
Theo bac, nguoi Viet chung ta, trong cung nhu ngoai nuoc, can phai lam gi de bao ve dat nuoc chung ta ngoai viec bieu tinh phan doi truoc cac toa dai su/lanh su cua Trung Cong tren the gioi.
Đã có một bài background về chuyện này, sẽ post. NXN
XóaPhải triệu tập hội nghị Diên Hồng lập tức giáo sư ơi!
Xóa