Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140430
"Diễn đàn Kinh tế"
Chủ nghĩa cộng sản đang hồi sinh tại Liên bang Nga?
Sau khi lãnh đạo Liên bang Nga thôn tính bán đảo Crimea và uy hiếp xứ
Ukraine, thế giới đang chứng kiến một sự kiện mới lạ mà đáng ngại. Đó
là một số đông đảo người Nga lại ủng hộ việc chinh phục hay sát nhập đó
và thậm chí còn muốn khôi phục lại chủ nghĩa cộng sản. Diễn đàn Kinh tế
tìm hiểu câu giải đáp cho hiện tượng có vẻ như ngược chiều này. Xin quý
thính giả theo dõi phần giải thích của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân
Nghĩa sau đây.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông,
Liên bang Xô viết chính thức sụp đổ từ năm 1991 nên nhân loại tưởng là ý
thức hệ cộng sản coi như cáo chung sau 74 năm thử nghiệm tại nước Nga.
Nhưng ngày nay, dường như chủ nghĩa cộng sản lại hồi sinh tại Liên bang
Nga sau khi lãnh đạo xứ này thôn tính bán đảo Crimea và dùng võ lực uy
hiếp xứ Ukraine. Nhiều người Nga tỏ vẻ ủng hộ việc sát nhập như một biểu
hiện của chủ nghĩa ái quốc lồng trong những lý luận và khẩu hiệu có mùi
cộng sản, trong khi thành phần bất đồng ý kiến thì lặng thinh để khỏi
bị chế độ trù dập. Thưa ông, vì sao lại có hiện tượng mà ta có thể gọi
là đi ngược trào lưu của nhân loại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là Liên bang Nga đang gặp
mâu thuẫn nặng khi lãnh đạo muốn khôi phục lại chức năng huy động của ý
thức hệ cộng sản mặc dù họ ý thức được những giới hạn của ý thức hệ này.
Muốn hiểu tại sao thì có lẽ ta phải đi lại từ nguyên thủy, từ hoàn cảnh
khá bất thường của nước Nga.
Sau nhiều thế kỷ đã sống với độc tài, họ có một khái niệm khác thiên hạ về tự do hay dân chủ theo kiểu phổ thông ngày nay, xuất phát từ Âu Châu. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ đi lại từ hoàn cảnh đó. Thưa ông, nó bất thường ở chỗ nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Liên bang Nga có lãnh thổ rộng lớn nhất
trong các nước trên thế giới, với diện tích là hơn 17 triệu cây số
vuông, dù có khá nhiều tài nguyên thiên nhiên thật ra vẫn là một nước
nghèo. Từ một Đại Công Quốc tại khu vực có thể gọi là "Trung Nguyên"
Muscovy, sau khi bành trướng và hình thành như một đế quốc vào thế kỷ
16, nước Nga chưa giải quyết được bài toán kinh tế của họ. Bài toán ấy
xuất phát từ địa dư hình thể.
- Trước hết, nước Nga có lãnh thổ trống trải, với nhiều vùng đất hoang
vu khó sống nếu không có công trình đầu tư cực kỳ tốn kém. Thí dụ ai
cũng biết là vùng Siberia, trải rộng từ rặng núi Ural qua tới Thái Bình
Dương, từ vùng Cực Bắc xuống tới Trung Á, và chiếm đến hơn ba phần tư
diện tích đất đai mà vẫn là một khu vực khiếm khai, chậm tiến và chưa
khai thác hết.
- Lãnh thổ Nga nằm trên vùng đất lạnh, thời gian có thể canh tác trong
một năm thật ra rất ngắn. Có lương thực rồi, họ còn phải chuyên chở đến
nơi tiêu thụ qua những vùng cách trở bát ngát lại thiếu sông ngòi thuận
tiện cho vận tải. Nước Nga cũng thiếu ngả thông thương ra biển ấm để tận
dụng phương tiện hàng hải, là cách chuyên chở có giá trị kinh tế cao
nhất vì tương đối rẻ nhất. Yếu tố thứ tư là sự phân bố dân số trên một
diện tích hiểm trở và thiếu liền lạc, đa số tập trung tại miền Tây, nên
cư dân ở khu vực nào có lương thực thường cố giữ lấy tài sản đó cho
mình. Vì địa dư hình thể bất lợi ấy, việc giải quyết miếng ăn như bài
toán kinh tế sơ đẳng đã là vấn đề sinh tử mà nhiều xứ khác không gặp.
Bây giờ ta mới châm thêm yếu tố an ninh.
Vũ Hoàng: Thính giả của chúng ta mường tượng ra cách giải
thích của ông từ điều kiện thiên nhiên mà nhiều quốc gia rộng lớn khác
lại không gặp, như trường hợp Canada, Trung Quốc, Hoa Kỳ hay xứ Brazil
hoặc Australia mà ta hay gọi là nước Úc. Thế yếu tố an ninh đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh thổ của nước Nga rất trống trải và khó
phòng vệ trước nhiều đợt tấn công của ngoại bang. Trong lịch sử thì
quân Mông Cổ từ hướng Đông Nam vượt thảo nguyên Trung Á, hay từ các nước
Bắc Âu và Tây Âu qua các Bình nguyên Bắc Âu Châu vào Moscow. Vì vậy,
sau năm thế kỷ bị đủ loại ngoại xâm, bản năng phòng thủ mới là thuộc
tính của lãnh đạo Nga. Họ phòng thủ theo lối tích cực là vừa bảo vệ hậu
cứ là khu vực Muscovy nguyên thủy vừa chinh phục các vùng đất có thể là
hành lang xâm nhập vào lãnh thổ ở trung ương.
- Các Đại đế của Nga, cho tới Joseph Stalin trong thế kỷ 20, đều là
những nhà chinh phục, theo hướng bành trướng xuống miền Nam qua vùng
Caucasus và Đông Nam qua các thảo nguyên Trung Á, rồi miền Tây và Tây
Bắc vào mãi tận Âu Châu. Họ bành trướng vào các khu vực này để xây dựng
thành vùng trái độn quân sự trong mục tiêu an ninh mà tôi xin gọi là
"phòng thủ tích cực". Khi ấy, nước Nga lại gặp một mâu thuẫn khác.
Vũ Hoàng: Thưa ông, mâu thuẫn đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi bành trướng và sát nhập xứ khác, câu hỏi nêu ra là lãnh đạo Nga làm gì với cư dân bản địa?
- Người dân trong các vùng bị áp đặt làm trái độn lại thuộc các sắc
tộc, văn hóa và tôn giáo khác. Họ không dễ gì chấp nhận trở thành công
dân hạng hai dưới sự cai trị của người Nga, da trắng, theo Chính thống
giáo và coi Moscow là trung tâm quyền lực. Họ càng khó chấp nhận nếu tài
nguyên hạ đẳng là lương thực lại bị trưng thu để chở đi nuôi người dân ở
nơi khác.
- Vì vậy, nhu cầu an ninh của nước Nga mới dẫn tới một mâu thuẫn là
càng thôn tính thì càng nuốt vào bụng - chữ "thôn" này có nghĩa là
"nuốt" - những yếu tố bất ổn. Muốn bảo vệ vùng trái độn theo kiểu tự vệ
tích cực như thế, Chính quyền trung ương phải có ba điều kiện tốn kém là
thứ nhất đồn trú quân đội, thứ hai có bộ máy nội an tỏa rộng và thứ ba
là có hệ thống tình báo tràn ngập mọi nơi. Khi đối chiếu sự tốn kém ấy
với bài toán kinh tế sơ đẳng mình nói hồi nãy thì ta thấy ra vấn đề.
Giải pháp của lãnh đạo Nga vì vậy là chế độ độc tài.
- Và người dân Nga chấp nhận cái ách độc tài ấy như một điều kiện cần
thiết để tồn tại. Sau nhiều thế kỷ đã sống với độc tài, họ có một khái
niệm khác thiên hạ về tự do hay dân chủ theo kiểu phổ thông ngày nay,
xuất phát từ Âu Châu.
Chủ nghĩa cộng sản hồi sinh?
Vũ Hoàng: Ông nêu ra một ý kiến có vẻ nghịch lý là người
Nga chấp nhận mãi rồi sống với ách độc tài mà coi như điều tự nhiên.
Phải chăng vì thế mà quốc gia đầu tiên đã áp dụng chủ nghĩa cộng sản độc
tài chính là nước Nga?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mặc dù Karl Marx giải thích và tiên đoán
linh tinh về cách mạng vô sản, cuộc cách mạng đó không xuất hiện tại Anh
hay Đức là hai nước công nghiệp hoá hay tư bản tiên tiến mà xuất hiện
tại Nga chính là nhờ Lenin. Không có Lenin trong kỹ thuật tổ chức việc
cướp chính quyền rồi Stalin trong kỹ thuật cai trị theo ý thức hệ cộng
sản thì Marx chỉ là một nhà tư tưởng viễn mơ và hoang tưởng đã bị lãng
quên. Ý thức hệ cộng sản được tận dụng tại Nga vì gặp mảnh đất phì nhiêu
sẵn có của tinh thần chuyên chế. Rồi từ đó, những người Bôn Sơ Vích mới
tìm cách hợp lý hóa ý thức hệ và dựng thành một hệ thống tư tưởng có vẻ
hoàn chỉnh như hoàn toàn là của Nga trong thời Xô viết.
Vũ Hoàng: Ông dùng một chữ là "có vẻ hoàn chỉnh" phải chăng với hàm ý rằng đấy chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhân câu hỏi của ông, tôi xin được nhắc tới
một cuộc tranh luận mà các thính giả còn trẻ của chúng ta đôi khi không
biết và người lớn tuổi hơn thì đã quên.
- Hơn bốn chục năm trước, nước Nga có hai nhà bất đồng chính kiến và
đấu tranh cho dân chủ nổi tiếng nhất. Đó là nhà vật lý Andrei Sakharov
trong lĩnh vực khoa học và văn hào Alexandr Solzhenitsyn trong lĩnh vực
nhân văn. Dù cùng đấu tranh, họ lại có cái nhìn hơi khác về ý thức hệ mà
ngày nay ta nên nhắc lại thì hiểu ra động thái của ông Vladimir Putin.
- Nhà bác học Sakharov cho rằng ý thức hệ cộng sản chỉ là sự dối trá
chẳng đáng tin, tức là một hệ tư tưởng vô giá trị cho sự tiến hóa của xã
hội. Với Sakharov, Stalin gây ra nhiều tội ác vì bản chất bạo chúa độc
tài chứ không vì tuân thủ ý thức hệ cộng sản, là một tập hợp của những
lý luận ngụy biện thiếu khoa học. Ngược lại, nhà văn Solzhenitsyn lại
kết án ý thức hệ cộng sản là nô lệ hóa con người và là điều bất lợi cho
dân tộc Nga. Lý do là dù chẳng ai tin tư tưởng này thì ai ai cũng cứ làm
như người tin thật, cho nên thực tế thì vẫn bị ý thức hệ đó chi phối
trong một xã hội mà sự dối trá trở thành quy luật của đời sống. Sau khi
Liên Xô tan rã thì thì ta thấy rằng trong cách suy nghĩ tương phản của
họ, cả hai nhân vật đó đều có lý.
Vũ Hoàng: Ông giải thích thế nào về hiện tượng hai lý luận trái ngược mà đều có lý?
Chế độ dân chủ vẫn có hy vọng giải quyết khá nhất các bài toán của một quốc gia, kể cả bài toán an ninh. Ngược lại, người ta không thể cai trị đất nước bằng sự dối trá, dù là nhân danh một giai cấp hay một dân tộc. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chủ nghĩa cộng sản phá sản vì không giải
quyết được bài toán kinh tế và phát triển cho nước Nga. Trong khi đó,
chế độ Xô viết bị xuất huyết vì muốn kiểm soát một khu vực quá rộng lớn
với những giải pháp quá tốn kém và khi gặp phản ứng của các nước khác
thì càng lao vào cuộc thi đua võ trang cho tới ngày hụt hơi, kiệt quệ và
sụp đổ. Vậy mà trong hơn 70 năm, hệ tư tưởng quái đản ấy vẫn chi phối
cách sống, suy nghĩ và hành xử của nhiều người. Cho nên, cái ý thức hệ
vô giá trị này như Sakharov kết án thật ra vẫn có chức năng huy động và
kiểm soát của nó khiến nước Nga bị lụn bại như Solzhenitsyn đã than
phiền.
- Ngày nay, ta đang thấy tái diễn thảm kịch cũ khi ông Putin lại muốn
huy động và kiểm soát xã hội theo kiểu cộng sản ngày xưa. Không mấy ai
tin rằng hệ thống chính trị của Nga hiện nay là có dân chủ, mà đa số vẫn
cứ làm như có thật vì ngoài cái nạn tuyên truyền một chiều lại còn có
rủi ro bạo lực của chế độ độc tài. Cũng vậy, nhân danh chủ nghĩa dân tộc
của người Nga, đa số vẫn cho rằng sự phát triển của tinh thần dân chủ
Tây phương chỉ là âm mưu bành trướng của Âu Châu và Hoa Kỳ. Vì thế, ba
tháng biến động chính trị trong nội tình Ukraine được giải thích như
hành động cướp chính quyền của một đám phát xít với sự trợ giúp của tình
báo Tây phương. Nhiều người Nga nghĩ rằng đấy là mối nguy cho quyền lợi
của nước Nga nên trôi dần vào sự dối trá và rốt cuộc thì góp phần củng
cố chế độ độc tài. Họ rơi vào cái tôi gọi là "Hiệu ứng Hitler".
Vũ Hoàng: Xin ông giải thích cho thính giả của chúng ta hiệu ứng Hitler đó là gì.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hitler là lãnh tụ Đức quốc xã đã quá yêu
nước Đức mà dựng lên một chế độ phát xít làm nước Đức kiệt quệ và sụp đổ
vì bành trướng chiến tranh. Ông Putin cũng là người yêu nước Nga và từ
15 năm nay đang tiến tới một chế độ phát xít mới, với màu sắc và khẩu
hiệu cộng sản thì đấy cũng chỉ là tinh thần phát xít. Trong khi đó, các
nhược điểm kinh tế của Nga vẫn còn nguyên vẹn và sau vụ xâm chiếm
Georgia và Ukraine thì phản ứng của thế giới có thể làm nước Nga hụt hơi
như đã từng bị trong quá khứ. Đấy là một mâu thuẫn khác của Nga.
- Kết luận nhỏ nhoi của tôi là dù có nhiều bất toàn, chế độ dân chủ vẫn
có hy vọng giải quyết khá nhất các bài toán của một quốc gia, kể cả bài
toán an ninh. Ngược lại, người ta không thể cai trị đất nước bằng sự
dối trá, dù là nhân danh một giai cấp hay một dân tộc.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét